Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục có nhiều khởi sắc đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ...Tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt; hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh; các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Sơ bộ đánh giá những kết quả quan trọng như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tháng 8 năm 2022, thời tiết bắt đầu có mưa nhiều, lượng nước ở các sông, suối, ao, hồ, tăng dần. Vì vậy, mà nguồn nước dự trữ cho sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2022. Các địa phương tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa, đảm bảo tiến độ gieo trồng các loại cây hàng năm khác. Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm được giám sát chặt chẽ. Hoạt động Lâm nghiệp luôn được UBND tỉnh quan tâm, triển khai nhiều giải pháp tích cực; tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác bảo vệ rừng và chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống cháy rừng vào cuối mùa khô năm 2022; Nâng cao nhận thức của người dân để góp phần ngăn chặn kịp thời và làm giảm đáng kể số vụ vi phạm lâm luật.
1.1. Nông nghiệp
a) Trồng trọt
Tính đến ngày 15/8/2022 tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước tính là 64.676 ha, tăng 2,84% (+1.786 ha) so với cùng kỳ năm trước. DTGT các loại cây hàng năm vụ mùa năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:
- Cây lúa DTGT ước tính là: 15.610 ha, giảm 3,06% (- 492 ha). Trong đó: Cây lúa ruộng diện tích ước tính đã gieo cấy là 12.502 ha, tăng 0,3% (+32 ha); Cây lúa rẫy diện tích ước tính là 3.109 ha, giảm 14,4% (-524 ha), diện tích giảm chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông giảm 235 ha, huyện Đắk Glei giảm 112 ha; diện tích giảm là do năng suất lúa rẫy thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Cây ngô DTGT ước tính là 4.379 ha, tăng 1,08% (+47 ha).
- Cây sắn DTGT ước tính là 39.380 ha, tăng 2,15% (+829 ha).
- Cây khoai lang DTGT ước tính là 530 ha, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước (+403 ha). Diện tích tăng là do một số doanh nghiệp trồng xen khoai lang trên đất cao su.
- Cây lạc DTGT ước tính là 103 ha, tăng 11,51% (+11 ha).
- Rau các loại DTGT ước tính là 1.381 ha, tăng 6,58% (+85 ha).
- Đậu các loại DTGT ước tính là 283 ha, tăng 7,41% (+20 ha).
Diện tích lạc, rau và đậu các loại năm nay tăng là do thời tiết thuận lợi nên người dân mở rộng diện tích gieo trồng.
b) Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn quan tâm, khẩn trương thực hiện tốt phương án phòng chống dịch bệnh ở động vật; tăng cường công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường vệ sinh an toàn.
Tổng đàn trâu 24.857 con, giảm 0,2% (-53 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 8 tháng năm 2022 là 1.894 con, tăng 1,7% (+31 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 503,5 tấn, tăng 1,9% (+9,5 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn bò 84.420 con, tăng 0,5% (+415 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 8 tháng năm 2022 là 22.992 con, tăng 1,7% (+376 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 4.068 tấn, tăng 2,6% (+102 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn lợn 155.510 con, tăng 4,7% (+6.950 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 8 tháng năm 2022 là 193.381 con, tăng 4,8% (+8.834 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 14.610 tấn, tăng 4,9% (+677 tấn ) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng đàn gia cầm 1.810.200 con, tăng 4,9% (+84.200 con) so với cùng kỳ năm trước, Trong đó: đàn gà 1.607.280 con, tăng 7% (+105.280 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 3.575 tấn, tăng 7,5% (+250 tấn) so với năm trước. Trong đó: sản lượng thịt hơi gà xuất chuồng 3.207 tấn, tăng 7,8% (+233 tấn).
c) Quản lý sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh gia súc, gia cầm[1]
(1) Công tác quản lý sâu bệnh hại cây trồng: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thường xuyên phối hợp với địa phương thực hiện công tác điều tra, nắm bắt, theo dõi tình hình sinh vật gây hại; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, trừ sinh vật gây hại trên các loại cây trồng kịp thời, hiểu quả. Kết quả: Tình hình bệnh hại trên cây Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông đến nay cơ bản đã được khống chế, không lây lan; Bệnh trắng lá mía: Trong tháng, không phát sinh diện tích nhiễm mới; đối với diện tích mía nhiễm bệnh tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, đến nay đã phòng, trừ được 15,13 ha/30,09 ha; Bệnh khảm lá sắn: Phát sinh gây hại rải rác, cục bộ trên một số diện tích sắn tại một số địa phương; Trên cây lúa và các loại cây trồng khác (ngô, cà phê, cao su...) phát sinh các loại sâu, bệnh hại thông thường tồn tại ở mức thấp.
(2) Công tác quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm
Trong tháng, đã phát sinh và tiêu hủy 59 con lợn mắc bệnh dịch Tả lợn Châu phi tại 02 ổ dịch xã Hiếu - huyện Kon Plông và xã Đăk Rơ Wa - thành phố Kon Tum; hiện 02 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác chưa xảy ra.
Các biện pháp phòng chống đã triển khai: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo công tác phòng chống nắng nóng cho vật nuôi; công tác quản lý bình ổn giá thịt lợn và nguyên liệu thức ăn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn công tác dự trữ nguồn thức ăn phòng chống đói rét cho đàn gia súc. Tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu phi trên địa bàn huyện Kon Plông. Về công tác tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2022; kết quả: Đến nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi. Về tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò: Đến nay, huyện Ia H’Drai đã hoàn thành, huyện Kon Rẫy và huyện Ngọc Hồi đang triển khai tiêm phòng. Tiếp tục tổ chức triển khai công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản năm 2022.
1.2. Lâm nghiệp
Tháng 8 năm 2022, ngành Kiểm lâm tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiếp tục tổ chức các đợt truy quét, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.
Ước tính đến thời điểm 31/8/2022, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 4.177,96 ha, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa sớm nên diện tích rừng trồng mới tăng.
Công tác khai thác lâm sản: Ước tính đến thời điểm 31/8/2022, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 92.307 m3, tăng 1,2% (+1.124 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là 185.350 ster, tăng 1,5% (+2.750 ster) so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 15/8/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 26 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 31,6 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
1.3. Thuỷ sản
Trong thời gian qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng; Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân nuôi thuỷ sản chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống đạt chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.
- Ước tính 8 tháng năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản là 778 ha, tăng 6,14% (+45 ha) so với cùng kỳ năm trước.
- Ước sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2022 đạt 4.159 tấn, tăng 7,41% (+287 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 1.409 tấn, tăng 6,42% (+85 tấn).
Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 2.750 tấn, tăng 7,93% (+202 tấn).
Sản lượng thủy sản trong kỳ tăng do các đơn vị khoanh nuôi tại các hồ, đập thuỷ điện, thuỷ lợi tăng. Bên cạnh đó sản lượng khai thác, đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp tháng Tám năm 2022 cơ bản duy trì ổn định và tăng trưởng trở lại. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Tám ước tính tăng 12,96% so với tháng trước và tăng 12,41% so với cùng kỳ năm trước, do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 18,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,56%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,96%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 36,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,9%.
2.1 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2022 ước tính tăng 12,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện (+29,59%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,2% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,41%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,79%.
So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2022 ước tính tăng 12,96%. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (+20,04%). Đến tháng 8 một số nhà máy tinh bột sắn đã bắt đầu thu mua nguyên liệu để hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ mùa vụ, lượng tinh bột sắn sản xuất tăng đã làm chỉ số ngành chế biến thực phẩm tăng cao. Ngành sản xuất, phân phối điện tăng 10,98%, chủ yếu do kế hoạch điều tiết sản xuất của ngành điện, hiện tại lượng nước trên các hồ chứa đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định so tháng trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 18,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,56%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,96%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 36,29%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,9%.
Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 36,29%; Khai khoáng khác tăng 8,56%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,06%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,46%.
Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 16,25%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 13,97%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 8,18%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 16,6%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,36%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 7,64%; Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu giảm 8,05%...
2.2. Sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp
Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 8 năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 36.903 m3, tăng 2,08%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 14.150 tấn, giảm 33,91%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 19,625 triệu viên, giảm 10,57%; điện sản xuất 242,2 triệu Kwh, tăng 31,68%.
Tính chung 8 tháng năm 2022 một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất đạt 1.734 triệu Kwh, tăng 38,39%; Đá xây dựng khác đạt 247.587 m3, tăng 10,25%; Ngói, phiến đá lát đường và các sản phẩm tương tự bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 180 nghìn viên, tăng 6,68%... Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn đạt 123.318 tấn, giảm 15,85%; Đường RE đạt 7.188 tấn, giảm 14,18%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 19.987 m3, giảm 13,97%; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 111 triệu trang, giảm 8,18%; Cồn béo công nghiệp đạt 6.468 tấn, giảm 17,72%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 16.319 tấn, giảm 6,26%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 156.451 chiếc, giảm 9,58%...
2.3. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Tám ước tính tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 5,65%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,94%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng giảm 33,94%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,11%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí nước tăng 26,76%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 18,67%; một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và ngành sản xuất, phân phối điện; riêng ngành sản xuất phân phối điện có chỉ số sản xuất tăng cao nhất (+36,29%) do một số công trình thủy điện đã hoàn thành và đưa vào vận hành, một mặt năm nay mùa mưa đến sớm, lượng mưa lớn hơn, trong các tháng đầu năm lượng nước trên các hồ chứa vẫn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên sản lượng điện sản xuất tăng cao. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do một số ngành sản xuất như chế biến đường, tinh bột sắn, sản xuất cồn, chế biến gỗ... còn khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu sản xuất, nhất là trong các tháng đầu năm nên sản lượng sản phẩm của các ngành này giảm.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 8 toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 545 tỷ đồng, giảm 29,63% về số doanh nghiệp và giảm 12% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Có 04 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 05 doanh nghiệp đã giải thể; 04 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Tính chung 8 tháng năm 2022 (tính đến ngày 20/8/2022) có 247 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 79,68% kế hoạch và tăng 20,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 4.723,9 tỷ đồng, đạt 86,5% kế hoạch và giảm 14,15% so với cùng kỳ. Có 94 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 2,17% so với cùng kỳ năm trước; 19 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm trước; 144 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.
4. Hoạt động ngân hàng
4.1. Tình hình thực hiện lãi suất
a) Lãi suất huy động: Các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động tại các TCTD trong tháng tương đối ổn định, không có sự biến động so với tháng trước. Theo đó, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn dưới 6 tháng từ 3,0-4,0%/năm; đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng từ 4,0-5,5%/năm; đối với các kỳ hạn trên 12 tháng từ 5,5%-6,0%/năm. Lãi suất huy động bằng USD thực hiện theo mức quy định tối đa 0% đối với tiền gửi cá nhân và tổ chức.
b) Lãi suất cho vay: Mặt bằng chung lãi suất cho vay trong tháng tiếp tục duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường duy trì ở mức từ 7,0-10,5%/năm; cho vay trung và dài hạn ở mức từ 10-11%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và một số nhóm đối tượng ưu tiên; cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,0-6,8%/năm.
4.2. Hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng
a) Hoạt động huy động vốn:
Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đến 31/8/2022 ước đạt 19.100 tỷ đồng tăng 2,2% (+ 419 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2021, tăng 1,3% (+ 246 tỷ đồng) so với tháng trước. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 2.650 tỷ đồng (chiếm 13,9% nguồn vốn huy động) giảm 56,0% so với thời điểm 31/12/2021. Phân theo loại tiền tệ, nguồn vốn huy động bằng tiền gửi VND ước đạt 18.700 tỷ đồng, chiếm 97,9% tổng nguồn vốn huy động; nguồn vốn huy động bằng tiền gửi ngoại tệ ước đạt 150 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng nguồn vốn huy động. Tiền gửi tiết kiệm ước đạt 15.250 tỷ đồng, chiếm 79,8% tổng nguồn vốn huy động, tăng 5,7% (+821 tỷ đồng) so với đầu năm, tiền gửi thanh toán ước đạt 3.600 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng nguồn vốn huy động, giảm 4,6% (-175 tỷ đồng) so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 250 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng nguồn vốn huy động.
Mặc dù, mức lãi suất huy động thấp sẽ gây khó khăn cho các TCTD trong công tác huy động vốn tại chỗ, tuy nhiên trong thời điểm nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và an toàn đối với đại đa số người dân, bên cạnh đó, thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều biện pháp như đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng nhân dịp sinh nhật khách hàng, ngày thành lập doanh nghiệp,...và nhiều chương trình khuyến mại để thu hút tiền nhàn rỗi trong nền kinh tế, do đó hoạt động huy động vốn đã có mức tăng trưởng khá so với đầu năm tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Mặc dù vậy, nguồn vốn huy động tại chỗ của các TCTD luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng trên địa bàn.
b) Hoạt động tín dụng:
Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đến 31/8/2022 đạt 41.500 tỷ đồng so với đầu năm, tăng 8,0% (+ 3.061 tỷ đồng), và tăng 1,0% (+407 tỷ đồng) so tháng trước. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 25.200 tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng dư nợ; dư nợ trung dài hạn ước đạt 16.300 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng dư nợ; Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tệ được duy trì tương đối ổn định, dư nợ cấp tín dụng bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, ước đạt 41.360 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ, dư nợ bằng ngoại tệ không đáng kể. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
5. Vốn đầu tư
Trong tháng Tám, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các đơn vị và địa phương nỗ lực triển khai, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh nhìn chung đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn.
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum tháng 8 năm 2022 đạt 337,18 tỷ đồng, tăng 5,19% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, bao gồm: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 274,54 tỷ đồng, chiếm 81,42% trong tổng số nguồn vốn; Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 62,64 tỷ đồng, chiếm 18,58% trong tổng số nguồn vốn.
Tính chung 8 tháng năm 2022 vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn đạt 1.678,1 tỷ đồng, tăng 7,67% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý. Chia ra:
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 1.279,84 tỷ đồng, chiếm 76,27% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,... Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 519,39 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 615,58 tỷ đồng; nguồn vốn ODA đạt 87,15 tỷ đồng; nguồn vốn Xổ số kiến thiết đạt 23,25 tỷ đồng; nguồn vốn khác đạt 34,43 tỷ đồng.
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 398,62 tỷ đồng, chiếm 23,73% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2022 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2022 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiện dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Đường giao thông kết nối từ Đường Hồ Chí Minh đi Quốc Lộ 24; Nhà ở xã hội - Nhà ở tái định cư; Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Đào Duy Từ)…
6. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Tám khá sôi động khi đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám tăng 21,83% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 35,65% so với cùng kỳ năm trước.
6.1. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 8 năm 2022 đạt 2.339,9 tỷ đồng, giảm 9,38% so với tháng trước và tăng 21,83% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.037,98 tỷ đồng, chiếm 87,1% trong tổng số, giảm 8,84% so với tháng trước và tăng 22,45% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 181,34 tỷ đồng, chiếm 7,75% trong tổng số, giảm 17,88% so với tháng trước và tăng 16,52% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 120,58 tỷ đồng, chiếm 5,15% trong tổng số, giảm 3,99% so với tháng trước và tăng 19,96% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt đạt 21.544,25 tỷ đồng, tăng 35,65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 18.687,01 tỷ đồng, chiếm 86,74% trong tổng số, tăng 37,02% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động trong doanh thu bán lẻ hàng hoá có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 35,51%; hàng may mặc, tăng 28,26%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 26,92%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 15,11%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 38,02%; Ô tô các loại tăng 38,47%; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 25,45%; Xăng, dầu các loại tăng 143,92%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 8,11%; Hàng hoá khác tăng 17,81%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 39,09% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.746,66 tỷ đồng, chiếm 8,11% trong tổng số và tăng 34,47% so với cùng kỳ năm trước
Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.110,57 tỷ đồng, chiếm 5,15% trong tổng số, tăng 17,39% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính 8 tháng năm 2022 tăng là do hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng có xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid-19.
6.2. Hoạt động vận tải, kho bãi
Hoạt động vận tải hành khách trong tháng Tám có chiều hướng giảm so với tháng trước, do lượng khách đi du lịch và về thăm quê giảm dần sau tháng cao điểm mùa du lịch. Vận tải hàng hóa duy trì đà phục hồi từ những tháng trước với sản lượng vận chuyển hàng hoá tăng. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 6,57%, luân chuyển hành khách tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 32,3%, luân chuyển hàng hóa tăng 30,51% so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: ước tính tháng 8 năm 2022 đạt 183.016 triệu đồng, giảm 0,25% so với tháng trước và tăng 159,01% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022 đạt 1.417.422 triệu đồng, tăng 32,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 364.047 triệu đồng, tăng 13,42%; doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 1.046.340 triệu đồng, tăng 40,73%; Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 7.055 triệu đồng, tăng 28,24% so với cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hành khách: trong tháng 8 vận chuyển ước đạt 777 nghìn lượt khách, tăng 262,98%; Luân chuyển ước đạt 102.888 nghìn lượt khách.km, tăng 263,06% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022 vận chuyển ước đạt 6.388 nghìn lượt khách, tăng 6,57%; Luân chuyển ước đạt 833.167 nghìn lượt khách.km, tăng 7,70% so với cùng kỳ năm trước.
- Vận tải hàng hoá: trong tháng 8 vận chuyển ước đạt 1.392 nghìn tấn, tăng 101,13% so với cùng kỳ năm trước; Luân chuyển ước đạt 70.833 nghìn tấn.km, tăng 97,72%. Tính chung 8 tháng năm 2022 vận chuyển ước đạt 11.415 nghìn tấn, tăng 32,30%; Luân chuyển ước đạt 559.563 nghìn tấn.km, tăng 30,51% so với cùng kỳ năm trước.
7. Giá cả thị trường
7.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2022 giảm 0,13% so với tháng trước; tăng 2,37% so với cùng tháng năm trước; tăng 2,81% so với tháng 12 năm trước; tăng 7,09% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 8 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,43%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 06 nhóm tăng là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,81%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,23%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,81%; nhóm Giáo dục tăng 0,51%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34%. Có 04 nhóm giảm là nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,02%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; nhóm Giao thông giảm 6,03%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,42%. Có 01 nhóm không biến động giá là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
- Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
(1) Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,81%, trong đó:
+ Nhóm lương thực: Chỉ số nhóm lương thực giảm 0,34%, riêng chỉ số nhóm gạo giảm 0,54%, trong đó gạo tẻ thường giảm 0,59%, gạo tẻ ngon giảm 0,52%, riêng gạo nếp tăng 0,51%, nguyên nhân gạo tẻ giảm là do các tháng trước tăng cao nay giá xăng dầu giảm làm cho chi phí lưu giảm. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 0,06%, trong đó bột mỳ tăng 1,11%, ngô tăng 1,58%, khoai tăng 0,34%, là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá tăng theo.
+ Nhóm thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,61%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 1,06%, trong đó thịt lợn tăng 1,58%, mức tăng đã giảm nhiều so với tháng trước; thịt bò tăng 0,07%. Giá thịt lợn tăng là do nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi đó lượng cung giảm nên làm cho giá tăng theo quy luật cung cầu. Nhóm thịt gia cầm tăng 0,81%, trong đó thịt gà tăng 0,86%, thịt gia cầm khác tăng 0,61%, là do nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm trứng các loại tăng 0,88%, trong đó trứng tươi các loại tăng 0,89%. Nhóm dầu, mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,24%, trong đó dầu thực vật tăng 0,25%, mỡ động vật tăng 0,15% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và tăng theo giá thịt lợn.
Nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,19% là do nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 0,99%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,99%; thủy, hải sản tươi sống khác tăng 0,82%, nguyên nhân chủ yếu là do lượng cung giảm nên làm cho giá tăng. Nhóm nước mắm, nước chấm tăng 0,65% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và ảnh hưởng chi phí lưu thông.
Nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 0,59%, trong đó bắp cải giảm 5,94% (giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg), măng tươi giảm 21,79% (giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg), su hào giảm 3,16%, đỗ quả tươi giảm 6,56%, rau tươi khác giảm 3,75%, nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm đang vào mùa thu hoạch. Bên cạnh đó, một số mặt hàng rau tăng như cà chua tăng 24,75% (tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg), rau gia vị tươi, khô các loại tăng 4,47%, khoai tây tăng 0,59%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời lượng cung giảm do các sản phẩm trên trái vụ.
Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,97%, trong đó quả có múi tăng 1,9%, xoài tăng 1,72%, quả tươi khác tăng 1.19%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời các sản phẩm trái vụ.
Nhóm đồ gia vị tăng 1,31%, trong đó mì chính tăng 2,94%; Nhóm đường mật giảm 0,97%, trong đó đường giảm 2,05%; Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,44%, trong đó sữa tươi tăng 0,15%, pho mát tăng 1.14%, kem tăng 2,68%, bơ tăng 7,68%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng theo; Nhóm chè, cà phê, ca cao tăng 0,23%, trong đó cà phê bột tăng 1,11% là do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,07%, trong đó ăn ngoài gia đình tăng 2,45%, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
(2) Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,23%, tác động tăng chủ yếu là do nhóm rượu bia tăng 0,49%, trong đó bia các loại tăng 0,81%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng và ảnh hưởng chi phí lưu thông tăng.
(3) Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,81%, tăng chủ yếu là do đồ dùng trong nhà tăng 0,91%; giường, tủ bàn, ghế tăng 1,26%, trong đó giường tăng 3,05%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,42%; sửa chữa thiết bị gia đình tăng 1,51%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng giảm nên các cơ sở kinh doanh giảm giá kích cầu.
(4) Chỉ số nhóm giáo dục tăng 0,51% là do nhóm văn phòng phẩm tăng 2,28%, trong đó sách giáo khoa tăng 6,18%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu mua sắm sách, vở cho học sinh chuẩn bị vào năm học mới tăng mạnh nên làm cho giá tăng theo quy luật cung cầu và tăng giá bộ sách lớp 10 theo chương trình giáo dục mới.
(5) Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01% là do hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 0,86% do cây, hoa cảnh tăng 2,1%, nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng năng suất trồng hoa nên lượng cung giảm làm cho giá tăng.
(6) Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,34% là do nhóm hiếu hỉ tăng 1,18%, trong đó về hiếu tăng 1,94%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở dịch vụ tăng giá.
- Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
(1) Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,02%, trong đó nhóm vải các loại giảm 0,66%, nhóm quần áo may sẵn giảm 0,12%, nhóm dịch vụ may mặc giảm 0,23%; nhóm dịch vụ giầy, dép giảm 0,22%. Nguyên nhân là do các mặt hàng trên tháng trước tăng, nay các cở sở kinh doanh giám giá ổn định trở lại như trước.
(2) Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,25%, tác động chính là do nhóm gas và các loại chất đốt khác giảm 2,52%, trong đó gas giảm 4,0% (giảm 12 000 đồng/ bình 12kg từ ngày 01/8/2022); giá dầu hỏa qua ba đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 01,11,22 tháng 8 giảm 9,98%; điện sinh hoạt giảm 0,13% là do trong tháng thời tiết mát mẻ nên nhu cầu tiêu dùng giảm làm cho giá bình quân giảm.
(3) Chỉ số nhóm giao thông giảm 6,03%, tác động chính là do nhóm nhiên liệu giảm 14,34%, là do trong tháng có đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 01/8/2022, ngày 11/8/2022 và ngày 22/8/2022, tính bình quân so với tháng trước thì chỉ số giá xăng giảm 14,56%, dầu diezel 0,05S-II giảm 12,91%.
(4) Chỉ số nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,42% là do thiết bị điện thoại giảm 1,2%, trong đó máy điện thoại di động thông thường giảm 1,26%, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,09%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động để kích cầu.
- Một nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá không có biến động là các mặt hàng nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
7.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh
Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 8/2022 được bán với giá bình quân khoảng 6.360.000 đồng/chỉ, giảm 1,72% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.605 đồng/USD, tăng 0,21%.
Chỉ số giá vàng tháng Tám năm 2022 giảm 1,72% so với tháng trước; tăng 17,06% so với cùng kỳ năm trước; tăng 9,86% so với tháng 12 năm trước; bình quân 8 tháng tăng 18,54% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Tám năm 2022 tăng 0,21% so với tháng trước; tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,62% so với tháng 12 năm trước; bình quân 8 tháng tăng 0,47% so với cùng kỳ năm trước.
8. Một số tình hình xã hội
8.1. Về y tế (tháng 7-2022)
a) Tình hình dịch bệnh trong tháng
- Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Trong tháng, không có ca tử vong, ghi nhận 7 ca mắc mới. Lũy tích tổng số ca mắc từ đầu năm 2022 đến ngày 31/7/2022 ghi nhận 29.472 ca mắc, trong đó kết thúc cách ly điều trị 29.465.
- Tay - chân - miệng: Trong tháng, ghi nhận 27 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2022, không có tử vong, ghi nhận 43 ca mắc, giảm 14 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 9 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2022, không có tử vong, ghi nhận 111 ca, giảm 128 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 4 ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2022, không có tử vong, ghi nhận 22 ca mắc, giảm 18 so với cùng kỳ năm trước.
- Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 40 ổ dịch mới. Lũy tích đến 31/7/2022, không có ca tử vong, ghi nhận 326 ca mắc mới, giảm 48 ca so với cùng kỳ năm trước.
- Sốt rét: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 31/7/2022, không có ca tử vong, không có ca mắc sốt rét ác tính, ghi nhận 03 ca mắc (Tu Mơ Rông 1 ca, Ia H’Drai 2 ca), bằng so với cùng kỳ năm trước.
- Bệnh viêm gan vi rút A: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới, giảm 2 ca so với tháng trước. Lũy tích đến 31/7/2022, không có ca tử vong, ghi nhận 6 ca mắc (thành phố Kon Tum 02 ca, Sa Thầy 04 ca), tăng 6 ca so với cùng kỳ năm trước.
Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 40 người, trong đó lao phổi AFB (+) 28 người. Không ghi nhận bệnh nhân phong mới; tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 165 người; quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Đăk Kia (là trại viên) đang quản lý 55 người.
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn về việc tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết và dịch bệnh truyền nhiễm khác; Công văn về việc kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue.
b) Tiêm chủng mở rộng
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn về việc đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid - 19; triển khai các đợt tiêm nhắc lần 1 và tiêm nhắc lần 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; tiêm đợt 3 và 4 chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và các đợt tiêm nhắc lại cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi. Kết quả đến 31/7/2022:
- Số liều vắc xin đã nhận 1.358.622; số liều vắc xin đã tiêm 1.266.779; tỷ lệ số mũi đã tiêm trên số liều vắc xin đã nhận 93,24%.
- Tỷ lệ được tiêm đủ mũi (Abdala 03 mũi; loại khác 02 mũi): Đối tượng từ 18 tuổi trở lên 98,7%; từ 12 đến 17 tuổi 97,78%; từ 5 đến dưới 12 tuổi 39,34%.
- Tỷ lệ được tiêm mũi 1: 99,65% người từ 18 tuổi trở lên; 100% trẻ từ 12 đến 17 tuổi; 85,39% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và 97,22% người từ 5 tuổi trở lên.
- Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm liều bổ sung 96,5%, đã tiêm liều nhắc lại (lần 1) 76,54% và đã tiêm liều nhắc lại (lần 2) 60,59%. Tỷ lệ trẻ từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm liều nhắc lại 39,6%.
c) Phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng, ghi nhận 3 ca nhiễm HIV mới. Lũy tích đến ngày 31/7/2022, tổng số nhiễm HIV/AIDS 552 người, trong đó tử vong 200 người và còn sống 352 người (quản lý được 194 người). Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV 155 người (9 trẻ em), đang điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 4 người. Điều trị Methadone: Số bệnh nhân đang điều trị 39 người; số lượt uống thuốc 974 lượt.
d) Truyền thông, giáo dục sức khỏe
Sở Y tế phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện 03 phóng sự tuyên truyền phòng chống bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ) và tuyên truyền về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tổ chức các buổi truyền thông nhóm về phòng chống sốt xuất huyết (700 người tham dự). Tuyên truyền các chủ đề trọng tâm tháng 7/2022 như Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (01/7), Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân (02/7), Ngày Dân số Thế giới và Tháng hành động Quốc gia về dân số (11/7)...
e) An toàn vệ sinh thực phẩm
Giám sát chất lượng thực phẩm và tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với nhà hàng, dịch vụ nấu ăn, dịch vụ tiệc cưới; kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ đón, tiếp Đoàn công tác của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm việc tại tỉnh Kon Tum; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 88 cơ sở dịch vụ ăn uống, 100% đạt yêu cầu; test nhanh 23 mẫu với 28 test (09 hàn the, 06 formol, 02 nitrit, 01 hypochlorid, 02 ure, 08 độ ôi khét), kết quả đều âm tính.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng, xảy ra 01 vụ ngộ độc do độc tố của cóc tại thôn 8, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum với 03 người mắc, trong đó 01 người tử vong. Có 21 trường hợp ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.
8.2. Về giáo dục
Kết thúc kỳ thi THPT năm 2022, tỉnh Kon Tum có 4.429 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỉ lệ 97,49% thấp hơn năm 2021 (-0,84%). Trong số đó có 2 thí sinh đỗ do miễn thi và 2 trường hợp được đặc cách xét công nhận tốt nghiệp. Đặc biệt, tỉnh Kon Tum có 13 thí sinh đạt điểm 10. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 của tỉnh có 4.551 thí sinh đăng ký dự thi xét tốt nghiệp. Trong đó, thí sinh người DTTS là 1.548 em.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định về việc Ban hành Kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, thời gian tựu trường của học sinh là từ ngày 29/8/2022, riêng với lớp 1 từ ngày 22/8/2022. Học sinh lớp 1 đi học sớm hơn 1 tuần để thực hiện “Tuần làm quen” và triển khai tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào năm học mới. Các trường học trên địa bàn toàn tỉnh sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2022.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
8.3. Về văn hóa, thể dục thể thao
Sáng ngày 16/8/2022, tại Trung tâm VHTTTTN tỉnh Kon Tum, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thao CNVCLĐ khu vực Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung năm 2022. Tham gia Hội thao có gần 500 vận động viên đến từ 22 đơn vị, doanh nghiệp cao su trên địa bàn các tỉnh trong khu vực. Các vận động viên thi đấu 7 môn với 17 nội dung; gồm bóng đá mi ni nam 5 người, bóng chuyền nam, quần vợt (đôi nam và đôi nam nữ), cầu lông (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nam nữ), kéo co, cờ tướng (nam, nữ), bóng bàn (đôi nam, đôi nam nữ).
Tối ngày 03/8/2022, tại Nhà rông văn hóa thôn Kon Brăp Ju, xã Tân Lập, UBND huyện Kon Rẫy tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS lần thứ I-2022. Tham gia Hội thi có hơn 200 nghệ nhân đến từ 7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Rẫy. Các đội tranh tài 4 nội dung: Tái hiện lễ hội truyền thống; biểu diễn cồng chiêng, xoang; hòa tấu nhạc cụ dân tộc và hát dân ca.
Tối ngày 26/7/2022, tại xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề “Ký ức màu hoa đỏ” nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Chương trình với sự tham gia của hơn 300 đoàn viên, thanh niên đến từ các huyện, thành đoàn trên địa bàn tỉnh với gần 20 tiết mục múa, hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước; tri ân những gia đình có công cách mạng, các anh hùng liệt sĩ đã có nhiều cống hiến, anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Chiều ngày 25/7/2022, Trung tâm VHTTDL&TT phối hợp với Huyện đoàn Đắk Tô tổ chức chương trình Hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 2022, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Tham gia Hội diễn có 10 đoàn với hơn 150 diễn viên đến từ 8 xã, thị trấn và Trường PTTH Nguyễn Văn Cừ đã đem đến Hội thi 26 tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đất nước, truyền thống của quê hương, lực lượng vũ trang, tình đoàn kết quân dân và ca ngợi tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên…
8.4. Tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương
Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động của tội phạm theo băng, nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được đấu tranh, triệt xóa, không có băng, nhóm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, cụ thể:
Phạm tội về trật tự xã hội: Trong tháng, phát hiện 35 vụ, hậu quả thiệt hại: 01 người chết; 07 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 450 triệu đồng.
Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: Phát hiện 01 vụ vi phạm quy đinh về bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Phạm tội về ma túy: Phát hiện 12 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 1,321g Heroin; 92,371g ma túy tổng hợp.
Tình hình trật tự, an toàn giao thông: Xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 03 người. Thiệt hại về tài sản: Hư hỏng 01 ô tô, 03 mô tô ước tính khoảng 15 triệu đồng.
Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn: Xảy ra 01 vụ cháy nhà Rông trên địa bàn huyện Kon Rẫy. Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng làm rõ. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4 triệu đồng.
8.5. Tình hình môi trường
a) Vi phạm môi trường
Trong tháng phát hiện 01 vụ vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
b) Tình hình thiên tai
Diễn biến thiên tai: Theo báo cáo tổng hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh. Từ ngày 20/7/2022 đến ngày 19/8/2022 tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng của Dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão số 2 kết hợp gió Tây Nam có cường độ mạnh, nên tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi có mưa to và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đã gây ra thiệt hại tại các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Đắk Tô và thành phố Kon Tum.
Tình hình thiệt hại
Về nhà ở: thiệt hại 4 ngôi nhà.
Về nông nghiệp: Thiệt hại 17,3 ha do mưa lớn.
Về chăn nuôi: Chết 3 con bò.
Về thủy lợi: Sạt lỡ 01 kênh thuỷ lợi, 01 đập.
Về giao thông: Trong tháng ghi nhận nhiều công trình giao thông bị sạt lỡ (công trình cầu, cống bị sạt lỡ ta luy dương...) tại thành phố Kon Tum, Huyện Sa Thầy, Huyện Đăk Tô.
Về thủy sản: Thiệt hại ao nuôi cá khoảng 1,5 ha.
Về cơ sở hạ tầng: Một số công trình trường học, 01 bưu điện xã bị ngập.
Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 1.958 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 2.683 triệu đồng./.
[1] Báo cáo số 443/BC-SNN ngày 23/8/2022
File đính kèm: BC_so_lieu_thang_8-2022_(Kon_Tum).pdf
Cục Thống kê tỉnh Kon Tum