Báo cáo số 145/BC-CTK ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang.
Trong tháng 02 năm 2020, tình hình dịch bệnh và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng. Mặc dù, công tác phòng chống dịch bệnh và hạn mặn trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt nhưng vẫn không tránh khỏi sự ảnh hưởng, dẫn đến tình hình sản suất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực trong tháng cụ thể như sau:
1. Tài chính, tín dụng
1.1. Tài chính
Ước tổng thu ngân sách nhà nước tháng 02, được 716,097 tỷ đồng, luỹ kế là 1.392,637 tỷ đồng, đạt 18,09% dự toán Trung ương giao, đạt 18,09% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, Trung ương trợ cấp được 407,764 tỷ đồng, luỹ kế là 829,836 tỷ đồng, đạt 20,45% dự toán Trung ương giao, đạt 20,45% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Thu nội địa được 275 tỷ đồng, luỹ kế là 499,136 tỷ đồng, đạt 15,40% dự toán Trung ương và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Ước tổng chi ngân sách địa phương tháng 02, được 397,125 tỷ đồng, luỹ kế là 1.131,172 tỷ đồng, đạt 16,51% dự toán Trung ương giao, đạt 16,51% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó, chi xây dựng cơ bản được 138,555 tỷ đồng, luỹ kế được 360,400 tỷ đồng, đạt 14,05% dự toán Trung ương giao, đạt 14,05% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Chi thường xuyên được 258,569 tỷ đồng, luỹ kế là 766,755 tỷ đồng, đạt 18,37% dự toán Trung ương giao, đạt 18,37% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
1.2 Tín dụng ngân hàng
Đến ngày 31 tháng 01, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn là 14.217 tỷ đồng, giảm 1,18% so với cuối năm 2019. Trong tổng vốn huy động trên địa bàn thì khối Ngân hàng thương mại nhà nước huy động được 9.352 tỷ đồng (chiếm 65,78%); khối Ngân hàng thương mại cổ phần được 4.292 tỷ đồng (chiếm 30,19%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 532 tỷ đồng (chiếm 3,74%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 41 tỷ đồng (chiếm 0,29%). Vốn huy động đáp ứng được 60,67% cho hoạt động tín dụng. Ước thực hiện đến cuối tháng 02, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn được 14.448 tỷ đồng, tăng trưởng 1,62% so với cuối tháng trước, tương ứng tăng trưởng 0,43% so với cuối năm 2019. Hiện mức lãi suất huy động như sau: Lãi suất không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,3-0,8% trên năm; lãi suất từ 01 tháng đến dưới 06 tháng phổ biến từ mức 4,3-5,0% trên năm; lãi suất từ 06 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 5,3-7,8%; lãi suất từ 12 tháng trở lên phổ biến từ 6,5-8,4% trên năm.
Đến ngày 31 tháng 01, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 23.432 tỷ đồng, tăng trưởng 0,17% so với cuối năm 2019. Trong tổng dư nợ thì khối Ngân hàng thương mại nhà nước là 16.413 tỷ đồng (chiếm 70,05%); khối Ngân hàng thương mại cổ phần là 4.556 tỷ đồng (chiếm 19,44%); Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.419 tỷ đồng (chiếm 10,32%) và Quỹ tín dụng Nhân dân là 44 tỷ đồng (chiếm 0,19%). Ước thực hiện đến cuối tháng 02, dư nợ là 23.589 tỷ đồng, tăng trưởng 0,67% so với cuối tháng trước, tương ứng tăng trưởng 0,85% so với cuối năm 2019. Đến thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay luôn được giữ ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam phổ biến từ 5,5 - 6,5% trên năm; cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 6,5 -10,5% trên năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 7,7 - 12% trên năm; trung, dài hạn từ 10,5 - 14%.
Nợ quá hạn đến ngày 31 tháng 01 là 798 tỷ đồng, chiếm 3,41% trên tổng dư nợ; nợ xấu là 405 tỷ đồng, chiếm 1,73% trên tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 393 tỷ đồng, chiếm 49,25% trên tổng nợ quá hạn. Dự báo đến cuối tháng 02, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.
2. Vốn đầu tư
Tính đến ngày 14 tháng 02, kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2020 là 20.263,466 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:
- Vốn ngân sách nhà nước: 2.131,466 tỷ đồng.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 2.150 tỷ đồng.
- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là: 15.982 tỷ đồng.
Ước tính tháng 02, vốn đầu tư thực hiện được 1.644,540 tỷ đồng, bằng 111,83% so với cùng kỳ năm trước và bằng 106,06% so với tháng trước. Nguyên nhân vốn đầu tư tăng so với tháng trước là do: Triển khai nhanh việc lập hồ sơ, thủ tục các dự án mới đã bố trí vốn bổ sung từ đầu năm 2020; Chủ đầu tư đẩy nhanh việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công các công trình, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh; tháng cao điểm thực hiện chiến dịch giao thông nông thôn và thủy lợi mùa khô năm 2020.
Ước tính 02 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thực hiện được 3.195,140 tỷ đồng, bằng 107,31% so với cùng kỳ năm trước và đạt 15,77% so với kế hoạch năm. Chia ra:
- Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 291,250 tỷ đồng, bằng 115,50% so với cùng kỳ năm trước và đạt 13,66% so với kế hoạch năm.
- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 346,290 tỷ đồng, bằng 187,79% so với cùng kỳ năm trước và đạt 16,11% so với kế hoạch năm.
- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 2.557,600 tỷ đồng, bằng 100,65% so với cùng kỳ năm trước và đạt 16,01% so với kế hoạch năm.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
3.1. Nông nghiệp
Lúa đông xuân 2020, ước toàn tỉnh xuống giống được 77.820 ha, đạt 101,06% so với kế hoạch tỉnh (kế hoạch là 77.000 ha), so với cùng kỳ giảm 0,76% (bằng 598 ha). Lúa chủ yếu đang ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trổ chín, các giống lúa được sử dụng phổ biến như: OM 5451 chiếm 32,8%, OM 18 chiếm 22,3%, Đài thơm 8 chiếm 18,4%, RVT chiếm 13,1%, còn lại giống IR 50404, Jasmine 85, ST24,… chiếm 13,4%. Lúa đông xuân sớm hiện nay đã thu hoạch được 529 ha, so với cùng kỳ tăng 87,99% (bằng 248 ha), ước năng suất trung bình đạt 73,05 tạ/ha, so với cùng kỳ ước tăng 7,49% (bằng 5,09 tạ/ha).
Diện tích gieo trồng ngô, toàn tỉnh ước được 910 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 6,76% (bằng 66 ha). Năng suất thu hoạch ước được 68 tạ/ha, tăng 4,59%, sản lượng thu hoạch ước được 3.740 tấn, giảm 16,63% so với cùng kỳ năm trước.
Niên vụ mía 2020, toàn tỉnh đã xuống giống được 5.046 ha, so với cùng kỳ năm trước giảm 38,31% (bằng 3.134 ha)[1], chủ yếu tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Các giống mía chủ yếu là giống mía ngắn ngày như; ROC-16, K88-92, KK3, ROC-22, K95-289. Hiện nay, mía đang giai đoạn 1- 2 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt.
Diện tích gieo trồng cây rau các loại ước được 6.537 ha, so với cùng kỳ năm trước tăng 2,8% (bằng 178 ha). Diện tích trồng rau tăng là do thời tiết thuận lợi, lợi ích từ việc trồng rau khá nên bà con nông dân chuyển sang trồng rau để tăng thu nhập.
Về tình hình dịch bệnh: Trong tháng 02, toàn tỉnh có 10.032 ha lúa nhiễm sinh vật hại, trong đó có 155 ha nhiễm nặng, 924 ha nhiễm trung bình, còn lại nhiễm nhẹ phân bố hầu hết ở các huyện, thị, thành; sinh vật gây hại trên cây rau màu là 388 ha, chủ yếu là sâu tơ, sâu ăn tạp, các loại sâu ăn lá, rệp sáp, bọ trĩ, bọ nhảy,...với mức độ gây hại nhẹ. Ngành Nông nghiệp đã tiến hành tư vấn ngoài đồng ruộng cho nông dân về kỹ thuật canh tác và quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng. Đồng thời, tiến hành tập huấn nhanh về tình hình sinh vật gây hại trên lúa và cây ăn trái, khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện sinh vật gây hại, kịp thời có biện pháp xử lý.
3.2. Chăn nuôi
Ước tính tháng 02, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:
- Đàn trâu: Hiện có 1.495 con, giảm 2,67% so với cùng kỳ năm trước.
- Đàn bò: Hiện có 3.550 con, giảm 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước được 34,67 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
- Đàn heo (lợn): Hiện có 84.550 con, giảm 43,38% (bằng 64.778 con) so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt có 73.479 con, giảm 43,72% (giảm 57.079 con). Đàn heo giảm là do dịch tả heo Châu phi.
- Đàn gia cầm: Hiện có 4.434 ngàn con, tăng 7,12% (tăng 295 ngàn con). Trong đó, đàn gà có 1.384 ngàn con, tăng 8,57% (tăng 109 ngàn con) so cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm tăng là do đàn gia cầm phát triển tốt, ít có dịch bệnh.
Về tình hình dịch bệnh: Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ ngày 04 tháng 5 năm 2019 đến ngày 10 tháng 02 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 2.686 ổ dịch tại 463 ấp, khu vực ở 75 xã, phường, thị trấn của 08 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo chết và tiêu hủy do dịch bệnh là 55.309 con, với tổng trọng lượng heo mắc bệnh là 3.379 tấn. Đến nay, bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã được khống chế. Tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng (13/01/2020) đến nay trên địa bàn tỉnh không có heo chết và tiêu hủy do bệnh. Trong tháng, lực lượng Thú y đã thực hiện công tác tiêu độc, sát trùng thường xuyên 552 chuyến xe, tàu vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; giám sát vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được 210.770 m2 tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và 121.160 m2 tại các trại chăn nuôi tập trung.
3.3. Lâm nghiệp
Trong tháng, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác chăm sóc và bảo vệ rừng. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán ước được 128 nghìn cây, tăng 1,75% so với cùng kỳ năm trước. Ước sản lượng gỗ khai thác được 1.227 m3, so với cùng kỳ tăng 1,62% (bằng 20 m3). Sản lượng củi khai thác được 5.565 Ster, giảm 2,07% (bằng 118 Ster) so với cùng kỳ năm trước.
Công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát, khai thác rừng đảm bảo đúng quy định, công tác phòng chống cháy rừng được quán triệt và làm tốt nên trong tháng không xảy ra vụ cháy rừng nào.
3.4. Thủy sản
Tính đến tháng 02, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước được 1.861 ha, tăng 4,38% (bằng 78 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích cá được 1.783 ha, tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước được 10.346,6 tấn, tăng 3,99% (bằng 397 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng được 9.828,6 tấn, tăng 4,22% (bằng 398 tấn). Sản lượng thủy sản khai thác được 518 tấn, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước.
Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp đã triển khai khuyến cáo biện pháp kỹ thuật nuôi thủy sản trong điều kiện xâm nhập mặn; lịch mùa vụ thả giống và định hướng một số đối tượng nuôi có hiệu quả trong năm 2020 cho người dân.
4. Tình hình sản xuất công nghiệp
Ước thực hiện tháng 02, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh 2010, được 1.974,413 tỷ đồng, giảm 5,65% so với tháng trước và tăng 9,23% so với cùng kỳ năm trước. Tính theo giá thực tế, được 2.778,101 tỷ đồng, giảm 4,06% so với tháng trước và tăng 15,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tháng 02 năm 2020, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể hoạt động nhiều hơn từ 07 đến 10 ngày so với cùng kỳ năm trước, nên giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ. Nhưng giảm nhẹ so với tháng trước là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với các doanh nghiệp lớn hoạt động theo chuỗi cung ứng như: chế biến thủy sản, dệt may, da giày, chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy… Đây là những ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tạo nhiều việc làm nhưng đang bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào và việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp FDI tại Hậu Giang thuộc những ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng tương tự, một số doanh nghiệp như: Lee & Man, Lạc Tỷ II, Bách Mỹ Nội Y… đang gặp phải 2 khó khăn lớn: Thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc (theo báo cáo của doanh nghiệp, lượng nguyên, vật liệu tồn kho chỉ đủ sản xuất đến tháng 3 năm 2020) và thiếu lao động do thực hiện việc phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với nhân công, chuyên gia từ Trung Quốc, Vì vậy, số ngày hoạt động trong tháng 02 năm 2020 nhiều hơn so với tháng 01 năm 2020 nhưng ước giá trị sản xuất giảm so với tháng trước.
Ước thực hiện 02 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá so sánh 2010, được 4.067,166 tỷ đồng, tăng 3,08% so với cùng kỳ năm trước. Tính theo giá thực tế, được 5.673,839 tỷ đồng, tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp cho biết nhà máy vẫn tạm thời hoạt động ổn định từ đây đến hết tháng 02 năm 2020, do nguồn nguyên, phụ liệu tồn kho tại doanh nghiệp vẫn còn, nhưng chỉ sản xuất theo đơn hàng đã ký. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Number One Hậu Giang mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định trong tháng 3 năm 2019 đến nay, nên giá trị sản xuất công nghiệp ước 02 tháng năm 2020 tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Nếu đại dịch này kéo dài, một số doanh nghiệp không thể nhập được nguyên vật liệu để sản xuất, nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng dệt may, bột giấy và bìa giấy, da giày… đã ký với khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp nhanh chóng tìm kiếm và thu mua nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường trong nước và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia... để thay thế trong trường hợp vẫn không nhập được từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tìm nguồn cung nguyên vật liệu mới để thay thế cũng tương đối mất thời gian, quan trọng hơn là phải được sự kiểm định khắt khe và chấp nhận của các nhà nhập khẩu. Vì vậy, dự báo có khả năng giá trị sản xuất công nghiệp sẽ giảm trong các tháng tiếp theo so với cùng kỳ.
Nhìn chung, 02 tháng đầu năm 2020,sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành nghề phát triển chưa bền vững do bị tác động từ dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch năm 2020, đề nghị các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để triển khai nhiều giải pháp mang tính phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần có kế hoạch, chính sách kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đang đầu tư sớm đi vào hoạt động đúng theo kế hoạch của doanh nghiệp đã đề ra, để giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng trong những tháng cuối năm và phát triển ổn định trong những năm tới.
Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Dự tính tháng 02, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giảm 17,56% so với tháng trước và tăng 16,61% so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Giảm 17,73% so với tháng trước và tăng 16,68% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do trong tháng 02, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể hoạt động nhiều hơn từ 07 đến 10 ngày so với cùng kỳ năm trước (Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 vào đầu tháng 02 nên doanh nghiệp nghỉ từ 07-10 ngày) nên chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm so với tháng trước là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn hoạt động theo chuỗi cung ứng như: Dệt may, da giày, chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy… Đây là những ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh, tạo nhiều việc làm và đang bị ảnh hưởng lớn do thiếu nguồn cung hàng hóa đầu vào từ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp FDI tại tỉnh thuộc những ngành nêu trên cũng bị ảnh hưởng tương tự. Vì vậy, hiện các doanh nghiệp này đang hoạt động cầm chừng nên chỉ số sản xuất giảm so với tháng trước.
+ Ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 5,84% so với tháng trước và giảm 25,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành chế biển thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 1,00% so với tháng trước và giảm 37,22% so với cùng kỳ năm trước; Ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 2,41% so với tháng trước và giảm 29,22% so với cùng kỳ năm trước; Ngành sản xuất đường giảm rất nhiều so với tháng trước và cùng kỳ năm trước (do Công ty CP mía đường Cần Thơ nghỉ giữa vụ sớm hơn 03 tháng so với cùng kỳ)… Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng trong việc sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, Chỉ số ngành công nghiệp chế biến thực phẩm giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm 2019.
+ Ngành sản xuất đồ uống giảm 19,55% so với tháng trước và tăng 24,21% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một phần của Nghị Định 100/2019/NĐ-CP, Nên lượng khách du lịch, lưu trú, ăn uống… giảm rất nhiều so với tháng trước, đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất rượu bia và nước giải khát trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này cắt giảm sản lượng sản xuất để tránh tình trạng hàng tồn kho tăng nhiều, nên chỉ số sản xuất giảm so với tháng trước.
+ Ngành sản xuất trang phục giảm 7,47% so với tháng trước và giảm 0,90% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay một số đơn hàng nguyên, phụ liệu doanh nghiệp ngành may mặt đặt từ Trung Quốc đang tạm ngưng, không biết khi nào mới tái khởi động. “Đa số nguyên phụ liệu ngành này nhập từ Trung Quốc vì giá rẻ, thời gian giao hàng nhanh”. Một số doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu từ Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu... nhưng giá cao hơn, làm khả năng cạnh tranh giảm sút. Nếu tình hình kéo dài thì doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng sản xuất để hoàn thành các hợp đồng đã ký, nên chỉ số sản xuất ngành này giảm so với tháng trước, cùng kỳ năm trước và có khả năng tiếp tục giảm trong những tháng tiếp theo.
+ Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 35,04% so với tháng trước và giảm 7,42% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp ngành da giày cũng đang gặp khó khăn vì nguồn nguyên liệu chỉ còn đủ để sản xuất đến hết quí I năm 2020, do vậy, kể từ thời điểm này các doanh nghiệp muốn hoạt động ổn định thì phải chủ động tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế hoặc tìm các đối tác mới ngoài vùng dịch Covid-19, để không bị chậm hoặc cấm thông quan với các đối tác thì tình hình sản xuất mới được ổn định hơn.
+ Ngành sản xuất giấy và các sản phẩm bằng giấy giảm 5,69% so với tháng trước và tăng 18,94% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam với sản phẩm chính là giấy cuộn và bìa giấy, do Trung Quốc là bên cung cấp nguyên liệu chính cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay không nhập khẩu nguyên liệu được và nguồn nguyên, phụ liệu chỉ còn đủ để sản xuất đến hết tháng 03. Do vậy, tình hình dịch COVID-19 kéo dài có khả năng doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc phải tìm được nhà cung cấp mới từ các thị trường khác. Vì vậy, chỉ số sản xuất dự tính tháng 02, và các tháng tiếp theo có thể giảm so với tháng trước và cùng kỳ.
+ Ngành sản xuất sản phẩm từ khoán phi kim loại giảm 18,70% so với tháng trước và tăng 23,40% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19, nhưng cùng bị ảnh hưởng không nhỏ do lệnh phong tỏa, cách ly hoặc hạn chế đi lại đối với kỹ sư xây dựng, chuyên gia từ Trung Quốc, nên các dự án xây dựng chậm tiến độ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ của ngành sản xuất xi măng, cấu kiện xây dựng bằng xi măng, bê tông tươi…Vì vậy, ngành này tiếp tục hoạt động cầm chừng để duy trì sản lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các doanh nghiệp hoạt động ngành xây dựng vừa và nhỏ.
- Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Tăng 2,53% so với tháng trước và tăng 15,90% so với cùng kỳ năm trước. Riêng, ngành truyền tải và phân phối điện tăng 3,18% so với tháng trước và tăng 16,47% so với cùng kỳ năm trước. Ngành điện đã hoạt động ổn định, đúng công suất, đã cung cấp đủ điện một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo hạn chế không để xảy ra tình trạng mất điện nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp được hoạt động thường xuyên liên tục.
- Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 6,48% so với cùng kỳ. Hiện nay tình hình xâm nhập mặn tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang diễn ra hết sức phức tạp, nên Công ty Cổ phần Cấp thoát nước – CTĐT Hậu Giang đã có kế hoạch chủ động đối phó, hoạt động liên tục, khai thác thêm các nguồn nước ngầm để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước phục vụ tốt việc sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho mọi người dân. Sản lượng sản xuất nước sạch sinh hoạt dự tính tháng 02 năm 2020 được 896,68 nghìn m3 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước.
5. Hoạt động thương mại, dịch vụ
5.1. Bán lẻ hàng hóa, doanh thu và dịch vụ
Ước thực hiện tháng 02, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác được 3.256,234 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 423,667 tỷ đồng), so với thực hiện tháng trước bằng 89,20% và so với cùng kỳ năm trước bằng 98,20%. Chia ra:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa thực hiện được 2.434,911 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 87,45% và so với cùng kỳ năm trước bằng 97,38%. Doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa trong tháng 02 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường giảm, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm xuống sau Tết. Các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ đều vắng khách, do người dân e ngại đến nơi cộng cộng, nơi tập trung đông người để tránh dịch COVID-19. Ngoài ra, tính đến thời điểm này tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh bắt đầu có những diễn biến phức tạp tại các địa phương như: Huyện Long Mỹ, Thành phố Vị Thanh, Thành phố Ngã Bảy, trong đó huyện Long Mỹ chịu thiệt hại nhiều hơn so với các địa phương khác, việc xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân.
- Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành thực hiện được 529,606 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 96,78% và so với cùng kỳ năm trước bằng 98,63%.
- Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác (bao gồm: Dịch vụ kinh doanh bất động sản; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ; dịch vụ giáo dục và đạo tạo; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí; dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình; dịch vụ khác) thực hiện được 291,717 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 91,45% và so với cùng kỳ năm trước bằng 104,74%.
Các ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng 02 có xu hướng giảm hơn so với tháng trước, cụ thể: Ngành ăn uống tiếp tục giảm 3,12% so với tháng trước và giảm 1,21% so với cùng kỳ năm trước, do tác động mạnh mẻ của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và dịch bệnh COVID-19 lên dịch vụ ăn uống; dịch vụ giáo dục, đào tạo trong tháng 02 cũng giảm đến 55,01% so với tháng trước và giảm 55,06% so với cùng kỳ năm trước, các hoạt động giáo dục tại các điểm trường tư thục, nhà nước, các trung tâm ngoại ngữ, tin học,… đều trong tình trạng ngưng, nghỉ do tác động của dịch bệnh COVID-19; các ngành dịch vụ khác cũng có cùng xu hướng giảm, ngoại trừ dịch vụ y tế trong tháng 02 tăng 14,02% so với tháng trước và tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước, do tâm lý lo lắng nên việc thăm khám khi có biểu hiện sức khỏe không tốt của người dân tăng lên.
Ước thực hiện 02 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 6.906,848 tỷ đồng (Trong đó, chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là: 818,808 tỷ đồng), so với cùng kỳ năm trước bằng 99,32%.
Trong lúc cả hệ thống chính trị, và toàn dân cả nước đứng trước tinh thần chống dịch bệnh COVID-19 nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng thì việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn cũng là vấn đề cấp bách của tỉnh hiện nay. Trước những tình hình trên thì phát triển thương mại, dịch vụ trong năm 2020 dự tính sẽ rất khó khăn, phụ thuộc vào sự khống chế, lây lan dịch bệnh, sự ngăn chặn, giảm thiểu tối đa của xâm nhập mặn đến đời sống, kinh tế của người dân, cần có nhiều giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân ổn định đầu ra, đầu vào hàng hóa sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành của tỉnh cần có những phương hướng tích cực, phù hợp với tình hình hiện nay để ổn định kinh tế cho địa phương trong thời gian tới.
5.2. Tình hình xuất nhập khẩu
Ước thực hiện tháng 02, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 59,576 triệu USD, so với tháng trước bằng 77,24% và so với cùng kỳ năm trước bằng 186,24%. Chia ra:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 42,891 triệu USD so với tháng trước bằng 97,40% và so với cùng kỳ năm trước bằng 154,46%. Ngay thời điểm này, tại thị trường Trung Quốc cộng thêm khoảng gần 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phải đối mặt với diễn biến rất phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19 gây ra. Các nước khác mặc dù chưa ghi nhận có số ca bị nhiễm bệnh nhưng quá trình giao thương và quan hệ hợp tác không còn được rộng mở như trước. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, hậu quả có thể sẽ khiến nhiều hàng nông sản của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không thể xuất sang các thị trường này như trước được nữa và bắt buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường khác thay thế. Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn sang thị trường Trung Quốc chiếm không cao (trung bình chỉ khoảng từ 7-9% trong tổng kim ngạch chung) nhưng một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn điển hình như Công ty TNHH Giấy Lee & Man, doanh nghiệp Lạc Tỷ II có những nguồn nguyên liệu nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cùng với một số thị trường khác như Đài Loan, Hàn Quốc (hiện đang có những ca nhiễm COVID-19).... và một số thị trường khác nữa. Do đó, khi tình hình dịch bệch xảy ra các doanh nghiệp này thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất và đang phải khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung khác có chất lượng đầu vào tốt, giá cả hợp lý để thay thế nhằm đảm bảo quá trình sản xuất, kịp thời thực hiện thanh toán các hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, dự đoán trong tháng 02 giá trị xuất khẩu có thể sẽ giảm và mặt hàng giảm nhiều có thể là giầy dép, hàng nông sản và một số mặt hàng khác (bột cá, mỡ cá xuất khẩu sang Trung Quốc).
- Nhập khẩu ước thực hiện được 16,685 triệu USD so với tháng trước bằng 119,61% và so với cùng kỳ năm trước bằng 85,68%.
Ước thực hiện 02 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 129,246 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 83,97%. Chia ra:
- Xuất khẩu ước thực hiện được 86,925 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 128,44 %.
- Nhập khẩu ước thực hiện được 30,635 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 74,61%. Nguyên nhân giảm nhiều so với cùng kỳ là do giá trị nhập khẩu xăng dầu trong 02 tháng đầu năm giảm nhiều, gần khoảng 9 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 0,642 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước tăng rất cao. Nguyên nhân tăng cao so với cùng kỳ năm trước và tháng trước là do năm nay giá trị xuất khẩu ủy thác của công ty cổ phần thủy sản Cafatex tăng cao.
- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 11,044 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 102,73 %.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến rất phức tạp không chỉ ở Trung Quốc mà còn đang lan sang nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thêm vào đó, tình hình xâm nhập mặn đang có chiều hướng diễn ra xấu, độ mặn được ghi nhận tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong tỉnh đang ở mức báo động có chỉ số cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Do đó, trong thời gian tới các hoạt động sản xuất kinh doanh, ký kết hợp đồng xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn đặc biệt là nhóm hàng nông sản và một số mặt hàng khác có thị trường xuất khẩu chính sang Trung Quốc, nguồn nguyên liệu đầu vào có thể sẽ bị thiếu hụt, đồng thời giá thành xuất đi cũng có thể sẽ giảm nhiều. Trong thời gian dài các nhóm hàng xuất khẩu khác còn lại là thủy hải sản, dệt may, giày dép ít phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ ít chịu tác động hơn và dự báo sẽ vẫn có giá trị tương đối ổn định.
Vì vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, tìm kiếm các thị trường tiềm năng để thay thế thị trường Trung Quốc và các thị trường có nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19 một mặt nhằm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh mặt khác có thể mở rộng thêm thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra nhiều nước hơn trên thế giới, được nhiều người tiêu dùng biết đến tiến tới xây dựng thương hiệu bền vững đảm bảo các rào cản thương mại và rào cản thuế quan của các nước nhập khẩu dựng lên không còn là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng. Song song đó, doanh nghiệp cần duy trì tăng cường mối liên kết chặt chẽ với các ngành chức năng để nắm bắt thông tin chính xác nhất về tình hình diễn biễn của dịch bệnh cũng như diễn biến của thị trường để kịp thời ứng phó, đồng thời tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài nước không bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đẩy nhanh kịp tiến độ thực hiện và thanh toán được các hợp đồng đã ký kết, từ đó có thể nâng cao giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp và tăng giá trị xuất khẩu chung trên địa bàn .
5.3. Vận tải hàng hóa và hành khách
Ước tính tháng 02, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi thực hiện được 94,494 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bằng 111,27%. Trong đó, đường bộ thực hiện được 36,626 tỷ đồng bằng 97,35% so với cùng kỳ năm trước, đường thủy thực hiện được 35,457 tỷ đồng bằng 94,83% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát được 22,411 tỷ đồng bằng 226,42% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính 02 tháng đầu năm, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi được 203,006 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bằng 108,45%. Trong đó, đường bộ thực hiện được 77,422 tỷ đồng bằng 103,71% so với cùng kỳ năm trước, đường thủy thực hiện được 80,968 tỷ đồng bằng 102,71% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát được 44,616 tỷ đồng bằng 132,36% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường tuy nhiên nhìn chung trong những tháng đầu năm, tình hình vận chuyển, luân chuyển hàng hóa trên địa bàn vẫn có sự tăng trưởng khá (khu vực vận chuyển, luân chuyển hành khách giảm trong khi vận chuyển, luân chuyển hàng hóa và các dịch vụ logictis tăng). Nguyên nhân là do từ cuối những năm 2019 quy mô hoạt động vận tải của một số doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logictis lớn trên địa bàn tăng đáng kể so với những tháng đầu năm, các doanh nghiệp mở rộng tuyến vận chuyển và các kho cho thuê được xây dựng hoàn thành đi vào sử dụng và đã bắt đầu cho thuê từ quý 4 năm 2019. Vì vậy, đã đóng góp cho giá trị vận tải chung trong 02 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ.
5.3.1 Vận chuyển, luân chuyển hàng hóa
Ước thực hiện tháng 02, toàn tỉnh vận chuyển được 618,11 nghìn tấn hàng hóa các loại (49,12 triệu tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 82,28% (88,23%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 110,72% (152,09%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 151,40 nghìn tấn (8,69 triệu tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 88,29% (83,79%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 115,66% (135,68%).
- Đường sông thực hiện được 466,72 nghìn tấn (40,43 triệu tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 80,50% (89,24%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 109,20% (156,16%).
Ước thực hiện 02 tháng, toàn tỉnh vận chuyển được 1.369,35 nghìn tấn hàng hóa các loại (104,79 triệu tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 114,29% (160,82%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 322,88 nghìn tấn (19,06 triệu tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 110,57% (129,46%).
- Đường sông thực hiện được 1.046,47 nghìn tấn (85,72 triệu tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 115,49% (169,97%).
5.3.2 Vận chuyển, luân chuyển hành khách
Ước tính tháng 02, toàn tỉnh thực hiện được 8.745,49 nghìn lượt hành khách (47,60 triệu HK.km), so với tháng trước bằng 91,11% (83,34%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 93,63% (93,63%). Chia ra:
- Đường bộ vận chuyển được 6.349,45 nghìn lượt hành khách (34,09 triệu HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 91,87% (84,18%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 87,40% (91,60%).
- Đường sông vận chuyển được 2.396,04 nghìn lượt hành khách (13,52 triệu HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 89,17% (81,28%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 95,43% (99,17%).
Ước thực hiện 02 tháng, toàn tỉnh vận chuyển được 18.344,14 nghìn lượt hành khách (104,73 triệu HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 94,88% (96,47%). Chia ra:
- Đường bộ thực hiện được 13.260,92 nghìn lượt hành khách (74,58 triệu HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 92,69% (95,47%).
- Đường sông thực hiện được 5.083,22 nghìn lượt hành khách (30,15 triệu HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 91,13% (99,05%).
6. Các vấn đề về xã hội
6.1. Giáo dục
Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học chờ đến khi có hướng dẫn mới.
Về hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:
- Giáo dục mầm non: Tổ chức các chuyên đề đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, phát triển nhận thức tại huyện Phụng Hiệp, tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ tại huyện Châu Thành. Hướng dẫn cơ sở tổ chức hội thảo và tham gia hội thi Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
- Giáo dục tiểu học: Tiếp tục thực hiện Dự án Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật năm 2020. Thực hiện các nội dung Chương trình “Giáo dục an toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” năm học 2019-2020. Phối hợp nhà xuất bản Đại học Sư phạm - Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ngày 15/02/2020); phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ xuất bản giáo dục Gia định về biên soạn nội dung bộ sách Giáo dục địa phương. Tổ chức Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trường tiểu học.
- Giáo dục trung học - giáo dục chuyên nghiệp: Hướng dẫn các đơn vị tham gia Cuộc thi khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2019 - 2020. Triển khai cấu trúc đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cuộc thi “Toán học và Ứng dụng lần thứ I năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long” cho các em học sinh đang học lớp 10, 11 năm học 2019-2020. Hướng dẫn các trường chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông và lớp 10 trung học phổ thông chuyên năm học 2020-2021. Triển khai thí điểm dự án Lập trình tương lai cùng Google cho 05 trường trung học phổ thông.
6.2. Tình hình văn hóa, thể thao
Trong tháng, toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện được 1.720m2 panô các loại, 190 băng rôn, in và treo hơn 5.600 cờ các loại, trang trí khánh tiết, phục vụ âm thanh ánh sáng, hỗ trợ chương trình văn nghệ cho các cuộc hội nghị, họp mặt, hội thi, hội diễn, liên hoan, hội chợ theo yêu cầu của các đơn vị ngoài ngành. Tuyên truyền các hoạt động mừng Xuân Canh Tý năm 2020 gắn với Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020) và công bố Nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về thành lập phường Hiệp Lợi và thành phố Ngã Bảy. Đặc biệt là phối hợp tuyên truyền phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Vi rút COVID-19 gây ra.
Đoàn Ca múa nhạc dân tộc xây dựng và biểu diễn 18 suất phục vụ trên 15.000 lượt người xem, phục vụ các ngày lễ, phục vụ nông thôn và các sở, ban, ngành trong tỉnh cụ thể như: Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 52 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; chương trình nghệ thuật Chào năm mới tại thị xã Ngã Bảy; phường Vĩnh Tường,thị xã Long Mỹ ; xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy; thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp; Khu di tích Tầm Vu;... Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh xây dựng chương trình nghệ thuật quần chúng và phối hợp với Đội tuyên truyền lưu động của các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phóng thanh 79 buổi, biểu diễn phục vụ nhân dân 79 buổi, thu hút 34.210 lượt người xem.
Về hoạt động thư viện: Hệ thống Thư viện tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã phục vụ 49.838 lượt người với 99.676 lượt sách báo, truy cập máy tính; cấp 222 thẻ bạn đọc. Tổ chức “Hành trình ánh sáng tri thức và mùa xuân” tại các điểm: Công viên Xà No, Di tích Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh), thị xã Long Mỹ thu hút sự tham gia của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thư viện còn tổ chức triển lãm 250 bản sách về Đảng Cộng sản Việt Nam, sách Biển đảo và báo Xuân nhân Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng và công bố quyết định thành lập thành phố Ngã Bảy tại thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Trong tháng, hệ thống các di tích toàn tỉnh phục vụ 23.890 lượt khách tham quan tại các Khu di tích: Chiến thắng Chương Thiện (thành phố Vị Thanh); căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ; Chiến thắng Tầm Vu; Đền thờ Bác Hồ; Chiến thắng Chương Thiện tại huyện Long Mỹ; Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu,...
Về sự nghiệp thể dục, thể thao: Tổ chức thành công các giải thể thao “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Canh Tý tỉnh Hậu Giang năm 2020”, tham dự có 393 Vận động viên đến từ 10 đơn vị gồm: Thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành, huyện Vị Thủy, Ban Chỉ huy quân sự tỉnh và Công an tỉnh. Giải phục vụ gần 5.000 lượt người xem. Tham dự giải Lân Sư Rồng toàn quốc lần thứ VII năm 2020 tại thành phố Cần Thơ. Kết quả đạt được 01 huy chương bạc và 01 huy chương đồng; Cờ vua - Cờ tướng khu vực đồng bằng sông Cửu Long mở rộng mừng Đảng - mừng Xuân Canh Tý năm 2020 tại Đồng Tháp. Kết quả đạt được 03 huy chương vàng; 05 huy chương bạc và 05 huy chương đồng.
6.3. Lao động và an sinh xã hội
Trong tháng, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung thực hiện nhiệm vụ công tác trên các lĩnh vực lao động, người có công với cách mạng và xã hội như sau:
- Giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 942 lao động, đạt 6,28% kế hoạch năm. Trong đó, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 03 người.
- Tư vấn việc làm cho 2.262 lao động; có 223 lao động đăng ký tìm việc làm; giới thiệu việc làm cho 80 lao động.
- Tổ chức Ngày giao dịch việc làm tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Phụng Hiệp với trên 150 lao động tham gia; tổ chức tư vấn về việc làm, xuất khẩu lao động cho 400 bộ đội xuất ngũ năm 2020.
- Về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp: Thỏa thuận và ký kết hợp đồng cung ứng lao động cho 04 doanh nghiệp, số lao động được đề nghị cung ứng là 1.227 lao động.
- Về lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 246 hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 199 hồ sơ. Trong đó, đạt 156 hồ sơ; không đạt 43 hồ sơ. Còn lại 47 hồ sơ đang tiếp tục xem xét, giải quyết. Giới thiệu 03 trường hợp người có công với cách mạng ra Hội đồng Giám định y khoa tỉnh khám giám định tỷ lệ bị nhiễm chất độc hóa học và vết thương còn sót.
- Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 31.461 đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 11.769,705 triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 86 trường hợp với số tiền 464,4 triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho 03 trường hợp với số tiền 40 triệu đồng.
- Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh về việc kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự xã hội, tệ nạn xã hội. Đội, tổ kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra được 87 lượt cơ sở; phát hiện 02 cơ sở vi phạm, phạt hành chính 02 cơ sở với số tiền 03 triệu đồng.
- Về công tác quản lý đối tượng: số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý tại địa phương đến thời điểm báo cáo là 1.307 đối tượng; số đối tượng mại dâm có hồ sơ quản lý là 101 đối tượng; số người nghiện đang có mặt tại Trung tâm cai nghiện là 169 người; đang quản lý sau cai là 87 người.
6.4. Y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tháng có 06 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, giảm 26 ca so với tháng trước, cộng dồn là 38 ca, tăng 16 ca so với cùng kỳ. Bệnh tay chân miệng có 08 ca mắc mới, giảm 35 ca so với tháng trước, cộng dồn là 51 ca, giảm 23 ca so với cùng kỳ. Bệnh sởi, bệnh viêm gan do virut B, bệnh quai bị trong tháng không có ca mắc mới. Bệnh dịch lạ và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn tỉnh.
Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ trong tháng là 902 trẻ, cộng dồn là 1.796 trẻ, đạt 15,84%; tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 845 trẻ, cộng dồn là 1.727 trẻ, đạt 15,17%; tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 858 thai phụ, cộng dồn là 1.683 thai phụ, đạt 14,84%. Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng là 05 ca, cộng dồn là 05 ca (tăng 04 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.751 ca (còn sống 1.164 người); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng là 02ca, cộng dồn là 02 ca (tăng 02 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.024 ca; Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng là 02 ca, cộng dồn là 02 ca (tăng 02 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 587 ca.Trong tháng khám và cấp thuốc cho 473 lượt bệnh nhân. Số người hiện đang điều trị Methadone là 44 người. Tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 755 người.
Trong tháng, tổng số lượt khám, chữa bệnh là 151.984 lượt, cộng dồn là 317.359 lượt, đạt 15,38% kế hoạch, giảm 2,66% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 8.022 bệnh nhân, cộng dồn là 17.360 lượt bệnh nhân, đạt 13,53% kế hoạch, tăng 1,62% so với cùng kỳ. Bệnh nhân điều trị nội trú tuyến tỉnh chuyển tuyến là 238 trường hợp, tăng 46 trường hợp so với cùng kỳ; tuyến huyện chuyển tuyến là 746 trường hợp, giảm 27 ca so cùng kỳ; số ngày điều trị trung bình là 5,74 ngày, giảm 0,3 ngày so với cùng kỳ; tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 693 trường hợp, cộng dồn 1.398 trường hợp, giảm 139 trường hợp so với cùng kỳ.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã tham mưu Ban Giám đốc xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng vi rút COVID-19. Chỉ đạo Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Thiết lập các phòng cách ly ban đầu để tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ tại các cơ sở y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; bố trí cán bộ trực 24/24; xử lý ngay các trường hợp bệnh tại các cơ sở y tế của địa phương. Chỉ đạo Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tiếp tục giám sát chặt chẽ gia đình có người thân từ Trung Quốc trở về dưới 14 ngày, thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ và triệu chứng lâm sàngđặc biệt lưu ý các trường hợp đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng thực hiện công tác phun hóa chất, xử lý môi trường tại các điểm trường, chợ, công ty, xí nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục triển khai chiến dịch phòng, chống dịch bệnh; tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hạn chế tối đa số ca mắc mới. Chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời, không để dịch bệnh lớn xảy ra; từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe liên quan đến môi trường, an toàn thực phẩm, lối sống và hành vi của người dân. Tập trung triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do Vi rút COVID-19.Triển khai chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh do vi rút Zika đợt I năm 2020.
6.5. Tình hình thực hiện an toàn giao thông
Theo số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh Hậu Giang, trong tháng 02, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông, làm chết 05 người và làm bị thương 00 người. So với tháng trước tăng 03 vụ, số người chết tăng 04 người và số người bị thương giảm 01 người, tất cả đều tập trung ở đường bộ, đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông. So với cùng kỳ năm trước số vụ giảm 03 vụ, số người chết giảm 02 người và số người bị thương giảm 01 người. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra tai nạn là do chuyển hướng, không quan sát và do uống rượu, bia.
Trong 02 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, chủ yếu tập trung ở đường bộ, làm chết tổng cộng 06 người và làm bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 11 vụ, số người chết giảm 11 người và số người bị thương giảm 03 người.
6.6. Tình hình môi trường, thiên tai và phòng, chống cháy, nổ
Ngành chức năng tiếp tục giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Tính đến tháng 02, ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 12 vụ vi phạm môi trường, với số tiền xử phạt là 56,5 triệu đồng.
Về tình hình hạn mặn: Công tác phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh luôn được theo dõi, phân công cán bộ Trạm Thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn ở các huyện, thị, thành phố mỗi ngày một lần để kịp thời thông báo đến người dân. Trên địa bàn tỉnh, tình hình xâm nhập mặn xuất hiện tại huyện Châu Thành trên sông Cái Côn với nồng độ là 4,2‰ (ngày 11/02/2020); tại thành phố Ngã Bảy trên kênh Mang Cá, nồng đồ cao nhất đo được là 2,0‰ (ngày 07/02/2020); tại thành phố Vị Thanh với nồng độ cao nhất đo được là 7,4‰ (ngày 11/02/2020) tại cống kênh Lầu, xã Hỏa Tiến; tại đầu kênh 10 Thước của huyện Long Mỹ độ mặn đo được cao nhất là 14,4‰ (ngày 11/02/2020), tại Ủy ban nhân dân xã Lương Nghĩa độ mặn là 18,6‰ (ngày 11/02/2020).
Về tình hình sạt lở: Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 điểm sạt lở. Chiều dài sạt lở là 111m, diện tích mất đất là 404m2. Ước tổng thiệt hại khoảng 543 triệu đồng.
Về công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Do được sự quan tâm thực hiện tốt nên trong tháng, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy, nổ xảy ra./.
Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang