Báo cáo số 119/BC-CTK ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Cục Thống kê Hậu Giang
Trong tháng 01 năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có những dấu hiệu chuyển biến tích cực, các chỉ số kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng khá: So với cùng kỳ năm trước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,48%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tăng 2,89%; trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng 26,5%; trị giá hàng hóa nhập khẩu tăng 10,59%. Kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực trong tháng cụ thể như sau:
1. Tài chính, tín dụng
1.1. Tài chính
Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước được triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, góp phần nuôi dưỡng nguồn thu và tăng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Trong tháng 01, Ước tổng thu ngân sách nhà nước được 750,405 tỷ đồng, luỹ kế là 750,405 tỷ đồng, đạt 9,75% dự toán Trung ương, đạt 9,75% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, Trung ương trợ cấp được 422,072 tỷ đồng, luỹ kế là 422,072 tỷ đồng, đạt 10,40% dự toán Trung ương, đạt 10,40% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Thu nội địa được 295 tỷ đồng, luỹ kế là 295 tỷ đồng, đạt 9,10% dự toán Trung ương và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, khuyến khích các đơn vị phấn đấu tăng nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp để chủ động chuyển sang tự hạch toán thu, chi không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa xác định được nguồn đảm bảo. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Kết quả trong tháng 01, Ước tổng chi ngân sách địa phương là 561,688 tỷ đồng, luỹ kế là 561,688 tỷ đồng, đạt 8,20% dự toán Trung ương giao, đạt 8,20% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, chi xây dựng cơ bản là 213,808 tỷ đồng, luỹ kế là 213,808 tỷ đồng, đạt 8,33% dự toán Trung ương giao, đạt 8,33% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Chi thường xuyên là 347,880 tỷ đồng, luỹ kế là 347,880 tỷ đồng, đạt 8,33% dự toán Trung ương, đạt 8,33% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
1.2 Tín dụng ngân hàng
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 14.386 tỷ đồng, tăng trưởng 18,97% so với cuối năm 2018, đạt 135,5% kế hoạch năm 2019. Trong tổng vốn huy động trên địa bàn thì khối Ngân hàng thương mại nhà nước huy động được 9.604 tỷ đồng (chiếm 66,76%); khối Ngân hàng thương mại cổ phần được 4.267 tỷ đồng (chiếm 29,66%); Ngân hàng Chính sách xã hội 474 tỷ đồng (chiếm 3,30%) và quỹ tín dụng Nhân dân 41 tỷ đồng (chiếm 0,28%). Vốn huy động đáp ứng được 61,50% cho hoạt động tín dụng. Ước thực hiện đến cuối tháng 01 năm 2020, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 14.405 tỷ đồng, tăng trưởng 0,13% so với cuối năm 2019.
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổng dư nợ toàn địa bàn là 23.391 tỷ đồng, tăng trưởng 6,74% so với cuối năm 2018, đạt 96,29% kế hoạch năm 2019. Trong tổng dư nợ thì khối Ngân hàng thương mại nhà nước được 16.426 tỷ đồng (chiếm 70,22%); khối Ngân hàng thương mại cổ phần là 4.517 tỷ đồng (chiếm 19,31%); Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.404 tỷ đồng (chiếm 10,28%), và quỹ tín dụng Nhân dân là 44 tỷ đồng (chiếm 0,19%). Ước thực hiện đến cuối tháng 01 năm 2020, dư nợ đạt 23.652 tỷ đồng, tăng trưởng 0,26% so với cuối năm 2019.
Nợ quá hạn đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 là 628 tỷ đồng, chiếm 2,68% trên tổng dư nợ; nợ xấu là 387 tỷ đồng, chiếm 1,66% trên tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 241 tỷ đồng, chiếm 38,38% trên tổng nợ quá hạn. Dự báo đến cuối tháng 01 năm 2020, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.
Tính đến 31 tháng 12 năm 2019, các Đề án, Chương trình, Chính sách tín dụng trọng điểm theo Chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và địa phương đạt được kết quả sau:
- Cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ 2.054 tỷ đồng, giảm 28,90% so với cuối năm 2018.
- Cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ 2.916 tỷ đồng, giảm 6,69% so với năm 2018, tương ứng với 651 hộ dân và 08 doanh nghiệp còn dư nợ; nợ xấu 21 tỷ đồng, chiếm 0,72%.
- Cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định 68/QĐ-TTg dư nợ 56,26 tỷ đồng, giảm 19,19% so với cuối năm 2018.
- Cho vay để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh doanh số cho vay đạt 44,04 tỷ đồng, tương ứng với 4.205 khách hàng.
- Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP dư nợ 70,03 tỷ đồng, giảm 21,43% so với cuối năm 2018; tương ứng với 01 doanh nghiệp và 297 cá nhân còn dư nợ.
- Cho vay theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (Đề án 1.000) dư nợ 3,24 tỷ đồng, giảm 34,15% so với cuối năm 2018; tương ứng với 56 hộ dân còn dư nợ.
- Chương trình cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN dư nợ 23,54 tỷ đồng, với 69 khách hàng được hỗ trợ.
- Các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 2.404 tỷ đồng, tăng trưởng 9,67% với cuối năm 2018; tương ứng với 129.316 món vay còn dư nợ.
- Cho vay lĩnh vực kinh tế tập thể dư nợ 124 tỷ đồng, tăng 4,20% so với cuối năm 2018, tương ứng với 34 hợp tác xã còn dư nợ.
- Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp doanh số cho vay đạt 6.239 tỷ đồng, dư nợ 6.385 tỷ đồng với 298 doanh nghiệp được tiếp cận vốn.
- Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn dư nợ đạt 14.696 tỷ đồng, chiếm 64,72%/tổng dư nợ, tăng trưởng 7,00% so với cuối năm 2018.
- Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới toàn địa bàn đạt 9.865 tỷ đồng, tương ứng với 128.778 hộ dân và 94 doanh nghiệp, 06 HTX còn dư nợ, tăng trưởng 10,15% so với cuối năm 2018.
2. Vốn đầu tư
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2020 là 20.263,466 tỷ đồng, (theo quyết định số 2111/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2019 và quyết định số 2273/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2019 của chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công thuộc ngân sách nhà nước năm 2020 và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư trên địa bàn), bao gồm các nguồn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước: 2.131,466 tỷ đồng.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 2.150 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là: 15.982 tỷ đồng.
Ước tính vốn đầu tư thực hiện trong tháng 01, được 1.560,310 tỷ đồng, bằng 103,54% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,58% so với tháng trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 185,450 tỷ đồng, bằng 153,93% so với cùng kỳ năm trước và bằng 62,82% so với tháng trước. Nguyên nhân vốn ngân sách giảm so với tháng trước là do các đơn vị tập trung thanh, quyết toán khối lượng đã thực hiện để giải ngân vốn năm 2019, đồng thời lập kế hoạch thủ tục vốn cho các công trình năm 2020, nên làm cho vốn đầu tư phát triển không tăng cao.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
3.1. Nông nghiệp
Lúa thu đông 2019, hiện đã thu hoạch dứt điểm được 39.625 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,13% (bằng 52 ha). Năng suất thu hoạch chính thức được 54,20 tạ/ha, tăng 0,87% (bằng 0,47 tạ/ha) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch được 214.768 tấn, tăng 1,01% (bằng 2.141 tấn) so với cùng kỳ.
Lúa đông xuân 2020, ước toàn tỉnh xuống giống được 77.702 ha, bằng 100,91% so với kế hoạch tỉnh (kế hoạch là 77.000 ha), so với cùng kỳ giảm 0,28% (bằng 216 ha). Lúa chủ yếu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng, giống lúa được sử dụng phổ biến là: OM 5451, Đài thơm 8, RVT, OM 18,…
Niên vụ mía 2020, ước toàn tỉnh xuống giống được 2.850 ha, giảm 56,11% ( bằng 3.644 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng mía giảm là do giá cả thấp, chi phí cao nên nông dân chuyển sang trồng các loại cây hàng năm khác. Mía trồng tập trung ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy. Các giống mía chủ yếu là giống ngắn ngày như: ROC 16, K88-92, KK3, ROC 22, K95-289,...
Diện tích gieo trồng ngôtoàn tỉnh ước được 712 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 54,7% (bằng 252 ha). Diện tích ngô tăng là do các hộ trồng mía không có lãi chuyển sang trồng ngô.
Diện tích gieo trồng cây rau các loại ước được 4.987 ha, so với năm trước tăng 1,03% (bằng 51 ha). Diện tích trồng rau tăng do lợi ích từ trồng rau khá, bên cạnh đó năm nay thời tiết gieo trồng rau phục vụ tết nguyên đán thuận lợi hơn so với cùng kỳ.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sinh vật gây hại, kịp thời có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng chống các đối tượng thường xuyên gây hại như: ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá đặc biệt bệnh đạo ôn, muỗi hành và bệnh rầy nâu đang phát triển, cần xử lý theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả.
3.2. Chăn nuôi
Ước tính tháng 01, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:
- Đàn heo (lợn): Có 81.500 con, giảm 45,42% (bằng 67.828 con) so với cùng kỳ. Trong đó, heo thịt được 70.829 con, giảm 45,75% (bằng 59.729 con). Đàn heo giảm do dịch tả heo Châu phi.
- Đàn trâu: Có 1.481 con, giảm 2,69% (bằng 41 con) so với cùng kỳ năm trước.
- Đàn bò: Có 3.550 con, giảm 1,69% (bằng 61 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước được 17 tấn, tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước.
- Đàn gia cầm: Có 4.434 ngàn con, tăng 7,12% (tăng 295 ngàn con). Trong đó, đàn gà được 1.384 ngàn con, tăng 8,57% (tăng 109 ngàn con). Đàn gia cầm tăng do giá thịt gia cầm ổn định, dịch bệnh ít, thị trường đầu ra tốt.
Tình hình dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tính đến ngày 15/01/2020, đã có 02 xã của huyện Phụng Hiệp tái phát dịch, tổng số heo chết và tiêu hủy là 08 con với trọng lượng là 509 kg. Ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy, tiêu độc khử trùng tại các điểm bị dịch bệnh theo quy định. Đồng thời, tiếp tục duy trì công tác giám sát, tiêm phòng dịch bệnh ở đàn gia súc và dịch cúm trên gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
3.3. Lâm nghiệp
Trong tháng, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước được 127 nghìn cây, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước sản lượng gỗ khai thác được 1.217 m3, so với cùng kỳ tăng 2,01% (bằng 24 m3). Sản lượng củi khai thác được 5.644 Ster, giảm 1,67% (bằng 96 Ster) so với cùng kỳ năm trước.
Công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát, khai thác rừng đảm bảo đúng quy định, công tác phòng chống cháy rừng được quán triệt và làm tốt nên trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào.
3.4. Thủy sản
Trong tháng 01, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 1.848,9 ha, tăng 4,31% ( bằng 76,4 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 01, toàn tỉnh ước được 5.372,8 tấn, tăng 4,56% (bằng 234,3 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng được 5.107,2 tấn, tăng 4,76% (bằng 234,9 tấn). Sản lượng thủy sản khai thác được 265,5 tấn, tăng 0,89% (2,3 tấn).
4. Tình hình sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 01, tính theo giá so sánh 2010, được 2.206,904 tỷ đồng, giảm 21,83% so với tháng trước và tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước. Tính theo giá thực tế, được 3.142,302 tỷ đồng, giảm 23,44% so với tháng trước và tăng 6,70 % so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giảm nhiều so với tháng trước là do Tết Nguyên Đán Canh Tý năm 2020 rơi vào cuối tháng 01/2020. Vì vậy, các doanh nghiệp nghỉ từ 07 đến 09 ngày để người lao động được vui xuân đón Tết, nên ước giá trị sản xuất tháng 01 giảm nhiều so với tháng trước.
Đề nghị các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo tiến độ của doanh nghiệp đã đề ra, để ngành công nghiệp phát triển bền vững, tăng đúng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch Đại hội Đảng đề ra.
Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Dự tính tháng 01, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giảm 12,45% so với tháng trước và tăng 6,48% so với cùng kỳ. Cụ thể:
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Giảm 12,57% so với tháng trước và tăng 6,49% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm nhiều so với tháng trước là do Tết Nguyên Đán Canh Tý năm 2020 rơi vào cuối tháng 01/2020. Vì vậy, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cá thể ngừng hoạt động để người lao động được vui xuân đón Tết, nên dự tính chỉ số sản xuất giảm nhiều so với tháng trước. Nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước là do trong những tháng gần đây, một số doanh nghiệp lớn đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động trong các ngành như: Sản xuất xi măng, sản xuất giày dép, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy... nên chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
- Ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,93% so với tháng trước và giảm 3,03% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành chế biển thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 13,12% so với tháng trước và giảm 1,77% so với cùng kỳ năm trước; Ngành xay xát và sản xuất bột thô giảm 0,76% so với tháng trước và giảm 1,39% so với cùng kỳ năm trước; Ngành sản xuất đường giảm 35,71% so với tháng trước và giảm 33,73% so với cùng kỳ năm trước… Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng trong việc sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho, không làm ảnh hưởng đến chi phí và vốn hoạt động của doanh nghiệp trong dịp Tết Nguyên Đán sắp đến, nên chỉ số sản xuất tháng này giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Riêng, ngành sản xuất đường do doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả nên tạm ngưng hoạt động một trong 02 xí nghiệp để cơ cấu lại nhà máy. Vì vậy, Chỉ số ngành công nghiệp chế biến thực phẩm giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2019.
- Ngành sản xuất đồ uống giảm 37,04% so với tháng trước và tăng 75,77% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Công ty TNHH MTV Masan Brewery Hậu Giang với sản phẩm chính là bia Sư tử trắng, đã đầu tư cải tiến máy móc, đa dạng hóa sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Vì vậy, doanh nghiệp tăng sản lượng sản xuất trong tháng 12/2019 để phục vụ thị trường Tết Nguyên Đán năm 2020 sắp đến và giảm số ngày hoạt động trong tháng 01/2020 để người lao động nghỉ Tết, nên dự tính chỉ số sản xuất ngành này tăng cao so với cùng kỳ.
- Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,70% so với tháng trước và tăng 90,43% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong tháng 01 năm 2020 Công ty TNHH Lạc Tỷ II phải tạm ngưng hoạt động từ 07 đến 09 ngày (tùy bộ phận) để người lạo động được vui xuân đón Tết Nguyên Đán, nhưng vẫn phải hoàn thành các hợp đồng đã ký, nên từ đầu tháng doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng giờ làm mỗi ngày, để đảm bảo đủ lượng hàng hóa thực hiện các hợp đồng đã ký. Vì vậy, dự tính chỉ số sản xuất ngành này tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm 2019.
- Ngành sản xuất giấy và các sản phẩm bằng giấy giảm 6,82% so với tháng trước và tăng 16,59% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam với sản phẩm chính là giấy cuộn và bìa giấy, sau thời gian hơn một năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ ổn định nên tăng sản lượng sản xuất. Do đó, làm tăng chỉ số ngành này nói riêng và chỉ số của toàn tỉnh nói chung.
- Ngành sản xuất sản phẩm từ khoán phi kim loại giảm 14,10% so với tháng trước và tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do công ty TNHH MTV xi măng Cần Thơ - Hậu Giang với sản phẩm chính là xi măng đen, do đây là sản phẩm mới trên địa bàn tỉnh và có giá thành hết sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác trong khu vực. Vì vậy, đến nay thị phần của doanh nghiệp này ngày càng mở rộng, sản lượng tăng ổn định so với cùng kỳ.
Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước. Riêng, ngành truyền tải và phân phối điện tăng 0,30% so với tháng trước và tăng 8,40% so với cùng kỳ năm trước. Ngành điện đã hoạt động ổn định, đúng công suất, đã cung cấp đủ điện một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo hạn chế không để xảy ra tình trạng mất điện nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp được hoạt động thường xuyên liên tục trong thời điểm cận tết.
Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Tăng 6,64% so với tháng trước và tăng 2,06% so với cùng kỳ. Hiện nay, tình hìnhxâm nhập mặn tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang diễn ra hết sức phức tạp, nên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước – CTĐT Hậu Giang đã có kế hoạch chủ động đối phó, hoạt động liên tục, khai thác thêm các nguồn nước ngầm để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước phục vụ tốt việc sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho mọi người dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp đến. Sản lượng sản xuất nước sạch sinh hoạt dự tính tháng 01 năm 2020 được 961,36 ngàn M3 tăng 11,20% so với tháng trước và tăng 12,72% so với cùng kỳ năm trước.
5. Hoạt động thương mại, dịch vụ
5.1. Bán lẻ hàng hóa, doanh thu và dịch vụ
Bước qua tháng 01, Tết đã đến cận kề và đây là lúc cao điểm để người dân chuẩn bị vui xuân, đón tết. Thị trường hàng hóa tết năm nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vô cùng phong phú, đa dạng cả về mẫu mã lẫn thể loại hàng hóa. Đặc biệt, những ngày giáp tết lượng hàng hóa được bày bán tăng cao, nhất là mặt hàng hoa, cây cảnh, thực phẩm tươi sống như: Thịt các loại, thủy hải sản, rau xanh và nhiều loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm tết của người dân.
Năm nay, các khu chợ hoa, cây cảnh, khu bán hàng lương thực, thực phẩm tại các chợ được bố trí hợp lý, sắp xếp chu đáo, diện tích kinh doanh mở rộng, thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham quan, mua sắm. Đặc biệt là thu hút một lượng lớn khách hàng từ các vùng lân cận đến tham quan, làm tăng doanh thu các ngành dịch vụ khác cho tỉnh nhà.
Ước thực hiện tháng 01, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác được 3.794,396 tỷ đồng, so với thực hiện tháng trước bằng 112,61% và so với cùng kỳ năm trước bằng 102,89%. Chia ra:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa thực hiện được 2.919,109 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 117% và so với cùng kỳ năm trước bằng 103,36%. Hiện tại, lượng hàng hóa trên thị trường trong tháng tăng cao so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ tính đến thời điểm này thì tăng chưa cao, một số hàng hóa được bày bán chưa nhiều so với cùng kỳ như: Hoa, cây cảnh, dưa hấu các loại và một số loại hàng hóa khác. Thị trường thịt các loại trên địa bàn tỉnh hiện nay giá vẫn ở mức khá cao so với cùng kỳ nên lượng hàng bán ra cũng chưa tăng. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng này tăng không cao so với cùng kỳ. Cụ thể: nhóm hàng lương thực, thực phẩm là 1.092,297 tỷ đồng, giảm 2,12% so với cùng kỳ; nhóm hàng may mặc là 194,864 tỷ đồng, tăng 15,36% so với cùng kỳ; nhóm hàng đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình là 344,704 tỷ đồng, tăng 13,65% so với cùng kỳ; nhóm hàng xăng dầu các loại là 252,325 tỷ đồng, tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước,…
- Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành thực hiện được 556,402 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 98,13% và so với cùng kỳ năm trước bằng 94,46%. Trong đó, dịch vụ lưu trú là 10,351 tỷ đồng, tăng 6,45% so với cùng kỳ; dịch vụ ăn uống là 546,051 tỷ đồng, chiếm 98,14% tổng doanh thu và giảm 5,74% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do tác động của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia thực sự đi vào đời sống khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020 đã làm cho doanh thu các quán ăn uống, quán nhậu và lượng rượu, bia được tiêu thụ giảm mạnh trong tháng 01/2020.
- Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác (bao gồm: Dịch vụ kinh doanh bất động sản; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ; dịch vụ giáo dục và đạo tạo; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí; dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình; dịch vụ khác) thực hiện được 318,885 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 103,70% và so với cùng kỳ năm trước bằng 116,02%. Các ngành dịch vụ khác có mức tăng khá cao so với cùng kỳ (tăng 16,02%), do nhu cầu một số dịch vụ phục vụ cá nhân và gia đình, vui chơi, giải trí của người dân ngày càng tăng cao. Các hoạt động tổ chức mừng xuân trong dịp Tết Nguyên Đán ngày càng nhiều, nhằm phục vụ nhu cầu tinh thần cho người dân trong tỉnh và các vùng lân cận đã làm tăng đáng kể doanh thu của các ngành dịch vụ.
Để đảm bảo cho dịp Tết Nguyên Đán được diễn ra trong không khí ấm áp, vui tươi, an toàn thì các cấp, các ngành chức năng cần tiếp tục thực hiện việc kiểm soát, bình ổn giá cả, chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông trong những ngày trước, trong và sau Tết một cách nghiêm túc.
5.2. Tình hình xuất nhập khẩu
Ước thực hiện tháng 01, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 124,059 triệu USD, so với tháng trước bằng 77,24% và so với cùng kỳ năm trước bằng 186,24%. Chia ra:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 50,485 triệu USD so với tháng trước bằng 89,06% và so với cùng kỳ năm trước bằng 126,50%. Nguyên nhân ước giá trị xuất khẩu giảm so với tháng trước là do tháng 01 là thời điểm mà các doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất kinh doanh để đón Tết Nguyên Đán, do đó thời gian hoạt động sản xuất kinh doanh không được thường xuyên liên tục và có số ngày hoạt động ngắn hơn nhiều so với tháng trước. Các hợp đồng cũng không được thực hiện nhiều trong tháng. Vì vậy, ước giá trị xuất khẩu có thể sẽ giảm.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 67,038 triệu USD tăng cao so với tháng trước bằng 79,18% và so với cùng kỳ năm trước bằng 310,59%.
- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 0,115 triệu USD, so với tháng trước bằng 145,57% và so với cùng kỳ năm trước bằng 130,68%.
- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 6,421 triệu USD so với tháng trước bằng 33,49% và so cùng kỳ năm trước bằng 127,60 %.
Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản so với các nước trong khu vực. Đặc biệt trong năm 2018, giá trị xuất khẩu chung của toàn ngành đã đạt con số kỷ lục và vượt xa so với kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, hiện nay tình hình xuất khẩu bắt đầu chuyển biến xấu và có dấu hiệu sụt giảm, nhiều sản phẩm thủy sản xuất khẩu trên địa bàn so với cùng kỳ năm trước đã có sự sụt giảm mạnh, nhiều nhất phải kể đến là các sản phẩm thủy sản chế biến, trong đó Tôm là mặt hàng có giá trị giảm nhiều nhất, tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng trong năm 2019 được khoảng 267 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước chỉ bằng 68,46%, giảm 31,54%. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụt giảm trên là do sự tác động từ môi trường kinh doanh, các rào cản thương mại và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước trong khu vực có cùng sản phẩm xuất khẩu đã có tác động mạnh mẽ làm ảnh hưởng xấu đến giá trị xuất khẩu chung. Thêm vào đó, một số thị trường nhập khẩu nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước đã dựng lên nhiều rào cản thương mại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và áp dụng những chính sách thuế quan lên các sản phẩm xuất khẩu đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thu mua nguồn nguyên liệu cũng như chế biến các sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn.
Vì vậy, để giá trị xuất khẩu đạt cao trong năm tới đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những tính toán kỹ lưỡng và thận trọng trong các hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như trong đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tránh để rơi vào tình trạng phát triển quá đà, dư thừa sản lượng. Các doanh nghiệp cần nắm bắt kỹ diễn biến thông tin của thị trường thương mại thế giới, từ đó có thể tận dụng được các cơ hội từ thị trường mang lại hoặc từ các chính sách xúc tiến thương mại trong nước và chính sách thuế quan của các thị trường nhập khẩu nhất là trong bối cảnh khi hai cường quốc kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thõa thuận thương mại mới có lợi cho hai bên.
Bên cạnh đó, phải không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng mới, kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ và các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC.... nhằm ngày càng nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín sản phẩm thủy sản của Việt Nam trên thị trường giúp sản phẩm xuất đi được nhiều hơn và đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu chung của toàn ngành trên địa bàn, đảm bảo đạt kế hoạch năm đề ra.
5.3. Vận tải hàng hóa và hành khách
Ước tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi thực hiện trong tháng 01, được 120,859 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bằng 113,68%. Trong đó, đường bộ thực hiện được 41,265 tỷ đồng bằng 111,46% so với cùng kỳ năm trước, đường thủy thực hiện được 48,230 tỷ đồng bằng 116,37% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát được 31,364 tỷ đồng bằng 244,86% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, đang là thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán cổ truyền năm 2020 các cơ sở hoạt động vận tải trên địa bàn đang vào mùa vụ kinh doanh, các cơ sở cá thể và doanh nghiệp có được nhiều hợp đồng vận chuyển hàng hóa và hành khách, người dân có nhu cầu thuê xe vui chơi Tết cũng rất cao. Vì vậy, dự đoán doanh thu ngành vận tải trong tháng 01 sẽ tăng nhiều.
5.3.1 Vận chuyển, luân chuyển hàng hóa
Ước thực hiện tháng 01, toàn tỉnh vận chuyển được 831,06 nghìn tấn hàng hóa các loại (71,56 triệu tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 101,95% (103,59%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 129,89% (217,73%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 174,22 nghìn tấn (10,57 triệu tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 106,49% (109,19%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 108,13% (127,09%).
- Đường sông thực hiện được 656,84 nghìn tấn (60,99 triệu tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 100,81% (102,68%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 137,21% (248,45%).
5.3.2 Vận chuyển, luân chuyển hành khách
Ước thực hiện tháng 01, toàn tỉnh thực hiện được 10.320,24 nghìn lượt hành khách (61,65 triệu HK.km), so với tháng trước bằng 114,42% (115,53%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 103,27% (106,82%). Chia ra:
- Đường bộ vận chuyển được 7.678,02 nghìn lượt hành khách (45,10 triệu HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 115,44% (115,73%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 109,02% (110,26%).
- Đường sông vận chuyển được 2.642,23 nghìn lượt hành khách (16,55 triệu HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 111,56% (115,01%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 89,55% (98,44%).
6. Các vấn đề về xã hội
6.1. Giáo dục
Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung vào hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:
- Giáo dục mầm non:Tổ chức chuyên đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” chuyên đề giáo dục tình cảm – kỹ năng xã hội tại huyện Vị Thủy.
- Giáo dục tiểu học: Tiếp tục thực hiện Dự án Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật năm 2020. Chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung Chương trình “Giáo dục an toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” năm học 2019-2020 (theo Công văn số 1824/SGDĐT-GDTH ngày 15/11/2019 của Sở GD&ĐT).
- Giáo dục trung học – giáo dục chuyên nghiệp: Tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia; tổng hợp báo cáo sơ kết học kỳ I, năm học 2019 - 2020. Tăng cường chỉ đạo quản lý và thiết lập hồ sơ tổ chức dạy học tại các trung tâm tin học, ngoại ngữ.
6.2. Tình hình văn hóa, thể thao
Tháng 01, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang đã tập trung chỉ đạo tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ tuyên truyền ý nghĩa các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương như: Tiếp tục tuyên truyền về “Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tổ chức họp mặt Nhà báo, Văn nghệ sĩ, Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nông dân sản xuất giỏi, Kiều bào; tuyên truyền, chương trình Lễ hội giao thừa mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân Canh Tý 2020 “Xuân ước vọng vươn xa” và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Canh Tý” 2020,…
Toàn ngành trong tháng thực hiện được 2.670m2 panô các loại, 200 băng rôn, in và treo hơn 7.500 cờ các loại, trang trí khánh tiết, phục vụ âm thanh ánh sáng, hỗ trợ chương trình văn nghệ cho các cuộc hội nghị, họp mặt, Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, Hội chợ theo yêu cầu của các đơn vị ngoài ngành.Đoàn Ca múa nhạc dân tộc xây dựng và biểu diễn 6 suất phục vụ trên 4.000 lượt người xem, phục vụ các ngày lễ, phục vụ nông thôn và các sở ban ngành trong tỉnh cụ thể như: Hội thi nghệ thuật quần chúng tỉnh Hậu Giang năm 2020; họp mặt Nhà báo, Văn nghệ sĩ và họp mặt Kiều bào, chương trình Họp mặt Nhà doanh nghiệp, Nhà khoa học, Nông dân tiêu biểu; Hội báo xuân, Triển lãm sách, ảnh nghệ thuật, ảnh thành tựu của Tỉnh và Cuộc thi bình chọn ấn phẩm xuân Canh Tý năm 2020; Lễ hội giao thừa mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân Canh Tý năm 2020; chương trình nghệ thuật chào mừng lễ công nhận thị xã Long Mỹ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III.
Trong tháng, hệ thống Thư viện tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã phục vụ 65.701 lượt người với 131.402 lượt sách báo, truy cập máy tính; cấp 360 thẻ bạn đọc. Tổ chức phục vụ sách lưu động bằng “Xe thư viện đa phương tiện” tại các điểm trường thuộc thị xã Ngã Bảy. Bổ sung sách 385 bản/165 tên sách từ nguồn kinh phí và người tặng sách. Luân chuyển sách cho cơ sở 10 lần với 1.000 quyển sách.
Về hoạt động bảo tồn - bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa: Ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Tổ chức triển lãm ảnh phục vụ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019) và 30 năm xây dựng nền Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019), 15 năm lực lượng vũ trang tỉnh Hậu Giang xây dựng và trưởng thành tại trung tâm Hội nghị tỉnh với các chuyên đề: Thành tựu 30 năm xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, 15 năm lực lượng vũ trang tỉnh Hậu Giang xây dựng và trưởng thành; thành tựu 15 năm xây dựng và phát triển tỉnh Hậu Giang; những chặng đường nhiếp ảnh của phóng viên Lý Wày;…
Trong tháng, hệ thống các di tích toàn tỉnh phục vụ 11.260 lượt khách (trong đó có 16 đoàn khách) tham quan tại các Khu di tích: Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh); căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ; Chiến thắng Tầm Vu; Đền thờ Bác Hồ; Chiến thắng Chương Thiện tại huyện Long Mỹ; Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu,...
Về lĩnh vực du lịch: Trong tháng, toàn tỉnh đón 58.512 lượt khách, trong đó khách quốc tế 3.511 lượt khách, khách nội địa 55.001 lượt khách. Tổng thu 25.206 triệu đồng.
Về sự nghiệp thể dục thể thao: Phối hợp với Liên đoàn Quần vợt tổ chức thành công “Giải Quần vợt mừng Đảng quang vinh - mừng Xuân Canh Tý tỉnh Hậu Giang năm 2020”. Giải phục vụ trên 1.000 lượt người xem; Cử đội Điền kinh tham dự giải: Việt dã “Chào năm mới” lần thứ XXI năm 2020 BTV - Number 1; vô địch Việt dã leo núi toàn quốc “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” lần thứ 26 năm 2020 tại tỉnh Bình Phước.
6.3. Lao động và an sinh xã hội
Trong tháng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang đã chủ trì, phối hợp tham mưu, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, cụ thể như sau:
- Chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tốt với hệ thống bưu điện cấp kinh phí trợ cấp thường xuyên tháng 01 năm 2020 kịp thời cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã cấp tiền trợ cấp thường xuyên tháng 01 năm 2020 cho 7.612 người có công với cách mạng và 31.370 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền gần 24.000 triệu đồng;
- Đi thăm, chúc thọ, mừng thọ đối với 86 cụ tròn 100 tuổi và 1.143 cụ tròn 90 tuổi trên địa bàn tỉnh với số tiền 910 triệu đồng;
- Đi thăm, chúc Tết, tặng quà 06 đơn vị: Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh; Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai Vị Thanh; Nhà nuôi trẻ mồ côi Hoa Mai Cần Thơ (Châu Thành A); Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; Cơ sở cai nghiện ma túy thành phố Cần Thơ; Trung tâm Công tác xã hội thành phố Cần Thơ với số tiền 44 triệu đồng;
- Tổ chức họp mặt, chúc Tết và ăn Tết với hộ nghèo tại 08 điểm (cấp tỉnh tổ chức): xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh), phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy), thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A); thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành), xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp), xã Vĩnh Trung (huyện Vị Thủy), xã Thuận Hòa (huyện Long Mỹ) và phường Trà Lồng (thị xã Long Mỹ). Với các hoạt động chính như: bàn giao và đưa vào sử dụng 08 căn nhà tình thương (mỗi căn 50 triệu đồng) cho hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn các điểm tổ chức ăn Tết; tặng 2.544 phần quà cho gia đình hộ nghèo với tổng kinh phí tổ chức họp mặt, ăn Tết, tặng quà và tặng nhà là 1.875,52 triệu đồng;
- Tổ chức 08 Đoàn đi thăm, chúc Tết và tặng 1.880 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu với số tiền 940 triệu đồng tại các huyện, thị xã, thành phố;
- Phối hợp với các ngành, đoàn thể thành lập Đoàn đến thăm và tặng 300 phần quà cho các thương bệnh binh, người có công với cách mạng đang nằm điều trị tại các Bệnh viện, Trung tâm Y tế trong tỉnh với số tiền 150 triệu đồng;
- Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong năm 2020 được cải thiện đáng kể do chính sách thưởng Tết của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương đối với cán bộ công chức nhà nước. Theo báo cáo tình hình tiền lương, tiền thưởng cho người lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 1.679 doanh nghiệp; tổng số người lao động khoảng 46.391 lao động. Trong đó, sốdoanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 là 24 doanh nghiệp. Mức thưởng bình quân từ 7,473 triệu đồng đến 18 triệu đồng, mức thưởng cao nhất là 177 triệu đồng, mức thưởng thấp nhất là 1,2 triệu đồng.
- Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Chương trình “Xuân yêu thương” và tặng 1.000 phần quà với số tiền 730 triệu đồng cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực Lao động – Việc làm – Giáo dục nghề nghiệp đạt một số kết quả sau:
- Tổ chức Hội nghị triển khai hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động cho doanh nghiệp năm 2020 với hơn 100 đại biểu tham dự. Tại Hội nghị, đã ký kết các Bản Ghi nhớ giữa các bên về công tác hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động cho doanh nghiệp. Kết quả, trong năm 2020, tổng nhu cầu hỗ trợ tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp 10.000 lao động, đưa lao động tỉnh Hậu Giang đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 500 lao động và hỗ trợ đào tạo nghề cung ứng cho doanh nghiệp 5.090 lao động.
- Ban hành Quyết định giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định cho 431 người với số tiền 4.318,959 triệu đồng.
-Tư vấn việc làm cho 2.057 lao động; có 312 lao động đăng ký tìm việc làm; giới thiệu việc làm cho 169 lao động. Thực hiện tư vấn, cấp phát gần 4.500 tờ rơi tuyên truyền về công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, nhất là công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an và đại biểu dự các điểm Họp mặt, chúc Tết và ăn Tết với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về việc kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội. Đội, tổ kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra được 64 lượt cơ sở; phát hiện 07 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 05 cơ sở với số tiền 6,3 triệu đồng.
6.4. Y tế
Trong tháng 01, theo báo cáo của Sở Y tế, có 32 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, giảm 09 ca so với tháng trước, cộng dồn là 32 ca, tăng 21 ca so với cùng kỳ. Bệnh tay chân miệng có 43 ca mắc mới, giảm 34 ca so với tháng trước, cộng dồn là 43 ca, tăng 09 ca so với cùng kỳ. Bệnh sởi, bệnh viêm gan do virut B, bệnh quai bị không có ca mắc mới. Bệnh dịch lạ và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn tỉnh.
Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ trong tháng là 894 trẻ, cộng dồn là 894 trẻ, đạt 7,88%; Tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 882 trẻ, cộng dồn là 882 trẻ, đạt 7,75%; Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 825 thai phụ, cộng dồn là 825 thai phụ, đạt 7,29%. Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đươngcùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.746 ca (còn sống 1.123 người); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đương cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.022 ca; Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 00 ca (tương đương cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 585 ca. Trong tháng khám và cấp thuốc cho 452 lượt bệnh nhân. Số người hiện đang điều trị Methadone là 41 người. Tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 754 người.
Trong tháng, tổng số lượt khám, chữa bệnh là 164.162 lượt, cộng dồn là 164.162 lượt, đạt 7,95% kế hoạch, tăng 2,55% so cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 9.278 bệnh nhân, cộng dồn là 9.278 bệnh nhân, đạt 7,23% kế hoạch, tăng 3,66% so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 705 trường hợp, giảm 31 trường hợp so với cùng kỳ.
Sở Y tế tiếp tục triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh chủ động, hạn chế tối đa số ca mắc mới. Chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra; từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm, lối sống và hành vi của người dân.
6.5. Tình hình thực hiện an toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hậu Giang, trong tháng 01, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông, làm chết 01 người và làm bị thương 01 người. So với tháng trước giảm 14 vụ, số người chết giảm 05 người và số người bị thương giảm14người, tất cả đều tập trung ở đường bộ, đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 08 vụ, số người chết giảm 09 người và số người bị thương giảm 02 người.
6.6. Bảo vệ môi trường và phòng, chống cháy, nổ
Trong tháng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và ký kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2020 – 2022 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2”; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung Nguyễn Đan Hậu Giang 2”.Thành lập Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ “Lập báo cáo chuyên đề môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang năm 2019”; thành lập Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ “Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025”;Tổ chức làm việc về chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH mía đường cồn Long Mỹ Phát. Ngoài ra, Sở còn tiếp tục giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định.
Việc phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân và các cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định về phóng cháy, chữa cháy. Do được sự quan tâm thực hiện tốt nên trong tháng, toàn tỉnh không có xảy ra vụ cháy, nổ nào./.
File đính kèm: HauGiang_solieuT1.2020.xlsx