1. Tình hình chung:
Tháng 03 năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 59.692 tỷ đồng tăng 17,8% so với tháng 02 năm 2010 và tăng 14% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 5,1%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 14,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,8% so với cùng kỳ (trong đó dầu khí tăng 10,7%, các ngành khác tăng 19,8%).
Cộng dồn 3 tháng đầu năm 2010 GTSXCN ước đạt 173.492 tỷ đồng tăng 13,6% so với cùng kỳ (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%), trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 7% chiếm tỷ trọng 21,9% toàn ngành, khu vực ngoài nhà nước tăng 14,6% chiếm tỷ trọng 36,3% toàn ngành, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,4% chiếm tỷ trọng 41,8% toàn ngành.
Tính theo ngành kinh tế cấp 1, 3 tháng đầu năm ngành công nghiệp khai thác tăng 1%, công nghiệp chế biến tăng 14,1%, công nghiệp điện, gas, nước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá thực tế) quý I/2010 đạt 99.462 tỷ đồng tăng 17,4% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 17,9% chiếm tỷ trọng 27,5%, khu vực ngoài nhà nước tăng 17,3% chiếm tỷ trọng 69,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,8% chiếm tỷ trọng 2,6%.
Ba tháng đầu năm nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có mức tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch ngành (12%) gồm: các sản phẩm năng lượng như điện sản xuất tăng 19,9%, khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 24,3%, khí hoá lỏng tăng 66,7% (do có thêm sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất); các sản phẩm tiêu dùng như bia tăng 15,9%, điều hoà nhiệt độ tăng 102,3%, tủ lạnh tủ đá tăng 36,8%, bình đun nước nóng tăng 16,7%, giày thể thao tăng 15,2%, giấy bìa các loại tăng 20,1%, xà phòng giặt các loại tăng 17,2%, lốp ôtô máy kéo tăng 51,6%, nước máy thương phẩm tăng 13%; vật liệu xây dựng như kính thuỷ tinh tăng 56,5%, gạch xây bằng đất nung tăng 14,7%, gạch lát ceramic tăng 35%, xi măng tăng 18,2%; sơn hoá học tăng 15,5%; một số sản phẩm cơ khí như ôtô tăng 31,2% (trong đó xe tải tăng 39,4%, xe khách tăng 26,4%), xe máy tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2009.
Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hơn kế hoạch ngành gồm: than đá tăng 10,9%; thép tròn các loại tăng 11,6%; phân hoá học tăng 9%; thủy hải sản chế biến tăng 4,1%; sữa bột tăng 11,6%, thuốc lá điếu tăng 3,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 2,4%; vải dệt từ sợi bông tăng 7,9%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 7,4%, giày dép ủng da cho người lớn tăng 6,4%, máy giặt tăng 8,8%, tivi các loại tăng 4,3%, điều hoà nhiệt độ tăng 2,3%.
Một số sản phẩm giảm so cùng kỳ gồm: dầu mỏ thô khai thác giảm 14,5%; đường kính giảm 4,9%.
Theo vùng lãnh thổ ba tháng đầu năm tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng GTSXCN cao hơn kế hoạch toàn ngành (12%) có Hà Nội tăng 12,4%, Hải Phòng tăng 15,2%; Vĩnh Phúc tăng 47,4%; Hải Dương tăng 19,8%; Phú Thọ tăng 38,7%; Quảng Ninh tăng 18,7%; Thanh Hoá tăng 14,2%; Đà Nẵng tăng 26,2% ; Tp. Hồ Chí Minh tăng 13,7%; Bình Dương tăng 20,8%; Đồng Nai tăng 18,4%, so cùng kỳ.
Một số tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng lớn đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp so với kế hoạch toàn ngành hoặc giảm so cùng kỳ gồm Khánh Hoà tăng 6,8%; Cần Thơ tăng 11,9%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 3,1% so cùng kỳ.
Một số nhận xét về tăng trưởng công nghiệp 3 tháng đầu năm 2010: về tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn mức kế hoạch năm 2010, trong đó khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao và có tốc độ tăng cao, trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành. Về các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm điện, khí, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; vật liệu xây dựng và cơ khí ôtô.
Trong tháng 3, giá bán một số mặt hàng công nghiệp như than, điện, xi măng đã có sự điều chỉnh. Giá bán xi măng trong tháng 3 năm 2010 khoảng 0,9-1,1 triệu đồng/tấn ở miền Bắc và 1,1-1,4 triệu đồng/tấn ở miền Nam, tuy nhiên cùng với việc tăng giá điện, than, xăng dầu, bao bì, dự kiến trong thời gian tới giá xi măng trên thị trường sẽ tiếp tục tăng; giá thép bán lẻ trên thị trường giữ mức 13,1 - 13,2 triệu đồng/tấn, tăng ít nhất 800 đồng/tấn, hiện nay trên thị trường thép phế liệu tăng từ 330 USD/tấn lên 355 USD/tấn vì vậy giá thép thành phẩm sẽ tăng thêm ít nhất 10% vào tháng tới; Theo công bố mới nhất từ Petrolimex (thời điểm chốt số liệu 19/3/2010), giá xăng hiện hành đang thấp hơn giá cơ sở 935 đồng/lít, diesel 0,05S là 733 đồng/lít; dầu hỏa 726 đồng/lít; madut 3,5S là 350 đồng/lít. Giá xăng hiện ở mức 17-17,5 nghìn đồng/lít, giá điện tăng 6,8% so với năm 2009, giá điện bình quân là 1.058 đồng/kWh. Cũng trong tháng 3, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) công bố tăng giá bán than cho các nhà máy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán than cám 4b chưa bao gồm VAT cho sản xuất điện của EVN giao tại các kho, bến, cảng của TKV là 648.000 đồng/tấn, tăng 47%, than cám 5 là 520.000 đồng/tấn, tăng 28%. Các loại than trước đây chưa có nhu cầu sử dụng là than cám 6a nay có giá là 450.000 đồng/tấn và than cám 6b là 395.000 đồng/tấn.
Như vậy với việc tăng giá nhiều mặt hàng công nghiệp trong thời gian vừa qua sẽ ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong quý 2.
2. Tình hình cụ thể một số ngành sản xuất trong quý I năm 2010:
- Điện sản xuất quý I năm 2010 đạt 20,7 tỷ Kwh tăng 19,9% so cùng kỳ.
- Dầu thô khai thác quý I năm 2010 đạt 3,58 triệu tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ do giới hạn kỹ thuật của các mỏ (một số mỏ mới đưa vào khai thác chưa phát huy được công suất); khí đốt thiên nhiên dạng khí khai thác quý I đạt 2,27 tỷ m3 tăng 24,3% so cùng kỳ.
- Than khai thác quý I đạt 10,7 triệu tấn tăng 10,9% so cùng kỳ.
- Thép tròn các loại quý I đạt 1,06 triệu tấn, tăng 11,6% so cùng kỳ.
- Xi măng quý Inăm 2010 đạt 12,1 triệu tấn, tăng 18,2% so cùng kỳ.
- Lắp ráp ôtô quý I đạt 18,6 nghìn xe tăng 31,2% so cùng kỳ; xe máy đạt 882 nghìn xe tăng 40,4% so cùng kỳ.
- Bia các loại quý I đạt 466,6 triệu lít tăng 15,9% so cùng kỳ.
- Phân hoá học (chưa tính NPK) quý I đạt 651,8 nghìn tấn tăng 9%.
3. Về xuất nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước trong quý I năm 2010 ước đạt 14,01 tỷ USD giảm 1,6% so cùng kỳ năm 2009.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 2,24 triệu tấn giảm 46,8%, đạt 24,7% kế hoạch năm 2010; than đá đạt 4,73 triệu tấn giảm 15,5%; hàng dệt may đạt 2,16 tỷ USD tăng 12,3%; hàng giày dép đạt 1,03 tỷ USD tăng 10,1%; máy vi tính, sp điện tử và linh kiện đạt 703 triệu USD tăng 40,9%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 181 triệu USD tăng 8,4%; dây và cáp điện đạt 292 triệu USD tăng 119,5%; sản phẩm nhựa đạt 210 triệu USD tăng 20,7%; sắt thép và sản phẩm đạt 372 triệu USD tăng 72,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 630 triệu USD tăng 66,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt 48 triệu USD chỉ bằng 1,9% so cùng kỳ.
Như vậy trong các mặt hàng công nghiệp giảm sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chủ yếu gồm dầu thô, than đá, đá quý, kim loại quý và sản phẩm.
b. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong tháng 3 năm 2010 ước đạt 6,5 tỷ USD, ước thực hiện quý I năm 2010 đạt 17,6 tỷ USD tăng 38,4% so cùng kỳ năm 2009. Nhập siêu trong quý I đạt 3,6 tỷ USD chiếm 25,6% kim ngạch xuất khẩu là mức khá cao, trong đó các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất (bông, vải, sợi, phôi thép, máy tính và linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy) có mức tăng cao thể hiện sự phục hồi và tăng trưởng của sản xuất trong nước.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu trong quý I năm 2010 gồm: xăng dầu các loại 2,67 triệu tấn giảm 14,4%; khí đốt hóa lỏng đạt 147 nghìn tấn giảm 24,6%; sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 169 triệu USD tăng 65,7%; hóa chất đạt 430 triệu USD tăng 36,5%; sản phẩm hóa chất đạt 422 triệu USD tăng 52,9%; giấy các loại đạt 213 nghìn tấn tăng 12,7%; bông các loại đạt 92 nghìn tấn tăng 162,9%; sợi các loại đạt 124 nghìn tấn tăng 24%; vải các loại đạt 955 triệu USD tăng 13,3%; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 483 triệu USD tăng 21,7%; sắt thép các loại đạt 1,65 triệu tấn tăng 16,2% (trong đó phôi thép đạt 444 nghìn tấn tăng 21%); kim loại thường đạt 149 nghìn tấn tăng 55,2%; máy tính và linh kiện điện tử đạt hơn 1 tỷ USD tăng 53%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt hơn 2,8 tỷ USD tăng 10,8%; ôtô nguyên chiếc đạt 8941 chiếc tăng 14,1%; linh kiện phụ tùng ôtô đạt 433 triệu USD tăng 119,8%; xe máy nguyên chiếc đạt 24.291 chiếc giảm 30,5%; linh kiện xe máy đạt 179 triệu USD tăng 82,7% so với cùng kỳ năm 2009.
4. Về đề xuất giải pháp, kiến nghị để thực hiện kế hoạch năm 2010:
- Chính phủ cần có các biện pháp để kiểm soát giá cả các mặt hàng có ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế như (xăng dầu, điện, than, xi măng, sắt thép), theo sát diễn biến thị trường để có những điều chỉnh phù hợp (như giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, kiểm soát giá bán tránh để các doanh nghiệp thương mại tùy tiện tăng giá) kiểm soát lạm phát, tránh ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
- Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu các cơ chế về lãi suất và tỷ giá: về điều hành lãi suất cần linh hoạt, tuy nhiên tình hình hiện nay là khá đáng lo ngại với lãi suất huy động (tối đa 10,5%/năm) và lãi suất cho vay cao (theo thỏa thuận giao động ở mức 15-18%/năm) chênh lệch cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh. Về tỷ giá USD/VND hiện cũng ở mức cao và các doanh nghiệp cần nhập khẩu gặp khó khăn trong việc huy động đủ nguồn ngoại tệ.
- Tiếp tục duy trì các biện pháp kích cầu của Chính phủ (hỗ trợ lãi suất vay vốn), thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường sắt, cảng biển) để tạo đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp.
- Các doanh nghiệp cần có các biện pháp huy động vốn đầu tư linh hoạt như vay nước ngoài, phát hành trái phiếu công trình để giảm khó khăn về vốn đầu tư hiện nay. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư các dự án trọng điểm của ngành như điện, dầu khí, thép, xi măng, hoá chất, phân bón, chế biến khoáng sản, giấy,... để tạo nguồn lực cho nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo./.
File đính kèm: BCCongnghiepT3.10.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư