Trong các ngày 19 – 29/5/2008, tại Arequipa, Pê ru đã diễn ra Hội nghị Các Quan chức cao cấp APEC (SOM II) và các cuộc họp liên quan trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương – APEC 2008.
Các quan chức cao cấp APEC đã đạt được thoả thuận về Kế hoạch Hành động Thuận lợi hoá đầu tư (IFAP) 2008 – 2010 được xây dựng nhằm giảm bớt các rào cản thương mại đối với các nhà đầu tư và khuyến khích đầu tư vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, Kế hoạch này bao gồm một loạt các nguyên tắc thuận lợi hoá đầu tư làm kim chỉ nam cho các chương trình hành động tập thể của các nền kinh tế thành viên APEC trong những lĩnh vực quan trọng có ảnh hưởng đến dòng đầu tư.
Để hỗ trợ cho IFAP, một số hoạt động sẽ được tiến hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong 3 năm tới. Ví dụ, các chi phí giao dịch sẽ giảm thêm 5% và cơ bản sẽ dẫn tới việc loại bỏ hoàn toàn.
Trong khi việc thông qua IFAP là tương đối nhanh chóng thì các kế hoạch khác đòi hỏi dữ liệu đầu vào lớn hơn, ở đây đề cập đến kế hoạch thành lập Khu vực mậu dịch tự do Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Theo lời của Chủ toạ SOM II thì các kế hoạch cho FTAAP đã đi được một nửa chặng đường. Vẫn có những nghiên cứu đang được thực hiện bởi các nhà tư vấn và các chuyên gia. Cần nhận thấy rằng quá trình này không thể tiến hành nhanh chóng bởi đơn cử, Pê ru phải mất hai năm để đàm phán một thoả thuận thương mại tự do với Mỹ trong khi APEC hiện đang cố gắng phối hợp FTAs giữa 21 nền kinh tế khác biệt.
Tiếp theo SOM II, Hội nghị các Bộ trưởng chịu trách nhiệm về Thương mại – APEC, 2008 đã diễn ra trong 2 ngày 31/5 và 1/6/2008. Trong 2 ngày làm việc, các Bộ trưởng đã xem xét các kết luận của SOM II, bên cạnh đó thảo luận về Vòng đàm phán Doha và bày tỏ quyết tâm đem lại một kết thúc thành công cho Vòng đàm phán Doha trong năm nay. Các Bộ trưởng đã ra tuyên bố thể hiện quan điểm của các nền kinh tế thành viên về các vấn đề như: sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tình hình tăng giá lương thực, hội nhập kinh tế khu vực, tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại, cải cách về thể chế, trách nhiệm chung đối với xã hội, vấn đề hợp tác về an ninh, kinh tế và kỹ thuật giữa các nền kinh tế thành viên APEC…
Vòng đàm phán Doha là một trong những chủ đề quan trọng tại diễn đàn APEC và được tập trung vào 2 khía cạnh chủ yếu: thuế hàng công nghiệp, khủng hoảng giá lương thực, và công việc sắp tới là phải giúp các thành viên phân tích số liệu có tính đến sự tiến triển thực chất về giao dịch thương mại trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Khủng hoảng toàn cầu gây ra bởi sự leo thang chóng mặt của giá thương thực đã làm tăng tính cấp bách của việc đạt được những tiến triển quan trọng trong mở cửa thị trường và giảm bớt các biện pháp bóp méo thương mại trong thương mại hàng nông sản; bên cạnh đó, việc nhanh chóng hoàn tất Vòng đàm phán Doha, với tham vọng đạt được kết quả cân bằng lợi ích của tất cả các bên, sẽ là một nhân tố quan trọng để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế