Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/06/2020-10:12:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng đầu năm 2020

Trong tháng 5 năm 2020, tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản đã được khống chế, các hoạt động của người dân trên địa bàn tỉnh dần trở lại bình thường, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã ổn định trở lại và có bước tăng khá tốt so với tháng trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường bên cạnh đó là những tác động tiêu cực của dịch bệnh đã để lại cho nền kinh tế, làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2020 ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại so với cùng kỳ, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng; thời tiết không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn tìm ẩn rủi ro. Trước tình hình đó, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lức phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và đã đạt được một số kết quả nhất định như sau:

I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây lúa

- Lúa đông xuân 2019-2020: Đã gieo cấy 227.235 ha, bằng 99,98% so với kế hoạch và giảm 4.733 ha so cùng kỳ (diện tích giảm chủ yếu do chuyển sang nuôi cá tra giống và trồng cây thanh long, cây chanh). Vụ đông xuân năm nay nhiều diện tích lúa ở các huyện phía nam bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn. Theo kết quả điều tra sơ bộ, diện tích lúa bị mất trắng khoảng 806 ha (chủ yếu ở huyện Tân Trụ khoảng 729 ha).

Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch ước đạt 226.429 ha, giảm 5.539 ha so cùng kỳ. Năng suất đạt 65,1 tạ/ha, tăng 1,7 tạ/ha so cùng kỳ. Năng suất tăng là do nhiều diện tích lúa gieo sạ đúng lịch thời vụ và gặp thời tiết thuận lợi không bị ảnh hưởng của sâu, bệnh. Một số huyện phía Nam bị ảnh hưởng hạn mặn nhưng diện tích chiếm tỷ trọng không đáng kể so với tổng diện tích trồng lúa (khoảng 13% so với toàn tỉnh). Sản lượng đạt 1.474.110 tấn, tăng 2.768 tấn so cùng kỳ.

- Lúa hè thu 2020: Đã gieo sạ 116.775 ha, đạt 54% so với kế hoạch, bằng 79% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch 16.478 ha, năng suất ước đạt 59,1 tạ/ha, sản lượng 97.437 tấn.

Tình hình tiêu thụ lúa: Giá lúa thông dụng, lúa thường từ 4.900 – 5.300 đồng/kg, OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 5.500 – 6.600 đồng/kg, Đài thơm từ 6.100 – 6.300 đồng/kg, Nàng Hoa từ 5.200 – 8.800 đồng/kg, nếp 7.000 – 7.400 đồng/kg.

Tình hình sâu bệnh: Trong tháng, các đối tượng như bệnh đạo ôn lá, rầy cánh phấn, bọ trĩ, ngộ độc phèn, tuyến trùng rễ, chuột tăng diện tích nhiễm cụ thể: Bệnh đạo ôn lá (925,5 ha), rầy cánh phấn (425 ha), bọ trĩ (310 ha), ốc bươu vàng (200 ha), ngộ độc phèn (200 ha), chuột (112 ha), rầy nâu (100 ha), tuyến trùng rễ (40 ha), bệnh đốm vằn (15 ha),… xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh-đòng ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.

Một số cây trồng chủ yếu khác

- Cây mía niên vụ 2019-2020: Diện tích trồng là 480,7 ha, giảm 3.988,6 ha so cùng kỳ. Diện tích mía giảm do giá thấp, tiêu thụ gặp khó khăn, nông dân chuyển cây trồng khác (lúa, mỳ và cây ăn quả). Năng suất thu hoạch đạt 575 tạ/ha, giảm 29,2 tạ/ha so cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 27.640,5 tấn, giảm 242.405,3 tấn so cùng kỳ.

- Bắp đông xuân 2019-2020: Trồng được 339,3 ha, giảm 346,3 ha so cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Hưng. Diện tích trồng giảm do giá bắp nhiều năm qua quá thấp, gặp nắng hạn thiếu nước tưới và thiếu công lao động. Năng suất thu hoạch đạt 58,4 tạ/ha, tăng 7,1 tạ/ha so cùng kỳ năm trước. Sản lượng đạt 1.982,5 tấn, giảm 1.536,7 tấn so cùng kỳ.

- Đậu phộng đông xuân 2019-2020: Trồng được 223,5 ha, giảm 504,3 ha so với cùng kỳ, tập trung ở huyện Đức Hòa. Diện tích giảm do đầu vụ gặp mưa nhiều không thể xuống giống, một phần diện tích chuyển sang trồng lúa hoặc bỏ hoang. Năng suất thu hoạch đạt 32,7 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha so cùng kỳ. Sản lượng đạt 731,6 tấn, giảm 1.568,4 tấn so cùng kỳ.

- Cây chanh: Diện tích trồng là 10.825,1 ha, tăng 1.660 ha so cùng kỳ, diện tích chanh cho trái là 8.891,8 ha, tập trung ở các huyện Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa và Thạnh Hóa. Tính đến ngày 15/5/2020, giá chanh có hạt từ 6.000 – 17.000 đồng/kg; giá chanh không hạt từ 10.000 – 14.000 đồng/kg.

- Cây thanh long: Diện tích hiện có là 11.842 ha, tăng 566,7 ha so cùng kỳ. Diện tích cho trái khoảng 10.282,4 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, thành phố Tân An. Giá thanh long ruột trắng từ 8.000-10.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ từ 18.000-20.000 đồng/kg, nông dân tiếp tục chăm sóc và xông đèn trái vụ để thu hoạch đợt 02 trước khi vào vụ mùa chính thức.

b. Chăn nuôi

Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn tìm ẩn rủi ro, giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định, người dân ngại đầu tư mở rộng chuồng trại.

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ổn định, không xảy ra ổ dịch mới.

Tình hình tiêu thụ: Tính đến ngày 15/5/2020, giá gà thả vườn từ 50.000 – 60.000 đồng/kg; giá vịt từ 30.000 – 32.000 đồng/kg; giá heo hơi từ từ 8,5 – 9,3 triệu đồng/tạ.

2. Lâm nghiệp

Tình hình khai thác: Ước đến ngày 15/5/2020, khai thác được 57.250 m3 gỗ, tăng 612,5 m3 so cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn và tràm bông vàng. Củi khai thác được 105.250 ster, giảm 1.326,7 ster so với cùng kỳ (sản lượng củi giảm do nhiều hộ cá thể bán hết cả diện tích quy ra gỗ).

Tình hình cháy rừng: Tính đến ngày 15/5/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, với tổng diện tích thiệt hại khoảng 0,4 ha.

3. Thủy sản

Tình hình nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm không thuận lợi, nắng nóng kéo dài, độ mặn không thích hợp; biên độ nhiệt chênh lệch giữa ngày và đêm cao.

- Tôm nuôi nước lợ: Tính đến ngày 15/5/2020, nông dân đã thả nuôi được 2.119,6 ha, giảm 327,3 ha so với cùng kỳ. Trong đó: tôm sú 241,7 ha (giảm 24,6 ha), tôm thẻ chân trắng 1.877,9 ha (giảm 302,7 ha). Diện tích thu hoạch ước đạt 2.119,6 ha (giảm 238,2 ha), năng suất ước đạt 2,6 tấn/ha (tăng 0,2 tấn/ha so cùng kỳ), sản lượng ước đạt 5.580,1 tấn (giảm 79,4 tấn). Trong đó: diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 241,7 ha (giảm 21,9 ha), năng suất ước đạt 1,9 tấn/ha (tăng 0,1 tấn/ha so cùng kỳ), sản lượng ước đạt 467,5 tấn (giảm 22,3 tấn); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 1.877,9 ha (giảm 216,3 ha), năng suất ước đạt 2,7 tấn/ha (tăng 0,3 tấn/ha so cùng kỳ), sản lượng ước đạt 5.112,6 tấn (giảm 57,1 tấn).

- Cá tra nuôi công nghiệp: Tính đến ngày 15/5/2020, diện tích thả nuôi là 160,0 ha, tăng 0,6 ha so cùng kỳ. Diện tích thu hoạch ước đạt 135,0 ha (tăng 28,9 ha), năng suất ước đạt 70,6 tấn/ha (tăng 0,4 tấn/ha), sản lượng ước đạt 9.533,3 tấn (tăng 2.089,2 tấn).

- Tình hình tiêu thụ: Tính đến ngày 15/5/2020 giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg, giá từ 95.000 - 105.000 đồng/kg; cỡ 100 - 110 con/kg, giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg; giá tôm sú: Cỡ 40 - 50 con/kg, giá từ 125.000 - 135.000; cỡ 70 - 80 con/kg, giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2019 giá tôm giảm khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg.

- Thủy sản khai thác: Tính đến ngày 15/5/2020, khai thác ước đạt 5.207,4 tấn, giảm 333,8 tấn so cùng kỳ. Trong đó: khai thác thủy sản biển 2.901,7 tấn (giảm 405,1 tấn), khai thác thủy sản nội địa 2.305,7 tấn (tăng 71,3 tấn).

II. Sản xuất công nghiệp

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, sản xuất tiêu thụ của doanh nghiệp, nhiều đơn hàng bị hủy, hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được dẫn đến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thiếu nguyên liệu sản xuất, do đó phải giảm lao động, thỏa thuận với người lao động nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hoạt động cầm chừng tuần làm việc 3-4 ngày. Trong tháng, các doanh nghiệp hoạt động thuộc ngành sản xuất rượu bia, may mặc, da giày, vận tải,... còn gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ hàng hóa yếu hơn so cùng kỳ đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2020 tăng 3,31% so tháng trước và tăng 1,35% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,20% so tháng trước và tăng 0,89% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,63% so tháng trước và tăng 13,51% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,77% so tháng trước và tăng 12,78% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2020 tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,60%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,95%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7,42%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,53%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,62%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,60%; khai thác, xử lý và cung cấp nước 9,67%.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 5/2020 gồm: hạt điều khô 6.472,40 tấn, tăng 5,26% so tháng trước và tăng 11,28% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 27.836,97 tấn, tăng 2,49% so cùng kỳ; gạo xay xát 425,04 nghìn tấn, giảm 0,61% so tháng trước và tăng 13,30% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 2.011,73 nghìn tấn, tăng 7,33% so cùng kỳ; thức ăn gia súc 85,97 nghìn tấn, tăng 5,13% so tháng trước và tăng 4,37% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 388,39 nghìn tấn, giảm 5,56% so cùng kỳ; nước khoáng không ga 55.130 nghìn lít, tăng 7,04% so tháng trước và tăng 1,67% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 268.933 nghìn lít, tăng 2,68% so cùng kỳ; sợi tơ nhân tạo 7.568 tấn, tăng 4,00% so tháng trước và giảm 4,40% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 35.780 tấn, giảm 2,83% so cùng kỳ; vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp 12.430,26 nghìn m2, tăng 6,35% so tháng trước và giảm 13,69% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 67.315,79 nghìn m2, giảm 24,25% so cùng kỳ; túi xách 2.889,76 nghìn cái, tăng 2,86% so tháng trước và giảm 31,04% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 14.639,37 nghìn cái, giảm 33,18% so cùng kỳ.

Đến cuối tháng 5 năm 2020 có 44/75 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 9 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như sợi se từ các loại sợi tự nhiên (tăng 58,14%); dược phẩm chứa hoocmon nhưng không có kháng sinh dạng viên (tăng 26,29%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic (tăng 38,43%); gạch và gạch khối xây dựng (tăng 25,34%); sắt, thép không hợp kim cán phẳng (tăng 50,53%), dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng (tăng 23,55%),… Số nhóm sản phẩm có tốc độ giảm là 31/75 nhóm, tập trung chủ yếu là bia đóng chai (giảm 11,57%); thức ăn cho gia súc (giảm 5,56%); vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp (giảm 24,25%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (giảm 68,83%); túi xách (giảm 33,18%); ...

III. Đầu tư phát triển

Trong tháng 5/2020, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai kế hoạch vốn năm 2020 đã giao, bảo đảm tiến độ nhanh hơn; tập trung thực hiện quyết toán và giải ngân; triển khai chấn chỉnh công tác đấu thầu; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm chỉnh thực hiện kiểm điểm chủ đầu tư khi không thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đúng thời gian quy định của Trung ương. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, tổ chức thực hiện 02 Chương trình đột phá và 03 Công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh.

Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý tháng 5 năm 2020 đạt 286,46 tỷ đồng, tăng 33,77% so tháng trước và tăng 6,42% so cùng kỳ. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 184,69 tỷ đồng, tăng 32,44% so tháng trước và giảm 6,13% so cùng kỳ; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 101,77 tỷ đồng, tăng 36,26% so tháng trước và tăng 40,50% so cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý ước đạt 922,35 tỷ đồng, bằng 24,18% so kế hoạch và tăng 6,39% so cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 614,33 tỷ đồng, bằng 25,70% so kế hoạch và tăng 1,81% so cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 308,02 tỷ đồng, bằng 21,61% so kế hoạch và tăng 16,85% so cùng kỳ năm trước.

IV. Thương mại, giá cả

1. Nội thương

Kể từ khi hết giãn cách xã hội, các hoạt động buôn bán nói chung trên địa bàn tỉnh đã bình thường trở lại, người dân khi đi mua sắm đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, tâm lý của người dân cũng phần nào giải tỏa bớt căng thẳng khi đến chợ mua sắm. Các mặt hàng được lựa chọn vẫn là hàng lương thực, thực phẩm, thiết bị trong gia đình có tác dụng giải nhiệt trong mùa nắng nóng, xăng dầu cho nhu cầu đi lại, v.v... Nhìn chung, sức mua của người tiêu dùng có tăng mạnh so với tháng trước, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5, tuy nhiên cũng còn thấp hơn so cùng kỳ năm trước. Lượng khách lưu trú, hàng quán ăn uống đã nhộn nhịp trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Dịch vụ du lịch lữ hành chưa phục hồi do tâm lý vẫn còn e ngại của người dân đến những nơi đông người. Các hoạt động dịch vụ khác đã trở lại bình thường, hoạt động xổ số tổ chức 5 kỳ quay số trong tháng; các cơ sở giáo dục ngoài công lập (mẫu giáo, nhà trẻ) hoạt động trở lại từ 11/5; các điểm vui chơi, giải trí đã mở cửa đón khách (trừ vũ trường và karaoke).

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2020 đạt 6.786,16 tỷ đồng, tăng 16,36% so tháng trước và giảm 8,36% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ ước đạt 5.874,58 tỷ đồng, tăng 6,46% so tháng trước và giảm 4,75% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 570,71 tỷ đồng, tăng 125,0% so tháng trước và giảm 30,29% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 340,87 tỷ đồng, tăng 465,84% so tháng trước và giảm 18,62% so cùng kỳ.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 36.048,64 tỷ đồng, giảm 2,73% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu bán lẻ ước đạt 31.327,60 tỷ đồng, tăng 1,59% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 2.974,94 tỷ đồng, giảm 26,91% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.746,11 tỷ đồng, giảm 18,96% so cùng kỳ.

2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2020 tăng 0,34% so với tháng trước. Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so tháng trước, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,07% (vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,19%; nước sinh hoạt tăng 0,07%; điện sinh hoạt tăng 1,11% do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong tháng nắng nóng; gas tăng 12,15% do giá gas trong nước điều chỉnh tăng 34.000 đồng/bình/12kg theo giá gas thế giới; các loại dịch vụ có giá tăng lên trong tháng như: dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,44%, tiền công thợ nước tăng 4,53%, tiền công thợ điện tăng 1,97%; riêng giá dầu hỏa giảm 10,59% theo giá thị trường thế giới), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,16%; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,93% (giá lương thực tăng 0,23%; thực phẩm tăng 1,12%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,76%), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,35%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,70%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,66%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,31%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm Giao thông giảm 2,96% (chủ yếu do giá xăng, dầu giảm từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 28/4/2020 và 13/5/2020. Ngày 28/4/2020 giá xăng E5 Ron92 giảm 401 đồng/lít; xăng Ron95-III giảm 308 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giảm 882 đồng/lít; trong đợt điều chỉnh ngày 13/5/2020 giá xăng A95 tăng 600 đồng/lít, xăng E5 tăng 580 đồng/lít, dầu diezel 0,05S giảm 90 đồng/lít so với đợt trước; tính bình quân giá xăng, dầu giảm 5,01% so tháng trước; giá dịch vụ trông giữ xe tăng 5,19%), đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,25%; nhóm Văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,21%. Nhóm Thuốc và dịch vụ y tế, Bưu chính viễn thông và nhóm Giáo dục có chỉ số giá không đổi.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,13%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,03%; nhóm Giáo dục tăng 3,00%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,81%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 2,17%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,06%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,65%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,52%; nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,30%. Nhóm Giao thông giảm 7,53%; nhóm Văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,29%.

CPI tháng 5/2020 tăng 0,46% so với tháng 12/2019 và tăng 3,20% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 2,34% so với tháng trước; tăng 15,66% so với tháng 12/2019 và tăng 31,99% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2020 giảm 0,05% so với tháng trước; giảm 0,35% so với tháng 12/2019 và giảm 0,85% so với cùng kỳ năm 2019.

V. Vận tải, du lịch

Vận tải: Ngành vận tải bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Từ ngày 17/4/2020 đến tuần đầu của tháng 5/2020, tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, riêng taxi được phép hoạt động nhưng không được xuất phát và kết thúc tại các huyện biên giới và không quá 1/3 số lượng phương tiện hiện có; tăng số lượng bến phà ngang sông và mở rộng thêm thời gian hoạt động. Từ ngày 7/5/2020, xe buýt hoạt động trở lại bình thường, không thực hiện giãn cách trên các phương tiện vận tải hành khách, người dân chủ động lựa chọn các loại phương tiện phù hợp cho nhu cầu đi lại.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 5 năm 2020 ước đạt 170,36 tỷ đồng, tăng 13,50% so tháng trước và giảm 23,12% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 31,05 tỷ đồng, tăng 78,30% so tháng trước và giảm 53,78% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 111,64 tỷ đồng, tăng 5,31% so tháng trước và giảm 7,30% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 2.237,92 ngàn lượt người, tăng 127,93% so tháng trước và giảm 54,24% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 67.181,81 ngàn lượt người.km, tăng 176,85% so tháng trước và giảm 66,29% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.812,69 ngàn tấn, tăng 4,58% so tháng trước và giảm 8,68% so cùng kỳ; luân chuyển được 93.228,35 ngàn tấn.km, tăng 4,32% so tháng trước và giảm 12,16% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 999,71 tỷ đồng, giảm 8,53% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 262,86 tỷ đồng, giảm 22,92%; vận tải hàng hóa ước đạt 592,34 tỷ đồng, giảm 1,60%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 21.095,08 ngàn lượt người, giảm 22,75% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 776.597,28 ngàn người.km, giảm 27,54%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 10.017,69 ngàn tấn, giảm 2,21% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 493.363,79 ngàn tấn.km, giảm 3,72%.

Du lịch: Trong tháng 5, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên lượt khách du lịch đến Long An sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt khoảng 25.000 lượt khách (không có khách quốc tế); doanh thu ước đạt 9 tỷ đồng. Trong tháng, có khoảng 800 lượt khách đến tham quan Bảo tàng và các di tích lịch sử - văn hóa, Khu công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.

VI. Tài chính, tiền tệ

Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 24/5/2020, thu ngân sách nhà nước đạt 6.568,45 tỷ đồng, bằng 38,91% dự toán và giảm 12,99% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 5.548,69 tỷ đồng, bằng 42,05% dự toán và giảm 9,55% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 734,71 tỷ đồng, bằng 48,98% dự toán và giảm 26,01% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.019,75 tỷ đồng, bằng 27,67% dự toán và giảm 27,90% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương là 5.742,56 tỷ đồng, bằng 39,26% dự toán tỉnh giao và tăng 9,83% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 2.871,46 tỷ đồng, bằng 71,64% dự toán và tăng 10,06% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 2.871,10 tỷ đồng, đạt 35,35% dự toán và tăng 9,60% so cùng kỳ.

Tiền tệ: Tổng nguồn vốn hoạt động ước tính đến cuối tháng 5 năm 2020 đạt 118.180 tỷ đồng, tăng 7,96% so với đầu năm và tăng 15,83% so cùng kỳ.

- Vốn huy động đạt 67.761 tỷ đồng, giảm 0,86% so với đầu năm và tăng 6,17% so cùng kỳ; trong đó, Vốn huy động ngắn hạn: 49.465 tỷ đồng, giảm 0,86% so với đầu năm và tăng 6,17% so cùng kỳ; Vốn huy động trung, dài hạn: 18.296 tỷ đồng, giảm 0,86% so với đầu năm và tăng 6,17% so cùng kỳ. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 5,3%-6,8% đối với tiền gửi từ 6-12 tháng; 6,6%-7,4%/năm đối với tiền gửi trên 12 tháng.

- Tổng dư nợ cho vay đạt 72.094 tỷ đồng, tăng 3,28% so với đầu năm và tăng 8,39% so cùng kỳ; trong đó, cho vay ngắn hạn: 43.525 tỷ đồng, tăng 2,60% so với đầu năm và tăng 12,82% so cùng kỳ; cho vay trung, dài hạn: 28.569 tỷ đồng, tăng 4,33% so với đầu năm và tăng 2,28% so cùng kỳ. Nợ xấu 722 tỷ đồng (tăng 307 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 322 tỷ đồng so cùng kỳ). Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân do tác động của dịch bệnh Covid 19 và ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6%-9%/năm; trung, dài hạn khoảng 9%-11%/năm.

VII. Một số vấn đề xã hội

1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 5 tháng đầu năm 2020, công tác an sinh trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, không có hộ thiếu đói. Tỉnh đã hỗ trợ cho 16.159 người thuộc hộ nghèo, số tiền: 12,12 tỷ đồng; 38.612 người thuộc hộ cận nghèo, số tiền: 28,96 tỷ đồng; 56.459 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, số tiền: 84,44 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ cho 6.784 hộ bán vé số dạo đã gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, với tổng kinh phí 5,09 tỷ đồng.

Trong tháng 5/2020, Trung tâm Công tác xã hội Long An đã tiếp nhận 02 bệnh nhân tâm thần. Hiện tổng số bệnh nhân được nuôi dưỡng tại Trung tâm là 424 người (50 cao tuổi cô đơn; 09 trẻ em; 13 khuyết tật, 350 khuyết tật thần kinh, tâm thần; 02 người lang thang). Cơ sở cai nghiện ma túy Long An tiếp nhận mới 08 học viên, tái hòa nhập cộng đồng 21 học viên; hiện Cơ sở đang quản lý 480 học viên (477 học viên bắt buộc, 03 học viên tự nguyện).

2. Giáo dục

Trong tháng 5 năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tuyên truyền, tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020); kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2020); kỷ niệm 66 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2020).

Trong tháng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện vệ sinh trường lớp, tiêu độc khử trùng ở các lớp học; thông tin, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho học sinh tại nhà cũng như khi đến trường. Tổ chức cho học sinh cấp học THCS (lớp 6,7,8) và cấp học THPT (lớp 10,11) đi học lại vào ngày 04/5; học sinh cấp học Mầm non, Tiểu học đi học lại vào ngày 11/5.

3. Y tế

Tính đến thời điểm 17/5/2020, trên địa bàn tỉnh chưa có ca nhiễm Covid-19. Tổng số người cách ly là 2.375 người, trong đó: Số người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là: 582 người (06 người hiện đang cách ly và 576 người đã hoàn thành cách ly 14 ngày). Số người cách ly tại nhà, nơi lưu trú là: 1.793 người (35 người đang theo dõi cách ly và 1.758 người đã hoàn thành cách ly 14 ngày).

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận trong tháng 4 năm 2020 như sau: Bệnh sốt xuất huyết 67 ca (giảm 30,2% so tháng trước và giảm 64,5% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 9 ca (giảm 52,6% so tháng trước và giảm 91,7% so với cùng kỳ); bệnh quai bị 3 ca (giảm 57,1% so tháng trước và giảm 93,0% so với cùng kỳ); bệnh thủy đậu 14 ca (giảm 56,3% so tháng trước và giảm 64,1% so với cùng kỳ), bệnh tiêu chảy 0 ca (giảm 4 ca so tháng trước và giảm 1 ca so với cùng kỳ); bệnh cúm 824 ca (giảm 24,8% so tháng trước và giảm 22,7% so với cùng kỳ). Số ca nhiễm HIV được phát hiện trong tháng 4/2020 là 15 ca (giảm 15 ca so tháng trước và tăng 1 ca so cùng kỳ); không có trường hợp tử vong (bằng tháng trước và giảm 3 ca so cùng kỳ). Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 4 năm 2020 là 84 ca, tăng 18 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 2.140 người. Trong 4 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4. Lao động, việc làm

Trong tháng 5/2020, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 107 lao động, lũy kế 1.044 lao động. Thực hiện cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 03 lao động, cấp lại 27 lao động; thẩm định thỏa ước lao động tập thể 16 doanh nghiệp, nội quy 15 doanh nghiệp.

Có 3.683 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 9.902 người; trong đó xét duyệt 2.034 người, lũy kế 7.403 người; chi trợ cấp thất nghiệp 32,9 tỷ đồng, lũy kế 129,3 tỷ đồng; 04 người được hỗ trợ học nghề, lũy kế 76 người; 6.311 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 34.942 lượt người.

Tuyển sinh đào tạo 444 lao động, lũy kế 4.789 lao động, đạt 18,94% kế hoạch (1.505 sơ cấp, 3.284 dạy nghề dưới 3 tháng).

5. Văn hóa - thể thao

Văn hóa: Trong tháng 5/2020, toàn tỉnh thực hiện treo 2.370 băng rôn, pano, áp phích và 486 cuộc tuyên truyền cổ động, loa truyền thanh về phòng, chống dịch Covid-19, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, tháng nhân đạo và hiến máu tình nguyện.

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ Lễ sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và họp mặt biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Phối hợp với các đơn vị liên quan trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thành tựu của tỉnh trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.

Thể thao: Hiện nay, toàn tỉnh tạm dừng hoặc hoãn tổ chức hoạt động thi đấu các giải thể thao để tập trung tuyên truyền và phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường

Cháy, nổ: Trong tháng 5/2020 (từ ngày 15/4/2020 đến 14/5/2020), trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ cháy (giảm 1 vụ so tháng trước và giảm 1 vụ so cùng kỳ). Nguyên nhân và thiệt hại của vụ cháy đang được điều tra làm rõ.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy (giảm 1 vụ so cùng kỳ), không có người chết và bị thương; ước tổng giá trị thiệt hại của 4 vụ cháy là 6.135 triệu đồng, 2 vụ còn lại đang thống kê.

Bảo vệ môi trường: Trong tháng 5 năm 2020 (từ 5/4/2020 đến 4/5/2020) trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử phạt 1 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 1 vụ so tháng trước và bằng số vụ cùng kỳ), tổng số tiền phạt là 100 triệu đồng (tăng 100 triệu đồng so tháng trước và giảm 131 triệu đồng so cùng kỳ).

Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 19 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (tăng 7 vụ so với cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 3.642 triệu đồng (tăng 2.270 triệu đồng).

7. Tai nạn giao thông

Trong tháng 5 năm 2020 (từ 16/4/2020 đến 15/5/2020) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ tai nạn giao thông (tăng 1 vụ so tháng trước và tăng 5 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 11 người (giảm 1 người so tháng trước và tăng 4 người so với cùng kỳ); bị thương 10 người (tăng 4 người so với tháng trước và giảm 6 người so với cùng kỳ).

Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 64 vụ tai nạn giao thông (giảm 16 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 39 người (giảm 13 người); bị thương 37 người (giảm 37 người).


Website Cục thống kê tỉnh Long An

  • Tổng số lượt xem: 759
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)