Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/04/2023-16:11:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2023 tỉnh Hậu Giang

Nhìn chung, trong quý I/2023 tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang phát triển ổn định, nhiều giải pháp phù hợp được triển khai thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Vì vậy, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh trong quý đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,05%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 7,31%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng tăng 0,28%; doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 33,93%. Cụ thể, kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:

1. Tài chính, tín dụng

1.1. Tài chính

Ước tổng thu Ngân sách nhà nước tháng 3/2023 được 877,48 tỷ đồng, luỹ kế được 3.289,63 tỷ đồng, đạt 30,74% dự toán Trung ương, đạt 29,69% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó:

- Thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn được 555,50 tỷ đồng, luỹ kế được 1.627,18 tỷ đồng, đạt 26,38% dự toán Trung ương, đạt 24,96% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, bao gồm:

+ Thu nội địa: 500 tỷ đồng, luỹ kế được 1.489,51 tỷ đồng, đạt 27,08% dự toán Trung ương và đạt 25,46% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

+ Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 55,50 tỷ đồng, luỹ kế được 137,67 tỷ đồng, đạt 20,61% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Trung ương trợ cấp được 321,98 tỷ đồng, luỹ kế được 1.179,49 tỷ đồng, đạt 26,02% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ước tổng chi Ngân sách địa phương tháng 3/2023 được 810,29 tỷ đồng, luỹ kế được 3.864,59 tỷ đồng, đạt 40,47% dự toán Trung ương giao, đạt 38,97% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó:

- Chi xây dựng cơ bản được 419,54 tỷ đồng, luỹ kế được 2.801,48 tỷ đồng, đạt 58,93% dự toán Trung ương giao, đạt 55,65% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

- Chi thường xuyên được 390,74 tỷ đồng, luỹ kế được 1.062,11 tỷ đồng, đạt 22,80% dự toán Trung ương giao, đạt 22,65% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

1.2. Tín dụng ngân hàng

Đến ngày 28/02/2023, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 20.456 tỷ đồng, tăng trưởng 2,55% so với cuối năm 2022. Vốn huy động đáp ứng được 57,92% cho hoạt động tín dụng. Huy động đối với kỳ hạn dưới 12 tháng đạt 9.836 tỷ đồng (chiếm 48,08%), kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đạt 10.620 tỷ đồng (chiếm 51,92%). Hiện, lãi suất không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,5-1,0%/năm; lãi suất từ 01 tháng đến dưới 06 tháng phổ biến từ mức 5,5-6,0%/năm; lãi suất từ 06 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 6,0-7,4%/năm; lãi suất từ 12 tháng trở lên phổ biến từ 6,4-8,2%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 3/2023, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 20.586 tỷ đồng, tăng trưởng 3,20% so với cuối năm 2022.

Đến ngày 28/02/2023, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 35.317 tỷ đồng, tăng trưởng 1,06% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 18.367 tỷ đồng (chiếm 52,01%); dư nợ cho vay trung, dài hạn là 16.950 tỷ đồng (chiếm 47,99%). Đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay luôn được giữ ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức 5,5%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 9,0 - 12,5%/năm; trung, dài hạn từ 11,5 - 16%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 3/2023, dư nợ đạt 35.922 tỷ đồng, tăng trưởng 2,79% so với cuối năm 2022.

Nợ quá hạn đến cuối tháng 02/2023 là 1.130 tỷ đồng, chiếm 3,20%/tổng dư nợ; nợ xấu là 399 tỷ đồng, chiếm 1,13%/tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 731 tỷ đồng, chiếm 64,69%/tổng nợ quá hạn. Ước thực hiện đến cuối tháng 3/2023, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.

2. Vốn đầu tư và Xây dựng

2.1. Vốn đầu tư

Tính đến ngày 15/3/2023, kế hoạch vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2023 là 22.412,73 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:

- Vốn ngân sách nhà nước 4.952,23 tỷ đồng.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn 2.150,50 tỷ đồng.

- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là: 15.310 tỷ đồng.

Ước tính tháng 3/2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 1.639,90 tỷ đồng, bằng 105,15% so với tháng trước và bằng 106,79% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 321,50 tỷ đồng; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 200,75 tỷ đồng; vốn đầu t­ư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 1.117,65 tỷ đồng. Nguyên nhân vốn ngân sách tăng so với tháng trước là do triển khai nhanh việc lập hồ sơ, thủ tục các dự án mới đã bố trí vốn bổ sung từ đầu năm 2023. Chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công các công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ước tính quý I/2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện được 4.975,33 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 107,31% và đạt 22,20% so với kế hoạch năm. Chia ra:

- Vốn ngân sách nhà n­ước thực hiện được 867,75 tỷ đồng, bằng 166,53% so với cùng kỳ năm trước và đạt 17,52% so với kế hoạch năm.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 586,94 tỷ đồng, bằng 270,67% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,29% so với kế hoạch năm.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 3.520,64 tỷ đồng, bằng 90,31% so với cùng kỳ năm trước và đạt 23,00% so với kế hoạch năm.

2.2. Xây dựng

Ước tính quý I/2023, giá trị sản xuất ngành xây dựng:

- Tính theo giá so sánh 2010 được 1.483,07 tỷ đồng, giảm 18,60% so với quý trước và tăng 6,15% so với cùng kỳ năm trước.

- Tính theo giá hiện hành được 2.480,54 tỷ đồng, giảm 17,89% so với quý trước và tăng 12,11% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do trong quý các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này tạm nghỉ từ 9 đến 15 ngày, để người lao động được vui xuân đón Tết trong tháng 01/2023, nên giá trị sản xuất giảm so với quý trước nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

+ Công trình nhà ở thực hiện được 1.328,38 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 53,55% trong tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng, giảm 19,51% so quý trước và tăng 9,74% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng so cùng kỳ là do một số doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở xã hội như: Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Phúc Thịnh, dự tính tổng trị giá công trình trên 23 tỷ đồng và hoàn thành trong quý I/2023; Công ty TNHH MTV xây dựng Trần Tiến, với tổng giá trị công trình 6,12 tỷ đồng, dự tính khởi công và hoàn thành trong quý; HTX xây dựng Thanh Bình, tổng giá trị công trình xây dựng nhà ở 122,65 tỷ đồng, dự tính hoàn thành trong quý được 2,1 tỷ đồng,…Vì vậy, đã làm giá trị sản xuất công trình nhà ở tăng so với cùng kỳ.

+ Công trình nhà không để ở thực hiện được 590,98 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,82% trong tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng, giảm 14,03% so với quý trước và tăng 7,06% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do hiện nay đang là mùa khô, nên một số doanh nghiệp đã đầu tư khởi công một số công trình lớn như: sửa chữa trụ sở làm việc cơ quan, trường học; xây mới nhà văn hóa một số xã; nhà kho công ty tại các khu, cụm công nghiệp,… Vì vậy, giá trị sản xuất ngành xây dựng nhà không để ở tăng so với cùng kỳ.

+ Công trình kỹ thuật dân dụng thực hiện được 500,68 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,18% trong tổng gía trị sản xuất ngành xây dựng, giảm 13,12% so với quý trước và tăng 26,43% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân các dự án công trình kỹ thuật dân dụng tăng so với quý trước là do loại công trình này là những công trình lớn, thời gian hoàn thành thường trên 12 tháng như: Xây dựng Đường GTNT Vàm Xáng - Ba Láng, tổng mức đầu tư gói thầu 23,74 tỷ đồng; xây dựng Đường cao tốc Cần Thơ – TP.HCM, tổng mức đầu tư gói thầu 614 tỷ đồng; Xây dựng và nâng cấp đường tỉnh lộ 923, tổng mức đầu tư gói thầu 83,72 tỷ đồng,… Đây là những dự án lớn của tỉnh và đã thực hiện được khoản 4% đến trên 20% giá trị tổng công trình. Bên cạnh đó, hiện nay đang vào thời điểm thực hiện các công trình xây mới, dặm vá sửa chữa các tuyến đường nông thôn để thực hiện việc xây dựng mục tiêu nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nên các công ty đã và đang đẩy nhanh tiến độ các gói thầu, để hoàn thành và bàn giao trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, giá trị sản xuất các loại công trình trên còn tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm trước và trong những quý tiếp theo.

+ Hoạt động xây dựng chuyên dụng được 60,50 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,44% trong tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng, giảm 43,44% so với quý trước và tăng 11,94% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, tình hình xây dựng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào các công trình nhà ở và đường giao thông. Riêng một số công trình trọng điểm thuộc ngân sách nhà nước có qui mô lớn thì hầu hết đều do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thi công. Do vậy, đề nghị các cấp, các ngành có kế hoạch cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp xây dựng trong tỉnh được thi công nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành xây dựng của tỉnh tăng cao.

3. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong tháng (tính từ ngày 21/02/2023 - 20/03/2023), toàn tỉnh có 86 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 255,60 tỷ đồng (so tháng trước tăng 159% về số doanh nghiệp và tăng 128% về số vốn doanh nghiệp; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 18% về số doanh nghiệp và giảm 60% về số vốn doanh nghiệp); có 05 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tổng vốn là 24,90 tỷ đồng (so với cùng kỳ giảm 44,44% về số doanh nghiệp, về vốn tăng 318%); trong tháng không có doanh nghiệp đăng ký giải thể.

Lũy kế từ đầu năm đến nay có 194 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 711,38 tỷ đồng (so cùng kỳ giảm 24% về số doanh nghiệp và giảm 48% về số vốn doanh nghiệp); có 98 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tổng vốn 122,80 tỷ đồng; có 13 doanh nghiệp đăng ký giải thể, tổng vốn 8 tỷ đồng (so cùng kỳ giảm 78%). Nguyên nhân giải thể do kinh doanh không hiệu quả.

4. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hiện tại ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo theo dõi hình sản xuất và thu hoạch lúa vụ Đông xuân 2022-2023. Đồng thời, tuyên truyền và theo dõi diện tích xuống giống vụ Hè thu năm 2023 theo lịch xuống giống và kế hoạch đề ra. Tăng cường tập huấn các kỹ thuật canh tác đầu vụ, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, các biện pháp quản lý dịch hại đầu vụ,… góp phần giảm chi phí giá thành sản xuất. Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển, sản lượng khai thác tăng. Diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn đem lại thêm thu nhập cho người dân. Kết quả cụ thể từng lĩnh vực như sau:

4.1. Trồng trọt

Lúa Đông xuân 2022-2023: Hiện nay đã xuống giống dứt điểm đạt 75.501,2 ha, đạt 100,67% kế hoạch tỉnh (75.000 ha), giảm 1,47% so với cùng kỳ (bằng 1.124,9 ha). Vụ Đông xuân năm nay đa số người dân lựa chọn giống chất lượng cao chiếm trên 90% toàn tỉnh. Các giống lúa sử dụng chủ yếu là RVT chiếm 32,8%, Đài Thơm 8 chiếm 26,4%, OM18 chiếm 20,9%, OM5451 chiếm 7%, ST25 chiếm 4,1%, ST24 chiếm 4%, còn lại chiếm 4,8% gồm các giống khác như: OM380, IR50404, Jasmine85,… Hiện nay, đã thu hoạch được 34.648,97 ha, phân bố đều ở các huyện, thị xã, thành phố, diện tích còn lại đang ở giai đoạn làm đòng đến trổ chín. Giá lúa tươi tại ruộng một số giống như sau: OM18, Đài Thơm 8 có giá dao động từ 6.600-6.800 đ/kg (tăng 800-1.000 đ/kg so với cùng kỳ), RVT có giá từ 7.200-7.300 đ/kg (tăng 200-300 đ/kg so với cùng kỳ), ST24 có giá từ 7.300-7.400 đ/kg (giảm 200-400 đ/kg so với cùng kỳ); IR50404 có giá từ 6.400 đ/kg (tăng 1.000-1.200 đ/kg so với cùng kỳ); OM5451 có giá từ 6.200-6.400 đ/kg (tăng 500-800 đ/kg so với cùng kỳ).

Lúa Hè thu 2023: Hiện nay đã xuống giống được 4.525 ha, hiện đang giai đoạn mạ, phân bố chủ yếu ở huyện Châu Thành A.

Mía niên vụ 2022-2023: Hiện nay đã xuống giống được 3.377,7 ha, đạt 105,55% kế hoạch tỉnh (3.200 ha) tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, giảm 7,54% so với cùng kỳ (bằng 275,3 ha). Nguyên nhân do chuyển đổi sang cây rau màu và cây lâu năm. Trong tháng có 37 ha nhiễm sinh vật gây hại (tăng 03 ha so với tháng trước) gồm chuột, rệp sáp và sâu đục thân,... đa số là gây hại nhẹ trên mía giai đoạn vươn lóng.

Cây ngô: Diện tích gieo trồng 1.196,5 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 15,72% (bằng 162,5 ha); năng suất đạt 62,61 tạ/ha, tăng 1,46% (bằng 0,9 tạ/ha); sản lượng được 5.131,01 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 23,36% (bằng 971,79 tấn). Diện tích gieo trồng tăng do thay đổi mùa vụ dẫn đến sản lượng thu hoạch tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cây rau các loại: Diện tích gieo trồng 10.320,8 ha, so với năm trước tăng 9,61% (bằng 904,9 ha); ước sản lượng được 95.585,17 tấn, giảm 0,75% (bằng 721,24 tấn). Nguyên nhân do diện tích thu hoạch đạt 8.507,6 ha, giảm 1,37% (bằng 117,9 ha) so với cùng kỳ, do người dân thay đổi mùa vụ.

Một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu so với cùng kỳ:

- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có 3.114,55 ha, tăng 3,06% (bằng 92,6 ha) so với cùng kỳ; sản lượng quý I/2023 ước được 7.783,54 tấn, đạt 16,96% so kế hoạch năm (45.900 tấn) và tăng 6,74% (bằng 491,5 tấn) so với cùng kỳ. Tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.

- Cây bưởi: Diện tích hiện có 1.669,84 ha, tăng 4,3% (bằng 68,84 ha) so với cùng kỳ; sản lượng quý I/2023 ước được 4.045,75 tấn, đạt 22,48% so kế hoạch năm (18.000 tấn) và tăng 5,18% (bằng 199,41 tấn) so với cùng kỳ, do diện tích cho trái và năng suất thu hoạch tăng khá.

- Cây mít: Diện tích hiện có 9.938,6 ha, tăng 11,8% (bằng 1.048,6 ha) so với cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng quý I/2023 ước được 15.479,26 tấn, đạt 16,12% so kế hoạch năm (96.000 tấn) và tăng 44,39% (bằng 4.758,64 tấn) so với cùng kỳ, do diện tích và năng suất thu hoạch tăng cao. Hiện nay sản phẩm này đang có giá bán rất cao so với cùng kỳ năm trước. Giá bán hiện tại được các thương lái thu mua từ 27.000 đồng đến 47.000 đồng (tùy theo loại). Với giá thu mua trên người dân rất phấn khởi, sau khi trừ chi phí cũng mang lại lợi nhuận cao cho người trồng mít.

- Cây chanh không hạt: Diện tích hiện có 2.788,9 ha, tăng 0,61% (bằng 16,9 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng quý I/2023 ước được 2.729,13 tấn, đạt 5,83% so kế hoạch (46.800 tấn) và tăng 5,94% (bằng 152,95 tấn) so với cùng kỳ. Do diện tích thu hoạch tăng và năng suất tăng.

- Cây mãng cầu: Diện tích hiện có 720,04 ha, tăng 4,32% (bằng 29,84 ha) so với cùng kỳ. Sản lượng quý I/2023 ước được 713,08 tấn, đạt 7,68% so kế hoạch (9.280 tấn) và tăng 6,66% (bằng 44,5 tấn) so với cùng kỳ. Do diện tích và năng suất thu hoạch tăng.

4.2. Chăn nuôi

Trong tháng lực lượng thú y thường xuyên thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và tiêm phòng một số bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả heo, bệnh lở mồm long móng, dịch tả vịt,… Thực hiện công tác tiêu độc, sát trùng trên các chuyến xe, tàu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giám sát vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Ước tính tháng 03/2023, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:

- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.340 con, giảm 4,63% (bằng 65 con) so với cùng kỳ. Đàn bò ước được 3.781 con, tăng 2,77% (bằng 102 con) so với cùng kỳ.

- Đàn heo (tính cả heo con chưa tách mẹ): Ước được 143.917 con, tăng 1,99% (bằng 2.807 con) so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt 102.636 con, tăng 1,44% (bằng 1.452 con). Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ đã tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và chất lượng.

- Đàn gia cầm: Ước được 4.388,21 ngàn con, tăng 2,6% (bằng 111,11 ngàn con) so với cùng kỳ. Trong đó: Đàn gà 1.714,99 ngàn con, tăng 5,53% (bằng 89,84 ngàn con) so cùng kỳ. Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đã nuôi ổn định.

4.3. Lâm nghiệp

Tình hình chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được thực hiện nghiêm túc, ngành Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, trang bị đầy đủ các trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Đặc biệt, tích cực phối hợp với các cấp, ngành và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng; chủ động ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật trên các địa bàn huyện, xã có rừng. Vì vậy, từ đầu năm đến nay diện tích rừng được bảo vệ an toàn, không xảy ra trường hợp cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Ước tính tháng 3/2023, không có thêm diện tích rừng trồng mới tâp trung. Sản lượng gỗ khai thác khoảng 758 m3, tăng 2,37% (bằng 18 m3) so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác ước được 20.619 ste, tăng 2,35% (bằng 473 ste) so với cùng kỳ.

Ước tính quý I/2023, số cây lâm nghiệp trồng phân tán được 252,3 ngàn cây, so với cùng kỳ tăng 1,65% (bằng 4,1 ngàn cây). Sản lượng gỗ khai thác khoảng 3.305 m3, tăng 1,82% (bằng 59 m3). Sản lượng củi khai thác ước được 32.297 ste, tăng 2,22% (bằng 702 ste) so với cùng kỳ.

4.4. Thủy sản

Trong tháng 3/2023, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước được 70,39 ha, tăng 1,32% (bằng 0,92 ha) so với cùng kỳ năm trước. Ước tính quý I/2023, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được 2.079,43 ha, đạt 22,85% so kế hoạch năm (9.100 ha) và tăng 1,23% (bằng 25,36 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích nuôi cá được 1.937,96 ha[[1]], tăng 1,27% (bằng 24,31 ha); diện tích nuôi tôm được 97,20 ha, tăng 0,73% (bằng 0,70 ha) tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ (Nuôi tôm sú); diện tích nuôi thủy sản khác là 44,27 ha, tăng 0,8% (bằng 0,35 ha). Thể tích nuôi lươn được 4.891 m3, tăng 2,37% (bằng 113 m3) so với cùng kỳ.

Ước tính tháng 3/2023, tổng sản lượng thủy sản được 7.145,11 tấn, tăng 3,68% (bằng 253,54 tấn) so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản quý I/2023 ước được 18.367,62 tấn, tăng 3,2% (bằng 568,75 tấn)[[2]] so với cùng kỳ. Cụ thể:

- Sản lượng thủy sản khai thác quý I/2023 được 734,65 tấn, giảm 0,95% (bằng 7,03 tấn) so với cùng kỳ. Do nguồn lợi thủy sản khai thác nội địa từ tự nhiên đang có chiều hướng giảm.

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng quý I/2023 được 17.632,97 tấn, tăng 3,38% (bằng 575,78 tấn) so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá thát lát thu hoạch được 248,49 tấn, tăng 2,17% (bằng 5,28 tấn) so với cùng kỳ; sản lượng lươn thu hoạch được 150,33 tấn, tăng 5,35% (bằng 7,63 tấn) so với cùng kỳ. Hiện tại, hai sản phẩm này đang được người dân mở rộng diện tích vì đem lại thu nhập tương đối ổn định.

5. Tình hình sản xuất công nghiệp

Ước thực hiện tháng 3/2023, giá trị sản xuất công nghiệp:

- Tính theo giá so sánh 2010, được 3.070,16 tỷ đồng, tăng 11,49% so với tháng trước và tăng 14,55% so với cùng kỳ năm trước.

- Tính theo giá hiện hành, được 5.452,08 tỷ đồng, tăng 16,84% so với tháng trước và tăng 31,89% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do Chi nhánh tập đoàn dầu khí Việt Nam, Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1, dự tính sản lượng điện sản xuất tháng 3 được 618,67 triệu Kwh, cao nhất từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đến nay, nên làm tăng đột biến so với tháng trước và cùng kỳ năm trước (cùng thời điểm năm 2022 doanh nghiệp đang trong giai đoạn chạy thử nên sản lượng điện sản xuất không đáng kể). Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sản lượng sản xuất như: Công Ty Cổ Phần Thủy Sản Minh Phú Hậu Giang sản lượng sản xuất giảm 29,07% so với cùng kỳ; Công ty TNHH Number One Hậu Giang sản lượng sản xuất giảm 16,38% so với cùng kỳ; Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Lạc Tỷ 2 sản lượng sản xuất giảm 23,49%,... Vì vậy, làm giá trị sản xuất tháng 3 so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, tăng chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh khi nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I chính thức vận hành.

Ước thực hiện quý I/2023, giá trị sản xuất công nghiệp:

- Tính theo giá so sánh 2010, được 8.184,55 tỷ đồng, tăng 14,08% so với cùng kỳ năm trước và đạt 21,00% so với kế hoạch năm.

- Tính theo giá hiện hành, được 13.884,11 tỷ đồng, tăng 26,19% so với cùng kỳ năm trước và đạt 21,45% so với kế hoạch năm. Trong đó:

+ Khu vực kinh tế nhà nước, có 2 doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất 3.410,54 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,56% trong toàn ngành và tăng 613,05% so với cùng kỳ.

+ Khu vực kinh tế tư nhân, có 339 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 4.288 cơ sở cá thể công nghiệp, đóng góp giá trị sản xuất 8.245,08 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,39% trong toàn ngành và tăng 6,07% so với cùng kỳ.

+ Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 12 doanh nghiệp và đóng góp giá trị sản xuất 2.228,48 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,05% trong toàn ngành và giảm 18,99% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, sản xuất công nghiệp ước thực hiện quý I/2023 trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng, nhưng vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động về thị trường xuất khẩu và một số yếu tố khác như: Điện, giá xăng, dầu tăng cao trong những tháng vừa qua. Do vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để triển khai nhiều giải pháp mang tính phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần có kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp mới, đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra, để giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong tháng cuối năm và phát triển ổn định trong những năm tới.

Đối với Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Dự tính tháng 3/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,07% so với tháng trước và tăng 11,85% so với cùng kỳ. Trong đó, Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,52% so với tháng trước và tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước; Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 28,74% so với tháng trước và tăng 391,74% so với cùng kỳ (Nguyên nhân do các tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I chính thức vận hành thương mại và theo nhu cầu thực tế nên tăng rất cao so với cùng kỳ, cùng kỳ năm 2022 các tổ máy trong giai đoạn chạy thử, nên dự tính sản lượng điện sản xuất tháng 3 đạt 618,67 triệu kwh, tăng 30,00% so với tháng trước và tăng 506,54% so với cùng kỳ); Ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải bằng 99,73% so với tháng trước và tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước.

Dự tính quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp, tăng 13,05% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 16,90% của quý I/2022 so với cùng kỳ). Trong đó:

- Ngành chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn trên 74,08% trong toàn ngành, tăng 7,17% so với cùng kỳ (thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành 13,05% và thấp hơn mức tăng 14,48% của quý I/2022 so với cùng kỳ). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chủ lực của tỉnh trong những năm vừa qua nhưng trong quý I/2023, hoạt động sản xuất ngành công nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm tại một sản phẩm có giá trị lớn trong ngành chế biến, chế tạo như: Sản xuất tôm đông lạnh được 5.406 tấn, giảm 33,09% so với cùng kỳ; sản xuất bia đóng chai được 20,05 triệu lít, giảm 31,50% so với cùng kỳ; … do các doanh nghiệp này chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như: Sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn; diễn biến căng thẳng Nga - Ukraina, cũng như giá xăng, dầu tăng liên tục đã làm lạm phát đạt mức kỷ lục tại nhiều nước; giá nhiều mặt hàng trên thế giới tiếp tục có xu hướng tăng, gây nhiều áp lực giá nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp,… Các yếu tố trên đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải giảm sản lượng sản xuất để hạn chế hàng tồn kho.

- Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 286,05% so với cùng kỳ năm trước. tăng cao là do nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I tăng đột biến sản lượng điện sản xuất trong những tháng đầu năm so với cùng kỳ, nên chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm trước.

- Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 23,34% so với cùng kỳ năm trước, (cao hơn mức tăng 18,96% của quý I/2022 so với cùng kỳ).

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh quý I/2023 so với cùng kỳ:

- Sản lượng sản xuất tôm đông lạnh được 5.406 tấn, giảm 33,09% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 35,92% trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm tỷ trọng 11,47% trong toàn ngành. Nguyên nhân giảm là do các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này ảnh hưởng chi phí sản xuất tăng cao làm tăng giá thành, nên chưa ký được các hợp đồng dài hạn với các thị trường truyền thống. Vì vậy, doanh nghiệp cắt giảm sản lượng sản xuất, giảm hàng tồn kho để không ảnh hưởng đến nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp.

- Sản lượng nước mắm sản xuất được 14.141 nghìn lít, tăng 709,91% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,51% trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm tỷ trọng 1,76% trong toàn ngành. Nguyên nhân tăng là do Công ty TNHH MTV Masan HG đầu tư hoàn thành và hoạt động ổn định từ năm 2022 đến nay và đây cũng là 2 sản phẩm sản xuất hàng lương thực, thiết yếu mới trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong khu vực nói chung, lượng hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra được phân phối trực tiếp đến các hệ thống siêu thị trong vùng, nên thị trường của doanh nghiệp hết sức ổn định và có khả năng tăng cao hơn nữa trong những tháng tiếp theo.

- Sản lượng sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản, được 93.678 tấn, tăng 12,34% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 27,31% trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và chiếm tỷ trọng 8,72% trong toàn ngành. Nguyên nhân tăng là do tình hình chăn nuôi của bà con đang diễn ra hết sức thuận lợi (dịch bệnh đang được kiểm soát tốt), nên Công ty Thức Ăn Chăn Nuôi Rico Hậu Giang; Công ty TNHH Thanh Khôi; Công ty TNHH MNS Feed Hậu Giang tăng sản lượng sản xuất trong những tháng vừa qua, để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của các hộ nông dân trong tỉnh nói riêng và trong khu vực nói chung.

- Sản lượng sản xuất bia đóng chai được 20,05 triệu lít, giảm 31,50% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,83% trong ngành sản xuất đồ uống và chiếm tỷ trọng 1,66% trong toàn ngành. Nguyên nhân giảm là do Công ty TNHH Mtv Masan Brewery Hậu Giang với sản phẩm chính là bia các loại, đang có xu hướng hàng tồn kho tăng, nên doanh nghiệp điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất, hạn chế hàng tồn kho nhiều.

- Sản lượng sản xuất nước uống có vị hoa quả được 52,58 triệu lít, giảm 1,43% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 58,66% trong ngành sản xuất đồ uống và chiếm tỷ trọng 5,47% trong toàn ngành. Nguyên nhân giảm là do Công ty TNHH Number One Hậu Giang dự tính tháng 3 giảm 16,38% so với cùng kỳ.

- Sản lượng sản xuất giày dép các loại được 3.586 ngàn đôi, giảm 10,14% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 95,10% trong ngành sản xuất giày dép các loại và chiếm tỷ trọng 6,72% trong toàn ngành. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 doanh nghiệp FDI và 01 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong ngành này. Trong đó, Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 với quy mô trên 10.000 lao động, sản xuất giày thành phẩm, nên tạo ra giá trị sản xuất rất lớn trong ngành này, trong những tháng đầu năm do chi phí nguyên, vật liệu tăng làm tăng giá thành sản phẩm, nên doanh nghiệp đang trong giai đoạn đàm phán ký các hợp đồng dài hạn với đối tác. Vì vậy, đơn hàng của doanh nghiệp trong quý I/2023 giảm, ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất của doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ.

- Sản lượng sản xuất giấy và bìa khác được 105.970 tấn, giảm 2,80% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 93,61% trong ngành sản xuất giấy và các sản phẩm bằng giấy và chiếm tỷ trọng 9,50% trong toàn ngành.

- Sản lượng điện sản xuất được 1.418 triệu kwh, tăng 369,39% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 95,90% trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hoà không khí và chiếm tỷ trọng 25,27% trong toàn ngành. Nguyên nhân tăng là do sau thời gian vận hành chính thức nhà máy nhiệt điện Sông Hậu I, đã hoạt động ổn định và sản lượng điện sản xuất quý I/2023 tăng đột biến so với cùng kỳ (cùng thời điểm năm 2022 doanh nghiệp đang trong giai đoạn chạy thử). Vì vậy, đã làm tăng đột biến ngành này so với cùng kỳ năm trước.

6. Hoạt động thương mại, dịch vụ

6.1. Bán lẻ hàng hóa, doanh thu và dịch vụ

Ước tính tháng 3/2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống và doanh thu các ngành dịch vụ khác ước thực hiện được 4.515,72 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 101,07%, so với cùng kỳ năm trước bằng 111,44%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế tốt mặc dù còn nhiều thách thức nhưng sau đại dịch Covid-19 hoạt động bán lẻ đã phục hồi và phát triển mạnh, trong tháng 3 duy trì được đà tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng trưởng cao. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống và các loại hình dịch vụ khác cũng đều có mức tăng trưởng khá cao lần lượt ở mức 15,17% và 26,10%. Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 3.347,48 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,13% và so với cùng kỳ tăng 7,59%. Thị trường bán lẻ hàng hoá diễn biến trở nên sôi động hơn theo đà phục hồi kinh tế chung. Nguồn thu nhập trong dân dần được cải thiện vì thế sức mua tiêu dùng các loại hàng hóa bật tăng đáng kể. Do đó, các nhóm hàng chủ lực hầu hết đều có mức tăng trưởng dương so với tháng trước và cùng kỳ năm trước đã góp phần làm tăng doanh thu bán lẻ. Trong đó, nhóm hàng lương thực thực phẩm là nhóm hàng chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng trưởng cao, tăng 23,11%; nhóm vật liệu xây dựng tăng 5,48%; nhóm sản phẩm vàng và kim loại quý đóng góp tăng 20,22%; nhóm các loại hàng hóa khác tính chung tăng 52,78%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành thực hiện được 598,39 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,45% và so với cùng kỳ năm trước tăng 26,27%. Trong đó: Ngành lưu trú ước tính được 9,10 tỷ đồng, so tháng trước tăng 2,33% và so với cùng kỳ tăng 31,54%; ngành ăn uống ước tính được 589,29 tỷ đồng, so tháng trước tăng 1,44% và so cùng kỳ năm trước tăng 26,20%.

- Doanh thu các ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) thực hiện được 569,85 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 5,13% và so với cùng kỳ năm trước tăng 22,07%. Nguyên nhân giảm so với tháng trước là do giá trị doanh thu ngành dịch vụ vui chơi và giải trí giảm mạnh (hoạt động xổ số kiến thiết giảm).

Ước tính quý I/2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 13.838,69 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 110,19%. Cơ cấu các nhóm hàng thương mại và dịch vụ đóng góp vào khu vực III vẫn ổn định không có nhiều thay đổi so với năm 2022. Doanh thu bán lẻ vẫn là ngành chủ lực đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng, có tỷ trọng chiếm gần 74%, còn lại là các ngành dịch vụ (bao gồm lưu trú và ăn uống) chỉ chiếm khoảng 26%. Nhìn chung, trong quý I/2023, hoạt động kinh doanh của các cơ sở ngành thương mại, dịch vụ có sự chuyển biến tích cực, có sự phục hồi nhanh và phát triển mạnh, thị trường diễn biến giao thương sôi động hơn so với cùng thời điểm năm 2022. Cụ thể:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa thực hiện được 10.227,59 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 107,01%. Nhìn chung, tình hình hoạt động thị trường bán lẻ trong quý I/2023 có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do trong quý I/2022, thị trường bán lẻ chưa được phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, hoạt động kinh doanh buôn bán còn trầm lắng.

- Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành thực hiện được 1.821,51 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 15,17%. Trong đó:

+ Ngành lưu trú, ước tính được 27,66 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 59,32%. Nguyên nhân tăng cao do cùng thời điểm năm 2022 hoạt động kinh doanh lưu trú của các khách sạn, nhà nghỉ còn ảnh hưởng đại dịch phục hồi chậm và có giá trị doanh thu thấp.

+ Ngành ăn uống, ước tính được 1.793,85 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 14,68%. Sau tết các cơ sở kinh doanh ăn uống tiếp tục giữ đà tăng giá bán sản phẩm so với cùng kỳ năm 2022, bình quân giá tăng khoảng hơn 15% trong khi lượng khách hàng vẫn tương đối ổn định, kèm theo có thêm các cơ sở kinh doanh quán nhậu, ăn uống mới được mọc lên. Vì vậy, đã làm tăng đáng kể giá trị doanh thu ngành ăn uống.

- Doanh thu ngành dịch vụ khác (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) được 1.789,59 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước có mức tăng 25,87%. Ngành dịch vụ khác ngày càng có tầm quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng chung của cả khu vực III (Quý I/2022 chỉ chiếm tỷ trọng 11,32%; năm 2023 chiếm 12,93% đã tăng thêm 1,61%). Nhìn lại cả quý I/2023, các hoạt động kinh doanh của các ngành dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phát triển khả quan, giá trị doanh thu của các ngành không ngừng tăng và hầu hết đều có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, ngành dịch vụ chuyên phục vụ cá nhân và gia đình có tốc độ tăng cao nhất, tăng hơn 73%; thấp nhất là ngành dịch vụ vui chơi và giải trí tăng hơn 14%; Các ngành dịch vụ còn lại đều có mức tăng từ 22 - 38% so với cùng kỳ.

6.2. Tình hình xuất nhập khẩu

Ước thực hiện tháng 3/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 89,05 triệu USD, so với tháng trước bằng 91,10% và so với cùng kỳ năm trước bằng 102,85%. Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường và nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất trong tháng 02 nên ước tính tháng 3 các doanh nghiệp giảm nhập khẩu lại (nhập khẩu giảm 24,82%) làm cho tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm so với tháng trước. Chia ra:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 59,34 triệu USD, so với tháng trước bằng 101,91% và so với cùng kỳ năm trước bằng 170,89%.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 29,71 triệu USD, so với tháng trước bằng 75,18% và so với cùng kỳ năm trước bằng 57,29%.

Ước thực hiện quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 248,42 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 100,28% và so kế hoạch năm đạt 21,78%. Chia ra:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 146,87 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 110,67% và so với kế hoạch năm đạt 19,93%.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 91,75 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 88,54% và so với kế hoạch năm đạt 25,47%.

- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 0,10 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 46,76% và so với kế hoạch năm đạt 11,09%.

- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 9,70 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 86,87% và so với kế hoạch năm đạt 23,03%.

Trong quý I/2023, các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn đã có quan hệ giao thương với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các khu vực có giá trị xuất, nhập khẩu lớn nhất vẫn là các quốc gia ở vùng Bắc Mỹ (Hoa kỳ là chủ yếu), Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là chủ yếu), Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Campuchia, Thái Lan là chủ yếu) và Châu Âu chủ yếu là Đức.

Về cơ cấu các nhóm hàng xuất, nhập khẩu cũng không có sự thay đổi lớn, vẫn ổn định so với các năm trước. Xuất khẩu chủ lực vẫn là các nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản; hàng dệt may, giày da; các sản phẩm giấy và một số mặt hàng khác. Trong quý I/2023, giá trị xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm trước (tăng 10,67%).

Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp giấy, thức ăn gia súc, dệt may da giày; xăng, dầu các loại, hóa chất. Giá trị nhập khẩu quý I/2023 giảm 11,46% so với cùng kỳ năm trước, do các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn đều giảm so với cùng kỳ như: Giấy các loại giảm 35,35%; xăng dầu các loại giảm 28,71%; hóa chất giảm 9,41%,...

Nhìn chung, tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu trong quý I/2023 có sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng không cao (tăng 0,28%). Trong bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Các doanh nghiệp cần phải nắm bắt thời cơ, tận dụng hết các cơ hội đang có để tăng cường giao thương, mở rộng quan hệ thương mại với các đối tác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tận dụng những thuận lợi mà các Hiệp định Thương mại tự do mang lại, để gia tăng thị phần ở các thị trường xuất khẩu chính truyền thống và không ngừng tìm kiếm mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng mới từ đó góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn trong thời gian tới.

6.3. Vận tải hàng hóa và hành khách

Hoạt động vận tải, kho bãi trong tháng 3 tiếp tục có giá trị ổn định và tăng nhẹ so với tháng trước. Doanh thu vận chuyển hàng hóa đường bộ tăng 74,25% cùng sự phục hồi của hoạt động dịch vụ vận tải, logistic tính chung tăng 45,37% là nguyên nhân chính đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành vận tải.

Ước thực hiện tháng 3/2023, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi được 144 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 2,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 39,95%. Trong đó:

- Doanh thu đường bộ thực hiện được 82,01 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 101,19% và so với cùng kỳ năm trước bằng 140,59%.

- Doanh thu đường thủy thực hiện được 34,16 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 105,01% và so với cùng kỳ năm trước bằng 134,40%.

- Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện được 27,83 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 104,66% và so với cùng kỳ năm trước bằng 145,37%.

Ước thực hiện quý I/2023, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi được 430,66 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 133,93%. Trong đó:

- Doanh thu đường bộ thực hiện được 255,40 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 144%.

- Doanh thu đường thủy thực hiện được 98,17 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 129,53%.

- Doanh thu hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 77,09 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 112,72%.

Nhìn chung, hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và cơ sở cá thể trên địa có tốc độ phát triển nhanh, tăng trưởng cao và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong khu vực dịch vụ. Số lượng các doanh nghiệp có quy mô lớn hoạt động trong ngành logistic, kho bãi tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh tiếp tục gia tăng theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, đặc biệt đường bộ có giá trị ngày một tăng và có doanh thu ở mức cao. Vì vậy, hoạt động vận tải, kho bãi được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng cao hơn nữa trong thời gian tới, đưa ngành vận tải, kho bãi ngày càng có tầm quan trọng hơn trong sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn.

6.3.1 Vận chuyển, luân chuyển hàng hóa

Ước thực hiện tháng 3/2023, toàn tỉnh vận chuyển được 458,13 nghìn tấn hàng hóa các loại (61.595,79 nghìn tấn.km), so với thực hiện tháng trước bằng 104,41% (102,48%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 119,77% (130,15%). Trong đó:

- Đường bộ thực hiện được 143,23 nghìn tấn (17.893,25 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 100,44% (102,75%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 110,08% (125,64%).

- Đường sông thực hiện được 314,91 nghìn tấn (43.702,54 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 106,32% (102,37%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 124,76% (132,09%).

Ước thực hiện quý I/2023, toàn tỉnh vận chuyển được 1.328,49 nghìn tấn hàng hóa các loại (161.400,70 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 124,99% (122,10%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 461,79 nghìn tấn (52.529,90 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 120,30% (132,00%). Hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng doanh thu vận chuyển hàng hóa, hiện đã có mức doanh thu gấp 1,5 lần so với vận tải đường thủy.

- Đường sông thực hiện được 866,69 nghìn tấn (108.870,81 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 127,64% (117,84%).

6.3.2 Vận chuyển, luân chuyển hành khách

Ước thực hiện tháng 3/2023, toàn tỉnh thực hiện được 2.770,96 nghìn lượt hành khách (59.488,48 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 100,93% (101,72%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 147,51% (121,84%). Trong đó:

- Đường bộ vận chuyển được 263,39 nghìn lượt hành khách (51.279,84 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 99,63% (101,77%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 127,65% (119,64%).

- Đường sông vận chuyển được 2.507,57 nghìn lượt hành khách (8.208,64 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 101,07% (101,37%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 149,96% (137,61%).

Ước thực hiện quý I/2023, toàn tỉnh thực hiện được 8.403,81 nghìn lượt hành khách (189.879,62 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 147,65% (131,07%). Chia ra:

- Đường bộ vận chuyển được 842,37 nghìn lượt hành khách (165.523,10 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 127,50% (129,36%).

- Đường sông vận chuyển được 7.561,45 nghìn lượt hành khách (24.356,52 nghìn HK.km), so với cùng kỳ năm trước bằng 150,30% (143,98%).

7. Các vấn đề về xã hội

7.1. Giáo dục

Toàn tỉnh có 317 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó mầm non, mẫu giáo có 83 trường; tiểu học có 149 trường, (trong đó có 01 Trường Dạy trẻ khuyết tật); trung học cơ sở có 62 trường, trong đó có 01 trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam) và 23 trường trung học phổ thông (trong đó có 01 trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh).

Giáo dục thường xuyên: Có 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; 07 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố và 75 Trung tâm Học tập cộng đồng.

Năm học 2022-2023, đã huy động được 159.673/155.855, đạt tỷ lệ 102,44% học sinh, cụ thể như sau:

- Nhà trẻ: 2.879/2.638, tỷ lệ 109,13%.

- Mẫu giáo: 25.014/24.562, tỷ lệ 101,80%.

- Giáo dục phổ thông:

+ Tiểu học: 66.256/64.806 đạt tỉ lệ 102,23%.

+ Trung học cơ sở: 45.000/44.517, đạt tỉ lệ 101,08%.

+ Trung học phổ thông: 20.524/19.332, đạt tỉ lệ 106,20%.

Về đội ngũ nhà giáo: Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành là 9.827 người. Trong đó, có: 773 cán bộ quản lý, 9.054 chuyên viên, giáo viên và nhân viên thuộc các cấp học. Toàn ngành hiện có 308 thạc sĩ. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non đạt chuẩn 96,55%; trên chuẩn 71,23%; cấp tiểu học đạt chuẩn 82,30%; trên chuẩn 0,25%; cấp trung học cơ sở đạt chuẩn 91,06%; trên chuẩn 0,98%; cấp trung học phổ thông đạt chuẩn 100%; trên chuẩn 20,61%; trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh đạt chuẩn 100%; trên chuẩn 13,33%.

Trong tháng, toàn ngành tập trung vào công tác chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:

- Hướng dẫn các đơn vị kiểm tra định kỳ giữa kỳ II, năm học 2022-2023.

- Tổ chức Vòng thi cấp tỉnh Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet–IOE năm học 2022-2023 (tổng số có 306 thí sinh dự thi).

- Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2022-2023 tại tỉnh Quảng Ninh.

- Thành lập Đoàn tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 – 2023.

- Tổ chức Hội thi “Viết chữ đẹp” cấp tiểu học. Cụm 1 tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh; Cụm 2 tại trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Ngã Bảy.

- Tập huấn mô đun 6 cho CBQL, GV cấp tiểu học thực hiện Chương trình GDPT 2018.

- Tổ chức Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 Chương trình GDPT 2018.

- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương lớp 4, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa lớp 4.

- Phổ biến bộ đề thi tham khảo Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thành lập Ban Tổ chức và Báo cáo viên các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT về tích hợp nội dung giáo dục văn hóa dân tộc trong một số môn học và hoạt động giáo dục.

- Thành lập Đoàn cán bộ, giáo viên, học sinh tham dự Ngày hội Pháp ngữ năm 2023 khu vực ĐBSCL lần thứ 23 tại thành phố Cần Thơ.

- Tổ chức Kỳ thi nghề phổ thông khóa tháng 3 năm 2023.

7.2. Tình hình văn hóa, thể thao

Toàn hệ thống thực hiện công tác tuyên truyền cổ động trực quan chào mừng kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam” (1943 – 2023); Tuyên truyền ý nghĩa ngày 08/3; Ngày Quốc tế Hạnh phúc, kết quả: in và lắp mới 1.344,6m2 pano trên các tuyến đường chính, 1.430 cờ các loại, 120 băng rol. Các Đội tuyên truyền lưu động xây dựng chương trình văn nghệ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, tổ chức phục vụ nhân dân với 45 buổi biểu diễn, phục vụ 28.700 lượt người xem, tổ chức 61 buổi phóng thanh.

Hoạt động thư viện: Tuyên truyền và tổ chức triển lãm 50 quyển sách online nhân kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2023) và 1983 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trưng bày 195 quyển sách tại Thư viện tỉnh: Sách kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02; Sách kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; sách mới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội; sách chuyên đề về cải cách hành chính và Tủ sách Bác Hồ. Đảm bảo giờ mở cửa phục vụ bạn đọc đến Thư viện, đảm bảo nguyên tắc 2K+ để phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đơn vị kết hợp phục vụ bạn đọc thông qua website Thư viện, trong tháng 3/2023 phục vụ 12.585 lượt người truy cập tra cứu (nâng tổng số lên 39.148 lượt) và đọc sách với 25.170 lượt sách (nâng tổng số lên 78.296 lượt).

Hoạt động Bảo tàng: Tổ chức triển lãm thường xuyên tại Trung tâm Hội Nghị tỉnh và di tích Chiến thắng Chương Thiện – thành phố Vị Thanh với các chuyên đề về Thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Quốc phòng An ninh tỉnh Hậu Giang năm 2022; Cách mạng tháng 8 năm 1945 bước ngoặt lịch sử của dân tộc…; tiếp tục thực hiện đăng Video 09 Di tích: Chiến thắng Chương Thiện thành phố Vị Thanh, Chiến thắng Chương Thiện - Long Mỹ, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Tiểu đoàn Tây Đô, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Đền thờ Bác Hồ, Chiến thắng Cái Sình, Chiến thắng Tầm Vu, Ủy ban Liên hiệp Đình chiến Nam Bộ; để truyền tải nội dung, hình ảnh các di tích trên kênh Youtube nhằm giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến với mọi người. Khách đến xem triển lãm và tham quan các di tích, xem trên kênh Youtube Bảo tàng, nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống các xã văn hóa đạt 12.345 lượt người.

Lĩnh vực thể dục thể thao: Phối hợp Công ty Cổ phần truyền thông Nexus khảo sát 04 đường chạy chính thức Giải Mekong Delta Mararthon tỉnh Hậu Giang năm 2023. Xây dựng Điều lệ Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX năm 2023; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển Thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuyển chọn và đào tạo vận động viên cho các môn theo Đề án phát triển Thể thao thành tích cao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch hoạt động năm 2023.

7.3. Lao động và an sinh xã hội

Vấn đề giải quyết việc làm luôn được Lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các ngành có liên quan, thông qua các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tư vấn giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho người lao động ở trong và ngoài tỉnh. Kết quả đạt được trong quý I/2023 như sau:

- Tạo và giải quyết việc làm mới cho 4.314/15.000 lao động, đạt 28,76% kế hoạch năm. Trong tháng, đã hỗ trợ đưa 69/547 lao động, đạt 12,61% kế hoạch năm. Tổ chức 09 sàn giao dịch việc làm với 927 người tham dự. Tổ chức 04 cuộc phỏng vấn với 119 lao động tham gia với các đơn hàng chế biến thực phẩm, đóng gói, công xưởng...

- Lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp: Từ đầu năm đến nay, tuyển sinh học nghề được 2.212 người. Trong đó: trình độ cao đẳng 20 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 2.192 người.

Công tác giảm nghèo: Thăm và tặng quà cho các hộ nghèo nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng số tiền là 51.309,05 triệu đồng, tăng 9.672,24 triệu đồng so với Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 (41.636,81 triệu đồng). UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2023; phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2023. Theo đó, toàn tỉnh có tổng số hộ nghèo, cận nghèo là 17.162 hộ, tỷ lệ nghèo đa chiều là 8,53%. Trong đó, hộ nghèo là 9.736 hộ, chiếm tỷ lệ 4,84% và hộ cận nghèo là 7.426 hộ, chiếm tỷ lệ 3,69%.

Công tác bảo trợ xã hội: Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 113.263 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 60.144,14 triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 511 trường hợp với số tiền 3.672,2 triệu đồng.

Thực hiện chính sách với người có công: Công tác thực hiện chính sách Người có công luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Trong quý, tiếp nhận mới 549 hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 495 hồ sơ. Trong đó: đạt 468 hồ sơ, không đạt 27 hồ sơ. Còn 64 hồ sơ đang trong thời gian xem xét, giải quyết. Nhân dịp Tết nguyên đán Quý Mão 2023 tỉnh cũng đã tổ chức thăm và tặng quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng với tổng số tiền là 29.830,80 triệu đồng, tăng 2.382,25 triệu đồng so với Tết Nhâm Dần năm 2022 (27.448,55 triệu đồng).

7.4. Y tế

Trong tháng có 86 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, tăng 19 ca so với tháng trước, cộng dồn là 285 ca, tăng 284 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 20 ca mắc mới, giảm 05 ca so với tháng trước, cộng dồn là 89 ca, tăng 86 ca so với cùng kỳ; bệnh viêm gan do vi rút có 05 ca mắc, cộng dồn là 05 ca, tăng 05 ca so với cùng kỳ; bệnh sởi, bệnh dịch lạ, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc.

Chương trình tiêm chủng mở rộng: Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ trong tháng là 1.200 trẻ, cộng dồn là 3.004 trẻ, đạt 24,1%; Tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 1.148 trẻ, cộng dồn là 2.821 trẻ, đạt 25,2%; Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 920 thai phụ, cộng dồn là 2.528 thai phụ, đạt 24%.

Chương trình phòng chống HIV/AIDS: Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 05 ca, cộng dồn là 08 ca (giảm 05 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.947 ca; số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đương cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.048 ca; Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đương cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 615 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone là 63 người, tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 975 người.

Kết quả thực hiện khám chữa bệnh đến tháng 3/2023: Tổng số lần khám là 129.516 lượt, cộng dồn là 368.319 lượt, đạt 26,79% kế hoạch, tăng 59,89% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 9.289 lượt, cộng dồn là 26.285 lượt, đạt 19,68% kế hoạch, tăng 38,58% so với cùng kỳ. Số ngày điều trị trung bình là 5,92 ngày, giảm 0,24 ngày so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 2.399 trường hợp, tăng 1.901 trường hợp so với cùng kỳ.

7.5. Tình hình thực hiện an toàn giao thông

Trong tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 03 người, bị thương 01 người. So với tháng 02/2023 số vụ giảm 13 vụ, số người chết giảm 13 người và số người bị thương tương đương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 02 vụ, số người chết giảm 02 người và số người bị thương tương đương. Nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn 01 vụ, không đi đúng phần đường 01 vụ, tránh xe 01 vụ.

Trong quý I/2023 (từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/3/2023), toàn tỉnh xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 23 người, bị thương 02 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tăng 02 vụ, số người chết tăng 02 và số người bị thương tăng 01 người.

7.6. Tình hình thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay là 168 triệu đồng, tăng 135 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể:

- Sạt lở: Trong tháng, xảy ra 01 vụ sạt lở với tổng chiều dài sạt lở là 13 m và diện tích mất đất là 91 m2, ước thiệt hại 8 triệu đồng. So với tháng trước giảm 03 vụ sạt lở, số tiền thiệt hại ước giảm 48 triệu đồng, diện tích mất đất ước giảm 155,5 m2. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở bằng nhau, số tiền thiệt hại ước giảm 25 triệu đồng, diện tích mất đất giảm 59 m2. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 trường hợp sạt lở, chiều dài sạt lở 70,5 m; diện tích mất đất 337,5 m2; ước thiệt hại là 168 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 05 vụ (diện tích mất đất tăng 187,5 m2 và ước giá trị thiệt hại tăng 135 triệu đồng).

- Lốc, sét, mưa đá: Trong tháng không xảy ra dông lốc, so với cùng kỳ năm 2022 không xảy ra giông lốc.

Trong tháng, Cảnh sát môi trường phối hợp với Thanh tra môi trường đã kiểm tra một số đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát hiện 02 vụ vi phạm môi trường về vận chuyển, chôn, lắp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại, không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý 01 vụ với số tiền xử phạt là 3,5 triệu đồng. So với tháng trước, phát hiện tăng 01 vụ, xử lý giảm 01 vụ và số tiền xử phạt giảm 303,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ vi phạm tăng 01 vụ, xử lý bằng nhau, số tiền xử phạt giảm 56,5 triệu đồng, (tháng 3 năm 2022, phát hiện vi phạm môi trường 01 vụ, xử lý 01 vụ, số tiền xử phạt 60 triệu đồng). Tích lũy từ đầu năm, số vụ vi phạm môi trường phát hiện là 13 vụ, xử lý 12 vụ, với số tiền xử phạt là 350,5 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ vi phạm giảm 06 vụ, xử lý giảm 07 vụ và số tiền xử phạt giảm 69 triệu đồng (cộng dồn từ tháng 01 đến tháng 3 năm 2022, số vụ vi phạm môi trường phát hiện 18 vụ, xử lý 18 vụ, xử phạt 419,5 triệu đồng).

Về công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy nên từ đầu năm đến nay không xảy ra cháy, nổ trên địa bàn./.

[1] Trong đó, diện tích nuôi cá thát lát được 52,56 ha, tăng 1,17% (bằng 0,61 ha) so với cùng kỳ.

[2] Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ là do thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản ít xảy ra, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn đem lại thêm thu nhập cho người dân.


File đính kèm:
93-Hau_Giang_baocao_KTXH_T3-2023.doc
93-Hau_Giang_solieu_KTXH_T3-2023.xls

Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang

    Tổng số lượt xem: 307
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)