1. Tình hình chung:
Tháng 11 năm 2006 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 46.771 tỷ đồng tăng 4,8% so với tháng 10 và tăng 16,7% so cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 6%, kinh tế ngoài quốc doanh tăng 23,7%, khu vực có vốn ĐTNN tăng 20,8%.
Tính chung 11 tháng đầu năm 2006 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 443.555 tỷ đồng tăng 16,9% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 9,4%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 23%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19% (trong đó Tcty dầu khí giảm 5,3%, các ngành khác tăng 25,5%).
Mười một tháng đầu năm 2006, một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành (15,5%) là: than sạch tăng 21%, quần áo may sẵn tăng 16%, thuốc ống các loại tăng 19,9%, sứ vệ sinh tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều sản phẩm có mức tăng trưởng thấp hơn mức kế hoạch ngành gồm: điện phát ra tăng 12,7%, khí đốt thiên nhiên tăng 1,7%, gas hoá lỏng tăng 4,7%, bia tăng 11,8%, bột ngọt tăng 3,2%, thuỷ sản chế biến tăng 12,3%, thuốc trừ sâu tăng 9,9%, xà phòng các loại tăng 14,3%, giấy bìa các loại tăng 10,5%, vải lụa thành phẩm tăng 11,1%, quần áo dệt kim tăng 3,2%, thép cán tăng 8,3%, xi măng tăng 11,7%, gạch xây tăng 1,9%, gạch lát tăng 7,1%, động cơ diezen tăng 15%, động cơ điện tăng 1,9%, xe máy các loại tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều sản phẩm giảm so với cùng kỳ gồm: dầu thô khai thác đạt 91,3%, đường mật các loại đạt 99,4%, sữa hộp tăng 93,5%, thuốc lá bao đạt 93%, xút NaOH đạt 98,6%, phân hoá học đạt 99,6%, thuốc viên các loại đạt 90,7%, máy công cụ đạt 74,2%, máy biến thế đạt 54,7%, ắc quy đạt 93%, quạt điện dân dụng đạt 82,1%, tivi các loại đạt 98,6%, ôtô các loại đạt 71,5%, xe đạp đạt 50,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo vùng, lãnh thổ một số địa phương (chiếm 10/15 tỉnh, thành phố có tỷ trọng lớn) duy trì được mức tăng trưởng GTSXCN cao hơn kế hoạch của toàn ngành (15,5%) là Hà nội 15,8%, Hải phòng 17,1%, Vĩnh Phúc 23,5%, Hà Tây 22,7%, Hải dương 23%, Quảng Ninh 18,3%, Khánh hoà 15,8%, Bình Dương 23,4%, Đồng Nai 21,2%, và Cần Thơ 22,2%. Một số địa phương (chiếm 5/15 tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn) có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch toàn ngành là Phú Thọ 13,3%, Thanh hoá 14,4%, Đà Nẵng 6,9%, Tp. Hồ Chí Minh 13,6%, Bà rịa – Vũng Tàu 3,8%.
2. Một số nhận xét về tình hình sản xuất công nghiệp 11 tháng đầu năm 2006:
Mười một tháng đầu năm 2006 ngành công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GTSXCN đạt 16,9% cao hơn so với kế hoạch cả năm của toàn ngành (15,5%).
- Về cơ cấu sản phẩm được thống kê có 4/36 sản phẩm có mức tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch chung toàn ngành, 18/36 sản phẩm có mức tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành và 14/36 sản phẩm giảm so cùng kỳ.
Than sạch khai thác, quần áo may sẵn và một số sản phẩm hoá dược và vật liệu xây dựng tiếp tục đạt mức tăng cao hơn kế hoạch toàn ngành. Một số sản phẩm quan trọng với tỷ trọng lớn tiếp tục có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm như điện sản xuất, dầu thô, khí đốt, một số sản phẩm gia công cơ khí và điện tử.
Việc tăng trưởng toàn ngành ở mức 16,9% có thể lý giải do mức tăng cao tập trung ở các sản phẩm nằm ngoài danh mục được thống kê ở trên (thể hiện qua báo cáo tình hình xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chính) như: sản phẩm gỗ (chiếm tỷ trọng 2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 26,8%), giầy dép (chiếm tỷ trọng 4,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 19,3%), các sản phẩm điện tử, máy tính (chiếm tỷ trọng 2,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,8%), thiết bị điện như dây và cáp điện (chiếm tỷ trọng 3,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng 39%), sản phẩm cao su và nhựa (chiếm tỷ trọng 5,2%, riêng nhựa kim ngạch xuất khẩu tăng 37,9%), các sản phẩm cơ khí lớn như đóng tàu (chiếm tỷ trọng 4,3%, tăng trên 20%), khung nhà thép, thép lá, thép mạ v.v..Ngoài ra một số sản phẩm chế biến sâu khoáng sản như kẽm thỏi (Nhà máy kẽm điện phân Thái nguyên), tinh quặng đồng (Tổ hợp đồng Sin Quyền – Lào Cai) bắt đầu đi vào sản xuất từ quý II/2006.
- Về tăng trưởng của các địa phương là khá tốt với 10/15 địa phương được thống kê có mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch toàn ngành, 5/15 địa phương có mức tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành. Trong đó có các tỉnh chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN toàn ngành như Tp. Hồ Chí Minh, Bà rịa – Vũng tàu tiếp tục có mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
3. Tình hình sản xuất 11 tháng một số ngành, sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn so cùng kỳ:
- Than sạch khai thác đạt 35 triệu tấn, tăng 21%.
- Dầu thô khai thác đạt 15,5 triệu tấn, giảm 8,7% do trữ lượng dầu tại các mỏ có hạn và quy trình kỹ thuật khai thác đã tới giới hạn, trong khi các mỏ mới phát hiện có trữ lượng thấp.
- Khí đốt thiên nhiên đạt gần 6 tỷ m3 tăng 1,7% so cùng kỳ.
- Điện sản xuất mặc dù có mức tăng trưởng thấp (12,7%) nhưng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế (do nhu cầu tăng không cao và hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện), về cơ cấu điện sản xuất thuộc các thành phần kinh tế khác và mua ngoài tiếp tục duy trì ở mức cao trên 20%.
- Bia đạt 1,41 tỷ lít, tăng 11,8%.
- Vải lụa thành phẩm đạt 520 triệu m2, tăng 11,1%.
- Quần áo dệt kim đạt 130 triệu cái, tăng 3,2%.
- Quần áo may sẵn đạt 1089 triệu cái, tăng 16% do xuất khẩu đang có mức tăng trưởng tốt.
- Giấy bìa đạt 898 nghìn tấn, tăng 10,5%.
- Phân hoá học đạt gần 2 triệu tấn (chưa kể phân NPK), giảm 0,4% do nhà máy đạm Phú Mỹ bị sự cố vào tháng 7.
- Xi măng đạt 28 triệu tấn, tăng 11,7%.
- Thép cán đạt 3,45 triệu tấn tăng 8,3%.
4. Về xuất nhập khẩu hàng công nghiệp:
a. Về xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước 11 tháng đầu năm ước đạt 36,3 tỷ USD tăng 23,7% so cùng kỳ và đạt 96% kế hoạch năm, trong đó hàng công nghiệp ước đạt 26,8 tỷ USD.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu có kim ngạch lớn như: dầu thô đạt 15,2 triệu tấn giảm 7,7%, than đá đạt 26,6 triệu tấn tăng 67,8% vượt kế hoạch 90%, hàng dệt may đạt 5,4 tỷ USD tăng 25,2%, hàng giày dép đạt 3,2 tỷ USD tăng 19,3%, sản phẩm gỗ đạt 1,74 tỷ USD tăng 26,8%; hàng điện tử, linh kiện và vi tính đạt trên 1,6 tỷ USD tăng 22,8%; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù đạt 445 triệu USD tăng 4,8%, dây và cáp điện đạt 640 triệu USD tăng 39%, sản phẩm nhựa đạt 435 triệu USD tăng 37,9%, xe đạp và phụ tùng đạt 107 triệu USD giảm 18%, thuỷ sản chế biến đạt 3,1 tỷ USD tăng 24,7%.
Các mặt hàng xuất khẩu hầu hết đều tăng khá đặc biệt than đá có mức tăng cao (do đó cần có chính sách đánh thuế xuất khẩu và tăng thuế tài nguyên lên mức 5-10% để hạn chế, dành than cho các nhà máy nhiệt điện than sắp đi vào hoạt động, Bộ Tài chính dự kiến áp dụng mức thuế xuất khẩu 5%), dầu thô khai thác tiếp tục giảm do trữ lượng dầu tại các mỏ có hạn và quy trình kỹ thuật khai thác đã tới giới hạn, tuy nhiên giá bán dầu đang cao nên về kim ngạch xuất khẩu (quy ra giá trị) vẫn tăng.
b. Về nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 11 tháng đầu năm ước đạt 40,7 tỷ USD tăng 21,4% so cùng kỳ, trong đó chủ yếu là máy móc và vật tư phục vụ sản xuất:
Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu so cùng kỳ như: ôtô nguyên chiếc đạt 11.121 chiếc giảm 31%, linh kiện ôtô và phụ tùng đạt 441 triệu USD giảm gần 40% do lượng xe lắp ráp trong nước giảm mạnh, linh kiện xe máy CKD và IKD đạt 416 triệu USD giảm 4,4%, xăng dầu các loại đạt 10,4 triệu tấn giảm 3,7%, phân bón các loại đạt 2,8 triệu tấn tăng 8,8% (trong đó phân urê đạt 660 nghìn tấn giảm 10%), thép các loại đạt 5,1 triệu tấn tăng 0,4% (trong đó phôi thép đạt 1,85 triệu tấn giảm 9,3% do một số nhà máy sản xuất phôi thép trong nước đi vào hoạt động cung cấp cho thị trường như Nhà máy thép Phú Mỹ, Hoà phát,...), giấy các loại đạt 651 nghìn tấn tăng 28%, bông các loại đạt 170 nghìn tấn tăng 23,7%, sợi các loại đạt 311 nghìn tấn tăng 61,9%, máy móc thiết bị và phụ tùng đạt trên 5,9 tỷ USD tăng 24,2%, tân dược đạt 498 triệu USD tăng 10,7%, hoá chất các loại đạt 943 triệu USD tăng 19,9%, chất dẻo nguyên liệu đạt 1,2 nghìn tấn tăng 13,5%, vải đạt 2,7 tỷ USD tăng 23,7%, nguyên phụ liệu dệt may da đạt 1,78 tỷ USD giảm 15%, máy tính và linh kiện đạt trên 1,8 tỷ USD tăng 20%.
5. Về đầu tư:
Trong tháng 11 có một số dự án lớn ngành công nghiệp được cấp phép như dự án thép cán nguội của Tập đoàn Posco tại Bà rịa – Vũng tàu (công suất giai đoạn I là 700.000 tấn thép cán nguội/năm, giai đoạn II nâng lên 3 triệu tấn thép cán nóng và cán nguội/năm), dự án sản xuất thiết bị cơ khí nặng của Tập đoàn Dosan (Hàn Quốc) tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), khánh thành dự án thép mạ nhôm, kẽm, mạ màu của Công ty TNHH Bluescope công suất 125.000 tấn/năm tại Bà rịa – Vũng tàu, dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp chip bán dẫn của Công ty Intel tại Tp.Hồ Chí Minh tăng vốn lên 1 tỷ USD.