1. Tình hình chung:
Tháng 07 năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) ước đạt 68.524 tỷ đồng tăng 3,6% so với tháng 6 năm 2010 và tăng 12,3% so cùng kỳ. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 6,3%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 12,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,8% so với cùng kỳ (trong đó dầu khí giảm 1,8%, các ngành khác tăng 17,8%).[1]
Cộng dồn 7 tháng đầu năm 2010 GTSXCN ước đạt 434.771 tỷ đồng tăng 13,5% so với cùng kỳ (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%),trong đó khu vực kinh tế nhà nước tăng 8,9% chiếm tỷ trọng 22,5% toàn ngành, khu vực ngoài nhà nước tăng 12,5% chiếm tỷ trọng 35,5% toàn ngành, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17% chiếm tỷ trọng 42% toàn ngành.
Bảy tháng đầu năm 2010 nhiều sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có mức tăng trưởng cao hơn mức kế hoạch ngành (12%) gồm: các sản phẩm năng lượng như điện sản xuất tăng 15%, khí đốt thiên nhiên dạng khí tăng 16,4%, khí hoá lỏng tăng 100,4% (do có thêm sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất); các sản phẩm tiêu dùng như sữa bột tăng 35%, bia tăng 21,2%, thủy hải sản chế biến tăng 13%; điều hoà nhiệt độ tăng 12,3%, tủ lạnh tủ đá tăng 19,3%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 18%, giày thể thao tăng 21,4%; giấy bìa các loại tăng 12,7%, lốp ôtô máy kéo tăng 24%, nước máy thương phẩm tăng 20%; vật liệu xây dựng như kính thuỷ tinh tăng 23,1%, gạch xây bằng đất nung tăng 13,9%, xi măng tăng 18,6%, sơn hóa học các loại tăng 12,3%; một số sản phẩm cơ khí như ôtô tăng 23,7% (xe chở khách tăng 22,4%, xe tải tăng 25,9%), xe máy tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2009.
Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hơn kế hoạch ngành gồm: than đá tăng 2,2%, xà phòng giặt các loại tăng 5,9%, gạch lát ceramic tăng 9,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 3,7%, vải dệt từ sợi bông tăng 0,8%, giày dép, ủng bằng da giả cho người lớn tăng 2%. Về sản phẩm giảm so cùng kỳ có dầu mỏ thô khai thác giảm 14,5%, bình đun nước nóng giảm 3,7%, đường kính giảm 9,9%, thép tròn các loại giảm 0,2%, máy giặt giảm 5,9%, thuốc lá điếu giảm1%, dầu thực vật tinh luyện giảm 2,8%.
Một số nhận xét về tăng trưởng công nghiệp 7 tháng đầu năm 2010: về tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn mức kế hoạch năm 2010, trong đó khu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao và có tốc độ tăng cao, khu vực ngoài nhà nước có mức tăng cao hơn kế hoạch toàn ngành (12%) nhưng thấp hơn tăng trưởng chung ngành công nghiệp (13,5%), trong khi khu vực kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành. Về các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm cả năng lượng, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vật liệu xây dựng và cơ khí ôtô.
Về giá cả các mặt hàng công nghiệp trong tháng 7 có xu hướng ổn định, riêng giá thép xây dựng có tăng khoảng 0,5 triệu đồng/tấn so với tháng trước (hiện giá thép xây dựng chưa tính thuế VAT khoảng 12-13 triệu đồng/tấn) do giá phôi thép nhập khẩu tăng khoảng 50 USD/tấn. Tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tháng 6-7/2010 gặp nhiều khó khăn do một số nhà máy nhiệt điện mới đi vào sản xuất chưa ổn định, trong khi nước tại các hồ thủy điện mới bắt đầu phục hồi chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cao do kinh tế phục hồi và thời tiết nắng nóng làm nhu cầu điện sinh hoạt tăng cao. Theo chỉ đạo của Chính phủ hiện các nhà máy điện đang tập trung huy động công suất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Về lãi suất vay vốn tín dụng thương mại hiện đã được ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất xuống mức 13-14%/năm tuy nhiên với lãi suất này thì việc vay đầu tư dài hạn vẫn là trở ngại đối với các dự án ngành công nghiệp, ngoài ra các ngân hàng thương mại cũng chưa đáp ứng được về lượng vốn cần thiết để phát triển các dự án lớn trong ngành như nguồn điện, sản xuất bột giấy, luyện cán thép, phânbón hóa chất.
2. Tình hình cụ thể một số ngành sản xuất 7 tháng đầu năm 2010:
- Điện sản xuất ước thực hiện 7 tháng năm 2010 đạt 51,6 tỷ Kwh tăng 15% so cùng kỳ. Trong tháng 7 vào mùa mưa nên các hồ thủy điện chuyển sang tích nước và phát điện ổn định hơn các tháng đầu năm, tình trạng thiếu điện sẽ giảm tuy nhiên thời tiết nắng nóng trong mùa hè sẽ làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt (điều hòa, quạt điện) nên vẫn gây áp lực lên ngành điện.
- Dầu thô khai thác 7 tháng đầu năm 2010 đạt 8,533 triệu tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ (nguyên nhân do giới hạn kỹ thuật của các mỏ đã đi vào sản xuất từ nhiều năm, trong khi các mỏ mới phát hiện có trữ lượng huy động chưa cao); khí đốt thiên nhiên dạng khí khai thác đạt 5,39 tỷ m3 tăng 16,4% so cùng kỳ.
- Than khai thác đạt 25,33 triệu tấn tăng 2,2% so cùng kỳ.
- Thép tròn các loại đạt 2,54 triệu tấn, giảm 0,2% so cùng kỳ.
- Xi măng đạt 32,1 triệu tấn, tăng 18,6% so cùng kỳ.
- Lắp ráp ôtô đạt 52,1 nghìn xe tăng 23,7% so cùng kỳ; xe máy đạt 1,95 triệu xe tăng 21,8% so cùng kỳ.
- Bia các loại đạt 1337,1 triệu lít tăng 21,2% so cùng kỳ.
- Phân hoá học (chưa tính NPK) đạt 1,55 triệu tấn tăng 8,4%.
3. Về xuất nhập khẩu:
a. Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 7 tháng đầu năm 2010 ước đạt 38,27 tỷ USD tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2009, đạt 62,7% kế hoạch năm.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 4,96 triệu tấn giảm 44,8%, đạt 54,6% kế hoạch năm 2010 (về giá trị đạt 3 tỷ USD giảm 18,8% so cùng kỳ); than đá đạt 12,05 triệu tấn giảm 14,3% (về giá trị đạt 12,05 tỷ USD tăng 18,8% so cùng kỳ); hàng dệt may đạt 5,87 tỷ USD tăng 17,4% so với cùng kỳ, đạt 55,9% kế hoạch năm; hàng giày dép đạt 2,75 tỷ USD tăng 13,8%; máy vi tính, sp điện tử và linh kiện đạt 1,82 tỷ USD tăng 29%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 535 triệu USD tăng 20,5%; dây và cáp điện đạt 708 triệu USD tăng 79,2%; sản phẩm nhựa đạt 557 triệu USD tăng 24,9%; sắt thép và sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD tăng 95,3% (một phần do xuất khẩu sản phẩm thép của nhà máy thép cán nguội Posco – Việt Nam tại Bà rịa – Vũng tàu); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 1,62 tỷ USD tăng 62,8% so cùng kỳ năm 2009.
Như vậy, trong 7 tháng đầu năm 2010 tuy sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản như dầu thô, than đá giảm so cùng kỳ, nhưng giá xuất khẩu tăng khá là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này không bị giảm nhiều; đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến đều có mức tăng khá; đặc biệt có một số sản phẩm sắt thép, cơ khí chế tạo, điện tử có mức tăng cao.
b. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước trong tháng 7 năm 2010 ước đạt 6,95 tỷ USD, ước thực hiện 7 tháng năm 2010 đạt 45,7 tỷ USD tăng 25,5% so cùng kỳ năm 2009. Như vậy nhập siêu trong 7 tháng ước đạt 7,43 tỷ USD chiếm 19,4% kim ngạch nhập khẩu, về mức nhập siêu đã giảm so với các tháng trước.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu trong 7 tháng năm 2010 gồm: xăng dầu các loại 6,15 triệu tấn giảm 21,9%; khí đốt hóa lỏng đạt 323 nghìn tấn giảm 32,3% (nguyên nhân là do nhà máy Lọc dầu Dung Quất dần đi vào ổn định sản xuất nên các sản phẩm từ nhà máy đã đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của thị truờng trong nước); các sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 440 triệu USD tăng 60%; hóa chất đạt 1,1 tỷ USD tăng 25,1%; sản phẩm hóa chất đạt gần 1,1 tỷ USD tăng 33,3%; giấy các loại đạt 533 nghìn tấn giảm 5,2%; bông các loại đạt 212 nghìn tấn tăng 43,2%; sợi các loại đạt 312 nghìn tấn tăng 12,6%; vải các loại đạt 2,98 tỷ USD tăng 25,8%; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 1,15 tỷ USD tăng 18,6%; sắt thép các loại đạt 4,71 triệu tấn giảm 5,9% (trong đó phôi thép đạt 1,06 triệu tấn giảm 24,2%); kim loại thường đạt 367 nghìn tấn tăng 31,1%; máy tính và linh kiện điện tử đạt hơn 3,03 tỷ USD tăng 55,5%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt hơn 7,35 tỷ USD tăng 14%; ôtô nguyên chiếc các loại đạt 26553 chiếc giảm 18,9%; linh kiện phụ tùng ôtô đạt 1078 triệu USD tăng 38,2%; xe máy nguyên chiếc đạt 51367 chiếc giảm 21,9%; linh kiện xe máy đạt 427 triệu USD tăng 52% so với cùng kỳ năm 2009./.
[1] Tính theo chỉ số phát triểncông nghiệp (IIP) tháng 7/2010 tăng 4,1% so với tháng 6/2010 và tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2009, tính chung 7 tháng 2010 tăng 8,7% so với cùng kỳ 2009, trong đó công nghiệp khai thác mỏ tăng 1,2%, công nghiệp chế biến tăng 11,2%, công nghiệp điện, nước, gas tăng 15,5%.
File đính kèm: BCCongnghiepT7.10.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư