1. Tình hình chung:
Tháng 7 năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 56.427 tỷ đồng tăng 1,2% so với tháng 6 và tăng 16,1% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 6,7%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 22,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9% so với cùng kỳ (trong đó Tcty dầu khí giảm 5,4%, các ngành khác tăng 19,3%).
Bảy tháng đầu năm 2008, GTSXCN ước đạt 382.346 tỷ đồng tăng 16,4% đạt mức kế hoạch đề ra cho toàn ngành điều chỉnh năm 2008 (16,3-16,6%), trong đó khu vực quốc doanh tăng 6,7% và có tỷ trọng tiếp tục giảm trong GTSXCN cả nước (chiếm 22,7%), khu vực ngoài quốc doanh tăng 22,2% và có tỷ trọng so toàn ngành tiếp tục tăng chiếm 35,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3% (trong đó Tcty dầu khí giảm 7%, các ngành khác tăng 19,9%) chiếm tỷ trọng 41,5% toàn ngành.
Bảy tháng đầu năm các sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành điều chỉnh năm 2008 (16,3%) gồm: thuỷ hải sản chế biến tăng 20,8%; dầu thực vật tinh luyện tăng 19,1%; sữa bột tăng 36,6%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 21,8%; xà phòng giặt các loại tăng 25,5%; lốp ô tô, máy kéo các loại tăng 28,9%; tủ lạnh, tủ đá tăng 27%; máy giặt tăng 54,2%; bình đun nước nóng tăng 21,4%; biến thế điện tăng 23,7%; tivi các loại tăng 34,4%; xe chở khách tăng 78,6%; xe tải tăng 96,2%; tàu chở hàng bằng thép tăng 26,2% so cùng kỳ.
Một số sản phẩm có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhưng tăng trưởng thấp hơn kế hoạch toàn ngành như: than đá tăng 4,9%; đường kính tăng 3,9%; bia các loại tăng 13%; thuốc lá điếu tăng 1,3%; vải dệt từ sợi bông tăng 9,5%; giày thể thao tăng 13,3%; phân hoá học tăng 4,9%; sơn hoá học các loại tăng 5,5%; gạch xây bằng đất nung tăng các loại tăng 12,4%; gạch lát ceramic tăng 13%; xi măng tăng 11,8%; thép tròn các loại tăng 4,7%; xe máy tăng 6,3%; điện sản xuất tăng 13,8%; điện thương phẩm tăng 14,8%; nước máy thương phẩm tăng 13,3% so cùng kỳ.
Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ như: dầu mỏ thô khai thác đạt 94%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 99,8%; khí hoá lỏng (LPG) đạt 81,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 94,7%; giày, dép, ủng bằng da cho người lớn đạt 59,4%; lốp mô tô, xe máy, xích lô đạt 99%; săm các loại đạt 96,3%; kính thuỷ tinh các loại đạt 93,3%; que hàn đạt 99,5%; điều hoà nhiệt độ đạt 97,5%.
Theo vùng lãnh thổ bảy tháng đầu năm các tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng GTSXCN so cùng kỳ cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành điều chỉnh (16,3%) gồm: Hải phòng tăng 18,2%, Vĩnh Phúc tăng 30,9%, Hà Tây tăng 25,4%, Hải Dương tăng 23,6%, Phú Thọ tăng 16,6%, Bình Dương tăng 24,4%, Đồng Nai tăng 20,2%, Cần Thơ tăng 17%.
Một số tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp so với kế hoạch toàn ngành hoặc giảm so cùng kỳ gồm: Tp. Hà Nội tăng 14,7%, Quảng Ninh tăng 14,4%, Thanh Hoá tăng 13,8%, Đà Nẵng tăng 15,7%, Khánh Hoà tăng 12,7%, Tp. Hồ Chí Minh tăng 13%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,8%.
Một số nhận xét về tình hình thực hiện kế hoạch ngành công nghiệp:
- Trong bối cảnh lạm phát tăng cao (dự kiến cả năm trên 20%), tỷ giá ngoại tệ biến động thất thường (hiện đã bình ổn ở mức dưới 17.000 VND/USD), lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức cao trên 20%/năm, ngành công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao 16,4%.
- Bộ Tài chính vừa điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lên mức 19.000 đ/lít (tăng 30%) để phù hợp với mặt bằng giá nhập khẩu xăng dầu (giảm mức bù lỗ cho các doanh nghiệp nhập khẩu), việc tăng giá này trước mắt sẽ có ảnh hưởng làm tăng chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục cải tiến kỹ thuật, sử dụng hợp lý nhiên liệu trong sản xuất. Tác động trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu lên sản xuất kinh doanh sẽ có thể được đánh giá trong tháng tới.
- Để kiểm soát, khuyến khích chế biến sâu trong nước và tăng nguồn thu ngân sách, Bộ Tài chính đang nghiên cứu điều chỉnh thuế xuất khẩu tuyệt đối với các mặt hàng như than.
2. Tình hình cụ thể các ngành:
- Điện: bảy tháng đầu năm 2008 điện sản xuất đạt 42,7% tăng 13,8%, điện thương phẩm đạt 37,6 tỷ kwh tăng 14,8% so cùng kỳ. Mức tăng trưởng ngành điện đạt thấp và xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên ở một số tỉnh do một số nguồn điện chạy khí tại Bà rịa - Vũng Tàu bị sự cố, đồng thời các nhà máy điện mới đầu tư đi vào hoạt động chưa ổn định như Uông bí mở rộng (công suất 300 MW), Cà mau 1,2 (công suất mỗi nhà máy 750MW); Nhơn Trạch (công suất 450MW), như vậy hệ thống điện hiện nay đang thiếu hụt từ 1500 MW-2500 MW tuỳ từng thời điểm trong ngày.
Về thực hiện vốn đầu tư: ước thực hiện giá trị khối lượng vốn đầu tư tháng 7/2008 đạt được 4.000 tỷ đồng, ước thực hiện 7 tháng đầu năm 2008 đạt được 20.000 tỷ đồng, bằng 45,7% kế hoạch, trong đó:
+ Nguồn điện: 8.800 tỷ đồng, đạt 43,6% kế hoạch.
+ Lưới điện truyền tải và phân phối: 5.560 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch.
+ Các khối khác: 575 tỷ đồng, đạt 18,5% kế hoạch.
+ Trả nợ vốn vay Công ty mẹ (hết tháng 6/2008): 1.414 tỷ đồng (trên tổng số 3.030 tỷ đồng).
- Dầu thô khai thác đạt 8,5 triệu tấn giảm 6% so cùng kỳ, nguyên nhân giảm sản lượng dầu thô khí khai thác do một số mỏ đã đến giới hạn kỹ thuật (sắp tới cần bơm nước vào mỏ để khai thác tiếp lượng dầu trong mỏ), ngoài ra việc sửa chữa tàu chở dầu tạo nên việc thiếu hụt phương tiện vận chuyển dầu cũng tạo nên việc giảm sản lượng khai thác. Khí thiên nhiên đạt 4,3 tỷ m3 giảm 0,2% so cùng kỳ, khả năng do một số nhà máy điện chạy khí phải tạm dừng để sửa chữa.
- Than sạch khai thác: đạt trên 25,1 triệu tấn tăng 4,9% so cùng kỳ, trong đó ước xuất khẩu 14,5 triệu tấn (chiếm 57,8% sản lượng khai thác). Ngành than có mức tăng trưởng thấp và lượng xuất khẩu giảm để thực hiện chủ trương hạn chế xuất khẩu than, dành than cho nhu cầu sử dụng trong nước (Bộ Tài chính đã áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% và đang nghiên cứu áp dụng thuế tuyệt đối đối với từng loại sản phẩm than).
- Thép tròn các loại: đạt 2,3 triệu tấn tăng 4,7% so cùng kỳ.
- Xi măng: đạt 20,8 triệu tấn tăng 11,8% so cùng kỳ.
- Phân hoá học: (chưa tính phân NPK) đạt trên 1,4 triệu tấn tăng 4,9% so cùng kỳ.
- Bia: đạt trên 1 tỷ lít đạt mức tăng trưởng 13% so cùng kỳ.
- Vải dệt từ sợi bông: đạt 150 triệu m2 tăng 9,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 413 triệu m2 giảm 5,3% so cùng kỳ.
3. Về xuất nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Bảy tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 36,6 tỷ USD tăng 36,8% so cùng kỳ. Dầu thô đạt 7,8 triệu tấn giảm 12,1%; than đá đạt 14,5 triệu tấn giảm 22,7%; hàng dệt may đạt 5 tỷ USD tăng 20,5%; hàng giày dép đạt 2,7 tỷ USD tăng 18,4%; sản phẩm gỗ đạt 1,6 tỷ USD tăng 21,4%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD tăng 29,4%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 483 triệu USD tăng 32,3%; dây và cáp điện đạt 592 triệu USD tăng 26,2%; sản phẩm nhựa đạt 518 triệu USD tăng 37,6%; xe đạp và phụ tùng đạt 52 triệu USD tăng 5,5%; thủy sản chế biến đạt 2,3 tỷ USD tăng 16,9%; gạo đạt 2,8 triệu tấn giảm 6,8%; cà phê đạt 662 nghìn tấn giảm 25,9%; cao su đạt 306 nghìn tấn giảm 13,6%; hàng rau quả đạt 212 triệu USD tăng 17,1%; hạt điều đạt 490 triệu USD tăng 49,7%; hạt tiêu đạt 202 triệu USD tăng 31,2%; chè các loại đạt 58 nghìn tấn giảm 1,7% so cùng kỳ.
b. Nhập khẩu:
Bảy tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu cả nước ước đạt 51,9 tỷ USD tăng 56,8% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: ôtô nguyên chiếc đạt trên 43 nghìn chiếc tăng 290,1%; linh kiện ôtô đạt trên 1 tỷ USD tăng 162,2%; linh kiện xe máy đạt 369 triệu USD tăng 15,7%; xăng dầu các loại đạt 8,2 triệu tấn tăng 11,4%; phân bón đạt 2,3 triệu tấn tăng 10,7% (trong đó phân urê đạt 575 nghìn tấn tăng 60,6%); thép các loại đạt 6,4 triệu tấn tăng 52,7% (trong đó phôi thép 1,87 triệu tấn tăng 59%); giấy các loại đạt 585 nghìn tấn tăng 23,7%; bông các loại đạt 170 nghìn tấn tăng 26,9%; sợi các loại đạt 241 nghìn tấn tăng 0,8%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 8,2 tỷ USD tăng 41,2%; tân dược đạt 462 triệu USD tăng 20,2%; hóa chất các loại đạt hơn 1 tỷ USD tăng 38,6%; chất dẻo nguyên liệu đạt hơn 1 triệu tấn tăng 19%; vải các loại đạt 2,6 tỷ USD tăng 18,4%; nguyên liệu dệt may da đạt 1,4 tỷ USD tăng 19,1%; máy tính và linh kiện điện tử đạt 2 tỷ USD tăng 36,1% so cùng kỳ.
Mức thâm hụt cán cân thương mại đạt 15,3 tỷ USD bằng 41,8% kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tăng cao (cả về lượng lẫn về giá) nhằm đáp ứng nhu cầu cho sản xuất trong nước tăng trưởng cao của các ngành cán thép, đóng tàu, cơ khí, lắp ráp ôtô, xe máy, giấy, lắp ráp điện tử, sản phẩm nhựa; đồng thời kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng phục vụ cho các dự án đầu tư cũng tăng cao. Đối với mặt hàng ôtô nguyên chiếc, sau khi thuế nhập khẩu được điều chỉnh tăng lên mức 83% (so với mức 70%) thì trong tháng 7 lượng xe nhập khẩu đã giảm bằng 77% so với tháng 6.
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư