Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/11/2021-09:00:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2021 tỉnh Hậu Giang

Trong tháng 10/2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực, khi Tỉnh đã kiểm soát được dịch bệnh, hầu hết các hoạt động của nền kinh tế được phép hoạt động trở lại. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh tế của Tỉnh đa số đều tăng so với tháng trước như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,38%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,34%; xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 0,95%; doanh thu vận tải tăng 41,27%. Kết quả hoạt động của từng ngành, lĩnh vực như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tình hình sản xuất nông nghiệp trong tháng của tỉnh tập trung vào thu hoạch lúa vụ Thu Đông; phối hợp với các địa phương rà soát việc thực hiện các giải pháp phòng chống các bệnh trên lúa và các loại cây trồng khác; theo dõi dịch bệnh trên đàn chăn nuôi, duy trì công tác tiêm phòng dịch bệnh ở đàn gia súc và dịch cúm trên gia cầm; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm; chăm sóc tốt diện tích thủy sản nuôi; hướng dẫn các địa phương và nông dân tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ an toàn các diện tích đang nuôi chú ý các mô hình và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Kết quả đạt được như sau:

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Lúa Thu Đông: Hiện xuống giống được 35.363 ha, bằng 96,36% so với kế hoạch tỉnh (kế hoạch tỉnh 36.700 ha), lúa giai đoạn mạ đến trổ chín. Đã thu hoạch được 16.078 ha.

Mía niên vụ 2020 - 2021: Hiện nay đã xuống giống được 5.040 ha, giảm 14,7% (bằng 869 ha) so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Hiện đang ở giai đoạn phát triển chồi, thân lóng. Các giống sử dụng chủ yếu như: Roc16, K88-92, KK3, Roc22, ... Hiện đã thu hoạch được 961 ha. Diện tích còn lại được 9-10 tháng tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt.

Diện tích gieo trồng ngô 10 tháng được 2.115 ha, so cùng kỳ năm trước giảm 1,66% (bằng 35,8 ha); diện tích thu hoạch được 2.000 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 2,32% (bằng 45,3 ha).

Diện tích gieo trồng cây rau, đậu các loại 10 tháng được 22.703 ha, so với năm trước tăng 8,55% (bằng 1.789 ha); diện tích thu hoạch được 20.609 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 8,79% (bằng 1.666 ha).

Diện tích và sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm ăn quả chủ yếu 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ như sau:

- Cây dứa (khóm): Diện tích hiện có 2.908,25 ha, tăng 6,66% (bằng 181,62 ha), sản lượng thu hoạch được 33.000 tấn, tăng 39,8% (bằng 9.394,42 tấn) so với cùng kỳ. Tập trung ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ.

- Cây bưởi: Diện tích hiện có 1.646,19 ha, tăng 3,18% (bằng 50,69 ha). Sản lượng thu hoạch được 10.500 tấn, tăng 13% (bằng 1.208,1 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây mít: Diện tích hiện có 8.323,07 ha, tăng 19,49% (bằng 1.357,36 ha), diện tích tăng chủ yếu ở các huyện như: Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy. Sản lượng thu hoạch được 61.200 tấn, tăng 36,9% (bằng 16.495 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây chanh không hạt: Diện tích hiện có 2.736,95 ha, tăng 15,14% (bằng 359,95 ha). Sản lượng thu hoạch được 25.500 tấn, tăng 35,86% (bằng 6.731 tấn) so với cùng kỳ.

- Cây mãng cầu: Diện tích hiện có 690,22 ha, giảm 2,76% (bằng 19,56 ha). Sản lượng thu hoạch được 5.600 tấn, tăng 101,22% (bằng 2.817 tấn) so với cùng kỳ. Do diện tích thu hoạch tăng và năng suất được cải thiện.

1.1.2. Chăn nuôi

Hiện nay, tình hình chăn nuôi ổn định và thuận lợi, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nên quy mô đàn gia súc, gia cầm được hộ dân phát triển tiếp tục tái đàn. Ước tính đến tháng 10/2021, số đầu con gia súc, gia cầm so với cùng kỳ cụ thể như sau:

- Đàn trâu, bò: Đàn trâu ước được 1.507 con, tăng 3,86% (bằng 56 con) so với cùng kỳ; Đàn bò ước được 3.598 con, giảm 1,61% (bằng 59 con) so với cùng kỳ.

- Đàn heo (không tính heo con chưa tách mẹ): Ước được 105.484 con, tăng 6,23% (bằng 6.188 con)[[1]] so với cùng kỳ. Trong đó: Heo thịt được 92.361 con, tăng 6,67% (bằng 5.779 con). Ngành chức năng của tỉnh luôn chỉ đạo chặt chẽ việc tái đàn heo đúng theo thời điểm để phù hợp với tình hình thực tế địa phương cũng như rà soát, xác định những cơ sở chăn nuôi lớn, đảm bảo thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.

- Đàn gia cầm: Ước được 4.515,38 nghìn con, tăng 1,4% (bằng 62,54 nghìn con). Trong đó: Đàn gà 1.802,24 nghìn con, tăng 8,6% (bằng 142,67 nghìn con). Nhìn chung đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có bước phát triển tương đối mạnh do tình hình dịch bệnh được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, người chăn nuôi an tâm đầu tư chuồng trại và mở rộng quy mô sản xuất do hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại hình nuôi khác. Phương thức nuôi công nghiệp, nuôi gia công có xu hướng tiếp tục phát triển khá.

1.2. Lâm nghiệp

Trong tháng đã xuất hiện mưa diện rộng, thuận lợi cho công tác trồng cây phân tán và triển khai thực hiện giao nhận cây trồng phân tán năm 2021 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng trồng mới tập trung ước được 315,85 ha, tăng 1,90% (bằng 5,90 ha) so với cùng kỳ; số cây lâm nghiệp trồng phân tán được 1.557 nghìn cây, tăng 4,01% so với cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác được 14.227 m3, tăng 1,42% (bằng 199 m3) và sản lượng củi khai thác được 62.351 ste, tăng 0,43% (267 ste) so với cùng kỳ.

Tình hình chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng được thực hiện nghiêm túc, ngành Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, trang bị đầy đủ các trang thiết bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay diện tích rừng được bảo vệ an toàn.

1.3. Thủy sản

Đến nay, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước được 7.948,29 ha, đạt 98,13% so kế hoạch năm (8.100 ha) và tăng 2,53% (bằng 195,80 ha) so với cùng kỳ năm trước. Tập trung tăng chủ yếu ở diện tích nuôi các loại cá ruộng và cá khác nuôi ao mương vườn, mô hình nuôi tôm luân canh trên ruộng lúa. Cụ thể, diện tích nuôi cá được 7.778,29 ha, tăng 189,82 ha; diện tích nuôi tôm được 95,43 ha, tăng 6,7 ha, tập trung nhiều ở huyện Long Mỹ. Trong đó, diện tích nuôi cá thát lát được 83,15 ha, tăng 3,48% so cùng kỳ, diện tích nuôi lươn được 18.646,13 m3, tăng 7,97% so cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng năm 2021 được 59.733 tấn, đạt 74,67% so kế hoạch năm (80.000 tấn) tăng 1,76% (bằng 1.030 tấn) so với cùng kỳ. Nguyên nhân tăng so với cùng kỳ là do thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản ít xảy ra, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn đem lại thêm thu nhập cho người dân. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, giá thức ăn tăng, chi phí sản xuất tăng cao, công tác vận chuyển và tiêu thụ chưa thuận lợi, hiện đang vào thời điểm thu hoạch nhưng người nuôi vẫn chưa thu hoạch hết các diện tích hiện có, giá bán cũng chưa cao nên người nuôi đang chờ giá cao để bán, do đó diện tích và sản lượng thu hoạch cũng bị ảnh hưởng và không đạt cao so với kế hoạch. Chia ra:

- Sản lượng thủy sản khai thác được 2.251 tấn, tăng 1,06% so cùng kỳ.

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng được 57.482 tấn, tăng 1,78% (bằng 1.006 tấn) so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá thát lát thu hoạch được 5.594 tấn, tăng 8,86% so cùng kỳ, sản lượng lươn thu hoạch được 653 tấn, tăng cao so với cùng kỳ. Hiện tại, hai sản phẩm này đang được người dân mở rộng diện tích vì đem lại thu nhập tương đối ổn định và đây là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản, cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

2. Sản xuất công nghiệp

Trước tình hình khó khăn bởi dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực giữ ổn định thị trường truyền thống và tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ đầu ra. Vì vậy, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Uớc thực hiện tháng 10/2021, giá trị sản xuất công nghiệp: Tính theo giá so sánh 2010, được 2.419,93 tỷ đồng, tăng 23,49% so với tháng trước và tăng 8,22% so với cùng kỳ năm trước; tính theo giá thực tế, được 3.835,85 tỷ đồng, tăng 31,57% so với tháng trước và tăng 11,77% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nới lỏng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã hoạt động trở lại trong giữa cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2021, doanh nghiệp cũng chủ động tăng sản lượng sản xuất, để kịp thời hoàn thành các hợp đồng còn tồn động do bị ảnh hưởng dịch trước đó. Vì vậy, ước tháng 10 tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Ước thực hiện 10 tháng năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp: Tính theo giá so sánh 2010, được 22.757,94 tỷ đồng, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước và đạt 71,75% so với kế hoạch năm; tính theo giá thực tế, được 33.419,18 tỷ đồng, tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước và đạt 72,75% so với kế hoạch năm. Trong đó:

- Khu vực kinh tế nhà nước, tạo ra được giá trị sản xuất 303,02 tỷ đồng, tăng 12,26% so với cùng kỳ, đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

- Khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra được giá trị sản xuất 24.726,95 tỷ đồng, tăng 5,64% so với cùng kỳ, đóng góp 4,12 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

- Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra được giá trị sản xuất 8.389,21 tỷ đồng, tăng 0,01% so với cùng kỳ, đóng góp 0,001 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Dự tính tháng 10/2021, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 18,38% so với tháng trước và tăng 5,30% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,51% so với tháng trước và tăng 5,31% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 7,34% so với cùng kỳ (do Công ty CP điện mặt trời VKT- Hòa An mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm đến nay, nên làm chỉ số sản xuất ngành này tăng so với cùng kỳ); cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 6,14% so với tháng trước và tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có mức tăng cao so với tháng trước và cùng kỳ như: Ngành chế biến thực phẩm tăng 7,45% so với tháng trước và tăng 1,51% so với cùng kỳ; Chế biến và bảo quản rau quả tăng 27,27% so với tháng trước và tăng 20,98% so với cùng kỳ; ngành xay xát và sản xuất bột thô tăng 13,54% và tăng 61,42% so với cùng kỳ; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản tăng 1,95% so với tháng trước và tăng 13,49% so với cùng kỳ; ngành sản xuất đồ uống tăng 11,61% so với tháng trước và tăng 31,06% so với cùng kỳ; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,77% so với tháng trước và tăng 49,14% so với cùng kỳ (tăng rất cao so với cùng kỳ là do thời điểm này cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh nên thiếu nguồn nguyên liệu hoạt động); ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 10,25% so với tháng trước và tăng 19,41% so với cùng kỳ... Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều biện pháp nới lỏng, các doanh nghiệp cũng đã trở lại hoạt động trong giữa cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2021, doanh nghiệp cũng chủ động tăng sản lượng sản xuất, để kịp thời hoàn thành các hợp đồng còn tồn động do bị ảnh hưởng dịch trước đó. Bên cạnh đó, tăng một phần là do Công ty TNHH MTV Masan Hậu Giang mới đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất mì, phở, miến, bún, cháo ăn liền với công suất thiết kế 38.000 tấn/năm và Công ty TNHH UNIPAX Vị Thanh mới hoạt động trong những tháng gần đây, sản phẩm chính là nón các loại với công suất thiết kế 6 triệu sản phẩm/năm. Vì vậy, dự tính tháng 10 sẽ tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Dự tính 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,06% so với cùng kỳ. Trong đó, Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,02%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,85%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,37%. Do từ đầu năm đến nay có một số doanh nghiệp mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định, nên đã làm chỉ số cộng dồn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ như sau: Tôm đông lạnh sản lượng sản xuất được 27.661 tấn, tăng 3,01%; Gạo đã xay xát toàn bộ hoặc sơ bộ sản lượng sản xuất được 291.834 tấn, tăng 64,27% (Công ty CP chế biến xuất khẩu gạo Quang Phát Hậu Giang mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm đến nay, nên đã làm tăng đột biến ngành này); Thức ăn cho gia súc, sản lượng sản xuất được 224.766 tấn, tăng 18,30%; Bia đóng chai sản xuất được 77.153 nghìn lít, tăng 102,79%; Nước có vị hoa quả (cam, táo,…) sản lượng sản xuất được 121.824 nghìn lít, tăng 20,29%; Thuốc trừ côn trùng sản lượng sản xuất được 436 tấn, tăng 53,47%; Thuốc diệt nấm sản lượng sản xuất được 682 tấn, tăng 83,26%; Thuốc diệt cỏ, Thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hoà sinh trưởng cây trồng sản lượng sản xuất được 172 tấn, tăng 64,33%;... Nguyên nhân là do sản lượng các ngành trên tăng rất cao trong 6 tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng dịch trong tháng 7 và tháng 8 nên các ngành trên tăng chậm lại so với 6 tháng đầu năm, nhưng tính chung 10 tháng vẫn tiếp tục duy trì được tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư (tính từ ngày 20/9/2021 - 20/10/2021), toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 57%), với tổng số vốn đăng ký là 1.087,2 tỷ đồng (giảm 79%), số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới là 33,98 tỷ đồng; số doanh nghiệp gặp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 01 doanh nghiệp, với số vốn là 2 tỷ đồng; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 03 doanh nghiệp (giảm 40%), với tổng vốn là 15,2 tỷ đồng (giảm 97%). Trong tháng có 22 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 435 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (giảm 37%), với tổng vốn 2.825,58 tỷ đồng (giảm 67%) so với năm 2020; số doanh nghiệp gặp khó khăn tạm ngừng hoạt động là 104 doanh nghiệp (tăng 13%), với tổng vốn 467,28 tỷ đồng (tăng 47%) so với năm 2020 (do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19); số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 59 doanh nghiệp (giảm 48%), với tổng vốn là 70,9 tỷ đồng (giảm 90%) so với năm 2020.

4. Vốn đầu tư

Tính đến ngày 18/10/2021, kế hoạch vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 17.212,48 tỷ đồng, bao gồm các nguồn như sau:

- Vốn ngân sách nhà nước: 2.686,48 tỷ đồng.

- Vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước và Trung ương đầu tư trên địa bàn: 1.120 tỷ đồng.

- Các nguồn vốn khác như: Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), vốn huy động trong dân và các doanh nghiệp ngoài nhà nước là 13.406 tỷ đồng.

Ước tính tháng 10/2021, vốn đầu tư thực hiện được 1.350,91 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 107,37% và so với cùng kỳ năm trước bằng 72,98%. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, các hoạt động sản xuất từng bước được nới lỏng trở về trạng thái bình thường mới. Các công trình, dự án đầu tư được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành từ đây đến cuối năm. Do dó, giá trị thực hiện vốn đầu tư trong tháng sẽ tăng.

Ước tính 10 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện được 14.591,79 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm tr­ước (17.680,97 tỷ đồng) bằng 82,53% và so với kế hoạch năm đạt 84,77%. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước thực hiện được 1.785,78 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 80,60% và so với kế hoạch năm (2.686,48 tỷ đồng) đạt 66,47%.

5. Tài chính, tín dụng

5.1. Tài chính

Ước tổng thu Ngân sách nhà nước tháng 10/2021 được 457,66 tỷ đồng, luỹ kế được 9.174,60 tỷ đồng, đạt 117,45% dự toán Trung ương, đạt 83,29% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Trung ương trợ cấp được 296,65 tỷ đồng, luỹ kế được 3.390,88 tỷ đồng, đạt 84,05% dự toán Trung ương và đạt 82,87% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; Thu nội địa được 120 tỷ đồng, luỹ kế được 3.427,46 tỷ đồng, đạt 103,01% dự toán Trung ương và đạt 81,51% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Ước tổng chi Ngân sách địa phương tháng 10/2021 được 933,99 tỷ đồng, luỹ kế được 6.457,65 tỷ đồng, đạt 92,98% dự toán Trung ương giao, đạt 67,03% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Trong đó: Chi xây dựng cơ bản được 455,54 tỷ đồng, luỹ kế được 2.754,14 tỷ đồng, đạt 97,91% dự toán Trung ương giao, đạt 64,54% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao; Chi thường xuyên được 478,44 tỷ đồng, luỹ kế được 3.444,61 tỷ đồng, đạt 85,75% dự toán Trung ương giao, đạt 69,45% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

5.2. Tín dụng ngân hàng

Đến ngày 30/9/2021, tổng vốn huy động toàn địa bàn là 16.245 tỷ đồng, tăng trưởng 0,47% so với tháng trước, tương ứng tăng trưởng 1,65% so với cuối năm 2020. Vốn huy động đáp ứng được 57,46% cho hoạt động tín dụng. Trong tổng vốn huy động trên địa bàn thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước huy động được 10.589 tỷ đồng (chiếm 65,18%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần được 4.901 tỷ đồng (chiếm 30,17%); Ngân hàng Chính sách xã hội được 718 tỷ đồng (chiếm 4,42%) và Quỹ tín dụng Nhân dân được 37 tỷ đồng (chiếm 0,23%). Hiện, lãi suất không kỳ hạn đến dưới 1 tháng phổ biến từ 0,1-0,2%/năm; lãi suất từ 01 tháng đến dưới 06 tháng ở mức 2,7-3,6%/năm; lãi suất từ 06 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 3,7-5,9%/năm; lãi suất từ 12 tháng trở lên ở mức 4,8-6,5%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 10/2021, tổng vốn huy động trên toàn địa bàn đạt 16.353 tỷ đồng, tăng trưởng 0,66% so với cuối tháng 9/2021, tương ứng tăng trưởng 2,32% so với cuối năm 2020.

Đến ngày 30/9/2021, tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 28.270 tỷ đồng, tăng trưởng 0,73% so với cuối tháng trước, tương ứng tăng trưởng 5,68% so với cuối năm 2020. Trong tổng dư nợ thì khối Ngân hàng Thương mại nhà nước đạt 19.718 tỷ đồng (chiếm 69,75%); khối Ngân hàng Thương mại cổ phần là 5.626 tỷ đồng (chiếm 19,90%); Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.882 tỷ đồng (chiếm 10,19%) và Quỹ tín dụng Nhân dân là 44 tỷ đồng (chiếm 0,16%). Hiện nay, lãi suất cho vay luôn được giữ ở mức ổn định, đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam phổ biến là 4,5%/năm; cho vay trung, dài hạn phổ biến ở mức 10-11%/năm; các lĩnh vực khác lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 9,0 - 9,5%/năm; trung, dài hạn từ 10,5-13%/năm. Ước thực hiện đến cuối tháng 10/2021, dư nợ đạt 28.420 tỷ đồng, tăng trưởng 0,53% so với cuối tháng 9/2021, tương ứng tăng trưởng 6,24% so với cuối năm 2020.

Nợ quá hạn đến ngày 30/9/2021 là 789 tỷ đồng, chiếm 2,79%/tổng dư nợ; nợ xấu là 405 tỷ đồng, chiếm 1,43%/tổng dư nợ; nợ cần chú ý là 384 tỷ đồng, chiếm 48,67%/tổng nợ quá hạn. Dự báo đến cuối tháng 10/2021, nợ xấu toàn địa bàn vẫn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

6.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Nhìn chung, trong tháng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh dần được kiểm soát, tình hình hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn từng bước được nới lỏng hơn tháng trước nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Phần lớn hoạt động kinh doanh của các ngành được phép hoạt động trở lại, sức mua thị trường tăng khá mạnh so với tháng trước.

Vì vậy, ước tính tháng 10/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 3.586,19 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 293,54 tỷ đồng), so với thực hiện tháng trước bằng 120,34% và so với cùng kỳ năm trước bằng 101,29%. Hoạt động thương mại, dịch vụ đang từng bước khôi phục lại sau dịch bệnh. Chia ra:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 2.853,37 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 111,66%[[2]] và so với cùng kỳ năm trước bằng 104,99%. Nguyên nhân doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng khá mạnh trở lại so với tháng trước là do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, phần lớn cơ sở được hoạt động kinh doanh trở lại.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành được 533,15 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 149,24% và so với cùng kỳ năm trước bằng 102,78%, tỉnh nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống dịch; các cơ sở kinh doanh đã được phép mở cửa hoạt động trở lại; nhu cầu đi lại giữa các địa bàn trong tỉnh của người dân có xu hướng tăng. Cụ thể: Dịch vụ lưu trú được 10,64 tỷ đồng, so tháng trước tăng 91,02%, so cùng kỳ tăng 2,19%; dịch vụ ăn uống được 522,51 tỷ đồng, so tháng trước tăng 48,58%, so cùng kỳ tăng 2,79%.

- Doanh thu dịch vụ khác được 199,67 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 296,66% và so với cùng kỳ năm trước bằng 65,65%. Nguyên nhân các ngành dịch vụ khác có xu hướng tăng khá mạnh so với tháng trước là do dịch bệnh trên địa bàn dần được kiểm soát tốt, các biện pháp phòng, chống dịch tiếp tục được nới lỏng, phần lớn các ngành dịch vụ được phép hoạt động trở lại, đặc biệt là hoạt động xổ số được phép phát mở thưởng từ ngày 22/10/2021. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước ngành dịch vụ khác của tỉnh giảm rất lớn là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; thực hiện các biện pháp phòng chống dịch toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; vui chơi, giải trí; karaoke, game, massage tạm dừng hoạt động. Riêng doanh thu hoạt động xổ số chiếm tỷ trọng gần 70% trong tổng doanh thu các ngành dịch khác đã tạm dừng phát hành vé 3 kỳ trong tháng (từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 21/10/2021).

Ước tính 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng được 34.320,41 tỷ đồng (Trong đó, doanh thu chi nhánh của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh là 2.828,42 tỷ đồng), so với cùng kỳ năm trước bằng 103,70%. Chia ra:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa được 26.958,20 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 105,45%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành được 4.882,03 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 102,87%.

- Doanh thu dịch vụ khác được 2.480,18 tỷ đồng, so với cùng kỳ bằng 89,13%.

6.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Ước thực hiện tháng 10/2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp thực hiện được 75,41 triệu USD so với tháng trước bằng 100,95% và so với cùng kỳ năm trước bằng 83,26%. Trong đó:

- Xuất khẩu được 48,83 triệu USD, so với tháng trước bằng 144,69% và so với cùng kỳ năm trước bằng 81,09%. Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt và đang từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch hướng tới trở lại trạng thái bình thường mới. Các doanh nghiệp trên địa bàn đa số đã tái hoạt động sản xuất, công nhân cũng bắt đầu trở lại làm việc tại các doanh nghiệp. Do đó, dự đoán tháng 10 tới giá trị xuất khẩu có thể sẽ tăng cao trở lại.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 26,59 triệu USD, so với tháng trước bằng 64,91% và so với cùng kỳ năm trước bằng 87,56%.

Ước thực hiện 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, uỷ thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện được 780,92 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 94,11% và so với kế hoạch năm đạt 72,23%. Trong đó:

- Xuất khẩu ước thực hiện được 455,42 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 92,52% và so với kế hoạch năm đạt 61,93%.

- Nhập khẩu ước thực hiện được 288,48 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 99,91% và so với kế hoạch năm đạt 102,44%.

- Uỷ thác xuất khẩu ước thực hiện được 0,48 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 25,67% và so với kế hoạch năm đạt 39,75%.

- Dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ước thực hiện được 36,54 triệu USD so với cùng kỳ năm trước bằng 77,87% và so với kế hoạch năm đạt 58%.

6.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Ước tính tháng 10/2021, tổng doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi thực hiện được 61,04 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 141,27% và so với cùng kỳ năm trước bằng 60,18%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 17,58 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 187,22% và so với cùng kỳ năm trước bằng 55,32%; đường thủy thực hiện được 18,99 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 159,79% và so với cùng kỳ năm trước bằng 56,28%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 24,47 tỷ đồng, so với tháng trước bằng 111,56% và so với cùng kỳ năm trước bằng 68,16%. Tình hình hoạt động vận tải trong tháng 10 ước sẽ tăng cao so với tháng trước, do đa phần các hoạt động vận tải hàng hóa (đường bộ và đường thủy) và dịch vụ kho bãi đã từng bước hoạt động bình thường trở lại, vận chuyển hành khách đang có chủ trương cho phép vận chuyển khách liên tỉnh, thay vì nội tỉnh như tháng trước.

Ước thực hiện 10 tháng năm 2021, tổng doanh thu vận tải, kho bãi được 781,85 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước bằng 82,79%. Trong đó: Đường bộ thực hiện được 274,21 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bằng 90,31%; đường thủy thực hiện được 249,10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bằng 76,42%; hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải được 258,55 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước bằng 82,14%.

6.3.1. Vận chuyển - luân chuyển hàng hóa

Ước thực hiện tháng 10/2021, toàn tỉnh vận chuyển được 331,39 nghìn tấn hàng hóa các loại (28.156,45 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 173,79% (201,02%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 57,08% (60,62%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 74,21 nghìn tấn (9.046,82 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 133,44% (171,24%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 99,35% (102,48%).

- Đường sông thực hiện được 257,18 nghìn tấn (19.109,63 nghìn tấn.km) so với thực hiện tháng trước bằng 190,39% (219,05%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 50,84% (50,80%).

Ước thực hiện 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh vận chuyển được 4.201,29 nghìn tấn hàng hóa các loại (349.917,46 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 77,91% (80,92%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 847,76 nghìn tấn (86.359,80 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 122,56% (108,31%).

- Đường sông thực hiện được 3.353,53 nghìn tấn (263.557,67 nghìn tấn.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 71,34% (74,73%).

6.3.2. Vận chuyển - luân chuyển hành khách

Ước thực hiện tháng 10/2021, toàn tỉnh thực hiện được 1.326,92 nghìn lượt hành khách (11.132,47 nghìn HK.km), so với tháng trước bằng 154,88% (266,87%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 53,81% (28,50%). Chia ra:

- Đường bộ vận chuyển được 114,76 nghìn lượt hành khách (6.092,42 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước khối lượng vận chuyển, luân chuyển tăng rất cao do một số cơ sở được phép hoạt động trở lại và so với cùng kỳ năm trước bằng 40,77% (22,41%).

- Đường sông vận chuyển được 1.212,17 nghìn lượt hành khách (5.040,05 nghìn HK.km), so với thực hiện tháng trước bằng 146,74% (134,20%) và so với cùng kỳ năm trước bằng 55,48% (42,46%).

Ước thực hiện 10 tháng năm 2021, toàn tỉnh vận chuyển được 21.463,37 nghìn lượt hành khách (267.899,46 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 83,69% (70,89%). Chia ra:

- Đường bộ thực hiện được 3.407,03 nghìn lượt hành khách (180.571,89 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 77,17% (67,90%).

- Đường sông thực hiện được 18.056,34 nghìn lượt hành khách (87.327,57 nghìn HK.km) so với cùng kỳ năm trước bằng 85,05% (77,97%).

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Giáo dục

Trong tháng, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung vào hoạt động chuyên môn của các ngành học, cấp học như sau:

- Giáo dục tiểu học - mầm non: Triển khai kế hoạch tổ chức Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi năm học 2021- 2022; hỗ trợ các đơn vị Tập huấn Chương trình giáo dục mầm non và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; tổ chức tập huấn dạy học tích hợp, hoạt động trải nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 năm học 2021-2022; tổ chức soạn video bài giảng sau tập huấn tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

- Giáo dục trung học – Giáo dục thường xuyên: Tiếp tục triển khai hoạt động dạy và học trong điều kiện không thể triển khai dạy học trực tiếp năm học 2021-2022.

7.2. Văn hóa, thể thao

Trong tháng, toàn hệ thống Trung tâm Văn hóa tuyên truyền ý nghĩa các ngày lễ của đất nước, các nhiệm vụ chính trị, các công tác trọng tâm của địa phương theo chỉ đạo như: Tuyên truyền chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; tuyên truyền hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy và Tháng an toàn phòng cháy, chữa cháy. Kết quả: In,treo và lắp mới: 960 m2 pano, 65 băng rol, 1.600 cờ các loại. Tổ chức tốt hoạt động phóng thanh cổ động về phòng, chống dịch Covid-19, kết quả được 501 buổi.

Về hoạt động thư viện: Trong tháng phục vụ bạn đọc thông qua website Thư viện có 12.587 lượt người truy cập tra cứu và đọc sách thông qua website Thư viện (nâng tổng số lên 115.448 lượt) với 25.174 lượt sách (nâng tổng số lên 230.896 lượt). Giới thiệu 12 quyển sách trên website thư viện và gửi bài cộng tác với Đài Truyền thanh thành phố Vị Thanh, Báo Hậu Giang: Chuyện kể về trăm loài chim; Cưỡng chế hành chính - Lý luận và thực tiễn; Cửa sổ lịch sử - Văn hóa Việt Nam; Giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng hiện nay - Thực trạng và giải pháp… Nâng tổng số lên 56 quyển.

Hoạt động bảo tồn - bảo tàng và phát huy giá trị di sản văn hóa: Triển lãm thường xuyên tại Trung tâm Hội Nghị tỉnh, di tích Chiến thắng Chương Thiện với các chuyên đề: Thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, Quốc phòng an ninh tỉnh Hậu Giang; Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 và xây dựng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc Việt Nam; Hậu Giang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sưu tầm và viết lý lịch 10 hiện vật bổ sung vào kho lưu trữ. Sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử: Khu di tích lịch sử - văn hóa Trận chiến pháo binh Vịnh Chèo 1974; Căn cứ Khu ủy, Quân khu ủy khu 9 và nơi ở thời niên thiếu của cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ ở Hậu Giang.

Sự nghiệp thể dục thể thao: Ban hành Kế hoạch và thông báo mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ môn Quần vợt năm 2021; Thông báo mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ môn Bơi lội năm 2021.

7.3. Lao động và an sinh xã hội

Trong tháng, tổ chức khai giảng 29 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn lĩnh vực phi nông nghiệp với 725 học viên.

Lĩnh vực người có công với cách mạng: Tiếp nhận mới 71 (1.612) hồ sơ các loại. Đã xét giải quyết 56 (1.595) hồ sơ. Trong đó, đạt 54 (1.376) hồ sơ; không đạt 02 (219) hồ sơ, còn 17 hồ sơ đang trong thời gian xem xét, giải quyết. Tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện với trên 250 đại biểu tham dự.

Trước tình hình số lượng lớn người dân của tỉnh Hậu Giang từ Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận trở về địa phương, được tiếp nhận cách ly tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố; qua rà soát đến thời điểm này có 1.212 trẻ em, 89 người cao tuổi, 222 phụ nữ mang thai. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang hỗ trợ đột xuất cho các trường hợp này và có văn bản trình UBND tỉnh hỗ trợ tiền ăn trong thời gian cách ly tập trung đối với trường hợp là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai.

Thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 34.449 (340.759 lượt) đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 25.486 (145.635,53) triệu đồng. Hướng dẫn các địa phương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh mức trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Toàn Tỉnh đã tổ chức thăm, tặng 8.276 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật trẻ em đang thực hiện cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly tập trung với số tiền 1.488,59 triệu đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 2021 (trong đó tặng 55 phần cho các trẻ em đang thực hiện cách ly tập trung với số tiền gần 20 triệu đồng); tặng 2.754 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó nhân dịp năm học mới với số tiền là 863,5 đồng.

Về công tác quản lý đối tượng: Tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh tại thời điểm báo cáo là 1.930 người; số người nghiện đang có mặt tại cơ sở cai nghiện là 190 người.

7.4. Y tế

Trong tháng, không có ca mắc mới bệnh sốt xuất huyết, tương đương với tháng trước, cộng dồn là 54 ca, giảm 58 ca so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng không có ca mắc mới, tương đương với tháng trước, cộng dồn là 386 ca, tăng 210 ca (tăng 119%) so với cùng kỳ; bệnh sởi, bệnh dịch lạ, bệnh viêm gan do virut, quai bị và các bệnh truyền nhiễm khác chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình dịch Covid-19:

- Tổng số người mắc tại Tỉnh đến 23/10/2021 là 1.109 ca; đã được Bộ Y tế công bố 1.091 ca (trong đó: 25 trường hợp đã được Bộ Y tế công bố vào lúc 18 giờ ngày 22/10/2021); hiện còn 18 trường hợp đang hoàn tất hồ sơ dịch tễ đăng ký về Bộ Y tế để cấp mã bệnh nhân. Tổng số ca được điều trị khỏi là 745 ca. Tổng số ca đang được cách ly điều trị: 359 ca.

- Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người dân Hậu Giang đã được tiêm vắc xin là 483.609 người (trong đó có 54.289 người đã tiêm đủ 2 mũi; 429.320 người mới tiêm mũi 1), đạt tỷ lệ 90,20% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 18 tuổi trở lên nằm trong độ tuổi tiêm chủng (536.163 người).

Số trẻ dưới 1 tuổi được miễn dịch trong tháng là 0 trẻ, cộng dồn là 8.328 trẻ, đạt 73,6%; Tiêm sởi mũi 2 trong tháng là 0 trẻ, cộng dồn là 8.005 trẻ, đạt 69,9%; Tiêm ngừa uốn ván trên thai phụ (VAT2 (+)TP) trong tháng là 0 thai phụ, cộng dồn là 9.336 thai phụ, đạt 64,8%.

Số nhiễm HIV mới phát hiện trong tháng là 04 ca, cộng dồn là 62 ca (giảm 02 ca với cùng kỳ), lũy kế từ năm 2004 đến nay là 1.882 ca (người còn sống 1.267 người); số bệnh nhân AIDS phát hiện trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 08 ca (giảm 04 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ năm 2004 đến nay là 1.051 ca. Số bệnh nhân tử vong do AIDS trong tháng là 00 ca, cộng dồn là 10 ca (giảm 02 ca so với cùng kỳ), lũy kế từ năm 2004 đến nay là 615 ca. Số người hiện đang điều trị Methadone là 57 người, tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 1.015 người (trong tỉnh: 919, ngoài tỉnh: 96).

Kết quả thực hiện khám chữa bệnh đến tháng 10/2021: Tổng số lần khám là 105.850 lượt, cộng dồn là 1.310.262 lượt, đạt 69,25% kế hoạch, giảm 19,66% so với cùng kỳ. Tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 4.744 lượt, cộng dồn là 73.166 lượt, đạt 54,15% kế hoạch, giảm 12,73% so với cùng kỳ. Số ngày điều trị trung bình là 4,53 ngày, giảm 0,49 ngày so với cùng kỳ. Tổng số tai nạn ngộ độc, chấn thương là 4.461 trường hợp, giảm 3.232 trường hợp so với cùng kỳ.

Công tác Bảo hiểm y tế: Tính đến ngày 30/9/2021 đã có 80,19% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia bảo hiểm y tế.

Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người/vụ.

7.5. Tai nạn giao thông

Trong tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 05 vụ tai nạn giao thông, làm chết 02 người và bị thương 06 người (tập trung ở đường bộ). So với tháng trước số vụ tai nạn giao thông tăng 04 vụ (đường bộ tăng 05 vụ, đường thủy giảm 01 vụ), số người chết tăng 01 người (đường bộ tăng 02 người, đường thủy giảm 01 người) và số người bị thương tăng 06 người (tập trung ở đường bộ). So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tương đương, số người chết giảm 04 người và số người bị thương tăng 06 người (tập trung ở đường bộ).

Trong 10 tháng năm 2021 (từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/10/2021), toàn tỉnh xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông (đường bộ 42 vụ, đường thủy 01 vụ), làm chết 36 người (đường bộ 35 người, đường thủy 01 người) và bị thương 15 người (tập trung ở đường bộ). So với cùng kỳ năm 2020, số vụ giảm 09, số người chết giảm 02 người và số người bị thương giảm 05 người (tập trung ở đường bộ).

7.6. Thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Ngành chức năng tiếp tục giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở có thông tin phản ánh để kịp thời xử lý theo quy định. Tính từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã phát hiện 44 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 41 vụ, với tổng số tiền xử phạt là 718 triệu đồng.

Về tình hình thiên tai:

- Sạt lở: Lũy kế đến nay xảy ra 30 điểm sạt lở (huyện Châu Thành 27 điểm, thành phố Ngã Bảy 03 điểm). Chiều dài sạt lở là 737 m, diện tích mất đất 4.457 m2, ước thiệt hại 2.454 triệu đồng.

- Dông lốc: Lũy kế đến nay nhà sập 14 căn, tốc mái 65 căn, tốc mái 02 phòng học, 01 xưởng sản xuất, hư 01 trạm biến điện, ước thiệt hại khoảng 2.924,5 triệu đồng; so với năm 2020 giảm 1.378 triệu đồng (năm 2020 là 4.302,5 triệu đồng). Ước thiệt hại công trình công cộng khoảng 100 triệu đồng.

Về công tác phòng, chống cháy, nổ luôn được các ngành chức năng quan tâm thực hiện, định kỳ có kiểm tra, hướng dẫn người dân, các cơ sở kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù được quan tâm thực hiện tốt nhưng tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 2 vụ cháy, may mắn không thiệt hại về người, ước tổng tài sản thiệt hại khoảng 1.160 triệu đồng./.

[1] Nguyên nhân tổng đàn heo trên địa bàn tăng là do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng chống dịch bệnh được quản lý chặt chẽ, những hộ nuôi nhỏ lẻ bắt đầu tái đàn trở lại, những hộ nuôi quy mô gia trại, trang trại tiếp tục sản xuất, tái đàn và mở rộng quy mô chuồng trại. Từ đó tổng đàn từng bước được khôi phục góp phần tăng về số lượng và sản lượng.

[2] Cụ thể một số nhóm hàng tăng so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm tăng 4,14% do giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm luôn ổn định ở mức cao; đây là nhóm hàng thiết yếu nên nhu cầu tiêu dùng cơ bản giữ ổn định ít chịu tác động của tình hình dịch bệnh; Hàng may mặc tăng 22,33% do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho năm học mới tăng so với tháng trước, các cở sở kinh doanh các mặt hàng phục vụ cho năm học mới như: nhà sách, văn phòng phẩm, cửa hàng giày dép, quần áo, đồng phục học sinh hoạt động kinh doanh trở lại bình thường; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16,04% do hầu hết các cở sở đã hoạt động trở lại, nhiều chương trình khuyến mãi kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, phục hồi hoạt động kinh doanh sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 19,86% do các công trình xây dựng lớn, công trình dân dụng được hoạt động trong điều kiện bình thường mới, gấp rút thi công để bàn giao sau thời gian tạm ngưng hoạt động; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 14,58%, các cửa hàng bán xe gắn máy đã mở bán trở lại; đặc biệt nhu cầu xe đạp, xe đạp điện tăng cao trong thời điểm đầu năm học mới; Xăng dầu các loại tăng 16,24%./.


File đính kèm:
Bao_cao_KTXH_T10.2021.doc
Bao_cao_so_lieu_T10.2021.xlsx

Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang

    Tổng số lượt xem: 365
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)