Báo cáo của Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22/5/2011
1/ Tình hình chung:
Tháng 5 năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 74.035 tỷ đồng tăng 3,9% so với tháng 4 năm 2011 và tăng 14,2% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,2%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 17%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9% so với cùng kỳ.
Tính chung năm tháng đầu năm 2011 GTSXCN ước đạt 343.552 tỷ đồng tăng 14,2% so với cùng kỳ (cao hơn so với mức kế hoạch đề ra của cả năm là 14%), trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,2%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 17,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%. Tính theo cấp quản lý: công nghiệp trung ương tăng 5,5%, công nghiệp địa phương tăng 15,8%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%.
Năm tháng đầu năm 2011 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: than đá (than sạch) tăng 5,5%, dầu mỏ thô khai thác tăng 0,5%, khí hóa lỏng (LPG) tăng 28,8%, thuỷ hải sản chế biến tăng 9,6%, dầu thực vật tinh luyện tăng 6,2%, sữa bột tăng 11,4%, đường kính tăng 43,2%, bia tăng 7,5%, thuốc lá điếu tăng 9,3%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 15,1%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 17,9%, giày dép ủng bằng giả da cho người lớn tăng 3,8%, giày thể thao tăng 15%, giấy, bìa các loại tăng 12%, phân hóa học tăng 4,4%, sơn hoá học tăng 24,3, kính thủy tinh tăng 4,5%, gạch lát ceramic tăng 11%, xi măng tăng 13,9%, thép tròn các loại tăng 3,8%, điều hoà nhiệt độ tăng 6,3%, máy giặt tăng 30,4%, bình đun nước nóng tăng 93,2%, tivi tăng 1,6%, xe máy tăng 11,2%, điện sản xuất tăng 9,38%, nước máy thương phẩm tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ có khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 99,2% vải dệt từ sợi bông đạt 95,8%; xà phòng giặt đạt 96,9%, lốp ô tô, máy kéo đạt 90,9%, gạch xây bằng đất nung đạt 95,6%, tủ lạnh, tủ đá đạt 84,6%, ô tô đạt 95,1% (riêng xe chở khách tăng 16,4%).
Một số nhận xét về tình hình sản xuất kinh doanh công nghiệp:
- Về tăng trưởng công nghiệp 5 tháng đầu năm 2011: về tốc độ tăng trưởng đạt mức kế hoạch năm 2011, trong đó khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng cao trong GTSXCN, trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành (tuy nhiên so với 4 tháng đầu năm 2011 thì tốc độ tăng trưởng ở khu vực này đã cao hơn). Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm cả năng lượng (chủ yếu là khí hoả lỏng), các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (vải dệt từ sợi tổng hợp; thuỷ hải sản chế biến; sữa bột; đường kính; giày thể thao; giấy bìa các loại; bình đun nước nóng; máy giặt), xe chở khách.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước năm tháng đầu năm 2011 ước đạt 34,746 tỷ USD tăng 32,8% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu đạt 34 tỷ USD tăng 33,7% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 3,45 triệu giảm 2,8%; than đá đạt 6,6 triệu tấn giảm 23,8%; hàng dệt may đạt 5,1 tỷ USD tăng 35,6%; hàng giày dép đạt 2,37 tỷ USD tăng 31,8%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 1,37 tỷ USD tăng 11,1%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 525 triệu USD tăng 47,1%; dây điện và dây cáp điện đạt 479 triệu USD giảm 2,2%; sản phẩm nhựa đạt 506 triệu USD tăng 32,5%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD tăng 24,5%; sắt thép đạt 723 nghìn tấn tăng 54,3% và sản phẩm thép đạt 384 triệu USD tăng 25,9% so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 5 tháng đầu năm 2011 ước đạt 41,3 tỷ USD tăng 29,7% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 17,6 tỷ USD tăng 32,5% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 4,58 triệu tấn tăng 15,6%; phân bón đạt 1,54 triệu tấn tăng 20,7%; sắt thép các loại đạt 3 triệu tấn giảm 9,9%; bông các loại đạt 167 nghìn tấn tăng 3,7%; sợi các loại đạt 256 nghìn tấn tăng 16,4%; ôtô nguyên chiếc đạt 26,9 nghìn chiếc tăng 45,7%; linh kiện ôtô đạt 815 triệu USD tăng 6,5%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 30,6 nghìn chiếc giảm 21,1%; linh kiện xe máy đạt 358 triệu USD tăng 6,5%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1,04 triệu tấn tăng 16,1%; giấy các loại đạt 441 nghìn tấn tăng 20,5%; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 5,9 tỷ USD tăng 16,3% so cùng kỳ.
3. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã có những dấu hiệu tích cực trong việc kiềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát tháng 5 đã giảm so với tháng 4 năm 2011. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đề nghị thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 11/NQ-CP ; tiếp tục xúc tiến thương mại trên cơ sở đẩy mạnh mối liên danh liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất nội địa, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hàng xuất khẩu, khuyến khích sử dụng hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam, nhờ đó giảm nhập siêu. Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện việc rà soát đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện ngay việc ngừng, đình hoãn hoặc doãn tiến độ đối với các công trình, dự án đầu tư chưa cần thiết.
- Về lãi suất ngân hàng (cho vay đầu tư và vay ngắn hạn) tiếp tục duy trì ở mức cao (hiện trên 18%/năm và có những thời điểm lên trên 22%/năm) tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn đầu tư và kinh doanh và khó có thể duytrì mức tăng trưởng cao, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất xuống mức có thể chấp nhận được đối với các doanh nghiệp.
- Do giá các mặt hàng đầu vào như: điện, than, nguyên vật liệu nhập khẩu (phôi thép, hạt nhựa,...) nên ảnh hưởng đến giá cả đầu ra của sản phẩm công nghiệp làm tăng CPI chung của nền kinh tế, làm tăng lạm phát và gây khó khăn cho người tiêu dùng. Vì vậy, cần tiếp tục đề xuất các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư