Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 30/08/2021-13:50:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021 của tỉnh Ninh Bình

Trong tháng 8, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục ghi nhận mức mức giảm sút khi việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngành kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu chững lại.

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản

Nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp trong tháng là tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tiếp tục khống chế dịch tả lợn Châu Phi, thực hiện có hiệu quả công tác tái đàn lợn. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản nuôi trồng và thực hiện thả giống thủy sản vụ 2.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Diện tích gieo cấy lúa mùa năm 2021 ước đạt 31,8 nghìn ha,bằng 99,3% so với kế hoạch, tăng 0,5% (tăng gần 0,2 nghìn ha) so với cùng vụ năm trước. Trong đó: diện tích cấy đạt 11,5 nghìn ha, chiếm 36,2%; diện tích gieo sạ đạt 20,3 nghìn ha, chiếm 63,8%. Toàn bộ diện tích lúa gieo cấy đã được chăm sóc xong đợt 1, diện tích lúa được chăm sóc đợt 2 đạt 26,5 nghìn ha, bằng 83,3% diện tích lúa đã cấy. Trong vụ mùa năm nay, diện tích lúa ST25 được triển khai nhân rộng ước đạt 455 ha, đây là giống lúa có khả năng chống chọi với sâu bệnh, giá bán cao, với đặc tính thơm, ngon của dòng gạo ngon nhất, nhì thế giới, gạo ST25 thời gian qua được người tiêu dùng quan tâm và chào đón.

Tiến độ gieo trồng đến ngày 18/8/2021 các loại cây màu vụ mùa đạt 4,2 nghìn ha, trong đó diện tích ngô đã trồng được 1,0 nghìn ha; khoai lang 0,1 nghìn ha; lạc 0,3 nghìn ha; rau, đậu các loại 2,7 nghìn ha... Diện tích lúa và các loại cây trồng vụ mùa được gieo trồng đúng khung thời vụ, thời tiết thuận lợi nên sinh trưởng và phát triển tốt.

Tình hình sâu bệnh:Hiện nay, trên diện tích lúa đã cấy xuất hiện các loại sâu bệnh hại lúa như: rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, rầy lưng trắng, khô vằn, bạc lá..., ngoài ra nạn chuột phá cũng đã gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất vụ mùa. Tuy vậy, mật độ sâu bệnh được đánh giá là thấp và ít gây hại hơn so với cùng vụ năm trước.

1.1.2. Chăn nuôi

Tổng đàn trâu, bò tại thời điểm báo cáo ước giảm so với cùng thời điểm năm trước, trong đó: Đàn trâu ước đạt 12,6 nghìn con, giảm 0,8%; đàn bò ước đạt 36,6 nghìn con, giảm 0,9%. Nguyên nhân đàn trâu, bò giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm da nổi cục.

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từ ngày 22/12/2020 tại một hộ chăn nuôi bò tại thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô. Sau đó dịch bệnh tiếp tục xảy ra tại các hộ chăn nuôi ở các xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố.Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã được triển khai, thực hiện, đến nay bệnh viêm da nổi cục đã được khống chế, ngày 05/8/2021 tất cả các ổ dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát và công bố hết dịch.Trong thời gian diễn ra dịchbệnh, toàn tỉnh đã tiêu hủy 480 con trâu, bò bị bệnh với tổng trọng lượng 62,4 tấn.

Tại thời điểm báo cáo, đàn lợn ước đạt trên 274,5 nghìn con, tăng 25,1% (tăng gần 55,0 nghìn con) so với cùng kỳ năm trước. Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh về cơ bản đã được kiểm soát. Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có 5/8 huyện, thành phố công bố hết dịch, đó là: Huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn, thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, 03 huyện còn lại chưa công bố hết dịch. Số lượng lợn tiêu hủy tính từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 22/8/2021 là 2.359 con với trọng lượng tiêu hủy gần 159,4 tấn.

Chăn nuôi gia cầm trong tháng phát triển bình thường, không phát sinh dịch bệnh. Tổng đàn gia cầm ước đạt 6,3 triệu con, tăng 4,8%, trong đó đàn gà ước đạt 4,3 triệu con, tăng 5,0% so với cùng thời điểm năm trước.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được các ngành, các cấp quan tâm, trong tháng không có vụ cháy rừng nào xảy ra. Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước đạt 18 ha, bằng 91,4% so với cùng kỳ năm trướcc. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước đạt 2,2 nghìn m3, giảm 4,7% (giảm 0,1 nghìn m3) so với cùng tháng năm trước; sản lượng củi ước đạt 2,8 nghìn ste, tăng 4,1% (tăng 0,1 nghìn ste). Tính chung 8 tháng đầu năm 2021,diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 126 ha, giảm 16,6% (giảm 25 ha) so với cùng kỳ năm trước;sản lượng gỗ khai thác ước đạt 18,0 nghìn m3, tăng 2,2% (+ 0,4 nghìn m3); sản lượng củi khai thác ước đạt 19,5 nghìn ste, giảm 6,5% (giảm 1,4 nghìn ste).

1.3. Thủy sản

Trong tháng, các hộ nuôi trồng thủy sảntiến hành thu hoạch các con nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, tuy nhiên giá bán các sản phẩm thủy sản giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối với vùng nuôi thuỷ sản nước lợ của huyện Kim Sơn:Các hộ nuôi trồng thủy sản đang trong giai đoạn tập trung thu hoạch sản phẩm nuôi vụ 1 và tu sửa lại ao đầm, xử lý nước để thả giống vụ 2 năm 2021.

Sản lượng thủy sản tháng Tám ước đạt 6,0 nghìn tấn, tăng 7,6% (tăng 0,4 nghìn tấn) so với cùng tháng năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 5,4 nghìn tấn, tăng 9,0%; sản lượng khai thác ước đạt 0,6 nghìn tấn, giảm 2,8%.

Tính chung lại, sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 41,6 nghìn tấn, tăng 7,2% (tăng 2,8 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước, trong đó Sản lượng nuôi trồng ước đạt 37,0 nghìn tấn, tăng 8,0% (tăng 2,7 nghìn tấn); sản lượng khai thác ước đạt 4,6 nghìn tấn, tăng 1,0% (tăng 0,1 nghìn tấn). Sản lượng cá ước đạt 22,7 nghìn tấn, tăng 3,1% (tăng 0,7 nghìn tấn), tôm ước đạt 2,1 nghìn tấn, tăng 5,6% (tăng 0,1 nghìn tấn), thủy sản khác ước đạt 16,8 nghìn tấn, tăng 13,5% (tăng 2,0 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng Tám tiếp tục có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính từ tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, một số ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, làm gián đoạn quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)toàn tỉnh tháng Tám ước tính giảm 4,69% so với cùng tháng năm trước và là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận mức suy giảm của hoạt động sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Nguyên nhân giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,82%, các ngành còn lại đều tăng, cụ thể: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 22,24%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 26,37%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 15,46%.

So với tháng trước (tháng 7/2021), chỉ số IIP toàn tỉnh tháng này giảm 2,06%, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,95%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 7,20%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,60%.

Tính chung lại 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 9,06%, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 34,57%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,73%; sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,12%; riêng công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 9,60%.

Giá trị sản xuất công nghiệp:Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong tháng Tám ước đạt 8.461,0 tỷ đồng, giảm 3,6% so với tháng 8/2020. Trong đó: công nghiệp khai khoáng ước đạt 53,5 tỷ đồng, tăng 11,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo 8.282,2 tỷ đồng, giảm 4,0%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện 103,8 tỷ đồng, tăng 20,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 21,5 tỷ đồng, tăng 15,6%.

Tính chung lại, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh ước đạt 62.717,4 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp khai khoáng ước đạt gần 351,0 tỷ đồng, tăng 16,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo 61.488,5 tỷ đồng, tăng 9,2%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện 750,1 tỷ đồng, giảm 2,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 127,8 tỷ đồng, tăng 12,9%.

Việc thực hiện mục tiêu năm 2021 theo kế hoạch của tỉnh đề ra sẽ gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở trong nước, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong ngắn hạn dẫn đến tiềmẩn nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu:Trong tháng Tám năm 2021, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất giảm sút tác động làm giảm chỉ số IIP toàn ngành gồm: clanke ước đạt 145,0 nghìn tấn, giảm 58,2%; thép cán 20,7 nghìn tấn, giảm 23,3%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 362,2 tấn, giảm 74,0%; linh kiện điện tử 15,0 triệu cái, giảm 11,2%; tai nghe điện thoại di động 0,8 triệu cái, giảm 42,2%; kính máy ảnh 0,1 triệu cái, giảm 53,2%; xe ô tô 5-14 chỗ 4,3 nghìn chiếc, giảm 28,4%… Bên cạnh đó, vẫn có các sản phẩm đạt mức tăng trưởng tăng khá như: đá các loại 335,8 nghìn m3, tăng 22,2%; ngô ngọt đóng hộp 350,0 tấn, gấp 3,8 lần; dứa đóng hộp 890,8 tấn, gấp 2,1 lần; nước dứa tươi 200,0 nghìn lít, tăng 43,9%; nước khoáng không có ga 650,0 nghìn lít, tăng 36,8%; hàng thêu 125,3 nghìn m2, gấp 11,7 lần; giày dép các loại 3,7 triệu đôi, tăng 18,1%; phân urê 44,4 nghìn tấn, gấp 37,0 lần; phân lân nung chảy 18,1 nghìn tấn, gấp 2,5 lần; cấu kiện tháp, cột bằng sắt, thép bắt chéo nhau 560,6 tấn, gấp 295,1 lần; modul camera 23,9 triệu cái, tăng 27,8%; xe ô tô chở hàng 890,0 chiếc, gấp 2,3 lần; đồ chơi hình con vật gần 1,0 triệu con, tăng 37,7%; điện sản xuất 51,0 triệu kwh, tăng 50,0%; nước máy thương phẩm 3,9 triệu m3, tăng 16,0%...

Tính chung lại, 8 tháng đầu năm 2021 các sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước là: đá các loại 2,8 triệu m3, tăng 35,0%; dứa đóng hộp 6,5 nghìn tấn, tăng 35,9%; nước dứa tươi gần 2,0 triệu lít, tăng 23,6%; hàng thêu 1,3 triệu m2, tăng 78,6%; phân urê 326,4 nghìn tấn, tăng 43,7%; phân NPK 84,5 nghìn tấn, tăng 36,7%; phân lân nung chảy 97,3 nghìn tấn, tăng 39,6%; modul camera 162,1 triệu cái, tăng 58,1%; kính máy ảnh 1,4 triệu cái, tăng 40,6%; xe ô tô chở hàng 5,6 nghìn chiếc, gấp 4,7 lần; cần gạt nước ô tô 9,3 triệu cái, tăng 61,7%; đồ chơi hình con vật 9,6 triệu con, tăng 16,4%; nước máy thương phẩm 28,2 triệu m3, tăng 17,2%... Tuy nhiên, một số sản phẩm lại có mức sản xuất giảm sút: găng tay 3,3 triệu đôi, giảm 27,1%; clanke 1,9 triệu tấn, giảm 19,5%; cấu kiện tháp, cột bằng sắt, thép bắt chéo nhau 7,6 nghìn tấn, giảm 35,5%; linh kiện điện tử 92,7 triệu cái, giảm 22,7%; tai nghe điện thoại di động 4,7 triệu cái, giảm 50,7%; điện sản xuất 459,3 triệu kwh, giảm 17,2%…

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:Một số ngành có chỉ số tồn kho tháng này tăng cao so với cùng tháng năm trước như: sản xuất chế biến thực phẩm gấp trên 2,5 lần; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 82,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy gấp 2,6 lần; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 87,6%; sản xuất kim loại gấp 2,6 lần; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học gấp 2,9 lần...

Số lượng tồn kho một số sản phẩm chủ yếu đến 31/7/2021 là: giày, dép vải trên 3,4 triệu đôi; đạm urê 12,4 nghìn tấn; phân NPK 34,9 nghìn tấn; phân lân nung chảy 11,4 nghìn tấn; kính xây dựng 86,6 nghìn tấn; xi măng 12,5 nghìn tấn; thép cán 17,5 nghìn tấn; camera và linh kiện điện tử 4,9 triệu cái; loa, tai nghe điện thoại 741,2 nghìn cái; kính máy ảnh 500 cái; xe ô tô 5-14 chỗ 60 chiếc...

3. Vốn đầu tư và phát triển

Tổng số vốn đầu tư phát triển tháng Tám năm 2021 toàn tỉnh ước đạt gần 2.300,9 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng tháng năm trước. Chia ra: vốn Nhà nước đạt 322,1 tỷ đồng, giảm 7,7%; vốn ngoài Nhà nước đạt 1.930,5 tỷ đồng, tăng 0,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 48,3 tỷ đồng, giảm 3,8%.

Vốn đầu tư thực hiện trong tháng của một số dự án, công trình có khối lượng lớn là:

- Khu vực đầu tư công: Dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới thị trấn Me, khu dân cư xã Gia Lập, xã Gia Trấn và khu dân cư mới xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn ước đạt 13,7 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường khu dân cư phố Thống Nhất vào phố Mỹ Cát, huyện Gia Viễn ước đạt 7,0 tỷ đồng; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường nối khu nhà ở công nhân với khu 50 ha mở rộng KCN Gián khẩu, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn ước đạt 6,8 tỷ đồng; dự án dự án xây dựng trường Tiểu học và THCS xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn ước đạt 5,6 tỷ đồng; dự án xây dựng đường giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Gia Phong, huyện Gia Viễn ước đạt 3,5 tỷ đồng…

- Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Dream Plastic tại Cụm công nghiệp Khánh Thượng ước đạt 15,0 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giày của Công ty TNHH sản xuất giày Chung Jye Việt Nam ước đạt 12,0 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất linh kiện camera modul của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 5,0 tỷ đồng…

Một số dự án, công trình khởi công mới trong tháng gồm: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường nối khu nhà ở công nhân với khu 50 ha mở rộng KCN Gián khẩu tại xã Gia Tân, huyện Gia Viễn với tổng mức đầu tư gần 791,4 tỷ đồng; dự án khắc phục thiệt hại do mưa lũ, bảo vệ khu dân cư các huyện Gia Viễn, Nho Quan (hạng mục cải tạo tu bổ cấp bách đê bao Hoa Tiên và các tuyến kênh, trạm bơm nằm trong đê bao Hoa Tiên, huyện Gia Viễn) với tổng mức đầu tư 82,0 tỷ đồng; dự án xây dựng khu hành chính của UBND xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng…

Tính chung lại, tổng vốn đầu tư phát triển 8 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh ước đạt gần 16.131,6 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Chia ra: vốn Nhà nước đạt 2.790,2 tỷ đồng, tăng 11,6%; vốn ngoài Nhà nước đạt 12.792,9 tỷ đồng, tăng 0,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 548,5 tỷ đồng, giảm 39,3%.

Các công trình, dự án có khối lượng lớn vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2021 như sau:

- Khu vực đầu tư công: Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới thị trấn Me, khu dân cư xã Gia Lập, xã Gia Trấn và khu dân cư mới xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn ước đạt 115,4 tỷ đồng; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính huyện Gia Viễn ước đạt 37,8 tỷ đồng; dự án nâng cấp cải tạo vỉa hè đường Nguyễn Công Trứ (đoạn từ cầu Lim đến đường Trần Nhân Tông), thành phố Ninh Bình ước đạt 26,8 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường khu dân cư phố Thống Nhất vào Mỹ Cát, huyện Gia Viễn ước đạt 23,9 tỷ đồng…

- Dự án vốn ODA: Dự án đầu tư xây dựng Âu Kim Đài phục vụ ngăn mặn giữ ngọt và ứng phó với tác động nước biển dâng cho 06 huyện, thành phố khu vực phía Nam tỉnh Ninh Bình ước đạt 85,0 tỷ đồng; dự án xây dựng hệ thống cống kiểm soát ngăn mặn và nâng cấp đê Dưỡng Điềm kết hợp nâng cấp bờ sông thành đường cứu hộ, cứu nạn chống xâm nhập mặn, phục vụ phòng chống lụt bão liên huyện Yên Khánh, Kim Sơn ước đạt 21,0 tỷ đồng; dự án nâng cấp, mở rộng tuyến thoát lũ, kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Hoàng Long, trồng tre chắn sóng đoạn từ cầu Trường Yên đến cầu Gián Khẩu ước đạt 19,0 tỷ đồng.

- Dự án vốn Trái phiếu Chính phủ: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ-Mai Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía đông ước đạt 286,6 tỷ đồng; dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình với Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Tam Điệp ước đạt 232,7 tỷ đồng.

- Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất mỹ phẩm, xà phòng của Công ty TNHH Global Tone ước đạt 99,2 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà xưởng sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Dream Plastic ước đạt 84,2 tỷ đồng; dự án mua sắm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam ước đạt 69,3 tỷ đồng; dự án mua sắm tài sản, lắp đặt máy móc thiết bị và xây dựng nhà xưởng sản xuất phục vụ sản xuất linh kiện camera modul của Công ty TNHH MCNEX Vina ước đạt 60,0 tỷ đồng.

4. Thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại, vận tải, dịch vụ, du lịch trong tháng tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu tăng trưởng chậm lại, một số ngành có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính chung 8 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng khá so với cùng kỳ.

4.1. Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hoá trong tháng Tám ước đạt trên 2.745,8 tỷ đồng, chỉ tăng 0,1% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có tổng mức tăng là: lương thực, thực phẩm ước đạt gần 852,2 tỷ đồng, tăng 8,2%; xăng, dầu các loại 255,8 tỷ đồng, tăng 4,4%; hàng hoá khác 119,2 tỷ đồng, tăng 6,0%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 72,6 tỷ đồng, tăng 1,0%... Bên cạnh đó, vẫn có nhóm hàng có doanh thu bán lẻ giảm như: hàng may mặc 203,1 tỷ đồng, giảm 12,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 286,5 tỷ đồng, giảm 6,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục 49,7 tỷ đồng, giảm 8,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) 154,9 tỷ đồng, giảm 12,8%; nhiên liệu khác 58,9 tỷ đồng, giảm 1,2%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 90,4 tỷ đồng, giảm 5,9%.

Tính chung lại, trong 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 22.436,3 tỷ đồng, tăng 21,3% so với 8 tháng 2020. Tất cả các nhóm hàng đều đạt mức tăng khá, cụ thể: lương thực, thực phẩm ước đạt trên 6.757,8 tỷ đồng, tăng 19,4%; hàng may mặc trên 1.697,9 tỷ đồng, tăng 24,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình 2.496,2 tỷ đồng, tăng 16,7%; vật phẩm văn hoá, giáo dục 376,9 tỷ đồng, tăng 20,3%; gỗ và vật liệu xây dựng 3.710,2 tỷ đồng, tăng 19,1%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) 1.143,9 tỷ đồng, tăng 25,6%; phương tiện đi lại (trừ ô tô con, kể cả phụ tùng) 1.336,0 tỷ đồng, tăng 10,8%; xăng, dầu các loại 2.103,9 tỷ đồng, tăng 32,8%; nhiên liệu khác 486,8 tỷ đồng, tăng 22,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm 788,1 tỷ đồng, tăng 26,4%; hàng hoá khác 945,0 tỷ đồng, tăng 37,6%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 593,6 tỷ đồng, tăng 22,1%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng ước đạt gần 357,2 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng 8/2020, do việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh từ 12h00 ngày 27/7/2021 các nhà hàng, hàng quán ăn uống, giải khát, quán bia, chỉ được phép bán hàng mang về. Doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt gần 236,8 tỷ đồng, tăng 4,8%.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt gần 3.166,7 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ (trong đó: doanh thu lưu trú 222,3 tỷ đồng, tăng 30,5%; doanh thu dịch vụ ăn uống 2.944,4 tỷ đồng, tăng 33,8%); doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt gần 3,5 tỷ đồng, giảm 7,1%; doanh thu một số ngành dịch vụ khác 1.910,9 tỷ đồng, tăng 23,7%.

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng

Thị trường giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng Tám diễn biến tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ chung (CPI) tháng này tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 2,09% so với tháng 12 năm 2020 và tăng 1,29% so với cùng tháng năm trước. Bình quân 8 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 0,95% so với cùng kỳ.

So với tháng trước, có 5/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số tăng, là tác động chính làm cho CPI tháng này tăng, trong đó: nhóm giáo dục tăng cao nhất với 1,07%, nguyên nhân do nhu cầu mua sắm văn phòng phẩm, đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới của người dân tăng cao làm cho giá của nhóm hàng này tăng 5,15% so với tháng trước; tiếp theo nhóm giao thông tăng 0,28% khi giá nhiên liệu tăng 0,72% (giá xăng tăng 0,75%; giá dầu diezel giảm 0,65%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,14% do giá gas trong nước được điều chỉnh tăng theo giá giao dịch trên thị trường thế giới (giá gas tăng 2,33% so với tháng trước); hai nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch lần lượt tăng 0,09% và 0,01%. Góp phần kìm chế đà tăng của CPI tháng này là 02 nhóm có chỉ số giảm gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16%, trong đó: nhóm lương thực tăng 0,53%; nhóm thực phẩm giảm 0,33% do giá thịt gia súc các loại đồng loạt giảm (thịt lợn giảm 4,56%; thịt bò giảm 0,29%; nội tạng động vật giảm 3,23%); ăn uống ngoài gia đình vẫn giữ nguyên; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm nhẹ 0,01%. Bốn nhóm còn lại có chỉ số giữ ổn định gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.

CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2020. Có đến 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm giao thông tăng 7,73%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 5,43%; nhóm giáo dục tăng 5,04%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,80%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,17%. Ba nhóm còn lại có chỉ số giảm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,49% (lương thực tăng 5,09%; thực phẩm giảm 4,14%; ăn uống ngoài gia đình giảm 0,97%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,55%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,22%.

Chỉ số giá vàng và chỉ số Đô la Mỹ:Chỉ số giá vàng tháng này giảm 1,86% so với tháng trước, giảm 2,76% so với tháng 12/2020 và giảm 3,95% so với cùng tháng năm trước. Chỉ số giá bán lẻ đô la Mỹ giảm 0,22% so với tháng 7/2021, tăng 2,46% so với tháng 12 năm trước và giảm 5,35% so với tháng 8/2020. Bình quân 8 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 16,66%; chỉ số Đô la Mỹ giảm 7,91% so với cùng kỳ năm 2020.

4.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu:Giá trị xuất khẩu tháng Tám ước đạt gần 261,5 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng Tám năm 2020. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 1.783,8 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: quần áo các loại đạt 242,9 triệu USD; xi măng, clanke đạt 392,1 triệu USD; giày, dép các loại đạt 383,3 triệu USD; camera và linh kiện 555,2 triệu USD; linh kiện điện tử 38,7 triệu USD; phân urê 18,3 triệu USD.

Trong 8 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu của tỉnh tăng khá như: quần áo các loại ước đạt trên 42,3 triệu chiếc, tăng 40,7%; sản phẩm cói khác 1,4 triệu sản phẩm, gấp 2,4 lần; hàng thêu ren 106,4 nghìn chiếc, tăng 59,2%; xi măng, clanke 10,2 triệu tấn, tăng 12,7%; camera và linh kiện 182,8 triệu sản phẩm, tăng 72,6%; giầy dép các loại 36,8 triệu đôi, tăng 44,1%; cần gạt nước 9,8 triệu chiếc, tăng 39,8%; đồ chơi trẻ em 6,1 triệu chiếc, tăng 11,6%... Tuy nhiên một số sản phẩm lại có mức xuất khẩu giảm sút so với cùng kỳ như: dứa, dưa chuột đóng hộp 6,3 nghìn tấn, giảm 38,3%; nước dứa cô đặc 752 tấn, giảm 14,9%; thảm cói 12,4 nghìn m2, giảm 65,7%; găng tay các loại 2,9 triệu đôi, giảm 27,8%; phôi nhôm 11,0 nghìn tấn, giảm 25,4%...

Nhập khẩu:Giá trị nhập khẩu tháng Tám ước đạt trên 319,9 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng tháng năm trước. Tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng năm nay ước đạt gần 2.072,8 triệu USD, tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Trong đó, giá trị các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: linh kiện điện tử 547,0 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô các loại 848,8 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 284,1 triệu USD; vải và phụ liệu may mặc 101,0 triệu USD; ô tô 43,2 triệu USD; phế liệu sắt thép 97,1 triệu USD.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Vận tải hành khách:Trong tháng Tám ước thực hiện trên 0,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 47,6% so với tháng 8/2020 và luân chuyển trên 45,9 triệu lượt khách.km, giảm 47,6%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, các đơn vị vận tải hành khách trong toàn tỉnh đã thực hiện gần 11,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 11,4% và luân chuyển trên 644,0 triệu lượt khách.km, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vận tải đường bộ ước thực hiện gần 10,8 triệu lượt khách, tăng 15,9% và trên 640,1 triệu lượt khách.km, tăng 13,7%; vận tải đường thủy nộiđịa gần 1,0 triệu lượt khách, giảm 22,0% và trên 3,9 triệu lượt khách.km, giảm 22,7%.

Vận tải hàng hóa:Ước thực hiện trong tháng gần 3,8 triệu tấn vận chuyển, giảm 19,8% và luân chuyển trên 507,4 triệu tấn.km, giảm 26,2% so với cùng tháng năm trước. Ước tính 8 tháng đầu năm 2021, khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn tỉnh đạt trên 34,6 triệu tấn, tăng 4,7% và luân chuyển 4.849,3 triệu tấn.km, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó: vận tải đường bộ ước thực hiện trên 16,3 triệu tấn, tăng 4,2% và 852,8 triệu tấn.km, tăng 7,2%; vận tải đường thủy nội địa gần 17,2 triệu tấn, tăng 4,8% và 3.373,2 triệu tấn.km, tăng 2,6%; vận tải biển trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,0% và 623,3 triệu tấn.km, tăng 11,7%.

Doanh thu vận tải: Ước thực hiện trong tháng Tám gần 430,2 tỷ đồng, giảm 24,6% với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động vận tải trên toàn tỉnh ước thực hiện gần 4.253,8 tỷ đồng, tăng 7,3% so với 8 tháng đầu năm 2020. Phân theo loại hình vận tải: vận tải hành khách ước đạt gần 531,7 tỷ đồng, tăng 19,6% ; vận tải hàng hóa gần 3.581,1 tỷ đồng, tăng 7,2%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải 136,9 tỷ đồng, giảm 23,0%; doanh thu bưu chính, chuyển phát 4,1 tỷ đồng, gấp trên 3,9 lần cùng kỳ năm 2020.

4.5. Hoạt động du lịch

Trong tháng, các hoạt động du lịch trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động do tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp.

Tổng số lượng khách đến các điểm thăm quan, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh 8 tháng năm nay ước đạt trên 925,7 nghìn lượt, giảm 50,4% so với 8 tháng năm 2020, chia ra: khách trong nước đạt 912,3 nghìn lượt, giảm 46,0%; khách quốc tế 13,4 nghìn lượt khách, giảm 92,3%. Số lượt khách đến các cơ sở lưu trú đạt trên 175,1 nghìn lượt khách, giảm 37,6%; số ngày khách lưu trú ước đạt trên 235,5 nghìn ngày khách, giảm 37,3%.

Doanh thu du lịch trong 8 tháng đầu năm nay toàn tỉnh ước thực hiện trên 588,6 tỷ đồng, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu lưu trú ước thực hiện gần 130,5 tỷ đồng, giảm 38,9%; doanh thu nhà hàng 215,2 tỷ đồng, giảm 46,1%.

5. Một số vấn đề xã hội

5.1. Văn hoá thông tin

Các hoạt động văn hóa, giải trí, vui chơi, các điểm di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh vẫn tạm dừng hoạt động. Hoạt động văn hóa thông tin trong tháng chủ yếu tập trung vào tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và các nội dung phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương với các hình thức như: kẻ vẽ, chăng treo cờ, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, băng rôn... kết hợp với tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử, đài truyền hình, đài truyền thanh các cấp.

5.2. Thể dục thể thao

Trong tháng, các giải thể thao thành tích cao tiếp tục hoãn thi đấu, hoạt động thể thao chủ yếu duy trì công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao thành tích cho vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19.

5.3. Hoạt động Y tế[1]

Trong tháng, ngành Y tế tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về phòng chống dịch Covid-19; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, chủ động giám sát, phát hiện sớm các đối tượng nghi ngờ, liên quan đến các ổ dịch để điều tra, cách ly, xét nghiệm liên quan đến đợt dịch mới bùng phát; theo dõi, giám sát cách ly tại các khu vực cách ly tập trung và cộng đồng; thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19; tham mưu, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức, giám sát đón, cách ly các đợt chuyên gia nhập cảnh về làm việc tại tỉnh Ninh Bình; triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.

Đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản được kiểm soát tốt, chưa phát sinh ca bệnh trong cộng đồng. Số liệu cộng dồn từ khi có dịch đến 16h ngày 23/8/2021: tổng số trường hợp được cách ly và giám sát là 52.023 trường hợp; trong đó: cách ly tại cơ sở y tế là 1.746 người; cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung là 8.078 người; cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú là 42.199 người. Tổng số mẫu đã lấy là 177.447 trường hợp; số ca đã lấy mẫu xét nghiệm là 132.001 trường hợp; số ca đã có kết quả âm tính là 131.558 trường hợp; số ca đã có kết quả dương tính là 139 trường hợp (01 trường hợp chuyển tỉnh Nam Định quản lý); số ca bệnh xác định của tỉnh là 138 trường hợp, trong đó: đã điều trị khỏi và xuất viện 62 trường hợp, chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 06 trường hợp; đang điều trị 69 trường hợp; tử vong 01 trường hợp; triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 là 50.855 người và tiêm đủ 2 mũi là 16.119 người.

Trong tháng Bảy, đã xảy ra 15 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; toàn tỉnh có 269 ca mắc tiêu chảy; 01 ca mắc tay, chân, miệng; 28 ca viêm gan virut...Tại các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã khám bệnh cho 85,7 nghìn lượt người; điều trị nội trú cho 13,1 nghìn lượt người; khám phụ khoa 3,7 nghìn lượt, điều trị phụ khoa 1,9 nghìn lượt, khám thai 3,9 nghìn lượt, đặt vòng 186 ca.

Cũng trong tháng Bảy, đã phát hiện mới 08 người nhiễm HIV, có 06 trường hợp tử vong do AIDS.

5.4. Công tác giáo dục, đào tạo

Trong tháng, ngành giáo dục tập trung thực hiện các công tác chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022 như rà soát mạng lưới trường học, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên, lãnh đạo quản lý…; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo Kế hoạch năm học mới 2021 - 2022 đúng tiến độ.

Kết quả kỳ thi THPT năm 2021, tỉnh Ninh Bình tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục, đào tạo ổn định, vững chắc. Điểm trung bình các môn thi là 6,903 điểm, cao thứ Ba toàn quốc. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 99,06%, trong đó khối THPT đạt 99,69%; khối Giáo dục thường xuyên đạt 95,38%. Có 397 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên; 143 thí sinh đạt từ 27,5 điểm trở lên; và 39 thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên; toàn tỉnh có 726 điểm 10, có 06 thủ khoa ở 05 khối thi truyền thống, trong đó: 01 thí sinh khối A00 đạt 28,6 điểm; 02 thí sinh khối A01 đạt 28,85 điểm; 01 thí sinh khối D01 đạt 28,20 điểm; 01 thí sinh khối B00 đạt 28,30 điểm; 01 thí sinh khối C00 đạt 28,75 điểm.

5.5. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội[2]

Trong tháng, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19, kiểm soát chặt chẽ ngay tại các cửa ngõ giao thông, không để tình trạng phương tiện chở người, hàng hóa về từ vùng dịch mà không được kiểm soát; lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm theo các chuyên đề “Người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn”, “Chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ”; phát hiện, xử lý 4.592 trường hợp vi phạm về TTATGT, phạt tiền 5,6 tỷ đồng, tạm giữ 629 phương tiện.

Tính từ ngày 15/7/2021 đến ngày 14/8/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 02 người và bị thương 05 người; 01 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm chết 01 người; xử lý 26 vụ phạm pháp hình sự; phát hiện và xử lý 23 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý với 39 đối tượng. Không xảy ra vụ cháy, nổ và vi phạm môi trường./.


[1]Số liệu Y tế là số liệu tháng 7/2021

[2]Theo số liệu của Công an tỉnh từ ngày 15/7/2021 đến ngày 14/8/2021


Cục thống kê tỉnh Ninh Bình

  • Tổng số lượt xem: 661
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)