I. SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP VÀ THUỶ SẢN
1. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 10 tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ mùa như: lúa, ngô, đỗ tương, lạc, khoai lang… và tiếp tục gieo trồng rau, đậu các loại vụ đông.
Ước tính đến ngày 15/10/2021 toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 16.278 ha lúa mùa, bằng 64,24% diện tích gieo trồng và tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch ước đạt 69.661 tấn, tăng 5,19% so với cùng kỳ năm trước. Cây ngô thu hoạch được 946 ha, bằng 60,82% diện tích gieo trồng và tăng 4,53% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thu hoạch ước đạt 3.167 tấn, tăng 5,18%. Cây đỗ tương thu hoạch ước đạt 533 ha, tăng 7,46% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch được 471 tấn, tăng 1,07% so với cùng kỳ năm 2020. Cây lạc thu hoạch được 720 ha, giảm 1,5%; sản lượng thu hoạch được 950 tấn, tăng 2,59%. Khoai lang thu hoạch được 213 ha, tăng 0,47%; sản lượng thu hoạch được 853 tấn, giảm 7,78% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tiến độ thu hoạch các loại cây trồng chính vụ mùa tăng so với cùng kỳ năm trước; chín đến đâu thu hoạch đến đó và kịp thời phơi khô, bảo quản để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, làm đất gieo trồng các cây trồng vụ đông như ngô, rau màu các loại đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thời vụ.
Ước tính vụ mùa:
Tổng diện tích gieo trồng vụ mùa ước đạt 56.849 ha, tăng 2,94% hay tăng 1.621 ha so với cùng vụ năm trước, tăng chủ yếu ở một số cây trồng như: cây ngô, sắn, đỗ tương, lạc, rau các loại... Nguyên nhân tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến các Cửa khẩu hạn chế lưu thông hàng hóa, dẫn đến nhu cầu về vận tải, bốc vác hàng hóa giảm mạnh, thiếu việc làm nên người dân quay trở lại đầu tư sản xuất nông nghiệp, tận dụng gieo trồng hết diện tích bỏ hoang từ những năm trước. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ mùa năm 2021 ước đạt 163.148 tấn, tăng 1,81% hay tăng 2.896 tấn so cùng vụ năm trước.
Cây lúa gieo trồng được 25.341 ha, giảm 0,17% hay giảm 44 ha so với vụ mùa năm trước, diện tích giảm là do đầu vụ nắng nóng kéo dài, ít mưa vì vậy một số diện tích lúa ruộng không chủ động được nước, lúa nương năng suất đạt thấp nên bà con chuyển sang trồng ngô, đỗ tương, lạc và một số cây hàng năm khác. Năng suất bình quân ước đạt 44,75 tạ/ha, tăng 0,87% so với cùng vụ năm trước; sản lượng đạt 113.393 tấn, tăng 0,69% so với cùng vụ năm trước.
Cây ngô diện tích gieo trồng là 15.553 ha, tăng 4,12% hay tăng 615 ha ở các huyện: Trùng Khánh, Bảo Lạc, Hạ Lang, Hòa An... Diện tích cây ngô tăng nhiều do là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh nên bà con nông dân gieo trồng hết diện tích; một số diện tích tận dụng diện tích lúa không gieo trồng được và chuyển đổi từ trồng mía sang trồng ngô. Năng suất ước đạt 31,99 tạ/ha, tăng 0,31% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 49.755 tấn, tăng 4,44%.
Cây đỗ tương trồng được 2.027 ha tăng 9,19% hay tăng 170 ha; năng suất ước đạt 10,2 tạ/ha, tăng 11,2% so với cùng kỳ; sản lượng đạt 2.068 tấn, tăng 21,42% so với vụ mùa năm 2020.
Cây lạc trồng được 1.879 ha, tăng 8,9% hay tăng 154 ha so cùng vụ năm trước, diện tích tăng là do có doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân; năng suất ước đạt 15,69 tạ/ha, tăng 3,01%; sản lượng đạt 2.949 tấn, tăng 12,24% so với cùng vụ năm trước.
Cây lâu năm
Trong tháng, các hộ gia đình tiếp tục thu hoạch các loại cây ăn quả phục vụ gia đình và thị trường như chuối, dứa, đu đủ, chanh, ổi, cam, quýt… Đồng thời, đầu tư cải tạo vườn, chăm sóc các loại cây vừa thu hoạch xong, loại bỏ những cây già cỗi, cho năng suất thấp, sản phẩm kém chất lượng và trồng mới một số diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, nhu cầu của thị trường lớn như bưởi, mít, na,…
Tình hình dịch bệnh
Tính đến ngày 15/10 thời tiết mưa nắng xen kẽ, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và gây hại đối với cây trồng như: Bệnh sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn lá gây hại trên cây lúa; bệnh sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô… và đã xử lý được trên 90% diện tích bị nhiễm. Hiện nay ngành chức năng tiếp tục theo dõi và kịp thời khuyến cáo người dân xử lý các ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi
Trong tháng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục có chiều hướng giảm so với tháng trước. Công tác theo dõi, giám sát dịch bệnh được các địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện thường xuyên, đa số các ổ dịch bệnh được phát hiện sớm và kịp thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Công tác thú y, tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò được đẩy nhanh tiên độ nhằm hạn chế các ổ dịch phát sinh và lây lan; việc kiểm soát giết mổ, kiểm dịch nội địa được quản lý chặt chẽ.
Tổng đàn trâu hiện có 101.156 con, giảm 0,02% hay giảm 19 con so với cùng kỳ năm trước; đàn bò hiện có 107.732 con, giảm 0,44% hay giảm 479 con; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng tháng 10 đạt 158,78 tấn, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, lũy kế từ đầu năm 1.409,9 tấn, giảm 1,37%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tháng 10 đạt 165,7 tấn, giảm 1,09%, lũy kế từ đầu năm đạt 1.698 tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số lợn hiện có 295.291 con, tăng 6,06% hay tăng 16.883 con so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 10 đạt 1.780,6 tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm đạt 19.510,46 tấn, tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước.
Ước tính tổng đàn và sản lượng thịt gia cầm tiếp tục tăng. Tổng số gia cầm hiện có 2.955,23 nghìn con, tăng 1,19% so với cùng thời điểm năm trước; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng tháng 10 đạt 665,45 tấn, tăng 1,42%, lũy kế từ đầu năm đạt 5.292,01 tấn, tăng 2,13%; sản lượng trứng gia cầm đạt 12.537 nghìn quả, tăng 0,22%, lũy kế từ đầu năm đạt 28.427 nghìn quả, tăng 0,39% so với cùng kỳ năm trước.
Từ ngày 13/9 đến ngày 12/10/2021, trên toàn tỉnh có 8 con trâu, bò chết do bệnh viêm da nổi cục, lũy kế từ đầu năm 765 con; dịch tả lợn Châu Phi làm mắc và tiêu hủy 2.186 con, giảm 535 con so với tháng trước, lũy kế từ đầu năm 8.874 con của 1.731 hộ chăn nuôi với trên 447 tấn, các ngành chức năng phối hợp với các ban, ngành địa phương tổ chức xử lý ổ dịch theo đúng kỹ thuật. Ngoài ra, các dịch bệnh thông thường vẫn xảy ra lác đác tại các địa phương: 11 con trâu, bò chết do bệnh tụ huyết trùng, phân trắng, tiêu chảy, viêm phổi... lũy kế từ đầu năm là 82 con; 40 con lợn chết do bệnh dịch tả, tụ huyết trùng... lũy kế từ đầu năm là 169con; 28 con gia cầm các loại chết do bệnh Niucatxơn, phân trắng... lũy kế từ đầu năm là 3.467 con.
2. Lâm nghiệp
Sản xuất lâm nghiệp tháng 10 tập trung kiểm tra, chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ, khoanh nuôi diện tích rừng hiện có. Các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo và đôn đốc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý kịp thời các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản và chặt phá rừng trái phép; tăng cường bám sát địa bàn, tuyên truyền rộng rãi đến từng xã, xóm và hộ gia đình về hoạt động quản lý bảo vệ rừng và các phương án phòng chống cháy rừng tại địa phương.
Diện tích trồng rừng mới trong tháng tính đến ngày 15/10/2021 ước tính đạt 69,36 ha, giảm 42,73% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 2.489,8 ha, tăng 43,81%; sản lượng gỗ khai thác ước tính khoảng 2.587,27 m3, tăng 54,19% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm là 24.500,6 m3, tăng 50,7%; sản lượng củi khai thác khoảng 71.535,38 Ste, tăng 1,84% so cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 622.024,04 Ste, tăng 1,46%.
Trong tháng 10 toàn tỉnh có 0,47 ha diện tích rừng bị thiệt hại do chặt phá rừng tại huyện Thạch An, Hòa An, Nguyên Bình.
3. Thuỷ sản
Trong tháng 10, nuôi trồng và khai thác thủy sản vẫn duy trì ổn định, các hộ nuôi trồng tập trung vào chăm sóc và khai thác những diện tích thả từ cuối năm 2020. Việc đánh bắt các loại thủy sản trên sông, suối vẫn được duy trì nhưng sản lượng đánh bắt thấp do người dân dùng những phương tiện thô sơ để đánh bắt và chủ yếu mang tính chất tự cung tự cấp. Tổng sản lượng thủy sản tháng 10 ước tính đạt 42,28 tấn, tăng 0,3% hay tăng 0,12 tấn so với cùng kỳ năm trước, lũy kế từ đầu năm 440,03 tấn, tăng 0,07% hay tăng 0,3 tấn, trong đó: Sản lượng thủy sản khai thác ước tính đạt 7,35 tấn, tăng 0,55% hay tăng 0,04 tấn, lũy kế từ đầu năm 90,17 tấn, giảm 0,34% hay giảm 0,31 tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tính đạt 34,93 tấn, tăng 0,23% hay tăng 0,08 tấn, lũy kế từ đầu năm 349,86 tấn, tăng 0,17% hay tăng 0,61 tấn.
II. SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 kéo dài làm cho nguyên vật liệu đầu vào khan hiếm, chi phí sản xuất tăng, hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 và 10 tháng ước tính giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10/2021 ước tính tăng 23,2% so với tháng trước và giảm 6,34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 12,91%; ngành khai khoáng giảm 6,78%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,38%; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,06% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng giảm 10,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 11,41%; ngành khai khoáng giảm 10,91%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,1%; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,49%.
Trong 10 tháng năm 2021, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 11,54%; nước uống được tăng 3,72%; điện thương phẩm tăng 3,66%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Xi măng giảm 50,19%; cát tự nhiên giảm 47,32%; chiếu trúc, chiếu tre giảm 36,79%; sản phẩm in khác giảm 18,12%; điện sản xuất giảm 14,07%; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm (phôi thép) giảm 12,37%; manggan và các sản phẩm của manggan giảm 10,7%; đá xây dựng giảm 5,33%...
III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Ước tính vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 năm 2021 thực hiện được 307,5 tỷ đồng, tăng 30,63% so với tháng trước, giảm 21,49% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 300,4 tỷ đồng, tăng 32,47%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 7,1 tỷ đồng, giảm 17,66% so với tháng trước. Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển của tỉnh tháng 10 năm 2021 ước đạt cao hơn so với tháng trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
Khối lượng thực hiện trong tháng chủ yếu của một số dự án lớn như: Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Cao Bằng; Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - Thành phố Cao Bằng (Giai đoạn 2); Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng; Kè bờ trái, phải sông Hiến; kè sạt lở, ổn định dân cư bờ trái, phải Sông Bằng - Thành phố Cao Bằng; Kè chống sạt lở sông Bằng, bảo vệ khu dân cư thị trấn Nước Hai; Kè chống sạt lở ổn định dân cư Cao Bình, xã Hưng Đạo, Thành phố Cao Bằng; Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 213, 208, quốc lộ 34, Quốc lộ 4A, đường Nà Pồng - Đức Hạnh (Bảo Lâm); Bảo tàng tỉnh Cao Bằng.
Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện được 1.627,51 tỷ đồng, giảm 27,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước thực hiện được 1.509,78 tỷ đồng, giảm 26,86%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước thực hiện được 117,73 tỷ đồng, giảm 37,06% so với cùng kỳ năm 2020.
IV. THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ, GIÁ CẢ
Ngày 15 tháng 10 năm 2021, UBND tỉnh Cao Bằng ban hành công văn số 2803/UBND-VX về việc triển khai các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng tính đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 xác định thuộc cấp độ 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. Theo đó, tỉnh Cao Bằng thực hiện các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” tương ứng với cấp độ 1. Tuy nhiên, tình hình dịch trên cả nước và thế giới chưa ổn định nên các ngành như: lưu trú, ăn uống, du lịch, vui chơi giải trí, vận tải hành khách... vẫn chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 năm 2021 ước đạt 780,21 tỷ đồng, tăng 3,97% so với tháng trước và giảm 1,64% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo ngành hoạt động:
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 641,59 tỷ đồng, tăng 3,05% so với tháng trước và tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ doanh thu ước trong tháng đều tăng so với tháng trước, tuy nhiên mức tăng không cao, chỉ từ 1,75 – 5,28%. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu tăng cao ở một số nhóm như: gỗ và vật liệu xây dựng tăng 7,21%; xăng dầu các loại tăng 27,47%; nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) tăng 22,36%; hàng hóa khác tăng 5,34%; dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy tăng 12,36%. Các nhóm hàng hóa khác doanh thu giảm hoặc tăng không đáng kể.
Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 98,12 tỷ đồng, tăng 9,47% so với tháng trước và giảm 19,02% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 0,02 tỷ đồng, tăng 6,38% so với tháng trước, chỉ bằng 3,27% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, khách du lịch chủ yếu là khách nội tỉnh.
Doanh thu hoạt động dịch vụ khác ước đạt 40,48 tỷ đồng, tăng 5,88% so với tháng trước và giảm 6,16% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.263,87 tỷ đồng, tăng 5,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 5.960,24 tỷ đồng, tăng 7,39%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 907,64 tỷ đồng, giảm 6,23%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,56 tỷ đồng, giảm 46,48%; doanh thu hoạt động dịch vụ khác đạt 393,43 tỷ đồng, tăng 1,41%.
2. Hoạt động xuất nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn quản lý tháng 10 năm 2021 ước tính đạt 128 triệu USD, giảm 52% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 49,5 triệu USD, tăng 38%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,5 triệu USD, giảm 92%; kim ngạch hàng giám sát, kho ngoại quan đạt 65 triệu USD, tăng 1% so với tháng trước. Lũy kế từ đầu năm kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 544,5 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Hàng thủy sản ước đạt 12,7 triệu USD, giảm 1%; hàng rau quả ước đạt 0,706 triệu USD, tăng 1294%; nhân hạt điều ước đạt 7,5 triệu USD, giảm 6%; cà phê ước đạt 0,167 triệu USD, tăng 100%; hạt tiêu ước đạt 0,169 triệu USD, giảm 73% so với tháng trước.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Than các loại 1,04 triệu USD, giảm 92,9%; gỗ và sản phẩm gỗ 0,159 triệu USD, giảm 52%; vải các loại 2,6 triệu USD, tăng 66% so với tháng trước.
3. Chỉ số giá
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2021 giảm 0,66% so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng giảm chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,81% (lương thực giảm 0,28%; thực phẩm giảm 4,14%) do giá thịt lợn giảm. Đồng thời, do nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,44% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,35%.
Một số nhóm chỉ số giá tăng so với tháng trước: nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,43%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07% và nhóm giao thông tăng 2,12%. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại chỉ số giá tăng, giảm không đáng kể.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2021 giảm 1,56% so với tháng 12 năm 2020 và giảm 2,81% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 1,49% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá vàng tháng 10 năm 2021 giảm 1,65% so với tháng trước, giảm 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 10 năm 2021 giảm 0,13% so với tháng trước, giảm 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 1,11% so với cùng kỳ năm trước.
4. Hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 năm 2021 ước đạt 26,32 tỷ đồng, tăng 7,28% so với tháng trước và tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng trước, doanh thu vận tải hành khách ước tăng 10,7%, doanh thu vận tải hàng hóa ước tăng 8,76%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 25,95%.
Trong 10 tháng năm 2021, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ vận tải ước đạt 245,82 tỷ đồng, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu hoạt động vận tải hành khách đạt 45,85 tỷ đồng, giảm 6,53%; doanh thu hoạt động vận tải hàng hóa đạt 185,45 tỷ đồng, tăng 18,97%; doanh thu hoạt động kho bãi đạt 6,45 tỷ đồng, giảm 30,93% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận tải hành khách
Ước tính tháng 10 năm 2021 vận chuyển hành khách đạt 85,52 nghìn lượt hành khách, tăng 8,68% so với tháng trước, giảm 31,32% so với cùng kỳ năm trước; ước tính hành khách luân chuyển đạt 4,38 triệu HK.Km, tăng 10,14% so với tháng trước, giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Vận tải hành khách trong 10 tháng năm 2021 ước tính đạt 1.053,64 nghìn hành khách và đạt 59,51 triệu HK.Km, so với cùng kỳ năm trước số hành khách vận chuyển giảm 11,46% và số hành khách luân chuyển giảm 7,92%.
Vận tải hàng hoá
Dự ước vận chuyển hàng hóa tháng 10 năm 2021 đạt 141,79 nghìn tấn hàng hóa và luân chuyển hàng hóa đạt 5,18 triệu tấn.km, so với tháng trước tăng 10,97% hàng hóa vận chuyển và tăng 11,24% hàng hóa luân chuyển. So với cùng kỳ năm 2020 tăng 9,85% hàng hóa vận chuyển và tăng 45,76% hàng hóa luân chuyển.
Tính chung 10 tháng năm 2021, vận tải hàng hóa ước tính đạt 1.553,9 nghìn tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 11,14%; hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 38,9 triệu tấn.km, tăng 23,92% so với cùng kỳ năm trước.
V. TÀI CHÍNH, NGÂN HÀNG
1. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Hoạt động thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 10 năm 2021 duy trì tiến độ. Thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ năm trước, hiện nay các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo và thực hiện các giải pháp tăng thu đảm bảo đạt và vượt dự toán được giao; chi ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo hoạt động chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/10/2021 ước tính đạt 1.216.996 triệu đồng, bằng 122% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thu nội địa đạt 1.021.695 triệu đồng, bằng 117%; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 192.301 triệu đồng, bằng 164%. Trong thu nội địa, ngành thuế thu 947.982 triệu đồng, chiếm 92,79% tổng thu, thu khác ngân sách 73.713 triệu đồng, chiếm 7,21%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 15/10/2021 ước tính đạt 5.474.385 triệu đồng, bằng 82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chi thường xuyên đạt 4.407.225 triệu đồng, bằng 91%; chi đầu tư phát triển 1.064.747 triệu đồng, bằng 58%; chi trả nợ lãi 1.113 triệu đồng, bằng 83%; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính đạt 1.300 triệu đồng, đạt 100% so với cùng kỳ năm trước.
2. Hoạt động tín dụng, ngân hàng
Hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, thông suốt, đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng và nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền… cho các đối tượng khách hàng theo quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn huy động tại địa phương dồi dào, tăng trưởng tốt, cơ cấu vốn ổn định, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng cao và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì ổn định, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng mức lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và diễn biến của thị trường. Lãi suất huy động tiền gửi giảm so với cùng kỳ năm trước, biến động từ 0,1%-6,99% trên 1 năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên biến động từ 4,5%-12%; lãi suất cho vay kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7,5%-13% trên 1 năm phụ thuộc vào kỳ hạn từng gói.
Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn ước tính đến 31/10/2021 đạt 24.585 tỷ đồng, tăng 3,3% hay tăng 784 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó: Nguồn vốn huy động tại địa phương ước đạt 21.463 tỷ đồng, chiếm 87,3% tổng nguồn vốn và tăng 2,8% hay tăng 591 tỷ đồng; nguồn vốn quản lý ước đạt 3.122 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng nguồn vốn, tăng 6,6% hay tăng 193 tỷ đồng so với đầu năm.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/10/2021 ước đạt 12.545 tỷ đồng, tăng 37 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ xấu 86 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ và tăng 10,4 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020. Nợ xấu tại các ngân hàng có xu hướng tăng so với đầu năm do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới kinh tế, đời sống xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, sức hấp thụ vốn kém, tình hình tài chính của khách hàng gặp khó khăn do mất nguồn thu để trả nợ…; tiến độ xử lý và thu hồi nợ xấu còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Hoạt động ngoại hối trên địa bàn không có biến động lớn, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thanh khoản tốt, tỷ giá ngoại tệ diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp đều được đáp ứng đầy đủ thông qua tổ chức tín dụng. Hoạt động kinh doanh vàng vẫn được duy trì ổn định, giá vàng được điều chỉnh phù hợp với biến động giá vàng trong nước, các nhu cầu giao dịch vàng của người dân cơ bản được đáp ứng.
VI. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Tình hình dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm
Tình hình dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên luôn tiềm ẩn các nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Vì vậy, ngành Y tế Cao Bằng xác định công tác phòng, chống dịch tại tỉnh vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, cần quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh chưa ghi nhận ca mắc Covid-19.
Về hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19: Tính từ ngày 16/4-13/10/2021, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cho 208.702 người, đạt 53,69% so với tổng số người từ 18 tuổi trở lên, trong đó tiêm mũi 1 cho 150.378 người, tiêm mũi 2 cho 58.324 người, tất cả các trường hợp sau tiêm sức khỏe đều ổn định.
Đối với các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác: Trong tháng ghi nhận 02 ca Rubella lâm sàng, ghi nhận 05 ca viêm gan vi rút B, 03 ca viêm gan vi rút C. Ngoài ra, ghi nhận một số bệnh dịch lưu hành tại địa phương như: Cúm thông thường 829 ca; Tiêu chảy 301 ca; Thủy đậu 04 ca; Quai bị 02 ca, bệnh do vi rút Adeno virus 46 ca… Tất cả các trường hợp mắc bệnh được phát hiện, điều trị và xử lý kịp thời, không có tử vong.
Trong tháng phát hiện 05 trường hợp nhiễm mới HIV, 02 người nhiễm HIV/AIDS tử vong, không có trường hợp mới chuyển AIDS.
Số trường hợp đang điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tính đến tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh là 1.553 người.
Trong tháng, trên địa bàn toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
2. Thiệt hại do thiên tai
Từ ngày 15/9/2021 đến ngày 14/10/2021 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 02 đợt thiên tai do mưa giông, lốc, sét. Thiên tai làm 02 nhà bị hư hại; 01 nhà bếp và 01 chuồng trại chăn nuôi của người dân bị tốc mái. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 17 triệu đồng.
3. Trật tự an toàn giao thông
Trong tháng 10 (từ 15/9 - 14/10/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 02 người chết và 11 người bị thương, giá trị thiệt hại tài sản ước tính 33 triệu đồng. So với tháng trước, số vụ tai nạn giao thông tăng 05 vụ, giảm 02 người chết, tăng 08 người bị thương.
Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ tai nạn giao thông đường bộ. Các vụ tai nạn giao thông làm 25 người chết và 57 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 10 tháng năm nay giảm 18,33%; số người chết giảm 21,87%; số người bị thương giảm 14,93%.
4. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Từ ngày 15/9/2021 đến ngày 14/10/2021, cơ quan chức năng đã phát hiện 13 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 10 vụ với tổng số tiền phạt 118,5 triệu đồng. Tính chung 10 tháng năm 2021 đã phát hiện 133 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 86 vụ với tổng số tiền phạt là 761 triệu đồng.
Cùng khoảng thời gian trên, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 02 vụ cháy nhà tại huyện Hòa An và huyện Bảo Lâm, không có người bị thương, giá trị thiệt hại ước tính 288 triệu đồng. Tính chung từ đầu năm 2021 đến thời điểm báo cáo, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy, tổng giá trị thiệt hại ước tính 3.280 triệu đồng, không có thiệt hại về người./.
Website Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng