1. Tình hình chung:
Tháng 6 năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 58.382 tỷ đồng tăng 2,8% so với tháng 5 năm 2009 và tăng 8,2% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,5%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,9% so với cùng kỳ (trong đó dầu khí tăng 8%, các ngành khác tăng 7,9%).
Tính chung sáu tháng đầu năm 2009 GTSXCN ước đạt 324.249 tỷ đồng tăng 4,8% so với cùng kỳ (thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đề ra của cả năm là 16,5%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,5%, chiếm trọng 23,4% toàn ngành; khu vực ngoài quốc doanh tăng 7,6%, chiếm tỷ trọng 35,8% toàn ngành; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5% (trong đó dầu khí tăng 13,9%, các ngành khác tăng 3,3%) chiếm tỷ trọng 40,4% toàn ngành. Tính theo cấp quản lý: công nghiệp trung ương tăng 3,1%, công nghiệp địa phương tăng 3,3%.
Theo phân ngành kinh tế cấp I: công nghiệp khai thác mỏ tăng 8,6% chiếm tỷ trọng 6,3%; công nghiệp chế biến tăng 4,4% chiếm tỷ trọng 88,4%; sản xuất, phân phối điện, nước, gas tăng 8,1% chiếm tỷ trọng 5,3%.
Sáu tháng đầu năm 2009 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: dầu thô khai thác tăng 17,9%, khí đốt thiên nhiên tăng 3,7%, khí hóa lỏng (LPG) tăng 4,5%, bia tăng 6,6%, thuốc lá điếu tăng 14,6%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 3,7%, giày dép ủng bằng giả da cho người lớn tăng 15,6%, xà phòng giặt tăng 7,4%, xi măng tăng 24,1%, gạch xây bằng đất nung tăng 0,3%, thép tròn các loại tăng 12,6%, điều hoà nhiệt độ tăng 44,7%, tủ lạnh, tủ đá tăng 16,1%, máy giặt tăng 3,5%, tivi tăng 4,8%, xe máy tăng 2,1%, điện sản xuất tăng 7,9%, nước máy thương phẩm tăng 10,2% so cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ có than sạch đạt 97,9%, thuỷ hải sản chế biến đạt 91,5%, dầu thực vật tinh luyện đạt 98,2%, sữa bột đạt 88,5%, đường kính đạt 80,1%, vải dệt từ sợi bông đạt 76,8%, quần áo mặc thường cho người lớn đạt 79,6%, giày thể thao đạt 99,4%, giấy, bìa các loại đạt 76,5%, phân hóa học đạt 99,7%, sơn hoá học đạt 94,6%, lốp ô tô, máy kéo đạt 85,4%, kính thuỷ tinh đạt 93,9%, gạch lát ceramic đạt 82,6%, bình đun nước nóng đạt 70,8%, ô tô đạt 81,4% trong đó xe tải đạt 93,2% so cùng kỳ.
Theo vùng lãnh thổ sáu tháng đầu năm 2009 nhiều tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: Tp. Hà Nội tăng 3,9%; Hải Phòng tăng 6,9%; Quảng Ninh tăng 11,5%; Thanh Hóa tăng 6,8%; Khánh Hoà tăng 7,5%; Tp. Hồ Chí Minh tăng 3,8%; Bình Dương tăng 6,1%; Đồng Nai tăng 7,1%; Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 10,6%; Cần Thơ tăng 7,5%.
Một số tỉnh, thành phố giảm so cùng kỳ gồm: Vĩnh Phúc đạt 87,9%; Hải Dương đạt 95,6%; Phú Thọ đạt 94,7%; Đà Nẵng đạt 96,3% so cùng kỳ.
Đối với ngành xây dựng có tốc độ tăng trưởng khá một phần do các dự án kích cầu của Chính phủ và giá sắt thép, xi măng ổn định, sáu tháng đầu năm giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá thực tế) tăng 16,2%.
Một số nhận xét về tình hình sản xuất kinh doanh công nghiệp:
Tháng sáu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn các tháng trước đạt 8,2% so cùng kỳ (tháng 5 tăng 6,8%, tháng 4 tăng 5,4%) thể hiện xu thế phục hồi tăng trưởng của ngành công nghiệp.
Tuy nhiên so với mức tăng trưởng của năm trước (tháng 6/2008 đạt mức tăng trưởng 17,1%) thì mức tăng của năm nay vẫn ở mức thấp do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng thấp; theo phân ngành kinh tế cấp 1, ngành khai khoáng và sản xuất, phân phối điện, nước, gas có tốc độ tăng trưởng khá, trong khi công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn chỉ tăng trưởng ở mức thấp do nhu cầu giảm.
Về các sản phẩm công nghiệp đáng lưu ý là dầu thô đạt mức tăng cao, các sản phẩm xi măng, thép xây dựng tăng khá để đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, đồng thời việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm thép xây dựng đã có tác động tích cực giúp các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh được với thép nhập khẩu.
Về giá cả các mặt hàng công nghiệp: hiện nay giá dầu thô đang lên cao so với các tháng đầu năm (hiện ở mức 70 USD/thùng) tạo điều kiện tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng thu ngân sách, tuy nhiên việc giá dầu tăng cao cũng tạo áp lực tăng giá xăng dầu trong nước (xăng A92 lên 13.500 đ/lít) ảnh hưởng đến việc tăng chi phí vận tải và giá thành các mặt hàng sản xuất trong nước, giá sắt thép và ximăng vẫn giữ ở mức ổn định.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước sáu tháng đầu năm 2009 ước đạt 27,6 tỷ USD giảm 10,1% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD giảm 7,6% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 8,3 triệu tấn tăng 23,5%; than đá đạt 11,9 triệu tấn giảm 9,4%; hàng dệt may đạt 4 tỷ USD giảm 1,3%; hàng giày dép đạt 2 tỷ USD giảm 8,7%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 1,1 tỷ USD giảm 5,4%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 389 triệu USD giảm 23,4%; dây và cáp điện đạt 308 triệu USD giảm 39%; sản phẩm nhựa đạt 362 triệu USD giảm 16,2%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 802 triệu USD giảm 4%; sắt thép và sản phẩm thép đạt 409 triệu USD giảm 76%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 2,6 tỷ USD tăng trên 7,3 lần.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước sáu tháng đầu năm 2009 ước đạt 29,7 tỷ USD giảm 34% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 10,5 tỷ USD giảm 24% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt gần 6,9 triệu tấn giảm 3,6%; phân bón đạt 2,2 triệu tấn (trong đó phân ure 706 nghìn tấn) giảm 0,5%; thép các loại đạt 4 triệu tấn (trong đó phôi thép 1,1 triệu tấn) giảm 55%; bông các loại đạt 109 nghìn tấn giảm 26%; sợi các loại đạt 240 nghìn tấn tăng 16,5%; ôtô nguyên chiếc đạt hơn 23 nghìn chiếc giảm 48%; linh kiện ôtô đạt 574 triệu USD giảm 48%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 57,8 nghìn chiếc giảm 30%; linh kiện xe máy đạt 230 triệu USD giảm 26%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1 triệu tấn tăng 10%; giấy các loại đạt 456 nghìn tấn giảm 18%, máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 5,3 tỷ USD giảm 19% so cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong sáu tháng đầu năm 2009 giảm chủ yếu là do nhu cầu trong nước giảm cả về nguyên, nhiên liệu sản xuất (xăng dầu, phân bón, thép, bông, giấy các loại), máy móc thiết bị và phụ tùng, hàng tiêu dùng (ôtô, xe máy nguyên chiếc, phụ tùng). Nguyên nhân chủ yếu do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất và tiêu dùng của thị trường trong nước. Tuy nhiên, có một số nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất có dấu hiệu tăng như nhập khẩu sợi, chất dẻo nguyên liệu cho thấy nền kinh tế đang có sự dịch chuyển theo chiều hướng tốt.
3. Tình hình cụ thể một số ngành công nghiệp chủ yếu:
- Tháng 6 năm 2009 sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 1,41 triệu tấn giảm 0,4% so với tháng 5/2009 nhưng tăng 17,9% so với cùng kỳ, lũy kế sáu tháng đầu năm dầu thô khai thác ước đạt 8,67 triệu tấn tăng 17,9% so với cùng kỳ.
- Than đá sản xuất sáu tháng đầu năm ước đạt gần 21,2 triệu tấn giảm 2,1% so với cùng kỳ.
- Điện sản xuất sáu tháng đầu năm đạt 37,4 tỷ kwh tăng 7,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp so với các năm trước (thường ở mức 12-15%) chủ yếu do nhu cầu không tăng nhiều vì ảnh hưởng của việc cắt giảm sản xuất của các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện như: luyện thép, hóa chất, dệt may, cơ khí.
- Phân hóa học sáu tháng đầu năm sản xuất ước đạt 1,25 triệu tấn giảm 0,3% so cùng kỳ.
- Thép tròn các loại sáu tháng đầu năm sản xuất đạt 2,17 triệu tấn tăng 12,6% so cùng kỳ.
- Xi măng sản xuất trong nước tăng khá, sáu tháng đầu năm ước đạt 21,8 triệu tấn tăng 24,1% so cùng kỳ.
4. Về ước cả năm ngành công nghiệp:
Trên cơ sở tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và triển vọng tiếp tục tăng trưởng khá vào 6 tháng cuối năm (thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi) dự kiến GTSXCN cả năm ước đạt 689.457 tỷ đồng tăng 6,5% so với thực hiện năm 2008, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 3%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 8,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,1%. Theo ngành kinh tế cấp I: công nghiệp khai thác dự kiến tăng 3,9%, công nghiệp chế biến tăng 6,6%, công nghiệp điện nước gas tăng 8,6%.
Dự kiến sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chính như sau: dầu thô khai thác dự kiến đạt 16 triệu tấn tăng 7,4% (trường hợp các mỏ dầu tiếp tục duy trì tốc độ khai thác như hiện nay thì khả năng sản lượng dầu thô cả năm có thể đạt 17-17,5 triệu tấn tăng 14,6-17,4% so với năm 2008), than sạch khai thác đạt 40,2 triệu tấn tăng 1,1%, khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 8 tỷ m3 tăng 1,3%, bia các loại đạt 2 tỷ lít tăng 10%, thuốc lá điếu đạt 4,9 tỷ bao tăng 12%, vải dệt từ sợi bông đạt 210 triệu m2 giảm 13,3%, vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 830 triệu m2 tăng 4,6%, xi măng đạt 45,5 triệu tấn tăng 13,6%, thép tròn các loại đạt 3,75 triệu tấn tăng 5%, lắp ráp ôtô đạt 80,6 nghìn chiếc giảm 19,5%, điện sản xuất đạt 78,2 tỷ kwh tăng 8,5%.
Đối với ngành xây dựng, giá trị sản xuất (tính theo giá hiện hành) dự kiến tăng 18%.
Như vậy giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp + xây dựng dự kiến tăng trưởng khoảng 8,4% (tỷ trọng công nghiệp/xây dựng khoảng 5/1), GDP công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,7%.
5. Về các kiến nghị, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng năm 2009:
Trong thời gian tới Chính phủ nên thực hiện một số giải pháp sau:
- Về chính sách vĩ mô: tiếp tục ổn định tỷ giá và lãi suất hiện hành, cân đối đủ nhu cầu ngoại tệ để các doanh nghiệp tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư bình thường.
- Về đầu tư: cần đẩy nhanh các biện pháp kích cầu, tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi, vốn ODA để tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong nước; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án FDI (thông qua việc giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư hạ tầng) để kích thích tăng trưởng kinh tế.
- Về kiểm soát thị trường: rà soát lại tình hình nhập khẩu hàng hóa, xây dựng hàng rào thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan để hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, khuyến khích sử dụng hàng sản xuất trong nước. Tiếp tục giữ ổn định giá cả các mặt hàng có tác động lớn đến nền kinh tế như điện, than, xi măng, sắt thép, xăng dầu.
- Về bảo hộ thuế quan: thực hiện việc bảo hộ các doanh nghiệp Việt Nam trong khuôn khổ cam kết hội nhập WTO.
- Về thị trường xuất khẩu: cần tiếp cận và thúc đẩy việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mới như Nga và Đông Âu, Châu Phi, Trung cận đông.
- Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: tiếp tục hỗ trợ về vốn đầu tư, trợ cấp người lao động, thông qua các hiệp hội để xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để các doanh nghiệp đứng vững được trong điều kiện khủng hoảng hiện nay.
File đính kèm: CongNghiepT6.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư