Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/08/2010-10:35:00 AM
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2010
1. Tình hình chung:
Tháng 8 năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 69.513 tỷ đồng tăng 1,6% so với tháng 7 năm 2010 và tăng 15,2% so cùng kỳ. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,1%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 16%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8% so với cùng kỳ (trong đó Tập đoàn dầu khí tăng 2,4%, các ngành khác tăng 20,7%).
Cộng dồn 8 tháng năm 2010 GTSXCN ước đạt 504.202 tỷ đồng tăng 13,7% so với cùng kỳ (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%), trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 9%, khu vực ngoài nhà nước tăng 12,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3%.[1]
Tám tháng đầu năm 2010 nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có mức tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch ngành (12%) gồm: các sản phẩm năng lượng như điện sản xuất tăng 14,7%, khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 16,6%, khí hoá lỏng tăng 111,6% (do có thêm sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất); các sản phẩm tiêu dùng như sữa bột tăng 34,2%, bia tăng 22,1%, tủ lạnh tủ đá tăng 21,1%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 18,5%, giày thể thao tăng 24,8%, nước máy thương phẩm tăng 21,9%; vật liệu xây dựng như kính thuỷ tinh tăng 24,3%, gạch xây bằng đất nung tăng 13,7%, gạch lát ceramic tăng 16,3%, xi măng tăng 17,2%; một số sản phẩm cơ khí như ôtô tăng 19,6%, xe máy tăng 18,2%, xe tải tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hơn kế hoạch ngành gồm: thép tròn các loại tăng 2,4%; thủy hải sản chế biến tăng 11%; điều hoà nhiệt độ tăng 11%, giấy bìa các loại tăng 11,9%, xà phòng giặt các loại tăng 6,6%, lốp ôtô máy kéo tăng 10,9%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 6,2%, vải dệt từ sợi bông tăng 3,2%.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm 2009 như: dầu mỏ thô khai thác giảm 15,5%; than đá giảm 0,2%; máy giặt giảm 3,5%, bình đun nước nóng giảm 6,3%, tivi các loại giảm 1,1%; dầu thực vật tinh luyện giảm 7%; đường kính giảm 9,8%; thuốc lá điếu giảm 0,1%;.
Một số nhận xét về tăng trưởng công nghiệp 8 tháng đầu năm 2010: về tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn mức kế hoạch năm 2010, trong đó khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng cao trong GTSXCN, trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành. Về các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm cả năng lượng (chủ yếu là điện, khí đốt thiên nhiên dạng khí; khí hoả lỏng), các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (sữa bột; giày thể thao; tủ lạnh, tủ đá), vật liệu xây dựng và cơ khí ôtô (xi măng; kính thuỷ tinh; xe tải và xe chở khách). Tuy nhiên đáng lưu ý là một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp lại giảm so với cùng kỳ gồm: dầu thô khai thác (do giới hạn kỹ thuật của các mỏ), than sạch (do chủ trương không khuyến khích xuất khẩu than, có thể chấp nhận giảm sản lượng để giành cho sản xuất điện ở trong nước), thép xây dựng (do nhu cầu trong nước giảm).
2. Tình hình cụ thể một số ngành sản xuất 8 tháng đầu năm 2010:[2]
- Điện sản xuất ước thực hiện 8 tháng năm 2010 đạt 60,1 tỷ Kwh tăng 14,7% so cùng kỳ.
- Dầu thô khai thác ước đạt 9,67 triệu tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ (trong đó khai thác ở ngoài nước là 82 nghìn tấn); khí đốt thiên nhiên dạng khí khai thác ước đạt 6,16 tỷ m3 tăng 16,6%; khí hoá lỏng (LPG) ước đạt 366 nghìn tấn tăng 111,6% so cùng kỳ năm 2009.
- Than khai thác ước đạt 28,64 triệu tấn giảm 0,2% so cùng kỳ.
- Thép tròn các loại ước đạt 3 triệu tấn, tăng 2,4% so cùng kỳ.
- Xi măng ước đạt 36,8 triệu tấn, tăng 17,2% so cùng kỳ.
- Lắp ráp ôtô ước đạt 64,5 nghìn xe tăng 19,6% so cùng kỳ; xe máy ước đạt 2,25 triệu xe tăng 18,2% so cùng kỳ.
- Bia các loại ước đạt 1,57 tỷ lít tăng 22,1% so cùng kỳ.
- Phân hoá học (chưa tính NPK) ước đạt 1,73 triệu tấn tăng 6,5%.
3. Về xuất nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 8 tháng đầu năm 2010 ước đạt 44,5 tỷ USD tăng 19,7% so cùng kỳ năm 2009; đạt 73% kế hoạch năm.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô ước đạt 5,5 triệu tấn giảm 44,2%, đạt 60,4% kế hoạch năm 2010 (một phần do cung cấp cho nhu cầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất) tuy nhiên về kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỷ USD chỉ giảm 21% so cùng kỳ; than đá ước đạt 13,2 triệu tấn giảm 16,3% (một phần do lượng cung cấp cho các hộ sử dụng trong nước tăng như nhiệt điện, xi măng, phân bón, thép) về kim ngạch đạt trên 1tỷ USD tăng 29% so cùng kỳ; hàng dệt may ước đạt 6,9 tỷ USD tăng 17,8% so với cùng kỳ, đạt 65,7% kế hoạch năm; hàng giày dép ước đạt 3,2 tỷ USD tăng 18,8%; máy vi tính, sp điện tử và linh kiện ước đạt 2,17 tỷ USD tăng 30,1%; túi xách, vali, mũ và ô dù ước đạt 624 triệu USD tăng 26,6%; dây và cáp điện đạt 827 triệu USD tăng 72,3%; sản phẩm nhựa ước đạt 650 triệu USD tăng 26,5%; sắt thép và sản phẩm ước đạt 1,2 tỷ USD tăng 103,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng ước đạt 1,89 tỷ USD tăng 61,3% so cùng kỳ năm 2009.
Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2010 giá cả xuất khẩu tăng khá là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kim ngạch xuất khẩu không bị giảm nhiều trong khi khối lượng nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực (dầu thô; than đá) giảm so với cùng kỳ năm 2009. Đáng lưu ý là các mặt hàng công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo tham gia xuất khẩu đạt cao trên 1tỷ USD gồm sắt thép các loại và máy móc, thiết bị và phụ tùng.
b. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong tháng 8 năm 2010 ước đạt 6,9 tỷ USD, ước thực hiện 8 tháng năm 2010 đạt 52,67 tỷ USD tăng 24,4% so cùng kỳ năm 2009, đạt 71,2% kế hoạch năm. Về nhập siêu trong 8 tháng ước đạt 8,15 tỷ USD bằng 18,3% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (giảm so với các tháng trước).
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu trong 8 tháng năm 2010 gồm: xăng dầu các loại ước đạt 7,02 triệu tấn giảm 20,1% (do có sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đáp ứng một phần nhu cầu thị trường), đạt 60,5% kế hoạch; khí đốt hóa lỏng ước đạt 379 nghìn tấn giảm 27,8% (do có thêm sản phẩm của nhà máy Lọc dầu Dung Quất); các sản phẩm khác từ dầu mỏ ước đạt 523 triệu USD tăng 61,4%; hóa chất ước đạt 1,27 tỷ USD tăng 22,9%; sản phẩm hóa chất ước đạt 1,26 tỷ USD tăng 33,8%; giấy các loại ước đạt 609 nghìn tấn giảm 6,3%, đạt 66,7% kế hoạch; bông các loại ước đạt 241 nghìn tấn tăng 30,3%, đạt 75,3% kế hoạch; sợi các loại ước đạt 354 nghìn tấn tăng 11,7%, đạt 64,4% kế hoạch; vải các loại ước đạt 3,4 tỷ USD tăng 26,6%, đạt 75,9% kế hoạch; nguyên phụ liệu dệt may da ước đạt 1,68 tỷ USD tăng 38,8%, đạt 70,2% kế hoạch; sắt thép các loại ước đạt trên 5,32 triệu tấn giảm 12,6% (trong đó phôi thép ước đạt 1,2 triệu tấn giảm 24,9%); kim loại thường ước đạt 447 nghìn tấn tăng 35,9%; máy tính và linh kiện điện tử ước đạt hơn 3 tỷ USD tăng 31,5%; máy móc thiết bị phụ tùng ước đạt hơn 8,5 tỷ USD tăng 14,9%, đạt 57% kế hoạch; ôtô nguyên chiếc các loại ước đạt 30.935 chiếc giảm 22,8%, đạt 71,5% kế hoạch; linh kiện phụ tùng ôtô ước đạt 1,2 tỷ USD tăng 32,2%; xe máy nguyên chiếc ước đạt 59.172 chiếc giảm 21,9%; linh kiện xe máy ước đạt 487 triệu USD tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2009.
4. Giá cả một số mặt hàng:
Trong tháng 8, Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với USD lên mức 19.500 VNĐ/USD. Điều này sẽ có tác động đến việc tăng giá một số hàng hoá và nguyên liệu nhập khẩu như xăng dầu, phôi thép, hạt nhựa, giấy, phân bón, ôtô,...ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.
Giá cả một số mặt hàng vật liệu xây dựng như sau: xi măng đã giảm khoảng 35 nghìn đồng/tấn tại các tỉnh phía Bắc, và giảm tới 140 nghìn đồng/tấn tại miền Nam, do nguồn cung dồi dào và tiêu thụ khó khăn, xi măng PCB 30 có giá 1,14 triệu đồng/tấn, xi măng PCB 40 có giá khoảng 1,3 triệu đồng/tấn xi măng; cát vàng bê tông có giá khoảng 250.000 đồng/m3; giá thép cuộn phi 6-8 có giá khoảng 14.800 đồng/kg; giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng từ 190-410 đồng/lít tùy loại, trong đó, xăng không chì RON 95 có giá 16.900 đồng/lít, giá xăng RON 92 là 16.400 đồng/lít, giá dầu diezen 0,05S là 14.750 đồng/lít, giá dầu hoả là 15.100 đồng/lít, dầu mazut 3,5S có giá là 12.690 đồng/lít.
Giá phôi thép tháng 8 trên thị trường thế giới tăng khá mạnh, từ 50-90 USD/tấn so với tháng 7, đẩy giá thép thành phẩm trong nước tăng bình quân 300-500 đồng/kg so tháng 7/2010. Nhưng ngược lại, giá khí hóa lỏng LPG đã giảm khoảng 9-9,25 nghìn đồng/bình do giá trên thị trường thế giới tiếp tục đà suy giảm trong nhiều tháng nay.
Trước tình hình trên, dự báo giá thép tăng do tác động từ giá phôi trên thị trương thế giới; khí hóa lỏng có thể không giảm mà quay đầu tăng nhẹ do nhu cầu tích trữ trước mùa đông ở châu Âu./.


[1] Tính theo chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp IPP 8 tháng tăng 8,8% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,8%, công nghiệp chế biến tăng 11,6%, công nghiệp điện nước gas tăng 15,4%.
[2] Về chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp 7 tháng 2010 ước tăng 12% so với cùng kỳ, về chỉ số tồn kho tháng 8 so với tháng 7/2010 tăng 1,6% và so với cùng kỳ năm 2009 tăng 37,3% cho thấy việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp gặp khó khăn so cùng kỳ.

File đính kèm:
BCCongnghiepT8.10.pdf

Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1389
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)