Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31 tháng 01 năm 2012
1/ Tình hình chung:
Tình hình sản xuất ngành công nghiệp tháng 01 năm 2012 có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian nghỉ tết kéo dài nên ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011 giảm 2,4%, trong đó ngành công nghiệp khai thác tăng 0,5%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,2%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 1,2%.
- Những ngành công nghiệp có mức tăng so với cùng kỳ năm 2011 gồm:
Khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 9,4%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 21,2%; chế biến, bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 10,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 12,5%; đóng và sửa chữa tàu tăng 370%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 10%; khai thác, lọc và phân phối nước tăng 9,6%;...
- Những ngành công nghiệp có tốc độ giảm so với cùng kỳ năm 2011 gồm:
Khai thác và thu gom than cứng giảm 21,8%; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh giảm 19,8%; sản xuất sợi và dệt vải giảm 22,7%; sản xuất dày, dép giảm 10,1%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 14,7%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 7,7%; sản xuất xi măng giảm 11,5%; sản xuất sắt, thép giảm 21,5%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 27,9%;...
- Tình hình sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm 2011:
Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng như: dầu mỏ thô khai thác tăng 14,7%; khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 9,2%; bia hơi tăng 35,1%; bia đóng lon tăng 16,8%; giày, dép, ủng bằng da giả cho người lớn tăng 10,1%; vải dệt từ sợi bông tăng 6,2%; máy giặt tăng 27,3%; xe máy tăng 11,3%; nước máy thương phẩm tăng 9,9%;
Một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ giảm như: than đá giảm 21,7%; khí hoá lỏng (LPG) giảm 6,1%; sữa bột giảm 27,6%; đường kính giảm 14,5%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 22%; xi măng giảm 11,4%; kính thuỷ tinh giảm 24,6%; thép tròn các loại giảm 26,7%; tủ lạnh, tủ đá giảm 34,8%; ô tô giảm 17,5%; lốp ô tô, máy kéo giảm 17,1%; bình đun nước nóng giảm 67,7%;...
2. Về xuất nhập khẩu:
Nhận xét chung: Kim nghạch xuất, nhập khẩu tháng 01 năm 2012 giảm hơn so với cùng kỳ năm 2011, hầu hết các mặt hàng sản xuất công nghiệp đều có sản lượng và kim ngạch giảm, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian nghỉ tết kéo dài nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ngành nói riêng.
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 01 năm 2012 ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,7 tỷ USD tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2011.
Tình hình xuất khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 585 nghìn tấn giảm 5,3% về lượng và tăng 14,2% về kim ngạch; than đá đạt 400 nghìn tấn giảm 5,9% về lượng và giảm 41,3% về kim ngạch; xăng dầu các loại ước đạt 100 nghìn tấn giảm 47% về lượng và giảm 47% về kim ngạch; sản phẩm hoá chất ước đạt 30 triệu USD giảm 31,8%; sản phẩm nhựa ước đạt 80 triệu USD giảm 23,8%; hàng dệt may đạt 950 triệu USD giảm 22,6%; hàng giày dép đạt 530 triệu USD giảm 4%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 350 triệu USD tăng 14%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 120 triệu USD tăng 14,3%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 300 triệu USD tăng 9,1%; sắt thép đạt 80 nghìn tấn giảm 56,1% về lượng và giảm 56% về kim ngạch; sản phẩm thép đạt 90 triệu USD tăng 25% so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 01 năm 2012 ước đạt 6,6 tỷ USD giảm 18,7% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3,5 tỷ USD.
Tình hình nhập khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 600 nghìn tấn giảm 43,9% về lượng và giảm 29% về kim ngạch; khí đốt hoá lỏng đạt 60 nghìn tấn tăng 11,1% về lượng và tăng 5,7% về kim ngạch; phân bón các loại đạt 170 nghìn tấn giảm 38,8% về lượng và giảm 34% về kim ngạch (trong đó: phân ure đạt 10 nghìn tấn giảm 66,7% về lượng và giảm 54,6% về kim ngạch); sắt thép các loại đạt 480 nghìn tấn giảm 9,6% về lượng và giảm 2,2% về kim ngạch (trong đó phôi thép ước đạt 18 nghìn tấn giảm 82,9% về lượng); ôtô nguyên chiếc đạt 3.000 nghìn chiếc giảm 55,4% về lượng; linh kiện phụ tùng ôtô đạt 100 triệu USD giảm 38,7%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 5.000 nghìn chiếc giảm 70,4% về lượng; giấy các loại đạt 70 nghìn tấn giảm 28,6% về lượng; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 900 triệu USD giảm 29,7% về kim ngạch; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 150 triệu USD giảm 20,6% về kim ngạch so với cùng kỳ.
3. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Tiếp tục giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải ngân các dự án.
- Thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
- Các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng,...; một số sản phẩm tiêu dùng như sản phẩm may mặc, giày dép, sữa, dầu thực vật,...và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện,...
- Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được, đồng thời thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh./.
File đính kèm: BCKTCongnghiepT1.12.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư