Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/12/2022-14:33:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 tỉnh Hậu Giang

Trong tháng, tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh tiếp tục được phục hồi và phát triển, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất, thương mại được diễn ra liên tục. Vì vậy, các chỉ tiêu kinh tế của Tỉnh tháng 11/2022 tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,41%, doanh thu bán lẻ hàng hoá và các dịch vụ tiêu dùng tăng 4,68%, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 32,83%, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá tăng 23,70%. Cụ thể kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Lúa Thu đông 2022: Hiện nay đã xuống giống được 35.361,8 ha, đạt 101,03% kế hoạch tỉnh (35.000 ha). Đã thu hoạch được 34.192,7 ha, đạt 96,69% so với diện tích đã xuống giống. Diện tích lúa còn lại chủ yếu đang ở giai đoạn trổ chín, tập trung ở huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Các giống lúa sử dụng chủ yếu thuộc 03 nhóm giống chất lượng cao như: OM5451, OM18, Đài Thơm 8, cụ thể: OM18 chiếm 54,55%, OM5451 chiếm 41,35%, Đài Thơm 8 chiếm 2,72%, còn lại các giống khác như RVT, IR50404, OM6976,… chiếm 1,38%. Giá lúa tươi tại ruộng: Giống OM5451 có giá dao động từ 5.600-5.800 đồng/kg, giống OM18 có giá dao động từ 5.700-6.000 đồng/kg (tương đương so với cùng kỳ). Trong vụ toàn tỉnh ghi nhận 1.450 ha diện tích được ký kết hợp đồng bao tiêu, chiếm khoảng 4,1% tổng diện tích gieo sạ trong vụ Thu đông, vụ Thu đông năm 2021 có 7.649 ha được ký hợp đồng bao tiêu.

Mía niên vụ 2021-2022: Hiện nay đã xuống giống dứt điểm được 3.842,2 ha, đạt 96,06% kế hoạch tỉnh (4.000 ha), giảm 23,76% (bằng 1.197,5 ha) so với cùng kỳ, diện tích mía toàn tỉnh tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Đến nay, đã thu hoạch được 3.113 ha, giá bán 1.800-2.500 đồng/kg (bán mía nước), giảm 500-700 đồng/kg so với tháng trước. Mía còn lại ở giai đoạn phân lóng đến sắp thu hoạch. Trong tháng có 23 ha nhiễm sinh vật gây hại (giảm 25 ha so với tháng trước) gồm chuột, rệp sáp, sâu đục thân, rầy đầu vàng, rỉ sắt và đốm vòng,... đa số là gây hại nhẹ trên mía giai đoạn vươn lóng phân bố ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy.

Cây ngô: Diện tích gieo trồng hơn 2.555,59 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 13,59% (bằng 402,07 ha). Năng suất đạt 62,21 tạ/ha, giảm 0,3% (bằng 0,19 tạ/ha). Sản lượng được 15.066,51 tấn, so cùng kỳ năm trước giảm 11,47% (bằng 1.951,26 tấn). Diện tích gieo trồng giảm do thay đổi mùa vụ.

Cây rau các loại: Diện tích gieo trồng 22.875,91 ha, so với năm trước tăng 8,73% (bằng 1.836,24 ha); Ước sản lượng được 268.685,46 tấn, tăng 12,69% (bằng 30.253,33 tấn). Thực hiện theo kế hoạch của ngành chức năng, người nông dân tích cực xuống giống rau màu nên diện tích gieo trồng và thu hoạch tăng mạnh so với cùng kỳ.

Một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu:

- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có ước được 3.102,15 ha, đạt 103,41% so kế hoạch năm (3.000 ha) và tăng 6,66% (bằng 193,60 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 11 tháng ước được 36.488,90 tấn, đạt 81,09% so kế hoạch năm (45.000 tấn) và tăng 10,82% (bằng 3.561,48 tấn) so với cùng kỳ. Tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.

- Cây bưởi: Diện tích hiện có ước được 1.664,14 ha, đạt 102,72% so kế hoạch năm (1.620 ha) và tăng 4,96% (bằng 78,70 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 11 tháng ước được 17.821,25 tấn, đạt 118,81% so kế hoạch năm (15.000 tấn) và tăng 7,32% (bằng 1.215,94 tấn) so với cùng kỳ, do diện tích cho trái và năng suất thu hoạch tăng khá.

- Cây mít: Diện tích hiện có ước được 9.972,29 ha, đạt 103,23% so kế hoạch năm (9.660 ha) và tăng 14,88% (bằng 1.291,62 ha) so với cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng ước 11 tháng được 94.692,18 tấn, đạt 105,21% so kế hoạch năm (90.000 tấn) và tăng 31,33% (bằng 22.587,18 tấn) so với cùng kỳ, do diện tích và năng suất thu hoạch tăng khá.

- Cây chanh không hạt: Diện tích hiện có 2.820,09 ha, đạt 113,71% so kế hoạch năm (2.480 ha) và tăng 3,04% (bằng 83,14 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng ước 11 tháng được 27.356,68 tấn, đạt 83,15% so kế hoạch năm (32.900 tấn) và tăng 6,72% (bằng 1.722,61 tấn) so với cùng kỳ, do diện tích thu hoạch và năng suất tăng.

- Cây mãng cầu: Diện tích hiện có ước 720,10 ha, đạt 96,01% so kế hoạch năm (750 ha) và tăng 4,33% (bằng 29,90 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng 11 tháng ước được 7.688,86 tấn, đạt 90,46% so kế hoạch năm (8.500 tấn) và tăng 9,34% (bằng 656,86 tấn) so với cùng kỳ, do diện tích và năng suất thu hoạch tăng.

1.1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, lực lượng thú y thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và tiêm phòng một số bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả heo, bệnh lở mồm long móng, dịch tả vịt… Đồng thời thực hiện công tác tiêu độc, sát trùng trên các chuyến xe, tàu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giám sát vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Ước tính đến tháng 11/2022, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:

- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.430 con, đạt 94,70% kế hoạch năm (1.510 con), tăng 2,22% (bằng 31 con) so với cùng kỳ. Đàn bò ước được 3.635 con, đạt 100,14% kế hoạch năm (3.630 con), tăng 3,0% (bằng 106 con) so với cùng kỳ.

- Đàn heo (tính cả heo con chưa tách mẹ): Ước được 143.746 con, đạt 106,48% kế hoạch năm (135.000 con), tăng 3,69% (bằng 5.114 con) so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt được 101.484 con, tăng 2,34% (bằng 2.322 con). Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và sản lượng. Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.

- Đàn gia cầm: Ước được 4.294,68 ngàn con, đạt 96,51% kế hoạch năm (4.450 ngàn con), tăng 3,78% (bằng 156,41 ngàn con) so với cùng kỳ. Trong đó: Đàn gà được 1.698,54 ngàn con, tăng 0,84% (bằng 14,07 ngàn con) so cùng kỳ. Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đã nuôi ổn định.

Về tình hình dịch bệnh: Ngày 29/10/2022, trên địa bàn huyện Châu Thành xảy ra 01 ổ dịch tại hộ ông Mai Văn Cưu, thuộc ấp Phú Đông, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tổng số heo mắc bệnh là 62 con heo thịt. Tổng số heo chết, tiêu hủy đến thời điểm báo cáo là 62 con với trọng lượng 1.780 kg. Đến thời điểm hiện tại dịch bệnh chỉ xảy ra tại 01 hộ chưa có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng (ngày 29/10/2022) đến nay đã qua hơn 18 ngày trên địa bàn huyện không có heo bệnh và chết do dịch bệnh.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Từ đầu năm đến nay được đảm bảo, không xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo vệ rừng: Công tác thẩm định, giám sát, kiểm tra, khai thác rừng đảm bảo đúng quy định, công tác phòng chống cháy rừng đã quán triệt và làm tốt nên diện tích rừng được bảo vệ an toàn.

Ước thực hiện 11 tháng năm 2022, số cây lâm nghiệp trồng phân tán được 1.595,88 ngàn cây, so với cùng kỳ tăng 2,41% (bằng 37,48 ngàn cây). Diện tích rừng trồng mới tập trung được 441,06 ha, tăng 2,44% (bằng 10,52 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ khai thác khoảng 15.022,84 m3, tăng 2,64% (bằng 386,84 m3). Sản lượng củi khai thác được 67.852,20 ste, tăng 1,04% (bằng 697,78 ste) so với cùng kỳ.

1.3. Thủy sản

Ước tính tháng 11/2022, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được 58,37 ha, giảm 34,93% (bằng 31,34 ha) so với cùng kỳ năm trước, do năm nay thả nuôi sớm hơn cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng năm 2022, diện tích nuôi thủy sản ước được 8.770,96 ha, đạt 101,40% so kế hoạch năm (8.650 ha) và tăng 9,06% (bằng 728,60 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Diện tích nuôi cá được 8.582,67 ha[[1]], tăng 9,12% (bằng 712,28 ha); diện tích nuôi tôm được 108,50 ha[[2]], tăng 10,58% (bằng 10,38 ha); diện tích nuôi thủy sản khác được 79,79 ha, tăng 1,19% (bằng 0,94 ha).

Ước tính tháng 11/2022, tổng sản lượng thủy sản được 6.969,64 tấn, tăng 9,73% (bằng 618,05 tấn) so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 11 tháng năm 2022 ước được 67.155,74 tấn, đạt 80,91% so kế hoạch năm (83.000 tấn) và tăng 4,52%[[3]] (bằng 2.902,92 tấn) so với cùng kỳ. Chia ra:

- Sản lượng thủy sản khai thác 11 tháng ước được 2.391,71 tấn, đạt 88,58% so kế hoạch năm (2.700 tấn) và giảm 1,27% (bằng 30,75 tấn) so cùng kỳ. Do nguồn lợi thủy sản khai thác nội địa từ tự nhiên đang có chiều hướng giảm.

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng 11 tháng ước được 64.764,03 tấn, đạt 80,65% so kế hoạch năm (80.300 tấn) và tăng 4,74% (bằng 2.933,67 tấn) so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá thát lát thu hoạch được 3.976,69 tấn, tăng 22,52% (bằng 730,95 tấn) so cùng kỳ, sản lượng lươn thu hoạch được 703,63 tấn, tăng 8,00% (bằng 52,10 tấn) so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Ước thực hiện tháng 11/2022, giá trị sản xuất công nghiệp:

- Tính theo giá so sánh 2010, được 3.068,35 tỷ đồng, tăng 4,08% so với tháng trước và tăng 29,24% so với cùng kỳ năm trước.

- Tính theo giá hiện hành, được 5.144,97 tỷ đồng, tăng 6,50% so với tháng trước và tăng 32,67% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 79,93% trong tổng giá trị toàn ngành và phát triển bền vững trong thời gian vừa qua là do các chính sách ưu đãi thuế, chính sách giải quyết các thủ tục hành chính tinh gọn của các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền, cộng thêm gói vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 của Chính Phủ và quan trọng nhất là dự án các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang đang trong giai đoạn đầu tư - xây dựng, nên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Nhất là các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Ngành sản xuất bao bì bằng giấy; ngành sản xuất nguyên liệu thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản; sản xuất, gia công một số công đoạn giày dép, quần áo; sơn tỉnh điện; kỹ nghệ hàng, … Vì vậy, ngành công nghiệp Hậu Giang có xu hướng phát triển bền vững trong những tháng tiếp theo.

Ước thực hiện 11 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp:

- Tính theo giá so sánh 2010, được 31.278,28 tỷ đồng, tăng 21,15% so với cùng kỳ năm trước và đạt 92,09% so với kế hoạch năm.

- Tính theo giá hiện hành, được 48.416,17 tỷ đồng, tăng 29,31% so với cùng kỳ năm trước và đạt 94,41% so với kế hoạch năm. Trong đó:

+ Khu vực kinh tế nhà nước, có 2 doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất 5.420,32 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,20% trong toàn ngành và tăng rất cao so với cùng kỳ.

+ Khu vực kinh tế tư nhân, có 225 doanh nghiệp và trên 4.237 cơ sở cá thể công nghiệp, đóng góp giá trị sản xuất 32.416,24 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66,95% trong toàn ngành và tăng 18,55% so với cùng kỳ;

+ Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 10 doanh nghiệp và đóng góp giá trị sản xuất 10.579,61 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,85% trong toàn ngành và tăng 6,87% so với cùng kỳ.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có trên 237 doanh nghiệp, Trong đó, khoảng 15 doanh nghiệp có giá trị sản xuất trên 500 tỷ đồng/năm trở lên, chiếm tỷ trọng 6,33% về số lượng doanh nghiệp và chiếm tỷ trọng khoảng 69,80% về giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động sản xuất có hiệu quả, tăng sản lượng sản xuất so với cùng kỳ như: Công ty CP Thủy sản Minh Phú-Hậu Giang; Công ty hải sản Việt Hải; Công ty CP thức ăn chăn nuôi RICO Hậu Giang; Công ty TNHH Number One Hậu Giang; Công ty TNHH MTV Masan HG; Công ty TNHH Lạc Tỷ II; Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ - Hậu Giang; Công ty TNHH MTV bê tông HAMACO Hậu Giang và Chi nhánh tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 (đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động chính thức sau thời gian chạy thử, từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 đến nay). Tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trên đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp chung của toàn tỉnh trên 29.314,24 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 75,85% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng trên 60,55% trong toàn ngành và đóng góp 34,02 điểm phần trăm vào mức tăng chung của tỉnh trong 11 tháng năm 2022. Vì vậy, đã làm giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Dự tính tháng 11/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,03% so với tháng trước và tăng 8,41% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,16% so với tháng trước và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 27,51% so với tháng trước và tăng rất cao so với cùng kỳ (Nguyên nhân do ngày 01/6/2022, các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I chính thức vận hành thương mại và theo nhu cầu thực tế, nên dự tính sản lượng điện sản xuất tháng 11 đạt 405 triệu kwh, tăng 29,81% so với tháng trước); cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 4,44% so với tháng trước và tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh, duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất tháng 11 tăng so với cùng kỳ năm trước như: Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản tăng 4,09%; sản xuất và bảo quản rau quả tăng 16,08%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 51,05%; sản xuất đồ uống tăng 15,26%; sản xuất trang phục tăng 66,23%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 78,78%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 191,53%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 45,01%; sản xuất và phân phối điện tăng 1.807,81%,… Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp do ảnh hưởng giá xăng, dầu và nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng giá, nên chỉ số sản xuất một số ngành giảm nhẹ so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 8,44%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 27,44%, ... nhưng các ngành trên chiếm tỷ trọng không nhiều trong toàn ngành. Vì vậy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh tháng 11 tăng so với cùng kỳ.

Dự tính 11 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,27% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều mức tăng 4,36% của 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn, trên 87,77% trong toàn ngành và tăng 11,94% so với cùng kỳ (cao hơn mức tăng 4,34% của 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 983,50% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với mức tăng 6,28% của 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,56% so với cùng kỳ, nên làm chỉ số sản xuất công nghiệp chung của toàn tỉnh tăng cao so với cùng kỳ.

Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh so với cùng kỳ như sau:

- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 18,48% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành tăng cao như: Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thủy sản (chiếm tỷ trọng trên 68,22% trong ngành chế biến thực phẩm) tăng 22,65% so với cùng kỳ (Nguyên nhân là do Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, doanh nghiệp tuyển thêm lao động, tăng sản lượng sản xuất và ký được nhiều hợp đồng mới từ các nước như: Mỹ, Nhật,… nên làm chỉ số sản xuất ngành này tăng so với cùng kỳ); chế biến và bảo quản rau quả tăng 16,58%; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản tăng 30,49% so với cùng kỳ,... Vì vậy, đã làm chỉ số sản xuất ngành chế biến thực phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước.

- Sản xuất đồ uống tăng 31,82% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do Công ty TNHH MTV Masan HG với sản phẩm chính là nước uống có hương vị cà phê (Wake up 247), đi vào hoạt động ổn định từ giữa năm 2021 đến nay, sản lượng sản xuất 11 tháng năm 2022 được 61,88 triệu lít, tăng 12,45% so với cùng kỳ.

- Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 27,18% so với cùng kỳ. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong ngành này, đóng góp trên 4.471,49 tỷ đồng (theo giá hiện hành) trong 11 tháng năm 2022, trong những tháng vừa qua các doanh nghiệp trên đã nhận được những hợp đồng sản xuất giày thể thao có chất lượng cao, đã làm giá trị sản phẩm tăng từ 25% đến 30% so với cùng kỳ.

- Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 983,50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng rất cao so với cùng kỳ là do các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I chạy thử từ tháng 01/2022 đến tháng 5/2022 và chính thức vận hành thương mại và theo nhu cầu thực tế của thị trường từ tháng 6/2022 đến nay, nên dự tính sản lượng điện sản xuất 11 tháng đạt 2,26 tỷ kwh. Vì vậy, đã làm tăng đột biến chỉ số ngành này so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình sử dụng lao động: Tính đến thời điểm 01/11/2022, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 50,79% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng tăng 29,89% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 38,99%; sản xuất đồ uống tăng 50,05%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 33,73%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 59,43%; sản xuất và phân phối điện tăng 73,04%, ... Vì vậy, chỉ số sử dụng lao động chung của toàn tỉnh trong 11 tháng năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 11/2022, toàn tỉnh có 80 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 425,23 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng gấp 40% về số doanh nghiệp và tăng 70% về số vốn); số doanh nghiệp gặp khó khăn đăng ký tạm ngừng hoạt động là 13 doanh nghiệp, tổng vốn là 93 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 8,3% về số doanh nghiệp, tăng 198% về vốn). Trong tháng không có doanh nghiệp đăng ký giải thể và có 15 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại.

Tính chung 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 843 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 5.116,38 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 71% về số doanh nghiệp và tăng 66% về vốn); số doanh nghiệp gặp khó khăn đăng ký tạm ngừng hoạt động là 198 doanh nghiệp, với tổng vốn 1.149,27 tỷ đồng (so với cùng kỳ giảm 70% về số doanh nghiệp, tăng 126% về vốn); số doanh nghiệp đăng ký thủ tục giải thể là 119 doanh nghiệp, với tổng số vốn là 144,52 tỷ đồng (so với cùng kỳ tăng 101% về số doanh nghiệp, tăng 203% về vốn). Nguyên nhân chủ yếu các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt đồng và giải thể là do kinh doanh không hiệu quả.

4. Vốn đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 19.135,03 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:

- Vốn ngân sách nhà nước 3.284,43 tỷ đồng.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn 1.050,60 tỷ đồng.

- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 14.800 tỷ đồng.

Ước tính tháng 11/2022, vốn đầu tư thực hiện được 1.585,13 tỷ đồng, bằng 103,54%[4] so với tháng trước và bằng 116,50% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra:

- Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 375,78 tỷ đồng, bằng 104,16% so với tháng tr­ước và bằng 107,22% so với cùng kỳ năm trước.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà n­ước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 120,50 tỷ đồng, bằng 109,10% so với tháng tr­ước và bằng 124,38% so với cùng kỳ năm trước.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 1.088,85 tỷ đồng, bằng 102,74% so với tháng tr­ước và bằng 119,22% so với cùng kỳ năm trước.

Ước thực hiện 11 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 17.966,55 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 112,84% và đạt 93,89% so với kế hoạch năm. Chia ra:

- Vốn ngân sách nhà n­ước thực hiện được 2.957,74 tỷ đồng, bằng 135,03% so với cùng kỳ năm trước và đạt 90,05% so với kế hoạch năm.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 933,41 tỷ đồng, bằng 88,05% so với cùng kỳ năm trước và đạt 88,85% so với kế hoạch năm.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 14.075,40 tỷ đồng, bằng 111,08% so với cùng kỳ năm trước và đạt 95,10% so với kế hoạch năm.

5. Tài chính, tín dụng

5.1. Tài chính

Ước tổng thu Ngân sách nhà nước tháng 11/2022 được 715,45 tỷ đồng, luỹ kế được 11.954,57 tỷ đồng, đạt 136,71% dự toán Trung ương, đạt 101,53% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó:

- Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn được 406,67 tỷ đồng, luỹ kế được 5.667,55 tỷ đồng, đạt 124,78% dự toán Trung ương, đạt 118,07% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bao gồm: Thu nội địa được 350 tỷ đồng, luỹ kế được 5.044,16 tỷ đồng, đạt 124,79% dự toán Trung ương và đạt 117,31% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu được 56,67 tỷ đồng, luỹ kế được 623,39 tỷ đồng, đạt 124,68% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Trung ương trợ cấp được 314,26 tỷ đồng, luỹ kế được 3.880,72 tỷ đồng, đạt 92,35% dự toán Trung ương, đạt 89,22% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ước tổng chi Ngân sách địa phương tháng 11/2022 được 696,59 tỷ đồng, luỹ kế được 7.756,35 tỷ đồng, đạt 100,46% dự toán Trung ương giao, đạt 72,31% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Chi xây dựng cơ bản được 356,20 tỷ đồng, luỹ kế được 3.918,22 tỷ đồng, đạt 121,21% dự toán Trung ương giao, đạt 80,89% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Chi thường xuyên được 340,39 tỷ đồng, luỹ kế được 3.744,26 tỷ đồng, đạt 85,81% dự toán Trung ương giao, đạt 67,30% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

5.2. Tín dụng ngân hàng

Đến ngày 31/10/2022, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 19.024 tỷ đồng, tăng trưởng 11,69% so với cuối năm 2021. Vốn huy động đáp ứng được 56,33% cho hoạt động tín dụng. Huy động đối với kỳ hạn dưới 12 tháng đạt 9.785 tỷ đồng (chiếm 51,44% tổng huy động), kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đạt 9.239 tỷ đồng (chiếm 48,56% tổng huy động). Hiện, lãi suất không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,5-1,0%/năm; lãi suất từ 01 tháng đến dưới 06 tháng phổ biến từ mức 5,5-6,0%/năm; lãi suất từ 06 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 6,0-7,4%/năm; lãi suất từ 12 tháng trở lên phổ biến từ 6,4-8,2%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 11/2022, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 19.143 tỷ đồng, tăng trưởng 12,39% so với cuối năm 2021.

Đến ngày 31/10/2022, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 33.770 tỷ đồng, tăng trưởng 14,24% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 17.265 tỷ đồng (chiếm 51,12% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trung, dài hạn là 16.505 tỷ đồng (chiếm 48,88% tổng dư nợ). Đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay luôn được giữ ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức 5,5%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 9,0 - 12,5%/năm; trung, dài hạn từ 11,5 - 16%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 11/2022, dư nợ đạt 33.839 tỷ đồng, tăng trưởng 14,48% so với cuối năm 2021.

Nợ quá hạn đến cuối tháng 10/2022 là 851 tỷ đồng, chiếm 2,52%/tổng dư nợ; nợ xấu là 420 tỷ đồng, chiếm 1,24%/tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 431 tỷ đồng, chiếm 50,65%/tổng nợ quá hạn. Ước thực hiện đến cuối tháng 11/2022, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra (thấp hơn 3%/tổng dư nợ).

Một số chương trình tín dụng trọng điểm theo Chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính quyền địa phương đạt được kết quả sau:

- Cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ 2.413 tỷ đồng, tăng trưởng 9,14% so với cuối năm 2021.

- Cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ 3.718 tỷ đồng, tăng trưởng 2,48% so với cuối năm 2021, với 1.558 hộ dân và 11 doanh nghiệp còn dư nợ; nợ xấu 16 tỷ đồng, chiếm 0,43%.

- Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 68/QĐ-TTg dư nợ 16,01 tỷ đồng, giảm 26,79% so với cuối năm 2021.

- Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP dư nợ 27,91 tỷ đồng, giảm 21,69% so với cuối năm 2021, với 215 cá nhân còn dư nợ.

- Chương trình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN dư nợ 135 tỷ đồng, với 339 khách hàng được hỗ trợ.

- Các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 3.306 tỷ đồng, tăng trưởng 12,07% với cuối năm 2021.

- Cho vay lĩnh vực kinh tế tập thể dư nợ 255 tỷ đồng, tăng trưởng 47,40% so với cuối năm 2021, với 39 hợp tác xã và 506 tổ hợp tác còn dư nợ.

- Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp có doanh số cho vay đạt 14.092 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.055 tỷ đồng, tăng trưởng 19,65% so với cuối năm 2021, với 428 doanh nghiệp được tiếp cận vốn.

- Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn dư nợ 21.322 tỷ đồng, tăng trưởng 6,39% so với cuối năm 2021, chiếm 65,39%/tổng dư nợ.

- Cho vay xây dựng nông thôn mới toàn địa bàn dư nợ 12.289 tỷ đồng, tăng trưởng 9,93% so với cuối năm 2021, với 154.680 hộ dân, 158 doanh nghiệp và 23 Hợp tác xã còn dư nợ.

- Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Lũy kế từ 23/01/2020 đến nay, toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ: nợ gốc 2.742 tỷ đồng, nợ lãi 51,43 tỷ đồng, số khách hàng là 1.148 khách hàng; tổng giá trị nợ được miễn, giảm lãi 172 tỷ đồng, 301 khách hàng, số tiền lãi được miễn, giảm là 0,78 tỷ đồng; doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay là 10.115 tỷ đồng.

- Kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh có dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất 2.500 tỷ đồng, 06 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng lũy kế từ khi thực hiện đến nay là 7,76 tỷ đồng.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động kinh doanh thương mại của các tiểu thương trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng sôi động. Giá các loại hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu được các ngành chức năng điều hành ổn định không để tăng đột biến, khối lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường trở nên dồi dào hơn. Trong tháng cũng ghi nhận các hoạt động sự kiện hội chợ được tổ chức nhằm kích thích tiêu dùng, dần về cuối năm một số các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, … bắt đầu đưa ra các chương trình khuyến mãi để giải phóng hàng tồn kho, đã thu hút và thúc đẩy nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.

Vì vậy, ước tính tháng 11/2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác thực hiện được 4.101,79 tỷ đồng, so với tháng trước tăng nhẹ 2,57% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,68%. Tốc độ tăng của ngành thương mại và dịch vụ có phần chậm lại so với tháng 10 (tháng 10 tăng 11,65%). Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 3.033,60 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 4,18% và so với cùng kỳ tăng 0,19%. Hoạt động bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn và là động lực chính phát triển của ngành thương mại, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các nhóm ngành hàng quan trọng đóng góp chính cho sự tăng trưởng của ngành bán lẻ đều có mức tăng trong tháng như: Nhóm lương thực thực phẩm tăng 2,58%, đây là nhóm hàng thiết yếu nên có tốc độ tăng ổn định và không cao; hàng may mặc tăng 8,09%; xăng dầu tăng 49,88% tốc độ tăng đã giảm nhiều so với các tháng trước, do giá xăng đã dần ổn định qua các kỳ điều chỉnh; vàng và các kim loại quý khác tăng 6,73%, mặt hàng đặc biệt này thời gian qua có nhiều biến động nhưng vẫn ở mức giá giao dịch tăng trên thị trường.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thực hiện được 595,91 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 103,29% và so với cùng kỳ năm trước bằng 104,58%. Trong đó: Dịch vụ lưu trú thực hiện được 8,70 tỷ đồng, so tháng trước bằng 106,73% và so cùng kỳ bằng 81,98%; dịch vụ ăn uống thực hiện được 587,21 tỷ đồng, so tháng trước bằng 103,24% và so cùng kỳ bằng 105,01%.

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) thực hiện được 472,28 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 7,47% và so với cùng kỳ năm trước tăng 47,25%. Nguyên nhân cùng kỳ năm 2021 còn ảnh hưởng của dịch bệnh, giá trị doanh thu hoạt động xổ số đạt thấp, đến tháng 11/2022 dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động xổ số hồi phục mạnh và có giá trị doanh thu cao qua các kỳ mở thưởng.

Ước tính 11 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các loại hình dịch vụ khác thực hiện được 46.530,37 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,59% và so với kế hoạch năm đạt 108,21%. Trong đó, hoạt động bán lẻ là ngành có đóng góp nhiều nhất vào sự tăng trưởng chung, đóng góp 75,53%, dịch vụ lưu trú, ăn uống đóng góp 13,96%, dịch vụ tiêu dùng khác 10,51%. Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 35.146,22 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,15%. Tổng quan, doanh thu bán lẻ tính chung 11 tháng vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định, các mặt hàng chủ lực như: xăng dầu, lượng thực thực phẩm, may mặc, vàng có mức tăng lần lượt 90,45%, 18,29%, 7,06%, 8,52% so với cùng kỳ năm 2021, vẫn là những mặt hàng chính đóng góp vào sự tăng trưởng chung của hoạt động bán lẻ. Với mức tăng chung 17,15% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất từ năm 2019 trở lại đây, năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 cũng chỉ tăng 4,72%.

- Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống thực hiện được 6.493,45 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 18,96%. Hoạt động dịch vụ ăn uống qua hơn 11 tháng tiếp tục có mức tăng trưởng dương, đang trên đà hồi phục mạnh sau thời điểm dịch bệnh cùng kỳ năm 2021. Hoạt động lưu trú trong các tháng trở lại đây đang cho thấy có dấu hiệu khởi sắc, giá trị doanh thu tăng dần trong những tháng cuối năm nhưng giá trị 11 tháng vẫn còn đang giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do có ít lượng khách du lịch đến tham quan và lưu trú sau dịch. Các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ vẫn còn ít khách. Giá trị các tháng đầu năm 2021 thời điểm chưa bùng phát dịch mạnh, chưa giãn cách xã hội doanh thu lưu trú phát triển ở mức cao. Cụ thể: Dịch vụ lưu trú thực hiện được 87,71 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 88,01%; dịch vụ ăn uống thực hiện được 6.405,74 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 119,53%.

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) được 4.890,70 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 74,12%. Nhìn chung, hầu hết doanh thu các ngành dịch vụ đều đã có mức tăng trưởng cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm 2021. Dịch vụ nghệ thuật vui chơi và giải trí có mức tăng cao nhất, tăng 90,53%, thấp nhất là các dịch vụ sữa chữa đồ dùng, dịch vụ phục vụ cá nhân và gia đình, hoạt động các ngành này mang tính nhỏ lẻ nên có sự hồi phục chậm và so với cùng kỳ có mức tăng chưa cao, chỉ tăng 13,21%.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Ước thực hiện tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 99,90 triệu USD, so với tháng trước bằng 47,40% và so với cùng kỳ năm trước bằng 123,70%. Trong đó:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 76,03 triệu USD, so với tháng trước bằng 42,98% và so với cùng kỳ năm trước bằng 172,06%. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng thủy sản, sau khi thanh toán xong các giá trị hợp đồng các tháng đầu năm và vừa ký kết các hợp đồng xuất khẩu lớn trong tháng 10 thì hoạt động xuất khẩu trong tháng 11 của doanh nghiệp sẽ ổn định trở lại. Vì vậy giá trị xuất khẩu giảm so với tháng trước.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 23,87 triệu USD, so với tháng trước bằng 70,45% và so với cùng kỳ năm trước bằng 65,26%. Giảm chủ yếu ở các nhóm hàng: hàng hóa khác giảm 77,44%, giấy các loại giảm 5,31%, sữa và các sản phẩm từ sữa giảm 81,31% so với tháng trước.

Ước thực hiện 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 1.147,47 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 132,19% và so với kế hoạch năm đạt 108,46%. Trong đó:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 773,97 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 153,02% và so với kế hoạch năm vượt 7,95%.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 334,48 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 104,04% và so với kế hoạch năm vượt 15,34%.

- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 0,91 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 162,17% và so với kế hoạch năm đạt 91,30%. Hiện nay, trên địa bàn chỉ còn duy nhất Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex có giá trị ủy thác xuất khẩu.

- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 38,11 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 93,77% và so với kế hoạch năm đạt 76,21%.

6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Trong tháng tình hình thời tiết không thuận lợi mưa nhiều, triều cường dâng cao nhưng không gây ảnh hưởng nhiều. Các cơ sở vận tải vẫn hoạt động hiệu quả và tiếp tục có mức tăng trưởng tích cực so với tháng 10. Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy cùng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logictis, kho bãi tiếp tục có bước tăng doanh thu cao. Bên cạnh đó, giá xăng dầu được ổn định dần sau các kỳ điều chỉnh không tăng/giảm đột biến như trước đã tạo thuận lợi hơn cho các cơ sở sở cá thể kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa hoạt động ổn định, tạo ra nhiều giá trị doanh thu và có mức tăng đáng kể.

Ước tính tháng 11/2022, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi thực hiện được 137,31 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 5,91% và so với cùng kỳ năm trước tăng 32,83%. Trong đó:

- Doanh thu đường bộ thực hiện được 86,62 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 106,09% và so với cùng kỳ năm trước bằng 164,00%.

- Doanh thu đường thủy thực hiện được 30,04 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 105,62% và so với cùng kỳ năm trước bằng 145,53%.

- Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 20,65 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 105,55% và so với cùng kỳ năm trước bằng 69,03%.

Ước tính 11 tháng năm 2022, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi thực hiện được 1.294,02 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 126,61%. Trong đó:

- Doanh thu đường bộ thực hiện được 785,06 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 170,02%.

- Doanh thu đường thủy thực hiện được 300,41 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 111,39%.

- Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 208,55 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 71,75%.

6.3.1. Vận chuyển - luân chuyển hàng hóa

Ước thực hiện tháng 11/2022, toàn tỉnh vận chuyển được 601,82 nghìn tấn hàng hóa các loại (56.925,98 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 106,07% (106,70%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 171,71% (171,05%). Trong đó:

- Đường bộ thực hiện được 168,25 nghìn tấn (19.400,39 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 105,56% (107,90%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 209,37% (222,37%).

- Đường sông thực hiện được 433,58 nghìn tấn (37.525,59 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 106,28% (106,09%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 160,51% (152,82%).

Ước thực hiện 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh vận chuyển được 5.924,17 nghìn tấn hàng hóa các loại (555.003,53 nghìn tấn.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 130,27% (143,79%). Trong đó:

- Đường bộ thực hiện được 1.756,87 nghìn tấn (169.059,87 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 189,42% (182,34%).

- Đường sông thực hiện được 4.167,31 nghìn tấn (385.943,66 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 115,11% (131,61%).

6.3.2. Vận chuyển - luân chuyển hành khách

Ước thực hiện tháng 11/2022, toàn tỉnh thực hiện được 3.104,51 nghìn lượt hành khách (49.835,14 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 103,71% (105,39%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 123,44% (110,04%). Trong đó:

- Đường bộ vận chuyển được 840,09 nghìn lượt hành khách (41.707,83 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 104,30% (104,40%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 114,20% (111,67%).

- Đường sông vận chuyển được 2.264,42 nghìn lượt hành khách (8.127,31 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 103,49% (110,77%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 127,25% (102,36%).

Ước thực hiện 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh thực hiện được 30.435,85 nghìn lượt hành khách (556.432,86 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 114,35% (128,66%). Trong đó:

- Đường bộ vận chuyển được 9.427,46 nghìn lượt hành khách (473.763,97 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 144,31% (141,08%).

- Đường sông vận chuyển được 21.008,39 nghìn lượt hành khách (82.668,89 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 104,61% (85,50%).

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung chủ yếu vào hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:

- Giáo dục tiểu học - mầm non: Tổ chức Hội thảo - tập huấn Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025 và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; tổ chức hội thảo, chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ giáo viên cốt cán các huyện, thị xã, thành phố cấp tiểu học; tổ chức tập huấn thiết kế bài học hiệu quả dành cho giáo viên tiểu học.

- Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên: Tổ chức phần thi tiết dạy và tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi THCS, THPT, GDTX cấp tỉnh năm học 2022-2023; chỉ đạo các trường thực hiện bồi dưỡng Đội tuyển học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023.

7.2. Văn hóa, thể thao

Toàn hệ thống Trung tâm Văn hóa tuyên truyền ý nghĩa các ngày lễ của đất nước, các nhiệm vụ chính trị, các công tác trọng tâm của địa phương theo chỉ đạo như: 70 năm Chiến thắng Tây Bắc; 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; tuyên truyền hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang,… Kết quả: In, treo 1.360 m2 pa nô, treo 1.000 cờ các loại, 80 băng rôn. Các Đội tuyên truyền lưu động xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, tổ chức phục vụ nhân dân với 92 buổi biểu diễn, phục vụ 67.410 lượt người xem, tổ chức 92 buổi phóng thanh.

Hoạt động thư viện: Tổ chức phục vụ sách xe Thư viện lưu động tại 08 điểm trường học thuộc huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ, thu hút khoảng 3.475 lượt học sinh tham gia. Đảm bảo giờ mở cửa phục vụ bạn đọc hàng ngày trong giờ hành chính, đảm bảo nguyên tắc 2K+ để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đơn vị kết hợp phục vụ bạn đọc thông qua website Thư viện, trong tháng 11/2022 phục vụ 16.165 lượt người truy cập (nâng tổng số lên 157.176 lượt) tra cứu và đọc sách với 32.330 lượt sách (nâng tổng số lên 314.352 lượt).

Hoạt động bảo tồn - bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa: Triển lãm 07 cuộc phục vụ các sự kiện: Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2022-2027; Tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Ban thường vụ, ban chấp hành Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ, đảng viên các cơ quan khối đảng trên địa bàn tỉnh… với chuyên đề “Thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Quốc phòng an ninh tỉnh Hậu Giang năm 2021”. Tiếp tục sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử: Căn cứ Khu ủy, Quân khu ủy khu 9 và nơi ở thời niên thiếu của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Hậu Giang. Tiếp 13 đoàn khách tham quan tại các di tích Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Đền thờ Bác Hồ; Chiến thắng Tầm Vu; Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ Tiểu đoàn Tây Đô,....

Sự nghiệp thể dục thể thao: Tham gia Ngày hội VHTTDL đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng năm 2022, gồm 04 môn: Kéo co, Đẩy gậy, Đua ghe ngo và Việt dã. Kết quả đạt: 07 Huy chương vàng, 03 Huy chương bạc, 05 Huy chương đồng. Cử vận động viên đội Judo đi tập huấn tại Trung tâm Thể dục thể thao thành phố Cần Thơ và đội Vovinam đi tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh.

7.3. Lao động và an sinh xã hội

Trong tháng, tạo và giải quyết việc làm mới cho 1.403 (16.316)/15.000 lao động, đạt 108,78% kế hoạch năm.

Công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp: Thực hiện thỏa thuận và giao kết hợp đồng hỗ trợ tuyển dụng lao động đối với 06 (32) lượt doanh nghiệp. Tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn đã hỗ trợ giới thiệu, cung ứng được 214 (6.333) lao động.

Công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng: Trong tháng đã hỗ trợ đưa 11 (320)/346 lao động, đạt 92,48% kế hoạch năm. Tư vấn thông tin xuất khẩu lao động cho 22 người có nhu cầu tham gia thị trường lao động ngoài nước.

Lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp: Từ đầu năm đến nay, tuyển sinh đào tạo nghề được 7.746/6.500 người, đạt 119,17% kế hoạch năm. Trong đó, Cao đẳng 190 người, Trung cấp 326 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 7.230 người. Triển khai thực hiện các lớp đào tạo nghề cho người lao động gắn với nhu cầu doanh nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia với 151 lớp, 3.745 người tham dự.

Lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 227 (1.679) hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 146(1.895) hồ sơ. Trong đó, đạt 201(1.755) hồ sơ, không đạt 13(127) hồ sơ. Còn 24 hồ sơ đang trong thời gian xem xét, giải quyết. Khảo sát hiện trạng nhà ở đối với 30 trường hợp người có công với cách mạng trên địa bàn thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp.

Lĩnh vực Bảo trợ xã hội và Giảm nghèo: Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 36.613 (390.789 lượt) đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 19.312,56 (222.902,85) triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 182 (2.338) trường hợp với số tiền 1.310,4 (16.833,6) triệu đồng; hỗ trợ khẩn cấp cho 10 (256) trường hợp với số tiền 208 (5.188) triệu đồng.

Lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội: Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nội bộ và ra dân được 46 (578) cuộc, với 938 (17.744) lượt người tham dự. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội qua hình thức phát thanh được 34 (463) cuộc, với 252 (3.322) phút tuyên truyền. Ban Chỉ đạo 138 các cấp đã tổ chức kiểm tra được 29 (139) cuộc, với 47 (257) lượt cơ sở, qua kiểm tra cho cam kết, nhắc nhở 12,(77) cơ sở. Tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tại thời điểm báo cáo là 1.675 người; số người nghiện đang có mặt tại cơ sở cai nghiện là 95 người.

7.4. Y tế

Trong tháng, có 244 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, tăng 58 ca so với tháng trước, cộng dồn là 985 ca, tăng 930 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 143 ca mắc mới, tăng 50 ca so với tháng trước, cộng dồn là 682 ca, tăng 295 ca so với cùng kỳ; bệnh sởi, bệnh dịch lạ, bệnh viêm gan do vi vút, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn.

Tình hình dịch Covid-19:

- Số nhiễm trong tháng (tính đến ngày 13/11/2022) là 36 người (giảm 57 người so với tháng trước), số tử vong trong tháng là 00 người. Tính từ đầu đợt dịch (ngày 08/7/2021) đến 18 giờ ngày13/11/2022 tỉnh Hậu Giang có 53.029 người mắc, điều trị khỏi 52.706, chuyển viện 02 người, số người tử vong 311 người, hiện đang điều trị là 10 người (điều trị tại nhà 06 người). Hiện tại các Bệnh viện/Trung tâm Y tế đang triển khai khoa điều trị người nhiễm Covid-19.

- Tính đến ngày 14/11/2022 tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 2.179.628 liều. Trong đó có 534.384 người người từ 18 tuổi trở tiêm mũi 1 (đạt tỷ lệ 100,3%) trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 18 tuổi trở lên nằm trong độ tuổi tiêm chủng, 520.868 người người từ 18 tuổi trở đã tiêm đủ 2 mũi (đạt 97,62%), 156.572 liều tiêm bổ sung, 420.715 liều tiêm nhắc lần 1 (trên 18 tuổi) đạt 78,47% và 183.985 liều tiêm nhắc lần 2 (trên 18 tuổi) đạt 79,21%; 74.057 trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm vắc xin mũi 1 (đạt 102,9%), 73.129 trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm mũi 2 (đạt 98,75%), 56.952 trẻ tiêm nhắc lần 1 (đạt 79,12%); 87.034 trẻ em từ 05-11 tuổi tiêm vắc xin mũi 1 (đạt 99,88%), 71.932 trẻ em từ 05-11 tuổi tiêm vắc xin mũi 2 (đạt 82,55%).

Chương trình tiêm chủng mở rộng: Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ trong tháng là 00 trẻ, cộng dồn là 7.820 trẻ, đạt 72,2%; Tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 00 trẻ, cộng dồn là 9.688 trẻ, đạt 85,1%; Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 780 thai phụ, cộng dồn là 9.978 thai phụ, đạt 92,1%.

Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 09 ca, cộng dồn là 56 ca (giảm 06 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.926 ca; số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng 00 ca, cộng dồn là 00 ca (giảm 08 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.048 ca. Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng 00 ca, cộng dồn là 00 ca (giảm10 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 615 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone là 58 người, tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 957 người.

Kết quả thực hiện khám chữa bệnh đến tháng 11/2022: Tổng số lần khám là 131.895 lượt, cộng dồn là 1.244.185 lượt, đạt 103,12% kế hoạch, giảm 12,53% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 10.885 lượt, cộng dồn là 84.104 lượt, đạt 62,54% kế hoạch, giảm 1,03% so với cùng kỳ. Số ngày điều trị trung bình là 6,43 ngày, tăng 0,54 ngày so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 5.023 trường hợp, giảm 63 trường hợp so với cùng kỳ.

7.5. Tai nạn giao thông

Trong tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 03 người, bị thương 01 người. So với tháng 10/2022, số vụ tương đương, số người chết tương đương và số người bị thương giảm 02 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ giảm 05 vụ, số người chết giảm 05 người và số người bị thương giảm 02 người. Nguyên nhân do không chú ý quan sát là 02 vụ; đi không đúng phần đường là 01 vụ và lỗi hỗn hợp là 01 vụ.

Tính chung 11 tháng năm 2022 (từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/11/2022), toàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 53 người, bị thương 11 người. So cùng kỳ năm 2021, số vụ tăng 04 vụ, số người chết tăng 09 người và số người bị thương giảm 07 người.

7.6. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay là 4.024 triệu đồng, giảm 1.474,50 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể:

- Sạt lở: Trong tháng xảy ra 01 vụ, với diện tích mất đất là 24m2 (dài 8m, rộng 3m), so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021 tăng 01 vụ. Lũy kế từ đầu năm đến nay xảy ra 18 trường hợp sạt lở, không có trường hợp nhà bị cuốn trôi, diện tích mất đất là 2.858m2, ước tổng thiệt hại 2.070 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 12 vụ (diện tích mất đất giảm 1.599m2 và ước giá trị thiệt hại giảm 384 triệu đồng).

- Mưa lớn, dông lốc: Trong tháng không xảy ra dông lốc, so với tháng trước, có 1 vụ dông lốc làm tốc mái 01 căn nhà, ước thiệt hại 20 triệu đồng, so với cùng kỳ năm 2021, xảy ra 01 vụ dông lốc làm sập 01 căn nhà ước thiệt hại 20 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay sập 15 căn nhà, tốc mái 64 căn nhà và 02 phòng của Ban giám hiệu, ngã 01 trụ viễn thông, tốc mái 01 trụ sở UBND xã, ước thiệt hại 1.954 triệu đồng. Cùng kỳ năm 2021, xảy ra 05 vụ, làm sập 15 căn nhà, tốc mái 65 căn nhà và 01 nhà kho, ước giá trị thiệt hại 3.044,50 triệu đồng.

Trong tháng, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra môi trường đã kiểm tra một số đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhưng không phát hiện vi phạm, chỉ xử lý phạt cảnh cáo 04 vụ vi phạm của tháng trước về vận chuyển, chôn, lắp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại, không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. So với cùng kỳ, số vụ vi phạm giảm 07 vụ, xử lý giảm 02 vụ, không có số tiền xử phạt (tháng 11 năm 2021, phát hiện vi phạm môi trường 07 vụ, xử lý 06 vụ, không có số tiền xử phạt). Tích lũy từ đầu năm, số vụ vi phạm môi trường phát hiện là 50 vụ, xử lý 50 vụ, với số tiền xử phạt là 591 triệu đồng, chủ yếu là vi phạm về an toàn thực phẩm, xả nước thải, khí thải vượt chuẩn cho phép và vi phạm quy định về vệ sinh thú y; vi phạm về thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và vi phạm về vận chuyển, chôn, lắp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại, không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 01 vụ, xử lý tăng 03 vụ, số tiền xử phạt giảm 127 triệu đồng (năm 2021, số vụ vi phạm môi trường phát hiện 51 vụ, xử lý 47 vụ, xử phạt 718 triệu đồng).

Về công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 04 vụ cháy, không thiệt hại về người, ước tổng tài sản thiệt hại khoảng 1.400 triệu đồng./.

[1] Trong đó, diện tích nuôi cá thát lát được 81,44 ha, tăng 4,77% (bằng 3,71 ha) so với cùng kỳ.

[2] Trong đó, diện tích nuôi tôm sú được 96,5 ha, tăng 11,32%, tập trung ở huyện Long Mỹ (Nuôi trong ruộng lúa).

[3] Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ là do thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản ít xảy ra, nuôi cá tra công nghiệp được hộ nuôi đầu tư mở rộng, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn đem lại thêm thu nhập cho người dân.

[4] Ước tính vốn đầu tư thực hiện tăng so với tháng trước là do các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; Được sự quan tâm của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời các khó khăn vướng mắc và đảm bảo đúng tiến độ, sớm đưa các công trình hoàn thành vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngày 11/11/2022 Văn phòng UBND tỉnh ban hành công văn số 4861/VP.UBND-NCTH về việc triển khai thực hiện Công điện số 1076/CĐ-TTg ngày 10/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.


File đính kèm:
Bao_cao_KTXH_thang_11-2022.doc
So_lieu_KTXH_thang_11-2022.xlsx

Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang

    Tổng số lượt xem: 364
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)