Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 21 tháng 4 năm 2012
1/ Tình hình chung:
Tính chung 03 tháng đầu năm 2012 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp khai thác mỏ tăng 3,2%; công nghiệp chế biến tăng 3,2%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 13,7% so với cùng kỳ.
Một số ngành công nghiệp có mức tăng so với cùng kỳ năm 2011 như: khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 6%; khai thác và thu gom than cứng tăng 0,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 16%; sản xuất bia tăng 4,5%; sản xuất, tập trung và phân phối điện tăng 14,2%, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 20,1%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 15%,...
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: sản xuất sợi và dệt vải giảm 2,2%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 1,5%; sản xuất phân bón và hợp chất nito giảm 5,9%; sản xuất sắt thép giảm 15,8%; sản xuất giầy, dép giảm 6,9%; sản xuất xi măng giảm 10,7%; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 17,6%;
2. Tình hình sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu:
- Một số sản phẩm có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ như: dầu mỏ thô khai thác đạt 4 triệu tấn tăng 10,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 2,42 tỷ m3 tăng 3,9%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 201,2 nghìn tấn tăng 27,8%; thủy hải sản chế biến đạt 373,7 nghìn tấn tăng 13,6%; sữa bột đạt 17,5 nghìn tấn tăng 15,5%; vải dệt từ sợi bông đạt 65,2 triệu m2 tăng 16,7%; giày, dép, ủng giả da cho người lớn đạt 13,9 triệu đôi tăng 15,7%; máy giặt tăng 17,1%; xe máy tăng 17,1%; điện sản xuất tăng 15,1%; nước máy thương phẩm tăng 8,6%.
- Một số sản phẩm có mức giảm so với cùng kỳ như: than đá đạt 11,4 triệu tấn đạt 99,5% so với cùng kỳ; giầy thể thao đạt 73 triệu đôi giảm 4,1%; phân hóa học đạt 527,6 nghìn tấn giảm 9,2%; phân hỗn hợp NPK giảm 8,9%; Sơn hóa học đạt 67,9 nghìn tấn giảm 9,8%; xi măng đạt 12,1 triệu tấn giảm 10,7%; thép tròn các loại đạt 697 nghìn tấn giảm 21,9%; xe ôtô giảm 19%; điều hòa nhiệt độ giảm 80,8%.
- Tính đến 01/3/2012, Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến tăng 34,9% so với cùng kỳ, hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp chế biến đều có chỉ số tồn kho cao hơn so với cùng kỳ; cụ thể như sau: ngành sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 55%; ngành sản xuất sắt, thép tăng 59,1% (nguyên nhân là do thị trường thép, xi măng bị thu hẹp khi thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, giảm nợ công, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi nên nhu cầu xây dựng chưa cao); ngành sản xuất phân bón và hợp chất nito tăng 62,7%; sản xuất bia và mạch nha tăng 48%; sản xuất trang phục tăng 41,4%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 6,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,1%.
3. Tình hình sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực:
a. Ngành điện:
Trong Quý I và những ngày đầu tháng 4, sản lượng điện của các nhà máy thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết để đảm bảo cấp điện đủ cho mùa khô năm 2012; các nguồn nhiệt điện than, tuốc bin khí khai thác theo phụ tải thực tế.
Để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển KT-XH và đời sống nhân dân từ tháng 3 đến tháng 6, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước các hồ thủy điện lớn không giảm quá thấp trước thời điểm 01/6 năm nay, đặc biệt là các hồ thủy điện miền Trung. Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn công nghiệp Than- khoáng sản Việt Nam bố trí kế hoạch hợp lý và rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sữa chữa các tổ máy phát điện; đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn năng lượng điện.
b. Ngành Dầu khí:
Trong Quý I và những ngày đầu tháng 4, công tác thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí ổn định và tăng trưởng khá. Hoạt động tìm kiếm thăm dò được triển khai tích cực, tiến độ khoan ở các giếng khoan thăm dò/thẩm lượng đảm bảo kế hoạch công tác tháng.
c. Ngành thép:
Lượng thép sản xuất các loại quý I đạt khoảng 1,469 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tính đến 01/3/2012, chỉ số tồn kho ngành sản xuất sắt, thép tăng 59,1%, nguyên nhân là do thị trường thép bị thu hẹp khi thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, giảm nợ công, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi nên nhu cầu xây dựng chưa cao.
Giá bán thép trong những tháng qua không có biến động nhiều. Hiện tại giá bán tại nhà máy của Tổng công thép đối với thép tròn 16,155-17 triệu đồng/tấn, thép cuộn phi 6 từ 16,15-17,1 triệu đồng/tấn.
d. Ngành phân bón, hóa chất:
Sản lượng phân bón quý I năm 2012 giảm so với cùng lỳ do nhu cầu thị trường trầm lắng, thời tiết lạnh diễn biến kéo dài. Sản lượng Phân hóa học đạt 527,6 nghìn tấn giảm 9,2%; phân hỗn hợp NPK giảm 8,9%; Sơn hóa học đạt 67,9 nghìn tấn giảm 9,8%. Nhập khẩu phân Ure giảm 64,7% do nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức đi vào sản xuất từ tháng 01/2012.
Giá bán nhiều loại phân bón có xu hướng tăng trở lại do chuẩn bị bước vào vụ sản xuất lúa hè thu, đồng thời là do việc tăng giá xăng dầu dẫn đến các chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao. Hiện nay, giá phân Ure Phú Mỹ 10.200-10.400 đồng/kg, giá NPK 20-20-15 có giá từ 14.800-16.000 đồng/kg.
e. Ngành dệt may, da giầy:
Quý I năm 2012, vải dệt từ sợi bông đạt 65,2 triệu m2 tăng 16,7%; giày, dép, ủng giả da cho người lớn đạt 13,9 triệu đôi tăng 15,7%; giầy thể thao đạt 73 triệu đôi giảm 4,1%.
Một số thị trường dệt may có xu hướng giảm do thị trường xuất khẩu dệt may sang các nước EU giảm từ 25-30% so với cùng kỳ năm 2011, các nhà nhập khẩu EU chuyển dần những đơn hàng từ Việt Namsang Campuchia, Lào nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10%; mặt khác, nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm.
f. Ngành giấy:
Quý I năm 2012, sản phẩm giấy bìa các loại đạt 441,9 nghìn tấn, giảm 1% so với cùng kỳ. Ngành giấy trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giấy nhập khẩu. Khả năng cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều yếu tố như bột giấy, hóa chất; chủ yếu doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa chủ động được về nguyên liệu bột giấy.
4. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 8,6 tỷ USD, giảm 9,3% so với tháng 3, nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp đều giảm như than đá, dầu thô, xăng dầu các loại, cao su, sản phẩm nhựa,...
Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng năm 2012 ước đạt 33,4 tỷ USD tăng 22,1% so với cùng kỳ; trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 18,29 tỷ USD tăng 44%.
Tình hình xuất khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 2,4 triệu tấn giảm 14,7% về lượng và giảm 3% về kim ngạch; than đá đạt 4,3 triệu tấn giảm 5,5% về lượng và giảm 12,3% về kim ngạch; xăng dầu các loại ước đạt 763 nghìn tấn và tăng 13,3% về kim ngạch; sản phẩm hoá chất ước đạt 112 triệu USD giảm 36,4%; sản phẩm nhựa ước đạt 499 triệu USD tăng 25,7%; hàng dệt may đạt 4,4 tỷ USD tăng 14,7%; hàng giày dép đạt 1,97 tỷ USD tăng 9,3%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 2,14 tỷ USD tăng 98,6%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 455 triệu USD tăng 18,2%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 1,65 tỷ USD tăng 58,2%; sắt thép đạt 542 nghìn tấn giảm 13% về lượng và giảm 16,4% về kim ngạch; sản phẩm thép đạt 438 triệu USD tăng 47% so với cùng kỳ.
Như vậy một số mặt hàng công nghiệp chế biến như sản phẩm hóa chất, nhựa, sắt thép giảm nhưng các sản phẩm chủ lực như dệt may, da giầy, điện tử , máy móc thiết bị và phụ tùng, sản phẩm thép vẫn tăng khá, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 9 tỷ USD, mức tăng tương đương so với tháng 3/2012.Tính chung 4 tháng năm 2012 ước đạt 33,58 tỷ USD tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 17,4 tỷ USD tăng 25,9% so với cùng kỳ.
Tình hình nhập khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 2,74 triệu tấn giảm 33,6% về lượng và giảm 21,9% về kim ngạch; khí đốt hoá lỏng đạt 137 nghìn tấn giảm 51,1% về lượng và giảm 44,6% về kim ngạch; phân bón các loại đạt 838 nghìn tấn giảm 35,1% về lượng và giảm 22,4% về kim ngạch (trong đó: phân ure đạt 74 nghìn tấn giảm 73,1% về lượng và giảm 70,9% về kim ngạch do nhà máy Đạm Cà Mau đã đi vào sản xuất); sắt thép các loại đạt 2,5 triệu tấn tăng 5,7% về lượng và tăng 2,9% về kim ngạch (trong đó phôi thép ước đạt 137 nghìn tấn giảm 66,7% về lượng); ôtô nguyên chiếc đạt 9.117 nghìn chiếc giảm 57,6% về lượng; linh kiện phụ tùng ôtô đạt 514 triệu USD giảm 20,3%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 14.613 nghìn chiếc giảm 46,4% về lượng; giấy các loại đạt 368 nghìn tấn tăng 7,6% về lượng; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 4,6 tỷ USD giảm 0,8% về kim ngạch; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 945 triệu USD tăng 2,7% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Nhập siêu 4 tháng đầu năm đạt 0,18 tỷ USD bằng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở mức này đã đáp ứng được yêu cầu về giảm dần nhập siêu, tuy nhiên, có thể do sản xuất giảm nên nhập khẩu nguyên liệu giảm, hoặc do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng giảm.
Đánh giá tình hình nhập khẩu hàng công nghiệp cho thấy khá nhiều mặt hàng giảm như xăng dầu, khí hóa lỏng, phân bón, phôi thép khi thị trường trong nước suy giảm và một phần do các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất đáp ứng một phần nhu cầu các mặt hàng này; ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô, xe máy đều giảm là dấu hiệu cho thấy tiêu dùng sụt giảm (một phần do các chính sách đề xuất tăng phí và lệ phí tham gia giao thông, nạn tắc đường thường xuyên tại Hà nội và Tp. Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng).
5. Tình hình thực hiện và kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ:
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ Bộ Công thương đã ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương kèm theo Quyết định số 433/QĐ-BCT ngày 18/01/2012 và Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 22/02/2012 nhằm triển khai thực hiện Nghị Quyết.
Về nội dung kết quả thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Bộ Công Thương, đề nghị Quý đơn vị tham khảo nội dung công văn số 2814/BCT-KH ngày 04/4/2012 của Bộ Công thương về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (công văn này đã được văn phòng Bộ in sao và gửi tới Quý Vụ).
Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch KTXH và dự toán NSNN năm 2012, đồng thời thực hiện việc tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm của các Tập đoàn kinh tế, một số Tập đoàn kinh tế đã có cam kết mức cắt giảm như sau: Tập đoàn Điện lực Việt Nam cắt giảm 1.800 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cắt giảm 3.715 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam cắt giảm 986 tỷ đồng; Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiết giảm 178,6 tỷ đồng.
6.Về các giải pháp, kiến nghị:
- Tiếp tục giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải ngân các dự án. Các dự án được giao vốn năm 2012 (gồm ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ) cần khẩn trương thực hiện theo tiến độ để đảm bảo nhu cầu đầu tư của các dự án cấp bách cần hoàn thành trong năm 2012 và chuẩn bị cho các năm tiếp theo.
- Thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
- Các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng,...; một số sản phẩm tiêu dùng như sản phẩm may mặc, giày dép, sữa, dầu thực vật,...và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện,...
- Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được, đồng thời thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.
- Tiếp tục có chính sách nhằm giảm lãi suất cho vay để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./.
File đính kèm: BCKinhte Cong nghiep T4.12.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư