Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cả nước cơ bản được kiểm soát, các tỉnh thành đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhằm mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng hành cùng cả nước thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Long An đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả trong tình hình mới, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước trở lại hoạt động bình thường, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh trong tháng có mức tăng mạnh so tháng trước; an ninh, trật tự được giữ vững. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 10/2021, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối thuận lợi khi các địa phương dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, khâu tiêu thụ cơ bản được phục hồi, giá bán nhiều sản phẩm có xu hướng tăng.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Cây lúa
- Lúa hè thu 2021: Đã gieo sạ xong, diện tích gieo sạ ước đạt 221.122 ha, đạt 102,8% so với kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (có 228 ha của huyện Cần Đước và 309 ha của huyện Cần Giuộc bị mất trắng do nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít không đủ nước tưới làm cho lúa bị chết hoặc không phát triển được). Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch ước đạt 220.585 ha, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất thu hoạch ước đạt 50,1 tạ/ha (tăng 1,8%) so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 1.105.096 tấn (tăng 2,0%).
- Lúa thu đông 2021: Tính đến thời điểm hiện tại, đã gieo sạ 56.602 ha, đạt 124,1% so với kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ (tập trung ở huyện Tân Thạnh, Đức Huệ và Tân Hưng). Năm nay, nước lũ về muộn và chậm nên người nông dân tranh thủ gieo sạ, diện tích tăng so với cùng kỳ. Năng suất thu hoạch ước đạt 49,8 tạ/ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 183.298,9 tấn, tăng 26,2% so với cùng kỳ.
- Lúa mùa 2021-2022: Đã gieo sạ 1.707 ha, tập trung ở huyện Cần Đước và huyện Cần Giuộc.
- Lúa đông xuân 2021-2022: Đã gieo sạ 38.065 ha, tập trung ở các huyện Bến Lức, Cần Đước, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Tình hình sâu bệnh: Trên lúa thu đông xuất hiện một số đối tượng gây hại như: bệnh đạo ôn lá (616 ha), ốc bươu vàng (77 ha), chuột (65 ha), bệnh đốm vằn (41 ha),... gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn mạ đẻ nhánh - trổ đòng ở các huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và thành phố Tân An.
Diện tích một số cây hàng năm khác: Cây mía trồng được 62,1 ha (giảm 87,1% so cùng kỳ), năng suất đạt 590,8 tạ/ha (tăng 2,7%), sản lượng đạt 3.668,8 tấn (giảm 86,7%); cây bắp hè thu trồng được 74,5 ha (giảm 24,8% so cùng kỳ), năng suất đạt 55,8 tạ/ha (tăng 2,0%), sản lượng đạt 415,7 tấn (giảm 23,3%); cây đậu phộng hè thu trồng được 28,3 ha (giảm 42,8% so cùng kỳ), năng suất đạt 28,1 tạ/ha (tăng 2,2%), sản lượng đạt 79,4 tấn (giảm 41,7%); cây mỳ hè thu trồng được 709,1 ha (giảm 20,5% so cùng kỳ), năng suất đạt 150,3 tạ/ha (tăng 4,5%), sản lượng đạt 10.657,3 tấn (giảm 16,9%); rau các loại hè thu trồng được 5.332,1 ha (tăng 3,4% so cùng kỳ), năng suất đạt 183,2 tạ/ha (tăng 3,4%), sản lượng đạt 97.707,4 tấn (tăng 6,9%).
Một số cây lâu năm chủ yếu
- Cây thanh long: Diện tích hiện có 11.768,6 ha, giảm 0,1% so cùng kỳ (diện tích cho sản phẩm là 11.508,3 ha). Diện tích trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, diện tích cây thanh long không có khả năng tăng do huyện Châu thành là chủ lực đã trồng hết diện tích, các huyện còn lại ít phát triển thêm do giá thanh long năm nay không ổn định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiêu thụ thanh long gặp khó khăn, một số diện tích bà con chỉ chăm sóc cầm chừng (vụ mùa) chờ vụ xông đèn.
- Cây chanh: Diện tích hiện có 10.957,2 ha, tăng 3,3% so cùng kỳ (diện tích cho sản phẩm là 10.288 ha). Diện tích tăng là do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ,…) và cải tạo vườn tạp để phát triển.
Tình hình tiêu thụ
Giá một số sản phẩm cây trồng bình quân tháng 10 năm 2021 so với tháng 9 năm 2021 như sau: Lúa hè thu loại thường là 6.138 đồng/kg, lúa hè thu loại đặc sản có giá 6.748 đồng/kg, lúa vụ thu đông có giá 6.357 đồng/kg cả 3 loại không có dao động so với tháng trước; nếp có giá 5.545 đồng/kg (tăng 217 đồng/kg); cây bắp (ngô) có giá 7.000 đồng/kg bằng với tháng trước, thanh long ruột đỏ có giá 10.914 đồng/kg (tăng 6.335 đồng/kg), thanh long ruột trắng có giá 6.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg), chanh không hạt có giá 3.807 đồng/kg (giảm 2.880 đồng/kg),...
b. Chăn nuôi
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, giá bán các sản phẩm xuống thấp do số lượng vật nuôi đến thời điểm xuất chuồng khá lớn trong khi sức tiêu thụ của người dân còn hạn chế.
Ước tháng 10 năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 44,0 tấn (giảm 1,1% so với cùng kỳ); thịt bò là 376,9 tấn (tăng 6,7%); thịt lợn là 1.521,3 tấn (tăng 5,7%); thịt gia cầm là 3.042 tấn (tăng 2,7%), trong đó: thịt gà là 2.395,8 tấn (tăng 0,5%). Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 449 tấn (giảm 1,6% so với cùng kỳ); thịt bò là 4.015,5 tấn (tăng 4,5%); thịt lợn là 14.187,8 tấn (tăng 4,6%); thịt gia cầm là 33.104,5 tấn (tăng 3,8%), trong đó: thịt gà là 25.573,3 tấn (tăng 8,3%).
Tình hình tiêu thụ
Giá sản phẩm chăn nuôi bình quân tháng 10 năm 2021 so với tháng 9 năm 2021 dao động như sau: Giá thịt trâu hơi 79.294 đồng/kg (giảm 321 đồng/kg), thịt bò hơi 106.378 đồng/kg (giảm 490 đồng/kg), thịt lợn hơi 52.844 đồng/kg (giảm 5.164 đồng/kg), gà ta thịt hơi 72.121 đồng/kg (giảm 1.021 đồng/kg), thịt vịt hơi 43.234 đồng/kg (tăng 1.112 đồng/kg).
Tình hình dịch bệnh: Lũy kế đầu năm đến nay bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 41 hộ thuộc 9 huyện/thành phố: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước và Tp.Tân An với tổng số heo tiêu hủy là 1.061 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 368 hộ thuộc 12 huyện/thành phố: Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Tp.Tân An với tổng số vật nuôi bệnh là 687 con (chết, tiêu hủy 184 con). Bệnh dại trên động vật xảy ra 2 ổ dịch thuộc 2 huyện Bến Lức và Tân Hưng với tổng số con tiêu hủy là 2 con và 1 ổ dịch cúm trên gia cầm thuộc huyện Thạnh Hóa với tổng số con tiêu hủy là 91 con.
2. Lâm nghiệp
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng cây phân tán tăng độ che phủ được quan tâm thực hiện. Từ đầu mùa khô cho đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng không gây thiệt hại tại Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.
Tình hình khai thác: Ước tháng 10/2021, sản lượng gỗ khai thác được 9.393,3 m3, giảm 18,6% so với cùng kỳ; củi khai thác được 18.000,3 ster, giảm 15,6%. Lũy kế 10 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác được 114.465 m3, giảm 1,0% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Đức Huệ) và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức... Củi khai thác được 211.531,3 ster, giảm 0,8% so cùng kỳ.
3. Thủy sản
Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã quay lại hoạt động, một số diện tích tồn động tại ao trong thời gian giãn cách xã hội đang được thu hoạch, giá cả các sản phẩm có xu hướng tăng trở lại.
- Tôm nuôi nước lợ: Ước cuối tháng 10/2021, diện tích đã thả nuôi được 5.550,7 ha, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm sú 557,7 ha, tôm thẻ chân trắng 4.993 ha. Diện tích tăng do 6 tháng cuối năm nay điều kiện thuận lợi, đủ nguồn nước nên thả nuôi nhiều hơn so với cùng kỳ, ngoài ra các huyện vùng Đồng Tháp Mười phát triển nuôi tôm thẻ nước ngọt tăng nhanh. Diện tích thu hoạch ước đạt 4.479 ha, tăng 1,6% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 3,1 tấn/ha (tăng 4,3%), sản lượng ước đạt 12.921,3 tấn (tăng 5,9%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 493,7 ha, năng suất ước đạt 2,1 tấn/ha, sản lượng ước đạt 1.013,8 tấn; tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 3.985,5 ha, năng suất ước đạt 3,0 tấn/ha, sản lượng ước đạt 11.907,5 tấn.
- Cá tra nuôi công nghiệp: Ước tháng 10/2021, diện tích thả nuôi 20,5 ha, giảm 2,8% so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 157 tấn/ha (giảm 0,7%), sản lượng ước đạt 2.355 tấn (tăng 1%). Lũy kế 10 tháng năm 2021 diện tích nuôi 192,4 ha, tăng 12,9% so với cùng kỳ, năng suất ước đạt 156,43 tấn/ha (giảm 2,0%), sản lượng ước đạt 23.790,5 tấn (tăng 3,5%). Hiện nay, có 07 doanh nghiệp tư nhân đầu tư nuôi cá tra công nghiệp.
- Tình hình tiêu thụ thủy sản: Giá một số thủy sản bình quân tháng 10/2021 so với tháng 9/2021 dao động như sau :
+ Tôm sú: Loại 30 con/kg có giá 186.001 đồng/kg (tăng 4.451 đồng/kg), loại 40 con/kg có giá 153.262 đồng/kg (giảm 274 đồng/kg), loại từ 40 con/kg trở lên có giá 137.577 đồng/kg (giảm 203 đồng/kg).
+ Tôm thẻ chân trắng: Loại 110 con/kg có giá 85.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg), loại từ 60 con/kg có giá 108.986 đồng/kg (giảm 2.616 đồng/kg), loại từ 40 con/kg có giá 123.581 đồng/kg (tăng 8.440 đồng/kg).
+ Cá tra: Loại size 0,7 kg đến dưới 1 kg/con có giá 20.346 đồng/kg, không có thay đổi so với tháng trước, loại size từ 1 kg/con trở lên có giá 15.639 đồng/kg, giảm 871 đồng/kg so với tháng trước.
- Thủy sản khai thác: Ướccuối tháng 10/2021, thủy sản khai thác ước đạt 5.075,4 tấn, giảm 39% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác thủy sản biển giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên số ngày hoạt động tàu chiếm thấp, thời gian giãn cách một số phương tiện phải nghĩ không đi khai thác được; ước tính sản lượng đạt 2.520,9 tấn giảm 56,7% so cùng kỳ, trong đó, tôm sản lượng ước đạt 456,7 tấn (giảm 61,1%), cá sản lượng ước đạt 1.557,6 tấn (giảm 46,1%), thủy sản khác sản lượng ước đạt 497,7 tấn (giảm 71,4%). Khai thác thủy sản nội địa, sản lượng ước đạt 2.554,5 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó: cá sản lượng ước đạt 2.191,5 tấn (tăng 2,5%), tôm sản lượng ước đạt 111,2 tấn (tăng 2%), thủy sản khác sản lượng ước đạt 251,7 tấn (tăng 2,3%).
II. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 10/2021 đang được phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp có tín hiệu khởi sắc so với tháng trước khi số lượng doanh nghiệp bắt đầu trở lại hoạt động, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được các cấp, các ngành và doanh nghiệp triển khai kịp thời đặc biệt là việc giao thương hàng hóa và thu hút nguồn lao động trở lại tỉnh làm việc.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 tăng 16,52% so tháng trước và giảm 9,28% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,72% so tháng trước và giảm 9,04% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,85% so tháng trước và giảm 17,81% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,92% so tháng trước và giảm 1,46% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2021 giảm 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,58%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,37%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,76%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: ngành sản xuất trang phục tăng 2,05%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,82%; sản xuất thiết bị điện tăng 3,16%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 1,04%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,37%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,11%; ngành thoát nước và xử lý nước thải tăng 9,58%.
Một số sản phẩm chủ yếu tháng 10/2021 có được mức tăng trưởng tốt so cùng kỳ như: vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp đạt 14.926,32 nghìn m2 (tăng 47,44%); dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước đạt 1.111,81 triệu đồng (tăng 6,57%); đinh, đinh mũ, ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh), đinh vít, then, đai ốc, đinh móc, đinh tán, chốt, chốt định vị, vòng đệm và các đồ tương tự bằng sắt, thép, đồng hoặc nhôm đạt 1.524,82 tấn (tăng 13,16%); túi xách 1.828,35 nghìn cái (tăng 46,04%); bia đóng chai 259 nghìn lít (tăng 21,60%); thức ăn cho gia súc 93.574,64 tấn (tăng 10,28%); hạt điều khô 6.173,30 tấn (tăng 12,25%). Một số sản phẩm chủ yếu khác lại có mức giảm mạnh như: thuốc lá có đầu lọc chỉ đạt 3.350 nghìn bao, giảm đến 52,33% so với cùng kỳ; sợi từ bông nhân tạo 6.685,43 tấn (giảm 37,02%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in 11.123,02 triệu đồng (giảm 31,56%); vải dệt thoi từ sợi tơ nhân tạo 12.198,41 nghìn m2 (giảm 32,74%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 1.014,53 nghìn cái (giảm 62,72%); sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nguội, dạng cuộn, có chiều rộng ≥ 600mm, chưa được dát phủ, mạ hoặc tráng 5.081,30 tấn (giảm 78,77%); xi măng Portland đen 46 nghìn tấn (giảm 41,11%).
Lũy kế đến cuối tháng 10/2021 có 25/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, gồm: 3/73 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, trong đó: vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp đạt 139.103,95 nghìn m2 (tăng 37,81%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện đạt 334 tấn (tăng 22,34%); điện mặt trời đạt 211 triệu Kwh (tăng 129,35%). Có 4/73 nhóm sản phẩm tăng từ 10-20%, trong đó: bia đóng chai 1.906 nghìn lít (tăng 13,05%); sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói 50.028,54 tấn (tăng 12,62%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 71.838,46 tấn (tăng 12,51%); điốt phát sáng 824.175 nghìn chiếc (tăng 11,93%). Có 18/73 nhóm sản phẩm tăng từ dưới 10%, trong đó: vỏ bào, dăm gỗ đạt 50,95 nghìn tấn (tăng 5,89%); thức ăn cho gia súc đạt 867,27 nghìn tấn (tăng 6,31%); hạt điều khô đạt 57,07 nghìn tấn (tăng 2,11%); nước uống được 57.559,61 nghìn m3 (tăng 6,11%); áo phông (T-shirt), áo may ô và các loại áo lót khác cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 10.218 nghìn cái (tăng 0,12%); phân khoáng hoặc phân hoá học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) 677,74 nghìn tấn (tăng 1,21%).
Có 48/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm, gồm: 15/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, trong đó: ba lô chỉ đạt 8.821,35 nghìn cái (giảm 53,04%); túi xách 14.288,19 nghìn cái (giảm 25,12%); sợi từ bông nhân tạo 49,47 nghìn tấn (giảm 40,17%); thuốc lá có đầu lọc 65.160 nghìn bao (giảm 35,70%); thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa 9.523 nghìn cái (giảm 32,55%). Có 10/73 nhóm sản phẩm giảm từ 10-20%, trong đó: gạo đã xay xát 2.340,84 nghìn tấn (giảm 12,32%); vải dệt thoi từ sợi tơ nhân tạo 175.291,38 nghìn m2 (giảm 18,33%); thùng, hộp bằng bìa cứng 776,99 triệu chiếc (giảm 12,92%); sản phẩm bằng plastic còn lại chưa được phân vào đâu 817,95 nghìn tấn (giảm 16,52%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic 157,19 nghìn tấn (giảm 10,16%); dịch vụ sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động 7.365,16 triệu đồng (giảm 18,84%). Có 23/41 nhóm sản phẩm giảm dưới 10%, trong đó: các bộ phận của giày, dép bằng da; tấm lót bên trong có thể tháo rời; đệm gót và các sản phẩm tương tự; ghệt, xà cạp và các sản phẩm tương tự và các bộ phận của chúng 123,39 triệu đôi (giảm 5,20%); hương cây 74.795,06 nghìn thẻ (giảm 5,97%); dịch vụ sản xuất hóa dược và dược liệu 43,80 tỷ đồng (giảm 8,20%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in 148,60 tỷ đồng (giảm 2,34%); bao bì đóng gói khác bằng plastic 159,39 nghìn tấn (giảm 8,70%); bê tông trộn sẵn 575,25 nghìn m3 (giảm 4,64%).
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2021 tăng 1,42% so với tháng trước và giảm 3,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,44% so tháng trước và giảm 3,67% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,60% so tháng trước và tăng 0,25% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải bằng với tháng trước và giảm 12,67% so cùng kỳ. Lũy kế đến cuối tháng 10/2021, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 5,40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,51%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,57%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 10,87%.
III. Đầu tư phát triển
Hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh được khởi công trở lại khi các biện pháp giãn cách xã hội được tỉnh nới lỏng. Các công trình thuộc Chương trình đột phá, 03 công trình trong điểm của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các công trình giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh như Đường tỉnh 824 đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh, huyện Đức Hòa; Đường tỉnh 827E; Đường vào cầu Rạch Dơi; Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP. Hồ Chí Minh) để thúc đẩy phát triển kinh tế luôn được tỉnh quan tâm thực hiện.
Ước thực hiện tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 10 năm 2021 đạt 348,66 tỷ đồng, tăng 41,95% so tháng trước và giảm 36,80% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 199,31 tỷ đồng, tăng 39,0% so tháng trước và giảm 48,54% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 149,35 tỷ đồng, tăng 46,08% so tháng trước và giảm 9,12% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2.536,48 tỷ đồng, bằng 57,44% so với kế hoạch và giảm 25,58% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.576,67 tỷ đồng, bằng 56,72% so với kế hoạch và giảm 31,33% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 959,81 tỷ đồng, bằng 58,67% so kế hoạch và giảm 13,73% so cùng kỳ năm trước.
IV. Thương mại, giá cả
1. Nội thương
Trong tháng 10/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã được kiểm soát, số ca nhiễm liên tục giảm và dần trở lại trạng thái bình thường. Ngày 26/10/2021, UBND tỉnh Long An có văn bản số 10555/UBND-VHXH về việc điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đối với trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống, bán hàng rong, vé số dạo, nhà hàng/quán ăn, quán giải khát, hoạt động bình thường,... Tất cả các hoạt động trên phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 đạt 7.110,09 tỷ đồng, tăng 74,33% so với tháng trước và giảm 6,56% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 6.394,84 tỷ đồng, tăng 72,39% so tháng trước và tăng 0,13% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 524,57 tỷ đồng, tăng 83,21% so tháng trước và giảm 26,19% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 190,68 tỷ đồng, tăng 130,97% so tháng trước và giảm 62,73% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 70.234,32 tỷ đồng, giảm 4,05% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 60.898,43 tỷ đồng, giảm 2,87% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 5.986,15 tỷ đồng, giảm 8,12% so cùng kỳ; dịch vụ khác ước đạt 3.349,75 tỷ đồng, giảm 15,92% so cùng kỳ.
2. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2021 tăng 0,36% so với tháng trước và tăng 4,16% so cùng kỳ. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,86% (phụ tùng tăng 0,17%; giá xăng, dầu tăng 5,13% từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 25/9/2021 và ngày 11/10/2021), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,13%; nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,64% (do chi phí vận chuyển tăng, giá vải các loại tăng 3,19%; quần áo may sẵn tăng 1,64%; may mặc khác tăng 0,99%; mũ nón tăng 0,48%; giày dép tăng 1,55%; dịch vụ may mặc tăng 0,87%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,87% (đồ nước giải khác tăng 0,05%; bia tăng 0,48%; thuốc hút tăng 1,48% do nguồn cung giảm); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,71% (vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,03%; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 2,72% do nhu cầu sửa chữa nhà ở tăng sau giãn cách xã hội; giá điện tăng 0,31% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá gas tăng 9,94% từ 422.500 đồng/bình 12kg lên 464.500 đồng/bình 12kg, riêng giá nước sinh hoạt giảm 4,23% do thực hiện chính sách điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt theo Công văn 8349/UBND-KTTC ngày 19 tháng 8 năm 2021 của UBND tỉnh Long An làm CPI chung giảm 0,04%), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,68% (tủ lạnh tăng 0,93%; bình nước nóng tăng 1,01%; đèn điện thắp sáng tăng 0,11%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,14%; hàng dệt trong nhà tăng 1,37%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,23%; dịch vụ trong gia đình tăng 1,11% do sau thời gian giãn cách xã hội nhu cầu sửa chữa thiết bị gia đình tăng; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% (giá thuốc tăng 0,16% do địa phương thực hiện tiêm vắc-xin cho người dân nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng, trong đó giá nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,51%; thuốc chống dị ứng tăng 0,46%; vitamin và khoáng chất tăng 0,39%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,29%); nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,03% (chụp, in tráng ảnh tăng 0,69%; dụng cụ thể dục, thể thao tăng 0,6%; hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,39%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24% (mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,33%; vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng 1,08%); nhóm giáo dục tăng 0,02%, chủ yếu do văn phòng phẩm tăng 0,15%.
Có 1/11 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,23% (giá lương thực giảm 0,97%; thực phẩm giảm 1,11%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,92%) đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,08%. Có 1/11 nhóm có CPI không đổi là Bưu chính viễn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm 2021 tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng 11,91%; nhóm giáo dục tăng 4,64%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,37%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,97%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,85%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,56%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,62%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,36%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,31% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%.
Chỉ số giá vàng tháng 10/2021 giảm 1,82% so với tháng trước, giảm 3,48% so với cùng kỳ năm trước, giảm 4,09% so với tháng 12 năm 2020; chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2021 giảm 0,09% so với tháng trước, giảm 1,76% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,58% so với tháng 12 năm 2020.
V. Vận tải, du lịch
Vận tải: Tháng 10/2021, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc khi vận tải hành khách được trở lại hoạt động và vận tải hàng hóa giữa các địa phương được lưu thông.
Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 10 năm 2021 ước đạt 197,35 tỷ đồng, tăng 18,93% so tháng trước và giảm 3,59% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 16,90 tỷ đồng, tăng 76,66% so tháng trước và giảm 66,42% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển ước đạt 1.568,96 ngàn lượt người, tăng 68,19% so tháng trước và giảm 51,65% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 30.990,83 ngàn lượt người.km, tăng 21,51% so tháng trước và giảm 65,71% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 104,67 tỷ đồng, tăng 11,01% so tháng trước và tăng 3,06% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển ước đạt 1.250,44 ngàn tấn, tăng 10,55% so tháng trước và giảm 0,96% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 101.133,96 ngàn tấn.km, tăng 6,36% so với tháng trước và giảm 5,12% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 2.005,50 tỷ đồng, giảm 2,11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 354,37 tỷ đồng, giảm 35,12% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển ước đạt 21.426,47 ngàn lượt người, giảm 33,83% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 541.740,12 ngàn lượt người.km, giảm 35,66% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.016,56 tỷ đồng, tăng 2,40% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển ước đạt 12.396,40 ngàn tấn, tăng 0,28% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 970.102,30 ngàn tấn.km, tăng 0,04% so cùng kỳ.
Du lịch: Trong tháng 10, khách du lịch đến Long An ước đạt 20.000 lượt người, giảm 50% so với cùng kỳ, không có khách quốc tế; doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ.
VI. Tài chính, tiền tệ
Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 22/10/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 14.364,63 tỷ đồng, bằng 92,18% dự toán và tăng 5,02% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 10.819,50 tỷ đồng, bằng 85,99% dự toán và giảm 4,58% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.204,47 tỷ đồng, bằng 80,30% dự toán và giảm 7,08% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.545,13 tỷ đồng, bằng 118,17% dự toán và tăng 51,52% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương là 10.426,92 tỷ đồng, bằng 75,33% dự toán tỉnh giao và giảm 10,12% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.414,51 tỷ đồng, bằng 101,63% dự toán và giảm 21,36% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 6.008,92 tỷ đồng, đạt 77,54% dự toán và tăng 0,37% so cùng kỳ.
Tiền tệ: Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2021 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,0%-6,0%/năm đối với tiền gửi từ 6 - dưới 12 tháng; 5,6%-6,8%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; lãi suất cho vay phổ biến từ 5,0%-9,0%/năm đối với khoảng vay ngắn hạn và 9,0%-11,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 81.926 tỷ đồng, tăng 7,38% so với đầu năm và tăng 10,65% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 92.367 tỷ đồng, tăng 12,70% so với đầu năm và tăng 18,10% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 579 tỷ đồng, tăng 23,19% so với đầu năm và giảm 31,15% so với cùng thời điểm năm trước.
VII. Một số vấn đề xã hội
1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Trong tháng 10 năm 2021, tỉnh tổ chức thăm hỏi và tặng quà người cao tuổi tại Trung tâm Công tác xã hội Long An nhân Ngày Quốc tế người cao tuổi, xây dựng kế hoạch phân bổ quà từ nguồn vận động hỗ trợ cho Người cao tuổi và trẻ em ở khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới thường xuyên được quan tâm. Trong tháng cơ sở Cai nghiện ma túy Long An tái hòa nhập cộng đồng 29 học viên. Hiện Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An đang quản lý 560 học viên; trong đó có 558 học viên bắt buộc và 02 học viên tự nguyện.
2. Giáo dục
Trong tháng, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá việc dạy học linh hoạt ứng phó dịch bệnh Covid-19 năm học 2021-2022; tổ chức phân công chọn đơn vị công tác đối với thí sinh trúng tuyển kỳ thi viên chức năm học 2020-2021. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tuyển dụng viên chức bổ sung năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc Sở.
Phê duyệt Kế hoạch dạy học trên truyền hình giai đoạn từ 04/10 đến 20/10/2021. Tham mưu UBND tỉnh về việc tổ chức tổ chức dạy và học của các trường trên địa bàn tỉnh từ ngày 18/10/2021 đến 30/10/2021. Theo đó, học sinh mầm non và tiểu học tạm thời chưa đến trường; học sinh cấp THCS, THPT tiếp tục học trực tuyến theo kế hoạch dạy và học linh hoạt đã được phê duyệt.
Tổ chức dạy và học trực tuyến của giáo viên các trường THCS, THPT toàn tỉnh; dạy học theo chủ đề các môn lớp 12 được phát sóng trên kênh LA34 của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An; đăng các bài dạy của các khối lớp TH, THCS và THPT trên kênh Youtube "Giáo dục Long An".
3. Y tế
Trong tháng 10 năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nhằm mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân. Tính đến ngày 28/10/2021, toàn tỉnh ghi nhận 34.595 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (34.560 ca trong cộng đồng và 35 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi cho 32.556 ca, có 486 ca tử vong.
Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 9/2021 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.357 ca (giảm 23,5%); bệnh lao phổi 300 ca (giảm 27,8%); bệnh cúm mùa 5.988 ca (giảm 28,3%); bệnh thủy đậu 175 ca (giảm 24,2%); bệnh tay chân miệng 1.828 (tăng 1,8 lần). Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2 ca chết do bệnh dại, 1 ca chết do bệnh tay chân miệng và 1 ca chết do bệnh sốt xuất huyết.
Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 9 năm 2021 là 190 ca, giảm 122 ca so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
4. Lao động, việc làm
Trong tháng 10/2021, trình UBND tỉnh ban hành quyết định thay thế Quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 về hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP; Quyết định thành lập Tổ vận động công nhân, người lao động ở lại làm việc trên địa bàn tỉnh Long An; phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động ngừng việc, hộ kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 138 lao động, cấp lại 02 lao động; thẩm định nội quy 01 doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể 01 doanh nghiệp. Có 1.240 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 18.005 người; trong đó xét duyệt 440 người, lũy kế 17.303 người; chi trợ cấp thất nghiệp 11,3 tỷ đồng, lũy kế 347,3 tỷ đồng; 9.515 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 125.438 lượt người.
5. Văn hóa - Thể thao
Văn hóa: Trong tháng 10, toàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 với các hình thức treo băng rôn, pa nô, khẩu hiệu, phát hành tờ tin ảnh thời sự và đưa tin, bài, tiểu phẩm tuyên truyền cổ động trên hệ thống loa phát thanh, trên các tuyến đường, tại các chợ truyền thống, các khu, cụm công nghiệp và các nơi tập trung đông dân cư. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện thu âm và ghi hình các tiểu phẩm tính huống về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 trong điều kiện xã hội sau thời gian dài bị giãn cách.
Thể thao: Theo văn bản số 10555/UBND-VHXH của UBND tỉnh ngày 26/10/2021 về việc điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động TDTT được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường
Cháy, nổ: Trong tháng 10 năm 2021 (từ 15/9/2021 đến 14/10/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/10/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy (giảm 2 vụ so cùng kỳ năm trước); có 1 người chết và 1 người bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 6.930 triệu đồng (giảm 16.705 triệu đồng).
Bảo vệ môi trường: Trong tháng 10 năm 2021 (từ 05/9/2021 đến 04/10/2021) trên địa bàn tỉnh không phát hiện vi phạm vệ sinh môi trường.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 04/10/2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 7 vụ so với cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 3.000 triệu đồng (giảm 971 triệu đồng).
7. Tai nạn giao thông: Trong tháng 10 năm 2021 (từ 15/9/2021 đến 14/10/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông (tăng 7 vụ so tháng trước và giảm 7 vụ so cùng kỳ); làm chết 4 người (tăng 4 người so tháng trước và giảm 7 người so cùng kỳ); bị thương 5 người (tăng 4 người so tháng trước và giảm 3 người so cùng kỳ).
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/10/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 88 vụ tai nạn giao thông (giảm 47 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 51 người (giảm 34 người); bị thương 51 người (giảm 32 người).
Cục Thống kê tỉnh Long An