Trong những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động mạnh và nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng ảnh hưởng đến dịch vụ và du lịch. Trong bối cảnh đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, vận tải,... Tuy nhiên, đến nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang dần được khôi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Các mục tiêu an sinh xã hội được duy trì thực hiện, đời sống của các tầng lớp nhân dân được quan tâm, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình cụ thể như sau:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Cây lúa
- Lúa hè thu 2020: Đã gieo sạ 215.242 ha, đạt 98,9% so với kế hoạch và giảm 3,0% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch 58.267 ha (tăng 12,8% so cùng kỳ), diện tích thu hoạch tăng là do một số xã của các huyện vùng Đồng Tháp Mười sạ sớm nên cho thu hoạch sớm; năng suất ước đạt 47,8 tạ/ha (tăng 0,4%); sản lượng 278.516,3 tấn (tăng 13,3%).
- Lúa thu đông 2020: Đã gieo sạ 29.174,5 ha, đạt 61,8% so với kế hoạch và bằng 135,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Tình hình tiêu thụ lúa: Tính đến ngày 15/7/2020, giá lúa thông dụng, lúa thường từ 5.000 – 5.300 đồng/kg, OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 4.900 – 5.000 đồng/kg, Đài thơm từ 5.500 – 6.000 đồng/kg, Nàng Hoa từ 5.200 – 7.500 đồng/kg, nếp 5.500 – 6.000 đồng/kg.
Tình hình sâu bệnh: Trong tháng, trên lúa hè thu có các đối tượng gây hại như bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 9.005 ha, rầy cánh phấn: 5.330 ha, rầy nâu: 566 ha, bệnh cháy bìa lá (1.525 ha), bệnh lem lép hạt (680 ha), sâu cuốn lá (81 ha), ốc bươu vàng (50 ha), đốm vằn (50 ha), bọ trĩ (49 ha),… xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh-đòng trổ-chín ở các huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ, Thủ Thừa, Cần Giuộc, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.
Một số cây trồng chủ yếu khác
- Cây mía niên vụ 2020-2021: Diện tích mía trồng được là 320 ha, giảm 89% so cùng kỳ, chủ yếu ở các huyện Bến Lức và Thủ Thừa. Hiện nay, tình hình tiêu thụ mía gặp nhiều khó khăn, giá thấp, nông dân chuyển sang cây trồng khác (lúa, mỳ và cây ăn quả…).
- Bắp hè thu 2020: Trồng được 106 ha, tăng 90,3% so cùng kỳ, trồng chủ yếu ở các huyện Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Hưng.
- Đậu phộng hè thu 2020: Diện tích trồng đạt 35 ha, giảm 56,3% so cùng kỳ, tập trung ở huyện Đức Hòa. Diện tích này cũng thường xuyên không ổn định, diện tích giảm do đầu vụ gặp trời mưa không thể xuống giống, một phần chuyển sang trồng lúa, số còn lại bỏ hoang diện tích.
- Cây chanh: Diện tích ước tính là 11.210,5 ha, tăng 3,6% so cùng kỳ. Diện tích tăng là do trong những năm gần đây trồng chanh có hiệu quả nên người dân đã chuyển đổi từ một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ, …) và cải tạo vườn tạp để phát triển. Tính đến ngày 15/7/2020, giá chanh có hạt từ 11.000 – 15.000 đồng/kg; giá chanh không hạt từ 8.000 – 11.000 đồng/kg.
- Cây thanh long: Diện tích ước tính 12.125 ha, tăng 2,4% so cùng kỳ. Trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ, Tân An, Bến Lức,… do đạt được hiệu quả kinh tế cao nên nhiều diện tích trồng lúa ở các huyện phía Nam của tỉnh được người dân chuyển đổi sang trồng thanh long. Tính đến ngày 15/7/2020, giá thanh long ruột trắng từ 5.000 – 6.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.
b. Chăn nuôi
Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2020, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn tìm ẩn rủi ro, giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định, người dân ngại đầu tư mở rộng chuồng trại.
Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm: Trong tháng, tình hình dịch bệnh ổn định, không phát sinh ổ dịch mới.
Tình hình tiêu thụ: Tính đến ngày 15/7/2020, giá gà thả vườn từ 45.000 – 55.000 đồng/kg; giá vịt từ 38.000 – 40.000 đồng/kg; giá heo hơi từ 8,6 – 9,0 triệu đồng/tạ.
2. Lâm nghiệp
Tình hình cháy rừng: Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng, các vụ cháy do được phát hiện sớm và dập tắt kịp thời nên chỉ có 03 vụ gây thiệt hại 0,188 ha.
Tình hình khai thác: Ước đến ngày 15/7/2020, sản lượng gỗ khai thác được 80.650 m3 (tăng 1,7% so với cùng kỳ), chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác ở huyện Đức Huệ và các huyện phía Nam của tỉnh. Củi khai thác được 151.340 ster, tăng 1,4% so cùng kỳ.
3. Thủy sản
Những tháng đầu năm 2020, hoạt động thủy sản gặp không ít khó khăn như dịch bệnh còn phát sinh, môi trường không thuận lợi (hạn, mặn kéo dài ảnh hưởng đến nuôi tôm nước lợ); giá cả một số sản phẩm cá nước ngọt, cá giống giảm mạnh, làm cho người nuôi ngại đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, do tình hình chuyển đổi mô hình nuôi (nuôi xen canh cá-ếch; nuôi tôm nước ngọt), người dân đầu tư chăm sóc kỹ thuật tốt hơn; doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh nuôi cá tra vùng nước ngọt nên hoạt động của ngành thủy sản đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
- Tôm nuôi nước lợ: Tính đến ngày 15/7/2020, nông dân đã thả nuôi được 3.303,7 ha, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó: tôm sú 467,4 ha (tăng 0,5%), tôm thẻ chân trắng 2.836,3 ha (giảm 10,1%). Diện tích thu hoạch ước đạt 3.103,7 ha (giảm 7,4%), năng suất ước đạt 2,5 tấn/ha (tăng 4,5%), sản lượng ước đạt 7.767,1 tấn (giảm 3,2%). Trong đó: diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 424,2 ha (tăng 1,0%), năng suất ước đạt 1,9 tấn/ha (tăng 2,6%), sản lượng ước đạt 816,5 tấn (tăng 3,6%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 2.679,5 ha (giảm 8,6%), năng suất ước đạt 2,6 tấn/ha (tăng 5,1%), sản lượng ước đạt 6.950,6 tấn (giảm 4,0%).
- Cá tra nuôi công nghiệp: Tính đến ngày 15/7/2020, diện tích thả nuôi là 130,7 ha, tăng 12,7% so cùng kỳ. Diện tích thu hoạch ước đạt 56,0 ha (giảm 33,3% so cùng kỳ), năng suất ước đạt 280,1 tấn/ha (tăng 129,1%), sản lượng ước đạt 15.685,1 tấn (tăng 52,8%).
- Tình hình giá tôm thương phẩm như sau: Tính đến ngày 15/7/2020 giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg, giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg; cỡ 100 - 110 con/kg, giá từ 90.000 - 95.000 đồng/kg; giá tôm sú: Cỡ 40 - 50 con/kg, giá từ 210.000 - 220.000; cỡ 70 - 80 con/kg, giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg.
- Thủy sản khai thác: Tính đến ngày 15/7/2020, khai thác ước đạt 7.356,7 tấn, giảm 7,4% so cùng kỳ. Trong đó: khai thác thủy sản biển 4.128,8 tấn (giảm 14,3%), khai thác thủy sản nội địa 3.227,9 tấn (tăng 3,2%).
II. Sản xuất công nghiệp
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh cũng dần hồi phục và đang từng bước trở lại sản xuất bình thường.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2020 tăng 1,59% so tháng trước và tăng 7,06% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,56% so tháng trước và tăng 6,86% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,29% so tháng trước và tăng 11,73% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,81% so tháng trước và tăng 13,16% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,20%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,42%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,65%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 10,51%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,53%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 15,38%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 10,45%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,63%; khai thác, xử lý và cung cấp nước 10,11%.
Một số sản phẩm chủ yếu tháng 7/2020 gồm: hạt điều khô 6.513,48 tấn, giảm 2,24% so tháng trước và tăng 14,56% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 41.121,95 tấn, tăng 6,11% so cùng kỳ; gạo xay xát 430,84 nghìn tấn, giảm 4,35% so tháng trước và tăng 12,73% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 2.908,13 nghìn tấn, tăng 9,83% so cùng kỳ; thức ăn gia súc 82,33 nghìn tấn, tăng 2,42% so tháng trước và tăng 2,63% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 549,85 nghìn tấn, giảm 4,32% so cùng kỳ; nước khoáng không ga 28.129 nghìn lít, giảm 23,10% so tháng trước và giảm 7,22% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 335.286 nghìn lít, giảm 3,63% so cùng kỳ; sợi tơ nhân tạo 7.962 tấn, tăng 3,19% so tháng trước và giảm 2,34% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 51.534 tấn, giảm 2,53% so cùng kỳ; vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp 5.009,21 nghìn m2, giảm 20,49% so tháng trước và giảm 60,58% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 72.071,05 nghìn m2, giảm 38,94% so cùng kỳ; túi xách 2.503,94 nghìn cái, tăng 6,85% so tháng trước và giảm 40,16% so với cùng kỳ, lũy kế đạt 18.759,06 nghìn cái, giảm 37,73% so cùng kỳ.
Đến cuối tháng 7 năm 2020 có 45/75 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 7 nhóm sản phẩm tăng trên 20% như sợi se từ các loại sợi tự nhiên (tăng 61,11%); dược phẩm chứa hoocmon nhưng không có kháng sinh dạng viên (tăng 24,33%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic (tăng 29,11%); gạch và gạch khối xây dựng (tăng 24,83%); sắt, thép không hợp kim cán phẳng (tăng 41,66%), ba lô (tăng 28,42%),… Số nhóm sản phẩm có tốc độ giảm là 30/75 nhóm, tập trung chủ yếu là bia đóng chai (giảm 20,16%); thức ăn cho gia súc (giảm 4,32%); vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp (giảm 38,94%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (giảm 62,22%); túi xách (giảm 37,73%); ...
III. Đầu tư phát triển
Trong tháng 7/2020, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai kế hoạch vốn năm 2020 đã giao, các chủ đầu tư đã chủ động trong việc triển khai và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, hầu hết các công trình điều có khối lượng thực hiện và giải ngân. Việc phân cấp quản lý vốn đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, công tác đấu thầu được giám sát chặt chẽ, công tác quyết toán vốn được chủ đầu tư và cơ quan tài chính thực hiện đúng quy định.
Ước thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 7 năm 2020 đạt 428,41 tỷ đồng, bằng 11,11% so với kế hoạch, tăng 13,57% so với tháng trước và tăng 43,23% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 268,83 tỷ đồng, bằng 11,06% so với kế hoạch, tăng 18,29% so với tháng trước và tăng 38,37% so với cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 159,58 tỷ đồng, bằng 11,20% so với kế hoạch, tăng 6,43% so với tháng trước và tăng 52,24% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý ước đạt 1.734,99 tỷ đồng, bằng 45,01% so kế hoạch và tăng 18,67% so cùng kỳ năm trước. Chia ra: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.117,44 tỷ đồng, bằng 45,99% so kế hoạch và tăng 11,81% so cùng kỳ năm trước; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 617,55 tỷ đồng, bằng 43,33% so kế hoạch và tăng 33,50% so cùng kỳ năm trước.
IV. Thương mại, giá cả
1. Nội thương
Hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng trở lại, doanh thu thương mại, dịch vụ tháng 7/2020 ước đạt 7.155,80 tỷ đồng, tăng 2,31% so với tháng trước và giảm 2,02% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 6.145,78 tỷ đồng, tăng 1,80% so tháng trước và giảm 0,03% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 636,24 tỷ đồng, tăng 7,89% so tháng trước và giảm 15,75% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 373,79 tỷ đồng, tăng 1,77% so tháng trước và giảm 6,71% so cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 50.189,21 tỷ đồng, giảm 2,88% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.399,87 tỷ đồng (chiếm 86,47% tổng mức), tăng 0,73% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.208,69 tỷ đồng (chiếm 8,39% tổng mức), giảm 24,59% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2.580,66 tỷ đồng (chiếm 5,14% tổng mức) giảm 14,30% so cùng kỳ.
2. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2020 tăng 0,37% so với tháng trước. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so tháng trước, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm Giao thông tăng 4,55% (giá xăng, dầu tăng 9,02% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 27/6/2020 và ngày 13/7/2020), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,38%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 1,56% (đồ uống không cồn giảm 0,75%; rượu bia tăng 0,33%; thuốc hút tăng 2,9%), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,07%; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,08%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm Văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,05%; nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,04%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Có 4 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23% (giá lương thực giảm 1,25%; thực phẩm giảm 0,14%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%), đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,08%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,13%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,07%; nhóm Giáo dục giảm 0,04%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2020 tăng 4,70% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó tăng nhiều nhất là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,65%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,74%; nhóm Giáo dục tăng 2,99%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,80%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 2,69%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,68%; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,65%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,46%; nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,30%. Nhóm Giao thông giảm 10,16%; nhóm Văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,40%.
CPI tháng 7/2020 tăng 1,54% so với tháng 12/2019 và tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 22,23% so với tháng 12/2019 và tăng 29,22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2020 giảm 0,10% so với tháng trước; giảm 0,62% so với tháng 12/2019 và giảm 0,90% so với cùng kỳ năm 2019.
V. Vận tải, du lịch
Vận tải: Hoạt động vận chuyển hành khách trong tháng 7/2020 có nhiều khởi sắc do vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của người dân tăng.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 7 năm 2020 ước đạt 209,80 tỷ đồng, tăng 2,89% so tháng trước và giảm 6,56% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 57,86 tỷ đồng, tăng 4,99% so với tháng trước và giảm 16,24% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 122,62 tỷ đồng, tăng 2,07% so tháng trước và tăng 2,26% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 3.358,27 ngàn lượt người, tăng 3,83% so với tháng trước và giảm 39,47% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 98.083,30 ngàn lượt người.km, tăng 4,0% so với tháng trước và giảm 53,19% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.018,88 ngàn tấn, tăng 1,61% so tháng trước và tăng 2,06% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 101.367,33 ngàn tấn.km, tăng 2,21% so với tháng trước và tăng 2,14% so cùng kỳ.
Ước tính doanh thu vận tải, kho bãi 7 tháng đầu năm 2020 đạt 1.423,12 tỷ đồng, giảm 7,51% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 382,53 tỷ đồng, giảm 20,02% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 837,91 tỷ đồng, giảm 0,35% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 27.681,83 ngàn lượt người, giảm 27,35% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 964.627,02 ngàn lượt người.km, giảm 35,02% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hành hóa ước đạt 14.081,26 ngàn tấn, giảm 0,16% so cùng kỳ; luân chuyển ước 696.230,72 ngàn tấn.km, giảm 0,94% so cùng kỳ.
Du lịch: Trong tháng 7/2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu thông tin du lịch, văn hóa, lễ hội, ẩm thực của tỉnh nhằm thu hút khách du lịch đến với Long An nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượt khách du lịch sụt giảm mạnh, ước đạt khoảng 100.000 lượt khách; doanh thu ước đạt 40 tỷ đồng, không tăng so với cùng kỳ năm trước.
VI. Tài chính, tiền tệ
Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 19/7/2020, thu ngân sách nhà nước đạt 8.806,72 tỷ đồng, bằng 52,17% dự toán và giảm 13,51% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 7.362,19 tỷ đồng, bằng 55,79% dự toán và giảm 9,73% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 856,49 tỷ đồng, bằng 57,10% dự toán và giảm 25,74% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.444,52 tỷ đồng, bằng 39,20% dự toán và giảm 28,72% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương là 7.879,78 tỷ đồng, bằng 53,88% dự toán tỉnh giao và tăng 11,49% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 3.873,86 tỷ đồng, bằng 96,66% dự toán và tăng 18,05% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 4.004,66 tỷ đồng, đạt 49,30% dự toán và tăng 5,78% so cùng kỳ.
Tiền tệ: Tổng nguồn vốn hoạt động ước tính đến cuối tháng 7 năm 2020 đạt 112.003 tỷ đồng, tăng 2,32% so với đầu năm và tăng 8,94% so cùng kỳ.
Vốn huy động đạt 70.858 tỷ đồng, tăng 3,67% so với đầu năm và tăng 11,78% so cùng kỳ; trong đó, Vốn huy động ngắn hạn: 51.134 tỷ đồng, tăng 2,48% so với đầu năm và tăng 10,50% so cùng kỳ; Vốn huy động trung, dài hạn: 19.724 tỷ đồng, tăng 6,88% so với đầu năm và tăng 15,24% so cùng kỳ. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 5,3%-6,8% đối với tiền gửi từ 6-12 tháng; 6,6%-7,4%/năm đối với tiền gửi trên 12 tháng.
Tổng dư nợ cho vay đạt 73.904 tỷ đồng, tăng 5,87% so với đầu năm và tăng 9,75% so cùng kỳ; trong đó, cho vay ngắn hạn: 44.389 tỷ đồng, tăng 4,63% so với đầu năm và tăng 15,57% so cùng kỳ; cho vay trung, dài hạn: 29.515 tỷ đồng, tăng 7,79% so với đầu năm và tăng 2,03% so cùng kỳ. Nợ xấu 678 tỷ đồng (tăng 263 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 278 tỷ đồng so cùng kỳ). Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân do tác động của dịch bệnh Covid 19 và ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6%-9%/năm; trung, dài hạn khoảng 9%-11%/năm.
VII. Một số vấn đề xã hội
1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Trong 7 tháng đầu năm 2020, công tác an sinh trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, không có hộ thiếu đói. Trợ cấp đột xuất 63 trường hợp, số tiền 43,5 triệu đồng (có 55 trường hợp trợ cấp đột xuất hộ dân Việt Kiều khu cụm dân cư Bình Châu B - mỗi hộ 500.000 đồng). Trong tháng, Trung tâm Công tác xã hội Long An đã tiếp nhận nuôi dưỡng 03 đối tượng (01 người cao tuổi, 02 người khuyết tật thần kinh tâm thần). Hiện tổng số đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm là 420 người (48 cao tuổi cô đơn; 09 trẻ em; 13 khuyết tật, 349 khuyết tật thần kinh, tâm thần; 01 người lang thang).
2. Giáo dục
Trong tháng 7 năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các sở ngành và các địa phương tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 vào 2 ngày 16 và 17/7/2020 với 3 môn thi tự luận là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh cho 18.414 thí sinh đăng ký dự thi tại 46 điểm thi với 788 phòng thi. Trong đó, có 519 thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT Chuyên Long An với 24 phòng thi. Bên cạnh đó, công tác ôn tập và chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
3. Y tế
Tính đến ngày 10/7/2020, trên địa bàn tỉnh chưa có ca nhiễm Covid-19. Tổng số người cách ly là 2.523 người, trong đó: Số người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung là: 671 người (21 người hiện đang cách ly và 650 người đã hoàn thành cách ly 14 ngày). Số người cách ly tại nhà, nơi lưu trú là: 1.852 người (15 người đang theo dõi cách ly và 1.837 người đã hoàn thành cách ly 14 ngày).
Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận trong tháng 6 năm 2020 như sau: Bệnh Sởi lâm sàng 1 ca (tăng 1 ca so với tháng trước và giảm 47 ca so cùng kỳ); bệnh sốt xuất huyết 98 ca (tăng 17% so với tháng trước, giảm 76% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 29 ca mắc (tăng 2,2 lần so với tháng trước và giảm 76,9% so cùng kỳ); bệnh Thủy Đậu 14 ca (tăng 2 ca so với tháng trước và giảm 63,1% so với cùng kỳ); bệnh Quai Bị Không ghi nhận (giảm 3 ca so với tháng trước và giảm 36 ca so với cùng kỳ); bệnh Tiêu chảy 244 ca mắc (giảm 11% so với tháng trước và giảm 48,9% so với cùng kỳ. Số ca nhiễm HIV được phát hiện trong tháng là 27 ca, giảm 5 ca so tháng trước và tăng 9 ca so với cùng kỳ; Có 5 ca tử vong, tăng 2 ca so với tháng trước và bằng với số ca cùng kỳ năm trước. Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm là 143 ca, tăng 40 ca so với cùng kỳ. Số BN còn sống đang quản lý là 2.191 ca. Trong 7 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
4. Lao động, việc làm
Trong tháng 7/2020, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 4.832 lao động, lũy kế 13.373 lao động, đạt 44,57%. Thực hiện cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: cấp mới 6 lao động, cấp lại 22 lao động; thẩm định thỏa ước lao động tập thể 13 doanh nghiệp, nội quy 15 doanh nghiệp.
Có 4.487 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 19.890 người; trong đó xét duyệt 5.047 người, lũy kế 17.118 người; chi trợ cấp thất nghiệp 93,3 tỷ đồng, lũy kế 294,6 tỷ đồng; 36 người được hỗ trợ học nghề, lũy kế 149 người; 13.471 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 59.970 lượt người.
Trong tháng, tuyển sinh đào tạo 3.161 lao động, lũy kế 10.531 lao động, đạt 41,6% kế hoạch (14 cao đẳng, 502 trung cấp, 2.650 sơ cấp, 7.365 dạy nghề dưới 3 tháng).
5. Văn hóa - thể thao
Văn hóa: Trong tháng 7/2020, toàn tỉnh đã thực hiện treo 2.110 băng rôn, pano, áp phích và 386 cuộc tuyên truyền cổ động, loa truyền thanh về phòng, chống dịch Covid-19; tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày sinh của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, ngày Thương binh - Liệt sĩ và truyền thông bình đẳng giới.
Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh xây dựng vở diễn "Chuyện của Dung" tham gia Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ IV - 2020 do Cục Công tác Đảng và công tác chính trị - Bộ Công an, Bộ VH, TT và DL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vòng sơ tuyển cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách tại chỗ nhân các ngày lễ kỷ niệm của đất nước. Trong đó, Bảo tàng - Thư viện tỉnh phục vụ 244 lượt bạn đọc với 1.006 lượt tài liệu.
Thể thao: Trong tháng 7/2020, nhiều hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh đã diễn ra sôi nổi như tổ chức Giải Bơi các nhóm tuổi trẻ tỉnh; các trận Bóng đá Giải Hạng I quốc gia; Tham gia Đại hội thể dục thể thao Đồng bằng sông Cửu Long; tham gia thi đấu giải Bóng chuyền trẻ nam nữ toàn quốc. Hỗ trợ Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương tổ chức Giải xe đạp Truyền hình Bình Dương mở rộng lần thứ VII năm 2020 – Cúp Tôn Thiên Đại Lộc. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố còn tổ chức 22 giải thể thao phong trào với các môn Quần vợt, Bóng đá, Cờ vua, Bơi lội, Cầu lông, Bóng chuyền, Điền kinh, Đá cầu.
6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường
Cháy, nổ: Trong tháng 7/2020 trên địa bàn tỉnh Long An không xảy ra các trường hợp cháy, nổ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 06 vụ cháy, ước tổng giá trị thiệt hại của 05 vụ cháy là 11.735 triệu đồng, 01 vụ còn lại chưa thống kê được.
Bảo vệ môi trường: Trong tháng đã phát hiện và xử phạt 01 trường hợp xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép của hộ kinh doanh giết mổ gia cầm với số tiền xử phạt là 3,9 triệu đồng. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 24 vụ vi phạm môi trường với tổng số tiền xử phạt là 3.971 triệu đồng.
7. Tai nạn giao thông
Trong tháng 7 năm 2020 (tính đến 20/7/2020) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông (tăng 3 vụ so tháng trước và tăng 2 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 9 người (giảm 2 người so tháng trước và giảm 1 người so với cùng kỳ); bị thương 16 người (tăng 8 người so với tháng trước và tăng 2 người so với cùng kỳ).
Trong 7 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 97 vụ tai nạn giao thông (giảm 18 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 59 người (giảm 13 người); bị thương 61 người (giảm 44 người)./.
Cục thống kê tỉnh Long An