Trong tháng 8/2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tỉnh hiện đã ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Vì vậy, Tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như: Đi chợ theo ngày và khung giờ cho phép, người dân tuyệt không ra đường từ 18 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, tiến hành xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng dân cư, nhằm mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”, đảm bảo mục tiêu chống dịch bảo vệ sức khỏe người dân, sớm đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Do vậy, đã làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh kế của tỉnh, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong tháng của tỉnh chủ yếu tập trung vào thu hoạch lúa vụ Hè thu; chăm sóc tốt diện tích xuống giống vụ Thu đông, một phần còn lại của vụ Hè thu, rau màu và cây ăn trái; theo dõi dịch bệnh trên đàn chăn nuôi và ứng phó kịp thời với dịch tả heo Châu Phi khi có dịch bệnh phát sinh; duy trì công tác tiêm phòng dịch bệnh ở đàn gia súc và dịch cúm trên gia cầm; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm; chăm sóc tốt diện tích thủy sản nuôi; hướng dẫn các địa phương và nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn các diện tích đang nuôi chú ý các mô hình (nuôi tôm, nuôi cá trong mương khóm) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1. Trồng trọt
Lúa Hè thu: Xuống giống được 76.616 ha, bằng 100,81% so với kế hoạch tỉnh (kế hoạch 76.000 ha), lúa đang ở giai đoạn mạ đến trổ chín. Hiện đã thu hoạch 56.079 ha (chiếm 73,19% diện tích xuống giống), diện tích thu hoạch chủ yếu tập trung ở huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh. Các giống sử dụng chủ yếu là: OM 18 chiếm 59,43%, OM 5451 chiếm 28,23%, IR 50404 chiếm 4,8%, Đài thơm 8 chiếm 4,67%, RVT chiếm 0,72%, giống khác (OM 4218, OM 576, OM 4496, OM 2517, OM 34, OM 6976, ST 24, ST 25) chiếm 2,15%.
Lúa Thu đông: Hiện đã xuống giống được 29.250 ha, bằng 72,75% so với cùng kỳ, do năm nay nông dân xuống giống muộn hơn năm trước. Hiện lúa đang ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh.
Mía niên vụ 2020 - 2021: Hiện đã gieo trồng được 5.040 ha giảm 14,7% (bằng 869 ha) so với cùng kỳ. Phân bố ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Hiện đang ở giai đoạn phát triển chồi, thân lóng. Các giống sử dụng chủ yếu như: Roc 16, K88-92, KK3, Roc 22,... Hiện đã thu hoạch được 590 ha. Diện tích còn lại được 7-8 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây ngô: Diện tích gieo trồng 8 tháng năm 2021 được 1.988,2 ha, so cùng kỳ tăng 2,14% (bằng 41,6 ha); diện tích thu hoạch 1.816,3 ha, so cùng kỳ tăng 7,72% (bằng 130,2 ha).
Cây rau, đậu các loại: Diện tích gieo trồng được 19.936 ha, so với cùng kỳ tăng 6,56% (bằng 1.227 ha); diện tích thu hoạch 17.423 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 8,99% (bằng 1.437,5 ha).
Diện tích, sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu tính đến tháng 8/2021 so với cùng kỳ như sau:
- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có 2.846 ha, tăng 4,38% (bằng 119,37 ha). Sản lượng 19.417,86 tấn, tăng 2,82% (bằng 533,19 tấn) so với cùng kỳ. Tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.
- Cây xoài: Diện tích hiện có 3.211 ha, giảm 8,78% (bằng 309 ha). Sản lượng 8.324,9 tấn, giảm 1,46% (bằng 123,56 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây bưởi: Diện tích hiện có 1.640 ha, tăng 2,79% (bằng 44,5 ha). Sản lượng 7.015,8 tấn, tăng 5,35% (bằng 356,47 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây chanh không hạt: Diện tích hiện có 2.537 ha, tăng 6,73% (bằng 160 ha). Sản lượng 10.630,2 tấn, tăng 6,59% (bằng 657,2 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây mãng cầu: Diện tích hiện có 721 ha, tăng 1,58% (bằng 11,22 ha). Sản lượng 3.715,3 tấn, tăng 4,98% (bằng 176,3 tấn) so với cùng kỳ.
- Cây mít: Diện tích hiện có 8.040 ha, tăng 15,42% (bằng 1.074,29 ha), diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng 42.960,7 tấn, tăng 20,11% (bằng 7.193,3 tấn) so với cùng kỳ.
Về tình hình dịch bệnh: Nhìn chung tình hình sinh vật gây hại trong tháng 8/2021 giảm so với tháng 7, nguyên nhân do một số loại cây trồng hầu hết đã cuối và qua vụ thu hoạch trái như: Xoài, nhãn, mít, khóm, mãng cầu,... từ đó sinh vật gây hại có chiều hướng giảm. Cụ thể:
- Trên cây lúa: Toàn tỉnh có 4.165 ha nhiễm sinh vật hại (giảm 1.398 ha so với tháng 7), đa số nhiễm nhẹ phân bố ở các huyện, thị, thành.
- Trên cây ăn trái: Có 1.209 ha nhiễm sinh vật gây hại, những đối tượng sinh vật gây hại nhiều như: Bệnh vàng lá Greening, vàng lá thối rễ, sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, bệnh ghẻ loét, bệnh nấm hồng, rệp sáp, sâu đục quả, thán thư, sâu đục cành,... phân bố gây hầu hết ở các huyện, thị, thành.
- Trên cây rau màu: Có 235 ha (giảm 33 ha so với tháng 7) nhiễm sinh vật gây hại như: sâu tơ, sâu ăn tạp, các loại sâu ăn lá, rệp sáp, bọ trĩ, bọ nhảy,... mức độ gây hại nhẹ.
1.1.2. Chăn nuôi
Ước tính đến tháng 8/2021, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:
- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.500 con, tăng 3,45% (bằng 50 con); Đàn bò ước được 3.608 con, giảm 0,39% (bằng 14 con).
- Đàn heo (không tính heo con chưa tách mẹ): Ước được 104.738 con, tăng 12,32% (bằng 11.492 con)[1]. Trong đó: Heo thịt 91.684 con, tăng 9,64% (bằng 8.060 con).
- Đàn gia cầm được 4.514,76 ngàn con, tăng 5,81% (bằng 247,92 ngàn con). Trong đó: Đàn gà 1.797,84 ngàn con, tăng 23,25% (bằng 339,17 ngàn con). Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có bước phát triển tương đối mạnh do tình hình dịch bệnh được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, người chăn nuôi an tâm đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô sản xuất do hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại hình nuôi khác. Phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công có xu hướng tiếp tục phát triển khá.
Về tình hình dịch bệnh: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra bệnh Newcastle ở gà tại 01 hộ dân ở ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp với tổng số gà chết, tiêu hủy là 3.400 con (từ 2 - 4,5 tháng tuổi). Như vậy, lũy kế từ ngày 24/4/2021 - 31/7/2021 tổng số gà mắc bệnh, chết, tiêu hủy của hộ dân này là 27.000 con (chết toàn đàn, chủ nuôi tự tiêu hủy 6.000 con trước khi báo cho lực lượng thú y). Mặc dù vậy, dịch bệnh chỉ xảy ra ở phạm vi 01 hộ và chưa có chiều hướng lây lan ra diện rộng.
1.2. Lâm nghiệp
Ước tính tháng 8/2021, diện tích rừng trồng mới tập chung được 17,01 ha, tăng 2,53%, sản lượng gỗ khai thác được 1.038,55 m3, tăng 1,43% (bằng 14,65 m3) và sản lượng củi khai thác được 935,5 ste, giảm 2,76% (bằng 26,56 ste) so với cùng kỳ.
Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung được 127,01 ha, giảm 0,45%, số cây lâm nghiệp trồng phân tán được 1.280.950 cây, tăng 3,14%, sản lượng gỗ khai thác được 7.450,41 m3, tăng 1,41% (bằng 103,62 m3) và sản lượng củi khai thác được 57.065,09 ste, tăng 0,74% (bằng 416,87 ste) so cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống cháy rừng được quán triệt và làm tốt nên không xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn tỉnh.
1.3. Thủy sản
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, giá thức ăn tăng, chi phí sản xuất tăng cao, công tác vận chuyển và tiêu thụ không thuận lợi người nuôi thực hiện cắt giảm thức ăn kéo dài thời gian nuôi chờ giá cao nên diện tích và sản lượng thu hoạch cũng bị ảnh hưởng và không đạt cao so với kế hoạch.
Vì vậy, ước tính 8 tháng năm 2021, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh được 7.816,12 ha, đạt 96,50% so kế hoạch (kế hoạch 8.100 ha), tăng 2,52% (bằng 191,92 ha) so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi cá thát lát được 83,15 ha, tăng 3,48% so cùng kỳ, diện tích nuôi lươn được 2.765 m3, tăng 19,34% so với cùng kỳ.
Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng năm 2021, ước được 43.424,39 tấn, đạt 54,28% so kế hoạch (kế hoạch 80.000 tấn), tăng 2,05% (bằng 872,89 tấn) so cùng kỳ. Chia ra:
- Sản lượng thủy sản khai thác được 1.981,30 tấn, tăng 0,86% (bằng 16,92 tấn) so cùng kỳ.
- Sản lượng thủy sản nuôi trồng được 41.443,09 tấn, tăng 2,11% (bằng 855,97 tấn) so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá thát lát thu hoạch được 3.200 tấn; sản lượng lươn thu hoạch được 390,01 tấn.
2. Sản xuất công nghiệp
Trước sự bùng phát mạnh trở lại của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch tại Hậu Giang luôn được tăng cường và có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng đồng hành thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, khoanh vùng và khống chế dịch Covid-19, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cá thể công nghiệp không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Cụ thể:
Ước thực hiện tháng 8/2021, giá trị sản xuất công nghiệp: Tính theo giá so sánh 2010, được 1.835,45 tỷ đồng, giảm 6,85% so với tháng trước và giảm 23,37% so với cùng kỳ; tính theo giá thực tế, được 2.636,72 tỷ đồng, giảm 6,22% so với tháng trước và giảm 21,78% so với cùng kỳ[2].
Ước thực hiện 8 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp:
- Tính theo giá so sánh 2010, được 18.274,81 tỷ đồng, tăng 2,75% so với cùng kỳ và đạt 57,61% so với kế hoạch năm.
- Tính theo giá thực tế, được 26.610,84 tỷ đồng, tăng 4,48% so với cùng kỳ và đạt 56,99% so với kế hoạch năm. Trong đó:
+ Khu vực kinh tế nhà nước, tạo ra được giá trị sản xuất 242,75 tỷ đồng, tăng 10,90% so với cùng kỳ.
+ Khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra được giá trị sản xuất 19.424,40 tỷ đồng, tăng 4,59% so với cùng kỳ.
+ Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra được giá trị sản xuất 6.943,69 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã bùng phát mạnh trở lại trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 7 đến nay và đang diễn biến phức tạp khó lường, làm một số doanh nghiệp phải cắt giảm sản lượng hoặc tạm ngưng hoạt động do không đáp ứng đủ yêu cầu 03 tại chổ. Vì vậy, giá trị sản xuất theo giá thực tế tháng 7 giảm 39,42% so với tháng trước và giảm 22,27% so với cùng kỳ năm trước, đến tháng 8 vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nên giá trị sản xuất công nghiệp dự báo giảm so với tháng trước và cùng kỳ.
Bên cạnh đó, Một số doanh nghiệp mặt dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo được tình hình sản xuất và tiêu thụ như: Công ty TNHH Number One Hậu Giang; Công ty CP chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang (sản phẩm sản xuất gạo thành phẩm); Công ty TNHH MTV Masan Hậu Giang (sản xuất thực phẩm ăn liền và nước uống không cồn đóng chai); Công ty CP điện mặt trời VKT- Hòa An (điện năng lượng mặt trời); Công ty TNHH Hóa Nông Lúa Vàng Hậu Giang, … Vì vậy, đã làm tăng giá trị một số ngành như: Sản xuất đồ uống tăng 37,85%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 32,90%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 32,36%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 36,64%, … (tất cả số liệu tính theo giá thực tế).
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2021 trên địa bàn tỉnh có tăng trưởng, nhưng vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động về giá, thị trường xuất khẩu và một số yếu tố khác như: Điện, xăng dầu, lực lượng lao động, … một phần bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và đang diễn biến phức tạp. Do vậy, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để triển khai nhiều giải pháp mang tính phát triển bền vững, đảm bảo vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần có các giải pháp phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra như: Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Công ty TNHH Sunpro Capital Group Limited, … để giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong các tháng cuối năm và phát triển ổn định trong những năm tới.
Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Dự tính tháng 8/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,09% so với tháng trước và giảm 29,46% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,15% so với tháng trước và giảm 29,75% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,41% so với tháng trước và tăng 9,51% so với cùng kỳ (do Công ty CP điện mặt trời VKT- Hòa An điện năng lượng mặt trời mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm đến nay nên làm chỉ số sản xuất tăng); cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,12% so với tháng trước và tăng 7,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành giảm nhiều hơn mức giảm chung của toàn tỉnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 31,92% so với tháng trước và giảm 39,59% so với cùng kỳ; sản xuất trang phục giảm 5,76% so với tháng trước và giảm 37,69% so với cùng kỳ; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 8,80% so với tháng trước và giảm 25,21% so với cùng kỳ; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,34% so với tháng trước và giảm 32,12% so với cùng kỳ.
Dự tính 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,36% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,30%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,97%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,52%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ như sau: Tôm đông lạnh sản lượng sản xuất được 20.094 tấn, giảm 2,08%; gạo đã xay xát toàn bộ hoặc sơ bộ sản lượng sản xuất được 228.234 tấn, tăng 65,61% (Công ty CP chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm đến nay, nên đã làm tăng đột biến ngành này); thức ăn cho gia súc sản lượng sản xuất được 176.159 tấn, tăng 18,05%; bia đóng chai sản xuất được 56.962 nghìn lít, tăng 102,16%; nước có vị hoa quả (cam, táo,…) sản lượng sản xuất được 101.633 nghìn lít, tăng 33,26%.
Tình hình sử dụng lao động: Tính đến thời điểm ngày 01/8/2021, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 30,05% so với tháng trước và giảm 41,08% so với cùng kỳ, tập chung vào một số ngành chủ lực sử dụng nhiều lao động như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 2,92% so với tháng trước và giảm 60,33% so với cùng kỳ; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 50,02% so với tháng trước và giảm 49,69% so với cùng kỳ; Sản xuất trang phục bằng 100,66% so với tháng trước và giảm 11,66% so với cùng kỳ,.... Tính chung 8 tháng giảm 5,25% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 14,94%; sản xuất trang phục giảm 4,42%,... nên làm chỉ số sử dụng lao động chung của toàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ.
3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Trong tháng 8/2021, toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 239,189 tỷ đồng; số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 03 doanh nghiệp, tổng vốn là 1,9 tỷ đồng; không có doanh nghiệp giải thể.
Tính chung 8 tháng, toàn tỉnh có 388 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn là 1.586,63 tỷ đồng; số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 99 doanh nghiệp, với tổng vốn là 463,30 tỷ đồng; số doanh nghiệp giải thể là 55 doanh nghiệp, với tổng vốn là 50,60 tỷ đồng.
4. Vốn đầu tư
Tính đến ngày 17/8/2021, kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 16.861,95 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước: 2.435,95 tỷ đồng.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 1.020 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 13.406 tỷ đồng.
Ước tính tháng 8/2021, vốn đầu tư thực hiện được 1.189,02 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 79,77% và so với cùng kỳ năm trước bằng 61,92%. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 08/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, các hoạt động xây dựng công trình dự án tạm thời ngưng hoạt động, tiến độ thực hiện có phần chậm lại nên tốc độ giải ngân trong tháng giảm.
Ước tính 8 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được 11.930,79 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước (13.969,23 tỷ đồng) bằng 85,41% và so với kế hoạch năm đạt 70,76%. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 1.325,10 tỷ đồng, bằng 83,42% so với cùng kỳ năm trước và so với kế hoạch năm đạt 54,40%[3].
5. Tài chính, tín dụng
5.1. Tài chính
Ước tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 8/2021 được 857,14 tỷ đồng, luỹ kế được 8.336,95 tỷ đồng, đạt 106,72% dự toán Trung ương, đạt 76,20% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Trung ương trợ cấp được 309,63 tỷ đồng, luỹ kế được 2.674,62 tỷ đồng, đạt 66,29% dự toán Trung ương và đạt 65,37% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; thu nội địa được 114,01 tỷ đồng, luỹ kế được 3.058,56 tỷ đồng, đạt 91,92% dự toán Trung ương và đạt 72,74% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Ước tổng chi ngân sách Địa phương tháng 8/2021 được 725,98 tỷ đồng, luỹ kế được 5.139,40 tỷ đồng, đạt 74% dự toán Trung ương giao, đạt 53,76% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Chi xây dựng cơ bản được 181,11 tỷ đồng, luỹ kế được 2.102,63 tỷ đồng, đạt 74,75% dự toán Trung ương giao, đạt 49,27% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; chi thường xuyên được 257,13 tỷ đồng, luỹ kế được 2.651,59 tỷ đồng, đạt 66,01% dự toán Trung ương giao, đạt 54,26% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
5.2. Tín dụng ngân hàng
Đến ngày 31/7/2021, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 15.985 tỷ đồng, giảm 1,25% so với tháng trước, tương ứng tăng trưởng 0,02% so với cuối năm 2020. Vốn huy động đáp ứng được 56,89% cho hoạt động tín dụng. Trong tổng vốn huy động trên địa bàn thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước huy động được 10.252 tỷ đồng (chiếm 64,14%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần được 4.968 tỷ đồng (chiếm 31,08%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 728 tỷ đồng (chiếm 4,55%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 37 tỷ đồng (chiếm 0,23%). Hiện, lãi suất không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,1-0,2%/năm; lãi suất từ 01 tháng đến dưới 06 tháng ở mức 3,5-4,0%/năm; lãi suất từ 06 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 4,9-5,1%/năm; lãi suất từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0-6,5%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 8/2021, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 16.150 tỷ đồng, tăng trưởng 1,03% so với cuối tháng 7/2021, tương ứng tăng trưởng 1,05% so với cuối năm 2020.
Đến ngày 31/7/2021, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 28.099 tỷ đồng, giảm 0,74% so với cuối tháng trước, tương ứng tăng trưởng 5,04% so với cuối năm 2020. Trong tổng dư nợ thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước được 19.580 tỷ đồng (chiếm 69,68%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần được 5.602 tỷ đồng (chiếm 19,94%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 2.873 tỷ đồng (chiếm 10,22%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 44 tỷ đồng (chiếm 0,16%). Đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay luôn được giữ ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam phổ biến là 4,5%/năm; cho vay trung, dài hạn ở mức 10 -11%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn từ 9,0 - 9,5%/năm; trung, dài hạn từ 10,5 - 13%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 8/2021 dư nợ đạt 28.168 tỷ đồng, tăng trưởng 0,25% so với cuối tháng 7/2021, tương ứng tăng trưởng 5,29% so với cuối năm 2020.
Nợ quá hạn đến ngày 31/7/2021 là 834 tỷ đồng, chiếm 2,97% trên tổng dư nợ; nợ xấu là 423 tỷ đồng, chiếm 1,50% trên tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 411 tỷ đồng, chiếm 49,28% trên tổng nợ quá hạn. Dự báo đến cuối tháng 8/2021, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.
Dư nợ một số chương trình tín dụng trọng điểm theo Chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và địa phương đạt được kết quả sau:
- Cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ 2.118 tỷ đồng, tăng trưởng 14,42% so với cuối năm 2020.
- Cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản dư nợ 3.437 tỷ đồng, tăng trưởng 10,05% so với cuối năm 2020, với 1.386 hộ dân và 09 doanh nghiệp còn dư nợ; nợ xấu 16 tỷ đồng, chiếm 0,47%.
- Các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 2.873 tỷ đồng, tăng trưởng 8,95% với cuối năm 2020.
- Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp dư nợ đạt 7.278 tỷ đồng, tăng trưởng 8,24% so với cuối năm 2020, với 391 doanh nghiệp được tiếp cận vốn.
- Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn dư nợ 19.493 tỷ đồng, tăng trưởng 10,37% so với cuối năm 2020, chiếm 68,86% trên tổng dư nợ.
- Cho vay xây dựng nông thôn mới toàn địa bàn dư nợ 11.131 tỷ đồng, tăng trưởng 13,74% so với cuối năm 2020, với 122.820 hộ dân, 151 doanh nghiệp và 25 hợp tác xã còn dư nợ.
- Kết quả thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Lũy kế từ 23/01/2020 đến nay, toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 1.324 tỷ đồng, 236 khách hàng; miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ khoảng 142 tỷ đồng, 79 khách hàng; số tiền được miễn lãi là 633 triệu đồng; doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay là 2.375 tỷ đồng.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước là do dịch bệnh Covid-19 trên cả nước nói chung, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ nói riêng đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống dịch được tập trung thực hiện quyết liệt và đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng do biến chủng mới Delta lây nhiễm nhanh, mạnh, khó lường trên diện rộng và khó kiểm soát nên tình hình dịch bệnh tại Hậu Giang và các tỉnh, thành trong khu vực ngày càng phức tạp. Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh hàng hóa trên địa bàn phần lớn đã tạm ngừng hoạt động, chỉ có các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu còn mở cửa nhưng sức mua và tần suất phục vụ giảm do người dân hạn chế đi lại, giao dịch trao đổi mua bán.
Ước tính tháng 8/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 2.798,65 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 235,54 tỷ đồng), so với thực hiện tháng trước bằng 94,58% và so với cùng kỳ năm trước bằng 81,74%. Chia ra:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 2.285,67 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 95,03%[[4]] và so với cùng kỳ năm trước bằng 86,52%.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 346,89 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 93,81% và so với cùng kỳ năm trước bằng 69,43% do hầu hết các cơ sở kinh doanh lưu trú tạm ngưng hoạt động, cơ sở kinh doanh hàng ăn uống thì đóng cửa hoặc chỉ bán mang về quy mô nhỏ trong thời gian giãn cách xã hội. Cụ thể: Doanh thu dịch vụ lưu trú được 5,21 tỷ đồng, so tháng trước giảm 5,05%, so cùng kỳ giảm 41,52%; doanh thu dịch vụ ăn uống được 341,68 tỷ đồng, so tháng trước giảm 6,21%, so cùng kỳ giảm 30,37%.
- Doanh thu dịch vụ khác được 166,09 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 90,19%[[5]] và so với cùng kỳ năm trước bằng 58,84%.
Ước tính 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 28.115,08 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 2.272,44 tỷ đồng), so với cùng kỳ năm trước bằng 108,23% và đạt 66,15% so với kế hoạch năm. Chia ra:
- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 21.642,59 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 107,69% và đạt 69,29% kế hoạch năm.
- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành được 4.131 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 111,44% và đạt 57,22% kế hoạch năm.
- Doanh thu dịch vụ khác được 2.341,49 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 107,74% và đạt 57,86% kế hoạch năm.
6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hiện tại tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp, không chỉ trong khu vực địa bàn tỉnh mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh thành đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng thời kèm thêm một số biện pháp nâng cao để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, dự đoán trong tháng 8 tới mặc dù các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất nhưng nhìn chung chỉ ở mức cầm chừng, các nhà máy sẽ không hoạt động được hết công suất do thiếu lực lượng lao động và nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, kèm thêm việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn so với thời điểm trước dịch bệnh gián tiếp ảnh hưởng đến năng suất chế biến của các doanh nghiệp.
Vì vậy, ước thực hiện tháng 8/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 54.336 nghìn USD, so với tháng trước bằng 88,90% và so với cùng kỳ năm trước bằng 56,83%. Chia ra:
- Xuất khẩu được 43.704 nghìn USD, so với tháng trước bằng 90,50% và so với cùng kỳ năm trước bằng 73,45%.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 10.632 nghìn USD, so với tháng trước bằng 82,85% và so với cùng kỳ năm trước bằng 29,44%.
Ước thực hiện 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 634.331 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 97,27% và so với kế hoạch năm đạt 58,67%. Chia ra:
- Xuất khẩu được 383.359 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 101,64% và so với kế hoạch năm đạt 52,13%.
- Nhập khẩu được 217.762 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 92,30% và so với kế hoạch năm đạt 77,33%.
- Uỷ thác xuất khẩu được 507 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 35,73% và so với kế hoạch năm đạt 42,25%.
- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 32.703 nghìn USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 86,96% và so với kế hoạch năm đạt 51,91%.
6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Trong tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm các ổ dịch mới với số ca nhiễm tương đối nhiều. Chính quyền đã thực hiện nhiều biện pháp phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Do đó, các hoạt động vận tải, kho bãi bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có giá trị giảm nhiều so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.
Do đó, ước tính tháng 8/2021, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi được 54,88 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 84,56% và so với cùng kỳ năm trước bằng 57,41%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 14,66 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 63,76% và so với cùng kỳ năm trước bằng 48,27%; đường thủy thực hiện được 14,49 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 85,28% và so với cùng kỳ năm trước bằng 45,24%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 25,73 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 103,25% và so với cùng kỳ năm trước bằng 77,51%.
Ước tính 8 tháng năm 2021, tổng doanh thu vận tải, kho bãi được 695,76 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 93,66%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 255,24 tỷ đồng, bằng 106,14% so với cùng kỳ năm trước; đường thủy thực hiện được 226,38 tỷ đồng, bằng 87,27% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 214,14 tỷ đồng, bằng 88,13% so với cùng kỳ năm trước.
6.3.1. Vận chuyển - luân chuyển hàng hóa
Ước thực hiện tháng 8/2021, toàn tỉnh vận chuyển được 223,77 nghìn tấn hàng hóa các loại (21.847,21 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 75,07% (84,12%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 39,99% (48,98%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 35,84 nghìn tấn (4.434,83 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 46,11% (59,76%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 49,64% (52,32%).
- Đường sông thực hiện được 187,93 nghìn tấn (17.412,37 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 85,28% (93,87%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 38,56% (48,20%).
Ước thực hiện 8 tháng năm 2021, toàn tỉnh vận chuyển được 3.810,99 nghìn tấn hàng hóa các loại (320.512,66 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 89,60% (94,12%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 713,24 nghìn tấn (71.369,16 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 131,47% (114,85%).
- Đường sông thực hiện được 3.097,75 nghìn tấn (249.143,45 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 83,48% (89,50%).
6.3.2. Vận chuyển - luân chuyển hành khách
Ước thực hiện tháng 8/2021, toàn tỉnh thực hiện được 1.300,08 nghìn lượt hành khách (16.317,13 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 83,85% (84,51%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 55,56% (42,58%). Chia ra:
- Đường bộ vận chuyển được 154,50 nghìn lượt hành khách (10.480,03 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 84,46% (85,20%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 54,01% (39,09%).
- Đường sông vận chuyển được 1.145,58 nghìn lượt hành khách (5.837,10 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 83,77% (83,30%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 55,78% (50,72%).
Ước thực hiện 8 tháng năm 2021, toàn tỉnh vận chuyển được 19.957,23 nghìn lượt hành khách (265.096,17 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 96,85% (88,37%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 3.412,17 nghìn lượt hành khách (184.224,06 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 88,70% (86,88%).
- Đường sông thực hiện được 16.545,06 nghìn lượt hành khách (80.872,11 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 98,72% (91,94%).
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giáo dục
Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung chủ yếu vào hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:
- Giáo dục tiểu học - mầm non: Tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; hướng dẫn nhiệm vụ chuyên môn, chuyên đề, hội thảo, hội thi đối với cấp mầm non, tiểu học năm học 2021-2022.
- Giáo dục trung học - Giáo dục thường xuyên: Triển khai các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo tỉnh và công văn của UBND tỉnh về phòng, chống Covid-19; dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục Trung học.
7.2. Văn hóa, thể thao
Trong tháng, toàn hệ thống Trung tâm Văn hóa tập trung tuyên truyền ý nghĩa các ngày Lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị, các công tác trọng tâm của địa phương theo chỉ đạo như: Tuyên truyền chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19; đặc biệt, là tập trung tuyên truyền kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2021); kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng (19/8/1945 - 19/8/2021) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2021). Kết quả: In, treo 30 pano 2m x 3m và lắp mới được 1.340 m2 pano, 156 băng rol, 1.150 cờ dọc, 10.000 tờ rơi, 500 áp phích, trang trí xe tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid -19 trong các khu cách ly và trên các tuyến đường chính của tỉnh. Đồng thời, tổ chức tốt hoạt động phóng thanh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19. Kết quả phóng thanh cổ động 274 buổi. Gửi các mẫu maket cho các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo chỉ đạo.
Hoạt động thư viện: Trong tháng, hệ thống Thư viện tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã phục vụ 38.925 lượt người với 77.850 lượt sách báo, truy cập máy tính; cấp 180 thẻ bạn đọc; trưng bày 105 quyển sách tại Thư viện tỉnh; giới thiệu 09 quyển sách trên website thư viện và gửi cộng tác với Đài Truyền thanh thành phố Vị Thanh, Báo Hậu Giang: “Hành chính Nhà nước và Cải cách hành chính Nhà nước; Di tích kiến trúc nghệ thuật Việt Nam; Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ”; “Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; Dám tha thứ; Bên nhau trọn đời; Việt Nam những hành trình yêu thương; Sơ cứu cảm xúc; Những cội nguồn của Cách mạng tháng Tám”.
Hoạt động bảo tồn - bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa: Sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử Khu tưởng niệm liệt sĩ Lữ đoàn Pháo binh 6, Quân khu 9, nơi ở thời niên thiếu của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Hậu Giang và Chùa Phổ Minh; sưu tầm 08 hiện vật và viết lý lịch hiện vật bổ sung kho cơ sở; khách đến xem triển lãm và tham quan các di tích, nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống các xã văn hóa đạt 345 lượt người.
Sự nghiệp thể dục thể thao: Hiện đa số vận động viên được tập luyện tại nhà theo giáo án của Huấn luyện viên, chỉ còn 14 vận động viên (của 03 bộ môn: Judo, Bắn cung, Bóng chuyền) thực hiện việc tập luyện và ăn ở tại chổ để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì tập luyện theo kế hoạch đề ra.
7.3. Lao động và an sinh xã hội
Trong tháng, giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 406 lao động, đạt 78,3% kế hoạch năm. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ tuyển dụng được 1.504 lao động cho các doanh nghiệp; hỗ trợ giới thiệu, cung ứng được 1.432 lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (không có ký kết). Các Trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề được 5.194 lao động (trong đó: đào tạo Cao đẳng, Trung cấp 207 lao động; đào tạo nghề thường xuyên 4.942 lao động), đạt 80% kế hoạch năm. Phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn lĩnh vực phi nông nghiệp (đợt 1) được 66 lớp với 1.650 học viên.
Lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 147(1.511) hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 158 (1.414) hồ sơ. Trong đó, đạt 123 (1.203) hồ sơ; không đạt 35 (211) hồ sơ. Còn lại 97 hồ sơ đang tiếp tục xem xét, giải quyết. Kết quả thực hiện chính sách đối với người có công như sau:
- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021) đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể:
+ Tổ chức tặng 288 phần quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh và người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (sức khỏe yếu, không đi lại được); thăm và tặng quà cho người có công với cách mạng đang nằm điều trị tại các Bệnh viện và Trung tâm Y tế trên địa bàn tỉnh; hộ nghèo có thành viên là người có công với số tiền 238 triệu đồng.
+ Tổng số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ được nhận quà 27/7/2021 trên địa bàn tỉnh là 17.309 người; đã cấp 15.274 người với số tiền 8.834,5 triệu đồng, còn hơn 1.500 đối tượng chưa được nhận quà (do đi làm ăn xa, đang ở tại các tỉnh, thành phố có dịch bệnh Covid-19 nên chưa về được hoặc nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly) sẽ được địa phương cấp phát sau. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã vận động được 2.686 phần quà cho người có công với số tiền 860 triệu đồng; địa phương vận động xây mới 04 căn nhà tình nghĩa cho Người có công với cách mạng, với số tiền 190 triệu đồng.
- Lãnh đạo Tỉnh đã vận động và trao 21 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, tổng kinh phí 1.050 triệu đồng.
Công tác bảo trợ xã hội và giảm nghèo: Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 34.468 (272.106 lượt) đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 15.016,26 (107.847,995) triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 84 (1.346) trường hợp với số tiền 511,2 (7.325,2) triệu đồng. Tổ chức thăm, tặng quà cho 250 người bị nhiễm chất độc da cam nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021) với số tiền 100 triệu đồng.
Lĩnh vực Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới: Trong tháng, hỗ trợ gạo cho 25 hộ gia đình trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh với số tiền 8,905 triệu đồng.
Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nội bộ và ra dân được 49(439) cuộc, với 887(12.579) lượt người tham dự. Phát thanh được 106(621) cuộc với 1.040(5.054) phút tuyên truyền về tác hại của các loại tệ nạn xã hội. Tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tại thời điểm báo cáo là 1.744 người; số người nghiện đang có mặt tại cơ sở cai nghiện là 227 người.
Kết quả quán triệt triển khai, giải quyết hỗ trợ chính sách cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như sau: Tính đến ngày 15/8/2021, đã giải quyết hồ sơ hỗ trợ cho 6 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, với 604 doanh nghiệp và 58.278 người (trong đó có 17.842 lao động tự do; 3.725 người bán lẻ vé số lưu động; 25 trẻ em), với số tiền 40.863,777 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù là 6.734 người, với tổng số tiền 6.790,80 triệu đồng (bao gồm hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, chi hỗ trợ tiền ăn cho hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trong khu phong tỏa).
7.4. Y tế
Trong tháng, có 03 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, giảm 02 ca so với tháng trước, cộng dồn là 54 ca, giảm 24 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 04 ca mắc mới, giảm 05 ca so với tháng trước, cộng dồn là 386 ca, tăng 275 ca (247,7%) so với cùng kỳ; bệnh sởi, bệnh dịch lạ, bệnh viêm gan do virut, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn tỉnh.
Tình hình dịch Covid-19: Tính đến ngày 22/8/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 398 ca mắc Covid-19, đã được Bộ Y tế công bố 391 ca, điều trị khỏi 230 ca, tử vong 02 trường hợp. Hiện đang cách ly, điều trị 165 bệnh nhân.
Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch trong tháng là 0 trẻ, cộng dồn là 7.134 trẻ, đạt 54,71%; tiêm sởi mũi 2 trong tháng: 0 trẻ, cộng dồn là 6.741 trẻ, đạt 58,80%; tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 0 thai phụ, cộng dồn là 6.385 thai phụ, đạt 56,40%. Do tạm dừng tiêm chủng thường xuyên.
Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng là 03 ca, cộng dồn là 58 ca (giảm 03 ca với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.878 ca (người còn sống 1.261 người); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng là 01 ca, cộng dồn là 08 ca (giảm 07 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.051 ca; Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng là 01 ca, cộng dồn là 10 ca (giảm 05 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 615 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone là 60 người, tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 968 người (trong tỉnh: 879 người, ngoài tỉnh: 89 người).
Trong tháng, tổng số lần khám là 78.380 lượt, cộng dồn là 1.105.803 lượt, đạt 58,45% kế hoạch, giảm 15,99% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 4.218 lượt, cộng dồn là 64.580 lượt, đạt 48,00% kế hoạch, giảm 2,07% so với cùng kỳ. Số ngày điều trị trung bình là 6 ngày, tăng 0,15 ngày so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 3.529 trường hợp, giảm 3.079 trường hợp so với cùng kỳ. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người/vụ.
7.5. Tai nạn giao thông
Trong tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 01 người và không có người bị thương. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 05 vụ, số người chết giảm 06 người và số người bị thương giảm 02 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ giảm 07, số người chết giảm 02 người và số người bị thương giảm 07 người.
Tính chung 8 tháng (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/8/2021), toàn tỉnh xảy ra 37 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 33 người, bị thương 09 người. So với cùng kỳ, số vụ giảm 07, số người chết tăng 04 người, số người bị thương giảm 11 người. Nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn, không chú ý quan sát, vượt sai quy định, không đi đúng phần đường, không nhường đường.
7.6. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Sạt lở: Lũy kế đến nay xảy ra 28 điểm sạt lở tại huyện Châu Thành, chiều dài sạt lở 727 m, diện tích mất đất 4.427 m2, ước tổng thiệt hại 2.439 triệu đồng; so với cùng kỳ chiều dài sạt lở năm 2020 (1.180,5 m) giảm 453,5 m; diện tích mất đất năm 2020 (5.717,5 m2) giảm 1.290,5 m2; ước thiệt hại năm 2020 (2.517 triệu đồng) giảm 78 triệu đồng.
Dông lốc: Trong tháng mưa dông, lốc xoáy làm sập 06 căn nhà và tốc mái 46 căn nhà. Lũy kế: Nhà sập 14 căn, tốc mái 63 căn, tốc mái 02 phòng học Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ở thành phố vị Thanh, tốc mái tol khu nhà vệ sinh Trường Tiểu học Trường Long A1 ở huyện Châu Thành A, tốc mái 01 xưởng sản xuất, hư 01 trạm biến điện, hàng hóa trong kho hư do bị mất điện (thiệt hại 100 tấn xoài) ở thị xã Long Mỹ; so với năm 2020 là 247 căn, giảm 184 căn, ước thiệt hại 2.914,5 triệu đồng; so với năm 2020 giảm 1.388 triệu đồng (năm 2020 là 4.302,5 triệu đồng). Ước thiệt hại công trình công cộng: 100 triệu đồng.
Ngành chức năng tiếp tục giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Tính từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phát hiện 41 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 40 vụ, với tổng số tiền xử phạt khoảng 711 triệu đồng.
Công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, trong tháng đã xảy ra 01 vụ cháy, nổ, làm thiệt hại khoảng 260 triệu đồng. Tính chung 8 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy 02 vụ cháy, nổ, với tổng thiệt hại khoảng 1.160 triệu đồng./.
[1] Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và sản lượng. Bên cạnh đó, Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.
[2] Nguyên nhân giá trị sản xuất giảm so với tháng trước và cùng kỳ là do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nên một số doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất từ cuối tháng 7 đến nay như: Công ty TNHH Bách Mỹ Nội Y; Công ty TNHH JIA ZHI; Công ty TNHH may Nhà Bè; Công ty TNHH hải sản Việt Hải; Công ty TNHH Giáp Quáng Thăng,… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cắt giảm sản lượng sản xuất do lao động ngoài tỉnh xin nghỉ có thời hạn như: Công ty CP thủy sản Minh Phú Hậu Giang (giảm trên 70% lao động từ cuối tháng 7 đến nay); Công ty TNHH Lạc Tỷ 2 (lao động giảm trên 49,69% so với cùng kỳ); Công ty TNHH Thanh Khôi (lao động giảm 31,30% từ cuối tháng đến nay).
[3] Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch là do kế hoạch vốn đầu tư năm 2021 hầu hết phân bổ cho các dự án khởi công mới, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, đang trong giai đoạn đấu thầu nên khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân chưa cao. Mặc dù kế hoạch vốn năm 2021 đã được HĐND tỉnh thông qua nhưng một số dự án chưa đảm bảo thủ tục để bố trí vốn triển khai (vì phải chờ quyết định phê duyệt dự án); công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các dự án khởi công mới năm 2021 cũng rất chậm. Bên cạnh đó, còn tồn tại một số bất cập chưa thể khắc phục triệt để trong công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế. Đặc biệt giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến trong thời gian qua cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện của nguồn vốn đầu tư công.
[4] Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, người dân tiết kiêm chi tiêu, tạm dừng các hoạt động không cần thiết nên hầu hết các nhóm hàng hoá đều giảm so với tháng trước, chỉ riêng nhóm lương thực, thực phẩm tăng 1,37% do giá cả các mặt hàng này vẫn giữ ổn định ở mức cao, đặc biệt là thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, mì, sữa, thịt cá hộp và các loại rau xanh, củ quả tươi. Đây là nhóm hàng hóa thiết yếu nên nhu cầu tiêu dùng giữ ổn định và người dân có tâm lý mua lương thực, thực phẩm để dự trữ trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
[5] Nguyên nhân do thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết nên các ngành dịch vụ đều giảm so với tháng trước như: Dịch vụ vui chơi giải trí giảm 13,80%, do công ty xổ số kiến thiết Hậu Giang ngừng phát hành cả 4 kỳ trong tháng 8; dịch vụ hành chính hỗ trợ giảm 9,58%, do các dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động; dịch vụ y tế giảm 3,02%, do người dân chỉ đến các phòng khám và bệnh viện khi thật cần thiết, bên cạnh đó một số phòng khám chủ động tạm dừng hoạt động để phòng ngừa dịch bệnh; dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 2,34%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 2,72%.
File đính kèm: Bao_cao_KTXH_T8-2021.docxSo_lieu_KTXH_T8-2021.xlsx
Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang