Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/09/2021-10:51:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2021 của tỉnh Long An

Tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội của nước ta. Nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, đồng thời triển khai tiêm vắc-xin với quy mô lớn để phòng và hạn chế dịch bệnh lây lan. Tại Long An dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trong quý III/2021, số ca mắc liên tục tăng nhanh đã tác động nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát, số ca mắc giảm mạnh; các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và phát triển. Tình hình cụ thể như sau:

I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước. Sản lượng và giá cả sản phẩm một số cây trồng chủ yếu của tỉnh tăng khá. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát chặt chẽ, kịp thời. Tuy nhiên, bước sang quý III dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, khâu tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, giá bán xuống thấp, công lao động khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao, người nông dân có lợi nhuận thấp hoặc bị thua lỗ.

1. Nông nghiệp

a. Trồng trọt

Cây lúa

Tổng diện tích xuống giống 9 tháng đầu năm 2021 (gồm vụ mùa, vụ đông xuân, vụ hè thu và vụ thu đông) ước đạt 499.088 ha, tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước. Đã thu hoạch 450.186,4 ha, tăng 4,0% so cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước đạt 59,4 tạ/ha, tăng 0,2% so cùng kỳ. Năng suất tăng là do nhiều diện tích lúa gieo sạ đúng lịch thời vụ và gặp thời tiết thuận lợi không bị ảnh hưởng do hạn, mặn; mưa sớm đủ nguồn nước cho sản xuất; sâu, bệnh phát sinh ít; diện tích lúa chất lượng cao và nếp phát triển nhanh. Sản lượng thu hoạch ước đạt 2.674.112 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ.

- Lúa mùa 2020-2021:Diện tích gieo cấy đạt 1.736 ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ. Diện tích đất canh tác vụ mùa của tỉnh hiện nay chỉ còn 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc, đây là vùng ven hạ lưu sông Vàm Cỏ thường xuyên ngập mặn, nguồn nước phụ vụ sản xuất bị thiếu hụt; nhiều diện tích đất đã quy hoạch khu công nghiệp. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 1.710 ha, giảm 2,3% so với cùng kỳ. Năng suất đạt 34,4 tạ/ha, giảm 10,6% so cùng kỳ. Năng suất giảm do tình hình thời tiết không thuận lợi, mưa kết thúc sớm, xâm nhập mặn xuất hiện; một số diện tích bị sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn, chuột, chim gây hại. Sản lượng đạt 5.878 tấn, giảm 12,7% so cùng kỳ.

- Lúa đông xuân 2020-2021:Diện tích gieo cấy đạt 225.865 ha, giảm 0,6% so cùng kỳ. Diện tích giảm là do chuyển đổi diện tích đất canh tác, xây dựng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, khu dân cư, bỏ vụ không sản xuất (tránh hạn, mặn),… Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 225.865 ha, giảm 0,2% so cùng kỳ. Năng suất đạt 66,5 tạ/ha, tăng 2,2% so cùng kỳ. Năng suất thu hoạch tăng do nông dân gieo sạ đúng lịch thời vụ, gặp thời tiết thuận lợi không có hiện tượng nắng nóng, hạn mặn, nguồn nước tưới đầy đủ; sâu rầy, dịch hại được kiểm soát tốt. Sản lượng đạt 1.502.472 tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ.

-Lúa hè thu 2021:Đã gieo sạ xong, diện tích gieo sạ ước đạt 221.122, bằng 102,8% so với kế hoạch và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Đã thu hoạch 197.358 ha, tăng 6,1% so cùng kỳ. Vụ hè thu năm nay diện tích các huyện vùng Đồng Tháp Mười thu hoạch sớm, kết thúc thu hoạch vụ vào giữa tháng 9; riêng các huyện phía nam của tỉnh thu hoạch chậm hơn do nắng hạn người nông dân phải chờ nguồn nước mới xuống giống, diện tích còn lại đang trong giai đoạn trổ, thu hoạch (dự kiến kết thúc thu hoạch vào giữa tháng 10). Năng suất thu hoạch ước đạt 52,7 tạ/ha, giảm 1,1% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 1.040.000 tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ. Đã có 228 ha của huyện Cần Đước và 309 ha của huyện Cần Giuộc bị mất trắng do nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít không đủ nước tưới làm cho lúa bị chết hoặc không phát triển được.

-Lúa thu đông 2021:Tính đến thời điểm hiện tại đã gieo sạ 50.365 ha, đạt 110,4% so với kế hoạch và bằng 143,7% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Thạnh, Tân Hưng, Đức Huệ) và các huyện phía nam. Diện tích lúa thu đông của các huyện vùng Đồng Tháp Mười thường không ổn định, phụ thuộc vào tình hình ngập lũ và thời tiết. Năm nay, nước lũ về muộn và chậm nên người nông dân tranh thủ gieo sạ, diện tích tăng so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước đạt 49,8 tạ/ha, tăng 0,2% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 125.762 tấn, tăng 36,7% so cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ lúa:Vụ đông xuân 2020/2021tương đối thuận lợi, giá bán cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Giá lúa IR 50404 tăng mạnh, giá bán tại ruộng từ 5.900 - 6.900 đồng/kg, tăng 1.300 - 2.000 đồng/kg; giá lúa OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 5.800 - 6.900 đồng/kg, tăng 800 - 900 đồng/kg; ST24 từ 6.700 - 7.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; giá nếp từ 5.400 - 6.400 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg so với cùng kỳ.Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến nay, tình hình tiêu thụ lúa hè thu gặp nhiều khó khăn, do tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg; giá lúa tại ruộng giảm, giá lúa IR 50404 từ 4.200 - 5.500 đồng/kg, giảm 700 - 800 đồng/kg so với cùng kỳ; giá lúa OM các loại (OM 5451, OM 6976, OM 18) từ 4.600 - 6.000 đồng/kg, giảm 300 - 600 đồng/kg so với cùng kỳ; ST24 từ 5.800 - 6.800 đồng/kg, giảm 200 - 900 đồng/kg so với cùng kỳ; giá nếp 4.200 - 5.300 đồng/kg, giảm 700 - 800 đồng/kg so với cùng kỳ.

Tình hình sâu bệnh:Trên lúa hè thu chỉ còn một số đối tượng sinh vật gây hại như bệnh vàng lá chín sớm (50 ha), bệnh đạo ôn cổ bông (40 ha), bệnh lem lép hạt (30 ha), bệnh cháy bìa lá (20 ha),... gây hại chủ yếu trên trà lúa giai đoạn chín ở huyện Thủ Thừa. Trên lúa thu đông có ốc bươu vàng (291 ha), bệnh lem lép hạt (320 ha), bệnh đạo ôn lá (100 ha), sâu cuốn lá nhỏ (77 ha), sâu đục thân (35 ha), ngộ độc hữu cơ (12 ha),... gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh-trổ chín ở các huyện Mộc Hóa, Tân Thạnh, Bến Lức, Đức Huệ, Tân Trụ và thành phố Tân An.

Diện tích một số cây hàng năm khác:Cây mía trồng được 62,1 ha (giảm 87,1% so cùng kỳ), năng suất đạt 590,8 tạ/ha (tăng 2,7%), sản lượng đạt 3.668,8 tấn (giảm 86,7%); Cây bắp đông xuân trồng được 258,9 ha (giảm 23,7% so cùng kỳ), năng suất đạt 45,6 tạ/ha (giảm 22,0%), sản lượng đạt 1.179,6 tấn (giảm 40,5%); Cây bắp hè thu trồng được 74,5 ha (giảm 24,8% so cùng kỳ), năng suất đạt 55,8 tạ/ha (tăng 2,0%), sản lượng đạt 415,7 tấn (giảm 23,3%); Cây đậu phộng đông xuân trồng được 243,6 ha (tăng 9,0% so cùng kỳ), năng suất đạt 31,3 tạ/ha (giảm 4,5%), sản lượng đạt 761,7 tấn (tăng 4,1%); Cây đậu phộng hè thu trồng được 28,3 ha (giảm 42,8% so cùng kỳ), năng suất đạt 28,1 tạ/ha (tăng 2,2%), sản lượng đạt 79,4 tấn (giảm 41,7%); Cây mỳ (sắn) đông xuân trồng được 699,3 ha (giảm 33,4% so cùng kỳ), năng suất đạt 135,7 tạ/ha (tăng 4,8%), sản lượng đạt 9.490,9 tấn (giảm 30,2%); Cây mỳ hè thu trồng được 709,1 ha (giảm 20,5% so cùng kỳ), năng suất đạt 150,3 tạ/ha (tăng 4,5%), sản lượng đạt 10.657,3 tấn (giảm 16,9%); Rau các loại đông xuân trồng được 5.627,5 ha (giảm 1,7% so cùng kỳ), năng suất đạt 199,4 tạ/ha (tăng 2,7%), sản lượng đạt 112.228,7 tấn (tăng 0,9%); Rau các loại hè thu trồng được 5.332,1 ha (tăng 3,4% so cùng kỳ), năng suất đạt 183,2 tạ/ha (tăng 3,4%), sản lượng đạt 97.707,4 tấn (tăng 6,9%).

Một số cây lâu năm chủ yếu

-Cây thanh long:Diện tích ước tính 11.768,6 ha, giảm 0,1% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, diện tích cây thanh long không có khả năng tăng do huyện Châu thành là chủ lực đã trồng hết diện tích, các huyện còn lại ít phát triển thêm do giá thanh long năm nay không ổn định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiêu thụ thanh long gặp khó khăn, một số diện tích bà con chỉ chăm sóc cầm chừng (vụ mùa) chờ vụ xông đèn. Sản lượng thu hoạch ước đạt 244.037 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Sản lượng tăng so với cùng kỳ là do diện tích trồng thanh long đến nay phần lớn đều đã cho sản phẩm. Giá thanh long ruột trắng từ 2.000 - 10.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; giá thanh long ruột đỏ từ 3.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.

-Cây chanh:Diện tích ước tính 10.957,2 ha, tăng 3,3% so cùng thời điểm năm trước. Diện tích tăng do trong những năm gần đây trồng chanh có hiệu quả nên người dân đã chuyển đổi từ một số cây trồng không hiệu quả và cải tạo vườn tạp để phát triển. Sản lượng ước đạt 113.808 tấn, tăng 11,6% so cùng kỳ. Giá chanh có hạt từ 3.000 - 11.000 đồng/kg, giảm 3.000 - 11.000 đồng/kg so với cùng kỳ; giá chanh không hạt từ 2.000 - 14.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 9.000 đồng/kg.

Ngoài ra còn một số cây lâu năm khác như:cây xoài diện tích ước có 710,2 ha (giảm 1,5% so cùng thời điểm năm trước), sản lượng ước đạt 3.407,8 tấn (tăng 0,5% so cùng kỳ); Cây dứa (thơm) diện tích hiện có 920,6 ha (tăng 2,2%), sản lượng ước đạt 15.746 tấn (tăng 5,4%); Cây dừa diện tích ước tính 1.509,8 ha (tăng 6,2%), sản lượng ước đạt 14.549 tấn (tăng 7,4%); Cây mai diện tích ước tính 1.918 ha (tăng 1,4%), sản lượng ước đạt 593.213 cây/cành (giảm 18,8%); Cây chuối diện tích ước có 760,7 ha (tăng 9,5%), sản lượng ước đạt 7.657 tấn (tăng 16,0%).

b. Chăn nuôi

Trong 9 tháng đầu năm 2021 hoạt động chăn nuôi gia cầm và bò tương đối ổn định, sau tết người chăn nuôi heo bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021 đến nay do dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội nên lưu thông vật tư nông nghiệp (giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...) đang gặp khó khăn do đó người chăn nuôi e ngại tái đàn,sản phẩm chăn nuôi được thu mua thông qua thương lái nhưng rất hạn chế. Hiện nay, đàn heo tiêu thụ chậm, đối với đàn gia cầm quá lứa tồn đọng số lượng lớn, tiêu thụ chậm, giá bán thấp người dân thua lỗ do giá thức ăn chăn nuôi cao.

Tại thời điểm 01/7/2021, đàn trâu có 6.027 con (giảm 19,0% so cùng thời điểm năm trước); đàn bò có 113.034 con (giảm 1,4%), trong đó: bò sữa là 19.242 con (giảm 4,5%); đàn heo có 89.491 con (tăng 36,5%); đàn gia cầm có 8.463,42 nghìn con (giảm 4,0%), trong đó: gà là 6.948,43 nghìn con (giảm 1,0%).

Ước tháng 9/2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 53,3 tấn (giảm 1,3% so với cùng kỳ); thịt bò là 345,4 tấn (tăng 4,4%); thịt lợn là 1.015,0 tấn (tăng 7,3%); thịt gia cầm là 3.095,0 tấn (giảm 7,5%), trong đó: thịt gà là 2.343 tấn (giảm 5,2%); trứng gia cầm là 50,42 triệu quả (giảm 14,7%). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 405,0 tấn (giảm 1,7% so với cùng kỳ); thịt bò là 3.638,6 tấn (tăng 4,2%); thịt lợn là 12.666,5 tấn (tăng 4,5%); thịt gia cầm là 30.062,5 tấn (tăng 3,9%), trong đó: thịt gà là 23.177,5 tấn (tăng 9,2%); trứng gia cầm là 457,24 triệu quả (tăng 18,8%).

Tình hình tiêu thụ:Giá heo hơi từ 54.000 - 87.000 đồng/kg, giảm 13.000 - 17.000 đồng/kg so với cùng kỳ; giá gà thả vườn từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, tăng 22.000 đồng/kg so với cùng kỳ; giá gà công nghiệp từ 30.000 - 42.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ; giá vịt thịt từ 26.000 - 42.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ.

Tình hình dịch bệnh:Trong 9 tháng đầu năm dịch tả heo Châu phi xảy ra 25 hộ thuộc 8 huyện/thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 521 con; bệnh Viêm da nổi cục xảy ra tại 274 hộ với tổng số con bệnh là 514 con (chết và tiêu hủy 116 con); 02 trường hợp chó mắc bệnh Dại tại 02 huyện Bến Lức và Tân Hưng (đã hủy 02 con); 01 ổ dịch Cúm trên gia cầm H5N1tại huyện Thạnh Hóa.

2. Lâm nghiệp

Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng độ che phủ được quan tâm thực hiện. Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện chăm sóc, bảo vệ 22.798,2 ha rừng và trồng được 139.480 cây phân tán. Từ đầu mùa khô cho đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng không gây thiệt hại tại Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.

Tình hình khai thác:Ước tháng 9/2021, sản lượng gỗ khai thác được 9.393,3 m3, giảm 18,6% so với cùng kỳ; củi khai thác được 18.000,3 ster, giảm 15,6%. Lũy kế 9 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác được 102.225 m3, giảm 1,8% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức...; củi khai thác được 189.847 ster, giảm 1,1% so cùng kỳ.

3. Thủy sản

Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm phát triển ổn định; nuôi xen ếch - cá, nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt, nuôi cá tra thương phẩm bước đầu mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá sản phẩm giảm; chi phí công lao động, thức ăn tăng; xuất khẩu gặp khó khăn, sản phẩm tồn kho nhiều, diện tích cho sản phẩm đến kỳ thu hoạch tồn tại ao không tiêu thụ được.

Tổng sản lượng thủy sản tháng 9 năm 2021 ước đạt 6.496,2 tấn, tăng 1,6% so cùng kỳ. Bao gồm: Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 438,0 tấn, giảm 37,2% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác biển ước đạt 246,3 tấn (giảm 50,5%); sản lượng khai thác nội địa ước đạt 191,7 tấn (giảm 4,2%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa ước đạt 6.058,2 tấn, tăng 6,4% so cùng kỳ. Trong đó: tôm sú sản lượng ước đạt 93,7 tấn (tăng 1,8%); tôm thẻ chân trắng sản lượng ước đạt 1.494,5 tấn (tăng 4,0%); cá tra nuôi công nghiệp sản lượng ước đạt 1.773,5 tấn (giảm 23,9%).

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 52.146,7 tấn, giảm 1,5% so cùng kỳ. Bao gồm: Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 4.735,0 tấn, giảm 37,1% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác biển ước đạt 2.390,5 tấn (giảm 54,4%); sản lượng khai thác nội địa ước đạt 2.344,5 tấn (tăng 2,3%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng nội địa ước đạt 47.411,7 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ. Trong đó: tôm sú sản lượng ước đạt 910,8 tấn (tăng 2,0%); tôm thẻ chân trắng sản lượng ước đạt 10.558,5 tấn (tăng 6,7%); cá tra nuôi công nghiệp sản lượng ước đạt 21.435,5 tấn (tăng 4,9%).

Tình hình tiêu thụthủy sản: 6 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ tôm nước lợ thuận lợi, giá tăng so với cùng kỳ, người dân có lãi. Tuy nhiên, từ khoảng đầu tháng 7 đến nay, khi tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn; giá tôm giảm khoảng 15.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại so với cùng kỳ, đa số người dân bị lỗ, chỉ một số ít hộ nuôi có lãi ít. Tôm thẻ chân trắng: Cỡ 60 - 70 con/kg, giá từ 90.000 - 120.000 (giảm 15.000 - 30.000 đồng/kg so cùng kỳ); cỡ 100 - 110 con/kg, giá từ 60.000 - 80.000 (giảm 20.000 - 40.000 đồng/kg) và tôm sú: Cỡ 40 - 50 con/kg, giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg (giảm từ 30.000 - 70.000 đồng/kg); cỡ 70 - 80 con/kg, giá từ 90.000 - 110.000 đồng/kg (giảm 20.000 - 80.000 đồng/kg so với cùng kỳ). Giá cá tra loại 01kg/con trở lên, giá bình quân 9 tháng là 17.881 đồng/kg, giảm 2.467 đồng/kg so cùng kỳ.

II. Sản xuất công nghiệp

Những tháng đầu năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi; tốc độ tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6,16% (cùng kỳ chỉ tăng 5,93%); các chỉ số sản xuất công nghiệp và nhiều nhóm ngành công nghiệp có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong quý III/2021 do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, gây gián đoạn hoạt động sản xuất; một số doanh nghiệp duy trì hoạt động "3 tại chỗ" với chi phí tăng cao nhưng năng lực chỉ đạt từ 10-50% so với mức bình thường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2021 tăng 10,0% so tháng trước và giảm 19,55% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,32% so tháng trước và giảm 19,42% so cùng kỳ, công nghiệp điện tăng 3,41% so tháng trước và giảm 26,72% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 0,51% so tháng trước và giảm 2,65% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2021 giảm 14,68% so quý trước và giảm 19,87% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo giảm 14,24% so quý trước và giảm 20,01% so cùng kỳ, công nghiệp điện giảm 27,25% so quý trước và giảm 20,72% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải giảm 4,83% so quý trước và tăng 2,66% so cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,38% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo giảm 3,69%, công nghiệp điện tăng 2,78% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 7,11%.

Trong các ngành công nghiệp cấp 2, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước như: ngành sản xuất trang phục tăng 2,98%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,83%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,94%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 4,39%; sản xuất và phân phối điện tăng 2,78%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,20%.

Lũy kế đến cuối tháng 9/2021 có 24/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 11 nhóm sản phẩm tăng trên 10%, như: vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp đạt 124.403 nghìn m2(tăng 36,98%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện đạt 296 tấn (tăng 27,04%); điện mặt trời đạt 191 triệu Kwh (tăng 169,01%); thức ăn cho thủy sản đạt 759,32 nghìn tấn (tăng 15,71%); bia đóng chai 1.622 nghìn lít (tăng 10,12%). Có 8 nhóm sản phẩm tăng từ 5% đến 10%, như: dịch vụ sản xuất sợi quang và cáp sợi quang đạt 804,93 tỷ đồng (tăng 9,62%); sắt, thép không hợp kim dạng góc, khuôn, hình đạt 644.649 tấn (tăng 9,78%); áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc đạt 94.130,9 nghìn cái (tăng 8,17%); tủ bằng gỗ khác đạt 115,82 nghìn chiếc (tăng 7,20%); nước uống được 51.945,3 nghìn m3(tăng 7,20%); thức ăn cho gia súc 780,03 nghìn tấn (tăng 6,72%);…

Có 49/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm, trong đó: 16 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, như: ba lô chỉ đạt 8.240 nghìn cái (giảm 54,25%); Túi xách 12.740 nghìn cái (giảm 28,55%); sợi từ bông nhân tạo 42,40 nghìn tấn (giảm 41,17%); thuốc lá có đầu lọc 63.553 nghìn bao (giảm 32,61%); sản phẩm in khác 11.708,3 triệu trang (giảm 53,16%); dầu và mỡ bôi trơn 6.336,6 tấn (giảm 24,21%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 5.529,7 nghìn cái (giảm 58,86%); xi măng Portland đen 559.479 tấn (giảm 20,38%); thiết bị bán dẫn khác 1.019,95 triệu chiếc (giảm 41,08%);... Có 8 nhóm sản phẩm giảm từ 10% đến 20%, như: gạo đã xay xát 2.064,1 nghìn tấn (giảm 14,25%); vải dệt thoi từ sợi tơ nhân tạo 165.908 nghìn m2(giảm 15,57%); ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 154,59 nghìn m3(giảm 11,05%); thùng, hộp bằng bìa cứng 703,59 triệu chiếc (giảm 10,71%); sản phẩm bằng plastic còn lại chưa phân vào đâu 736,65 nghìn tấn (giảm 14,09%);... Có 25 nhóm sản phẩm giảm dưới 10%, trong đó: nước khoáng không có ga 218.015 nghìn lít (giảm 6,13%); sơn và vộc ni 186,61 nghìn tấn (giảm 6,90%); dược phẩm chứa hoóc môn nhưng không có kháng sinh dạng viên 12.248 triệu viên (giảm 4,18%); bao bì đóng gói khác bằng plastic 145,55 nghìn tấn (giảm 7,33%); gạch và gạch khối xây dựng 362,30 triệu viên (giảm 6,13%); bê tông trộn sẵn 514,42 nghìn m3(giảm 5,60%); giường bằng gỗ các loại 722,61 (giảm 1,35%); điện thương phẩm 4.598 triệu Kwh (giảm 5,27%);...

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 9 năm 2021 giảm 0,21% so với tháng trước và giảm 11,09% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,21% so tháng trước và giảm 11,24% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện bằng với tháng trước và giảm 0,51% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,34% tháng trước và giảm 9,69% so cùng kỳ.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 giảm 6,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,41%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,32%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 10,30%.

III. Hoạt động doanh nghiệp

Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, công tác thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bước sang quý III dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm giảm 16,7% so cùng kỳ, số dự án đầu tư trong và ngoài nước đều giảm. Điểm sáng trong 9 tháng đầu năm 2021 là số doanh nghiệp hoạt động trở lại và số vốn đầu tư dự án FDI tăng so với cùng kỳ; trong đó có dự án nhà máy điện LNG Long An I và II với vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD.

Đầu tư trong nước:Từ đầu năm, thành lập mới 986 doanh nghiệp (giảm 16,7% so cùng kỳ), với tổng số vốn đăng ký là 20.123 tỷ đồng (tăng 7,8%); giải thể 133 doanh nghiệp (giảm 28,8%); số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 246 doanh nghiệp (giảm 7,2%); số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 216 doanh nghiệp (tăng 55,4%). Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 105 dự án trong nước (giảm 19 dự án so cùng kỳ), với số vốn đăng ký 7.960,3 tỷ đồng (giảm 1.643,6 tỷ đồng); có 03 dự án tăng vốn 262 tỷ đồng, tổng vốn cấp mới và tăng thêm 8.222,3 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài:Trong 9 tháng đầu năm, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 41 dự án (giảm 23 dự án so cùng kỳ), tổng vốn đăng ký là 3.271,5 triệu USD (tăng 2.952,4 triệu USD); 31 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 90,9 triệu USD; tổng vốn cấp mới và tăng thêm 3.362,4 triệu USD.

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh tại 114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, trong đó: không có doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý III/2021 sẽ khả quan hơn quý II/2021; 32 doanh nghiệp (chiếm 28,07%) đánh giá là giữ ổn định và 82 doanh nghiệp (chiếm 71,93%) đánh giá là khó khăn hơn. Đánh giá tình hình sản xuất trong quý tiếp theo, có 64 doanh nghiệp (chiếm 56,14%) đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2021 sẽ khả quan hơn quý III/2021; 38 doanh nghiệp (chiếm 33,33%) đánh giá là giữ ổn định và 12 doanh nghiệp (10,53%) đánh giá là khó khăn hơn.

IV. Đầu tư phát triển

Việc áp dụng giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước dẫn đến việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh trong quý III/2021 gặp rất nhiều khó khăn bởi các biện pháp kiểm soát và hạn chế người ra vào các địa phương, gây khó khăn trong công tác điều động nhân sự của chủ đầu tư, các nhà thầu để triển khai dự án. Giá nguyên vật liệu tăng cao do công tác nhập khẩu, vận chuyển vật liệu, vật tư thiết bị cũng gặp khó khăn bởi các nhà cung cấp gặp trở ngại trong việc vận chuyển về công trường, tăng giá cước vận tải và một số nhà máy phải đóng cửa tạm thời do dịch bệnh.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện quý III năm 2021 ước đạt 3.459,26 tỷ đồng, giảm 67,47% so quý trước và giảm 71,59% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.340,66 tỷ đồng, giảm 25,8% so quý trước và giảm 46,94% so cùng kỳ; Vốn ngoài nhà nước ước đạt 1.582,06 tỷ đồng, giảm 76,19% so quý trước và giảm 78,58% so cùng kỳ; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 536,55 tỷ đồng, giảm 75,44% so quý trước và giảm 76,33% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 22.174,48 tỷ đồng, giảm 26,92% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.118,03 tỷ đồng, giảm 21,60%; Vốn ngoài nhà nước ước đạt 13.032,81 tỷ đồng, giảm 30,27%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5.023,64 tỷ đồng, giảm 21,50%.

V. Thương mại, giá cả

1.Thương mại

Tình hình thương mại dịch vụ của tỉnh trong những tháng đầu năm vẫn duy trì với mức tăng trưởng tương đối ổn định; thị trường hàng hóa dồi dào và phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Từ cuối tháng 5/2021, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Từ 08/7/2021, Tỉnh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg ban hành ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ tại 5/14 huyện, thành phố, đến ngày 19/7/2021 áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh; hiện nay toàn tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg theo Công văn số 9229/UBND-VHXH ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh. Do đó, hầu hết các hoạt động dịch vụ, thương mại không thiết yếu phải tạm ngưng hoạt động, kể cả chợ truyền thống dẫn đến doanh thu giảm mạnh, nhất là doanh thu các ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống và du lịch giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng giảm 4,19% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng đầu năm tăng trưởng khá cao, 6 tháng đầu năm xuất khẩu tăng khoảng 17% so với cùng kỳ; tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, tốc độ tăng chậm lại nhiều, đến nay kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2021 đạt 3.793,49 tỷ đồng, tăng 11,38% so tháng trước và giảm 50,07% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 3.437,17 tỷ đồng, tăng 8,52% so tháng trước và giảm 46,27% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 279,02 tỷ đồng, tăng 50,10% so tháng trước và giảm 64,49% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 77,31 tỷ đồng, tăng 46,88% so tháng trước và giảm 81,34% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III năm 2021 ước đạt 12.526,03 tỷ đồng, giảm 48,05% so quý trước và giảm 44,47% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 11.527,16 tỷ đồng, giảm 44,05% so quý trước và giảm 39,51% so cùng kỳ; dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 785,66 tỷ đồng, giảm 62,43% so quý trước và giảm 39,51% so cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 213,21 tỷ đồng, giảm 84,95% so quý trước và giảm 83,15% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 62.839,23 tỷ đồng, giảm 4,19% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 54.231,14 tỷ đồng, giảm 3,69% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.454,27 tỷ đồng, giảm 6,04% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.153,82 tỷ đồng, giảm 9,18% so cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu đến cuối tháng 9 năm 2021 ước đạt 4,650 tỷ USD, đạt 70,45% so với kế hoạch và tăng 4,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,895 tỷ USD, đạt 88,52% so với kế hoạch và tăng 29,6% so với cùng kỳ.

2. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2021 giảm 0,34% so với tháng trước và tăng 3,94% so cùng kỳ. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, trong đó: nhóm Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm nhiều nhất 1,61% (nước sinh hoạt giảm 4,37% do thực hiện chính sách điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt theo Công văn 8349/UBND-KTTC ngày 19 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh Long An làm CPI chung giảm 0,04%; giá điện giảm 8,49% do thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá điện theo Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ làm CPI chung giảm 0,29%; riêng giá gas tăng 0,59% từ 420.000 đồng/bình 12kg lên 422.500 đồng/bình 12kg và giá dầu hỏa tăng 0,22% theo thị trường thế giới), đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,34%; nhóm Giao thông giảm 0,15% (do giá xăng, dầu giảm 0,30% từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 26/8/2021 và ngày 10/9/2021), đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,01%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04%; nhóm Văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,01%. Có 3/11 nhóm có CPI tăng so với tháng trước là nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,15% (chủ yếu do vải các loại tăng 1,69%; quần áo may sẵn tăng 0,09%; mũ nón tăng 0,50%), đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,01%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Giáo dục cùng tăng 0,03%. Có 4/11 nhóm có CPI không đổi là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm Đồ uống và thuốc lá; nhóm Bưu chính viễn thông và nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III năm 2021 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng đến 18,30%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,29%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,04%; nhóm giáo dục tăng 3,86%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,38%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1,35%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,26%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,43%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng 10,94%; nhóm giáo dục tăng 5,16%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,30%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,09%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,71%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,57%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 1,60%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,28%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,30% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,18%.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2021 tăng 0,42% so với tháng trước; giảm 2,31% so với tháng 12/2020 và giảm 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2021 giảm 0,58% so với tháng trước; giảm 1,49% so với tháng 12/2020 và giảm 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý III năm 2021, chỉ số giá vàng giảm 0,10% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,97%. Bình quân 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá vàng tăng 11,04% so cùng kỳ; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,51%.

VI. Vận tải, du lịch

1.Vận tải:Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới hoạt động vận tải trong 9 tháng đầu năm 2021, trong đó vận tải hành khách chịu ảnh hưởng nặng nề khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, lượng khách vận chuyển giảm đến 28,48% so với cùng kỳ năm trước, vận tải hàng hóa chỉ tăng 0,68% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi tháng 9 năm 2021 ước đạt 177,80 tỷ đồng, tăng 18,42% so tháng trước và giảm 15,41% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 19,09 tỷ đồng, giảm 63,62% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 97,03 tỷ đồng, tăng 4,86% so tháng trước và giảm 6,62% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 1.913,26 nghìn lượt người, giảm 41,91% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 53.201,48 nghìn lượt người.km, giảm 23,88% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.159,41 nghìn tấn, tăng 3,26% so tháng trước và giảm 10,57% so cùng kỳ; luân chuyển được 93.563,99 nghìn tấn.km, tăng 1,70% so tháng trước và giảm 12,30% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý III năm 2021 ước đạt 506,50 tỷ đồng, giảm 19,22% so quý trước và giảm 19,69% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 32,23 tỷ đồng, giảm 77,56% so quý trước và giảm 80,29% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 294,68 tỷ đồng, tăng 0,62% so quý trước và giảm 4,34% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 2.731,71 nghìn lượt người, giảm 69,15% so quý trước và giảm 72,01% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 70.355,80 nghìn lượt người.km, giảm 65,88% so quý trước và giảm 71,39% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 3.559,52 nghìn tấn, giảm 0,22% so quý trước và giảm 8,82% so cùng kỳ; luân chuyển được 276.354,75 nghìn tấn.km, tăng 3,55% so quý trước và giảm 7,97% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.820,03 tỷ đồng, giảm 1,30% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách là 346,99 tỷ đồng, giảm 30,02%; vận tải hàng hóa là 914,63 tỷ đồng, tăng 2,64%. Khối lượng vận chuyển hành khách là 20.837,92 nghìn lượt người, giảm 28,48% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 538.445,09 nghìn người.km, giảm 28,36%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 11.174,22 nghìn tấn, tăng 0,68% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 867.447,89 nghìn tấn.km, tăng 0,51%.

2.Du lịch:Trong 9 tháng đầu năm 2021, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người, làng nghề, ẩm thực, đặc sản, tiềm năng thế mạnh về du lịch của Long An đến với du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đều tạm dừng hoạt động, 100% doanh nghiệp kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng lớn về doanh thu, lượt khách du lịch và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Khách du lịch đến Long An trong 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 270.000 lượt khách (không có khách quốc tế), chỉ bằng 30% so với kế hoạch và giảm 34% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 140 tỷ đồng, đạt 28% so với kế hoạch, giảm 50% so với cùng kỳ.

VII. Tài chính, tiền tệ

1.Tài chính: Công tác thu ngân sách được tập trung chỉ đạo từ đầu năm, thu 6 tháng đầu năm đạt kết quả khá tốt, tăng 31,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong quý 3/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thu ngân sách nhà nước chậm lại. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 24/9/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 13.452,2 tỷ đồng, đạt 86,33% dự toán và tăng 8,82% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 10.183,41 tỷ đồng, bằng 80,93% dự toán và giảm 0,99% (thu xổ số kiến thiết 1.204,47 tỷ đồng, bằng 80,30% dự toán và giảm 1,05% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.268,75 tỷ đồng, bằng 108,96% dự toán và tăng 57,47% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương là 9.328,4 tỷ đồng, đạt 67,40% dự toán tỉnh giao và giảm 11,85% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.081,42 tỷ đồng, đạt 93,97% dự toán và giảm 21,58%; chi thường xuyên là 5.243,44 tỷ đồng, đạt 67,66% dự toán và giảm 2,47% so cùng kỳ.

2.Tiền tệ:Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2021 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,0%-6,0%/năm đối với tiền gửi từ 6 - dưới 12 tháng; 5,6%-6,8%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; lãi suất cho vay phổ biến từ 5,0%-9,0%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 9,0%-11,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 9/2021 ước đạt 82.650 tỷ đồng, tăng 8,33% so với đầu năm và tăng 12,76% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, vốn huy động ngắn hạn đạt 59.714 tỷ đồng, tăng 8,50% so với đầu năm và tăng 12,92% so cùng thời điểm năm trước; vốn huy động dài hạn đạt 22.936 tỷ đồng, tăng 7,89% so với đầu năm và tăng 12,36% so cùng thời điểm năm trước.

Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 91.793 tỷ đồng, tăng 12,0% so với đầu năm và tăng 18,67% so cùng thời điểm năm trước. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 56.299 tỷ đồng, tăng 12,0% so với đầu năm và tăng 19,84% so cùng thời điểm năm trước; dư nợ tín dụng dài hạn đạt 35.494 tỷ đồng, tăng 12,0% so với đầu năm và tăng 16,86% so cùng thời điểm năm trước. Nợ xấu 610 tỷ đồng, tăng 29,79% so với đầu năm và giảm 20,88% so với cùng thời điểm năm trước.

VIII. Một số vấn đề xã hội

1.Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tập trung thực hiện công tác chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, không để người dân thiếu đói. Các khoản tiền lương, trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và trợ cấp cho các đối tượng chính sách được cấp phát đầy đủ, kịp thời trước Tết. Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho 42.122 đối tượng người có công với cách mạng, số tiền 7.826,3 triệu đồng; 5.529 hộ nghèo với số tiền 2.764,5 triệu đồng; 499 hộ Việt kiều Campuchia với số tiền 249,5 triệu đồng; 250 người Hội người mù, số tiền 100 triệu đồng; 440 trại viên Trung tâm Công tác xã hội Long An, số tiền 110 triệu đồng; 620 học viên Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An, số tiền 155 triệu đồng; chúc thọ người cao tuổi, số tiền 81,2 triệu đồng; 4.174 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số tiền 2.116,9 triệu đồng; hỗ trợ cho 36 trẻ em nghèo vượt khó có cơ hội đến trường với số tiền 7,2 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và quyết định số 23/2022/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 14/9/2021, tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 400.772 người thuộc các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí 262,94 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 103.098 người với số tiền 153,63 tỷ đồng.

2. Giáo dục

Tính đến 15/09/2021, tổng số cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh là 593 đơn vị, tăng 01 đơn vị so với cùng kỳ năm học trước, chia ra: Cấp học Mầm non có 218 cơ cở giáo dục (bằng với cùng kỳ năm trước); Cấp Tiểu học có 185 cơ sở giáo dục (bằng với cùng kỳ năm trước); Cấp Trung học cơ sở có 145 cơ sở giáo dục (bằng với cùng kỳ năm trước); Cấp Trung học phổ thông có 44 cơ sở giáo dục (tăng 01 đơn vị so với cùng kỳ); 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên và kỹ thuật tổng hợp.

Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 35.837 học sinh cấp học mầm non, mẫu giáo, giảm 14.952 học sinh so với năm học trước; 128.574 học sinh tiểu học (giảm 9.572 học sinh); 99.421 học sinh trung học cơ sở (tăng 945 học sinh); 47.227 học sinh trung học phổ thông (giảm 3.355 học sinh).

3.Y tế

Đến cuối tháng 9 năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh, công tác truy vết kiểm soát dịch bệnh được tiến hành chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các ca bệnh và đưa đi điều trị kịp thời, ngăn ngừa tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Tính đến 18 giờ ngày 26/9/2021, toàn tỉnh ghi nhận 32.009 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (31.976 ca trong cộng đồng và 33 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi cho 27.610 ca, có 409 ca tử vong. Toàn tỉnh thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được 1.675.698 mũi tiêm, gồm 1.429.341 mũi 1 và 246.357 mũi 2.

Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 8 năm 2021 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.325 ca (giảm 1,4% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng 1.825 ca (tăng 285,8%); bệnh thủy đậu 174 ca (giảm 11,7%); bệnh lao phổi 290 ca (giảm 21,8%); bệnh cúm mùa 5.988 ca (giảm 25,3%); bệnh tiêu chảy 1.361 ca (giảm 32,5%). Trong 8 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2 ca chết do bệnh dại, 1 ca chết do bệnh tay chân miệng và 1 ca chết do bệnh sốt xuất huyết.

Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 8 năm 2021 là 159 ca (giảm 95 ca so với cùng kỳ); 20 ca tử vong (tăng 6 ca). Số bệnh nhân còn sống đang được quản lý là 3.058 nội tỉnh và 505 ca ngoại tỉnh. Trong 8 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4.Lao động, việc làm

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa 80 lao động (Nhật Bản: 64; Đài Loan: 13, các nước khác: 03) đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài (cấp mới 739 lao động, cấp lại 65 lao động, gia hạn 31 lao động); thẩm định thỏa ước lao động tập thể 20 doanh nghiệp, nội quy 149 doanh nghiệp. Có 15.733 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó xét duyệt 15.653 người; chi trợ cấp thất nghiệp 316,9 tỷ đồng; 111 người được hỗ trợ học nghề, 106.790 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh đào tạo được 10.364 lao động (93 cao đẳng, 444 trung cấp, 3.167 sơ cấp, 6.660 dạy nghề dưới 3 tháng), đạt 47,68% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71,63%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30,54%.

5.Văn hóa - Thể thao

Văn hóa: Trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã treo 5.009 băng rôn, pano, áp phích và 1.285 cuộc tuyên truyền cổ động qua hệ thống loa truyền thanh về công tác tuyên truyền bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19. Hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc áp dụng biện pháp 5K; các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh và mức xử phạt; kế hoạch tiêm vắc xin toàn dân, hướng dẫn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe trước và sau khi tiêm; triển khai ứng dụng công nghệ số như cài đặt, sử dụng các ứng dụng Bluezone, Ncovi, Vietnam Health Declaration... đăng phát các tài liệu tuyên tuyền về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo các biện pháp an toàn cho nhân dân, ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên hầu hết các kế hoạch biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ nhiệm vụ chính trị và doanh thu đều tạm ngưng. Trong 9 tháng 2021, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ tổ chức biểu diễn vở cải lương "Thầy ba Đợi" phục vụ nhân dân tại Đình Vạn Phước, huyện Cần Đước; hỗ trợ Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức Hội thi Tiếng hát cán bộ, công chức, viên chức chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và mừng Đảng mừng Xuân Tân Sửu 2021; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện thu âm và ghi hình các tiểu phẩm cải lương về đề tài phòng, chống dịch.

Thể thao:Trong 9 tháng đầu năm 2021, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn I (năm 2020 - 2022) đạt được một số kết quả như có 5 VĐV môn bơi, điền kinh, bóng chuyền nam đang tập trung đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Seagames 31; tuyển sinh bổ sung VĐV môn Bắn cung, Đua thuyền và Bi sắt; tham dự các giải thể thao như Giải Bơi vô địch quốc gia bể 25m tại Thừa Thiên Huế, Giải Điền kinh Cúp tốc độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Vòng 1 Giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia năm 2021 đạt 5 HCV, 8 HCB, 17 HCĐ. Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục được mở rộng, thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa, lành mạnh ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 530.249 người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đạt 31,39%.

6.Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường

Cháy, nổ:Trong quý III năm 2021 (từ 15/6/2021 đến 14/9/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1 vụ cháy (giảm 1 vụ so quý trước và bằng so cùng kỳ); không có người chết và bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 2 tỷ đồng (tăng 0,97 tỷ đồng so quý trước và giảm 2,6 tỷ đồng so cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm 2021 (từ 15/12/2020 đến 14/9/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ cháy (giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm trước); không có người chết và người bị thương (bằng với cùng kỳ); tổng giá trị thiệt hại là 3,83 tỷ đồng (giảm 22,51 tỷ đồng).

Bảo vệ môi trường:Trong quý III năm 2021 (từ 05/6/2021 đến 04/9/2021) trên địa bàn tỉnh không xảy ra vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường.

Trong 9 tháng đầu năm 2021 (từ 05/12/2020 đến 04/9/2021) trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 14 vụ so cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 3 tỷ đồng (giảm 1,36 tỷ đồng).

7. Tai nạn giao thông

Trong quý III năm 2021 (từ 16/6/2021 đến 15/9/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông (giảm 27 vụ so quý trước và giảm 33 vụ so cùng kỳ); làm chết 13 người (tăng 4 người so quý trước và giảm 11 người so cùng kỳ); bị thương 4 người (giảm 11 người so quý trước và giảm 26 người so cùng kỳ).

Trong 9 tháng đầu năm 2021 (từ 16/12/2020 đến 15/9/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 80 vụ tai nạn giao thông (giảm 40 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 47 người (giảm 27 người); bị thương 46 người (giảm 29 người)./.



Cục Thống kê tỉnh Long An

  • Tổng số lượt xem: 1047
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)