Trong tháng, các địa phương trên toàn tỉnh tập trung vào việc xuống giống và chăm sóc các loại cây trồng vụ đông xuân. Ngành chăn nuôi ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển khá; tình hình dịch bệnh nghiêm trọng không xảy ra. Khai thác và nuôi trồng thuỷ sản thuận lợi, ngư dân tích cực bám biển trong những ngày cận Tết.
I. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
1. Trồng trọt
* Cây hàng năm: Tính đến ngày 15/01/2022, diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 32.199 ha, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó cây lúa diện tích xuống giống đạt 25.748,6 tăng 29,7%. Cây bắp đạt 1.830 ha, giảm 5,6%. Cây rau các loại đạt 2.035,4 ha, tăng 5,2%. Cây đậu các loại 1.470,7 ha, tăng 30,6%. Cây công nghiệp ngắn ngày đạt 762 ha, tăng 28,9%. Cây hàng năm khác đạt 282,3 ha, tăng 15,2%. Nguyên nhân tăng do vụ đông xuân năm 2021 huyện Tuy Phong không tổ chức sản xuất, nhằm tránh việc ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn (2 năm sản xuất 5 vụ).
* Cây lâu năm: Trong tháng chủ yếu tập trung chăm sóc và thu hoạch trên diện tích các loại cây lâu năm hiện có. Nhìn chung, thị trường xuất khẩu một số mặc hàng nông sản đang gặp khó khăn, nhất là từ khi Trung Quốc tạm thời đóng cửa một số cửa khẩu phía Bắc. Cụ thể một số cây trồng chính như sau:
- Thanh long: Sau thời gian chong đèn kích thích ra trái vụ, hiện người dân đang thu hoạch bán phục vụ Tết Nguyên đán; tuy nhiên trong thời gian vừa qua, phía Trung Quốc tạm dừng làm thủ tục thông quan từ ngày 29/12/2021 đến ngày 26/01/2022 đã làm nhiều lô hàng thanh long đứng trước nguy cơ hư hỏng, nhiều chủ xe phải quay đầu tiêu thụ nội địa với giá rẻ để gỡ lại chi phí. Dẫn đến nhiều nhà vườn thanh long đến kỳ thu hoạch không có người thu mua, giá đầu ra giảm so với các năm trước. Toàn tỉnh có 32.842,6 ha, sản lượng 696.000 tấn/năm, hầu hết sản lượng mùa nghịch chủ yếu tập trung sản xuất vào thời điểm giáp tết, trong khi chi phí đầu vào do ảnh hưởng dịch Covid-19 tăng cao như: phân bốn, thuốc trừ sâu, điện,... tăng làm người sản xuất bị thua lỗ. Đến thời điểm 15/01/2022 toàn tỉnh có 12.290,9 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap.
- Cao su: Đang vào cuối thời điểm thu hoạch; do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhu cầu nhập khẩu cao su của các nước giảm (đặc biệt là thị trường Trung Quốc); tuy nhiên sản lượng cao su tiêu thụ trong nước có khuynh hướng tăng, dự tính trong thời gian đến diện tích trồng mới trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ.
- Cây điều: Hiện đang là thời điểm ra hoa; khả năng đậu quả phụ thuộc vào thời tiết khá lớn (Thời tiết lạnh, khô hanh, nhiều sương muối sẽ làm giảm khả năng đậu quả). Hiện nay một số địa phương đã triển khai trồng mới, thay thế diện tích điều già cỗi bằng các giống điều cao sản, năng suất cao; tuy nhiên diện tích điều truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn chiếm tỷ trọng khá cao nên hiệu quả kinh tế do cây điều mang lại chưa nhiều.
- Cây tiêu: Ở thời điểm bắt đầu thu hoạch, so với cùng kỳ năm trước giá tiêu đã tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa cao, người trồng có lãi nhưng không nhiều, tình hình sâu bệnh trên cây tiêu khá phức tạp (chết nhanh chết chậm) người trồng không phát triển diện tích mới.
- Các loại cây lâu năm còn lại được chăm sóc và phát triển bình thường, diện tích biến động không đáng kể…
* Tình hình dịch bệnh: Dịch bệnh trên cây trồng cơ bản được kiểm soát, công tác dự báo và ngăn ngừa dịch bệnh được theo dõi, triển khai thường xuyên. Tình hình dịch bệnh đầu năm 2022 so với năm 2021 như sau:
- Cây lúa: Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá 969 ha, giảm 422 ha; diện tích nhiễm rầy nâu 500 ha, tăng 106 ha.
- Cây mì: Diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus 2.910 ha, tăng 609 ha.
- Cây thanh long: Diện tích nhiễm bệnh đốm nâu 6.149 ha, tăng 2.817 ha; ốc sên diện tích nhiễm bệnh 1.550, tăng 896 ha; bệnh thán thư cành quả 1.092 ha, tăng 465 ha; bệnh thối rễ tóp cành diện tích nhiễm 1.041 ha, tăng 743 ha.
- Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi 204 ha, giảm 166 ha; bệnh thán thư diện tích bị hại 77 ha, giảm 35 ha.
* Tình hình tưới vụ đông xuân 2021-2022: Tính đến ngày 05/01/2022 diện tích tưới lúa, hoa màu vụ đông xuân thuộc hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh đạt 16.875/32.263 ha, đạt 52,3% kế hoạch; diện tích tưới cây thanh long và nho đạt 21.090/21.090 ha, đạt 100% kế hoạch. Tình hình nguồn nước đến ngày 10/01/2022 lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa trong tỉnh được 255,4 triệu m3, đạt 70,5% thiết kế, cao hơn 53 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2021.
2. Chăn nuôi (tại thời điểm 15/01/2022)
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc lưu thông vận chuyển hàng hóa; giá thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi giá thịt lợn hơi, giá gà công nghiệp có thời điểm giảm; sản lượng thịt gia súc, gia cầm trong năm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là trong những ngày lễ, tết sắp đến và xuất bán ra các tỉnh lân cận. Hiện nay giá thịt lợn hơi, thịt gà đang dần phục hồi nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2021.
- Chăn nuôi trâu, bò: Ước đàn trâu có 8.610 con, giảm 1,5% so năm 2021, mặc dù giá thịt hơi ổn định, thị trường tiêu thụ tốt nhưng do khả năng sinh trưởng và tăng đàn chậm, thời gian đầu tư đến khi thu hồi vốn lâu hơn các loại vật nuôi khác nên người nuôi không mạnh dạn đầu tư tăng đàn; chăn nuôi bò phát triển ổn định toàn tỉnh có 173.800 con, tăng 1,8% so với năm 2021.
- Chăn nuôi lợn: Ước đàn lợn có 321.600 con, tăng 5,9% so với năm 2021. Tỷ trọng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khuynh hướng giảm dần ở nông hộ và tăng dần ở doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi công nghệ cao CP. Nguyên nhân do chăn nuôi nông hộ dễ phát sinh bệnh dịch, không chủ động được đầu ra, dễ bị thua lỗ mỗi khi rớt giá, đặc biệt trong điều kiện Covid-19 có lúc giá lợn hơi giảm, trong khi chi phí về thức ăn, thuốc thú y tăng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ít tái đàn; ngược lại các trang trại, doanh nghiệp CP có cơ sở vật chất, kỹ thuật cao, kiểm soát được bệnh dịch, từ khâu chăn nuôi đến khi tiêu thụ, sản xuất sản phẩm từ thịt được thực hiện theo dây chuyền khép kín, chủ động được nguồn cung nên không bị ảnh hưởng nhiều về giá đầu ra.
- Chăn nuôi gia cầm: Ước đàn gia cầm có 5.140 ngàn con, tăng 20,7% so với năm 2021, trong đó đàn gà 3.751 ngàn con, tăng 31,6%; đàn gà có khuynh hướng chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần ở chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang khuynh hướng chăn nuôi quy lớn, với việc áp dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất, kiểm soát được bệnh dịch và đặc biệt là bảo đảm được đầu ra sản phẩm.
* Công tác tiêm phòng, kiểm dịch động vật
Trong tháng trên địa bàn tỉnh không xuất hiện các ổ dịch nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh tai xanh trên lợn; một số bệnh truyền nhiễm khác có xảy ra trên gia súc, gia cầm nhưng ở mức độ lẻ tẻ không lây lan thành dịch; bệnh viêm da nổi cục ở huyện Hàm Tân và huyện Bắc Bình cơ bản đã được khống chế. Trong tháng bệnh dịch tả lợn Châu phi không xảy ra.
- Công tác tiêm phòng vắc xin: Đã tổ chức tiêm phòng 1.427,7 ngàn liều; trong đó trâu, bò 62,4 ngàn liều; lợn 44,9 ngàn liều; gia cầm 1.315 ngàn liều.
- Kiểm dịch động vật: Đã kiểm dịch 137 ngàn con lợn; 329 con trâu bò; 697,5 ngàn con gia cầm; 278,7 tấn thịt các loại; 3.316 ngàn quả trứng gia cầm; 44,5 tấn thịt sơ chế.
- Kiểm soát giết mổ: Đã kiểm soát giết mổ 166 con trâu bò; 3,1 ngàn con lợn; 3,9 ngàn con gia cầm.
3. Lâm nghiệp
- Công tác trồng rừng: Trong tháng hoạt động trồng rừng, chăm sóc rừng chưa được triển khai. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ thực hiện chuyển tiếp 133.376,6 ha.
- Công tác phòng cháy chữa cháy rừng: Các đơn vị chức năng xây dựng và triển khai phương án chống phá rừng, PCCCR năm 2022; tăng cường các hoạt động kiểm tra các đơn vị chủ rừng, các xã có rừng triển khai các hoạt động bảo vệ rừng trong mùa khô, ngăn chặn các hành vi phạm luật lâm nghiệp và tổ chức chữa cháy rừng có hiệu quả trong mùa khô, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên Đán năm 2022.
- Công tác quản lý, bảo vệ rừng: Trong tháng đã phát hiện 25 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó phá rừng trái phép 02 vụ, khai thác gỗ và lâm sản khác 09 vụ, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép 05 vụ, vi phạm chế biến gỗ và lâm sản 01 vụ, vi phạm khác 08 vụ. Tổng số vụ vi phạm đã xử lý hành chính là 21 vụ, tịch thu 15 xe máy, 01 phương tiện khác và 24,6 m3 gỗ các loại.
4. Thuỷ sản
- Diện tích nuôi trồng thủy sản: Trong tháng tình hình nuôi trồng thủy sản ổn định, thời tiết thuận lợi, không phát hiện dịch bệnh. Nuôi trồng thủy sản trên biển phát triển với các loài có giá trị kinh tế cao. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong tháng ước đạt 227,7 ha, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó diện tích nuôi cá ước đạt 150 ha, tăng 3,4%; diện tích nuôi tôm ước đạt 75,6 ha, tăng 2,7% (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng 74 ha, tăng 2,8%).
- Sản lượng nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước đạt 1.089,4 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2021; trong đó cá các loại ước đạt 480 tấn, tăng 3,2%. Tôm nuôi nước lợ ước đạt 604 tấn, tăng 3,4%.
- Sản lượng khai thác: Tình hình khai thác thủy sản trong tháng tương đối ổn định, ngư dân tăng cường bám biển để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 12.646,4 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khai thác biển ước đạt 12.590 tấn, tăng 0,9%; sản lượng khai thác nội địa đạt 56,4 tấn, giảm 1,7%.
- Sản xuất giống thuỷ sản: Sản lượng giống sản xuất chủ yếu là tôm giống, trong tháng ước đạt 1,7 tỷ con, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng đầu năm 2022 xuất khẩu tôm thịt tăng nên nhu cầu tôm giống cũng tăng theo.
- Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa tiếp tục được triển khai thực hiện. Tăng cường lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá. Tính đến ngày 10/01/2022 đã lắp đặt 1.858/1.897 tàu, đạt 93,4% kế hoạch (tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên). Công tác đăng kiểm tàu cá được thực hiện thường xuyên. Số vụ vi phạm từ đầu năm đến ngày 10/01/2022 chưa có vụ vi phạm nào xảy ra.
Trong tháng không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tỉnh đã xây dựng và triển khai chương trình cơ cấu lại đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ gắn với phát triển dịch vụ hậu cần; tổ chức lại sản xuất vùng ven bờ, vùng lộng, giảm nhanh số lượng thuyền nghề lưới kéo gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản tiên tiến trên tàu cá để giảm thất thoát và nâng cao giá trị sản phẩm sau khai thác. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quản lý và giám sát tàu cá. Bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái ven biển, hải đảo gắn với sinh kế của cộng đồng ngư dân.
- Số lượng tàu thuyền: Theo số liệu thống kê tàu thuyền ngày 01/12/2021 số lượng tàu thuyền khai thác tăng so với cùng kỳ năm trước. Tàu khai thác biển công suất lớn có xu hướng tăng nguyên nhân do trong thời gian những năm gần đây sản lượng nguồn hải sản gần bờ ngày càng giảm (do khai thác quá mức), số hộ khai thác gần bờ không đạt hiệu quả, thua lỗ; vì vậy một số hộ ngư dân chung vốn mua hoặc đóng tàu có công suất cao để đủ điều kiện đánh bắt xa bờ.
Tính đến ngày 01/12/2021 tổng số tàu hiện có 6.875 chiếc. Trong đó tàu khai thác thủy sản 6.711 chiếc, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng công suất 1.110.605 CV, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020; công suất bình quân đạt 165,5 CV/chiếc, tăng 0,5 CV/chiếc. Nhóm tàu công suất từ 20 đến dưới 50 CV giảm 4,8%; nhóm tàu từ 50 đến dưới 90 CV giảm 1,8%; nhóm tàu dưới 20 CV tăng 22,8% do một số nghề như câu tay cá, câu tay mực đạt hiệu quả cao; nhóm công suất từ 250 CV đến dưới 400 CV tăng 5,9%; nhóm công suất từ 400 CV trở lên tăng 3,9%. Nhóm tàu có công suất lớn là lực lượng khai thác hải sản biển chủ lực, góp phần giữ vững và tăng trưởng trong khai thác biển của địa phương. Cùng với việc phát triển về năng lực khai thác, cơ cấu ngành nghề khai thác xa bờ đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng phù hợp với ngư trường, mùa vụ và đối tượng khai thác; nhiều ngành nghề trước đây chỉ hoạt động ven bờ và tuyến lộng nay chuyển ra vùng khơi để đánh bắt như nghề câu, nghề vây. Một số nghề khai thác không hiệu quả làm cạn kiệt tài nguyên biển như lưới kéo đơn, lưới rê tầng đáy ngư dân đã chuyển qua nghề khác vây ánh sáng, câu tay cá.
II. Công nghiệp - xây dựng; đăng ký kinh doanh; đăng ký đầu tư
1. Công nghiệp
Trong tháng 01/2022, đây thời điểm các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến tăng cường hoạt động phục vụ Tết Nguyên Đán. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2022 ước so với cùng kỳ tăng 3,25%. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,5%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 25,24%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,64%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,31%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010), dự ước tháng 01/2022 đạt 2.900,19 tỷ đồng, tăng 3,80% so với năm 2021. Trong đó công nghiệp khai khoáng 64,33 tỷ đồng, tăng 6,33%; công nghiệp chế biến chế tạo 1.254,82 tỷ đồng, tăng 12,05%; sản xuất và phân phối điện 1.557,60 tỷ đồng, giảm 2,03%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải 23,43 tỷ đồng, giảm 1,14%.
* Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu
- Thức ăn gia súc: Dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 37,5 ngàn tấn, giảm 11,5% so với tháng trước và tăng 37,61% so với cùng kỳ, tăng chủ yếu do nhu cầu cung cấp thức ăn cho gia súc tăng.
- Nước khoáng: Nước khoáng có ga dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 1,48 triệu lít, tăng 13,34% so với tháng trước và giảm 11,3% so với cùng kỳ; Nước khoáng không có ga dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 6,05 triệu lít, tăng 6,22% so với tháng trước và tăng 12,56% so với cùng kỳ.
- Sản phẩm trang phục: Áo sơ mi dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 498,6 ngàn cái, giảm 7,69% so với tháng trước và tăng 18,18% so với cùng kỳ.
- Điện sản xuất: Dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 2.203 triệu kwh, tăng 63,08% so với tháng trước và giảm 1,64% so với cùng kỳ. Giảm chủ yếu ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân sản xuất theo sản lượng từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia phân bổ chỉ tiêu.
- Sản phẩm cao su: Dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 5.144 tấn, giảm 12,4% so với tháng trước và tăng 2,77% so với cùng kỳ.
- Sản phẩm nước mắm: Dự ước tháng 01/2022 sản lượng đạt 167,66 nghìn lít, tăng 22,73% so với tháng trước và tăng 3,85% so với cùng kỳ.
* Tình hình hoạt động của các khu công nghiệp (KCN)
Trong tháng 01/2022, tiếp tục thức hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống dịch Covid-19; các doanh nghiệp tăng cường hoạt động sản xuất nhằm cung cấp nhu cầu mua sắm Tết Nguyên Đán Nhâm dần năm 2022.
2. Đầu tư phát triển
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện tháng 01/2022 ước đạt 182,8 tỷ đồng, tăng 2,19 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,8% kế hoạch, nguyên nhân tăng do tháng 01/2021 đầu nhiệm kỳ kế hoạch vốn chưa phân bổ. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 159,7 tỷ đồng, gấp 2,61 lần so với cùng kỳ, chiếm 87,4% trong tổng số vốn Nhà nước trên địa bàn, đạt 3,85% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 21,4 tỷ đồng, tăng 4,15% so với tháng cùng kỳ, chiếm 11,7% trong tổng số vốn Nhà nước trên địa bàn, đạt 3,4% kế hoạch; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 1,8 tỷ đồng, tăng 2,94% so với cùng kỳ, chiếm 0,9% trong tổng số vốn Nhà nước trên địa bàn, đạt 2,15% kế hoạch.
3. Đăng ký kinh doanh
Trong tháng 01 (từ ngày 15/12/2021-14/01/2022), có 107 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó có 37 đơn vị trực thuộc), giảm 13,01% so với năm 2021; tổng vốn đăng ký mới 921,9 tỷ đồng, tăng 18,54%; số doanh nghiệp đã giải thể 105 doanh nghiệp (trong đó có 93 đơn vị trực thuộc), giảm 22,22%; tạm ngừng hoạt động 176 doanh nghiệp (trong đó có 33 đơn vị trực thuộc), tăng 72,55% so với năm 2021; đăng ký thay đổi loại hình 165 doanh nghiệp (trong đó có 28 đơn vị trực thuộc), tăng 17,86%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 121 doanh nghiệp (trong đó có 24 đơn vị trực thuộc), tăng 28,72%.
Về quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh: Thông báo cảnh báo 21 trường hợp doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký (theo yêu cầu của cơ quan Thi hành án). Xử lý gỡ cảnh báo 02 trường hợp sau khi cơ quan thuế chấp thuận cho hoạt động trở lại.
4. Đăng ký đầu tư
Trong tháng 01/2022 trên địa bàn tỉnh không có dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Lũy kế từ trước đến nay có 1.595 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng diện tích đất 50.022 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 333.094 tỷ đồng.
Tính đến ngày 18/01/2022, không có dự án khởi công và cũng không có dự án bị thu hồi. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được thực hiện, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm và chú trọng. Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn trong năm 2021.
III. Thương mại; du lịch; xuất nhập khẩu; giao thông vận tải
1.Thương mại, giá cả
Để chuẩn bị tốt cho Tết Nguyên đán sắp tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ và các cơ sở sản xuất đã chuẩn bị hàng hoá đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng. Thị trường hàng hóa phục vụ cho dịp tết trở nên sôi động với đa dạng các mặt hàng phong phú. Các cửa hàng tạp hóa đến các kios chợ Phan Thiết, siêu thị Co.op Mart, Lotte mart, Vinmart, Bách hoá xanh… đã bắt đầu bày bán đủ các loại mặt hàng nội lẫn ngoại với nhiều mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng để người mua có thể lựa chọn. Công tác kích cầu tiêu dùng được tăng cường thực hiện, các siêu thị giảm giá nhiều mặt hàng như các mặt hàng thực phẩm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng.., các cửa hàng điện máy, trung tâm mua sắm tăng cường khuyến mãi. Ngoài ra tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên bám sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu, thực hiện tốt công tác tổ chức thị trường, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt nguồn hoặc tồn ứ hàng hóa sau tết; phối hợp hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, kênh phân phối nhằm chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ cho các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các Khu công nghiệp và huyện Phú Quý với giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho người dân mua sắm thuận lợi trong dịp Tết; gắn kết việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình bình ổn thị trường, đưa hàng Việt về nông thôn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt 5.813,5 tỷ đồng, tăng 6,48% so với tháng trước và tăng 2,55% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 4.326,9 tỷ đồng, tăng 7,06% so với tháng trước và tăng 18,68 % so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết các nhóm ngành hàng tăng so với tháng trước; nhóm lương thực, thực phẩm dự ước đạt 2.090 tỷ đồng, tăng 8,24% so với tháng trước và tăng 20,18% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng may mặc dự ước đạt 207,9 tỷ đồng, tăng 9,45% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình dự ước đạt 404,6 tỷ đồng, tăng 7,84% so với tháng trước và tăng 17,82% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng hoá khác dự ước đạt 209,1 tỷ đồng, tăng 8,54% so với tháng trước và tăng 19,53% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhóm ngành hàng này tăng mạnh chủ yếu đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng và dự trữ trong dịp tết của người dân.
* Tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Để bảo đảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường được thông suốt, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đồng thời đẩy mạnh công tác đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục vụ nhân dân nhất là trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4681/KH-UBND ngày 06/12/2021 về dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; hàng hóa dự trữ bình ổn thị trường phải bảo đảm chất chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả ổn định. Dự kiến mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá theo kế hoạch của các đơn vị năm 2022 khoảng 351,38 tỷ đồng, phân bổ như sau: Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận 253,29 tỷ đồng; siêu thị Co.opMart Phan Thiết 46,358 tỷ đồng; Siêu thị Co.opMart La Gi 18,13 tỷ đồng; siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam – Chi nhánh Bình Thuận 12,5 tỷ đồng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Tùng Loan 10 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ 1,1 tỷ đồng...
Kế hoạch dự trữ các mặt hàng bán bình ổn giá: Gạo tẻ, gạo nếp 7,3 tỷ đồng; mì gói 32,5 tỷ đồng; đường ăn các loại 5,5 tỷ đồng; dầu ăn 11,6 tỷ đồng; thịt các loại 27,9 tỷ đồng; sữa các loại 16,1 tỷ đồng; rau củ quả 14,1 tỷ đồng; thực phẩm chế biến 76,4 tỷ đồng; bánh, mứt, kẹo… gói quà chưng tết 122,5 tỷ đồng; nước mắm, nước tương 4,2 tỷ đồng; bột ngọt 7,1 tỷ đồng; nước giải khát, nước uống đóng chai 24,3 tỷ đồng và một số mặt hàng khác như trứng gia cầm, gia vị, muối Iốt,... khoảng 2 tỷ đồng.
* Công tác quản lý thị trường: Công tác quản lý thị trường được tăng cường, đẩy mạnh trong dịp trước, trong và sau tết; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày cho người dân như: Gạo, muối, trứng, thực phẩm… ổn định giá cả. Trong tháng 12/2021 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 26 vụ, phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm; trong đó 01 vụ hàng hàng cấm, 03 vụ hàng nhập lậu, 01 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 03 vụ vi phạm trong kinh doanh và 15 vụ vi phạm khác; xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 74,3 triệu đồng. Luỹ kế 12 tháng 2021 đã kiểm tra 1.211 vụ, phát hiện và xử lý 413 vụ vi phạm; trong đó 51 vụ hàng hàng cấm, 65 vụ hàng nhập lậu, 10 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và sở hữu trí tuệ, 28 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 72 vụ vi phạm trong kinh doanh, 22 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và 165 vụ vi phạm khác; xử phạt và thu nộp ngân sách Nhà nước 4.060,9 triệu đồng.
- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2022 tăng 0,36% so với tháng 12/2021, tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 08 nhóm hàng tăng giá: Giao thông tăng 1,45%; Đồ uống và thuốc lá tăng 1,03%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,81%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,29%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,22%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,20%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Có 01 nhóm hàng giảm giá: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,04%. Có 2 nhóm hàng ổn định: Bưu chính viễn thông 100%; Giáo dục 100%.
2. Hoạt động du lịch
Du lịch Bình Thuận trong tháng đã có sự chuyển biến tốt, lượng khách đến tăng so với tháng trước, dịch vụ ăn uống và dịch vụ khác hoạt động trở lại. Nhằm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp đến, các công ty du lịch lữ hành đang chuẩn bị kế hoạch cho các tour du lịch cuối năm; các sơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động nhất là trong các dịp lễ, tết dương lịch; chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch được đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Hoạt động du lịch dần khôi phục, doanh thu chủ yếu từ khách nội địa vào các ngày cuối tuần, ngày lễ, tết dương lịch; đa phần khách nội địa đi theo dạng khách lẻ hoặc gia đình đến từ các tỉnh lân cận. Các cơ sở kinh doanh ăn uống hoạt động trong trạng thái bình thường mới, tăng trưởng tốt hơn so với tháng trước; các cơ sở duy trì phục vụ bán mang đi, bán online giao hàng tận nhà. Hoạt động lữ hành đã khởi động, lên kế hoạch cho các tour du lịch năm mới và liên kết các tour du lịch với vùng lân cận.
Lượt khách du lịch trong tháng ước đạt 71,1 ngàn lượt khách, tăng 3,44% so tháng trước và giảm 82,94% so với cùng kỳ năm 2021; ngày khách phục vụ ước đạt 144 ngàn ngày khách, tăng 3,76% so với tháng trước và giảm 81,07% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 57 tỷ đồng, tăng 3,07% so với tháng trước và giảm 93,85% so với cùng kỳ năm 2021.
* Tình hình khách quốc tế: Trong tháng lượng khách quốc tế tăng so với tháng trước, lượng khách này chủ yếu là chuyên gia và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Dự ước đạt 2,1 ngàn lượt khách, tăng 4,49% so với tháng trước và giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2021; ngày khách phục vụ dự ước đạt 7,8 ngàn ngày khách, tăng 5,75% so với tháng trước và giảm 27,34% so với cùng kỳ năm 2021.
3. Xuất nhập khẩu
Các doanh nghiệp, công ty sản xuất hàng xuất khẩu hoạt động ổn định, áp dụng điều kiện sản xuất an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo đơn hàng đã ký kết trước dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
- Kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 51,86 triệu USD, tăng 2,65% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhóm hàng thủy sản ước đạt 16,37 triệu USD, tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 16,04% so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng nông sản ước đạt 1,18 triệu USD, giảm 0,18% so với tháng trước và giảm 17,64% so với cùng kỳ năm 2021 (Chủ yếu mặt hàng thanh long; mặt hàng cao su tới thời điểm ngày 15/01 vẫn chưa xuất được); nhóm hàng hóa khác ước đạt 34,31 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 4,24% so với cùng kỳ năm 2021.
+ Xuất khẩu trực tiếp trong tháng ước đạt 50,87 triệu USD, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất sang thị trường Châu Á ước đạt 32,17 triệu USD, tăng 0,14% (Thị trường Đông Á đạt 31,65 triệu USD, tăng 6,3%; tăng ở thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Thị trường Đông Nam Á đạt 0,33 triệu USD, giảm 82,84%; giảm ở thị trường Thái Lan, Inđônêxia). Xuất sang thị trường Châu Âu ước đạt 5,71 triệu USD, giảm 14,81% (Thị trường Bắc Âu đạt 2,37 triệu USD, tăng 2,12 lần; tăng chủ yếu ở thị trường Anh, Nauy, Thụy Điển. Thị trường Tây Âu ước đạt 2,62 triệu USD, giảm 38,28%; giảm ở thị trường Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan). Xuất sang thị trường Châu Mỹ ước đạt 12,45 triệu USD, tăng 7,3% (Thị trường Bắc Mỹ đạt 8,44 triệu USD, giảm 6,84%; giảm ở thị trường Mỹ. Thị trường Trung Mỹ đạt 1,52 triệu USD, giảm 26,47%; giảm ở thị trường Belizơ).
+ Ủy thác xuất khẩu trong tháng ước đạt 1 triệu USD, tăng 1,83% so với cùng kỳ năm 2021.
- Trong tháng các doanh nghiệp đã bắt đầu ngưng nhập khẩu, tăng cường sản xuất các nguyên vật liệu còn lại tại doanh nghiệp để chuẩn bị cho kỳ nghỉ tết Nguyên đán cận kề. Nhập khẩu trong tháng ước đạt 68,07 triệu USD, giảm 18,14% so với cùng kỳ năm 2021.
4. Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải tháng 01 tăng so với tháng trước do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ Tết năm 2022; so với cùng kỳ hoạt động vận tải vẫn còn giảm khá sâu. Mặc dù đến nay hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, tuy nhiên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2021. Để chuẩn bị cho Tết Nhâm Dần 2022, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phục vụ vận chuyển hành khách, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải bố trí, điều động phương tiện vận tải đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến vận tải hành khách cố định, xe buýt, giá cước taxi theo quy định. Công tác tuần tra, kiểm soát duy trì thường xuyên.
- Vận tải hành khách:
+ Ước tháng 01 vận chuyển 297,86 nghìn hành khách, tăng 11,91% so với tháng trước và giảm 81,02% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển 8,78 triệu hk.km, tăng 12,08% so với tháng trước và giảm 89,22% so với cùng kỳ năm trước;
+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 01 vận chuyển hành khách đường bộ đạt 296,70 nghìn hành khách, giảm 81,02% so cùng kỳ năm trước, vận chuyển hành khách đường thủy đạt 1,16 nghìn hành khách, giảm 81,67%; luân chuyển hành khách đường bộ đạt 8,65 triệu hk.km, giảm 89,28%; luân chuyển hành khách đường thủy đạt 0,12 triệu hk.km, giảm 81,53% so cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hàng hoá:
+ Ước tháng 01 vận chuyển hàng hoá đạt 186,11 nghìn tấn, tăng 12,72% so với tháng trước và giảm 73,51% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hoá đạt 13,86 triệu tấn.km, tăng 12,73% so với tháng trước và giảm 69,31% so với cùng kỳ năm trước;
+ Xét theo lĩnh vực, trong tháng 01 vận chuyển hàng hóa đường bộ đạt 185,70 nghìn tấn, giảm 73,54% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,41 nghìn tấn, giảm 30,27%; luân chuyển hàng hoá đường bộ đạt 13,86 triệu tấn.km, giảm 69,37%, luân chuyển hàng hoá đường thủy đạt 0,05 triệu tấn.km, giảm 28,16% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi ước tháng 01 đạt 63,02 tỷ đồng, tăng 13,43% so với tháng trước và giảm 60,71% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 16,43 tỷ đồng, giảm 71,02% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 44,13 tỷ đồng, giảm 56,06% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 2,46 tỷ đồng, giảm 24,50% so với cùng kỳ.
5. Bưu chính, viễn thông
Hạ tầng mạng viễn thông 3G, 4G được phát triển mở rộng và triển khai cung cấp dịch vụ di động 5G; đảm bảo an toàn mạng lưới thông tin; thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hoạt động bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển, mạng lưới phục vụ bưu chính, viễn thông với 1.260 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, số thuê bao điện thoại cố định là 30.000, số thuê bao điện thoại di động trả sau 33.100. Số thuê bao Internet ước đạt 152.090 thuê bao, tỷ lệ người sử dụng Internet (quy đổi) là 66,33%.
IV. Thu, chi ngân sách; hoạt động tín dụng
1. Thu, chi ngân sách
Trong tháng 01, đã tập trung thu nợ đọng, lệ phí môn bài, thuế GTGT hộ cố định và các khoản phát sinh khác...; đồng thời tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phối hợp thực hiện tấn công, trấn áp tội phạm dịp tết Nguyên đán.
Ước thu ngân sách tháng 01 (tính đến ngày 06/01/2022) đạt 550 tỷ đồng, đạt 6,48% dự toán năm, giảm 59,56% so cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa (trừ dầu) đạt 500 tỷ đồng, đạt 6,96% dự toán năm, giảm 61,30% so cùng kỳ. Trong tổng thu ngân sách gồm: Thu thuế, phí 416 tỷ đồng, đạt 7,04% dự toán năm, giảm 64,06%; thu tiền nhà, đất 84 tỷ đồng, đạt 6,56% dự toán năm, giảm 37,57% (trong đó, thu tiền sử dụng đất 60 tỷ đồng, đạt 5,45% dự toán năm, giảm 50,41%); thu thuế xuất nhập khẩu 50 tỷ đồng, đạt 3,85% dự toán năm, giảm 26,45% so cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách trong tháng 01 ước thực hiện 550 tỷ đồng (chi ngân sách nhà nước 500 tỷ đồng); trong đó chi đầu tư phát triển 220 tỷ đồng, chi thường xuyên 280 tỷ đồng, chi chuyển giao ngân sách 50 tỷ đồng. Trong chi ngân sách, đã bám sát theo Quyết định giao dự toán của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước.
2. Hoạt động tín dụng
Mạng lưới ngân hàng tiếp tục được phát triển; tín dụng tăng trưởng khá; vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; công tác thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, thanh toán chuyển tiền điện tử tiếp tục được đẩy mạnh; việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu tiếp tục được quan tâm triển khai, đảm bảo hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân nói riêng phát triển an toàn. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó chủ động làm việc với khách hàng, đánh giá mức độ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch để triển khai thực hiện các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo tinh thần chủ trương, chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tính đến ngày 24/12/2021, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 664,7 tỷ đồng/6.070 khách hàng; lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ 23/01/2020 đến 03/12/2021 là 2.595 tỷ đồng/11.368 khách hàng. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng với tổng số tiền 125,91 tỷ đồng, trong đó miễn, giảm lãi là 1,25 tỷ đồng, hạ lãi suất cho vay với số tiền lãi đã hạ là 124,7 tỷ đồng với mức lãi suất giảm từ 0,25%-1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng. Cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra: Doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 24/12/2021 là 46.417 tỷ đồng/75.907 khách hàng với mức lãi suất cho vay giảm khoảng từ 0,5%-1%/năm.
Tình hình thực hiện lãi suất: Hiện nay, lãi suất huy động đối với tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng đến dưới 6 tháng là 2,85-4%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng là 3,6-6,7%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng trở lên là 4,4-6,9%/năm; lãi suất cho vay các khoản vay mới ở các lĩnh vực ưu tiên ngắn hạn 4,5%/năm (riêng Quỹ tín dụng nhân dân là 5,5%/năm), các lĩnh vực khác từ 7-9%/năm; lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến từ 9-11,5%/năm.
Hoạt động huy động vốn ước đến 31/01/2022, vốn huy động đạt 46.942 tỷ đồng, tăng 0,5% so với đầu năm.
Hoạt động tín dụng: Các Tổ chức tín dụng tiếp tục mở rộng cho vay đi đôi với an toàn và hiệu quả, gắn với thực hiện các chính sách của trung ương và địa phương. Ước tính đến ngày 31/01/2022, dư nợ đạt 73.994 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm.
Vốn tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên gắn với thực hiện các chính sách của Trung ương và Địa phương, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 39.058 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm, chiếm 53,3% tổng dư nợ (cùng kỳ năm trước tăng 10,2%); dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao đạt 296 tỷ đồng, giảm 7,7% so với đầu năm, chiếm 0,4% tổng dư nợ (cùng kỳ năm trước giảm 1,56%); cho vay xuất khẩu đạt 487 tỷ đồng, giảm 5,5% so với đầu năm, chiếm 0,66% tổng dư nợ (cùng kỳ năm trước giảm 15%); cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 15.921 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm, chiếm 21,7% tổng dư nợ (cùng kỳ năm trước tăng 8,08%).
Chính sách tín dụng đối với thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP: Dư nợ đạt 863,65 tỷ đồng (cho vay đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là 269,7 tỷ đồng, cho vay đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ là 588,8 tỷ đồng, cho vay nâng cấp tàu 5,5 tỷ đồng), trong đó nợ xấu 45,1 tỷ đồng/6 tàu; nợ cơ cấu lại thời hạn 193,8 tỷ đồng/90 tàu.
Các đối tượng chính sách vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ cho vay đạt 3.228 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đạt 83,4 tỷ đồng/228 hộ.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến 24/12/2021 đã giải ngân cho vay 8.798 triệu đồng cho 07 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 2.521 lao động, trong đó cho vay để trả lương ngừng việc với số tiền 250 triệu đồng/04 doanh nghiệp/78 lao động và cho vay để trả lương cho lao động phục hồi sản xuất với số tiền 8.548 triệu đồng/03 doanh nghiệp/2.443 lao động.
Công tác điều hòa tiền mặt, công tác an toàn kho quỹ tiếp tục được thực hiện tốt; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động thông suốt. Mạng lưới ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, thông suốt và an toàn. Trên địa bàn có 186 máy ATM, tăng 02 máy so với đầu năm và 1.543 máy POS, giảm 170 máy so với đầu năm (do các ngân hàng thực hiện rà soát, sắp xếp lại việc lắp đặt máy cho hiệu quả, tránh trùng lắp, một số máy POS được thu hồi nhưng chưa triển khai lắp đặt lại tại nơi khác), hầu hết máy POS được kết nối liên thông giữa các ngân hàng với nhau thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Các nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện thông suốt. Diễn biến thị trường vàng, ngoại hối trên địa bàn tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Doanh số mua bán ngoại tệ trong năm 2021 đạt 516 triệu USD, doanh số chi trả kiều hối đạt 89,3 triệu USD.
V. Lĩnh vực Văn hoá - Xã hội
1. Hoạt động văn hóa - Thể dục thể thao (từ ngày 01/12/2021 đến 01/01/2022)
Hoạt động tuyên truyền, cổ động: Tuyên truyền kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021); 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), tuyên truyền cuộc vận động ủng hộ quỹ “Sóng và máy tính cho em”; công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Hoạt động văn nghệ: Tạm ngừng các hoạt động đông người để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hoạt động Thư viện: Trong tháng đã cấp 1.346 thẻ (thiếu nhi 247 thẻ), lượt bạn đọc truy cập website 437.733 lượt, bổ sung 819 bản sách. Sưu tầm 291 tin, bài chuyên mục Thông tin kinh tế.
Hoạt động bảo tồn, bảo tàng: Trong tháng đã đón 400 lượt khách đến tham quan, tổ chức tốt tổng kết và trao giải Hội thi sáng tác tranh “Bảo tồn di sản văn hóa địa phương” năm 2021.
Hoạt động Thể thao: Thể dục thể thao quần chúng đã tạm dừng tổ chức các hoạt động thể thao để phòng, chống dịch Covid-19. Thể thao thành tích cao: Cử đội tuyển Bóng rổ tham gia thi đấu giải vô địch Bóng rổ 3x3 U23 quốc gia năm 2021 tại Khánh Hòa (đạt 01 huy chương đồng); đội Karate thi đấu giải vô địch quốc gia tại Thanh Hóa (đạt 01 huy chương đồng); đội Điền kinh tham dự giải vô địch quốc gia tại Hà Nội (đạt 01 huy chương đồng); đội tuyển Taekwondo tham gia thi đấu giải Vô địch Taekwondo quốc gia năm 2021 tại Thừa Thiên Huế (đạt 02 huy chương vàng, hạng 3 toàn đoàn). Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng số huy chương đạt được 91 huy chương, trong đó 22 huy chương vàng, 23 huy chương bạc, 46 huy chương đồng.
2. Giáo dục và đào tạo
Trong tháng đã tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2021 - 2022; kết quả có 19 tác giả và nhóm tác giả, 01 tập thể đạt giải (02 giải nhì, 05 giải ba, 12 giải tư).
Đang khảo sát lấy ý kiến để cho trẻ và học sinh các cấp mầm non, tiểu học đến trường sau tết Nguyên đán.
3. Y tế
Trong tháng (từ ngày 15/12/2021 - 15/01/2022), công tác khám chữa bệnh tiếp tục đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đã chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng phòng lây nhiễm Covid-19 trong cấp cứu, khám và điều trị bệnh nhân. Thực hiện tốt các nhiệm vụ sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các trường hợp bệnh nhân nhiễm virut Covid-19, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ, thuốc, hóa chất phòng chống dịch.
Toàn tỉnh có 138 ca mắc sốt xuất huyết, 03 ca mắc tay chân miệng, không có ca mắc sốt rét, tất cả đều không có ca tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh phong 03 bệnh nhân, không có bệnh nhân phát hiện mới và không có bệnh nhân mới tàn tật độ II, có 382 bệnh nhân đang quản lý.
Công tác phòng chống Lao: có 450 tổng số lượt khám, số bệnh nhân thu dung điều trị 86. Số bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới 57.
Số nhiễm HIV mới phát hiện 05 cas (lũy kế 1.654 cas); có 01 cas chuyển IDS mới (lũy kế 1.085 cas); có 01 cas tử vong (lũy kế 537 cas).
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai tích cực; trong tháng không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Các bệnh viện, các đơn vị điều trị chủ động thực hiện tốt công tác thường trực, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện đầy đủ các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tháng, số lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh 47.391 lượt, số bệnh điều trị nội trú 7.511, số bệnh nhân chuyển viện là 1.565. Số bệnh nhân tử vong 169. Công suất sử dụng giường bệnh tại các tuyến đạt từ 41% đến 95,40%.
Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tính từ 27/4/2021 đến 18 giờ ngày 23/01/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 28.825 ca mắc Covid-19 (Phan Thiết 8.205, Tuy Phong 4.064, Hàm Thuận Bắc 2.962, La Gi 2.852, Tánh Linh 2.448, Đức Linh 2.359, Hàm Thuận Nam 2.205, Bắc Bình 1.944, Hàm Tân 1.194, Phú Quý 592). Trong đó có 1.812 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 26.678 ca đã điều trị khỏi và xuất viện (Tuy Phong 3.921, La Gi 2.716, Phan Thiết 7.417), 358 ca tử vong (23 ca tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh). Số trường hợp cách ly 61.546, trong đó đang cách ly là 549, hoàn thành cách ly 60.997 (cơ sở y tế 26.749; khu cách ly tập trung của địa phương 34.480; cơ sở cách ly tập trung có thu phí 317). Có 92.755 trường hợp cách ly tại nhà (đang cách ly 2.965, hoàn thành cách ly 89.790); Có 3.576.088 mẫu đã xét nghiệm; có 1.017.115 người được kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; 44.531 trường hợp F1 và 27.719 trường hợp F2 của các trường hợp mắc Covid-19 đã điều tra giám sát được; Có 902.752 người đã tiêm vắc xin mũi 1 (100%); 876.600 người tiêm vắc xin mũi 2 (97,1%) và 46.832 tiêm vắc xin mũi 3 (5,2%); số trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc xin, có 120.322 trẻ đã tiêm mũi 1 (99,0%) và 93.054 trẻ đã tiêm mũi 2 (76,6%).
4. Lao động - xã hội
Trong tháng đã tuyển mới và đào tạo nghề cho 495 người (đạt 4,95% kế hoạch). Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ đột xuất cho 06 trẻ (05 đuối nước, 01 bị bỏng với kinh phí là 33 triệu đồng).
Công tác chính sách người có công: Lãnh đạo tỉnh thăm và chúc Tết cho các gia đình người có công cách mạng; các địa phương tổ chức cấp kinh phí quà Tết của Chủ tịch nước và UBND tỉnh.
Thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho 15 đối tượng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Trợ cấp mai táng phí cho 82 trường hợp. Quyết định chế độ ưu đãi giáo dục đối với con của người có công với cách mạng đến niên hạn hoặc khóa học cho 02 trường hợp; Quyết định đổi người thờ cúng liệt sĩ cho 25 trường hợp. Ngoài ra, thực hiện di chuyển 01 hài cốt liệt sĩ về quê an táng theo nguyện vọng của người thờ cúng liệt sĩ, tiếp nhận 01 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần.
Trên địa bàn tỉnh có 3.290 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý; trong đó: đang quản lý, giáo dục, lao động trị liệu và chăm sóc sức khỏe tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh là 173/02 nữ; quản lý trong tại tạm giam, nhà tạm giữ 363 người; tự điều trị bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở y tế 634 người; 2.120 đang được các ban, ngành, đoàn thể ở nơi cư trú quản lý giáo dục. Có 109/124 xã, phường, thị trấn có người sử dụng trái phép chất ma tuý (Chiếm 87,9%) số xã, phường, thị trấn có người nghiện.
* Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã đã hoàn thành việc giảm mức đóng (bằng 0%) vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.188 đơn vị, doanh nghiệp/86.400 lao động thuộc diện giảm đóng từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022 (12 tháng), với tổng số tiền giảm đóng là 27.945.141.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 14 doanh nghiệp/4.212 lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng đến tháng 12/2021 là 24.976.496.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Đã phê duyệt hỗ trợ cho 450 doanh nghiệp/10.241 lao động/39.831.665.000 đồng, trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 213 người/213.000.000 đồng; lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 2.847 người/2.847.000.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: duyệt hỗ trợ cho 31 doanh nghiệp/1.101 lao động/1.580.000.000 đồng, trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 70 người/70.000.000 đồng; lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 409 người/409.000.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: đã phê duyệt hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 78 người/306.380.000 đồng, trong đó hỗ trợ thêm cho lao động đang mang thai 1 người/1.000.000 đồng; hỗ trợ thêm cho lao động đang nuôi con dưới 6 tuổi 16 người/16.000.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế: Tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 3.987 người (F0)/ 5.258.480.000 đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 8.911 người (F1)/ 8.473.520.000 đồng; hỗ trợ thêm cho 1.684 trẻ em (F0, F1)/1.684.000.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch: Hỗ trợ cho 02 đơn vị/26 viên chức hoạt động nghệ thuật với số tiền 96.460.000 đồng; cho 65 người lao động là hướng dẫn viên du lịch với số tiền 241.150.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: Đã hỗ trợ cho 3.339 hộ kinh doanh/10.017.000.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 07 doanh nghiệp/2.521 người/8.548.000.000 đồng.
+ Chính sách hỗ trợ lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác theo điểm 12, mục II Nghị quyết số 68 của Chính phủ: tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 60.998 người/91.497.000.000 đồng (từ nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ).
5. Hoạt động bảo hiểm (đến ngày 31/12/2021)
Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của người dân; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do khó khăn trong việc bố trí lao động làm việc, sản xuất nên phải cắt giảm lao động hoặc tạm dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp có doanh thu giảm dẫn đến việc nợ lương và chậm trích đóng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho đối tượng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia và thụ hưởng; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, trả sổ BHXH cho người lao động cơ bản đúng kế hoạch.
Tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 88.286 người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 4,08% so với cùng kỳ; có 79.597 người tham gia BHTN, giảm 4,4%; số người tham gia BHXH tự nguyện 14.986 người, tăng 22,58% so với cùng kỳ; số người tham gia BHYT 1.062.101 người (bao gồm thẻ BHYT của thân nhân do Bộ Quốc phòng cung cấp là 11.161 người), tăng 4,25% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 92,11% dân số.
Trong tháng đã xét duyệt cho 52.515 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN, giảm 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó hưởng các chế độ BHXH dài hạn 974 người; hưởng trợ cấp BHTN 9.551 người; hưởng trợ cấp BHXH một lần 13.284 người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn 28.706 lượt người.
Tổng số đối tượng đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH dài hạn 16.923 người, Số người hưởng chế độ BHXH một lần tăng cao (tăng 16,7%) so với năm 2020; Do trong năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến việc giảm lao động tham gia BHXH; đồng thời sau một năm nghỉ việc, người lao động đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp BHXH một lần; tổng số thu 2.455,07 tỷ đồng, giảm 0,41% so với cùng kỳ; tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 110,84 tỷ đồng, tăng 16,63% so với cùng kỳ.
* Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/QĐ-TTg:
+ Về chính sách giảm mức đóng vào Quỹ BHTN: Đã điều chỉnh giảm mức đóng (bằng 0%) vào Quỹ BHTN trên hệ thống cho 2.068 đơn vị, doanh nghiệp với 52.928 lao động thuộc diện giảm mức đóng, tổng số tiền được giảm mức đóng 03 tháng (từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/12/2021) 8.268 triệu đồng. Hàng tháng, căn cứ đơn vị có số lao động tham gia BHTN thực tế phát sinh tiếp tục rà soát, giảm mức đóng vào Quỹ BHTN cho đến hết tháng 9/2022.
+ Về chính sách hỗ trợ người lao động tham gia BHTN: Nhận hồ sơ đề nghị của 64.886 lao động đang tham gia BHTN và 12.505 hồ sơ lao động nghỉ việc đang bảo lưu thời gian đóng BHTN, đã xét duyệt hỗ trợ 62.169 lao động đang tham gia BHTN và 10.696 lao động có hồ sơ đủ điều kiện giải quyết.
+ Tổng số lao động đã được giải quyết hỗ trợ hưởng BHTN 72.661 người, với số tiền 171.463,8 triệu đồng (trong đó: Đang tham gia BHTN 62.169 người, bảo lưu thời gian tham gia BHTN 10.492 người). Đã thực hiện chi tiền hỗ trợ cho 69.346 người, với số tiền 162.233,3 triệu đồng.
6. Tai nạn giao thông (từ 15/12/2021 - 14/01/2022)
Số vụ tai nạn giao thông 20 vụ, so với tháng trước giảm 02 vụ và so với cùng kỳ năm 2021 giảm 21 vụ.
Số người bị thương 10 người, giảm 07 người so với tháng trước và giảm 15 người so với cùng kỳ năm 2021.
Số người chết 13 người, tăng 05 người so với tháng trước và giảm 16 người so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng, không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào đặc biệt nghiêm trọng. Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoài đô thị, nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là do người tham gia giao thông phóng nhanh vượt ẩu, qua đường không quan sát.
7. Thiên tai, cháy nổ, vi phạm môi trường
- Thiên tai: Trong tháng không có vụ thiên tai xảy ra.
- Cháy nổ: Trong tháng xảy ra 04 vụ cháy (tăng 02 vụ so với cùng kỳ), không có người bị thương, ước thiệt hại 2,677 tỷ đồng, không xảy ra nổ.
- Vi phạm môi trường: Trong tháng phát hiện 05 vụ xử phạt 623,6 triệu đồng (vi phạm về chiếm đất, không có giấy phép khai thác nước mặt, nước dưới đất, không có kế hoạch bảo vệ môi trường)./.
Website Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận