Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/07/2021-16:16:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Long An

Trong tháng 7 năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn tỉnh. Với sự quyết tâm và đồng thuận của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong việc hy sinh lợi ích kinh tế nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh sớm trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Tình hình cụ thể như sau:

I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng gặp nhiều khó khăn khi thời tiết chuyển biến theo chiều hướng bất lợi cho sản xuất, vụ lúa hè thu nắng nóng kéo dài gây thiệt hại 228 ha; nhiều nông sản đến kỳ thu hoạch không có thương lái thu mua hoặc thu mua với giá thấp; dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây lúa

-Lúa hè thu 2021:Đã gieo sạ xong, diện tích gieo sạ ước đạt 220.284 ha, đạt 102,5% so với kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Đã thu hoạch 53.218 ha, giảm so với tiến độ cùng kỳ năm trước 8,7%. Nguyên nhân, diện tích thu hoạch giảm là do vụ lúa hè thu năm 2020 một số xã ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười sạ sớm nên cho thu hoạch sớm; ngoài ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá lúa trên các cánh đồng liên tục giảm, nhiều diện tích đến kỳ thu hoạch không có thương lái thu mua. Năng suất thu hoạch ước đạt 49,7 tạ/ha, tăng 1% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 264.493,5 tấn, giảm 7,7% so cùng kỳ.

Có 228 ha lúa hè thu năm 2021 giai đoạn mạ bị chết ở huyện Cần Đước (do thời tiết nắng nóng kéo dài, người nông dân không chủ động được nguồn nước tưới).

-Lúa thu đông 2021:Tính đến ngày 15/7/2021, đã gieo sạ 34.142 ha, đạt 74,9% so với kế hoạch, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Tân Hưng.

Tình hình tiêu thụ lúa:Giá lúa tươi bán tại ruộng đa số giảm so với tháng trước, cụ thể: lúa IR50404 từ 5.000 - 5.500 đồng/kg, giảm 600 - 800 đồng/kg; giá nếp từ 4.900 - 5.300 đồng/kg, giảm 400 - 500 đồng/kg; giá lúa OM 5451 từ 5.200 - 6.000 đồng/kg, giảm 400 - 600 đồng/kg; giá lúa Đài thơm 8 từ 5.900 - 6.300 đồng/kg, giảm 400 - 500 đồng/kg; riêng giá lúa ST24 từ 6.400 - 6.800 đồng/kg, tăng 300 - 400 đồng/kg.

Tình hình sâu bệnh:Trên lúa hè thu và thu đông xuất hiện một số đối tượng gây hại như: Bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 4.339 ha, tập trung trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh-đòng trổ ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An. Bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm 2.065 ha, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở huyện Tân Hưng, Bến Lức, Đức Huệ, Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An. Rầy cánh phấn diện tích nhiễm 1.783 ha, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đòng trổ ở các huyện Mộc Hóa, Đức Hòa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An. Rầy nâu diện tích nhiễm 1.176 ha, gây hại chủ yếu trên trà lúa đòng trổ tại các huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Đức Hòa.

Ngoài ra, còn có các đối tượng gây hại khác như: bệnh lem lép hạt (770 ha), bệnh đạo ôn cổ bông (377 ha), chuột (375 ha), bệnh thối bẹ (300 ha), sâu đục thân (225 ha), sâu cuốn lá nhỏ (66 ha), ngộ độc phèn (30 ha), … gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh-đòng trổ-trổ chín ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.

Một số cây hàng năm khác vụ hè thu 2020-2021:Mía diện tích gieo trồng là 62,1 ha (giảm 87,1% so cùng kỳ); sản lượng đạt 3.668,8 tấn (giảm 86,7%); Cây bắp ước trồng được 73,3 ha (giảm 26%), tập trung chủ yếu ở huyện Đức Hòa, diện tích thường không ổn định do giá đầu ra nhiều năm qua rất thấp; Cây đậu phộng ước trồng được 28,3 ha (giảm 42,8%), diện tích này cũng thường xuyên không ổn định; Khoai mỡ trồng được 2.682,3 ha (giảm 4,7%), tập trung chủ yếu ở huyện Thạnh Hóa; Rau các loại trồng được 4.964,3 ha (giảm 3,7%), diện tích rau giảm do người dân chuyển sang trồng cây lâu năm, một số diện tích quy hoạch khu công nghiệp, khu dân cư.

Một số cây lâu năm chủ yếu

-Cây thanh long:Diện tích hiện có 11.801 ha, giảm 0,2% so cùng kỳ. Diện tích trồng chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa và Tp. Tân An. Diện tích thanh long hiện nay giảm dần do một số diện tích cây đã già cho năng suất thấp và giá thanh long không ổn định nên nông dân đã phá bỏ, chuyển đổi cây trồng khác. Trong tháng, giá thanh long giảm so với tháng trước, cụ thể: giá thanh long ruột trắng từ 1.000 - 10.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ từ 2.000 - 15.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 18.000 đồng/kg.

-Cây chanh:Diện tích hiện có 10.973,1 ha, tăng 1,3% so cùng kỳ. Diện tích tăng là do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ, …) và cải tạo vườn tạp để phát triển. Trong tháng, giá chanh giảm so với tháng trước, cụ thể: giá chanh có hạt từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg; giá chanh không hạt từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

b. Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi trong tháng không thuận lợi, nhiều gia súc, gia cầm đến thời điểm cho sản phẩm nhưng không thể xuất bán hoặc bán với giá thấp, người dân phải kéo dài thời gian nuôi dẫn đến chi phí chăn nuôi tăng cao. Ngoài ra, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng:

Ước tháng 7/2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 39,5 tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ; thịt bò là 360,5 tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ; thịt lợn là 1.255,3 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ; thịt gia cầm là 3.589 tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 284,5 tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ; thịt bò là 2.962,1 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ; thịt lợn là 10.207,3 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ; thịt gia cầm là 23.463,6 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ:Trong tháng, giá gà, giá vịt, giá heo dao động so với tháng trước, cụ thể: giá gà ta (gà thả vườn) từ 65.000 - 68.000 đồng/kg, giảm 5.000 - 12.000 đồng/kg; giá gà thịt lông màu từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 18.000 đồng/kg; giá vịt hơi siêu nạc từ 35.000 - 36.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 14.000 đồng/kg; giá heo từ 6,0 - 6,5 triệu đồng/tạ, giảm 1,1 - 1,2 triệu đồng/tạ.

Tình hình dịch bệnh:Trong tháng xảy ra bệnh Viêm da nổi cục trên bò tại 02 hộ trên địa bàn xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An[1]; bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra 04 ca bệnh tại 03 hộ thuộc xã Hậu Thạnh tây, 01 hộ tại xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh, tổng số heo tiêu hủy là 68 con. Lũy kế từ đầu năm đến nay bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 15 hộ thuộc 9 xã và 01 thị trấn thuộc 06 huyện: Tân Hưng, Thủ Thừa, TP. Tân An, Tân Trụ, Mộc Hóa và Tân Thạnh với tổng số heo tiêu hủy là 234 con; dịch bệnh Cúm gia cầm không xảy ra, lũy kế từ đầu năm đến nay dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 01 hộ thuộc huyện Thạnh Hóa với tổng số con tiêu hủy là 91 con; dịch bệnh Dại không xảy ra, lũy kế từ đầu năm đến nay có 02 ca bệnh dại, có 02 trường hợp tử vong. Các bệnh dịch khác (lở mồm, long móng, tai xanh) không xảy ra dịch.

2. Lâm nghiệp

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh khó phát triển do thời gian trồng rừng khá dài, chi phí đầu tư lại tăng, một số diện tích rừng đến kỳ thu hoạch nhưng chưa thể khai thác bán do giá gỗ ở mức thấp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán để tăng độ che phủ được quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 15/7/2021, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.

Tình hình khai thác:Ước tháng 7/2021, sản lượng gỗ khai thác được 11.629,2 m3, tăng 0,5% so với cùng kỳ; củi khai thác được 21.737,8 ster, tăng 1,8%. Lũy kế 7 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác được 81.404,2 m3, tăng 0,5% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức...; Củi khai thác được 151.532,8 ster, tăng 1,4% so cùng kỳ.

3. Thủy sản

Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, giá sản phẩm cá tra thương phẩm, cá khác nuôi nước ngọt giảm; chi phí công lao động, thức ăn tăng; hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm nội địa gặp trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều diện tích đến kỳ thu hoạch còn tồn động tại ao.

-Tôm nuôi nước lợ: Ước tháng 7/2021, diện tích đã thả nuôi được 572,3 ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm sú 64,5 ha (tăng 1,3%), tôm thẻ chân trắng 507,8 ha (tăng 5,7%). Diện tích thu hoạch ước đạt 497,8 ha (tăng 14,2% so cùng kỳ), năng suất ước đạt 2,3 tấn/ha (giảm 6,2%), sản lượng ước đạt 1.168,2 tấn (tăng 7,1%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 52,2 ha (giảm 1,9%), năng suất ước đạt 2,0 tấn/ha (tăng 4,2%), sản lượng ước đạt 105 tấn (tăng 2,2%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 445,6 ha (tăng 16,4%), năng suất ước đạt 2,4 tấn/ha (giảm 7,6%), sản lượng ước đạt 1.063,3 tấn (tăng 7,6%). Lũy kế 7 tháng năm 2021, diện tích đã thả nuôi được 4.006,3 ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm sú 451,5 ha (tăng 1,3%), tôm thẻ chân trắng 3.554,8 ha (tăng 5,7%). Diện tích thu hoạch ước đạt 3.110,7 ha (tăng 1,9%), năng suất ước đạt 2,6 tấn/ha (tăng 5,1%), sản lượng ước đạt 8.177,5 tấn (tăng 7,1%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 365,2 ha (giảm 1,9%), năng suất ước đạt 2,0 tấn/ha (tăng 4,2%), sản lượng ước đạt 734,8 tấn (tăng 2,2%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 2.745,5 ha (tăng 2,5%), năng suất ước đạt 2,7 tấn/ha (tăng 5,0%), sản lượng ước đạt 7.442,7 tấn (tăng 7,6%).

- Cá tra nuôi công nghiệp:Ước tháng 7/2021, diện tích thả nuôi là 21,1 ha, tăng 40,2% so cùng kỳ.Diện tích thu hoạch ước đạt 17,6 ha (tăng 27,6%), năng suất ước đạt 164,4 tấn/ha (tăng 1,0%), sản lượng ước đạt 2.885,8 tấn (tăng 28,9% so cùng kỳ). Lũy kế 7 tháng năm 2021, diện tích thả nuôi là 147,8 ha, tăng 40,2% so cùng kỳ.Diện tích thu hoạch ước đạt 122,9 ha (tăng 27,6%), năng suất ước đạt 154,7 tấn/ha (giảm 5,0%), sản lượng ước đạt 19.000,8 tấn (tăng 21,2% so cùng kỳ).

- Tình hình tiêu thụ thủy sản: Trong tháng giá tôm thẻ chân trắng, tôm sú giảm 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm dao động: tôm thẻ cỡ 60 - 70 con/kg, giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg; cỡ 100 - 110 con/kg, giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Tôm sú: cỡ 40 - 50 con/kg, giá từ 200.000 - 240.000 đồng/kg; cỡ 70 - 80 con/kg, giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg.

- Thủy sản khai thác:Trong tháng 7/2021, thủy sản khai thác ước đạt 788 tấn, giảm 25,5% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác thủy sản biển 316,5 tấn (giảm 47 %), khai thác thủy sản nội địa 471,5 tấn (tăng 2,2%). Lũy kế 7 tháng năm 2021, khai thác đạt 4.244,4 tấn, giảm 32,5% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác thủy sản biển 2.003,4 tấn (giảm 51,5%), khai thác thủy sản nội địa 2.241,0 tấn (tăng 4,1%).

II. Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 7 năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, len lỏi vào một số khâu sản xuất của doanh nghiệp. Để tập trung vào mục tiêu phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành công văn số 6619/UBND-VHXH ngày 11/7/2021 yêu cầu các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động kể từ 00 giờ ngày 13/7/2021 để xây dựng phương án bố trí nơi ăn, nơi nghỉ cho công nhân lao động ngay tại công ty theo phương châm "3 tại chỗ - sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ". Các công ty, doanh nghiệp không đáp ứng phương châm "3 tại chỗ" thì buộc phải tạm ngưng hoạt động. Kết quả hoạt động công nghiệp dự tính tháng 7 giảm mạnh so tháng trước và so với cùng kỳ, cụ thể như sau:

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2021 giảm 10,71% so tháng trước và giảm 14,61% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,88% so tháng trước và giảm 15,47% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 8,98% so tháng trước và tăng 4,03% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,07% so tháng trước và tăng 11,03% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2021 tăng 3,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,53%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 14,20%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,66%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: ngành sản xuất trang phục 7,72%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 11,53%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 7,27%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,54%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 15,09%; sản xuất, truyền tải và phân phối điện tăng 14,20%; ngành thoát nước và xử lý nước thải tăng 15,44%.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 7/2021 tăng mạnh nhất gồm: Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp 13.494,74 nghìn m2, tăng 154,74 % so cùng kỳ; ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 22.752,84 m3, tăng 27,55% so cùng kỳ; dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước 1.198,43 triệu đồng, tăng 20,13% so cùng kỳ; dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu 4.662,76 triệu đồng, tăng 17,71% so cùng kỳ; nước uống được 5.884,99 nghìn m3, tăng 11,45% so cùng kỳ; giày, dép thể thao 2.304,42 nghìn đôi, tăng 8,24% so cùng kỳ; các loại cấu kiện nổi khác 5.668,93 triệu đồng, tăng 5,39% so cùng kỳ. Một số sản phẩm giảm trong tháng 7/2021 gồm: hạt điều khô 5.491,65 tấn, giảm 12,59% so với cùng kỳ; gạo xay xát 210.022,9 tấn, giảm 22,99% so với cùng kỳ; thức ăn gia súc 82.915,88 tấn, giảm 7,76% so với cùng kỳ; thức ăn cho thủy sản 84.975,8 tấn, giảm 5,27% so cùng kỳ; nước khoáng không ga 21.130 nghìn lít, giảm 21,85% so với cùng kỳ; túi xách 1.566,9 nghìn cái, giảm 3,12% so với cùng kỳ; sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 6.813,2 tấn, giảm 2,73% so với cùng kỳ; điốt phát sáng 80 triệu chiếc, giảm 6,02% so với cùng kỳ.

Một số sản phẩm lũy kế 7 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh gồm: hạt điều khô 39.934,53 tấn, tăng 2,08% so cùng kỳ năm trước; thức ăn gia súc 595,75 nghìn tấn (tăng 6,88%); thức ăn cho thủy sản 572,49 nghìn tấn (tăng 19,63%); vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp 96,52 triệu m2(tăng 33,4%); giày dép thể thao 20,7 triệu đôi (tăng 18,84%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 48.806,59 tấn, tăng 20,06%; điốt phát sáng 585,64 triệu chiếc, tăng 17,18%; điện mặt trời 154 triệu Kwh (tăng 396,77%). Một số sản phẩm giảm gồm: gạo xay xát 1.567,96 nghìn tấn (giảm 15,36%); nước khoáng không ga 173,4 triệu lít (giảm 4,46%); túi xách 10,0 triệu cái (giảm 24,30%); ba lô 7,68 triệu cái (giảm 47,64%).

Lũy kế đến cuối tháng 7/2021 có 41/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, gồm: 9/73 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, trong đó, bia đóng chai (tăng 28,93%); vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp (tăng 33,40%); sợi xe từ các loại sợi tự nhiên (tăng 25,34%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in (tăng 33,79%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện (tăng 48,72%); điện mặt trời (tăng 396,77%). Có 11/73 nhóm sản phẩm tăng từ 10-20%, trong đó, thức ăn cho thủy sản (tăng 19,63%); bia đóng lon (tăng 17,25%); giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic (tăng 18,84%). Có 21/73 nhóm sản phẩm tăng từ dưới 10%, trong đó, vỏ bào, dăm gỗ (tăng 9,57%); thức ăn cho gia súc (tăng 6,88%); hạt điều khô (tăng 2,08%).

Có 32/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm, gồm: 13/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, trong đó: ba lô (giảm 47,64%); Túi xách (giảm 24,30%); sợi từ bông nhân tạo (giảm 34,87%); thuốc lá có đầu lọc (giảm 25,06%); sợi từ bông nhân tạo (giảm 34,87%). Có 4/73 nhóm sản phẩm giảm từ 10- 20%, trong đó, gạo đã xay xát (giảm 15,36%); vải dệt thoi từ sợi tơ (giảm 11,75%). Có 15/41 nhóm sản phẩm dưới 10%, trong đó, sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic (giảm 9,87%); dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu (giảm 8,54%).

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 7 năm 2021 giảm 1,06% so với tháng trước và giảm 5,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,08% so tháng trước và giảm 5,77% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện bằng với tháng trước và tăng 9,07% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải bằng với tháng trước và giảm 8,72% so cùng kỳ.

Lũy kế đến cuối tháng 7 năm 2021, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 5,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,37%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,72%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 10,45%.

III. Đầu tư phát triển

Hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi giá cả nguyên vật liệu tăng cao, một số công trình, dự án phải tạm hoãn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước chậm so với kế hoạch và so với cùng kỳ.

Ước thực hiện tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tháng 7 năm 2021 đạt 309,39 tỷ đồng, giảm 28,74% so tháng trước và giảm 34,77% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 198,96 tỷ đồng, giảm 24,31% so tháng trước và giảm 36,67% so cùng kỳ; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 110,44 tỷ đồng, giảm 35,53% so tháng trước và giảm 31,05% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.747,59 tỷ đồng, bằng 39,58% so với kế hoạch và giảm 1,87% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.114,14 tỷ đồng, bằng 40,08% so với kế hoạch và giảm 4,18% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 633,44 tỷ đồng, bằng 38,72% so kế hoạch và tăng 2,48% so cùng kỳ năm trước.

IV. Thương mại, giá cả

1. Nội thương

Trong tháng 7/2021, trước sự gia tăng các ca nhiễm trong cộng đồng, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, nghiêm ngặt hơn, hầu hết các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng, doanh thu của các ngành đều có mức giảm mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm trên 14% so tháng trước và giảm gần 16% so cùng kỳ.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 năm 2021 đạt 6.209,52 tỷ đồng, giảm 14,20% so tháng trước và giảm 15,85% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 5.501,21 tỷ đồng, giảm 14,55% so tháng trước và giảm 12,81% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 356,83 tỷ đồng, giảm 13,21% so tháng trước và giảm 47,41% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 351,48 tỷ đồng, giảm 9,43% so tháng trước và giảm 10,04% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 56.522,73 tỷ đồng, tăng 12,12% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 48.205,20 tỷ đồng, tăng10,65% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.025,44 tỷ đồng, tăng 18,27% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.292,09 tỷ đồng, tăng 26,74% so cùng kỳ.

2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,94% so với tháng trước. Có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm Giao thông tăng 3,34% (giá xăng, dầu tăng 6,38% từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 26/6/2021 và ngày 12/7/2021), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,23%; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,69% (giá lương thực tăng 2,77%; thực phẩm tăng 2,96%; ăn uống ngoài gia đình giảm 1,32%), đóng góp vào mức tăng trưởng chung CPI là 0,58%; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,59% (vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,40%; giá gas tăng 7,94%, từ 378.000 đồng/bình 12 kg lên 408.000 đồng/bình 12 kg; dầu hỏa tăng 7,33% theo giá thị trường thế giới; riêng giá điện giảm 0,13%), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,12%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Có 3 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước và cùng giảm ở mức 0,01% là nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép và nhóm Giáo dục. Có 3 nhóm có chỉ số giá không đổi là nhóm Đồ uống và thuốc lá; nhóm Bưu chính viễn thông và nhóm Văn hóa, giải trí, du lịch.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 3,35% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm Giao thông tăng 8,97%; nhóm Giáo dục tăng 5,83%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 4,62%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,46%; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,35%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,29%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,73%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,26%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,10%. Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,33%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,26%.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 2,40% so với tháng trước; giảm 2,04% so với tháng 12/2020 và tăng 4,17% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 tăng 0,01% so với tháng trước; giảm 0,49% so với tháng 12/2020 và giảm 0,28% so với cùng kỳ năm 2020.

V. Vận tải, du lịch

Vận tải:Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động vận tải hành khách khi người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, khối lượng vận chuyển hành khách giảm gần 56% so tháng trước, tính chung 7 tháng đầu năm 2021 giảm trên 15% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 năm 2021 ước đạt 185,65 tỷ đồng, giảm 9,77% so tháng trước và giảm 11,48% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 14,50 tỷ đồng, giảm 64,21% so tháng trước và giảm 74,82% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 101,52 tỷ đồng, tăng 1,87% so tháng trước và tăng 0,99% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 1.039,83 ngàn lượt người, giảm 55,95% so tháng trước và giảm 67,91% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 18.695,04 ngàn lượt người.km, giảm 62,76% so tháng trước và giảm 78,80% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.233,45 ngàn tấn, tăng 0,71% so tháng trước và tăng 0,30% so cùng kỳ; luân chuyển được 87.758,21 ngàn tấn.km, tăng 1,09% so tháng trước và tăng 1,39% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.499,17 tỷ đồng, tăng 5,35% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 329,26 tỷ đồng, giảm 15,55%; vận tải hàng hóa ước đạt 721,46 tỷ đồng, tăng 5,54%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 19.146,03 ngàn lượt người, giảm 15,34% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 486.784,34 ngàn người.km, giảm 18,03%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 8.848,15 ngàn tấn, tăng 5,02% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 678.851,35 ngàn tấn.km, tăng 4,54%.

Du lịch:Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong tháng 7/2021 hầu hết các hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú trên địa bàn tỉnh đều tạm dừng để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

VI. Tài chính, tiền tệ

Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/7/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 11.786,4 tỷ đồng, bằng 75,64% dự toán và tăng 25,97% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 9.092,6 tỷ đồng, bằng 72,26% dự toán và tăng 15,66% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.027,76 tỷ đồng, bằng 68,52% dự toán và tăng 9,88% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 2.693,8 tỷ đồng, bằng 89,79% dự toán và tăng 80,12% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương là 7.432,4 tỷ đồng, bằng 53,70% dự toán tỉnh giao và giảm 8,30% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 3.440,8 tỷ đồng, bằng 79,22% dự toán và giảm 13,97% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 3.989,4 tỷ đồng, đạt 51,48% dự toán và giảm 2,80% so cùng kỳ.

Tiền tệ:Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2021 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,0%-6,0%/năm đối với tiền gửi từ 6 - dưới 12 tháng; 5,6%-6,8%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn; lãi suất cho vay phổ biến từ 5,0%-9,0%/năm đối với khoảng vay ngắn hạn và 9,0%-11,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 7/2021 ước đạt 81.025 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm và tăng 14,19% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 92.591 tỷ đồng, tăng 12,97% so với đầu năm và tăng 24,23% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 543 tỷ đồng, tăng 15,53% so với đầu năm và giảm 22,21% so với cùng thời điểm năm trước.

VII. Một số vấn đề xã hội

1.Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong tháng 7 năm 2021, công tác an sinh trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, không có hộ thiếu đói. Công tác bảo trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm. Đến nay, Long An đã có 4.627 người bán vé số, 5.325 người đang điều trị nhiễm Covid-19 và cách ly được hỗ trợ tiền ăn với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trợ cấp đột xuất cho 26 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số tiền 46 triệu đồng và trợ cấp đột xuất cho 3 trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn với số tiền 6 triệu đồng. Tổ chức thực hiện 54 cuộc truyền thông cấp huyện về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với 1.375 lượt người tham dự. Trong tháng, Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An tiếp nhận mới 26 học viên; tái hòa nhập cộng đồng 33 học viên. Hiện Cơ sở đang quản lý 631 học viên; trong đó 629 học viên bắt buộc và 2 học viên tự nguyện.

2.Giáo dục

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2021 vào ngày 07 và 08/7/2021, với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 16.507 thí sinh, có 126 thí sinh vắng thi do ảnh hưởng dịch Covid-19 không thể tham gia kỳ thi (trong đó, có 4 thí sinh F0, 4 thí sinh F1, 88 thí sinh F2, 29 thí sinh thuộc vùng phong tỏa, vùng dịch về và 01 thí sinh nghi ngờ là F1). Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ tại 38 điểm thi (2.517 người) và 16.507 thí sinh tham gia kỳ thi đã được test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2. Các điểm thi đã thực hiện tốt thông điệp "5K" của Bộ Y tế và thực hiện khai báo y tế cho mỗi buổi thi. Thời gian chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2021 được tiến hành từ ngày 09/7 đến 20/7 và công bố kết quả thi vào ngày 28/7/2021.

3.Y tế

Trong tháng 7 năm 2021, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, công tác truy vết kiểm soát dịch bệnh được tiến hành chặc chẽ nhằm phát hiện sớm các ca bệnh và đưa đi điều trị kịp thời, ngăn ngừa tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng.Tính đến ngày 24/7/2021, toàn tỉnh ghi nhận 3.695 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (3.679 ca trong cộng đồng và 16 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi cho 332 ca, có 28 ca tử vong.

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 6 năm 2021 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.206 ca (tăng 63,0% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 1.821 ca (tăng 625,5%); bệnh thủy đậu 173 ca (tăng 9,5%); bệnh lao phổi 276 ca (giảm 16,9%); bệnh cúm mùa 5.141 ca (giảm 15,7%); bệnh tiêu chảy 1.250 ca, (giảm 17,5%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2 ca chết do bệnh dại, 1 ca chết do bệnh tay chân miệng và 1 ca chết do bệnh sốt xuất huyết.

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 6 năm 2021 là 142 ca, giảm 1 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.045 nội tỉnh và 454 ca ngoại tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4.Lao động, việc làm

Trong tháng 7/2021, tỉnh đã thực hiện cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 70 lao động; thẩm định nội quy 25 doanh nghiệp. Có 2.225 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 12.499 người; trong đó xét duyệt 2.834 người, lũy kế 11.101 người; chi trợ cấp thất nghiệp 55,6 tỷ đồng, lũy kế 225,5 tỷ đồng; 9.302 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 76.774 lượt người. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 4.649 lao động, lũy kế 10.364 lao động, đạt 40,33% (93 cao đẳng, 444 trung cấp, 3.167 sơ cấp, 6.660 dạy nghề dưới 3 tháng).

5.Văn hóa - thể thao

Văn hóa: Trong tháng 7, toàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 với các hình thức treo pa nô, băng rôn, thông tin lưu động, phát hành tờ tin ảnh thời sự và bài tuyên truyền cổ động.

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cải lương, xiếc được tạm dừng để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch được hiệu quả.

Thể thao:Trong tháng 7/2021, tạm ngừng tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

6.Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường

Cháy, nổ:Trong tháng 7 năm 2021 (từ 15/6/2021 đến 14/7/2021) trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cháy, nổ.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy (giảm 3 vụ so cùng kỳ năm trước); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 1.830 triệu đồng (giảm 9.905 triệu đồng).

Bảo vệ môi trường:Trong tháng 7 năm 2021 (từ 05/6/2021 đến 04/7/2021) trên địa bàn tỉnh không phát hiện vi phạm vệ sinh môi trường.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 04/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 7 vụ so với cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 3.000 triệu đồng (giảm 971 triệu đồng).

7.Tai nạn giao thông

Trong tháng 7 năm 2021 (từ 15/6/2021 đến 14/7/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông (giảm 6 vụ so tháng trước và giảm 12 vụ so cùng kỳ); làm chết 3 người (bằng số người so tháng trước và giảm 7 người so cùng kỳ); bị thương 3 người (giảm 3 người so tháng trước và giảm 13 người so cùng kỳ).

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/7/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 78 vụ tai nạn giao thông (giảm 19 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 46 người (giảm 13 người); bị thương 45 người (giảm 16 người)./.


Cục Thống kê tỉnh Long An

  • Tổng số lượt xem: 630
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)