Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/08/2021-16:07:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Long An

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong tháng diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc liên tục tăng nhanh đã tác động nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với quyết tâm đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trước ngày 01/9/2021, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt với tinh thần "hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ tính mạng nhân dân và khôi phục phát triển sản xuất bền vững trong dài hạn". Tình hình cụ thể như sau:

I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, khâu tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, giá bán xuống thấp, công lao động khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao, người nông dân có lợi nhuận thấp hoặc bị thua lỗ.

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây lúa

-Lúa hè thu 2021:Đã gieo sạ xong, diện tích gieo sạ ước đạt 221.122 ha, đạt 102,8% so với kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (có 228 ha lúa hè thu năm 2021 giai đoạn mạ bị chết ở huyện Cần Đước do thời tiết nắng nóng kéo dài, người nông dân không chủ động được nguồn nước tưới). Tính đến ngày 15/8/2021, thu hoạch được 117.943 ha, tăng 17,2% so với tiến độ cùng kỳ năm trước. Vụ hè thu năm nay diện tích các huyện vùng Đồng Tháp Mười thu hoạch sớm hơn do vùng này xuống giống sớm, sẽ kết thúc thu hoạch vụ vào giữa tháng 9; riêng các huyện phía nam của tỉnh thu hoạch chậm hơn do nắng hạn người nông dân xuống giống trễ hơn; còn khoảng gần một 1/2 diện tích còn lại đang trong giai đoạn làm đòng, trổ (kết thúc thu hoạch vào giữa tháng 10). Năng suất thu hoạch đạt 49,5 tạ/ha, tăng 0,6% so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch đạt 583.817,9 tấn, tăng 17,9% so cùng kỳ.

-Lúa thu đông 2021:Tính đến ngày 15/8/2021, đã gieo sạ 35.507 ha, đạt 77,9% so với kế hoạch, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Tân Hưng.

Tình hình tiêu thụ lúa:Giá lúa tươi bán tại ruộng đa số giảm so với tháng trước, cụ thể: Lúa IR50404 từ 4.300 – 5.000 đồng/kg, giảm 500 - 700 đồng/kg; giá nếp từ 4.200 – 4.800 đồng/kg, giảm 500 - 700 đồng/kg; giá lúa OM 5451 từ 4.600 – 5.500 đồng/kg, giảm 500- 600 đồng/kg; Đài Thơm 8 từ 5.900 – 6.100 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; giá lúa ST24 từ 5.800 – 6.600 đồng/kg, giảm 200- 600 đồng/kg.

Tình hình sâu bệnh:Trên lúa hè thu và thu đông xuất hiện một số đối tượng gây hại như: bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm 2.650 ha, bệnh lem lép hạt (1.910 ha), bệnh đạo ôn cổ bông (1.220 ha), rầy nâu (665 ha), chuột (475 ha), sâu cuốn lá nhỏ (339 ha), bệnh đạo ôn lá (270 ha), bệnh vàng lá chín sớm (150 ha), bệnh khô vằn (25 ha),… gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ - trổ chín ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.

Diện tích một số cây hàng năm khác vụ hè thu 2020-2021:Mía gieo trồng được 61,8 ha (giảm 87,1% so cùng kỳ); Cây bắp 74,5 ha (giảm 24,8%); Cây đậu phộng 28,3 ha (giảm 42,8%); Rau các loại 5.332,1 ha (tăng 3,4%).

Một số cây lâu năm chủ yếu

-Cây thanh long:Diện tích hiện có 11.801 ha, giảm 0,2% so cùng kỳ (diện tích cho sản phẩm là 11.301,1 ha). Diện tích trồng chủ yếu ở các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa và Tp. Tân An. Diện tích thanh long hiện nay giảm dần do một số diện tích cây đã già cho năng suất thấp và giá thanh long không ổn định nên nông dân đã phá bỏ, chuyển đổi cây trồng khác. Trong tháng, giá thanh long tiếp tục giảm mạnh so với tháng trước, cụ thể: Giá thanh long ruột đỏ từ 2.000 – 5.000 đồng/kg, giảm 13.000 đồng/kg; giá thanh long ruột trắng 1.000 đồng/kg, giảm 9.000 đồng/kg.

-Cây chanh:Diện tích hiện có 10.973,1 ha, tăng 1,3% so cùng kỳ (diện tích cho sản phẩm là 10.286,2 ha). Diện tích tăng là do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ, …) và cải tạo vườn tạp để phát triển. Trong tháng, giá chanh giảm so với tháng trước, cụ thể: Giá chanh có hạt từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; giá chanh không hạt từ 2.000 – 5.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

b. Chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi trong tháng gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, gia súc, gia cầm đến thời điểm cho sản phẩm nhưng không thể xuất bán hoặc bán với giá thấp, người dân phải kéo dài thời gian nuôi dẫn đến chi phí chăn nuôi tăng cao. Một số dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.

Tại thời điểm 01/7/2021, đàn trâu có 6.027 con (giảm 19,0% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 113.034 con (giảm 1,4%), trong đó: bò sữa là 19.242 con (giảm 4,5%); đàn heo có 89.491 con (tăng 36,5%); đàn gia cầm có 8.463,42 nghìn con (giảm 4,0%), trong đó: gà là 6.948,43 nghìn con (giảm 1,0%).

Ước tháng 8/2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 48,7 tấn (giảm 1,3% so với cùng kỳ); thịt bò là 361,4 tấn (tăng 5,7%); thịt lợn là 1.379,6 tấn (tăng 4,8%); thịt gia cầm là 2.989,4 tấn (giảm 11,1%), trong đó: thịt gà là 2.369,4 tấn (giảm 2,4%). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 342,3 tấn (giảm 1,7% so với cùng kỳ); thịt bò là 3.324,4 tấn (tăng 4,5%); thịt lợn là 11.651,5 tấn (tăng 4,3%); thịt gia cầm là 26.967,5 tấn (tăng 5,6%), trong đó: thịt gà là 20.887,3 tấn (tăng 11,9%).

Tình hình tiêu thụ:Giá gà ta (gà thả vườn) từ 60.000-61.000 đồng/kg, giảm 5.000-7.000 đồng/kg so với tháng trước; giá gà thịt lông màu từ 56.000-60.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg; giá vịt hơi siêu nạc từ 34.000-35.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; giá heo từ 5,4-6,2 triệu đồng/tạ, giảm 0,3 – 0,6 triệu đồng/tạ.

Tình hình dịch bệnh:Trong tháng xảy ra bệnh Viêm da nổi cục trên bò tại 50 hộ thuộc 21 xã của 7 huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ, Thạnh Hóa và thành phố Tân An với tổng số con bệnh là 106 con, trong đó: chết và tiêu hủy 10 con. Lũy kế đến nay dịch bệnh Viêm da nổi cục đã xảy ra 52 hộ, 34 ấp, 21 xã thuộc 7 huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Đức Huệ, Thạnh Hóa và thành phố Tân An với tổng số con bệnh là 108 con, trong đó: chết và tiêu hủy 10 con. Bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 6 hộ thuộc 4 xã và 1 thị trấn của 3 huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng và Thạnh Hóa; tổng số heo tiêu hủy là 196 con. Lũy kế từ đầu năm đến nay dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 21 hộ thuộc 11 xã và 2 thị trấn thuộc 7 huyện: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và TP. Tân An, với tổng số heo tiêu hủy là 430 con. Các dịch bệnh khác (cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh) được kiểm soát, trong tháng không phát sinh ca nhiễm.

2. Lâm nghiệp

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng độ che phủ được quan tâm thực hiện. Tính đến ngày 15/7/2021, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra cháy rừng.

Tình hình khai thác:Ước tháng 8/2021, sản lượng gỗ khai thác được 11.528,3 m3, giảm 0,1% so với cùng kỳ; củi khai thác được 21.025,8 ster, giảm 1,4%. Lũy kế 8 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác được 92.831,7 m3, tăng 0,3% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức...; củi khai thác được 171.846,7 ster, tăng 0,7% so cùng kỳ.

3. Thủy sản

Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, giá tôm, cá tra thương phẩm giảm; chi phí công lao động, thức ăn tăng; hoạt động xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm nội địa gặp trở ngại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều diện tích đến kỳ thu hoạch còn tồn động tại ao.

-Tôm nuôi nước lợ: Ước tháng 8/2021, diện tích đã thả nuôi được 530,3 ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm sú 43,8 ha (tăng 10,6%), tôm thẻ chân trắng 486,5 ha (tăng 0,5%). Diện tích thu hoạch ước đạt 466,7 ha (tăng 4,0% so cùng kỳ), năng suất ước đạt 3,1 tấn/ha (giảm 0,1%), sản lượng ước đạt 1.469,3 tấn (tăng 3,9%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 45,3 ha (tăng 6,0%), năng suất ước đạt 2,2 tấn/ha (tăng 0,9%), sản lượng ước đạt 98,4 tấn (tăng 6,9%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 421,4 ha (tăng 3,8%), năng suất ước đạt 3,3 tấn/ha (giảm 0,2%), sản lượng ước đạt 1.370,9 tấn (tăng 3,7%). Lũy kế 8 tháng năm 2021, diện tích thả nuôi được 4.494,7 ha, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm sú 474,7 ha (tăng 2,9%), tôm thẻ chân trắng 4.020,0 ha (tăng 4,4%). Diện tích thu hoạch ước đạt 3.546,3 ha (tăng 0,9%), năng suất ước đạt 2,8 tấn/ha (tăng 5,1%), sản lượng ước đạt 9.947,9 tấn (tăng 6,1%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 403,7 ha (giảm 0,3%), năng suất ước đạt 2,0 tấn/ha (tăng 3,5%), sản lượng ước đạt 826,5 tấn (tăng 3,2%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 3.142,6 ha (tăng 1,1%), năng suất ước đạt 2,9 tấn/ha (tăng 5,2%), sản lượng ước đạt 9.121,3 tấn (tăng 6,4%).

- Cá tra nuôi công nghiệp:Ước tháng 8/2021, diện tích thả nuôi là 15,1 ha, giảm 28,6% so cùng kỳ.Diện tích thu hoạch ước đạt 10,6 ha (giảm 28,2%), năng suất ước đạt 231,1 tấn/ha (tăng 46,2%), sản lượng ước đạt 2.446,2 tấn (tăng 4,9%). Lũy kế 8 tháng năm 2021, diện tích thả nuôi là 156,9 ha, tăng 18,3% so cùng kỳ.Diện tích thu hoạch ước đạt 121,5 ha (tăng 8,4%), năng suất ước đạt 172,9 tấn/ha (tăng 7,1%), sản lượng ước đạt 21.007,3 tấn (tăng 16,1%).

- Tình hình tiêu thụthủy sản: Giá tôm thẻ chân trắng bình quân tháng 8 năm 2021 là 89.316 đồng/kg, giảm 5.515 đồng/kg so tháng trước và giảm 21.460 đồng/kg so cùng kỳ. Giá tôm sú loại dưới 30 con/kg, bình quân tháng là 216.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so tháng trước và giảm 37.000 đồng/kg so cùng kỳ; loại 30-40 con/kg, giá bình quân tháng là 175.000 đồng/kg, giảm 12.350 đồng/kg so tháng trước và giảm 2.059 đồng/kg so cùng kỳ. Giá cá tra loại 1kg/con trở lên, giá bình quân tháng là 18.060 đồng/kg, tăng 1.236 đồng/kg so tháng trước và giảm 1.758 đồng/kg so cùng kỳ.

- Thủy sản khai thác:Trong tháng 8/2021, thủy sản khai thác ước đạt 444,5 tấn, giảm 45,2% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác thủy sản biển 322,1 tấn (giảm 47,2%), khai thác thủy sản nội địa 122,3 tấn (giảm 38,9%). Lũy kế 8 tháng năm 2021, khai thác đạt 4.311,7 tấn, giảm 36,9% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác thủy sản biển 2.297,5 tấn (giảm 51,6%), khai thác thủy sản nội địa 2.014,2 tấn (giảm 3,7%).

II. Sản xuất công nghiệp

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khâu sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, phần lớn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch. Hiện chỉ có 967 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đảm bảo theo quy định về "3 tại chỗ" (trong đó: 576 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, 156 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và 235 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp).

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 năm 2021 giảm 0,72% so tháng trước và giảm 20,86% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,50% so tháng trước và giảm 21,94% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,39% so tháng trước và tăng 3,75% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,07% so tháng trước và tăng 4,97% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,94%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,36%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,02%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: ngành sản xuất trang phục 5,60%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,38%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,39%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 12,85%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,36%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 9,18%; ngành thoát nước và xử lý nước thải tăng 15,56%.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 8/2021 có được mức tăng trưởng tốt so cùng kỳ như: Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp đạt 15.322,37 nghìn m2(tăng 58,95%); Dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước đạt 1.204,72 triệu đồng (tăng 15,91%); Đinh, đinh mũ, ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh), đinh vít, then, đai ốc, đinh móc, đinh tán, chốt, chốt định vị, vòng đệm và các đồ tương tự bằng sắt, thép, đồng hoặc nhôm đạt 1.489,36 tấn (tăng 11,70%); Dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu đạt 5.426,26 triệu đồng (tăng 10,10%); Nước uống được đạt 5.828,89 nghìn m3(tăng 5,40%); Điện mặt trời đạt 20 triệu Kwh (tăng 5,26%). Một số sản phẩm chủ yếu khác lại có mức giảm mạnh như: túi xách chỉ đạt 974,80 nghìn cái, giảm đến 56,80% so với cùng kỳ; ba lô 108,93 nghìn cái (giảm 93,77%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in 3.682,68 triệu đồng (giảm 82,08%); Dịch vụ sản xuất sản phẩm bằng kim loại chưa được phân vào đâu 8.068,94 triệu đồng (giảm 63,13%); Sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nguội, dạng cuộn, có chiều rộng ≥ 600mm, chưa được dát phủ, mạ hoặc tráng 9.146,34 tấn (giảm 64,95%); Ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 7.355,74 m3(giảm 64,17%); Áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 319,68 nghìn cái (giảm 91,41%).

Lũy kế đến cuối tháng 8/2021 có 31/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, gồm: 4/73 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, trong đó: vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp đạt 111.828,95 nghìn m2(tăng 36,38%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện đạt 266 tấn (tăng 36,41%); tàu chở khách trọng tải > 5000 tấn đạt 220.363,75 triệu đồng (tăng 25,59%); điện mặt trời đạt 172 triệu Kwh (tăng 244%). Có 11/73 nhóm sản phẩm tăng từ 10-20%, trong đó, thức ăn cho thủy sản đạt 666,10 nghìn tấn (tăng 17,61%); bia đóng chai 1.468 nghìn lít (tăng 16,97%); bia đóng lon 9.526 nghìn lít (tăng 14,67%); sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói 40.019,76 tấn (tăng 19,07%); Sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 56.440,66 tấn (tăng 16,25%); Điốt phát sáng 669.004 nghìn chiếc (tăng 14,27%); Dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng 8.317,74 tấn (tăng 18,18%). Có 16/73 nhóm sản phẩm tăng từ dưới 10%, trong đó: vỏ bào, dăm gỗ đạt 39,75 nghìn tấn (tăng 7,70%); thức ăn cho gia súc đạt 692,55 nghìn tấn (tăng 6,98%); hạt điều khô đạt 45,49 nghìn tấn (tăng 0,81%); nước uống được 46.632,54 nghìn m3(tăng 9,18%); Áo phông (T-shirt), áo may ô và các loại áo lót khác cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 8.052 nghìn cái (tăng 0,05%); Phân khoáng hoặc phân hoá học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) 538,93 nghìn tấn (tăng 3,47%).

Có 42/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm, gồm: 14/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, trong đó: ba lô chỉ đạt 7.751,63 nghìn cái (giảm 52,80%); Túi xách 10.850,39 nghìn cái (giảm 29,93%); sợi từ bông nhân tạo 37,66 nghìn tấn (giảm 38,62%); thuốc lá có đầu lọc 60.304 nghìn bao (giảm 29,27%); Thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa 7.370 nghìn cái (giảm 36,62%). Có 4/73 nhóm sản phẩm giảm từ 10-20%, trong đó: gạo đã xay xát 1.817,72 nghìn tấn (giảm 14,42%); vải dệt thoi từ sợi tơ nhân tạo 154.019,27 nghìn m2(giảm 12,63%); Xi măng Portland đen 534,78 nghìn tấn (giảm 13,49%). Có 24/41 nhóm sản phẩm dưới 10%, trong đó: sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic 128,11 nghìn tấn (giảm 9,95%); hương cây 58.444,44 nghìn thẻ (giảm 4,18%); dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu 37,87 tỷ đồng (giảm 2,66%); nước khoáng không có ga 201.923 nghìn m3(giảm 2,45%); Bao bì đóng gói khác bằng plastic 130,45 nghìn tấn (giảm 5,81%); Bê tông trộn sẵn 471,25 nghìn m3(giảm 2,08%).

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 8 năm 2021 giảm 0,78% so với tháng trước và giảm 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,80% so tháng trước và giảm 2,05% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện bằng với tháng trước và tăng 0,08% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,17% so với tháng trước và giảm 9,55% so cùng kỳ.

Lũy kế đến cuối tháng 8 năm 2021, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 4,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,91%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,42%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 10,34%.

III. Đầu tư phát triển

Hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi các công trình, dự án phải tạm hoãn để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Ước thực hiện tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tháng 8 năm 2021 đạt 185,44 tỷ đồng, giảm 41,62% so tháng trước và giảm 65,14% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 114,85 tỷ đồng, giảm 43,14% so tháng trước và giảm 68,62% so cùng kỳ; Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 70,59 tỷ đồng, giảm 38,98% so tháng trước và giảm 57,49% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.941,28 tỷ đồng, bằng 43,96% so với kế hoạch và giảm 16,07% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.232,02 tỷ đồng, bằng 44,32% so với kế hoạch và giảm 19,41% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 709,27 tỷ đồng, bằng 43,36% so kế hoạch và giảm 9,55% so cùng kỳ năm trước.

IV. Thương mại, giá cả

1. Nội thương

Trong tháng 8/2021, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, nghiêm ngặt hơn, hầu hết các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng, doanh thu của các ngành đều có mức giảm mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm trên 15% so tháng trước và giảm gần 41% so cùng kỳ.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 năm 2021 đạt 4.519,76 tỷ đồng, giảm 15,15% so tháng trước và giảm 40,38% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 4.164,10 tỷ đồng, giảm 15,41% so tháng trước và giảm 34,43% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 297,51 tỷ đồng, giảm 7,25% so tháng trước và giảm 61,35% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 58,15 tỷ đồng, giảm 30,17% so tháng trước và giảm 87,38% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 60.159,59 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 51.790,67 tỷ đồng, tăng3,76% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.286,89 tỷ đồng, tăng 5,34% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.082,03 tỷ đồng, tăng 0,77% so cùng kỳ.

2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 4,78% so cùng kỳ. Có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,57% (giá lương thực tăng 0,61%; thực phẩm tăng 1,52%; ăn uống ngoài gia đình giảm 1,33%), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,20%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% (đồ uống không cồn tăng 0,05%; rượu bia tăng 0,01%; thuốc hút tăng 0,46% do nguồn cung giảm), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,01%; nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,19% (vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,15%; giá gas tăng 2,94%, từ 408.000 đồng/bình 12kg lên 420.000 đồng/bình 12kg; riêng giá điện giảm 0,19%; dầu hỏa giảm 2,53%, giảm theo giá thị trường thế giới và giảm giá hỗ trợ chống dịch Covid-19), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,04%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,06% (chủ yếu giá thuốc tăng 0,43% do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và địa phương thực hiện tiêm vaccine cho người dân nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng, trong đó: giá nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,70%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,46%; thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 0,10%); nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01%. Có 2/11 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm Giao thông giảm 0,18% (do giá xăng, dầu giảm 0,38% từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 27/7/2021 và ngày 11/8/2021), đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,01%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%. Có 4/11 nhóm có chỉ số giá không đổi là nhóm May mặc, mũ nón, giày dép; nhóm Bưu chính viễn thông; nhóm Giáo dục; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 3,53% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm Giao thông tăng 10,08%; nhóm Giáo dục tăng 5,83%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,42%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 4,33%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,65%; nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,48%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,64%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,28%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,12%. Nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,25%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,28%.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2021 giảm 0,70% so với tháng trước; giảm 2,72% so với tháng 12/2020 và giảm 2,49% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2021 giảm 0,43% so với tháng trước; giảm 0,92% so với tháng 12/2020 và giảm 0,96% so với cùng kỳ năm 2020.

V. Vận tải, du lịch

Vận tải:Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng 8/2021 tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, vận tải hành khách phải tạm dừng hoạt động, vận tải hàng hóa giảm đến 9,81% so tháng trước và giảm 16,36% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 năm 2021 ước đạt 155,62 tỷ đồng, giảm 12,84% so tháng trước và giảm 26,16% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách không phát sinh; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 97,47 tỷ đồng, giảm 7,28% so tháng trước và giảm 5,94% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.152,09 ngàn tấn, giảm 9,81% so tháng trước và giảm 16,36% so cùng kỳ; luân chuyển được 83.621,44 ngàn tấn.km, giảm 7,90% so tháng trước và giảm 21,88% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.647,69 tỷ đồng, tăng 0,85% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 327,90 tỷ đồng, giảm 26,04%; vận tải hàng hóa ước đạt 822,52 tỷ đồng, tăng 4,48%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 18.924,66 ngàn lượt người, giảm 26,77% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 485.243,61 ngàn người.km, giảm 28,82%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 10.044,14 ngàn tấn, tăng 2,46% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 765.506,63 ngàn tấn.km, tăng 1,21%.

Du lịch:Các hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú trên địa bàn tỉnh trong tháng 8/2021 tiếp tục tạm dừng để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

VI. Tài chính, tiền tệ

Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/8/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 12.758,79 tỷ đồng, bằng 81,88% dự toán và tăng 16,93% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 9.749,09 tỷ đồng, bằng 77,48% dự toán và tăng 6,25% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.204,43 tỷ đồng, bằng 80,30% dự toán và tăng 7,67% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.009,70 tỷ đồng, bằng 100,32% dự toán và tăng 73,43% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương là 8.240,98 tỷ đồng, bằng 59,54% dự toán tỉnh giao và giảm 11,12% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 3.695,70 tỷ đồng, bằng 85,09% dự toán và giảm 19,18% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 4.541,84 tỷ đồng, đạt 58,61% dự toán và giảm 3,37% so cùng kỳ.

Tiền tệ:Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng đầu năm 2021 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,0%-6,0%/năm đối với tiền gửi từ 6 - dưới 12 tháng; 5,6%-6,8%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; lãi suất cho vay phổ biến từ 5,0%-9,0%/năm đối với khoảng vay ngắn hạn và 9,0%-11,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 80.949 tỷ đồng, tăng 6,10% so với đầu năm và tăng 12,09% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 91.834 tỷ đồng, tăng 12,05% so với đầu năm và tăng 21,99% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 580 tỷ đồng, tăng 23,40% so với đầu năm và giảm 16,43% so với cùng thời điểm năm trước.

VII. Một số vấn đề xã hội

1.Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong tháng 8 năm 2021, tỉnh đã tập trung thực hiện công tác chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân thiếu đói. Công tác bảo trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm. Đến nay, Long An đã triễn khai hỗ trợ cho 365.343 người thuộc các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 181 tỷ đồng. Trong tháng, Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An tiếp nhận mới 8 học viên; tái hòa nhập cộng đồng 25 học viên. Hiện Cơ sở đang quản lý 614 học viên; trong đó 612 học viên bắt buộc và 2 học viên tự nguyện.

2. Giáo dục

Trong tháng, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các thí sinh chưa tốt nghiệp đã đăng kỳ thi đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, làm đơn xin được xét đặc cách công nhận tốt nghiệp. Đối với việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường phổ thông năm học 2021-2022 (kể cả các lớp chất lượng cao trong trường phổ thông) được thực hiện bằng phương thức xét tuyển. Chỉ riêng trường THPT Chuyên Long An được tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 10/9 và 11/9/2021.

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đợt 1, toàn tỉnh có 15.891 thí sinh đậu tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 99,51%. Trong đó, nhiều trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100% như: THPT Tân An, THPT Thủ Thừa, THPT Cần Đước, THPT Hùng Vương, THPT Phan Văn Đạt.

3.Y tế

Trong tháng 8 năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, công tác truy vết kiểm soát dịch bệnh được tiến hành chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các ca bệnh và đưa đi điều trị kịp thời, ngăn ngừa tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng.Tính đến ngày 29/8/2021, toàn tỉnh ghi nhận 22.131 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (22.098ca trong cộng đồng và 33 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi cho 14.266ca, có 265ca tử vong.

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 7 năm 2021 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.288 ca (tăng 10,27% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 1.825 ca (tăng 461,54%); bệnh thủy đậu 174 ca (giảm 1,69%); bệnh lao phổi 276 ca (giảm 20,0%); bệnh cúm mùa 5.542 ca (giảm 21,66%); bệnh tiêu chảy 1.301 ca (giảm 26,95%). Trong 7 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2 ca chết do bệnh dại, 1 ca chết do bệnh tay chân miệng và 1 ca chết do bệnh sốt xuất huyết.

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 7 năm 2021 là 148 ca, giảm 48 ca so với cùng kỳ. Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.049 nội tỉnh và 460 ca ngoại tỉnh. Trong 7 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4.Lao động, việc làm

Trong tháng 8/2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 17 lao động; thẩm định nội quy 9 doanh nghiệp. Có 437 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 12.936 người; trong đó xét duyệt 1.730 người, lũy kế 12.831 người; chi trợ cấp thất nghiệp 35,2 tỷ đồng, lũy kế 260,7 tỷ đồng; 11.598 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 88.372 lượt người.

5.Văn hóa - thể thao

Văn hóa: Trong tháng 8, toàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 với các hình thức treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu, thông tin lưu động, phát hành tờ tin ảnh thời sự và đưa tin, bài, tiểu phẩm tuyên truyền cổ động trên hệ thống loa phát thanh, trên các tuyến đường, tại các chợ truyền thống, các khu, cụm công nghiệp và các nơi tập trung đông dân cư (treo 750 tấm băng rôn, pa nô, khẩu hiệu và 450 cuộc xe tuyên truyền lưu động,…). Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện thu âm và ghi hình các tiểu phẩm cải lương về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch.

Thể thao:Trong tháng 8/2021, tiếp tục tạm dừng tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

6.Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường

Cháy, nổ:Trong tháng 8 năm 2021 (từ 15/7/2021 đến 14/8/2021) trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng cháy, nổ.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/8/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy (giảm 4 vụ so cùng kỳ năm trước); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 1.830 triệu đồng (giảm 24.505 triệu đồng).

Bảo vệ môi trường:Trong tháng 8 năm 2021 (từ 05/7/2021 đến 04/8/2021) trên địa bàn tỉnh không phát hiện vi phạm vệ sinh môi trường.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 04/8/2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 7 vụ so với cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 3.000 triệu đồng (giảm 971 triệu đồng).

7. Tai nạn giao thông

Trong tháng 8 năm 2021 (từ 15/7/2021 đến 14/8/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông (giảm 5 vụ so tháng trước và giảm 8 vụ so cùng kỳ); làm chết 1 người (giảm 2 người so tháng trước và giảm 7 người so cùng kỳ); không có người bị thương (giảm 3 người so tháng trước và giảm 5 người so cùng kỳ).

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/8/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông (giảm 27 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 47 người (giảm 20 người); bị thương 45 người (giảm 21 người)./.


Cục Thống kê tỉnh Long An

  • Tổng số lượt xem: 618
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)