Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khoảng thời gian dài bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất công nghiệp và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 từng bước trở lại ổn định và đạt được nhiều kết quả khả quan như những năm trước đại dịch, thể hiện rõ nhất là Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh tăng 10,93% với cùng kỳ. Ngành thương mại – dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, hàng hóa cung ứng phong phú, dồi dào với giá cả ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm khoảng 78.014,68 tỷ đồng, tăng 24,46% so với cùng kỳ. Đặc biệt là ngành du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2022 tỉnh đã có những kế hoạch và giải pháp kích cầu du lịch trở lại và thu hút được khoảng 350.000 lượt người đến Long An với tổng doanh thu ước đạt 175 tỷ đồng. Các mục tiêu an sinh xã hội được duy trì thường xuyên, đời sống của nhân dân được nâng lên. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng đầu năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng nắng nóng đầu mùa, mưa giông trái mùa khi lúa trổ và thu hoạch, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao; sâu bệnh, dịch hại trên cây lúa diễn biến phức tạp, người nông dân có lợi nhuận thấp hoặc bị thua lỗ. Chăn nuôi heo đang trong đà hồi phục nhưng gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Sản xuất lâm nghiệp ổn định ở mức thấp. Hoạt động nuôi trồng thủy sản khôi phục và phát triển mạnh mẽ, do giá các sản phẩm thủy sản có xu hướng tăng cao.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Cây lúa
Tổng diện tích xuống giống 9 tháng đầu năm 2022 (gồm vụ mùa, vụ đông xuân, vụ hè thu và vụ thu đông) ước đạt 500.525 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ năm trước. Đã thu hoạch 469.002 ha, giảm 1,1% so cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước đạt 56,9 tạ/ha, giảm 0,8% so cùng kỳ. Năng suất giảm là do thời tiết biến đổi bất thường, nắng nóng đầu vụ, mưa ở thời điểm lúa trổ và gần thu hoạch làm cho lúa bị đổ ngã, ngập úng; sâu rầy, dịch hại trên đồng ruộng diễn biến phức tạp gây hại trên diện tích lúa gieo sạ không đúng lịch; giá cả vật tư đầu vào, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao người dân hạn chế đầu tư. Sản lượng thu hoạch ước đạt 2.672.161 tấn, giảm 2,4% so cùng kỳ.
- Lúa mùa 2021-2022: Diện tích gieo cấy đạt 1.595 ha, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Diện tích đất canh tác vụ mùa của tỉnh hiện nay chỉ còn 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc, đây là vùng ven hạ lưu sông Vàm Cỏ thường xuyên ngập mặn, nguồn nước phục vụ sản xuất bị thiếu hụt; nhiều diện tích đất đã quy hoạch khu công nghiệp. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 1.595 ha, giảm 6,7% so với cùng kỳ. Năng suất đạt 41,4 tạ/ha, tăng 20,5% so cùng kỳ. Năng suất tăng do tình hình thời tiết thuận lợi, diện tích trong đê bao không bị ảnh hưởng do hạn mặn. Sản lượng đạt 6.606 tấn, tăng 12,4% so cùng kỳ.
- Lúa đông xuân 2021-2022: Diện tích gieo cấy đạt 225.926 ha, tăng 0,03% so cùng kỳ. Diện tích thu hoạch 225.926 ha, tăng 0,03% so cùng kỳ. Năng suất đạt 64,5 tạ/ha, giảm 3,1% so cùng kỳ. Năng suất thu hoạch giảm do thời tiết không thuận lợi, mưa giông ở giai đoạn lúa trổ, thu hoạch làm lúa bị đổ ngã; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao người dân hạn chế đầu tư, chăm sóc. Sản lượng đạt 1.456.627 tấn, giảm 3,1% so cùng kỳ.
- Lúa hè thu 2022: Đã gieo sạ xong, diện tích gieo sạ đạt 216.981 ha, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng giảm do sản xuất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi thời tiết; giá vật tư nông nghiệp, nhiên liệu và chi phí công lao động tăng nên người dân chuyển đổi cây trồng khác hoặc bỏ vụ không sản xuất. Huyện Cần Giuộc đã có 20 ha mất trắng do bị ngập úng. Diện tích thu hoạch vụ hè thu năm nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười thu hoạch sớm, kết thúc thu hoạch vụ vào giữa tháng 9; riêng các huyện phía nam của tỉnh thu hoạch chậm hơn do nắng hạn người nông dân xuống giống trễ. Năng suất thu hoạch ước đạt 49,7 tạ/ha, giảm 0,6% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.079.078 tấn, giảm 2,3% so cùng kỳ.
- Lúa thu đông 2022: Tính đến thời điểm hiện tại đã gieo sạ 56.023 ha, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Thạnh, Tân Hưng, Đức Huệ) và các huyện phía nam. Diện tích lúa thu đông của các huyện vùng Đồng Tháp Mười thường không ổn định, phụ thuộc vào tình hình ngập lũ và thời tiết. Năm nay, nước lũ về muộn và chậm nên người nông dân tranh thủ gieo sạ, diện tích tăng so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch 24.500 ha, giảm 3% so cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước đạt 53,0 tạ/ha, tăng 6,4% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 129.850 tấn, tăng 3,3% so cùng kỳ.
Tình hình sâu bệnh: Trên lúa hè thu và thu đông có các loại sâu bệnh và sinh vật gây hại như bệnh đạo ôn lá (103 ha), chuột (20 ha), sâu cuốn lá nhỏ (10 ha), bọ trĩ (6 ha), ngộ độc hữu cơ (4 ha), bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh lem lép hạt,...gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh ở các huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Hòa, Đức Huệ và thành phố Tân An.
Diện tích một số cây hàng năm khác: Cây mía trồng được 26,5 ha (giảm 57,3% so cùng kỳ), năng suất đạt 407,5 tạ/ha (giảm 31%), sản lượng đạt 1.079,0 tấn (giảm 70,6%); cây bắp đông xuân trồng được 227 ha (giảm 12,3% so cùng kỳ), năng suất đạt 54,7 tạ/ha (tăng 20,1%), sản lượng đạt 1.241,4 tấn (tăng 5,2%); cây bắp hè thu trồng được 76,2 ha (tăng 2,3% so cùng kỳ), năng suất đạt 47,9 tạ/ha (giảm 14,2%), sản lượng đạt 364,8 tấn (giảm 12,2%); cây đậu phộng đông xuân trồng được 143,4 ha (giảm 41,1% so cùng kỳ), năng suất đạt 30,6 tạ/ha (giảm 2,1%), sản lượng đạt 438,8 tấn (giảm 42,4%); cây đậu phộng hè thu trồng được 27,9 ha (giảm 1,4% so cùng kỳ), năng suất đạt 28 tạ/ha (giảm 0,4%), sản lượng đạt 78 tấn (giảm 1,8%); cây mỳ (sắn) đông xuân trồng được 351,7 ha (giảm 49,7% so cùng kỳ), năng suất đạt 99,6 tạ/ha (giảm 26,6%), sản lượng đạt 3.501,8 tấn (giảm 63,1%); cây mỳ (sắn) hè thu trồng được 348,3 ha (giảm 50,9% so cùng kỳ), năng suất đạt 96,8 tạ/ha (giảm 30,6%), sản lượng đạt 3.372 tấn (giảm 65,9%); rau các loại đông xuân trồng được 5.886,1 ha (tăng 4,6% so cùng kỳ), năng suất đạt 222,6 tạ/ha (tăng 11,6%), sản lượng đạt 131.011,3 tấn (tăng 16,7%); rau các loại hè thu trồng được 5.649,9 ha (tăng 6% so cùng kỳ), năng suất đạt 188,7 tạ/ha (tăng 4,7%), sản lượng đạt 106.594,2 tấn (tăng 10,9%).
Một số cây lâu năm chủ yếu
- Cây thanh long: Diện tích ước tính 10.068 ha, giảm 13,2% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức và thành phố Tân An. Diện tích cây thanh long hiện nay giảm dần do một số diện tích cây đã già cho năng suất thấp và giá thanh long không ổn định nên nông dân đã phá bỏ, chuyển đổi cây trồng khác. Sản lượng thu hoạch ước đạt 188.783,4 tấn, giảm 22,7% so với cùng kỳ. Sản lượng giảm là do diện tích giảm và giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên người dân ít đầu tư, chăm sóc.
- Cây chanh: Diện tích ước tính 11.583,5 ha, tăng 2,7% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích tăng là do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả và cải tạo vườn tạp để phát triển. Sản lượng ước đạt 141.224,6 tấn, tăng 11,5% so cùng kỳ.
Ngoài ra còn một số cây lâu năm khác như: Cây xoài diện tích ước có 559,2 ha (tăng 3,7% so cùng thời điểm năm trước), sản lượng ước đạt 3.326,4 tấn (tăng 6,7% so cùng kỳ); cây dứa (thơm) diện tích hiện có 933,6 ha (tăng 7,0%), sản lượng ước đạt 14.688,7 tấn (tăng 16,8%); cây dừa diện tích ước tính 1.488,6 ha (tăng 9,5%), sản lượng ước đạt 18.989,3 tấn (tăng 35,5%); cây mai diện tích ước tính 2.113,2 ha (tăng 17,3%), sản lượng ước đạt 581.619 cây/cành (tăng 53,7%); cây chuối diện tích ước có 785,5 ha (tăng 4,9%), sản lượng ước đạt 9.854,7 tấn (tăng 41,5%); cây mít diện tích ước có 2.773,3 ha (tăng 24,52%), sản lượng ước đạt 20.603,9 tấn (tăng 35,08%).
Tình hình tiêu thụ lúa: Giá một số nông sản bình quân tháng 9/2022 dao động như sau: Lúa vụ đông xuân loại thường 6.862 đồng/kg, bằng với tháng trước và giảm 417 đồng/kg so với tháng 01/2022; lúa đặc sản/chất lượng cao vụ đông xuân 7.495 đồng/kg, tăng 13 đồng/kg so với tháng trước và giảm 95 đồng/kg so với tháng 01/2022; lúa vụ hè thu loại thường 6.456 đồng/kg, tăng 122 đồng/kg so với tháng trước và tăng 49 đồng/kg so với tháng 01/2022; lúa đặc sản/chất lượng cao vụ hè thu 6.999 đồng/kg, tăng 25 đồng/kg so với tháng trước và tăng 75 đồng/kg so với tháng 01/2022; lúa vụ mùa loại thường 6.000 đồng/kg, bằng với tháng trước và tháng 01/2022; lúa đặc sản/chất lượng cao vụ mùa 8.800 đồng/kg, bằng với tháng trước và giảm 200 đồng/kg so với tháng 01/2022; nếp có giá 6.497 đồng/kg, tăng 366 đồng/kg so với tháng trước và tăng 495 đồng/kg so với tháng 01/2022; thanh long ruột đỏ 5.348 đồng/kg, tăng 1.664 đồng/kg so tháng trước và tăng 1.664 đồng/kg so với tháng 01/2022; thanh long ruột trắng 13.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so tháng trước và tăng 8.000 đồng/kg với tháng 01/2022; chanh không hạt 4.968 đồng/kg, giảm 39 đồng/kg so tháng trước và tăng 1.155 đồng/kg so với tháng 01/2022; ....
b. Chăn nuôi
Trong 9 tháng đầu năm 2022, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đàn heo tiếp tục đà hồi phục, có phát triển tăng đàn nhưng việc tái đàn còn chậm, giá heo giống vẫn còn ở mức khá cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất nên việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Dịch tả heo Châu phi cơ bản được kiểm soát, chỉ còn phát sinh những ổ dịch nhỏ lẻ. Đàn bò tăng so với cùng thời điểm năm trước; đàn gia cầm có xu hướng thu hẹp so với cùng kỳ, do giá thức ăn tăng cao; riêng đàn trâu thì tương đối ổn định.
Tại thời điểm 01/7/2022, đàn trâu có 6.025 con (giảm 0,03% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 115.504 con (tăng 2,2%), trong đó: bò sữa là 19.150 con (giảm 0,5%); đàn heo có 103.822 con (tăng 16,0%); đàn gia cầm có 7.342 nghìn con (giảm 13,3%), trong đó: gà là 5.913,9 nghìn con (giảm 14,9%).
Ước tháng 9/2022, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 50,8 tấn (giảm 4,7% so với cùng kỳ); thịt bò 398,3 tấn (tăng 15,2%); thịt lợn 2.066,7 tấn (tăng 7,9%); thịt gia cầm 3.422,1 tấn (tăng 2,9%), trứng gia cầm 40.827,7 nghìn quả (giảm 30,3%), trong đó: thịt gà 2.816,7 tấn (tăng 6,5%), trứng gà 33.233,3 nghìn quả (giảm 32,0%) . Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 395,2 tấn (giảm 2,4% so với cùng kỳ); thịt bò 3.840 tấn (tăng 11,4%); thịt lợn 18.243,3 tấn (tăng 24,9%); thịt gia cầm 30.860,3 tấn (giảm 0,3%), trứng gia cầm 354.612,5 nghìn quả (giảm 26,8%), trong đó: thịt gà 25.362,5 tấn (tăng 5,3%), trứng gà 291.923,1 nghìn quả (giảm 27,8%).
Tình hình dịch bệnh: Trong 9 tháng đầu năm 2022, bệnh dịch tả heo Châu phi xảy ra 44 hộ thuộc 10 huyện/thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 991 con; bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 03 hộ thuộc 02 xã, ở huyện Đức Hòa với tổng số bò tiêu hủy là 03 con; bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò xảy ra tại 08 hộ thuộc 01 xã, ở huyện Đức Huệ với số con chết và tiêu hủy là 16 con trâu. Bệnh cúm trên gia cầm, lở mồm long móng và heo tai xanh không có phát sinh.
Tình hình tiêu thụ: Giá sản phẩm chăn nuôi bình quân tháng 9/2022 như sau: Giá thịt trâu hơi 74.860 đồng/kg, giảm 716 đồng/kg so tháng trước và giảm 4.434 đồng/kg so tháng 01/2022; thịt bò hơi 91.551 đồng/kg, giảm 731 đồng/kg so tháng trước và giảm 12.024 đồng/kg so tháng 01/2022; thịt heo hơi loại thường 63.405 đồng/kg, giảm 604 đồng/kg so tháng trước và tăng 13.727 đồng/kg so tháng 01/2022; gà ta thịt hơi 80.604 đồng/kg, tăng 122 đồng/kg so tháng trước và tăng 7.655 đồng/kg so tháng 01/2022; vịt thịt hơi 48.997 đồng/kg, giảm 2.487 đồng/kg so tháng trước và tăng 5.571 đồng/kg so tháng 01/2022; trứng gà ta 33.493 đồng/10 quả, tăng 65 đồng/10 quả so tháng trước và tăng 3.621 đồng/10 quả so tháng 01/2022; ...
2. Lâm nghiệp
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng độ che phủ được quan tâm thực hiện. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã thực hiện trồng mới 578 ha rừng, giảm 6,0% so cùng kỳ và trồng được 1.046 nghìn cây phân tán, tăng 14,1% so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.
Tình hình khai thác: Ước tháng 9/2022, sản lượng gỗ khai thác được 11.529,3 m3, tăng 0,01% so với cùng kỳ; củi khai thác được 20.024 ster, tăng 0,03%. Lũy kế 9 tháng năm 2022, sản lượng gỗ khai thác được 104.538 m3, tăng 0,17% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức...; củi khai thác được 192.590 ster, tăng 1,44% so cùng kỳ.
3. Thủy sản
Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm phát triển khá tốt; nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt, nuôi cá tra thương phẩm, cá tra giống bước đầu đã phục hồi mang lại nhiều hiệu quả. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn gặp không ít khó khăn như chi phí công lao động, giá thức ăn và giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến hoạt động thủy sản.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 9 năm 2022 ước đạt 7.895,7 tấn, tăng 24,1% so cùng kỳ. Bao gồm: Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 843 tấn, tăng 34,8% so cùng kỳ (sản lượng khai thác biển ước đạt 371,5 tấn, tăng 122,5%; sản lượng khai thác nội địa ước đạt 471,5 tấn, tăng 2,9%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa ước đạt 7.052,7 tấn, tăng 23% so cùng kỳ (tôm sú sản lượng ước đạt 111,7 tấn, tăng 13,6%; tôm thẻ chân trắng sản lượng ước đạt 1.688,2 tấn, tăng 22,8%; cá tra nuôi công nghiệp sản lượng ước đạt 7.134,8 tấn, tăng 200,2%).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 60.879,8 tấn, tăng 15,1% so cùng kỳ. Bao gồm: Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 5.348,4 tấn, tăng 9,7% so cùng kỳ (sản lượng khai thác biển ước đạt 2.717,7 tấn, tăng 17,9%; sản lượng khai thác nội địa ước đạt 2.630,7 tấn, tăng 2,3%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa ước đạt 55.531,4 tấn, tăng 15,7% so cùng kỳ (tôm sú sản lượng ước đạt 804,4 tấn, giảm 12,9%; tôm thẻ chân trắng sản lượng ước đạt 12.368,9 tấn, tăng 14,9%; cá tra nuôi công nghiệp sản lượng ước đạt 30.100,8 tấn, tăng 28,1%).
Tình hình tiêu thụ thủy sản: Giá thủy sản bình quân tháng 9/2022 dao động như sau:
+ Tôm sú: Loại 30 con/kg có giá 219.531 đồng/kg, bằng với tháng trước và tăng 17.393 đồng/kg so tháng 01/2022; loại 40 con/kg giá 190.620 đồng/kg, bằng với tháng trước và tăng 8.521 đồng/kg so tháng 01/2022; loại 40 con/kg trở lên giá 169.558 đồng/kg, giảm 305 đồng/kg so với tháng trước và tăng 12.311 đồng/kg so tháng 01/2022.
+ Tôm thẻ chân trắng: Loại 80 con/kg, giá 101.479 đồng/kg, giảm 3.017 đồng/kg so tháng trước và giảm 10.809 đồng/kg so tháng 01/2022; loại cỡ 60 con/kg, giá 121.733 đồng/kg, giảm 3.016 đồng/kg so tháng trước và giảm 7.963 đồng/kg so tháng 01/2022; loại cỡ 40 con/kg, giá 128.262 đồng/kg, tăng 3.020 đồng/kg so với tháng trước và giảm 10.653 đồng/kg so tháng 01/2022.
+ Thủy sản khác: Cá tra loại size từ 0,7 đến dưới 1 kg/con có giá 21.058 đồng/kg, tăng 30 đồng/kg so tháng trước và tăng 462 đồng/kg so tháng 01/2022; loại size từ 1 kg/con trở lên 21.363 đồng/kg, tăng 562 đồng/kg so tháng trước và tăng 2.381 đồng/kg so tháng 01/2022; cá trê nuôi 32.191 đồng/kg, tăng 1.241 đồng/kg so tháng trước và tăng 2.890 đồng/kg so tháng 01/2022; ếch đồng 98.353 đồng/kg, bằng so với so tháng trước và tăng 4.515 đồng/kg so tháng 01/2022; …
II. Sản xuất công nghiệp
Trong tháng 9 năm 2022, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tiếp tục phục hồi với chỉ số sản xuất tăng 0,63% so tháng trước và tăng 35,17% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 0,64% so tháng trước và tăng 35,22% so cùng kỳ, công nghiệp điện tăng 0,34% so tháng trước và tăng 41,02% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 1,18% so tháng trước và tăng 10,76% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2022 giảm 13,14% so quý trước và tăng 25,81% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo giảm 13,81% so quý trước và tăng 25,68% so cùng kỳ, công nghiệp điện giảm 2,46% so quý trước và tăng 33,30% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 2,50% so quý trước và tăng 7,66% so cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,93% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,07%, công nghiệp điện tăng 10,01% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 3,41%.
Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm 2022 có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước như: ngành sản xuất đồ uống tăng 17,93%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 15,63%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 36,47%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 75,27%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 25,77%.
Lũy kế đến cuối tháng 9/2022 có 43/65 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 23/43 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như: Gạo đã xay xát 487.686,7 tấn (tăng 44,10%); áo phông (T-shirt), áo may ô và các loại áo lót khác cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 4.241 nghìn cái (tăng 53,66%); giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic 27.591,9 nghìn đôi (tăng 21,69%); điốt phát sáng 245.104,2 nghìn chiếc (tăng 71,68%); hương cây 83.501 nghìn thẻ (tăng 27,41%); thùng, hộp bằng bìa cứng 111.173,4 nghìn chiếc (tăng 36,47%); thuốc chứa pênixilin hoặc kháng sinh khác dạng viên 520 triệu viên (tăng 27,45%); vỏ bào, dăm gỗ 63.336 tấn (tăng 40,44%);… Có 11/43 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20% như: hạt điều khô 48.272,4 tấn (tăng 13,33%); nước khoáng không có ga 238.501 nghìn lít (tăng 15,98%); thuốc lá có đầu lọc 72.968,5 nghìn bao (tăng 15,63%); ba lô 8.445,5 nghìn cái (tăng 18,15%); điện thương phẩm 5.076 triệu KWh (tăng 10,42%); xi măng Portland đen 657.083,2 tấn (tăng 14,71%);... Có 9/43 nhóm sản phẩm tăng dưới 10% như: thức ăn cho gia súc 525.917,4 tấn (tăng 3,46%); túi xách 12.477,9 nghìn cái (tăng 8,41%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic 129.595,7 tấn (tăng 5,70%); điện mặt trời 193 triệu KWh (tăng 6,84%); dịch vụ lắp đặt cho máy thông dụng khác chưa được phân vào đâu 41.731,4 triệu đồng (tăng 9,03%); ...
Có 22/65 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm so cùng kỳ, trong đó: 13/22 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, như: Áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc chỉ đạt 23.325 nghìn cái (giảm 81,69%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 24.285 tấn (giảm 38,06%); dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng 4.397,6 tấn (giảm 52,90%); giường bằng gỗ các loại 31.356,1 chiếc (giảm 46,62%); tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) 37.334 chiếc (giảm 39,17%);... Có 4/22 nhóm sản phẩm giảm từ 10% đến 20%, như: Bia đóng chai 1.366,8 nghìn lít (giảm 17,01%); động cơ khác 3.285.260 chiếc (giảm 16,71%); vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp 108.539,5 nghìn m2 (giảm 11,86%);... Có 5/22 nhóm sản phẩm giảm dưới 10%, như: Thức ăn cho thủy sản 675.227,2 tấn (giảm 7,31%); phân khoáng hoặc phân hoá học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) 294.355,9 tấn (giảm 4,72%); sơn và vec ni, tan trong môi trường không chứa nước 83.014,5 tấn (giảm 2,85%); dầu và mỡ bôi trơn 5.363,1 tấn (giảm 0,94%).
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 9 năm 2022 tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 3,95% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,64% so tháng trước và tăng 4,05% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện bằng với tháng trước và giảm 1,87% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải bằng với tháng trước và tăng 0,71% so cùng kỳ.
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp 9 tháng đầu năm 2022 tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,47%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,99%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 5,04%.
III. Hoạt động doanh nghiệp
Trong tháng 9 (tính đến ngày 14/9/2022) có 108 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 730% so cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 804 tỷ đồng (tăng 260%); có 9 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (giảm 40%); có 27 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh (tăng 240%); giải thể 18 doanh nghiệp (tăng 170%).
Đầu năm đến nay, đã có 1.275 doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 26% so cùng kỳ), với tổng số vốn đăng ký là 17.543 tỷ đồng (giảm 19%); giải thể 209 doanh nghiệp (tăng 35%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 425 doanh nghiệp (tăng 63%); số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 229 doanh nghiệp (tăng 3,3%).
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III năm 2022 cho thấy: Có 32,69% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý trước; 36,54% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 30,77% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV năm 2022, có 45,19% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III năm 2022; 36,54% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,27% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
IV. Đầu tư phát triển
Trong 9 tháng đầu năm 2022, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phục hồi. Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm và 03 công trình trọng điểm của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI tiếp tục được tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, triển khai đồng bộ các nguồn vốn đầu tư.
Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện quý III năm 2022 ước đạt 12.714,98 tỷ đồng, tăng 11,76% so quý trước và tăng 67,55% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.693,16 tỷ đồng, tăng 31,89% so quý trước và tăng 74,55% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 7.407,42 tỷ đồng, tăng 7,80% so quý trước và tăng 44,01% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.614,40 tỷ đồng, tăng 6,10% so quý trước và tăng 189,78% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 32.387,97 tỷ đồng, tăng 22,95% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.777,16 tỷ đồng, tăng 32,56%; vốn ngoài nhà nước ước đạt 19.315,24 tỷ đồng, tăng 16,40%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7.295,57 tỷ đồng, tăng 35,37%.
V. Thương mại, giá cả
1. Thương mại
Tình hình thương mại - dịch vụ của tỉnh trong 9 tháng đầu năm phục hồi và phát triển với mức tăng trưởng mạnh, thị trường hàng hóa dồi dào và phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2022 đạt 7.820,06 tỷ đồng, tăng 0,81% so tháng trước và tăng 84,80% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 5.249,83 tỷ đồng, tăng 2,14% so tháng trước và tăng 82,27% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 554,57 tỷ đồng, tăng 0,85% so tháng trước và tăng 185,47% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.015,66 tỷ đồng, giảm 2,52% so tháng trước và tăng 74,19% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III năm 2022 ước đạt 23.502,77 tỷ đồng, giảm 15,24% so quý trước và tăng 83,05% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 15.641,34 tỷ đồng, giảm 15,22% so quý trước và tăng 70,58% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 1.664,27 tỷ đồng, tăng 4,42% so quý trước và tăng 208,8% so cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 6.197,16 tỷ đồng, giảm 19,38% so quý trước và tăng 97,93% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 78.014,68 tỷ đồng, tăng 24,46% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 51.696,37 tỷ đồng, tăng 21,19% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.759,27 tỷ đồng, tăng 26,11% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 21.559,04 tỷ đồng, tăng 32,67% so cùng kỳ.
2. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2022 giảm 0,08% so với tháng trước và tăng 6,60% so cùng kỳ. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, trong đó: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,29% (điện sinh hoạt giảm 0,76% do nhu cầu sử dụng điện giảm; giá gas giảm 1,60% từ 436.000 đồng/bình 12kg xuống 429.000 đồng/bình 12kg), làm CPI chung giảm 0,06%; nhóm giao thông giảm 2,57%, đóng góp vào mức giảm chung CPI 0,19% (do giá xăng giảm 6,03% từ 3 đợt điều chỉnh giá ngày 5/9/2022; ngày 12/9/2022 và ngày 21/9/2022). Có 8/11 nhóm có CPI tăng so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,37% (chủ yếu do giá lương thực tăng 0,03%, thực phẩm tăng 0,42%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,42%), đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,13%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,20% (chủ yếu nước khoáng và nước có ga tăng 1,16%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19% (trong đó máy giặt tăng 0,79%, máy vi tính tăng và phụ kiện tăng 0,19%, máy in, máy chiếu, máy quét tăng 0,46% do nhu cầu mua sắm thiết bị để phục vụ cho năm học mới, đồ điện tăng 0,01%, đồ dùng nấu ăn tăng 0,52%, gương treo tường tăng 1,23%, giường, tủ, bàn ghế tăng 0,71%, hàng thủy tinh, sành, sứ tăng 0,24%, chiếu, ga trải giường tăng 1,08%, sửa chữa thiết bị gia đình tăng 0,28%); nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 014%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,13%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm giáo dục tăng 0,03%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,02%. Nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá không đổi.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III năm 2022 tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giáo dục tăng cao nhất 34,97%; nhóm giao thông tăng 11,19%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 9,22%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,18%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,29%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 3,63%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,76%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,46%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,86%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38% và nhóm tăng ít nhất là nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,12%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 4,20% so với cùng kỳ năm trước. Có 11/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, gồm: nhóm giao thông tăng 18,23%; nhóm giáo dục tăng 9,70%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 7,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,0%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,44%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 2,81%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,31%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 1,15%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,0%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,42%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,01%.
Chỉ số giá vàng tháng 9/2022 giảm 2,31% so với tháng trước; giảm 0,80% so với tháng 12/2021 và giảm 1,44% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2022 tăng 0,59% so với tháng trước; tăng 3,0% so với tháng 12/2021 và tăng 3,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý III năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 0,43% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 2,42%. Bình quân 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 0,98% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,37%.
VI. Vận tải, du lịch
1. Vận tải: Việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu đã tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải. Trong 9 tháng đầu năm với sự phục hồi tích cực của ngành vận tải hành khách, số lượt vận chuyển tăng 17,26% và luân chuyển tăng 21,75% so cùng kỳ; vận tải hàng hóa duy trì mức tăng ổn định.
Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi tháng 9 năm 2022 ước đạt 271,90 tỷ đồng, tăng 6,09% so tháng trước và tăng 49,78% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 59,13 tỷ đồng, tăng 18,15% so với tháng trước và tăng 518,07% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 137,27 tỷ đồng, tăng 3,67% so tháng trước và tăng 24,90% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 3.510,04 nghìn lượt người, tăng 15,0% so với tháng trước và tăng 239,16% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 95.561,74 nghìn lượt người.km, tăng 16,72% so với tháng trước và tăng 305,42% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.951,36 nghìn tấn, tăng 2,99% so tháng trước và tăng 21,74% so cùng kỳ; luân chuyển được 98.185,55 nghìn tấn.km, tăng 2,26% so tháng trước và tăng 17,54% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý III năm 2022 ước đạt 768,08 tỷ đồng, tăng 2,34% so quý trước và tăng 40,94% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 157,36 tỷ đồng, tăng 15,54% so quý trước và tăng 592,88% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 389,40 tỷ đồng, giảm 0,40% so quý trước và tăng 13,77% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 9.607,96 nghìn lượt người, tăng 29,95% so quý trước và tăng 432,79% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 253.526,63 nghìn lượt người.km, tăng 54,81% so quý trước và tăng 541,35% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 5.521,32 nghìn tấn, tăng 1,08% so quý trước và tăng 11,04% so cùng kỳ; luân chuyển được 273.273,59 nghìn tấn.km, tăng 5,93% so quý trước và tăng 12,21% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2.263,23 tỷ đồng, tăng 15,28% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách 418,36 tỷ đồng (tăng 23,97%); vận tải hàng hóa 1.176,12 tỷ đồng (tăng 10,23%). Khối lượng vận chuyển hành khách là 23.013,86 nghìn lượt người, tăng 17,26% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 577.584,44 nghìn người.km, tăng 21,75% so cùng kỳ năm trước. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 16.785,27 nghìn tấn, tăng 7,18% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 818.030,66 nghìn tấn.km, tăng 7,48% so cùng kỳ năm trước.
2. Du lịch: Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có những kế hoạch và giải pháp nhằm kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19, cũng như xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, làng nghề, ẩm thực, đặc sản, tiềm năng thế mạnh về du lịch của Long An đến với du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ với doanh thu 9 tháng đầu năm ước đạt 175 tỷ đồng với 350.000 lượt khách đến Long An, trong đó có 200 lượt khách quốc tế.
VII. Tài chính, tiền tệ
1. Tài chính: Thu ngân sách nhà nước đến ngày 22/9/2022 đã đạt nhiều kết quả khả quan đạt 16.152,47 tỷ đồng, bằng 93,07% dự toán giao và tăng 20,07% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 13.050,05 tỷ đồng, bằng 95,99% dự toán giao và tăng 28,15% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.309,77 tỷ đồng, bằng 87,32% dự toán giao và tăng 8,74% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.102,42 tỷ đồng, bằng 82,51% dự toán giao và giảm 5,09% so cùng kỳ. Chi ngân sách được tập trung thực hiện, tiết kiệm bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 11.909,63 tỷ đồng, bằng 76,82% dự toán giao và tăng 27,67% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 6.089,40 tỷ đồng, bằng 117,49% dự toán giao và tăng 49,20% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 5.814,89 tỷ đồng, bằng 69,07% dự toán giao và tăng 10,90% so cùng kỳ.
2. Tiền tệ: Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi từ 1 – dưới 6 tháng; 4,2%-6,0%/năm đối với tiền gửi từ 6 - dưới 12 tháng; 6,3% – 6,9%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay phổ biến từ 6,0%-10,0%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 10,0%-11,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 93.503 tỷ đồng, tăng 10,05% so với đầu năm và tăng 13,13% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng đồng Việt Nam đạt 92.362 tỷ đồng, tăng 10,29% so với đầu năm và tăng 13,53% so cùng thời điểm năm trước; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 1.141 tỷ đồng, giảm 6,48% so với đầu năm và giảm 11,76% so cùng thời điểm năm trước.
Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 115.217 tỷ đồng, tăng 18,41% so với đầu năm và tăng 25,52% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 75.822 tỷ đồng, tăng 20,22% so với đầu năm và tăng 34,68% so cùng thời điểm năm trước; dư nợ tín dụng dài hạn đạt 39.395 tỷ đồng, tăng 15,07% so với đầu năm và tăng 10,99% so cùng thời điểm năm trước. Nợ xấu 586 tỷ đồng, tăng 81,99% so với đầu năm và giảm 3,93% so với cùng thời điểm năm trước.
VIII. Một số vấn đề xã hội
1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Trong 9 tháng đầu năm 2022, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, không phát sinh hộ đói. Các khoản tiền lương, trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và trợ cấp cho các đối tượng chính sách được cấp phát đầy đủ, kịp thời trước Tết. Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 41.462 đối tượng người có công với cách mạng, số tiền 7.568,5 triệu đồng; 6.296 hộ nghèo và 539 hộ di cư tự do với số tiền 3.417,5 triệu đồng; hỗ trợ 350 người Hội người mù, số tiền 140 triệu đồng; hỗ trợ 440 trại viên Trung tâm Công tác xã hội Long An, số tiền 110 triệu đồng; hỗ trợ 670 học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An, số tiền 167,5 triệu đồng. Tổ chức chúc thọ, mừng thọ 1.542 người cao tuổi, trong đó 126 cụ tròn 100 tuổi, 1.414 cụ tròn 90 tuổi, số tiền 1.008,6 triệu đồng (quà của Chủ tịch nước 88,2 triệu đồng).
2. Giáo dục
Tính đến 31/8/2022, tổng số cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh là 590 đơn vị (tăng 01 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước), chia ra: Cấp học Mầm non có 216 cơ cở giáo dục (tăng 01 đơn vị ); cấp Tiểu học có 184 cơ sở giáo dục (bằng với cùng kỳ năm trước); cấp Trung học cơ sở có 146 cơ sở giáo dục (bằng với cùng kỳ năm trước); cấp Trung học phổ thông có 44 cơ sở giáo dục (bằng với cùng kỳ năm trước).
Trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 50.077 học sinh cấp học mầm non, mẫu giáo, tăng 8.562 học sinh so với năm học trước; 132.128 học sinh tiểu học (giảm 4.900 học sinh); 100.175 học sinh trung học cơ sở (tăng 2.703 học sinh); 46.636 học sinh trung học phổ thông (giảm 142 học sinh).
3. Y tế
Đến cuối tháng 9 năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, số ca nhiễm và số ca nhập viện hàng ngày giảm. Lũy kế từ năm 2021 đến ngày 11/9/2022 toàn tỉnh có 49.073 ca nhiễm Covid-19 (trong đó 38.216 ca cộng đồng, 5.893 ca khu cách ly, 4.964 ca trường học); điều trị khỏi 49.018 ca (97,86%); tử vong 982 ca (2,0%). Toàn tỉnh thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được 5.577.807 liều tiêm, gồm:
+ Người từ 18 tuổi trở lên: Đã tiêm được 4.846.642 liều
+ Trẻ từ 12-17 tuổi: Đã tiêm được 445.895 liều
+ Trẻ từ 5-<12 tuổi: Đã tiêm 285.270 liều
Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 8 năm 2022 như: Bệnh sốt xuất huyết 11.520 ca (tăng 8,4 so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 854 ca (giảm 52,9%); bệnh thủy đậu 57 ca (giảm 67,2%); bệnh lao phổi 157 ca (giảm 43,3%); bệnh cúm mùa 3.692 ca (giảm 33,3%); bệnh tiêu chảy 1094 ca (giảm 15,9%); bệnh viên gan B có 1.484 ca (giảm 12,1%); bệnh viên gan C có 100 ca (tăng 7,0%); bệnh quai bị 14 ca (giảm 6,7%); bệnh do vi rút adeno 165 ca (giảm 47,7%); bệnh sởi lâm sàng 3 ca (giảm 66,7%). Trong 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 10 ca chết do bệnh sốt xuất huyết, 1 ca chết do tiêu chảy.
Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2022 là 193 ca (giảm 25 ca so với cùng kỳ); 25 ca tử vong (tăng 2 ca). Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.300 nội tỉnh và 661 ca ngoại tỉnh. Trong 8 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
4. Lao động, việc làm
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa 303 lao động (Nhật Bản: 283; Đài Loan: 17, các nước khác: 03) đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện cấp 1.588 giấy phép cho người lao động nước ngoài; thẩm định nội quy 420 doanh nghiệp. Xác nhận khai báo kiểm định 97 doanh nghiệp với tổng số 1.462 thiết bị. Có 26.669 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; trong đó xét duyệt 24.280 người; chi trợ cấp thất nghiệp 535,4 tỷ đồng; 110.190 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm; 303 người được hỗ trợ học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 17.318 lao động (598 cao đẳng, 1.911 trung cấp, 7.063 sơ cấp, 7.746 dạy nghề dưới 3 tháng), đạt 75,29% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,49%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,41%.
5. Văn hóa - Thể thao
Văn hóa: Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã treo 5.677 băng rôn, pano, áp phích và 1.093 lượt xe tuyên truyền lưu động, phát hành tờ tin ảnh thời sự và bài tuyên truyền cổ động trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố về mừng Đảng mừng Xuân Nhâm Dần, các ngày lễ kỷ niệm của đất nước, của tỉnh và tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tuyên truyền thực hiện hóa đơn điện tử, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng chống tội phạm. Công tác xây dựng, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa được quan tâm thực hiện; nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục nhà trưng bày, văn bia Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc và các công trình Khu di tích Rừng tràm Bà Vụ. Khai mạc "Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022" diễn ra từ ngày 17/9/2022 đến ngày 21/9/2022. Đây là một trong những sự kiện quan trọng được tỉnh Long An đặc biệt quan tâm với nhiều hoạt động đặc sắc, nhằm chào mừng kỷ niệm 55 năm tỉnh Long An được phong tặng danh hiệu "Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc" (17/9/1967 – 17/9/2022) và nâng cao thương hiệu du lịch tỉnh Long An trong "bản đồ" du lịch Việt Nam.
Thể thao: Trong 9 tháng đầu năm 2022, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tập trung tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Long An lần thứ IX. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao và Đề án phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 33,5%; số hộ gia đình thể thao đạt 25,7%; 100% số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Các đội thể thao tham gia thi đấu các giải vô địch quốc gia và giải vô địch trẻ quốc gia đạt thành tích tốt như Đội Bóng chuyền nam Lavie Long An đạt hạng 9 (trụ hạng thành công), Đội Bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An đạt hạng 3 tại Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia; Đội Bơi đạt 2 HCV, 13 HCB, 3 HCĐ tại Giải Bơi vô địch quốc gia và đạt 17 HCV, 16 HCB và 8 HCĐ tại Giải Bơi, lặn vô địch trẻ quốc gia.
6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường
Cháy, nổ: Trong quý III năm 2022 (từ 15/6/2022 đến 14/9/2022) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ cháy (tăng 1 vụ so quý trước và tăng 1 vụ so cùng kỳ); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 2.200 triệu đồng (tăng 200 triệu đồng so quý trước và tăng 200 triệu đồng so cùng kỳ).
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ 15/12/2021 đến 14/9/2022) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy (bằng với cùng kỳ năm trước); không có người chết và người bị thương (bằng với cùng kỳ); tổng giá trị thiệt hại là 5.200 triệu đồng (tăng 1.370 triệu đồng).
Bảo vệ môi trường: Trong quý III năm 2022 (từ 05/6/2022 đến 04/9/2022) trên địa bàn tỉnh không xảy ra vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ 05/12/2021 đến 04/9/2022) trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 4 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 13 vụ so cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 408,7 triệu đồng (giảm 2.591,3 triệu đồng).
7. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông, trong quý III năm 2022 (từ 16/6/2022 đến 15/9/2022) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ tai nạn giao thông (giảm 20 vụ so quý trước và tăng 16 vụ so cùng kỳ); làm chết 15 người (tăng 3 người so quý trước và tăng 2 người so cùng kỳ); bị thương 15 người (tăng 2 người so quý trước và tăng 11 người so cùng kỳ).
Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ 16/12/2021 đến 15/9/2022) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 94 vụ tai nạn giao thông (tăng 14 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 60 người (tăng 13 người); bị thương 49 người (tăng 3 người)./.
Cục Thống kê tỉnh Long An