Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 1.498,7 tỷ đồng, tăng 1,32% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 8, thời tiết có nhiều ngày nắng nóng thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn chủ yếu thu hoạch cây trồng vụ Xuân, thu hoạch đến đâu người dân làm đất đến đó để gieo trồng vụ Mùa cho kịp thời vụ, tranh thủ gieo cấy lúa mùa sớm và một số cây trồng khác vụ Mùa. Dự kiến đến hết tháng 8, toàn tỉnh sẽ thu hoạch xong diện tích cây trồng vụ Xuân. Về chăn nuôi, mầm bệnh của dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rải rác tại các huyện.
1.1. Nông nghiệp
Tình hình sản xuất các loại cây trồng hằng năm
- Cây lúa: Đầu tháng 8 thời tiết nắng ráo thuận lợi cho việc thu hoạch và phơi lúa của nông dân. Trong tháng 8, diện tích thu hoạch lúa Xuân đạt 5.790,39 ha; đạt sản lượng 29.947,9 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch xong lúa Xuân, diện tích đã gặt 15.006,1 ha, giảm 2,93% so với cùng kỳ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tích cực xuống đồng gieo cấy lúa Mùa năm 2021. Tính đến trung tuần tháng 8, ước gieo cấy lúa vụ Mùa đạt 14.865,63 ha, tăng 1,67% so với cùng kỳ.
- Cây ngô: Diện tích thu hoạch vụ Xuân trong tháng ước 5.798,26 ha, tăng 0,63% so với cùng kỳ; cộng dồn từ đầu năm ước 14.244,05 ha, tăng 0,43%. Diện tích gieo trồng vụ Mùa ước thực hiện 3.846,54 ha, tăng 1,46% so với cùng kỳ. Dự kiến người dân sẽ mở rộng diện tích trồng do nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi.
- Cây lạc: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 336,24 ha, tăng 0,34% so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước 19,27 tạ/ha, tương đương sản lượng thu hoạch trong tháng ước 647,93 tấn, tăng 0,37% so với cùng kỳ. Hiện nay người dân sử dụng giống lạc đỏ siêu củ mẩy, hạt đều, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
- Rau các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 863,27 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, cây dễ chăm sóc, phát triển tốt. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước 11.070,57 tấn, tăng 3,31% so với cùng kỳ.
Chăn nuôi
- Tổng đàn trâu toàn tỉnh vẫn giảm do nhu cầu sử dụng sức kéo bằng gia súc của nông dân giảm, môi trường chăn thả bị thu hẹp. Ước tính số trâu hiện có 76.892 con, giảm 3,91%; số con trâu xuất chuồng trong tháng là 2.373 con, tăng 0,34% so với cùng kỳ; sản lượng xuất chuồng đạt 576,81 tấn.
- Tổng đàn bò: Đàn bò của tỉnh tăng so với cùng kỳ do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức cao. Ước tính số đầu con bò hiện có 33.490 con, tăng 0,12% so với cùng kỳ năm trước; số con bò xuất chuồng là 630 con, tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 128,3 tấn, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng nuôi nhốt chuồng vỗ béo lấy thịt mang lại hiệu quả kinh tế đang được người chăn nuôi áp dụng.
- Tổng đàn lợn: Số con hiện có ước 115.851 con, tăng 13,01% so với cùng kỳ năm trước; tại các địa bàn không có dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi tiếp tục chủ động duy trì tăng đàn và tái đàn, nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được duy trì và phát triển. Tập trung đẩy mạnh tái đàn ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, các trang trại và hộ chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh, nhằm đảm bảo nguồn cung thịt lợn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Sản lượng tiêu thụ trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng đàn gia cầm: Tổng đàn gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Ước tổng đàn gia cầm hiện có 5.176,64 nghìn con, tăng 3,09% so với cùng kỳ. Trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng phát triển đàn gà, vịt, giảm chăn nuôi đàn ngan do điều kiện chăn thả và nhu cầu của thị trường. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng của gia cầm đạt 1.015,28 tấn.
Tình hình dịch tả lợn châu Phi: xảy ra tại 177 hộ trên 57 thôn thuộc 55 xã của 9 huyện, tổng số mắc bệnh 815 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò hiện đã được khống chế và kiểm soát, tất cả các ổ dịch trên địa bàn tỉnh trong tháng không phát sinh dịch bệnh.
1.2. Lâm nghiệp
Diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng ước thực hiện 1.947,63 ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Số cây trồng phân tán ước 172,51 nghìn cây, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước.
Khai thác gỗ tròn trong tháng: Ước 5.536,59 m3 , tăng 2,37% so với cùng kỳ; cộng dồn từ đầu năm 92.446,79 m3 , tăng 2,05% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác tăng do trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn; gỗ đến tuổi khai thác và nhu cầu chế biến gỗ. Củi các loại: Ước 87.126,58 ste, giảm 0,14% so cùng kỳ. Cộng dồn từ đầu năm 867.876,64 ste, giảm 0,37% so cùng kỳ năm trước. Khai thác củi tập trung chủ yếu ở khu vực cá thể, được dùng cho mục đích đun nấu và một phần được tiêu thụ trên thị trường.
Các cấp, các ngành tăng cường bám địa bàn, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương cơ sở thường xuyên duy trì chế độ trực, gác lửa rừng tại các xã trọng điểm, theo dõi cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh; chính quyền địa phương và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ. Trong tháng trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng, thiệt hại 1,21 ha rừng trồng sản xuất.
1.3. Thủy sản
Trong những năm vừa qua diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra.
2. Sản xuất công nghiệp
Các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại công ty, doanh nghiệp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 8 tuy giảm so với tháng trước nhưng vẫn tiếp tục giữ được đà tăng so với cùng kỳ năm trước.
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 so với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 11,22% so với tháng trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 25,26%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,51%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 24,41%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 0,84%.
Dự ước tháng 8, chỉ số sản xuất ngành khai thác than cứng và than non (sản phẩm than) giảm 45,09% do nhu cầu từ Công ty Nhiệt điện Na Dương giảm; khai khoáng khác (sản phẩm đá xây dựng khác) tăng 1,22%.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: Chế biến thực phẩm tăng 1,37%, tăng chủ yếu ở sản phẩm trà nguyên chất (tăng 11,11%, theo báo cáo của doanh nghiệp sản lượng chè thu hoạch của Nông trường chè Thái Bình trong tháng 8 tăng, đáp ứng về nguyên liệu cho nhà máy hoạt động liên tục trong tháng); sản xuất hóa chất dự ước tăng 3,27% (trong đó sản phẩm colophan tăng 3,05%, sản xuất oxit molipden tăng 4,20% do từ đầu quý III doanh nghiệp đã ổn định sản xuất và có đơn hàng tăng so với các tháng trước), sản phẩm cửa ra vào bằng sắt, thép tăng 32% do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hùng Vương tăng đơn hàng từ nhu cầu lắp đặt trong dân cư; sản phẩm móc khóa cài của Công ty TNHH một thành viên MB Cao Thành tăng 7,69% do đơn hàng tiêu thụ nội địa từ các công ty may mặc tăng; sản phẩm bật lửa ga tăng 46,09% ...
Ngành sản xuất và phân phối điện có chỉ số bằng 75,59%, trong đó sản lượng điện sản xuất bằng 71,08%, chủ yếu giảm từ hoạt động nhiệt điện do trong tháng 8, Công ty Nhiệt điện Na Dương điều tiết sản xuất, luân phiên sửa chữa, bảo dưỡng 2 lò nhiệt điện nên dự kiến chỉ đạt 50% công suất, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến giảm sản lượng than khai thác trong tháng 8 so với tháng trước; điện thương phẩm tăng 1% so với tháng trước.
Ngành xử lý và cung cấp nước, cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt của dân cư so với tháng trước (bằng 99,44%) do sang tháng 8 mưa nhiều, thời tiết mát hơn tháng trước nên nhu cầu sử dụng nước giảm; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải bằng 99,08% so với tháng trước.
2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2021 so với cùng kỳ
So với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2021 tăng 7,69%. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 17,74%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,34%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 2,17%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,86%.
Ngành công nghiệp khai khoáng: Hoạt động khai thác than tăng 3,39%; hoạt động khai thác đá tăng 30,9% do trong tháng 8/2021 trên địa bàn tỉnh triển khai tu sửa, nâng cấp và mở rộng một số công trình giao thông, nhu cầu sử dụng đá trong xây dựng tăng.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số tăng khá so với cùng kỳ do một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh có mức tăng cao như sản phẩm oxit molipden của Công ty cổ phần Kim Đạt tăng 145,61%; sản phẩm chì thỏi của Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ tăng 69,56%; sản phẩm cửa ra vào bằng sắt, thép tăng 83,33%,... doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đơn hàng ký kết tiêu thụ ổn định. Đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh (sản phẩm xi măng Portland đen) tăng 5,02% do cùng kỳ năm trước, Công ty Xi măng Đồng Bành điều tiết sản xuất phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng lò, sản lượng xi măng sản xuất giảm 10-20 nghìn tấn mỗi loại.
Một số ngành sản xuất có chỉ số giảm như ngành sản xuất thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 3,32%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 4,52%; sao chép bản in các loại giảm 1,18%;.... nguyên nhân chủ yếu do đơn hàng giảm, lượng hàng tồn đầu tháng còn lớn, doanh nghiệp giảm sản lượng sản xuất.
Ngành sản xuất và phân phối điện: Sản lượng điện sản xuất tháng 8/2021 tăng 0,96%; điện thương phẩm tăng 7,63% so với cùng kỳ. Sở Công Thương ban hành văn bản đề nghị: các doanh nghiệp sử dụng năng lượng lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp sử dụng tiết kiệm điện trong đợt nắng nóng.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước tăng 6,86%, cụ thể: Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,56%; thoát nước và xử lý nước thải tăng 2,5%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 13,82%, do địa bàn thị trấn một số huyện mở rộng địa giới, để đảm bảo tiêu chí vệ sinh môi trường cần tập trung thu gom rác thải và xử lý theo quy định nên hoạt động thu gom rác thải, tái chế phế liệu được tăng cường. Hợp tác xã Đồng Tâm thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh đang được Sở Công Thương hướng dẫn hoàn thiện Hồ sơ bổ sung Quy hoạch nhà máy điện rác Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc vào Quy hoạch Phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
2.3. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ
Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 5,88%.
Trong ngành công nghiệp khai thác, sản phẩm than sạch của Công ty Than Na Dương tăng 3,68%, dự báo nhu cầu than tiêu thụ các tháng cuối năm tăng, vì vậy để đảm bảo đủ than cho sản xuất, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động, linh hoạt trong điều hành, tập trung sản xuất. Đá khai thác tăng 7,79%, riêng sản phẩm đá xây dựng do thời tiết khô ráo thuận tiện cho hoạt động khai thác đá và từ đầu năm các công trình dân dụng, đường giao thông đi vào sửa chữa làm mới trên nhiều tuyến đường.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,27%: Đối với ngành sản xuất dệt may, chủ yếu gia công sản phẩm túi công nghiệp cho nước ngoài gặp khó khăn do giá hàng hóa gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc dẫn tới ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 50,58%, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 20,55%, chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại; sản xuất kim loại tăng 64,20%, Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ cùng kỳ năm trước thiếu nguyên liệu, chủ yếu sản xuất sản phẩm bạc, năm 2021 tập trung đẩy mạnh sản phẩm chì thỏi; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 19,77% (trong đó sản phẩm oxit molipden tăng 59,19% do Công ty Cổ phần Kim Đạt mở rộng sản xuất, ký kết đơn hàng tiêu thụ; sản phẩm colophan tăng 13,9% do sản lượng nhựa thông khai thác tăng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, bên cạnh đó doanh nghiệp chủ động ký kết đơn hàng xuất khẩu, ổn định sang Trung Quốc); sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 10,41%, doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện tập trung sản xuất để đón đợt mua sắm những tháng cuối năm; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 8,17% (sản phẩm Xi măng Portland đen sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng 10,99%, chủ yếu do Công ty Xi măng Đồng Bành từ đầu năm hoạt động thường xuyên, chưa dừng lò để duy trì bảo dưỡng; Công ty Xi măng Hồng Phong trong năm 2020 đang trong giai đoạn chuyển giao, sản xuất cầm chừng, sang năm 2021 quay trở lại hoạt động ổn định, sản lượng sản xuất tăng dần, mở rộng đơn hàng tiêu thụ nội địa). Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 4,43%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 0,15%.
Trong sản xuất và phân phối điện: Sản lượng điện sản xuất giảm 2,28%; điện thương phẩm tăng 8,43% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Nước uống được tăng 4,55%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 7,21%.
2.4. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 8/2021 tăng 1,16% so với tháng trước và giảm 1,74% so với cùng kỳ. Trong đó, so với cùng kỳ ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 7,84%, cho thấy ngành công nghiệp khai khoáng việc ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất ngày càng cao; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,01% do một số doanh nghiệp tăng năng suất lao động; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 2,87%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,96%. Bình quân 8 tháng năm 2021, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ngành công nghiệp, chia theo loại hình kinh doanh, riêng chỉ số lao động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tháng 8 và 8 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng cao (tháng 8 tăng 9,86%, 8 tháng tăng 33,6%) chủ yếu do sự thay đổi lao động từ Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ so với cùng kỳ.
3. Đầu tư, xây dựng
Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung huy động các nguồn vốn trên địa bàn, đồng thời tranh thủ nguồn lực từ Trung ương nhằm đáp ứng nhu cầu chi đầu tư các công trình trọng điểm. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đầu tư đạt được một số kết quả tích cực, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư như dự án: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn Km3+700 đến Km18, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khu tái định cư và dân cư nông thôn xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình; dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Hồ chứa nước Bản Lải, giai đoạn 1. Một số dự án đang trong thời gian niêm yết phương án bồi thường, GPMB nên chưa có khối lượng thực hiện, có dự án còn vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất lúa, cập nhật danh mục vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 8/2021 ước thực hiện 284.714 triệu đồng, đạt 9,78% so với kế hoạch năm 2021, giảm 13,87% so với cùng kỳ. Chia ra: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 215.897 triệu đồng, giảm 0,89% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 68.817 triệu đồng, giảm 38,95% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 8 tháng năm 2021, ước thực hiện 1.823.601 triệu đồng, giảm 0,73% so với cùng kỳ. Chia ra: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.154.427 triệu đồng, tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 669.174 triệu đồng, giảm 4,82% so với cùng kỳ.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700-km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2021 ước thực hiện được 193 tỷ đồng, đạt 19,53% kế hoạch.
Dự án đường giao thông Khu phi thuế quan, huyện Văn Lãng: Công trình có tổng mức đầu tư 255,1 đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2021 ước thực hiện được 206,1 tỷ đồng, đạt 80,79% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 8/2021 ước thực hiện được 299 tỷ đồng, đạt 21,71% kế hoạch.
Dự án Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Lải: Công trình có tổng mức đầu tư 1.293,4 tỷ đồng. Luỹ kế vốn thực hiện từ khi khở công dự án đến tháng 8/2021 ước thực hiện được 1.156,8 tỷ đồng, đạt 89,43% kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính[1]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 8 năm 2021 là 776,5 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: thu nội địa là 202,6 tỷ đồng bằng 85,5% so với cùng kỳ năm 2020, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 573,7 tỷ đồng tăng 60,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 8 tháng năm 2021 là 7.397,5 tỷ đồng, đạt 131,3% so với dự toán Trung ương giao, đạt 126,8% so với dự toán tỉnh giao, tăng 73,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Thu nội địa đạt 1.943,1 tỷ đồng, đạt 81,5% so với dự toán tỉnh giao, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 5.450 tỷ đồng, đạt 158% so với dự toán giao, tăng 122,8% so với cùng kỳ năm 2020; Các khoản huy động, đóng góp: 4,3 tỷ đồng, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2020.
- Về chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 8 năm 2021 là 1.011,7 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 8 tháng đầu năm 2021 là 6.028,3 tỷ đồng, đạt 56,1% dự toán giao đầu năm, bằng 95,4% so với cùng kỳ năm 2020, Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 5.278,3 tỷ đồng, đạt 59,5% dự toán giao đầu năm và tăng 2% so cùng kỳ năm 2020; Chi đầu tư phát triển là 781 tỷ đồng, đạt 53,4% dự toán, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020; Chi thường xuyên đạt 4.385,5 tỷ đồng, đạt 60,7% dự toán, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020; Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 750 tỷ đồng đạt 40,3% dự toán, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2020.
4.2. Ngân hàng[2]
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ước thực hiện đến 31/8/2021: Tổng huy động vốn ước đạt 32.290 tỷ đồng, tăng tăng 6,7% so với cùng kỳ, tăng 3,4% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 35.870 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ, tăng tăng 6,7% so với 31/12/2020.
5. Thương mại và dịch vụ
Trong tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhóm ngành dịch vụ và vận tải. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng tâm lý người dân trong mua sắm hàng hóa tương đối bình tĩnh, không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giữ mức tăng khá so với cùng kỳ; tuy nhiên, ngành dịch vụ lưu trú, du lịch lữ hành và một số ngành dịch vụ vẫn còn giảm sâu so với cùng kỳ.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 1.498,7 tỷ đồng, tăng 1,32% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Xét doanh thu theo nhóm ngành hàng hoá thì có 8/12 nhóm ngành hàng hoá có tốc độ tăng dưới 5% so với tháng trước, lần lượt: Nhóm lương thực, thực phẩm tăng 3,04%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng nhẹ 1,25%; nhóm gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,31%; nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 4,68%; nhóm hàng hoá khác tăng 1,66%; Các nhóm hàng hóa khác còn lại giảm nhẹ, không có hiện tượng biến động về giá cũng như khan hiếm mặt hàng.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá 8 tháng năm 2021 đạt 12.666,5 tỷ đồng, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm trước.
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Doanh thu dịch vụ lữ hành tháng 8/2021 ước đạt 405 triệu đồng, so với tháng trước giảm 20,2%; so với cùng kỳ giảm 36,09%. Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 8/2021 dự ước doanh thu đạt 116,2 tỷ đồng, giảm 2,66% so với tháng trước: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 6,7 tỷ đồng, giảm 5,5%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 109,5 tỷ đồng, giảm 2,48% so với tháng trước. Dự ước 8 tháng năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.060,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 2,24%.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Hiện nay một số dịch vụ chưa cần thiết như: karaoke, quán bar, xông hơi, masage, điểm truy cập game… chưa được phép hoạt động trở lại; trên địa bàn thành phố các cửa hàng ăn uống vẫn chỉ được bán hàng mang về. Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng do ảnh hưởng của thời tiết nắng, nóng; tai nạn giao thông và các bệnh thường gặp khác tác động đến nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội cũng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 8/2021 dự ước đạt 33,4 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 6,22%, cụ thể từng nhóm dịch vụ giảm như sau: Nhóm kinh doanh bất động sản giảm 9,66%; dịch vụ giáo dục giảm 9,38%; dịch vụ nghệ thuật vui chơi giải trí giảm 11,68%; dịch vụ khác giảm 9,93%. Ngoài các nhóm dịch vụ giảm trên thì có nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng nhẹ 1,06%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 3,48%.Dự ước doanh thu hoạt động dịch vụ 8 tháng năm 2021 tăng 11,33% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Vận tải
Dự ước doanh thu toàn ngành tháng 8/2021 là 121,2 tỷ đồng, tăng 4,98% so với tháng trước và giảm 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 44,68%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 62,5 tỷ đồng, giảm 18,14%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ ước đạt 49,1 tỷ đồng tăng 33,12%; hoạt động chuyển phát ước đạt 360 triệu đồng, giảm 1,91% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước 8 tháng năm 2021, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi đạt 1.043,8 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 115,5 tỷ đồng, giảm 19,25%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 3646 nghìn khách tăng 3,24%; khối lượng luân chuyển đạt 156.373 nghìn HK.Km, giảm 12,76%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 617,6 tỷ đồng, tăng 9,31%, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3.267 nghìn tấn, tăng 26,03%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 352.458 nghìn tấn.Km, tăng 12,57%. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 308,3 tỷ đồng, tăng 33,2% và hoạt động chuyển phát đạt 2,4 tỷ đồng, tăng 38,5%.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,24% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể:
6.1.1. Một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,34%:
+ Chỉ số giá nhóm hàng trên biến động tăng chủ yếu ở một số mặt hàng sau: Giá điện sinh hoạt tăng 1,59% so với tháng trước, do thời tiết nắng nóng kéo dài nhu cầu tiêu thụ điện của người dân trong tháng tăng. Giá dầu hỏa giảm 0,44%, do trong kỳ liên Bộ Công thương – Tài chính điều chỉnh giá vào ngày 11/8 theo diễn biến giá dầu của thế giới. Giá gas tăng 2,47% (tăng 12.000 đồng/bình 12 kg), nguyên nhân giá gas tháng 8 tăng là do giá gas thế giới tăng mạnh làm cho giá gas trong nước tăng theo, nhà cung cấp thế giới công bố giá gas bình quân là 657,5 USD/tấn, tăng 37,5 USD/tấn so với tháng trước.
+ Giá nước sinh hoạt tăng 0,05%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,56%, giá nguyên vật liệu phục vụ cho các công trình xây dựng bắt đầu có xu hướng giảm nhẹ.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02%: Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia (tăng 0,05%) do trong tháng có ngày rằm tháng Bảy (âm lịch), nhu cầu tiêu dùng rượu, bia của người dân tăng.
- Nhóm giao thông tăng 0,88%:
+ Chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,04% so với tháng trước. Do trong kỳ có điều chỉnh tăng giá xăng vào 15 giờ 00 ngày 11/8, trong đó: Giá xăng A95 III là 22.110đ/lít tăng 245đ/lít, giá dầu Diezen là 16.561đ/lít giảm 133đ/lít. Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong tháng tăng, giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa, tăng nhẹ đối với các mặt hàng xăng. Do tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, liên Bộ Công thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức độ cao.
+ Giá vé tàu hỏa giảm 0,37%; giá vé máy bay tăng 0,05%, với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, mọi hoạt động di chuyển, của người dân hạn chế nên giá dịch vụ giao thông giảm so với tháng trước.
6.1.2. Nhóm hàng hóa chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43% :
+ Giảm chủ yếu ở những mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước giảm 0,6%. Trong đó: Giá thịt gia súc tươi sống giảm 1,58%, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung tăng cao, riêng giá thịt lợn giảm 1,72%, hiện nay, dịch bệnh trên đàn lợn cơ bản đã được khống chế, giá bán sản phẩm ổn định, người chăn nuôi yên tâm tái đàn, giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường bình quân dao động ở mức từ 112.000đ/kg – 140.000đ/kg (giảm từ 2.000đ/kg – 5.000đ/kg so với tháng trước). Giá thịt lợn giảm kéo theo giá thịt chế biến giảm. Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,31%; trong tháng có ngày rằm tháng Bảy (âm lịch), nhu cầu tiêu thụ gia cầm của người dân tăng so với tháng trước. Giá rau tươi tăng 1,18%, tăng ở các mặt hàng trái vụ thu hoạch (nhưng được nhập ở các địa phương khác) như bắp cải, su hào ...
+ Lương thực giảm 0,1%: Chỉ số giá nhóm lương thực giảm chủ yếu ở mặt hàng gạo (giảm 0,27%), ngô (giảm 0,04%), lượng sản phẩm dồi dào do vừa thu hoạch vụ Xuân là nguyên nhân chính dẫn đến giá lương thực giảm.
- Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,14%: Trong tháng, các cửa hàng quần áo và giày dép áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu người dân tiêu dùng nên chỉ số giá nhóm này giảm so với tháng trước.
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,07%: Trong tháng, các cửa hàng điện máy áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi các mặt hàng như máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt... nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân lên mức cao nhất.
6.1.3. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.
CPI chung toàn tỉnh tháng 8/2021 giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 7,56%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,11%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,23%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,31%. Riêng nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao so với cùng kỳ do từ sau giãn cách toàn xã hội tháng 04/2020 cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại của người dân giảm, giá xăng dầu điều chỉnh giảm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm tác động do dịch bệnh, dẫn đến giá mặt hàng xăng, dầu tháng 8/2021 tăng 15,65% so với tháng cùng kỳ.
6.2. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ.
- Chỉ số giá vàng so với tháng trước giảm 0,57%: Trong tháng giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường. Giá vàng trong nước so với cùng kỳ năm trước giảm 2,44%. Bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 11,46% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,42% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,77%. Bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 0,91% so với cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[3]
Tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động 1.199 lượt người, số người đăng ký tìm việc làm: 42 người; số người được giới thiệu việc làm: 17 người, số người nhận được việc làm là 11 người. Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 479 người, 473 người có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng với tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp theo Quyết định là 6.334 triệu đồng.
Trợ cấp thường xuyên cho 3.887 người có công với kinh phí 7.386 triệu đồng ; Lũy kế chi trả trợ cấp cho 31.658 lượt người, kinh phí 59.965 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 142 hồ sơ; Lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân 1.239 hồ sơ.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[4]
7.2.1. Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dich Covid-19 tính đến 15h 00 ngày 24/8/2021:
- Toàn tỉnh đến nay có 180 F0, 3.846 F1, 25.539 F2. Hiện còn theo dõi: 57F0, 464 F1, 1.567 F2, trong đó: hiện đang điều trị tại tỉnh là 50 ca (Văn Lãng (48), BVĐK (1), Chi Lăng (1), tất cả các trường hợp đều không phải thở ôxy; 07 trường hợp chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- Tình hình xét nghiệm: từ ngày 06/5/2021 đến ngày 23/8/2021, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện trên toàn tỉnh là: 175.470 người/251.474 mẫu xét nghiệm RT-PCR; 98.858 người/100.166 mẫu Test nhanh.
- Công tác tiêm chủng vắc xin phòng chống covid 19: Tính đến ngày 24/8/2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức tiêm được tiêm: 145.849 liều/tổng số 158.991 liều đã nhận (91,7%), trong đó: 62.197 người được tiêm mũi 1 và 41.826 người được tiêm đủ 2 mũi; Tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/ dân số (>= 18 tuổi) đạt 26,38%. Hiện nay đang triển khai tiêm mũi 2 vắc xin Verocell và AstraZeneca cho các đối tượng; Lạng Sơn là tỉnh đứng thứ 10 về tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/dân số (>= 18 tuổi).
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát; không để dịch lớn xảy ra. Trong tháng có 06 bệnh có số mắc tăng[5] và 07 bệnh có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ[6]. Các ca bệnh có số mắc tăng đều phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
Duy trì tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 01 tuổi trên 11 huyện, thành phố. Đảm bảo thực hiện đúng các quy định, quy trình tiêm chủng; không có tai biến xảy ra trong tiêm chủng.
7.2.2. Công tác khám chữa bệnh
Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức trực 04 cấp, đảm bảo trực 24/24 giờ; đảm bảo cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, hậu cần, bố trí đủ cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Tiếp tục thực hiện phân luồng, phân loại khám ngay từ khi người bệnh đến bệnh viện, nhằm phát hiện những ca nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly kịp thời. Đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án khám chữa bệnh từ xa 6 tháng cuối năm 2021.
Kết quả khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến trong tháng 8: Khám được 98.290 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 9.840 lượt; điều trị ngoại trú cho 11.184 lượt. Khám chữa bệnh ngoài công lập: Trong tháng khám được 17.043 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 12.892 lượt; chuyển viện 628 lượt; khám sức khỏe 836 lượt.
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[7]
Hoạt động thư viện: Tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ sách từ các nguồn được 73 tên sách, 216 bản sách. Cơ sở dữ liệu sách nhập mới 296 biểu ghi, cơ sở dữ liệu báo nhập mới 50 biểu ghi, số hóa tài liệu được 400 trang; phục vụ bạn đọc tại chỗ 2.700 lượt, luân chuyển 6.000 lượt sách; phục vụ phòng đa phương tiện đạt 25 lượt. Bàn giao sách do các nhà xuất bản biếu tặng về cơ sở; luân chuyển được 3.075 lượt sách, báo.
Hoạt động chiếu bóng: tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các xã vùng biên giới; tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và đốt pháo nổ…. Chiếu phim phục vụ tại cơ sở đạt 138 buổi chiếu, đạt 966 lượt tuyên truyền đến 24 lượt xã, 138 lượt thôn, phục vụ 11.562 lượt người. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 Rạp chiếu phim Đông Kinh tiếp tục dừng chiếu phim.
Tiếp tục duy trì mở cửa nhà trưng bày, phòng triển lãm chuyên đề đón tiếp khách tham quan (do dịch Covid-19 nên lượng khách tham quan chỉ đạt 59 lượt người tham quan).
Lĩnh vực thể dục, thể thao: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid -19 và tạm hoãn tổ chức thi đấu giải như: giải Bóng bàn, Cầu lông Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Lạng Sơn năm 2021; môn Bơi trước khai mạc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX – năm 2022; Giải chạy bộ “Mẫu Sơn Jungle Paths” năm 2021. Tiếp tục duy trì công tác đào tạo, huấn luyện vận động viên năng khiếu, huấn luyện các đội tuyển tham gia các giải thể thao khu vực và toàn quốc; các đội tuyển tăng thời gian tập luyện trong thời gian dịch bệnh.
7.4. Giáo dục[8]
Hoàn thành công tác thi tốt THPT đợt 2 và chấm thi vào lớp 10 THPT an toàn, đúng quy chế (đảm bảo công tác chấm thi an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19). Thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên nhất là những người đã tiếp xúc gần hoặc qua người trung gian với những bệnh nhân đã nhiễm Covid-19, với người đang bị cách ly, theo dõi y tế.
Về kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, các nhà trường tổ chức tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9/2021; riêng với khối lớp 1, tựu trường sớm nhất là ngày 23/8/2021. Thống nhất lịch khai giảng chung năm học 2021 – 2022 trên toàn tỉnh vào ngày 05/9/2021. Đối với kế hoạch năm học, các trường kết thúc học kỳ I trước ngày 16/01/2022; hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022, và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022. Trong thời gian năm học, tùy vào tình hình thực tế, Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai; sau đó, phải bố trí cho học sinh học bù để đảm bảo chương trình học; đảm bảo thời gian nghỉ cho giáo viên trong năm học.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông[9]
Tháng 8 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ trong đó 02 vụ nghiêm trọng và 01 vụ rất nghiêm trọng; làm 04 người chết, không có người bị thương. Cộng dồn 8 tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông làm 24 người chết, 07 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước giảm 01 vụ (-3,85%), giảm 02 người chết (-7,69%), giảm 03 người bị thương (-30%). Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
7.6. Môi trường
Trong tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không xảy ra trường hợp vi phạm môi trường. Xảy ra 02 vụ cháy, trong đó : 01 vụ cháy nhà dân tại huyện Tràng Định, ước giá trị thiệt hại 130 triệu đồng; 01 vụ cháy rừng thiệt hại 1,21 ha rừng trồng sản xuất tại huyện Chi Lăng, cơ quan chức năng đang điều tra xác minh giá trị thiệt hại. Cộng dồn từ đầu năm đã xảy ra 22 vụ cháy, nổ không có thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại là 2.364 triệu đồng.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh trong những tháng 8 năm 2021 xảy ra sét đánh thiệt hại 14 con trâu, tổng giá trị thiệt hại là 350 triệu đồng.
[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
[4] Nguồn: Sở Y tế.
[5] Viêm gan virut B 01 ca (tăng 01 ca); Viêm não virut khác 02 ca (tăng 02 ca); Xoắn khuẩn vàng da 01 ca (tăng 01 ca); Lỵ Amip 6 ca (tăng 02 ca); Viêm gan virut khác 01 ca (tăng 01 ca). Bệnh Viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona 21 ca (tăng 21 ca ).
[6] Tay chân miệng 01 ca (giảm 06 ca); Bệnh do virutAdeno 02 ca (giảm 05 ca); Cúm 313 ca (giảm 310 ca); Lỵ trực trùng 0 ca (giảm 03 ca); Quai bị 0 ca (giảm 25 ca); Thủy đậu 08 ca (giảm 31 ca); Tiêu chảy 139 ca (giảm 80 ca).
[7] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
[8] Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo.
[9] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.
Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn