Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/09/2021-16:12:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 năm 2021 tỉnh Hậu Giang

Trong tháng 5/2021, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang phát triển khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, với mức độ phức tạp và lây lan nhanh trên diện rộng nhưng do Tỉnh làm tốt công tác phòng chống dịch nên tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang tương đối ổn định, các chỉ tiêu kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,61%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,67%; trị giá hàng hóa xuất khẩu tăng 36,86%; trị giá hàng hóa nhập khẩu tăng 32,49%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 13,09%. Cụ thể kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nhìn chung, trong tháng 5/2021, ngành nông nghiệp chủ yếu tập trung vào công tác thu hoạch dứt điểm lúa vụ đông xuân và xuống giống vụ lúa hè thu năm 2021. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, phòng ngừa dịch bệnh gây hại trên cây trồng, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra mực nước, độ mặn, theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn để cảnh báo kịp thời đến người dân. Ngành thú y tiếp tục tăng cường công tác theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh, duy trì công tác tiêm phòng dịch bệnh ở đàn gia súc và dịch cúm trên gia cầm; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương và nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn các diện tích đang nuôi, chú ý các mô hình và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao mang lại lợi nhuận cho người dân. Kết quả cụ thể từng lĩnh vực như sau:

1.1. Trồng trọt

Lúa Đông xuân 2020-2021: Toàn tỉnh đã xuống giống được 77.022 ha, bằng 100,55% so với kế hoạch tỉnh (kế hoạch tỉnh 76.600 ha), so với cùng kỳ giảm1,03% (bằng 798,5 ha). Một số giống sử dụng chủ yếu là: OM18 chiếm 28,24% với tổng diện tích trồng là 21.747,7 ha, Đài thơm 8 chiếm 22,92% với diện tích trồng là 17.653,9 ha, OM5451 chiếm 19,03% với diện tích trồng là 14.658,1 ha, RVT chiếm 17,07% với diện tích trồng là 13.144,4 ha, ST24 chiếm 5,17% với diện tích trồng là 3.978,4 ha, IR50404 chiếm 3,6% với diện tích trồng là 2.774,2 ha, còn lại là các giống khác như: ST25, Jasmine 85, OM6976,... Hiện đã thu hoạch dứt điểm. Năng suất cả vụ đạt 78,18 tạ/ha, tăng 2,1% (bằng 1,61 tạ/ha) so với cùng kỳ; Sản lượng lúa Đông xuân năm nay được 602.156 tấn, tăng 1,06% (bằng 6.287 tấn) so với cùng kỳ.

Lúa Hè thu: Hiện nay đã xuống giống được 63.355 ha. Lúa đang ở giai đoạn mạ đến trổ chín, sinh trưởng và phát triển tốt. Các giống được sử dụng chủ yếu như: OM18, OM5451, Đài Thơm 8,…

Mía niên vụ 2020 - 2021: hiện nay đã xuống giống được 5.040 ha, giảm 14,7% (bằng 869 ha) so với cùng kỳ. Phân bố ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Hiện đang ở giai đoạn từ 03 đến 05 tháng tuổi. Các giống sử dụng chủ yếu như: Roc 16, K88-92, KK3, Roc 22,...Trong tháng có 109 ha nhiễm sinh vật gây hại (không tăng so với tháng 4) gồm: chuột 22 ha, rệp sáp 18 ha, sâu đục thân 32 ha, rầy đầu vàng 12 ha, rỉ sắt 25 ha,... đa số là gây hại nhẹ.

Cây ngô: Diện tích gieo trồng toàn tỉnh được 1.510 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 2,57% (bằng 38 ha); diện tích thu hoạch 1.165 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 4,77% (bằng 53 ha).

Cây rau các loại: Diện tích gieo trồng 5 tháng đầu năm được 13.890 ha, so với năm trước tăng 10,99% (bằng 1.376 ha); diện tích thu hoạch được 9.759 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 2,14% (bằng 205 ha).

Một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu:

- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có 2.794,8 ha, tăng 2,5% (bằng 68,2 ha), sản lượng 11.065,5 tấn, giảm 3,58% (bằng 410,3 tấn) so với cùng kỳ. Tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Giá bán trung bình 8.000 – 12.000 đồng/kg.

- Cây mít: Diện tích hiện có 7.145,4 ha, tăng 2,58% (bằng 179,7 ha), diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng 9.214,1 tấn, tăng 18,89% (bằng 1.464,1 tấn) so với cùng kỳ. Giá bán trên thị trường có chiều hướng giảm, gây khó khăn cho người trồng mít.

Về tình hình dịch bệnh: Nhìn chung, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt và ngăn chặn kịp thời, ngành Nông nghiệp đề nghị bà con thường xuyên thăm đồng phát hiện sinh vật gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời như: phòng chống sâu cuốn lá, bệnh rầy nâu, đạo ôn cổ bông,…cần xử lý theo nguyên tắc 4 đúng để đạt hiệu quả cao.

1.2. Chăn nuôi

Hiện nay, tình hình chăn nuôi ổn định và thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, đàn gia súc, gia cầm được hộ dân phát triển tái đàn. Ước tính tháng 5/2021, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:

- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.499 con, tăng 3,31% (bằng 48 con) so với cùng kỳ; đàn bò ước được 3.605 con, giảm 0,41% (bằng 15 con) so với cùng kỳ.

- Đàn heo (không tính heo con chưa tách mẹ): Ước được 104.034 con, tăng 12,65%[1] (bằng 11.680 con) so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt được 91.124 con, tăng 13,71% (bằng 10.989 con). Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.

- Đàn gia cầm: 4.415,5 ngàn con, tăng 5,73% (bằng 239,2 ngàn con). Trong đó: Đàn gà 1.587,8 ngàn con, tăng 19,85% (bằng 278 ngàn con). Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có bước phát triển tương đối mạnh do tình hình dịch bệnh được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, người chăn nuôi an tâm đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô sản xuất do hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại hình nuôi khác. Phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công có xu hướng tiếp tục phát triển khá.

1.3. Lâm nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất lâm nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung cho công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; kiểm tra việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của chủ rừng và các địa phương, dự báo mức cảnh báo cháy rừng lên cấp IV (cấp nguy hiểm). Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác ứng trực cháy rừng, tăng cường tuần tra, canh gác, theo dõi, tổ chức ứng trực cháy rừng hằng ngày kể cả thứ bảy, chủ nhật, cập nhật diễn biến rừng hàng tháng kịp thời tiếp nhận thông tin và báo cáo theo quy định. Công tác phòng chống cháy rừng được quán triệt và làm tốt nên diện tích rừng được bảo vệ an toàn. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng cháy chữa cháy rừng được đảm bảo nên không xảy ra vụ cháy rừng nào trên địa bàn tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại các hộ dân đã trồng mới được khoảng 98,5 ha. Sản lượng gỗ khai thác trong tháng ước khoảng 809 m3, tăng 1,40% (bằng 11 m3), sản lượng củi khai thác ước được 5.129 ste, tăng 1,92% (bằng 97 ste) so với cùng kỳ. Ước cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 5/2021, sản lượng gỗ khai thác được 5.050 m3, tăng 0,80% (bằng 40 m3 ) và sản lượng củi khai thác được 45.783 ste củi, tăng 3,48% (bằng 1.539 ste) so với cùng kỳ.

1.4. Thủy sản

Tháng 5/2021, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 1.425,05 ha, tăng 2,08% (bằng 29,08 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 3.527,08 ha, đạt 43,54% so kế hoạch năm (8.100 ha) và tăng 2,24% (bằng 77,34 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 5/2021, ước được 3.756,82 tấn, tăng 3,74% (bằng 135,43 tấn) so với cùng kỳ. Ước tính 5 tháng được 24.431,99 tấn, đạt 30,54% so kế hoạch năm (80.000 tấn) tăng 3,32% (bằng 784,93 tấn) so với cùng kỳ. Chia ra:

- Sản lượng thủy sản khai thác tháng 5/2021, ước được 284,12 tấn, tăng 3,02% (bằng 8,32 tấn) so cùng kỳ. Ước tính 5 tháng được 1.302,42 tấn, giảm 0,79% (bằng 10,43 tấn) so cùng kỳ. Hiện đang vào cao điểm mùa khô nên nguồn lợi thủy sản khai thác cũng sụt giảm.

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 5/2021, ước được 3.472,70 tấn, tăng 3,80% (bằng 127,11 tấn) so cùng kỳ. Ước tính 5 tháng được 23.129,57 tấn, tăng 3,56% (bằng 795,36 tấn) so cùng kỳ.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và các nước nhập khẩu vẫn còn diễn biến phức tạp, nên tình hình xuất khẩu thủy sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh mô hình nuôi lươn bể, bồn đang phát triển mạnh do mang lại lợi nhuận cho người nuôi, tập trung nhiều tại huyện Long Mỹ, Vị Thủy và Phụng Hiệp. Nhiều hộ đầu tư nuôi mới và mở rộng qui mô nuôi đang phát triển tại thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành, giá bán lươn thương phẩm (≥ 200g/con) có giá dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg.

2. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 5/2021: Tính theo giá so sánh 2010, được 2.844,55 tỷ đồng, tăng 4,83% so với tháng trước và tăng 7,88% so với cùng kỳ năm trước; tính theo giá thực tế, được 3.801,23 tỷ đồng, tăng 5,21%[2] so với tháng trước và tăng 8,19% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 5 tháng năm 2021: Tính theo giá so sánh 2010, được 11.496,37 tỷ đồng, tăng 12,16% so với cùng kỳ năm trước và đạt 36,24% so với kế hoạch năm; tính theo giá thực tế, được 16.005,43 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cùng kỳ năm trước và đạt 34,60% so với kế hoạch năm. Trong đó:

- Khu vực kinh tế nhà nước, có 2 doanh nghiệp đóng góp giá trị sản xuất 151,27 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,95% trong toàn ngành và tăng 12,02% so với cùng kỳ;

- Khu vực kinh tế tư nhân, có 186 doanh nghiệp và trên 4.644 cơ sở cá thể công nghiệp, đóng góp giá trị sản xuất 13.369,78 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71,04% trong toàn ngành và tăng 15,06% so với cùng kỳ;

- Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có 8 doanh nghiệp và đóng góp giá trị sản xuất 4.484,36 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,02% trong toàn ngành và tăng 9,87% so với cùng kỳ.

Trong 5 tháng đầu năm một số doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn, sau thời gian đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của tỉnh như: Công ty cổ phần chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang (sản phẩm sản xuất gạo thành phẩm); Công ty TNHH MTV Masan HG (sản xuất thực phẩm ăn liền); Công ty cổ phần điện mặt trời VKT- Hòa An (điện năng lượng mặt trời); Công ty cổ phần Thực phẩm Trí Thành (sản phẩm sản xuất chả từ thịt các loại và xúc xích); Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh đã hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động (sản phẩm sản xuất dung môi);... Vì vậy, đã làm tăng một số ngành như:Ngành sản xuất chế biến thực phẩm (chiếm tỷ trọng 36,10% và tăng 9,40%); Ngành sản xuất đồ uống (chiếm tỷ trọng 9,71% và tăng 94,01% so với cùng kỳ); Ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (chiếm tỷ trọng 5,05 % và tăng 26,28 % so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, tăng một phần là một số doanh nghiệp chuyển sang sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn cùng kỳ, nên đã góp phần làm tăng đột biến giá trị sản xuất của các ngành này nói riêng và của tỉnh nói chung.

Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Trong những tháng gần đây, lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều dự án mới đi vào hoạt động, với nhiều chính sách hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Dự tính tháng 5/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,05% so với tháng trước và tăng 15,61% so với cùng kỳ. Cụ thể:

- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Tăng 3,05% so với tháng trước và tăng 15,63% so với cùng kỳ. Trong đó:

+ Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 6,71% so với tháng trước và tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này tăng sản lượng sản xuất như: Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thủy sản tăng 7,25% so với tháng trước và tăng 7,84% so với cùng kỳ; Chế biến và bảo quản rau quả tăng 3,05% so với tháng trước và tăng 79,15% so với cùng kỳ; Xay xát và sản xuất bột thô tăng 4,17% so với tháng trước và tăng 19,05% so với cùng kỳ. Vì vậy, chỉ số ngành chế biến thực phẩm tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

+ Ngành sản xuất đồ uống, giảm 11,55% so với tháng trước và tăng 64,92% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 1.391 cơ sở sản cá thể công nghiệp sản xuất rượu và 11 doanh nghiệp sản xuất đồ uống. Trong đó, có 01 doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn (trên 200 tỷ tháng) sản xuất nước uống có hương vị hoa quả giảm sản lượng 15,50% (-3.511 1.000 lít) so với tháng trước và tăng 69,63% (+7.856 1.000 lít) so với cùng kỳ, nên làm chỉ số chung ngành sản xuất đồ uống giảm so với tháng trước nhưng tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

+ Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,32% so với tháng trước và giảm 21,13% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất của ngành này chủ yếu do 03 doanh nghiệp sản xuất giày da đóng góp trên 98% (trên 400 tỷ tháng), Trong những tháng vừa qua các doanh nghiệp trên đã nhận được những hợp đồng sản xuất giày có chất lượng cao, đã làm giá trị tăng từ 20 đến 25% so với cùng kỳ, mặc dù chỉ số sản xuất ngành này giảm nhưng giá trị sản xuất tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ.

+ Ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 1,38% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó khi dịch Covid-19 đã diễn biến trở lại hết sức phức tạp trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng chủ yếu đến các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu nguyên, vật liệu và xuất khẩu hàng hóa, nên doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ nguyên, vật liệu để sản xuất được hoạt động liên tục và ổn định từ đầu năm đến nay. Vì vậy, chỉ số sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

+ Ngành sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 4,69% so với tháng trước và tăng 90,25% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Tân Huy Hoàng, sản xuất các sản phẩm gia dụng bằng plastic có thị trường tiêu thụ lớn và ổn định, nên chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này tăng đều so với cùng kỳ.

+ Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 5,70% so với tháng trước và tăng 12,94 % so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do hiện nay giá nguyên liệu đầu vào tăng và đang vào mùa xây dựng, nên các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các cấu kiện trong xây dựng và bê tông tươi, tăng sản lượng để phục vụ thị trường xây dựng, nên chỉ số sản xuất ngành này tăng so với tháng trước và cùng kỳ.

- Ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Tăng 5,49% so với tháng trước và tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Công ty Điện Lực Hậu Giang đã hoạt động ổn định, cung cấp đủ điện một cách an toàn, hiệu quả cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp được hoạt động liên tục, đảm bảo hạn chế không để xảy ra tình trạng thiếu điện sử dụng và mất điện đột ngột, sản lượng truyền tải điện năng tăng 6,02% so với cùng kỳ năm trước. Riêng, Dự án điện mặt trời của Công ty điện mặt trời VKT- Hòa An, với công suất thiết kế 29MWp, đã đấu nối vào tuyến đường dây 110kv Vị Thanh - Long Mỹ, đã làm tăng giá trị của của ngành này nói riêng và giá trị của toàn tỉnh nói chung.

- Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: Tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 21,20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ năm trước là do Công ty Cổ Phần Cấp Thoát Nước- CTĐT Hậu Giang nắm được nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân nông thôn ngày càng cao, nên công ty đã hoàn thiện, khởi công mới các tuyến đường ống dẫn nước đến các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh và khai thác thêm các nguồn nước ngầm để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước phục vụ tốt việc sản xuất kinh doanh và sinh hoạt cho mọi người dân.

Dự tính 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành so với cùng kỳ như: Chế biến, bảo quản rau quả (tăng 15,77%); Xay xát và sản xuất bột thô (tăng 14,03%); Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thuỷ sản (tăng 33,49%); Sản xuất đồ uống (tăng 94,00%); Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 20,91%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (tăng 26,28%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 27,61%); Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 16,79%)… Nguyên nhân là do sau thời gian dịch Covid-19 xãy ra, doanh nghiệp đã có kế hoạch và phương án vừa phòng chống, vừa sản xuất nền kinh tế cả nước nói chung và ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Về tình hình sử dụng lao động: Tính đến thời điểm 01/5/2021, chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tăng 0,63% so với tháng trước và tăng 1,99% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng tăng 1,96% so với cùng kỳ. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2021 một số ngành tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành so với cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 47,54%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,13%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 4,26%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,20%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 24,04%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 29,63%... Riêng ngành Sản xuất chế biến thực phẩm sử dụng trên 31,89% trong tổng lao động toàn ngành công nghiệp nhưng giảm 0,42% so với cùng kỳ, nên làm chỉ số sử dụng lao động chung của toàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng không cao so với cùng kỳ.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Tính từ ngày 20/04/2021 - 20/05/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 51 doanh nghiệp, với tổng số vốn 276,628 tỷ đồng. Lũy kế đầu năm đến nay 294 doanh nghiệp, với tổng vốn 917,962 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay cấp 5.179 doanh nghiệp, tổng vốn: 56.025,262 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp giải thể trong tháng là 03 doanh nghiệp. Lũy kế đầu năm đến nay 41 doanh nghiệp, với tổng vốn 17,2 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay là 2.169 doanh nghiệp[3], tổng vốn là 6.036,324 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng là 08 doanh nghiệp, tổng vốn 55,3 tỷ đồng. Lũy kế đầu năm đến nay là 79 doanh nghiệp, với tổng vốn 397,8 tỷ đồng. Lũy kế từ trước đến nay có 500 doanh nghiệp[4].

4. Vốn đầu tư

Tính đến ngày 17/5/2021, kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021là 16.331,954 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:

- Vốn ngân sách nhà nước: 2.405,954 tỷ đồng.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 1.020 tỷ đồng.

- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là: 12.906 tỷ đồng.

Ước tính vốn đầu tư thực hiện được trong tháng 5/2021 là 1.622,1 tỷ đồng, bằng 106,66%[5] so với tháng trước và bằng 89,85%[6] so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được 7.478,915 tỷ đồng, bằng 90,82% so với cùng kỳ năm trước và đạt 45,79% so với kế hoạch năm. Chia ra:

- Vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 789,985 tỷ đồng, bằng 98,30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 32,83% so với kế hoạch năm.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn thực hiện được 498,13 tỷ đồng, bằng 56,73% so với cùng kỳ năm trước và đạt 48,84% so với kế hoạch năm.

- Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước có khối lượng thực hiện được 6.190,80 tỷ đồng, bằng 94,48% so với cùng kỳ năm trước và đạt 47,97% so với kế hoạch năm

5. Tài chính, tín dụng

5.1. Tài chính

Ước tổng thu Ngân sách nhà nước tháng 5/2021 được 922,93 tỷ đồng, luỹ kế được 6.152,34 tỷ đồng, đạt 78,76% dự toán Trung ương, đạt 78,11% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Trung ương trợ cấp được 312,34 tỷ đồng, luỹ kế 1.740,30 tỷ đồng, đạt 43,14% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao; thu nội địa được 557,84 tỷ đồng, luỹ kế được 2.398,19 tỷ đồng, đạt 72,08% dự toán Trung ương và dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ước tổng chi Ngân sách địa phương tháng 5/2021 được 773,21 tỷ đồng, luỹ kế được 3.389,64 tỷ đồng, đạt 41,19% dự toán Trung ương giao, đạt 48,80% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Chi xây dựng cơ bản được 260,53 tỷ đồng, luỹ kế được 1.543,80 tỷ đồng, đạt 54,88% dự toán Trung ương giao, đạt 55,68% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; chi thường xuyên được 512,69 tỷ đồng, luỹ kế được 1.824,84 tỷ đồng, đạt 45,43% dự toán Trung ương giao và đạt 45,23% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

5.2. Tín dụng ngân hàng

Đến ngày 29/4/2021, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 15.875 tỷ đồng, giảm 0,21% so với cuối tháng 3/2021, tương ứng giảm 0,67% so với cuối năm 2020. Vốn huy động đáp ứng được 55,98% cho hoạt động tín dụng. Trong tổng vốn huy động trên địa bàn thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước huy động được 10.198 tỷ đồng (chiếm 64,24%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần được 4.949 tỷ đồng (chiếm 31,17%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 687 tỷ đồng (chiếm 4,33%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 41 tỷ đồng (chiếm 0,26%). Ước thực hiện đến cuối tháng 5/2021, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 15.972 tỷ đồng, tăng trưởng 0,61% so với cuối tháng 4/2021, tương ứng giảm 0,06% so với cuối năm 2020.

Đến ngày 29/4/2021, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 28.356 tỷ đồng, tăng trưởng 0,90% so với cuối tháng 3/2021, tương ứng tăng trưởng 6,0% so với cuối năm 2020. Trong tổng dư nợ thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước đạt 19.789 tỷ đồng (chiếm 69,79%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần là 5.723 tỷ đồng (chiếm 20,18%); Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.800 tỷ đồng (chiếm 9,87%) và Quỹ tín dụn Nhân dân là 44 tỷ đồng (chiếm 0,16%). Ước thực hiện đến cuối tháng 5/2021 dư nợ đạt 28.460 tỷ đồng, tăng trưởng 0,37% so với cuối tháng 4/2021, tương ứng tăng trưởng 6,38% so với cuối năm 2020.

Nợ quá hạn đến ngày 29/4/2021 là 841 tỷ đồng, chiếm 2,96% trên tổng dư nợ; nợ xấu là 436 tỷ đồng, chiếm 1,54% trên tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 405 tỷ đồng, chiếm 48,16% trên tổng nợ quá hạn. Dự báo đến cuối tháng 5/2021 nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, liên tục ghi nhận các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, tiếp tục gia tăng về người mắc và người tử vong. Trong nước, số ca mắc được ghi nhận liên tục tại nhiều tỉnh, thành trong những ngày qua, do đó nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào Tỉnh ta là rất lớn. Vì vậy, phải tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện phương châm ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, có kế hoạch, phương án điều trị hiệu quả và tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh thị trường hàng hóa tiêu dùng có xu hướng giảm; doanh thu dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nhất là dịch vụ vui chơi, giải trí; giáo dục và đào tạo; lưu trú, ăn uống.

Ước tính tháng 5/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 3.542,05 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 273,55 tỷ đồng), so với thực hiện tháng trước bằng 96,05% và so với cùng kỳ năm trước bằng 121,67%. Chia ra:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 2.658,76 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 95,45% và so với cùng kỳ năm trước bằng 121,10%. Cụ thể một số nhóm hàng như sau:

+ Lương thực, thực phẩm so tháng trước tăng 0,34% do giá cả một số mặt hàng nông sản như: thịt cá, gạo, rau xanh ổn định ở mức cao; bên cạnh đó đây là tháng cao điểm thu hoạch các loại trái cây trong năm.

+ Hàng may mặc so tháng trước giảm 36,08% do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên người dân có tâm lý tiết kiệm chi tiêu vào những mặc hàng không thiết yếu; người dân được khuyến khích hạn chế tập trung đông người nên các gian hàng may mặc, giày dép ở chợ đêm, trung tâm thương mại và các shop giảm lượng khách rõ rệt.

+ Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình so với tháng trước giảm 10,29% do ảnh hưởng một phần của dịch Covid-19 nên thu nhập của người dân giảm và mùa mưa đã đến làm thời tiết bớt nắng nóng nên sức mua ở các mặt hàng điện máy như: máy quạt, máy lạnh, tủ lạnh,… giảm so với tháng trước.

+ Vật phẩm văn hóa, giáo dục so với tháng trước giảm 21,66%. Bắt đầu từ ngày 11/5/2021 ngưng các hoạt động dạy, học, giáo dục trực tiếp tại các trường Mầm non, Mẫu giáo và Tiểu học trên địa bàn tỉnh nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng nhóm này giảm mạnh.

+ Gỗ và vật liệu xây dựng so với tháng trước tăng 0,30% do giá cả vật liệu xây dựng (cát xây, đá, sắt, thép, …) tăng, đặc biệt là giá cát tăng từ 15 đến 17%.

+ Xăng dầu các loại so tháng trước tăng 0,07% do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng (ngày điều chỉnh 12/5). Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) so tháng trước giảm 5,5% do giá gas giảm.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước tính được 556,42 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 99,53% và so với cùng kỳ năm trước bằng 123,67%.Trong tháng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành người dân hạn chế du lịch, lưu trú và các nhà hàng, quán ăn được nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, để hạn chế tập trung đông người nên số lượng khách có giảm so tháng trước. Cụ thể: doanh thu dịch vụ lưu trú ước tính được 10,679 tỷ đồng, so tháng trước giảm 7,73%, so cùng kỳ tăng 70,27%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước tính được 545,74 tỷ đồng, so tháng trước giảm 0,32%, so cùng kỳ tăng 23,01%.

- Doanh thu dịch vụ khác ước tính được 326,87 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 95,22% và so với cùng kỳ năm trước bằng 122,94%.Thực hiện công văn số 596/UBND-NCTH ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó tạm dừng các hoạt động như: Massage, xông hơi, điểm tư vấn sức khỏe bằng phương pháp ngồi, nằm máy massage, điểm tham quan du lịch, các hoạt động vui chơi, giải trí có tập trung đông người khác, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ có nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19; Vận động người dân tạm hoãn tổ chức đám cưới, đám hỏi, các buổi họp mặt, liên hoan từ 0h ngày 07/5/2021. Thực hiện công văn số 606/UBND-NCTH ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ngưng các hoạt động dạy, học, giáo dục trực tiếp tại các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học từ ngày 11/5/2021. Trong tháng hầu hết các ngành dịch vụ giảm so với tháng trước, đặc biệt là các dịch vụ như: Vui chơi giải trí giảm 5,76%; hành chính hỗ trợ giảm 8,12%; giáo dục và đào tạo giảm 27,51%.

Ước tính 5 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 18.883,42 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 1.538,84 tỷ đồng), so với cùng kỳ năm trước bằng 118,90%. Chia ra:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 14.302,12 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 116,20%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành được 2.873,23 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 128,50%.

- Doanh thu dịch vụ khác được 1.708,07 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 127,70%.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Ước thực hiện tháng 5/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 95.204 nghìn USD so với tháng trước bằng 107,84% và so với cùng kỳ năm trước bằng 135,41%.Chia ra:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 64.327 nghìn USD,so với tháng trước bằng 104,56% và so với cùng kỳ năm trước bằng 136,86%. Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng thủy hải sản chế biến các loại của các doanh nghiệp đang có bước hồi phục tích cực và có giá trị tăng mạnh (tháng 4 so với tháng trước tăng %). Mặt khác, các Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, UKFTA, CPTPP) có hiệu lực thực thi đã tạo cú hích và nhiều điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất khẩu phát triển và tăng trưởng bất chấp đại dịch COVID-19 đang bùng phát. Vì vậy, dự báo giá trị xuất khẩu sẽ tăng.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 30.877 nghìn USD, so với tháng trước bằng 115,40% và so với cùng kỳ năm trước bằng 132,49%.

Ước thực hiện 5 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 403,875 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 113,49% và so với kế hoạch năm đạt 37,35%. Chia ra:

+ Xuất khẩu ước thực hiện được 233,369 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 106,48% và so với kế hoạch năm đạt 31,73%.

+ Nhập khẩu ước thực hiện được 148,100 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 131,07% và so với kế hoạch năm đạt 52,59%.

+ Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 0,364 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 35,34% và so với kế hoạch năm đạt 30,33%.

+ Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 22,042 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 97,29% và so với kế hoạch năm đạt 34,99%.

Hiện nay,các Hiệp định Thương mại tự do là đòn bẫy tạo ra động lực phát triển trong hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ chưa có điểm dừng tại Ấn Độ và một số quốc gia khác có thế mạnh nuôi tôm xuất khẩu hiện đang có sản lượng sụt giảm mạnh. Do đó, đã tạo nhiều cơ hội cho các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.Bất chấp dịch bệnh đang diễn ra thì nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các nước nhập khẩu vẫn tăng trong khi nguồn cung lại giảm đã đẩy giá xuất khẩu các mặt hàng này tăng theo.

Vì vậy, cơ bản để giúp giá trị xuất khẩu chung trên địa bàn tăng lên, bù đắp lại giá trị sụt giảm trong những tháng đầu năm. Các ngành chức năng cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về các thông tin liên quan đến thị trường tại các nước, có cơ chế chính sách mở tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hợp tác mua bán đầu tư nhất là trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Về phía doanh nghiệp cần đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, chất lượng sản phẩm, từng bước cải tiến nâng cao năng lực sản xuất, đưa công suất nhà máy hoạt động tối đa,tăng sản lượng đảm bảo đáp ứng kịp tiến độ các đơn hàng, góp phần đưa giá trị xuất khẩu chung của tỉnh tăng trưởng trở lại so với những tháng đầu năm, tiến tới cố gắng hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi thực hiện trong tháng 5/2021 được 99,65 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 102,24% và so với cùng kỳ năm trước bằng 113,09%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 38,72 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 101,97% và so với cùng kỳ năm trước bằng 137,40%; đường thủy thực hiện được 33,36 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 102,94% và so với cùng kỳ năm trước bằng 111,89%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 27,57 tỷ đồng so với tháng trước bằng 101,79% và so với cùng kỳ năm trước bằng 91,53%.

Ước tổng doanh thu vận tải, kho bãi thực hiện 5 tháng được 491,07 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 107,28%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 189,86 tỷ đồng,bằng 127,91% so với cùng kỳ năm trước; đường thủy thực hiện được 166,62 tỷ đồng, bằng 101,30% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 134,58 tỷ đồng bằng 92,93% so với cùng kỳ năm trước.

6.3.1. Vận chuyển - luân chuyển hàng hóa

Ước thực hiện tháng 5/2021, toàn tỉnh vận chuyển được 573,14 nghìn tấn hàng hóa các loại (46.389,84 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 103,53% (102,68%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 109,41% (118,94%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 107,344 nghìn tấn (10.224,903 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 100,60% (100,15%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 171,90% (140,29%).

- Đường sông thực hiện được 465,79 nghìn tấn (36.164,93 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 104,23% (103,41%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 100,95% (114,03%).

Ước thực hiện 5 tháng, toàn tỉnh vận chuyển được 2.805,63 nghìn tấn hàng hóa các loại (234.132,59 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 106,21% (111,43%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 509,044 nghìn tấn (50.827,274 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 154,54% (136,33%).

- Đường sông thực hiện được 2.296,584 nghìn tấn (183.305,312 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 99,33% (106,06%).

6.3.2. Vận chuyển - luân chuyển hành khách

Ước thực hiện tháng 5/2021, toàn tỉnh thực hiện được 2.713,92 nghìn lượt hành khách (40.821,64 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 101,21% (101,58%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 121,81% (112,81%). Chia ra:

- Đường bộ vận chuyển được 329,89 nghìn lượt hành khách (29.310,16 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 102,74% (101,98%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 111,63% (117,89%).

- Đường sông vận chuyển được 2.384,03 nghìn lượt hành khách (11.511,48 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 101,01% (100,57%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 123,37% (101,66%).

Ước thực hiện 5 tháng, toàn tỉnh vận chuyển được 14.760,13 nghìn lượt hành khách (205.332,16 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 109,48% (110,78%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 2.843,664 nghìn lượt hành khách (147.443,999 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 98,12% (111,84%).

- Đường sông thực hiện được 11.916,465 nghìn lượt hành khách (57.888,165 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 112,60% (108,15%).

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giáo dục

Trong tháng, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung vào hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:

- Giáo dục tiểu học - mầm non: Hoàn thành kiểm tra học kỳ II, năm học 2020 – 2021; hướng dẫn công tác tuyển sinh năm học 2021-2022. Hướng dẫn việc thực hiện sử dụng sách giáo khoa chuẩn bị năm học 2021-2022. Phối hợp các nhà xuất bản tổ chức tập huấn trực tiếp về phương pháp giảng dạy các bộ sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sử dụng trong năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hè 2021.

- Giáo dục trung học – Giáo dục thường xuyên: Hoàn thành kiểm tra học kỳ II, năm học 2020 – 2021; thông báo danh mục sách giáo khoa lớp 6 trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang từ năm học 2021 – 2022. Đề xuất thành viên Hội đồng thẩm định tài liệu nội dung giáo dục địa phương tỉnh Hậu Giang lớp 6; chỉ đạo các đơn vị tổ chức ôn tập đối với học sinh lớp 12, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

7.2. Văn hóa, thể thao

Toàn hệ thống Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tập trung tuyên truyền ý nghĩa các ngày Lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị, các công tác trọng tâm của địa phương theo chỉ đạo như: Tuyên truyền chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid -19; tuyên truyền kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) và Quốc tế Lao động 1/5; kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021). Đặc biệt tập trung tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Kết quả: Treo 650 cờ các loại, 55 băng rol, in lắp đặt pano 705,4 m2 pano các loại, biểu diễn 08 buổi, phục vụ khoảng 7.050 lượt người xem và phóng thanh cổ động 08 buổi.

Thực hiện maket in và phát hành 3 số tranh cổ động (3.000 tờ/số), 6 mẫu áp phích (8.000 tờ/ mẫu) nội dung tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã thành phố trong tỉnh.

Các Đội Tuyên truyền lưu động trong tỉnh xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn lưu động tuyên truyền kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2021) và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tổng cộng: 50 buổi, phục vụ 28.570 lượt người xem, 48 buổi phóng thanh cổ động. Chiếu phim lưu động 8 buổi, phục vụ 7.050 lượt người xem.

Hoạt động thư viện: Trong tháng, hệ thống Thư viện tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã phục vụ 114.120 lượt người với 178.640 lượt sách báo, truy cập máy tính; cấp 710 thẻ bạn đọc. Tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2021 với chủ đề “Sách - Nâng tầm tri thức” bao gồm các hoạt động: Triển lãm 1.000 quyển sách về chuyên đề 30/4, sách quý - sách hay, sách mới và sách thiếu nhi, xếp sách nghệ thuật mô hình bình hoa và chiếc xuồng ba lá; nói chuyện chuyên đề “Đọc sách góp phần phát triển tri thức và nhân cách”; tổ chức các trò chơi về sách và Ngày hội “Sách với tuổi thơ” với nhiều hoạt động bổ ích dành cho thiếu nhi: Vẽ tranh theo sách, đố vui có thưởng và bốc thăm may mắn... Qua 3 tuần trưng bày sách, thu hút trên 3.200 lượt người xem. Tổ chức phục vụ sách xe Thư viện lưu động tại 5 điểm trường trên địa bàn huyện Long Mỹ (THCS Thuận Hòa, THCS Thuận Hưng, THCS Vĩnh Thuận Đông, THCS Chiêm Thành Tấn, THCS Vĩnh Viễn) với 1.100 quyển sách, thu hút trên 5.000 học sinh tham gia và 6 điểm trường trên địa bàn thị xã Long Mỹ (Tiểu học Trà Lồng, Tiểu học Long Phú 1, Tiểu học Long Trị A, THCS Long Trị A, Tiểu học Thuận An, THCS Thuận An) với 1.135 quyển sách, thu hút trên 6.300 học sinh tham gia.

Hoạt động bảo tồn - bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa: Triển lãm 09 cuộc phục vụ các sự kiện lớn của tỉnh. Khách đến xem triển lãm và tham quan các di tích, nhà truyền thống huyện, phòng truyền thống các xã văn hóa đạt 23.980 lượt người.

Sự nghiệp thể dục thể thao: Phối hợp với Liên đoàn Quần vợt tổ chức giải Quần vợt AgriBank mở rộng tỉnh Hậu Giang năm 2021. Tham dự giải: Vô địch Judo quốc gia năm 2021 tại tỉnh Đồng Nai. Kết quả đạt: 01 huy chương vàng, 04 huy chương đồng; Bóng rổ 3x3 quốc gia năm 2021 tại Khánh Hòa; Các câu lạc bộ Vovinam toàn quốc năm 2021 tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả đạt: 01 huy chương vàng, 02 huy chương bạc, 04 huy chương đồng; Điền kinh Cúp tốc độ Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. Kết quả đạt: 02 huy chương bạc; Các câu lạc bộ Jujitsu quốc gia năm 2021 tại Đà Nẵng. Kết quả đạt: 01 huy chương bạc, 02 huy chương đồng; Bi sắt quốc gia năm 2021 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả đạt: 02 huy chương vàng; Canoeing vô địch câu lạc bộ qua gia năm 2021 tại Đà Nẵng. Kết quả đạt: 01 huy chương bạc, 01 huy chương đồng; Cử tạ Thanh thiếu niên quốc gia năm 2021 tại Kiên Giang.

7.3. Lao động và an sinh xã hội

Trong tháng, giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 4.835(9.782)/15.000 lao động, đạt 65,2% kế hoạch năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề thường xuyên được 1.431(4.642) lao động, đạt 71,4% kế hoạch năm. Ban hành Quyết định hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho 774(1.526) người với số tiền 9.700,58(20.663,295) triệu đồng.

Đối với lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 161(922) hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 184(835) hồ sơ. Trong đó, đạt 164(692) hồ sơ; không đạt 20(143) hồ sơ. Còn lại 87 hồ sơ đang tiếp tục xem xét, giải quyết. Tổ chức đưa, đón 52 người có công đi điều dưỡng tập trung tại tỉnh Kiên Giang, đảm bảo phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe, tham quan, nghỉ dưỡng đối với người có công. Thực hiện hoàn thành số hóa 7.705 hồ sơ người có công với cách mạng (giai đoạn 5).

Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 34.000(135.291 lượt) đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 13.143,845(65.222,165) triệu đồng. Hỗ trợ mai táng phí cho 112(862) trường hợp với số tiền 604,8(4.050) triệu đồng; hỗ trợ đột xuất cho 02(06) trường hợp với số tiền 10,8(31,2) triệu đồng.

7.4. Y tế

Trong tháng, có 10 ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, tăng 04 ca so với tháng trước, cộng dồn là 42 ca, giảm 31 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 85 ca mắc mới,tăng 01 ca so với tháng trước, cộng dồn là 309 ca, tăng 232 ca so với cùng kỳ; các bệnh sởi, bệnh dịch lạ, bệnh viêm gan do virút, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn

Về tình hình dịch Covid-19 (tính đến hết ngày 10/5/2021) như sau:

- Việt Nam ghi nhận đã ghi nhận nhận 3.486 ca nhiễm, điều trị bình phục 2.618 ca, đạt tỷ lệ75,10%, hiện còn đang điều trị 833 ca, tử vong 35 ca. Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã có 458 trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, bệnh xảy ra ở 26 tỉnh thành. Tổng số người dân được tiêm chủng là 892,454/917.600 liều, đạt tỷ lệ 97%. Có 02 ca bị sốc phản vệ (01 ca tử vong và 01 ca đang điều trị).

- Tỉnh Hậu Giang triển khai đầy đủ, kịp thời tất cả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh Covid-19 đến các đơn vị trực thuộc để tổ chức thực hiện. Các Sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh cao nhất, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.Nghiêm túc triển khai thực hiện tốt thông điệp 5K, bắt buột đeo khẩu và sát khuẩn tay.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và các tỉnh, thành có ca bệnh. Thông báo trên các phương tiện thông tin về các địa điểm có ca bệnh theo thông báo của Bộ Y tế để thực hiện công tác điều tra dịch tễ. Thực hiện tốt chế độ báo cáo về công tác phòng chống dịch.

- Tổng số trường hợp được cách ly, theo dõi từ đầu dịch đến nay là 7.195 người (cách ly tập trung: 1.975 người; cách ly tại nhà: 5.220người); Tổng số đã được cách ly đủ 14 ngày: 7.070 người (cách ly tập trung: 1.902 người; cách ly tại nhà: 5.168 người). Từ đầu dịch đến nay, Hậu Giang đã tiếp nhận cách ly tập trung đối với người nhập cảnh 15 đợt với tổng số là 1.444 người. Hiện tại còn cách ly 49 người tại Trung tâm huấn luyện Dân quân dự bị và 01 người ung thư cổ tử cung, suy thận mạn đang theo dõi điều trị tại Bệnh viện Phổi. Hiện tại tình trạng suy kiệt nặng.

- Tổng số xét nghiệm Sars-CoV-2 tại Hậu Giang đến nay là 4.098 mẫu, kết quả tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.

- Bộ Y tế phân bổ vắc xin Covid-19 Astrazenca cho tỉnh Hậu Giang là: 6.000 liều. Đến ngày 11/5/2021 đã tiến hành tiêm được 3.460 người, đạt tỷ lệ 60,67%, kế hoạch tiêm hoàn thành 6.000 liều vào ngày 14/5/2021.

- Đã trang bị đủ cơ số điều trị cho 03 nguyên đơn điều trị, lắp đặt 02 phòng áp lực âm tại Bệnh viện Lao. Sở Y tế hoàn chỉnh kế hoạch thành lập Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm y tế huyện Vị Thủy, với cơ số 60 giường, đã chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế,… để khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng bệnh tăng nhanh Sở Y tế sẽ trình UBND tỉnh ra Quyết định thành lập để triển khai đảm bảo công tác thu dung, điều trị.Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp; bố trí cán bộ trực 24/24.Thực hiện đề án đăng ký khám bệnh từ xa, tổ chức hội chẩn, giao ban, hội nghị qua hệ thống mạng.

- Khởi động lại và thực hiện giãn cách người cách ly tập trung, nên số giường phân bố tại các điểm cách ly tập trung còn khoảng 700 giường. Bổ sung thêm 01 khu cách ly tập trung tại Công an tỉnh với cơ số 40 giường. Đăng ký 06 khách sạn, nhà nghỉ làm cơ sở lưu trú phòng, chống dịch Covid-19 cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày), với tổng số 165 giường.

Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch đầy đủ trong tháng là 1.298 trẻ, cộng dồn là 5.211trẻ,đạt 46,03%; Tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 990 trẻ, cộng dồn là 4.675 trẻ, đạt 40,79%; Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 909 thai phụ, cộng dồn là 4.383 thai phụ, đạt 38,72%. Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng 10 ca, cộng dồn là 35 ca (tăng 07ca so với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.855 ca (người còn sống 1.237 người); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng 00 ca, cộng dồn là 01 ca (giảm 01 caso với cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 1.044 ca; Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng 00 ca, cộng dồn là 03 ca (tương đương cùng kỳ), lũy kế từ 2004 đến nay là 608 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone là 61 người,tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 900 người (trong tỉnh: 818, ngoài tỉnh: 82).

7.5. Tai nạn giao thông

Trong tháng 5/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông, làm chết 03 người và làm bị thương 01 người (tất cả đều tập trung ở đường bộ). So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 01 vụ, số người chết giảm 01 người và số người bị thương giảm 02 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ, số người chết giảm 02 người và số người bị thương là tương đương.

Tính chung 5 tháng (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/05/2021), toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 22 người, bị thương 07 người. So với cùng kỳ năm 2020, tăng 06 vụ, số người chết tăng 05 người, số người bị thương tăng 02 người. Nguyên nhân do chuyển hướng không đảm bảo an toàn, không chú ý quan sát, không đi đúng phần đường.

7.6. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Tình hình xâm nhập mặn: Độ mặn cao nhất đo được trên địa bàn thành phố Vị Thanh với nồng độ mặn cao nhất đo được từ ngày 17/4/2021 tại Ngã ba Nước trong, xã Hỏa Tiến là 8,1‰; tại đầu kênh 10 Thước, huyện Long Mỹ là 6,4‰, tại cống Hóc Pó là 7,2‰. Đến ngày 29/4/2021 do trong tháng xuất hiện nhiều cơn mưa nên độ mặn đã giảm, cụ thể: tại Ngã ba Nước trong xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh với nồng độ mặn đo được là 0,7‰; tại đầu kênh 10 Thước của huyện Long Mỹ là 1‰, tại cống Hóc Pó, xã Lương Nghĩa là 2,8‰. Để kịp thời ứng phó với hạn mặn, ngành chức năng phân công cán bộ Trạm Thủy lợi thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn mỗi ngày một lần, thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Về Sạt lở: Trong tháng xảy ra 04 điểm điểm sạt lở tại huyện Châu Thành, Chiều dài sạt lở: 87 m, diện tích mất đất 492 m2, ước thiệt hại 335 triệu đồng. Lũy kế đến nay xảy ra 14 điểm sạt lở (huyện Châu Thành 13 điểm, thành phố Ngã Bảy 01 điểm). Chiều dài sạt lở: 328 m, diện tích mất đất 1.785 m2, ước thiệt hại 879 triệu đồng.

Về dông lốc: Nhà sập 08 căn, tốc mái 13 căn, tốc mái 01 xưởng sản xuất, hư 01 trạm biến điện, ước thiệt hại: 2.219 triệu đồng.

Ngành chức năng tiếp tục giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Trong tháng, ngành chức năng phát hiện và đã xử lý 11 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 06 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 25,5 triệu đồng. Tính chung 5 tháng, đã phát hiện 33 vụ, xử lý 27 vụ, tổng số tiền xử phạt khoảng 679 triệu đồng.

Công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, nên trong tháng không xảy ra cháy, nổ trên địa bàn tỉnh.

[1] Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại, giá thịt heo hơi thời gian qua ổn định, sau khi trừ chi phí thì khoản thu nhập còn lại khá cao nên họ tiếp tục duy trì hoạt động chăn nuôi nhằm tăng mức thu nhập, ổn định kinh tế gia đình,... Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và sản lượng.

[2] Nguyên nhân là do các cơ sở cá thể sản xuất công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa tăng sản lượng sản xuất để phục vụ thị trường trong dịp Mùng 5 tháng 5 âm lịch sắp đến. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm trước đến nay, các doanh nghiệp đã có kế hoạch và kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh trong hoạt động sản xuất như: Dự trữ nguyên, vật liệu đảm bảo hoạt động được liên tục khi một số nước bùng phát dịch trở lại, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định,… nên các doanh nghiệp đã hoạt động ổn định hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tăng một phần là do khan hiếm hàng hóa trên thị trường, nên một số sản phẩm tăng giá từ 10% đến 15% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy giá trị sản xuất tăng so với tháng trước và cùng kỳ.

[3] Nguyên nhân chủ yếu của doanh nghiệp giải thể là kinh doanh không hiệu quả, chưa tìm được đối tác kinh doanh.

[4] Nguyên nhân các công ty trong tỉnh tạm ngừng là do điều kiện kinh doanh khó khăn, kinh doanh không hiệu quả, không ký kết được hợp đồng, chưa sắp xếp lại bộ máy và phương thức kinh doanh của công ty cho phù hợp.

[5] Nguyên nhân vốn đầu tư thực hiện tăng so với tháng trước là do thời tiết thuận lợi tạo điều kiện cho các đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh;Được sự quan tâm của tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết nhanh, kịp thời các khó khăn vướng mắc và đảm bảo đúng tiến độ, sớm đưa các công trình hoàn thành vào khai thác, sử dụng đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh.

[6] Nguyên nhân giảm so với cùng kỳ là do thời điểm đầu năm 2021, kế hoạch vốn hầu hết phân bổ cho các dự án khởi công mới, trong quý I/2021 chủ đầu tư đang tập trung hoàn thành thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, đang trong giai đoạn đấu thầu nên khối lượng thực hiện và giá trị giải ngân chưa cao; tiến độ chuẩn bị các thủ tục đầu tư ở một số chủ đầu tư chưa đảm bảo thời gian; Chế độ thông tin, báo cáo các chủ đầu tư chưa chủ động, việc báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện, của dự án thì rất hạn chế./.


Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang

    Tổng số lượt xem: 645
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)