Tình hình kinh tế thế giới khá khởi sắc trong 9 tháng năm 2021 khi triển khai tiêm phòng vắc-xin nhanh chóng đã giúp giảm nhanh số ca lây nhiễm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng của các nền kinh tế cho thấy sự khác biệt do tốc độ triển khai vắc-xin và hỗ trợ chính sách khác nhau ở các quốc gia. Tuy nhiên, khả năng phục hồi bền vững không mấy chắc chắn ngay cả ở những khu vực đã có thể kiểm soát được tình trạng lây nhiễm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng 6,0% năm 2021. Tuy nhiên, một số tổ chức điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021 từ mức 1,8% nửa đầu năm 2020 lên mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, làn sóng đại dịch Covid-19 thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4 và thực hiện phong tỏa kéo dài kể từ tháng 6 đã làm giảm tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt ở khu vực phía Nam, Hà Nội và các khu công nghiệp lân cận đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất công nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Trong thời gian tới, quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 sẽ phụ thuộc vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch hiện nay một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể phục hồi vào quý IV.
Tại tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, sở, ban, ngành thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục giữ vùng xanh an toàn, bảo vệ thành quả chống dịch. Đồng thời, tập trung phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong quý III và 9 tháng như sau:
I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết; dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch mới. Trước những khó khăn đó, ngành Nông nghiệp đã có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên kết quả sản xuất nông nghiệp đạt khá, tổng sản lượng lương thực có hạt tăng so với cùng kỳ năm trước, đàn lợn dần hồi phục với tốc độ tăng cao 11,79%; sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.
1. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp tháng 9 năm 2021 trong điều kiện thời tiết thuận lợi, mưa nắng xen kẽ tạo điều kiện cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Trong tháng, chủ yếu tập trung làm cỏ, vun xới, bón phân và chăm sóc các loại cây trồng vụ mùa. Tính đến ngày 15/9 diện tích gieo trồng các loại cây vụ mùa đạt được như sau: Diện tích lúa mùa gieo trồng được 25.341 ha, giảm 0,17% hay giảm 44 ha so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu ở các huyện: Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng... Diện tích gieo trồng lúa giảm do đầu vụ nắng nóng kéo dài, ít mưa vì vậy một số diện tích lúa ruộng không chủ động được nước, lúa nương năng suất đạt thấp nên bà con chuyển sang trồng ngô, sắn, dong riềng... Diện tích gieo trồng ngô đạt 15.553 ha, tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; khoai lang trồng được 1.095 ha, tăng 1,89%; mía trồng được 2.828 ha, giảm 4,09% hay giảm 120 ha, diện tích mía giảm do giá bán thấp, khả năng tiêu thụ sản phẩm của nhà máy đường còn hạn chế và do ảnh hưởng dịch Covid - 19 không xuất bán sang Trung Quốc được vì vậy người dân đã chuyển sang trồng những cây khác như ngô, sắn, lạc…; đỗ tương trồng được 2.027 ha, tăng 9,19%; lạc trồng được 1.879 ha, tăng 8,9%; rau các loại trồng được 1.993 ha, tăng 0,1%. Nhìn chung tiến độ gieo trồng các loại cây vụ mùa tăng so với cùng kỳ năm trước; hiện nay bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh gây hại để đạt kết quả tốt nhất về năng suất, sản lượng vụ mùa.
Trong 9 tháng năm 2021, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đầu năm rét đậm, rét hại kéo dài, một số địa phương xuất hiện băng giá, đến vụ gieo cấy gặp thời tiết khô hạn, thiếu nước sản xuất làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền và các ban ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của nhân dân khắc phục mọi khó khăn hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra, góp phần vào ổn định đời sống và phát kinh tế -xã hội, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Cụ thể, tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng toàn tỉnh đạt được như sau:
Vụ Đông xuân: Kết quả chính thức, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 37.667 ha, tăng 1,26% hay tăng 470 ha so chính thức vụ đông xuân năm 2020. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân năm 2021 đạt 125.062 tấn, tăng 3,2% hay tăng 3.876 tấn so cùng vụ năm trước.
Vụ mùa: Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 56.849 ha, tăng 2,94% hay tăng 1.621 ha so với cùng vụ năm trước, tăng chủ yếu ở một số cây trồng như: cây ngô, sắn, đỗ tương, lạc, rau các loại... Nguyên nhân tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các Cửa khẩu hạn chế lưu thông hàng hóa, dẫn đến nhu cầu về vận tải, bốc vác hàng hóa giảm mạnh, thiếu việc làm nên người dân quay trở lại đầu tư sản xuất nông nghiệp, tận dụng gieo trồng hết diện tích bỏ hoang từ những năm trước.
Nhóm cây lương thực có hạt trồng được 40.894 ha, tăng 1,42% hay tăng 571 ha so với cùng vụ năm trước, số tăng chủ yếu là cây ngô, tăng 4,12% hay tăng 615 ha ở các huyện: Trùng Khánh, Bảo Lạc, Hạ Lang, Hòa An... Nhóm cây có hạt chứa dầu gieo trồng được 3.906 ha, tăng 9,05% hay tăng 324 ha so với vụ mùa năm 2020, trong đó cây đỗ tương trồng được 2.027 ha tăng 9,19% hay tăng 170 ha; cây lạc trồng được 1.879 ha, tăng 8,9% hay tăng 154 ha so cùng vụ năm trước, diện tích tăng là do có doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.
Ước tính năng suất và sản lượng một số cây trồng chính vụ mùa như sau: Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2021 ước đạt 163.148 tấn, tăng 1,81% hay tăng 2.896 tấn so cùng vụ năm trước. Trong đó: Cây lúa năng suất bình quân ước đạt 44,75 tạ/ha, tăng 0,87% so với cùng vụ năm trước; sản lượng đạt 113.393 tấn, tăng 0,69% so với cùng vụ năm trước. Cây ngô năng suất ước đạt 31,99 tạ/ha, tăng 0,31% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 49.755 tấn, tăng 4,44%. Cây đỗ tương năng suất ước đạt 10,2 tạ/ha, tăng 11,2% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 2.068 tấn, tăng 21,42% so với vụ mùa 2020. Cây lạc năng suất ước đạt 15,69 tạ/ha, tăng 3,01%; sản lượng đạt 2.949 tấn, tăng 12,24% so với cùng vụ năm 2020.
Cả năm: Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 94.516 ha, tăng 2,26% hay tăng 2.090 ha so với năm 2020. Trong đó: Nhóm cây lương thực có hạt gieo trồng được 70.429 ha, tăng 0,92% hay tăng 639 ha; diện tích tăng chủ yếu ở cây ngô, tăng 1,67% hay tăng 681 ha; nhóm cây có hạt chứa dầu gieo trồng được 4.755 ha, tăng 5,45% hay tăng 246 ha; cây thuốc lá trồng được 3.054 ha, tăng 0,93% hay tăng 28 ha; cây mía trồng được 2.828 ha, giảm 4,09% hay giảm 120 ha.
Ước tính năng suất và sản lượng một số cây trồng chính như sau: Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 ước đạt 288.210 tấn, tăng 2,41% hay tăng 6.771 tấn so năm trước. Trong đó: Cây lúa cả năm năng suất ước đạt 45,61 tạ/ha, tăng 0,82%; sản lượng ước đạt 132.156 tấn, tăng 0,64% so với cùng kỳ năm trước. Cây ngô năng suất ước đạt 37,68 tạ/ha, tăng 2,23% so với năm trước; sản lượng ước đạt 156.035 tấn, tăng 3,94% so với năm 2020. Cây đỗ tương năng suất đạt 9,83 tạ/ha; sản lượng ước đạt 2.530 tấn, tăng 15,02% so với cùng kỳ năm trước do diện tích gieo trồng tăng. Cây lạc năng suất đạt 15,18 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3.310 tấn, tăng 8,11%. Cây thuốc lá, năng suất đạt 25,45 tạ/ha, tăng 4,82%; sản lượng đạt 7.772 tấn, tăng 5,8% hay tăng 426 tấn so với cùng kỳ năm trước. Cây mía năng suất ước đạt 612,07 tạ/ha, tăng 1,1%; sản lượng đạt 173.094 tấn, giảm 3,02% hay giảm 5.398 tấn.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, đu đủ, thanh long, chanh, ổi,… Đồng thời, đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na, xoài,…
Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu được trồng phân tán mang tính tự cung, tự cấp, chưa hình thành vùng trồng chuyên canh các loại cây có giá trị kinh tế cao phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay các huyện đã lựa chọn ra những cây trồng phù hợp với với điều kiện tự nhiên của từng vùng để trồng tập trung như: Cam, quýt trồng nhiều ở Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Thạch An…; thanh long tập trung ở Nguyên Bình, Hòa An, Thành phố Cao Bằng…; lê được trồng chủ yếu ở Thạch An, Trùng Khánh… và một số loại cây có giá trị kinh tế cao đang được đưa vào trồng thử nghiệm như: Mác ca trồng ở Quảng Hòa, hồ đào trồng Hà Quảng, hà thủ ô trồng ở Bảo Lạc, cát sâm trồng Nguyên Bình…
Ước tính tổng diện tích các loại cây lâu năm hiện có là 8.919 ha, tăng 13,46% hay tăng 1.058 ha so cùng kỳ năm trước, tăng chủ yếu ở nhóm cây dược liệu, đặc biệt là cây hồi tăng 1.105 ha. Trong đó, cây gia vị, cây dược liệu lâu năm diện tích hiện có 5.641 ha, tăng 24,44% hay tăng 1.108 ha; cây ăn quả hiện có 2.671 ha, tăng 0,07% hay tăng 2 ha so với cùng kỳ; cây lâu năm khác diện tích hiện có 393 ha, giảm 4,15% hay giảm 17 ha so với cùng kỳ; chè búp và cây lấy quả chứa dầu diện tích hiện có 214 ha, giảm 14,06% hay giảm 35 ha. Sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 9 tháng 2021 như sau: Cây chuối thu hoạch đạt 2.119 tấn, giảm 346 tấn so với cùng kỳ năm trước; cây dứa thu hoạch đạt 349 tấn, tăng 24 tấn; mít thu hoạch đạt 345 tấn, tăng 44 tấn; mận thu hoạch đạt 963 tấn, tăng 15 tấn…
Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 15/9 thời tiết mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng ở tất cả huyện, thành phố như: Cây lúa bị bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, ốc bươu vàng; cây ngô bị bệnh châu chấu tre, sâu keo, bệnh khô vằn gây hại. Cây ăn quả bị nhiễm bệnh rệp muội, rệp sáp, ruồi đục quả, bọ xít, ngoài ra còn bệnh chảy gôm, bệnh greening, bệnh sẹo, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng gây hại. Ngành chức năng theo dõi tình hình sâu bệnh gây hại trên cây trồng và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng, đặc biệt là cây lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng.
Chăn nuôi
Trong 9 tháng năm 2021, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, đàn lợn có dấu hiệu phục hồi nhanh. Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tiếp tục phát sinh thêm các ổ dịch mới và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, tuy nhiên vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm phát hiện sớm các ổ dịch và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Công tác thú y, tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò được đẩy nhanh tiến độ nhằm hạn chế các ổ dịch phát sinh và lây lan; việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch nội địa được quản lý chặt chẽ.
Tổng đàn trâu hiện có 100.982 con, giảm 0,14% hay giảm 143 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 107.910 con, giảm 0,83% hay giảm 909 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 9 đạt 122 tấn, giảm 5,71% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế từ đầu năm 1.531 tấn, tăng 0,53% hay tăng 8 tấn (6 tháng đầu năm tăng 3,03%, quý III giảm 3,01%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 9 đạt 168 tấn, giảm 2,35%, lũy kế từ đầu năm đạt 1.594 tấn, tăng 2,64% hay tăng 41 tấn (6 tháng đầu năm tăng 7,14%, quý III giảm 6,04%).
Tổng số lợn hiện có 297.507 con, tăng 11,79% hay tăng 31.366 con so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 9 đạt 1.999 tấn, tăng 6,01% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 18.174 tấn, tăng 3,93% hay tăng 687 tấn (6 tháng đầu năm tăng 3,81%, quý III tăng 4,25%).
Ước tính tổng đàn và sản lượng thịt gia cầm tiếp tục tăng. Tổng số gia cầm hiện có 2.985 nghìn con, tăng 2,26% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 9 đạt 678 tấn, tăng 10,67%, lũy kế từ đầu năm đạt 5.130 tấn, tăng 2,33% hay tăng 117 tấn (6 tháng đầu năm tăng 1,92%, quý III tăng 2,95%); sản lượng trứng gia cầm đạt 2.525 nghìn quả, tăng 1,12%, lũy kế từ đầu năm đạt 29.208 nghìn quả, tăng 3,27% hay tăng 926 nghìn quả (6 tháng đầu năm tăng 4,08%, quý III tăng 1,67%).
Từ đầu năm đến ngày 13/9/2021, trên toàn tỉnh có 10.079 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, chết 757 con (tháng 9 chết 126 con); dịch tả lợn Châu Phi làm mắc và tiêu hủy 6.688 con của 1.296 hộ chăn nuôi với trên 339 tấn (tháng 9 làm mắc và tiêu hủy 2.271 con, số ổ dịch mới phát sinh thêm 30 ổ dịch) các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại một số địa phương, lũy kế từ đầu năm làm chết 71 con trâu, bò (tháng 9 chết 3 con); 129 con lợn (tháng 9 chết 15 con); 3.439 con gia cầm các loại (tháng 9 chết 381 con, tiêu hủy 189 con bị nhiễm dịch cúm gia cầm A/H5N6).
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 9 chủ yếu là duy trì tốt công tác chăm sóc, khoanh nuôi rừng. Các dự án trồng cây lâm nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện và đẩy nhanh tiến độ. Các hộ gia đình có diện tích rừng giao khoán bảo và bảo vệ thường xuyên chăm sóc, phát quang chặt tỉa.
Trong 9 tháng năm 2021, các ngành chức năng thường xuyên chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Chủ động xây dựng, bổ sung và tuyên truyền các phương án phòng chống cháy rừng tại các địa phương, kiểm soát chặt chẽ các hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Công tác phát triển rừng luôn được chú trọng, công tác thẩm định hồ sơ thiết kế dự toán các công trình lâm sinh và hiện trường các Dự án bảo vệ và phát triển rừng được đẩy nhanh tiến độ. Kết quả sản xuất lâm nghiệp 9 tháng đạt được như sau:
Tổng diện tích rừng trồng mới tập trung 9 tháng năm 2021 ước đạt 2.421 ha, tăng 50,32% hay tăng 811 ha so với cùng kỳ năm 2020 (6 tháng đầu năm tăng 114,69%, quý III giảm 9,67%), được trồng tập trung ở các huyện: Thạch An, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Hòa An, Thành phố Cao Bằng... Diện tích rừng trồng mới chủ yếu là các hộ dân tự mua cây giống về trồng trên diện tích rừng sau khi đã khai thác và mở rộng thêm để phát triển kinh tế rừng, vì vậy tiến độ trồng rừng tăng so cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác 9 tháng năm 2021 ước đạt 21.913 m3, tăng 50,3% hay tăng 7.333 m³ so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm giảm 2,54%, quý III tăng 268,14%), sản lượng khai thác gỗ tăng do một số diện tích rừng trồng sản xuất đến tuổi khai thác; sản lượng củi khai thác ước đạt 550.489 Ste, tăng 1,41% hay tăng 7.634 Ste (6 tháng đầu năm tăng 0,29%, quý III tăng 3,53%).
Trong 9 tháng năm 2021 toàn tỉnh có 47 ha diện tích rừng bị thiệt hại (6 tháng đầu năm thiệt hại 41 ha, quý III thiệt hại 6 ha), bao gồm: Diện tích rừng bị cháy 35 ha (với 15 vụ cháy, tăng 12 vụ so cùng kỳ năm trước); diện tích rừng bị chặt, phá 6 ha (với 54 vụ, tăng 9 vụ so cùng kỳ năm trước).
3. Thủy sản
Sản xuất thủy sản tháng 9 phát triển ổn định, các hộ nuôi trồng thủy sản tập trung chăm sóc diện tích nuôi trồng và khai thác, tận thu những diện tích nuôi thả ở ruộng, diện tích thả gối vụ từ cuối năm 2020. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt còn thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt.
Trong 9 tháng năm 2021, ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh ít chịu tác động của thời tiết; mực nước trên các ao, hồ, sông, suối tương đối ổn định tạo điều kiện cho các loại thủy sản phát triển, bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng các loại thủy sản ngày càng lớn, giá bán ổn định. Vì vậy, đã khuyến khích các hộ nuôi trồng mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô nuôi thủy sản bằng lồng bè, bể, bồn, tận dụng mọi khả năng sẵn có địa phương như sông, suối, ao, hồ để đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tổng diện tích nuôi trồng 9 tháng năm 2021 ước đạt 356 ha, tăng 1,1% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 438 tấn, tăng 9,54% hay tăng 39 tấn so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm tăng 15,69%, quý III tăng 1,19%) trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 342 tấn, tăng 8,19% hay tăng 26 tấn (6 tháng đầu năm tăng 13,29%, quý III tăng 1,11%); sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 96 tấn, tăng 15,66% hay tăng 13 tấn (6 tháng đầu năm tăng 25,25%, quý III tăng 1,49%) so với cùng kỳ năm trước.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 ước tính giảm 7,27% so với cùng kỳ năm trước (IIP quý I giảm 3,34%; quý II giảm 1,08%; quý III giảm 13,96% so với cùng kỳ năm trước). Do chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh khiến cho việc vận chuyển nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và xuất hàng hóa đi các tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 9/2021 ước tính tăng 6,25% so với tháng trước và giảm 6,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 17,9%; ngành chế biến, chế tạo giảm 13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,27%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,83% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 7,27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành chế biến, chế tạo giảm 10,34%, số giảm chủ yếu ở ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 21,35% và ngành sản xuất kim loại giảm 12,27% do thiếu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, sản phẩm sản xuất phải cạnh tranh thị trường với các sản phẩm nhập từ tỉnh khác và một số nhà máy phải ngừng hoạt động bảo dưỡng dây chuyền sản xuất vì vậy số lượng sản phẩm sản xuất ra giảm; ngành khai khoáng giảm 9,16%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 4,17%; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,22%.
Các sản phẩm sản xuất 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020: Đường tăng 19,94%; cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt thép tăng 13,4%; điện thương phẩm tăng 3,8%; nước uống được tăng 1,22%. Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Xi măng giảm 50,82%; cát tự nhiên giảm 47,84%; chiếu trúc, tre giảm 33,65%; sản phẩm in khác giảm 19,17%; gạch xây giảm 16,04%; sắt thép không hợp kim (phôi thép) giảm 12,46%; đá xây dựng giảm 8,07%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 6,94%; điện sản xuất giảm 5,65%...
III. HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động lớn của dịch Covid-19, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, chi phí sản xuất tăng, một số doanh nghiệp phải thay đổi hình thức, ngành nghề kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế. Trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 14,29% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và rút lui khỏi thị trường tăng lên đáng kể. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2021 khả quan hơn quý III/2021.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Tính đầu năm đến ngày 16/9/2021, có 108 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 536,01 tỷ đồng, giảm 14,29% về số doanh nghiệp; giảm 50,09% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020 và đăng ký hoạt động cho 77 đơn vị trực thuộc (12 chi nhánh, 5 văn phòng đại diện, 60 địa điểm kinh doanh). Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp là 4,96 tỷ đồng, giảm 41,78% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 35 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 125 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm: 61 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 64 doanh nghiệp giải thể.
2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Về tình hình sản xuất kinh doanh, có 50% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2021 khó khăn hơn quý II/2021; 50% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV/2021 so với quý III/2021, có 66,67% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng tốt lên; 33,33% dự báo tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 66,67% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2021 giảm so với quý II/2021; 33,33% số doanh nghiệp cho rằng khối lượng sản xuất ổn định. Xu hướng quý IV/2021 so với quý III/2021, có 66,67% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 33,33% số doanh nghiệp dự báo ổn định.
Về đơn đặt hàng, có 66,67% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III/2021 giảm so với quý II/2021; 33,33% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý IV/2021 so với quý III/2021, có 66,67% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 33,33% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng ổn định.
Về giá bán bình quân, có 16,67% số doanh nghiệp có giá bán bình quân quý III/2021 tăng so với quý II/2021; 83,33% số doanh nghiệp có giá bán bình quân ổn định. Xu hướng quý IV/2021 so với quý III/2021, 100% doanh nghiệp giữ nguyên giá bán bình quân.
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng năm 2021 theo giá hiện hành giảm 21,81% so với cùng kỳ năm 2020, là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm gần đây. Vốn đầu tư trong 9 tháng năm 2021 giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các công trình đầu tư công bị đình trệ, các doanh nghiệp kinh doanh giảm sút, không có vốn để tiếp tục đầu tư.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III năm 2021 theo giá hiện hành ước thực hiện được 1.440,58 tỷ đồng, tăng 13,42% so với quý trước và giảm 42,71% so với cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước thực hiện được 4.063,12 tỷ đồng, giảm 21,81% so với cùng kỳ năm 2020. Bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 2.589,44 tỷ đồng, giảm 22,61%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 1.473,62 tỷ đồng giảm 20,32%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 0,06 tỷ đồng, giảm 88,91%.
Trong vốn đầu tư khu vực Nhà nước, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước ước thực hiện 1.336,89 tỷ đồng, giảm 26,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 1.282,82 tỷ đồng, giảm 31,02%.
Nhìn chung, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên cả nước, tỉnh Cao Bằng tuy chưa có ca mắc nhưng vẫn bị ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Các tổ chức doanh nghiệp, dân cư đầu tư cho sản xuất kinh doanh giảm. Đồng thời, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến việc thi công các công trình, làm giảm tiến độ thi công.
Tỉnh Cao Bằng là một trong những tỉnh có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với cả nước. Khối lượng thực hiện trong 9 tháng đầu năm chủ yếu của một số dự án: Hỗ trợ kinh doanh nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Kè bờ trái sông Hiến, kè sạt lở, ổn định dân cư bờ trái Sông Bằng – Thành phố Cao Bằng; Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn -Tiểu dự án tỉnh Cao Bằng; Kè chống sạt lở sông Bằng, bảo vệ khu dân cư thị trấn Nước Hai; Kè chống sạt lở ổn định dân cư Cao Bình, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng và phố đi bộ ven sông Bằng.
Phân bổ vốn đầu tư công hiện nay còn hạn hẹp, chưa đáp ứng đủ yêu cầu về vốn, công tác giải phóng mặt bằng chưa đền bù kịp thời do thiếu vốn và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thi công chậm.
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Trong 9 tháng năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định ở một số ngành thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 7,70%. Các ngành như: lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận tải hành khách… tiếp tục gặp khó khăn.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2021 ước đạt 728,25 tỷ đồng, tăng 1,54% so với tháng trước và giảm 5,36% so với cùng kỳ năm trước. Quý III năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.166,53 tỷ đồng, tăng 2,66% so với quý trước, giảm 3,53% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.461,46 tỷ đồng, tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 5.300,91 tỷ đồng, tăng 7,70% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng tăng cao so với cùng kỳ như: lương thực, thực phẩm tăng 9,56%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 11,34%; xăng, dầu các loại tăng 21,97%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 28,32%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,17%; hàng hóa khác tăng 7,77%; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 8,25%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 805,05 tỷ đồng, giảm 4,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 54,56 tỷ đồng, giảm 15,01%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 750,49 tỷ đồng, giảm 4,1%.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 2,54 tỷ đồng, giảm 39,21% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du dịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, kể từ 24/7/2021 tỉnh tạm dừng đón khách du lịch ngoài tỉnh.
Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 352,96 tỷ đồng, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước. Các loại hình dịch vụ duy trì ổn định, đảm bảo phục vụ cho nhu cầu của người dân.
2. Hoạt động xuất, nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý 9 tháng năm 2021 ước tính đạt 495,1 triệu USD tăng 70,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 99,1 triệu USD tăng 202% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đạt 234,5 triệu USD tăng 52% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan đạt 161,5 triệu USD tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng thủy sản ước đạt 63 triệu USD tăng 3%; hàng rau quả ước đạt 26 triệu USD tăng 68%; nhân hạt điều ước đạt 85,9 triệu USD tăng 57%; cà phê ước đạt 0,656 triệu USD tăng 22%, hạt tiêu ước đạt 21,8 triệu USD tăng 48%; gỗ ước đạt 6,5 triệu USD tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Than các loại 34,2 triệu USD tăng 75%; gỗ và sản phẩm gỗ 0,43 triệu USD tăng 20%; vải các loại 17,9 triệu USD tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.
3. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2021 giảm 0,71% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm do có 05/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giảm. Trong đó, giảm nhiều nhất ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,12% chủ yếu do giá thịt lợn giảm; tiếp đến là nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,44%; nhóm may mặc, giày dép mũ nón giảm 0,28%; nhóm giao thông giảm 0,16%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,09%.
Bên cạnh đó, trong tháng có 05 nhóm hàng hóa dịch vụ có chỉ số giá tăng: nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,24%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,03%; nhóm giáo dục tăng 0,17%; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,02%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2021 giảm 0,91% so với tháng 12/2020 và giảm 2,40% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 9 năm 2021 tăng 0,23% so với tháng trước, giảm 3,76% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 9 tháng tăng 10,93% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 9 năm 2021 giảm 0,59% so với tháng trước, giảm 1,67% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 1,03% so với cùng kỳ năm trước.
4. Hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 năm 2021 ước đạt 23,66 tỷ đồng, tăng 9,35% so với tháng trước, giảm 0,57% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý III năm 2021 ước đạt 65,66 tỷ đồng, giảm 9,2% so với quý trước và giảm 2,53% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng năm 2021, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 218,62 tỷ đồng, tăng 10,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách giảm 4,12%; doanh thu vận tải hàng hóa tăng 19,84%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 43,18%.
Vận tải hành khách
Dự ước tháng 9 năm 2021 số lượt hành khách vận chuyển đạt 85,57 nghìn lượt hành khách, tăng 5,23% so với tháng trước, giảm 28,44% so với cùng kỳ năm trước; số lượt hành khách luân chuyển đạt 4,27 triệu HK.Km tăng 3,88% so với tháng trước, giảm 33,13% so với cùng kỳ.
Vận chuyển hành khách trong quý III năm 2021 ước đạt 247,16 nghìn lượt hành khách, giảm 18,02% so với quý trước, giảm 28,56% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hành khách ước đạt 12,45 triệu HK.Km, giảm 29,77% và giảm 33,08%.
Vận tải hành khách trong 9 tháng năm 2021 ước tính số lượt vận chuyển đạt 975,01 nghìn hành khách và số lượt luân chuyển đạt 55,42 triệu HK.Km, so với cùng kỳ năm trước giảm 8,49% số hành khách vận chuyển và giảm 4,47% số hành khách luân chuyển.
Vận tải hàng hoá
Dự ước khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 9 năm 2021 đạt 133,61 nghìn tấn hàng hóa, tăng 16,44% so với tháng trước, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 4,29 triệu tấn.km, tăng 16,33% so với tháng trước, tăng 30,66% so với cùng kỳ.
Quý III năm 2021, vận chuyển hàng hóa ước đạt 349,88 nghìn tấn hàng hóa, giảm 12,78% so với quý trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển hàng hóa ước đạt 11,24 triệu tấn.km, giảm 0,59% và tăng 17,84%.
Tính chung 9 tháng năm 2021, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 1.417,95 nghìn tấn hàng hóa, tăng 11,73%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 33,34 triệu tấn.km, tăng 19,79% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG
1. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2021 đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/9/2021 đạt 1.097.677 triệu đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 919.739 triệu đồng, tăng 19%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 174.938 triệu đồng, tăng 66%. Trong thu nội địa, ngành thuế thu 854.875 triệu đồng, chiếm 92,95% tổng thu và tăng 15%; thu khác ngân sách 64.865 triệu đồng, chiếm 7,05% và tăng 154% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/9/2021 đạt 4.588.043 triệu đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 3.867.399 triệu đồng, giảm 8%; chi đầu tư phát triển 718.439 triệu đồng, giảm 49%; chi trả nợ lãi 905 triệu đồng, tăng 115%; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 1.300 triệu đồng.
2. Hoạt động tín dụng ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Nguồn vốn huy động tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, cơ cấu nguồn vốn ổn định, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng cao và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-10%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 30/9/2021 đạt 24.548 tỷ đồng, tăng 3,1% hay tăng 747 tỷ đồng so đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 21.393 tỷ đồng, chiếm 87,1% tổng nguồn vốn và tăng 2,5% hay tăng 521 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.155 tỷ đồng, chiếm 12,9% tổng nguồn vốn, tăng 3,6% hay tăng 226 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 30/9/2021 ước đạt 12.433 tỷ đồng, giảm 75 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 100 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ và tăng 23,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Nợ xấu tăng so với đầu năm do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước đã tác động lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiều khách hàng chưa phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Giải quyết việc làm và dạy nghề
Trong 9 tháng năm 2021, số lao động được đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 20 người; số lao động được cung ứng, giới thiệu việc làm 390 người; số lao động được tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm 1.020 người.
Công tác đào tạo nghề và dạy nghề trong 9 tháng năm 2021 đạt được như sau: Tiếp tục duy trì đào tạo số học viên từ năm trước chuyển sang 1.383 người, trong đó trình độ Cao đẳng là 63 người, trình độ Trung cấp nghề 1.063 người, trình độ sơ cấp 257 người. Tuyển mới được 3.024 người, trong đó trình độ Trung cấp 168 người; trình độ Sơ cấp 3.063 người.
2. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Tình hình đời sống dân cư
Trong 9 tháng năm 2021, tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cơ bản ổn định, nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đời sống dân cư bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nên việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhìn chung chưa được cải thiện do chưa có điều chỉnh mới về mức lương cơ bản. Đời sống dân cư ở khu vực nông thôn cơ bản ổn định, nông dân tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản. Lao động nông thôn không bị ảnh hưởng quá nhiều của dịch Covid-19 lên quá trình sản xuất nhưng do một số nông sản mất giá như: cà chua, cải bắp, bí xanh... gây ảnh hưởng đến một số hộ ở vùng sản xuất với số lượng lớn. Bên cạnh đó, dịch bệnh đối với đàn trâu, bò và lợn; giá thịt lợn hơi giảm đã làm ảnh hưởng đến đời sống của người chăn nuôi.
Công tác an sinh xã hội
Chính quyền địa phương và các đoàn thể thành lập các đoàn đi thăm, chúc Tết và tặng quà cho hộ nghèo, các trung tâm đang nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ của tỉnh và tặng quà cho các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,... sống tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh là 20.776 suất quà với tổng giá trị 9.633 triệu đồng. Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, thăm và tặng quà của Chủ tịch nước cho các đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng là 17.568 người với tổng số tiền là 5,72 tỷ đồng. Dịp kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021) thăm và tặng 18.303 xuất quà với tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng cho các đối tượng có công và thân nhân liệt sỹ.
Trợ cấp đột xuất cho những hộ bị cháy nhà, thiên tai, dịch bệnh... trong 9 tháng đầu năm 2021 với tổng số tiền trên 219 triệu đồng.
Cấp phát 1.440,06 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán và cứu đói giáp hạt năm 2021 cho 10/10 huyện, thành phố với 23.141 hộ, 96.004 khẩu.
Số BHYT/sổ/thẻ/giấy khám chữa bệnh cấp miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số sống tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là: 360.159 thẻ.
3. Giáo dục đào tạo
Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được các cấp, các ngành quan tâm. Toàn tỉnh tiếp tục duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại 10/10 huyện, thành phố, 161/161 xã đạt chuẩn mức độ 1 trở lên; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Tỉnh Cao Bằng được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 từ tháng 12 năm 2020.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh có 155 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Trong kỳ, toàn ngành Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 đúng kế hoạch. Triển khai dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới khối lớp 1 đạt hiệu quả; tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thực hiện tốt tuyển sinh các lớp đầu cấp học. Đồng thời, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 – 2022; rà soát, tuyển chọn giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ dạy học lớp 2 và lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới.
4. Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm
Dịch Covid-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tại tỉnh Cao Bằng công tác phòng, chống dịch vẫn đang được kiểm soát tốt. Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận, phát hiện trường hợp nào mắc Covid-19. Tất cả các trường hợp đang thực hiện cách ly đều chưa có biểu hiện viêm đường hô hấp, sức khỏe ổn định.
Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19: Từ ngày 16/4/2021-22/9/2021, toàn tỉnh có 148.743 đã được tiêm vắc-xin, trong đó có 99.499 người tiêm mũi 1, 49.244 người tiêm đủ 2 mũi.
Trong 9 tháng năm 2021, không ghi nhận các dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh nguy hiểm tại địa phương như: Cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), bệnh do vi rút Zika, Sốt xuất huyết, Viêm màng não do não mô cầu, MERS-CoV... Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch có xu hướng giảm so với năm trước, ghi nhận các ca bệnh lưu hành như: Bệnh do Adeno virus 315 ca mắc, Cúm thông thường 4.811 ca mắc, Quai bị 34 ca mắc, Thuỷ đậu 175 ca mắc, Tiêu chảy 2.663 ca mắc, Tay - Chân - Miệng 15 ca mắc, các trường hợp mắc không có tử vong.
Ngoài ra ghi nhận 04 ca Ho gà dương tính, không có tử vong; 10 ca Rubella lâm sàng, không có tử vong; 05 ca Sởi lâm sàng, không có tử vong; Ghi nhận 01 ca viêm não Nhật Bản dương tính tại Thái Học, Bảo Lâm; 03 ca Uốn ván sơ sinh tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Hà Quảng, tử vong cả 03 ca.
Phát hiện 40 trường hợp nhiễm HIV mới, không có trường hợp mới chuyển sang giai đoạn AIDS, 13 người HIV/AIDS mới tử vong; 121/161 xã/phường/thị trấn có người nhiễm HIV. Duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, cho 1.524 người.
Trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm làm 29 người mắc, có 02 trẻ tử vong.
5. Hoạt động văn hóa, thể thao
Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương như: các hoạt động Kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941-28/01/2021), gắn với Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Cao Bằng (21/02/1961-21/02/2021); Kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930-3/02/2021) và mừng Xuân Tân Sửu 2021; các hoạt động tuyên truyền về bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2021-2026; Kỷ niệm 76 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2021); Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021)... Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 các hoạt động cơ bản bị tạm dừng, hoãn, giảm quy mô tổ chức.
Tổ chức Lễ phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 – 2030 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2021. Tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Cao Bằng lần thứ X năm 2021. Công tác đào tạo thể thao được tổ chức tốt theo kế hoạch. Trong 9 tháng năm 2021, tổ chức giải thể thao cấp tỉnh được 06 giải, tham gia 08 giải khu vực và toàn quốc; Số huy chương các loại đạt 19 huy chương (trong đó 7 huy chương thuộc giải toàn quốc và 12 huy chương thuộc giải khu vực).
6. Tình hình trật tự, an toàn xã hội
Tình hình an toàn giao thông
Từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 14 tháng 9 năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 04 người chết, 03 người bị thương, giá trị tài sản thiệt hại ước tính 80 triệu đồng.
Tính lũy kế từ đầu năm, tai nạn giao thông xảy ra 40 vụ, làm 23 người chết, 46 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2020 tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí: giảm 15 vụ, giảm 06 người chết, giảm 16 người bị thương. Tài sản thiệt hại 2.280 triệu đồng.
Tình hình an toàn cháy, nổ
Trong tháng 9 năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ cháy, nổ xảy ra. Trong 9 tháng, xảy ra 19 vụ cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 2.992 triệu đồng.
Vi phạm môi trường
Trong tháng 9 năm 2021 ngành chức năng đã phát hiện 14 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 19 vụ với số tiền xử phạt là 78,7 triệu đồng. Tính chung 9 tháng năm 2021, số vụ vi phạm môi trường là 120 vụ, đã xử lý 76 vụ với số tiền xử phạt là 642,5 triệu đồng.
7. Thiệt hại do thiên tai
Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 17 vụ thiên tai do rét đậm, rét hại, gió lốc, sét đánh. Thiên tai đã làm bị thương 01 người, 03 người chết, 756 ngôi nhà bị tốc mái và hư hại; 361,87 lúa và hoa màu bị thiệt hại; làm chết 60 con gia súc các thiệt hại khác như đường giao thông bị sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 8.266 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền, công lao động đối với những gia đình bị thiệt hại./.
Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng