Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/06/2011-13:51:00 PM
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011
Báo cáo của Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/6/2011
1/ Tình hình chung:
- Tháng 6 năm 2011 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,6% so với tháng 5 và tăng 12,7% so với cùng kỳ, trong đó, IIP của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 4,3%; công nghiệp chế biến tăng 16,3%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng 14,3% so với cùng kỳ.
Dựa vào IIP cố định của 3 ngành cấp I thì giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 (GTSXCN)như sau:
Tháng 6 năm 2011 GTSXCN ước đạt 288.206 tỷ đồng tăng 6,3% so với tháng 5 năm 2011 và tăng 15,4% so cùng kỳ, trong đó chia theo ngành công nghiệp cấp I thì công nghiệp khai thác ước đạt 17.003 tỷ đồng tăng 4,3%; công nghiệp chế biến đạt 256.435 tỷ đồng tăng 16,3%; sản xuất, phân phối điện gas và nước đạt 14.767 tỷ đồng tăng 14,3% so với cùng kỳ.
- Tính chung sáu tháng đầu năm 2011 thì IIP tăng 9,7% so với cùng kỳ, dựa vào IIP cố định của 3 ngành cấp I thì giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 1439,201 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong đó chia theo ngành công nghiệp cấp I thì công nghiệp khai thác ước đạt 98.288 tỷ đồng tăng 2,8%; công nghiệp chế biến đạt 1260,669 nghìn tỷ đồng tăng 12,6%; sản xuất, phân phối điện gas và nước đạt 80.245 tỷ đồng tăng 10,3% so với cùng kỳ.
- Tình hình sản xuất của một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011:
Sáu tháng đầu năm 2011 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: than đá (than sạch) tăng 4,6%, dầu mỏ thô khai thác tăng 0,1%, khí hóa lỏng (LPG) tăng 17,4%, thuỷ hải sản chế biến tăng 7,1%, dầu thực vật tinh luyện tăng 4,1%, sữa bột tăng 15,5%, đường kính tăng 43,4%, bia tăng 8,7%, thuốc lá điếu tăng 8,7%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 17,3%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 9,4%, giày thể thao tăng 16,5%; giấy, bìa các loại tăng 11,2%, phân hóa học tăng 1%, sơn hoá học tăng 24,2%; xi măng tăng 14,7%; thép tròn các loại tăng 4,8%; máy giặt tăng 45%; bình đun nước nóng tăng 59,2%; điện sản xuất tăng 10,4% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ có khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 98,1%; xà phòng giặt đạt 86,2%; lốp ô tô, máy kéo đạt 95,3%, gạch xây bằng đất nung đạt 98,6%; tủ lạnh, tủ đá đạt 84,6%, ô tô đạt 89,2% (riêng xe chở khách tăng 0,7%); điều hoà nhiệt độ đạt 95,3 so cùng kỳ năm trước.
Một số nhận xét về tình hình sản xuất kinh doanh công nghiệp:
- Về tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011: về tốc độ tăng trưởng đạt mức kế hoạch năm 2011, trong đó khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng cao trong GTSXCN, trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành (tuy nhiên so với 4 tháng đầu năm 2011 thì tốc độ tăng trưởng ở khu vực này đã cao hơn). Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm cả năng lượng (chủ yếu là khí hoả lỏng), các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (vải dệt từ sợi tổng hợp; thuỷ hải sản chế biến; sữa bột; đường kính; giày thể thao; giấy bìa các loại; bình đun nước nóng; máy giặt), xe chở khách.
- Tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu như sau:
Phân Urê có xu hướng tăng giá trong thời gian vừa qua. Tại thị trường trong nước, giá bán phân bón Urê ổn định so với cùng kỳ tháng 5, nguyên nhân là do thị trường phân bón trong nước 15 ngày đầu tháng 6 có diễn biến khá chậm. Lượng hàng tiêu thụ ở mức bình thường tuy nhiên, giá các mặt hàng phân bón vẫn tăng nhẹ do giá phân bón thế giới liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Do đó, trong nửa cuối tháng 6, giá phân bón trên thị trường thế giới có xu hướng tăng. Trong nước, mặc dù đã qua mùa vụ, nhu cầu giảm nhưng giá phân bón vẫn có xu hướng tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới.
Khí hóa lỏng (LPG) cũng là thuộc nhóm mặt hàng chịu tác động tăng giá do diễn biến của giá thế giới. Tổng nhu cầu sử dụng LPG trong tháng 6/2011 dự kiến giữ ổn định như tháng 5/2011. Cụ thể, tổng nhu cầu LPG sử dụng cho sản xuất công nghiệp và dân dụng khoảng 90.000 tấn, trong đó, nguồn LPG sản xuất trong nước khoảng 52.500 tấn, phần còn lại là nguồn nhập khẩu 37.500 tấn. Giá LPG nhập khẩu trên thị trường thế giới từ ngày 1/6/2011 là 890 USD/tấn, giảm 80 USD/tấn so với tháng 5/2011. Vì vậy giá LPG thị trường trong nước cũng giảm ở mức tương ứng. 4/5 công ty kinh doanh LPG lớn làm đầu mối đã gửi đăng ký giảm giá bán lẻ về Bộ Tài chính với mức giảm giá so với tháng 5/2011 là khoảng 4%-7,7%.
Thị trường vật liệu xây dựng trong nửa đầu tháng 6 cũng ổn định. Đối với mặt hàng xi măng, theo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng, ước tổng sản lượng sản xuất đạt 653.000 tấn, giảm 132.000 tấn, mức tiêu thụ đạt 683.000 tấn, giảm 69.000 tấn so với cùng kỳ tháng trước.
Đối với mặt hàng thép xây dựng, mặc dù giá phôi thép và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm nhưng các nhà máy sản xuất kinh doanh thép vẫn giữ giá bán hiện hành và có các biện pháp hỗ trợ đại lý như tăng chiết khấu, hỗ trợ vốn, chi phí vận chuyển. Trên thị trường, giá bán lẻ thép giảm nhẹ khoảng 300-500 đồng/kg so với cùng kỳ tháng trước. Theo dự báo của Cục Quản lý giá, giá thép tại thị trường trong nước trong nửa cuối tháng 6 có xu hướng ổn định.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,333 tỷ USD tăng 30,3% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu đạt 19.573 tỷ USD tăng 32% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 3,94 triệu tấn giảm 10,5% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,38 tỷ USD); than đá đạt 8,77 triệu tấn giảm 17,4% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 803 triệu USD); xăng dầu các loại ước đạt 1,03 triệu tấn tăng 13,4% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 936 triệu USD); sản phẩm hoá chất ước đạt 282 triệu USD tăng 54,9%; sản phẩm nhựa ước đạt 615 triệu USD tăng 31,1%; hàng dệt may đạt 6,11 tỷ USD tăng 28,4%; hàng giày dép đạt 2,98 tỷ USD tăng 31%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 1,63 tỷ USD tăng 6,3%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 624 triệu USD tăng 38,7%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 1,62 tỷ USD tăng 18,8%; sắt thép đạt 849 nghìn tấn tăng 49,3% và sản phẩm thép đạt 463 triệu USD tăng 27,2% so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 48,98 tỷ USD tăng 25,8% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 21,36 tỷ USD tăng 29,4% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 6,11 triệu tấn tăng 16,5% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,48 tỷ USD); khí đốt hoá lỏng đạt 359 nghìn tấn tăng 16,9% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 334 triệu USD) ; phân bón đạt 1,73 triệu tấn tăng 22%; sắt thép các loại đạt 3,52 triệu tấn giảm 15,5% (trong đó phôi thép ước đạt 592 nghìn tấn giảm 42,2%); ôtô nguyên chiếc đạt 31.624 chiếc tăng 37,1% so với cùng kỳ nhưng giảm 9,6% so với thắng 5 năm 2011; linh kiện ôtô đạt 951 triệu USD tăng 2,8%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 36,5 nghìn chiếc giảm 18,8%; linh kiện xe máy đạt 428 triệu USD tăng 15,7%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1,21 triệu tấn tăng 10,7%; giấy các loại đạt 523 nghìn tấn tăng 16,5% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 525 triệu USD); máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 6,93 tỷ USD tăng 10,9% so cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 1,5 tỷ USD tăng 20,7% so với cùng kỳ.
3. Ước thực hiện năm 2011
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2011 tăng 9,6% so với năm 2010, trong đó, IIP của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,3%; công nghiệp chế biến tăng 13,5%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng 11,8%.
- Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu so với năm 2010 như sau:
Dầu mỏ thô khai thác ước đạt 15 triệu tấn tăng 0,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 9,4 tỷ m3 tăng 0,5%; than đá ước đạt 45,75 triệu tấn tăng 4%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 687 nghìn tấn tăng 15,5%; thủy hải sản chế biến đạt 1,55 triệu tấn tăng 9%; sữa bột đạt 63 nghìn tấn tăng 17,5%; bia các loại đạt 2,65 tỷ lít tăng 12%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo đạt 910 triệu m2 tăng 16,3%; quần áo mặc thường cho người lớn đạt 1,8 tỷ cái tăng 10,9%; giầy thể thao đạt 370 triệu đôi tăng 16,3%; sơn hóa học các loại đạt 340 nghìn tấn tăng 25,9%; xi măng đạt 65 triệu tấn tăng 15,2%; máy giặt đạt 655 nghìn cái tăng 40,5%; điện sản xuất đạt 102,9 tỷ Kwh tăng 12,3%;
Một số mặt hàng công nghiệp giảm so với năm 2010 như lốp ô tô, máy kéo giảm 4,8%; gạch xây bằng đất nung giảm 2,9%; tủ lạnh, tủ đá giảm 2%; sản xuất ô tô giảm 7,9% (trong đó sản xuất xe tải giảm 28,8%; sản xuất xe chở khách giảm 2,1%).
4. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Đề nghị thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 11/NQ-CP ; tiếp tục xúc tiến thương mại trên cơ sở đẩy mạnh mối liên danh liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất nội địa, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hàng xuất khẩu, khuyến khích sử dụng hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam, nhờ đó giảm nhập siêu. Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện việc rà soát đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện ngay việc ngừng, đình hoãn hoặc doãn tiến độ đối với các công trình, dự án đầu tư chưa cần thiết.
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
- Các Tập đoàn/ Tổng công ty thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị Quyết 11/NQ-CP thông qua việc rà soát các dự án đầu tư xấy dựng,đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch năm, xây dựng phương án thực hiện để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2011 và xây dựng kế hoạch năm 2012./.


File đính kèm:
BCCongnghiepT6.11.pdf

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1650
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)