1.Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 10 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum tập trung chủ yếu cho việc chăm sóc cây hàng năm vụ mùa và trồng mới cây lâu năm, trồng rừng tập trung. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh và đảm bảo an toàn thuỷ lợi cho sản xuất trong mùa mưa lũ gắn với phòng chống dịch bệnh.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1.Trồng trọt
a) Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2021
Tính đến thời điểm ngày 15/10/2021, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2021 tỉnh Kon Tum là: 65.021 ha, tăng 3,74% (+2.344 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm 2020. Cụ thể DTGT một số cây trồng so với cùng kỳ năm trước như sau:
- Cây lúa: 16.199 ha, tăng 0,25% (40ha). Trong đó: Cây lúa ruộng: 12.546 ha, tăng 0,51%; Cây lúa rẫy: 3.653 ha, bằng 99,35%.
- Cây ngô: 4.801 ha, tăng 3,07% (+143 ha).
- Cây sắn: 39.003 ha, tăng 0,67%.
- Khoai lang: 161 ha, giảm 14,17% (-26 ha). Diện tích khoai lang giảm do người dân chuyển một số diện tích đất có năng suất thấp sang trồng một số loại cây khác.
- Cây lạc: 126 ha, tăng 5,0% (+6 ha).
- Đậu các loại: 279 ha, tăng 1,82% (+5 ha).
- Rau các loại: 1.493 ha, tăng 14,67% (+191 ha).
- Hoa các loại DTGT: 120 ha, giảm 1,64% (-2 ha).
b) Diện tích cây lâu năm
Ước tính đến thời điểm ngày 31/10/2021, tổng diện tích cây lâu năm hiện có trên địa bàn tỉnh là: 116.379 ha, tăng 10,34% (+10.908 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm tăng chủ yếu một số loại cây trồng như: Cây ăn quả, cao su, cà phê, cây dược liệu..., cụ thể một số loại cây trồng như sau:
Cây cao su ước tính 76.845 ha, tăng 3,15% (+2.347 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trồng mới đạt 1.067 ha, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước; Diện tích cây cao su tăng là do: một số diện tích trồng mới tái sản xuất trên diện tích thanh lý của các năm trước. Trong đó: Huyện Ia H’Drai diện tích 25.047,28 ha không tăng so với cùng kỳ năm trước; huyện Đắk Hà diện tích 7.615,73 ha giảm 0,92% (-71,09 ha), với so với cùng kỳ năm trước; huyện Sa Thầy 12.160 ha, tăng 0,68% (+ 82ha) so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Kon Tum diện tích 9.985 ha, tăng 2,77% (290 ha) so với cùng kỳ năm 2020; Đắk Glei diện tích 1.577 ha tăng 2,8% (+ 43,2 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Cây cà phê trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính 26.949 ha, tăng 6,92% (+1.743 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trồng mới đạt 579 ha, bằng 54,78% so với cùng kỳ năm trước; Diện tích cà phê tăng do giá cà phê những năm gần đây tương đối ổn định nên người dân quan tâm đầu tư mở rộng. Thời tiết năm nay thuận lợi đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa có lưu lượng lớn giúp cho cây cà phê phát triển tốt. Trong đó huyện Đắk Hà diện tích 11.875,75 ha, giảm 1,06% (-126,66 ha) so với cùng kỳ; huyện Sa Thầy diện tích 2.866 ha tăng 4,66% (+128 ha) so với cùng kỳ năm trước; huyện Đắk Glei diện tích 1.759 ha tăng 1,7% (+ 29,7 ha).
Diện tích cây công nghiệp lâu năm cũng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Kon Tum chủ yếu trồng tập trung các cây trọng điểm là cao su và cà phê.
Sản lượng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không lớn. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp với các loại cây ăn quả. Diện tích chủ yếu trồng rải rác ở các khu vườn hộ dân, trồng xen trong vườn cây công nghiệp, sản lượng thu hoạch chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.
1.1.2. Chăn nuôi ước tính đến ngày 31/10/2021
- Tổng đàn trâu 25.452 con, tương đương cùng kỳ năm trước.
- Tổng đàn bò 83.550 con, tăng 1,99% (+1.630 con).
- Tổng đàn lợn 148.422 con, tăng 1,04% (+ 1.522 con).
- Tổng đàn gia cầm 1.758.000 con, tăng 7,88% (+130.100 con).
Nhìn chung trong 10 tháng năm 2021, giá cả các sản phẩm chăn nuôi ổn định nên người dân đã đầu tư mở rộng và tăng đàn nên tổng đàn gia súc và gia cầm tăng so với cùng kỳ năm trước.
1.2. Lâm nghiệp
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu cho công tác quản lý bảo vệ, trồng mới rừng tập trung; trồng cây lâm nghiệp phân tán; chăm sóc, nuôi dưỡng, tỉa thưa rừng trồng.
Tính đến 15/10/2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ cháy rừng, thiệt hại 27,49 ha; xảy ra 65 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 59,825 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 3.955 ha, gấp gần 4 lần (+2.980 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/10/2021, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 117.750 m3, tăng 2,71% (+3.107m3) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác ước đạt 225.490 ster, tăng 2,57% (+5.660 Ster) so với cùng kỳ năm trước. Số cây lâm nghiệp trồng phân tán trên địa bàn tỉnh đạt 3.720 ngàn cây
1.3. Thuỷ sản
Ước tính đến ngày 31/10/2021, diện tích nuôi trồng thủy sản là 736 ha, tăng 3,66% (+26 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thuỷ sản ước tính đạt 5.113 tấn, tăng 10,65 % (+492 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 3.394 tấn, tăng 11,39 % (+347 tấn).
Sản lượng khai thác nước ngọt là 1.719 tấn, tăng 9,21 % (+145 tấn).
Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng. Bên cạnh đó việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.
2.Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tính tăng 7,56% so với tháng trước và tăng 13,32% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng11,09%so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 năm 2021 ước tính tăng 13,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện (+23,95%), đến tháng 4 năm 2021 Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đã hoàn thành và bắt đầu phát điện nên sản lượng điện tăng cao so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,68%; Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản giảm 27,38%, chủ yếu do lượng đá xây dựng tồn kho nhiều, các đơn vị hạn chế khai thác; ngành sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,71%.
So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 năm 2021 ước tính tăng 7,56%, trong đó tăng cao nhất ở ngành khai thác khoáng sản (+15,97), hiện tại các công trình xây dựng đang đẩy nhanh tiến độ thi công vào các tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi bắt đầu tăng mạnh nên các đơn vị tập trung khai thác; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,68%, mà chủ yếu tăng ở ngành chế biến thực phẩm; đến thời điểm hiện tại tất cả các nhà máy sản xuất tinh bột sắn đã hoạt động sản xuất ổn định, nguồn nguyên liệu đảm bảo để hoạt động hết thời gian, sản phẩm tinh bột sắn sản xuất tăng cao so với tháng trước. Trong tháng 10 chỉ có ngành chế biến gỗ có chỉ số sản xuất ước tính giảm do không đủ nguồn cung cấp nguyên liệu, còn lại tất cả các ngành công nghiệp chế biến khác đều có chỉ số sản xuất ước tính tăng so tháng trước. Ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện; ngành sản xuất cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định so tháng trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021 chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 11,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng giảm 14,44%, nguyên nhân: chỉ số sản xuất ngành này giảm thấp do cuối năm trước các đơn vị tập trung vào khai thác, sản lượng đá xây dựng tăng mạnh, đến năm 2021 lượng tồn kho tương đối lớn nên các đơn vị hạn chế sản lượng khai thác; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,37%. Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng năm 2021 có chỉ số tăng tương đối thấp.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 10 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác giảm 14,44%; Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,88%; Sản xuất trang phục, giảm 3,01%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện, giảm 8,78%; In, sao chép bản ghi các loại, giảm 29,48%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác, giảm 2,02%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước, tăng 2,75%; Sản xuất đồ uống, tăng 2,16%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, tăng 0,94%.
Trong các tháng đầu năm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn, đa số các doanh nghiệp đều thiếu nguyên liệu để hoạt động, hàng tồn kho nhiều do khâu lưu thông khó khăn, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn đều có chỉ số sản xuất giảm như ngành sản xuất đường, tinh bột sắn…; đến các tháng cuối năm tình hình đã được cải thiện hơn, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn đã thu mua đủ nguyên liệu và hoạt động sản xuất ổn định. Một số ngành sản xuất khác như: sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất bàn ghế… trong 10 tháng hoạt động tương đối ổn định, kết quả chung các ngành này có chỉ số tăng tương đối ổn định so với cùng kỳ; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,93%, đóng góp tích cực vào chỉ số sản xuất chung toàn tỉnh. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,93 so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất đạt 1.489 triệu Kwh, tăng 22,16%; Nước tinh khiết đạt 2.148 nghìn lít, tăng 2,16%; Cồn béo công nghiệp đạt 9.461 tấn, tăng 11,87%; Bàn bằng gỗ các loại đạt 95.710 chiếc, tăng 34,15%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 231.297 chiếc, tăng 50,56%.
Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước: Đá xây dựng khai thác 320.251m3, giảm 12,84%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 220.934 tấn, giảm 2,4%; Đường RE 8.371 tấn, giảm 26,47% so với cùng kỳ năm trước; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 165,687 triệu viên, giảm 9,37% ; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 160 triệu trang, giảm 29,48%; Sản phẩm khác bằng cao su lưu hoá trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 1.721 tấn, giảm 0,52% ; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 1,468 triệu cái, giảm 4,06%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 21.488 tấn, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng 10 và 10 tháng năm 2021 đảm bảo mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các doanh nghiệp sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn cung cấp nguyên liệu và lưu thông, tiêu thụ sản phẩm sản xuất; tuy nhiên các đơn vị vẫn khắc phục khó khăn và duy trì được hoạt động sản xuất; đến các tháng cuối năm tình hình đã bớt khó khăn hơn, các doanh nghiệp đã tập trung vào sản xuất ổn định và chỉ số sản xuất ước tính các ngành đều tăng so cùng kỳ.
3. Vốn đầu tư
Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính tháng 10 năm 2021 đạt 330,78 tỷ đồng, tăng 11,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 301,59 tỷ đồng, chiếm 91,18% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới ...
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 29,2 tỷ đồng, chiếm 8,82% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...
Tính chung 10 tháng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính đạt 2.208,5 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 1.880,1 tỷ đồng, chiếm 85,13% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ... Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh là 1.398,3 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 295,53 tỷ đồng; nguồn vốn ODA là 100,1 tỷ đồng; nguồn vốn Xổ số kiến thiết là 69,9 tỷ đồng; nguồn vốn khác là 16,24 tỷ đồng.
- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 328,42 tỷ đồng, chiếm 14,87% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh, trong đó: vốn cân đối ngân sách huyện là 166,11 tỷ đồng; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 152,82 tỷ đồng và nguồn vốn khác là 9,49 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong 10 tháng năm 2021 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2020 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2021 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiến dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giản dân tại làng Xộp, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; Đường Giao thông tiếp nối tỉnh lộ 674 đi đường tuần tra Biên giới xã Mô Rai huyện Sa Thầy; ĐT&XD các tuyến đường ĐĐT02, ĐĐT03, ĐĐT08 khu Trung tâm huyện Ia H’Drai; Đầu tư hạ tầng khu du lịch văn hoá, lịch sử Ngục Kon Tum; Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn TP Kon Tum (tuyến bờ bắc)…
4. Thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng,tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,93% so với cùng kỳ năm trước.
- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 10 năm 2021 đạt 2.190,915 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.899,537 tỷ đồng, chiếm 86,71% trong tổng số, tăng 10,13% so với tháng trước và tăng 9,98% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 182,821 tỷ đồng, chiếm 8,34% trong tổng số, tăng 10,22% so với tháng trước và giảm 7,47% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 108,558 tỷ đồng, chiếm 4,95% trong tổng số, tăng 5,82% so với tháng trước và tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 10 tháng năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 19.976,644 tỷ đồng, tăng 9,93% so với cùng kỳ năm trước.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 17.262,132 tỷ đồng, chiếm 86,41% trong tổng số, tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm, tăng 11,33%; hàng may mặc, tăng 14,71%; phương tiện đi lại tăng 6,5%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 13,46%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 24,66%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 2,21% so với cùng kỳ năm trước; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ, tăng 20,45%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịchđạt 1.647,567 tỷ đồng, chiếm 8,25% trong tổng số, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ khácđạt 1.066,945 tỷ đồng, chiếm 5,34% trong tổng số tăng 19,56% so với cùng kỳ năm trước.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, tuy nhiên được sự giám sát, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu mua sắm, thu hút người tiêu dùng và giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng, làm cho tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn trong 10 tháng năm 2021 ước tính tăng so với cùng kỳ năm trước.
5.Hoạt động vận tải
Hoạt động vận tải tháng 10/2021 tiếp tục tăng so với tháng trước với mức tăng 60,77% về lượng hành khách vận chuyển và 37,93% về lượng hàng hóa vận chuyển.
Doanh thu vận tải, kho bãiước tính tháng 10 năm 2021 đạt 132.348 triệu đồng, giảm 19,75% so cùng kỳ năm trước (trong đó doanh thu vận tải hành khách giảm 56,06%, doanh thu vận tải hành hóa giảm 0,57%); tăng 45,45% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đạt 1.293.287 triệu đồng, giảm 12,48% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành kháchtháng 10 doanh thu ước đạt 24.968 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 56,06%; Vận chuyển ước đạt 473 nghìn lượt khách, giảm 55,42%; Luân chuyển ước đạt 63.240 nghìn lượt khách.km, giảm 53,43%. Tính chung 10 tháng doanh thu ước đạt 361.062 triệu đồng, giảm 32,35%; Vận chuyển ước đạt 6.761 nghìn lượt khách, giảm 30,59%; Luân chuyển ước đạt 875.808 nghìn lượt khách.km, giảm 29,28% so với cùng kỳ năm trước.
Vận tải hàng hoátháng 10 doanh thu ước đạt 106.774 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,57%; Vận chuyển ước đạt 1.173 nghìn tấn, giảm 1,98%; Luân chuyển ước đạt 59.287nghìn tấn.km, giảm 0,74%. Tính chung 10 tháng doanh thu ước đạt 925.610 triệu đồng, giảm 1,24%; Vận chuyển ước đạt 10.447 nghìn tấn, giảm 1,09%; Luân chuyển ước đạt 532.512 nghìn tấn.km, giảm 0,23% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 10 doanh thu ước đạt 606 triệu đồng, giảm 16,18%. Tính chung 10 tháng doanh thu ước ước đạt 6.615 triệu đồng, giảm 3,11% so với cùng kỳ năm trước.
- Hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa tháng 10 tăng so với tháng trước nguyên nhân chủ yếu là các địa phương nới lỏng giản cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 sau ngày 30/9/2021 do đó hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa liên tỉnh tăng mạnh, mặc khác tháng 10 đang vào mùa thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp vụ Mùa và là tháng chuyển mùa khô nên hoạt động xây dựng tăng do đó hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ ngành nông nghiệp và xây dựng tăng mạnh.
Hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19.
6. Giá cả thị trường
- Chỉ số giátiêu dùng (CPI)
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2021 tăng 0,34% so với tháng trước; tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,33% so với tháng 12 năm trước và tăng 4,69% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,81%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 08 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,12%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,22%; nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06%; nhóm Giao thông tăng 2,4%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,04%. Có 02 nhóm giảm là nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,03%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,21%. Có 01 nhóm không biến động là nhóm Giáo dục.
-Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ
Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng tăng so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 10/2021 được bán với giá bình quân khoảng 5.459.000 đồng/chỉ, tăng 0,55% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 22.857 đồng/USD giảm 0,08%.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Tình hình ANTT – ATGT
7.1.1. Tình hình ANTT – ATGT tháng 9 năm 2021
Tội phạm và VPPL về trật tự xã hội (TTXH): Trong tháng phát hiện 42 vụ, tăng 13 vụ so cùng kỳ năm 2020 và giảm 03 vụ so với tháng trước, trong đó: Giết người 02 vụ; Cố ý gây thương tích 08 vụ; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi 01 vụ; Cướp giật tài sản 01 vụ; Cướp tài sản 01 vụ; Cưỡng đoạt tài sản 01 vụ; Trộm cắp tài sản 14 vụ; Trộm cắp tài sản + Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ; Trộm cắp tài sản + Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 02 vụ; Đánh bạc 01 vụ; Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 08 vụ; Gây rối trật tự công cộng 01 vụ. Hậu quả, thiệt hại: chết 01 người, 09 người bị thương, mất 02 mô tô, 05 điện thoại di động; 4,9 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản trị giá khoảng 3,7 tỷ đồng.
Tội phạm và VPPL về kinh tế:Trong tháng phát hiện 01 vụ Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 01 vụ, giảm 04 vụ so cùng kỳ năm 2020 và tháng trước.
Tội phạm và VPPL về ma túy:Trong tháng phát hiện 13 vụ, không tăng giảm so cùng kỳ năm 2020, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 09 vụ; Mua bán trái phép chất ma túy 01 vụ; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ; Tàng trữ + Mua bán trái phép chất ma túy 01 vụ; Tàng trữ + Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 4,987 gram Methamphetamine; 1,408 gram ketamine; 0,637 gram Heroin.
Tình hình trật tự an toàn giao thông: Tai nạn giao thông tăng cả 03 tiêu chí, trong tháng, xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết 07 người, bị thương 05 người, thiệt hại về tài sản khoảng 307 triệu đồng.
7.1.2. Tình hình cháy, nổ
Trong tháng 9 xảy ra 01 vụ cháy trên địa bàn thành phố Kon Tum, thiệt hại đang thống kê làm rõ.
7.2. Tình hình giáo dục
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã và đang xây dựng, tổ chức thực hiện nhiều phương án dạy học. Các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên luôn chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay Kon Tum vẫn còn một số học sinh đang lưu trú ngoài tỉnh chưa thể trở về trường để học tập do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp tục được học tập theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, đồng thời chủ động các tình huống dạy học ứng phó với dịch bệnh, ngành giáo dục Kon Tum kêu gọi toàn bộ cán bộ, quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh tình nguyện tham gia chương trình “Giờ học yêu thương”. Chương trình được tổ chức qua những tiết dạy trực tuyến, trên nền tảng Office 365 ở các môn học dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Về triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở giáo dục và Đào tạo chủ động liên hệ, tiếp nhận máy tính bảng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ cho tỉnh; trên cơ sở đó, rà soát, lựa chọn và cấp phát cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn sử dụng để học tập, đảm bảo đúng đối tượng. Trước mắt, chưa tổ chức phát động Chương trình vận động quyên góp “máy tính cho em”.
Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành triển khai lập danh sách đăng ký tiêm vắc xin cho học sinh trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để sẵn sàng tổ chức tiêm khi có vắc xin, bảo đảm an toàn, nhanh chóng, kịp thời.
7.3. Vi phạm môi trường
Tháng 9 không phát hiện vụ vi phạm môi trường. Trong 9 tháng năm 2021 phát hiện 11 vụ xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
7.4. Văn hóa - Thể dục thể thao
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Công văn và Văn bản hướng dẫn đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu UBND huyện, thành phố, sở ban ngành hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động tập trung đông người không cần thiết nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
7.5. Y tế
7.5.1. Tình hình dịch bệnh
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Tính đến 23 giờ 00 ngày 24/10/2021, tỉnh Kon Tum không có trường hợp tử vong, ghi nhận 204 trường hợp mắc Covid-19 (189 ca phát hiện tại các cơ sở cách ly tập trung; 15 ca phát hiện tại cộng đồng).
Kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí của Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT, tính đến ngày 21/10/2021 tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thuộc cấp độ 1(nguy cơ thấp/bình thường mới/vùng xanh).
Ngày 23/10/2021, Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Văn bản số 3820/UBND-KGVX về việc triển khai các biện pháp cấp bách đáp ứng ca Covid-19 trong cộng đồng (thành phố Kon Tum) và Văn bản số 3825/UBND-KGVX về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Tay - chân - miệng: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới (Đăk Glei 01, Kon Rẫy 01), bằng so với tháng trước và giảm 01 ca so với tháng 9/2020. Lũy tích đến 30/9/2021, không có ca tử vong, ghi nhận 61 ca mắc, tăng 41 ca so với cùng kỳ năm trước.
Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 08 ca mắc (Đăk Tô 03; Đăk Glei 02, Kon Rẫy 03), giảm 02 ca so với tháng trước và giảm 09 ca so với tháng 9/2020. Lũy tích đến 30/9/2021, không có ca tử vong, ghi nhận 257 ca, giảm 99 ca so với cùng kỳ năm trước.
Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc (Đăk Tô 01, Tu Mơ Rông 02), giảm 05 ca so với tháng trước và giảm 04 ca so với tháng 9/2020. Lũy tích đến 30/9/2021, không có ca tử vong, ghi nhận 51 ca mắc, giảm 41 ca so với cùng kỳ năm trước.
Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 23 ổ dịch mới, 90 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 05, Đăk Hà 54, Đăk Tô 13, Ngọc Hồi 04, Đăk Glei 13, Kon Plông 01), giảm 03 ca so với tháng trước và giảm 502 ca so với tháng 9/2020. Lũy tích đến 30/9/2021, không có ca tử vong, ghi nhận 557 ca mắc, giảm 929 ca so với cùng kỳ năm trước.
Sốt rét: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 30/9/2021, không có ca tử vong, ghi nhận 03 ca mắc (Đăk Hà 01, Sa Thầy 01, Ia H’Drai 01), giảm 22 ca so với cùng kỳ năm trước.
Viêm não Nhật Bản: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc. Lũy tích đến 30/9/2021, không có ca tử vong, ghi nhận 01 ca mắc tại huyện Sa Thầy, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), cúm A(H1N1), bệnh do vi rút Zika, viêm gan vi rút A, bạch hầu, dại, ho gà, sởi.
Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 25 người (Đăk Tô 02, Đăk Hà 04, Đăk Glei 03, Kon Rẫy 01, Sa Thầy 02, Tu Mơ Rông 02, thành phố Kon Tum 11), trong đó lao phổi AFB (+) 13 người. Không ghi nhận bệnh nhân phong mới, tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 180 người (điều trị đa hóa trị liệu 04, giám sát 21 và chăm sóc tàn tật 155 người).
7.5.2. Phòng chống HIV/AIDS
Trong tháng, ghi nhận 04 ca nhiễm HIV mới, tăng 02 ca so với tháng trước. Lũy tích đến ngày 30/9/2021, tổng số nhiễm HIV/AIDS 535 người, trong đó tử vong 195 người và còn sống 340 người (quản lý được 182). Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV 139 người (có 08 trẻ em), đang điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 18 người.
7.5.3. An toàn vệ sinh thực phẩm
Tiếp tục triển khai hoạt động: Truyền thông phòng, chống ngộ độc thực phẩm lồng ghép truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 tại các thôn, làng; giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; tập huấn, cập nhật các quy định của pháp luật và kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm (23 cơ sở với 168 người tham dự).
Kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2021, tổng số cơ sở được kiểm tra 198 cơ sở, trong đó 162 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 81,8%; xử phạt vi phạm hành chính 04 cơ sở với tổng số tiền 5,15 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm thực phẩm tại 23 cơ sở với 35 loại sản phẩm gồm 93 kg thực phẩm rắn và 50,4 lít thực phẩm lỏng.
Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng 9 năm 2021 xảy ra 04 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh./.
File đính kèm: KonTum_BaocaosolieuT10.2021.pdf