Trong tháng 11/2021 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái "bình thường mới", nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong tháng có mức tăng mạnh so tháng trước. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:
I. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh Long An tình hình hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối thuận lợi khi các địa phương được lưu thông hoạt động trở lại, các doanh nghiệp chế biến đang dần phục hồi sản xuất, tăng công suất hoạt động từ đó chuỗi cung ứng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản hoạt động thuận lợi.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Cây lúa
- Lúa hè thu 2021: Đã gieo sạ xong, diện tích gieo sạ ước đạt 221.122 ha, đạt 102,8% so với kế hoạch, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước (có 55 ha của huyện Cần Đước và 309 ha của huyện Cần Giuộc bị mất trắng do nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít không đủ nước tưới làm cho lúa bị chết hoặc không phát triển được). Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch ước đạt 220.757,9 ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất thu hoạch ước đạt 50 tạ/ha (tăng 1,6%) so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch ước đạt 1.104.699 tấn (tăng 2,0%).
- Lúa thu đông 2021: Tính đến thời điểm hiện tại, đã gieo sạ 56.602 ha, đạt 124,1% so với kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ tập trung chủ yếu ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Diện tích tăng là do nước lũ năm nay về muộn và chậm hơn so với cùng kỳ, ngoài ra một số huyện có xây dựng hệ thống đê bao khép kín, được lắp đặt hệ thống máy bơm điện cho cả vùng nên người dân đã tăng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, một số huyện phía nam của tỉnh như huyện Thủ Thừa (730 ha), Đức Hòa (700 ha),… không sản xuất vụ thu đông mà chuyển sang sản xuất vụ đông xuân năm 2022 sớm để tránh hạn, mặn. Năng suất thu hoạch ước đạt 49,6 tạ/ha, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 203.360 tấn, tăng 32,9% so với cùng kỳ.
- Lúa mùa 2021-2022: Đã gieo sạ 1.650 ha, tập trung ở huyện Cần Đước và huyện Cần Giuộc.
- Lúa đông xuân 2021-2022: Đã gieo sạ 59.818 ha, tập trung ở các huyện Tân Trụ, Bến Lức, Cần Đước, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Tình hình sâu bệnh:
- Lúa thu đông: Xuất hiện một số đối tượng gây hại như: bệnh đạo ôn lá (477 ha), bệnh cháy bìa lá (437 ha), bệnh đạo ôn cổ bông (198 ha), chuột (189 ha), bệnh lem lép hạt (51 ha), rầy nâu (37 ha), bệnh vàng lá chín sớm (28 ha), bệnh đốm vằn (12 ha),... gây hại chủ yếu trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ - chín ở các huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và thành phố Tân An.
- Trên lúa đông xuân 2021-2022: Có một số bệnh gây hại như: bệnh đạo ôn lá 3.271 ha, xuất hiện chủ yếu trên trà lúa đẻ nhánh ở các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Bến Lức, Cần Giuộc và Tân Trụ. Bệnh rầy nâu là 7.395 ha, xuất hiện chủ yếu trên trà lúa đẻ nhánh ở huyện Tân Thạnh. Ngoài ra, còn một số đối tượng gây hại khác như: ốc bươu vàng (109 ha), chuột (84 ha), sâu cuốn lá nhỏ (43 ha), sâu đục thân (30 ha), bệnh cháy bìa lá (9 ha),…gây hại chủ yếu trà lúa giai đoạn mạ đẻ nhánh - đòng trổ ở các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Cần Giuộc và thị xã Kiến Tường.
Diện tích một số cây hàng năm khác: Cây mía trồng được 62,1 ha (giảm 87,1% so cùng kỳ), năng suất đạt 590,8 tạ/ha (tăng 2,7%), sản lượng đạt 3.668,8 tấn (giảm 86,7%); cây bắp hè thu trồng được 74,5 ha (giảm 24,8% so cùng kỳ), năng suất đạt 55,8 tạ/ha (tăng 2,0%), sản lượng đạt 415,7 tấn (giảm 23,3%); cây đậu phộng hè thu trồng được 28,3 ha (giảm 42,8% so cùng kỳ), năng suất đạt 28,1 tạ/ha (tăng 2,2%), sản lượng đạt 79,4 tấn (giảm 41,7%); cây mỳ hè thu trồng được 709,1 ha (giảm 20,5% so cùng kỳ), năng suất đạt 139,5 tạ/ha (giảm 3%), sản lượng đạt 9.890,5 tấn (giảm 22,9%); rau các loại hè thu trồng được 5.332,1 ha (tăng 3,4% so cùng kỳ), năng suất đạt 180,3 tạ/ha (tăng 1,7%), sản lượng đạt 96.116,2 tấn (tăng 5,2%).
Một số cây lâu năm chủ yếu
- Cây thanh long: Diện tích hiện có ước đạt 11.533,8 ha, giảm 2,4% so cùng kỳ (diện tích cho sản phẩm là 11.230,1 ha). Diện tích trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, diện tích cây thanh long không có khả năng tăng do Châu Thành là huyện chủ lực đã trồng hết diện tích, các huyện còn lại ít phát triển thêm do giá thanh long năm nay không ổn định. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiêu thụ thanh long gặp khó khăn, xuất khẩu chậm dẫn đến giá thanh long thấp hơn so với cùng kỳ, chi phí sản xuất tăng cao nên một số diện tích thanh long già cỗi bà con chặt bỏ.
- Cây chanh: Diện tích hiện có 11.003,5 ha, tăng 1,6% so cùng kỳ (diện tích cho sản phẩm là 10.079,7 ha). Diện tích tăng do trồng chanh mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên người dân đã chuyển đổi diện tích một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ,…) và cải tạo vườn tạp để phát triển. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiêu thụ chanh gặp khó khăn, xuất khẩu chậm dẫn đến giá chanh thấp và không ổn định.
Tình hình tiêu thụ
Giá một số nông sản bình quân tháng 11 năm 2021 so với tháng 10 năm 2021 dao động như sau: Lúa hè thu loại thường 6.287 đồng/kg (tăng 149 đồng/kg), lúa hè thu loại đặc sản 6.797 đồng/kg (tăng 50 đồng/kg), lúa vụ thu đông 6.489 đồng/kg (tăng 132 đồng/kg); nếp 5.666 đồng/kg (tăng 121 đồng/kg), bắp (ngô) 7.000 đồng/kg (bằng với tháng trước), thanh long ruột đỏ 11.058 đồng/kg (tăng 144 đồng/kg), thanh long ruột trắng 6.000 đồng/kg (bằng với giá tháng trước), chanh không hạt 3.164 đồng/kg (giảm 643 đồng/kg),...
b. Chăn nuôi
Hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong tháng vẫn còn nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, giá bán một số sản phẩm xuống thấp và không ổn định, số lượng vật nuôi đến thời điểm xuất chuồng khá lớn trong khi sức tiêu thụ của người dân còn hạn chế sau thời gian giãn cách vì dịch Covid-19.
Ước tháng 11 năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng là 44,0 tấn (giảm 1,1% so với cùng kỳ); thịt bò 343,8 tấn (giảm 2,7%); thịt lợn 11.521,2 tấn (tăng 5,7%); thịt gia cầm 3.167,1 tấn (tăng 3,8%), trong đó: thịt gà 2.338,9 tấn (giảm 1,9%). Lũy kế 11 tháng năm 2021, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 493 tấn (giảm 1,6% so với cùng kỳ); thịt bò 4.326,6 tấn (tăng 3,1%); thịt lợn 17.651,1 tấn (tăng 17,7%); thịt gia cầm 36.875,2 tấn (tăng 5,4%), trong đó: thịt gà 28.758,2 tấn (tăng 10,6%).
Tình hình tiêu thụ
Giá sản phẩm chăn nuôi bình quân tháng 11 năm 2021 so với tháng trước dao động như sau: Giá thịt trâu hơi 79.294 đồng/kg (bằng tháng trước), thịt bò hơi 104.920 đồng/kg (giảm 1.458 đồng/kg), thịt lợn hơi 50.545 đồng/kg (giảm 2.299 đồng/kg), gà ta thịt hơi 72.161 đồng/kg (tăng 39 đồng/kg), thịt vịt hơi 44.564 đồng/kg (tăng 1.329 đồng/kg).
Tình hình dịch bệnh: Lũy kế đầu năm đến nay bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 59 hộ thuộc 12 huyện/thành phố: Tân Hưng, Thủ Thừa, Tân Trụ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức và Tp.Tân An với tổng số heo tiêu hủy là 1.440 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại 389 hộ thuộc 12 huyện/thành phố: Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Bến Lức, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Tp.Tân An với tổng số vật nuôi bệnh là 714 con (chết, tiêu hủy 205 con). Bệnh dại trên động vật xảy ra 2 ổ dịch thuộc 2 huyện Bến Lức và Tân Hưng với tổng số con tiêu hủy là 2 con và 1 ổ dịch cúm trên gia cầm thuộc huyện Thạnh Hóa với tổng số con tiêu hủy là 91 con.
Công tác phòng chống dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò 107.605 liều; bệnh lở mồm long móng 63.066 liều (heo 26.660 liều, trâu bò 36.378 liều, dê 28 liều); bệnh cúm gia cầm 2.176.173 liều; bệnh dại 66.596 liều; bệnh heo tai xanh 1.679 liều.
2. Lâm nghiệp
Hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được các địa phương quan tâm thực hiện. Từ đầu mùa khô cho đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ cháy rừng không gây thiệt hại tại Công ty Cổ phần Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười.
Tình hình khai thác: Ước tháng 11/2021, sản lượng gỗ khai thác được 11.528,3 m3, giảm 0,1% so với cùng kỳ; củi khai thác được 21.684,3 ster, giảm 1,7%. Lũy kế 11 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác được 126.705 m3, giảm 0,4% so với cùng kỳ, chủ yếu là gỗ bạch đàn, tràm bông vàng, khai thác từ rừng trồng tập trung ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh (Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và Đức Huệ) và khai thác cây phân tán chủ yếu ở các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Thủ Thừa, Bến Lức... Củi khai thác được 211.531,3 ster, giảm 0,6% so cùng kỳ.
3. Thủy sản
Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản đã ổn định khi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đã dần trở lại hoạt động, một số diện tích tồn động tại ao trong thời gian giãn cách xã hội đang được thu hoạch, giá cả các sản phẩm có xu hướng tăng và ổn định trở lại.
- Tôm nuôi nước lợ: Ước tháng 11/2021, diện tích đã thả nuôi được 531,7 ha, (tăng 1,4% so với cùng kỳ), trong đó: tôm sú 40,2 ha (tăng 1,3%), tôm thẻ chân trắng 491,5 ha (tăng 1,4%). Diện tích thu hoạch ước đạt 418,5 ha (giảm 6,8% so cùng kỳ), năng suất ước đạt 3,3 tấn/ha (tăng 5,6%), sản lượng ước đạt 1.393 tấn (giảm 1,5%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 40,5 ha (giảm 5,3%), năng suất ước đạt 2,4 tấn/ha (tăng 13,1%), sản lượng ước đạt 98,5 tấn (tăng 7%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 378 ha (giảm 6,9%), năng suất ước đạt 3,4 tấn/ha (tăng 5,2%), sản lượng ước đạt 1.294,4 tấn (giảm 2,1%).
Trong 11 tháng đầu năm 2021, diện tích đã thả nuôi được 5.842,3 ha, giảm 0,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tôm sú 587,8 ha, tôm thẻ chân trắng 5.254,5 ha. Diện tích giảm do đầu vụ nắng, hạn mặn kéo dài ảnh hưởng đến thời gian xuống giống, phải xuống giống chậm hơn so với cùng kỳ, ngoài ra do tình hình dịch Covid- 19 phát sinh đầu tiên tại các huyện phía nam của tỉnh (Cần Giuộc, Cần Đước) nên cũng phần nào ảnh hưởng đến quá trình nuôi và tiêu thụ tôm. Diện tích thu hoạch ước đạt 4.689,5 ha, giảm 3,5% so cùng kỳ, năng suất ước đạt 3,1 tấn/ha (tăng 10,6%), sản lượng ước đạt 14.532,1 tấn (tăng 6,7%). Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú ước đạt 499,5 ha (giảm 6,3%), năng suất ước đạt 2,2 tấn/ha (tăng 11,2%), sản lượng ước đạt 1.121,5 tấn (tăng 4,2%); tôm thẻ chân trắng diện tích thu hoạch ước 4.190 ha (giảm 3,2%), năng suất ước đạt 3,2 tấn/ha (tăng 10,5%), sản lượng ước đạt 13.410,6 tấn (tăng 7,0%).
- Cá tra nuôi công nghiệp: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp tư nhân đầu tư nuôi cá tra, ước trong tháng các doanh nghiệp thả nuôi 17,1 ha (giảm 19,1% so với cùng kỳ), năng suất ước đạt 164,1 tấn/ha (tăng 3,8%), sản lượng ước đạt 2.280,8 tấn (tăng 8,3%). Lũy kế 11 tháng năm 2021, diện tích nuôi 206,1 ha (tăng 5,2% so với cùng kỳ), năng suất ước đạt 161,7 tấn/ha (tăng 0,7%), sản lượng ước đạt 27.179,2 tấn (tăng 8,3%).
- Tình hình tiêu thụ thủy sản: Giá thủy sản bình quân tháng 11/2021 so với tháng 10/2021 dao động như sau :
+ Tôm sú: Loại 30 con/kg có giá 191.976 đồng/kg (tăng 5.974 đồng/kg), loại 40 con/kg có giá 160.623 đồng/kg (tăng 7.361 đồng/kg), loại từ 40 con/kg trở lên có giá 141.168 đồng/kg (tăng 3.591 đồng/kg).
+ Tôm thẻ chân trắng: Loại 110 con/kg có giá 90.000 đồng/kg (tăng 250 đồng/kg), loại từ 60 con/kg có giá 117.418 đồng/kg (tăng 8.432 đồng/kg), loại từ 40 con/kg có giá 136.836 đồng/kg (tăng 13.255 đồng/kg).
+ Cá tra: Loại size 0,7 kg đến dưới 1 kg/con có giá 20.596 đồng/kg (bằng với tháng trước), loại size từ 1 kg/con trở lên có giá 17.544 đồng/kg (tăng 1.905 đồng/kg).
- Thủy sản khai thác: Trong tháng 11/2021, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 529,5 tấn (giảm 36,1% so cùng kỳ). Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản biển giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên số ngày hoạt động tàu chiếm thấp, thời gian giãn cách một số phương tiện phải nghỉ không đi khai thác được, ước đạt 320,9 tấn (giảm 48,7% so cùng kỳ), trong đó, tôm sản lượng ước đạt 79,9 tấn (giảm 32,3%), cá sản lượng ước đạt 171,1 tấn (giảm 43,2%), thủy sản khác sản lượng ước đạt 70,0 tấn (giảm 66%); sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 208,7 tấn (tăng 2,6% so với cùng kỳ), trong đó: cá sản lượng ước đạt 182,3 tấn (tăng 2,1%), tôm sản lượng ước đạt 8,2 tấn (tăng 3,1%), thủy sản khác sản lượng ước đạt 18,2 tấn (tăng 6,4%).
Trong 11 tháng đầu năm 2021, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 5.689,6 tấn, giảm 37,8% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 2.929,3 tấn (giảm 54,6%), trong đó, tôm sản lượng ước đạt 570,8 tấn (giảm 56,6%), cá sản lượng ước đạt 1.762,1 tấn (giảm 44,8%), thủy sản khác sản lượng ước đạt 596,4 tấn (giảm 69,3%); sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước đạt 2.760,3 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ, trong đó: cá sản lượng ước đạt 2.375,2 tấn (tăng 2,2%), tôm sản lượng ước đạt 116,8 tấn (tăng 2,9%), thủy sản khác sản lượng ước đạt 268,3 tấn (tăng 6,3%).
II. Sản xuất công nghiệp
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 11/2021 đang được khôi phục, chỉ số sản xuất công nghiệp có tín hiệu khởi sắc so với tháng trước khi các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, nhiều chính sách của nhà nước hỗ trợ kịp thời đến các doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp đã dần đi vào hoạt động ổn định trở lại. Bên cạnh đó, việc mở cửa, kết nối giao thương hàng hóa, thu hút nguồn lao động tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021 tăng 16,58% so tháng trước và tăng 4,82% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,24% so tháng trước và tăng 5,43% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,30% so tháng trước và giảm 10,55% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,19% so tháng trước và giảm 1,06% so cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2021 giảm 3,24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,43%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,31%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,89%.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,72%; sản xuất trang phục tăng 2,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 2,06%; sản xuất thiết bị điện tăng 2,86%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,31%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,04%; ngành thoát nước và xử lý nước thải tăng 8,73%.
Một số sản phẩm chủ yếu tháng 11/2021 có được mức tăng trưởng tốt so cùng kỳ như: Thuốc lá có đầu lọc 10.000 bao (tăng 172,11%); bia đóng chai 430 nghìn lít (tăng 34,38%); vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp đạt 25.250 nghìn m2 (tăng 135,34%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic 20.070,84 tấn (tăng 63,62%); đinh, đinh mũ, ghim dập (trừ ghim dập dạng mảnh), đinh vít, then, đai ốc, đinh móc, đinh tán, chốt, chốt định vị, vòng đệm và các đồ tương tự bằng sắt, thép, đồng hoặc nhôm đạt 1.539,01 tấn (tăng 19,89%); túi xách 1.642,52 nghìn cái (tăng 47,94%); giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic 3.283,29 nghìn đôi (tăng 14,18%). Một số sản phẩm chủ yếu khác lại có mức giảm mạnh như: Sợi từ bông nhân tạo 11.517,01 nghìn m2 (giảm 46,08%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 302,51 nghìn cái (giảm 60,10%); ba lô 876,91 nghìn cái (giảm 25,12%); ống khác không nối, mặt cắt hình tròn bằng sắt, thép không hợp kim 107.536,56 tấn (giảm 12,27%); Sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nguội, dạng cuộn, có chiều rộng ≥ 600mm, chưa được dát phủ, mạ hoặc tráng 18.292,68 tấn (giảm 23,29%),…
Lũy kế đến cuối tháng 11/2021 có 27/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, gồm: 3/73 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, trong đó: Vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp đạt 168.569,74 nghìn m2 (tăng 50,96%); bộ phận của thiết bị phân phối và điều khiển điện đạt 381 tấn (tăng 20,95%); điện mặt trời đạt 235 triệu Kwh (tăng 106,14%). Có 5/73 nhóm sản phẩm tăng từ 10-20%, trong đó, bia đóng chai 2.353 nghìn lít (tăng 17,30%); bia đóng lon 14.279 nghìn lít (tăng 10,04%); sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm 80.440,66 tấn (tăng 12,57%); điốt phát sáng 913.700 nghìn chiếc (tăng 12,57%),... Có 19/73 nhóm sản phẩm tăng từ dưới 10%, trong đó: Thức ăn cho gia súc đạt 965,978 nghìn tấn (tăng 6,84%); hạt điều khô đạt 63,102 nghìn tấn (tăng 2,6%); thức ăn cho thủy sản 910,873 nghìn tấn (tăng 9,59%); áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 114.731,34 nghìn cái (tăng 6,9%); vỏ bào, dăm gỗ 57.433 tấn (tăng 6,39%); dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in 174.896,05 triệu đồng (tăng 2,57%); phân khoáng hoặc phân hóa học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) 760,673 nghìn tấn (tăng 2,16%); sắt, thép không hợp kim dạng góc, khuôn, hình 807,277 nghìn tấn (tăng 6,04%); dịch vụ sản xuất sợi quang và cáp sợi quang 1.053 tỷ đồng (tăng 8,47%); cáp đồng trục và dây dẫn điện đồng trục khác 4.393 tấn (tăng 2,31%); tàu chở khách trọng tải > 5000 tấn 336,61 tỷ đồng (tăng 6,34%); tủ bằng gỗ khác (trừ tủ bếp) 143.364,95 chiếc (tăng 7,18%); nước uống được 63.039,27 nghìn m3 (tăng 5,04%); dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước 11.910,24 triệu đồng (tăng 8,73%);…
Có 46/73 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm, gồm: 15/46 nhóm sản phẩm có tốc độ giảm trên 20%, trong đó: Thuốc lá có đầu lọc 81.026 nghìn bao (giảm 22,84%); sợi từ bông (staple) nhân tạo 59,581 nghìn tấn (giảm 36,24%); vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) nhân tạo 185.219,95 nghìn m2 (giảm 21,52%); áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc 6.071,33 nghìn cái (giảm 64,12%); túi xách 15.496,06 nghìn cái (giảm 23,26%); ba lô 9.586,06 nghìn cái (giảm 51,97%); dầu và mỡ bôi trơn 8.348,58 tấn (giảm 20,25%); sắt, thép không hợp kim cán phẳng 109.979,67 tấn (giảm 50,91%); máy khác dùng trong công nghiệp xay xát, chế biến ngũ cốc hoặc rau khô hoạt động bằng điện 511 cái (giảm 23,85%); thân xe có động cơ dùng cho xe vận tải hàng hóa và xe chở từ 10 người trở lên 1.017 cái (giảm 25,06%); thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa 11.065 nghìn cái (giảm 29,075);... Có 7/46 nhóm sản phẩm giảm từ 10-20%, trong đó: Ván ép từ gỗ và các vật liệu tương tự 181.505,69 m3 (giảm 15,68%); thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) 877.893,76 nghìn chiếc (giảm 11,83%); sản phẩm bằng plastic còn lại chưa phân vào đâu 941,445 nghìn tấn (giảm 14,37%); xi măng Portland đen 699.169 tấn (giảm 19,05%); dịch vụ sản xuất bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động 8.332,44 triệu đồng (giảm 16,61%);... Có 24/46 nhóm sản phẩm giảm dưới 10%, trong đó: Gạo đã xay xát toàn bộ hoặc sơ bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hạt hoặc hồ 2.637,378 nghìn tấn (giảm 9,97%); nước khoáng không có ga 256.070 nghìn lít (giảm 9,51%); các bộ phận của giày, dép bằng da; tấm lót bên trong có thể tháo rời; đệm gót và các sản phẩm tương tự; ghệt, xà cạp và các sản phẩm tương tự và các bộ phận của chúng 141.677,68 nghìn đôi (giảm 3,02%); dịch vụ sản xuất hoá dược và dược liệu 49.220,14 triệu đồng (giảm 3,37%); bao bì đóng gói khác bằng plastic 179.026,69 tấn (giảm 7,23%); sản phẩm gia dụng và sản phẩm phục vụ vệ sinh khác bằng plastic 173.247,93 tấn (giảm 7,47%); gạch và gạch khối xây dựng bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo 461.961,62 nghìn viên (giảm 4,59%),…
Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2021 tăng 1,02% so với tháng trước và giảm 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,03% so tháng trước và giảm 3,42% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,43% so tháng trước và giảm 0,51% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,35% so tháng trước và giảm 12,52% so cùng kỳ. Lũy kế đến cuối tháng 11/2021, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 5,30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,40%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,82%; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải giảm 11,03%.
III. Hoạt động doanh nghiệp
Tháng 11 năm 2021, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Phần lớn các doanh nghiệp đã hoạt động kinh doanh trở lại và đăng tuyển dụng lao động sau thời gian tạm ngừng hoạt động, thu hút các nhà đầu tư, người lao động vào tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Trong tháng có 143 doanh nghiệp mới thành lập (tăng 22% so cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 2.855 tỷ đồng (tăng 199%); hoạt động trở lại 21 doanh nghiệp (giảm 50% so cùng kỳ); có 20 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh (tăng 11%); đã giải thể 15 doanh nghiệp (giảm 51%).
Trong 11 tháng đầu năm đã có 1.226 doanh nghiệp được thành lập mới (giảm 17% so với cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 23.495 tỷ đồng (tăng 4,9%); giải thể 154 doanh nghiệp (giảm 55%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 280 doanh nghiệp (giảm 6%); có 249 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (tăng 47%).
Cuối tháng 9/2021, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tỉnh thực hiện tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 (giữa tháng 10/2021). Do đó, hiện nay có khoảng 90% doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động phải đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và lực lượng lao động đã tiêm vắc xin phòng chống Covid-19. Hiện nay khoảng 90% doanh nghiệp trở lại hoạt động phục vụ sản xuất sau dịch Covid-19.
IV. Đầu tư phát triển
Hoạt động đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh trong tháng được các ngành các cấp, các chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2021 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND - UBND tỉnh. Chủ đầu tư chủ động rà soát khối lượng thực hiện đủ điều kiện để tiến hành nghiệm thu và lập thủ tục thanh toán, quyết toán ngay, không để dồn vào tháng cuối năm; rà soát nhu cầu sử dụng vốn năm 2021 của từng dự án để có đề xuất điều chuyển từ dự án thừa vốn hoặc không có khả năng giải ngân hết vốn sang dự án đang thiếu vốn và có nhu cầu bổ sung, không để dồn vào cuối năm mới đề xuất điều hòa vốn.
Ước thực hiện tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 năm 2021 đạt 480,87 tỷ đồng, tăng 35,52% so tháng trước và giảm 14,33% so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 254,19 tỷ đồng, tăng 33,58% so tháng trước và giảm 35,88% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 226,68 tỷ đồng, tăng 37,77% so tháng trước và tăng 37,5% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3.023,51 tỷ đồng, bằng 68,47% so với kế hoạch và giảm 23,84% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.821,83 tỷ đồng, bằng 65,54% so với kế hoạch và giảm 32,33% so cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 1.201,68 tỷ đồng, bằng 73,45% so kế hoạch và giảm 5,93% so cùng kỳ năm trước.
V. Thương mại, giá cả
1. Nội thương
Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chợ, nhà máy chế biến, khu, cụm công nghiệp được hoạt động bình thường trở lại, nhu cầu mua sắm của người dân đang có chiều hướng tăng, tổng mức bán lẻ trong tháng đã tăng so cùng kỳ, các ngành dịch vụ khác cũng tăng mạnh so tháng trước.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2021 đạt 7.513,74 tỷ đồng, tăng 6,24% so với tháng trước và giảm 1,74% so cùng kỳ. Trong đó, bán lẻ ước đạt 6.565,67 tỷ đồng, tăng 4,55% so tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 650,06 tỷ đồng, tăng 14,09% so tháng trước và giảm 15,31% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 298,02 tỷ đồng, tăng 33,77% so tháng trước và giảm 25,84% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 77.710,41 tỷ đồng, giảm 3,88% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 67.349,13 tỷ đồng, giảm 2,64%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 6.681,41 tỷ đồng, giảm 8,26%; dịch vụ khác ước đạt 3.679,87 tỷ đồng, giảm 16,10%.
2. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 năm 2021 giảm 0,38% so với tháng trước và tăng 3,52% so cùng kỳ. Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 3,77% (giá xăng, dầu tăng 7,94% từ 2 đợt điều chỉnh giá ngày 26/10/2021 và ngày 10/11/2021), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,28%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,71% (vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,99%; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 1,79%; giá điện tăng 7,26% do giá trở lại bình thường sau 2 tháng thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá điện theo Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ làm CPI chung tăng 0,27%; giá gas tăng 3,66% (từ 464.500 đồng/bình 12kg lên 481.500 đồng/bình 12kg), đóng góp vào mức tăng chung CPI là 0,39%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% (giá thuốc tăng 0,06% do thời tiết thay đổi thất thường dẫn đến dễ mắc bệnh về hô hấp nên nhu cầu sử dụng thuốc tăng, trong đó giá nhóm thuốc chống dị ứng tăng 0,40%; thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,38%; vitamin và khoáng chất tăng 0,30%); nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,12% do giá thiết bị điện thoại tăng 0,38%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,04% (dịch vụ thể thao tăng 0,76%; hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,65%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,21% (mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,47%; vật dụng về hỷ tăng 1,37%; vật dụng tang lễ, thờ cúng tăng 0,48%).
Có 5/11 nhóm có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,55% (giá lương thực giảm 0,04%; thực phẩm giảm 3,60%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,96%), đóng góp vào mức giảm chung CPI là 0,58%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,22% (rượu các loại giảm 0,05%; thuốc hút giảm 1,52%; nước giải khát có ga tăng 0,34%; bia tăng 2,15%); nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,76% (vải các loại giảm 2,02%; quần áo may sẵn giảm 0,74%; mũ nón giảm 1,66%; giày dép giảm 0,75%; dịch vụ may mặc giảm 0,58%; may mặc khác tăng 0,56% và dịch vụ giày dép tăng 0,89%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,04% (đồ dùng bằng nhựa giảm 1,45%; ly, cốc, lọ hoa giảm 0,02%; xà phòng và chất tẩy rửa giảm 0,37%); nhóm giáo dục giảm 0,02% (dịch vụ giáo dục giảm 8,64% do tỉnh thực hiện miễn học phí học kỳ I theo Nghị quyết số 72/NQ-HĐND tỉnh về quy định mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Long An; riêng văn phòng phẩm tăng nhẹ 0,02%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng đầu năm 2021 tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng 13,22%; nhóm giáo dục tăng 3,49%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 4,33%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,85%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,07%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,36%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,42%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%. Có 02/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ gồm: bưu chính viễn thông giảm 0,31% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%.
Chỉ số giá vàng tháng 11/2021 tăng 2,10% so với tháng trước, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm trước, giảm 2,07% so với tháng 12 năm 2020; chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2021 giảm 0,28% so với tháng trước, giảm 2,01% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,85% so với tháng 12 năm 2020. Lũy kế 11 tháng chỉ số giá vàng bình quân tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân giảm 0,76% so cùng kỳ.
VI. Vận tải, du lịch
Vận tải: Tháng 11/2021, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc khi vận tải hành khách được trở lại hoạt động và giao thương hàng hóa giữa các địa phương được thuận lợi.
Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 11 năm 2021 ước đạt 212,87 tỷ đồng, tăng 7,08% so tháng trước và giảm 3,02% so cùng kỳ. Trong đó, Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 23,82 tỷ đồng, tăng 49,85% so tháng trước và giảm 53,18% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 1.639,99 ngàn lượt người, tăng 32,63% so tháng trước và giảm 47,54% so cùng kỳ. Khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 35.302,92 ngàn lượt người.km, tăng 49,31% so tháng trước và giảm 58,41% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 105,01 tỷ đồng, tăng 1,64% so tháng trước và tăng 2,98% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 1.295,69 ngàn tấn, tăng 1,75% so tháng trước và tăng 1,48% so cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 109.600,12 ngàn tấn.km, tăng 1,97% so với tháng trước và tăng 1,31% so cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải 11 tháng năm 2021 ước đạt 2.219,82 tỷ đồng, giảm 1,57% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách đạt 377,18 tỷ đồng, giảm 36,83%% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 22.734,05 ngàn lượt người, giảm 35,97% so cùng kỳ; luân chuyển hành khách ước đạt 569.696,51 ngàn lượt người.km, giảm 38,54% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.120,21 tỷ đồng, tăng 2,33% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 13.715,01 ngàn tấn, tăng 0,56% so cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.086.046,95 ngàn tấn.km, tăng 0,76% so cùng kỳ.
Du lịch: Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đang từng bước được phục hồi sau đại dịch; công tác quảng bá, giới thiệu các khu du lịch, danh lam thắng cảnh được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong tháng 11, khách du lịch đến Long An ước đạt 30.000 lượt người, giảm 67% so với cùng kỳ, không có khách quốc tế; doanh thu ước đạt 15 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.
VII. Tài chính, tiền tệ
Tài chính: Lũy kế từ đầu năm đến ngày 19/11/2021, thu ngân sách nhà nước đạt 16.097,74 tỷ đồng, bằng 103,30% dự toán và tăng 7,62% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đạt 12.313,63 tỷ đồng, bằng 97,86% dự toán và giảm 0,94% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.236,98 tỷ đồng, bằng 82,47% dự toán và giảm 14,49% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.784,12 tỷ đồng, bằng 126,14% dự toán và tăng 49,69% so cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương là 11.640,72 tỷ đồng, bằng 84,10% dự toán tỉnh giao và giảm 6,91% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 4.771,12 tỷ đồng, bằng 109,84% dự toán và giảm 20,25% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 6.866,06 tỷ đồng, đạt 88,60% dự toán và tăng 5,28% so cùng kỳ.
Tiền tệ: Hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong 10 tháng đầu năm 2021 ổn định. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,0%-6,0%/năm đối với tiền gửi từ 6 - dưới 12 tháng; 5,6%-6,8%/năm đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; lãi suất cho vay phổ biến từ 5,0%-9,0%/năm đối với khoảng vay ngắn hạn và 9,0%-11,0%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.
Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 10/2021 ước đạt 82.035 tỷ đồng, tăng 7,52% so với đầu năm và tăng 10,79% so cùng thời điểm năm trước; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 93.156 tỷ đồng, tăng 13,66% so với đầu năm và tăng 19,11% so cùng thời điểm năm trước, trong đó: nợ xấu 486 tỷ đồng, tăng 3,40% so với đầu năm và giảm 42,21% so với cùng thời điểm năm trước.
VIII. Một số vấn đề xã hội
1. Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội
Trong tháng 11 năm 2021, tỉnh đã tập trung thực hiện công tác chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hoàn cảnh khó khăn, trẻ em là con sản phụ bị nhiễm Covid-19. Lũy kế từ đầu năm đến nay, hỗ trợ cho 75 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 150 triệu đồng; hỗ trợ 66 trẻ em mồ côi do Covid-19, số tiền 330 triệu đồng; 43 trẻ là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19, số tiền 43 triệu đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; vận động Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho 74 em mồ côi do Covid-19 với số tiền 155,4 triệu đồng và Báo Người Lao động hỗ trợ 10 em với số tiền 50 triệu đồng. Đến nay, Long An đã triển khai hỗ trợ cho 505.841 người thuộc các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 604 tỷ đồng.
2. Giáo dục
Tháng 11/2021 các cấp quản lý giáo dục và công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2021) phù hợp với tình hình chống dịch bệnh theo quy định. Tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú" lần thứ 15 của tỉnh Long An. Tổ chức thi tuyển viên chức bổ sung năm 2021 (vòng 1). Tổ chức thi giáo viên chủ nhiệm giỏi THPT cấp tỉnh năm 2021.
Tập huấn trực tuyến hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến hướng dẫn phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non của Bộ GDĐT tổ chức. Phối hợp trường ĐHSP.TPHCM khai giảng trực tuyến lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Từ ngày 01/11/2021, học viên, sinh viên cơ sở giáo dục được trở lại trường học trực tiếp. Khối mầm non đến học sinh Trung học phổ thông tiếp tục học trực tuyến và học qua truyền hình đến hết ngày 30/11/2021.
3. Y tế
Trong tháng 11 năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, công tác phòng chống dịch tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện nhằm mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân. Tính đến ngày 28/11/2021, toàn tỉnh ghi nhận 38.123 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (38.088 ca trong cộng đồng và 35 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi cho 35.628 ca, có 610 ca tử vong.
Một số bệnh truyền nhiễm khác được ghi nhận đến cuối tháng 10/2021 như: Bệnh sốt xuất huyết 1.423 ca (giảm 32,4%); bệnh lao phổi 325 ca (giảm 31,1%); bệnh cúm mùa 7.236 ca (giảm 32,8%); bệnh thủy đậu 175 ca (giảm 32,4%); bệnh tay chân miệng 1.829 (tăng 1,1 lần). Trong 10 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 2 ca chết do bệnh dại, 1 ca chết do bệnh tay chân miệng và 1 ca chết do bệnh sốt xuất huyết.
Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến cuối tháng 10 năm 2021 là 265 ca, giảm 77 ca so với cùng kỳ. Trong 10 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
4. Lao động, việc làm
Trong tháng 11/2021, Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đưa, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu về tỉnh Long An làm việc và người lao động đang cư trú tại Long An trở lại tỉnh, thành phố khác làm việc. Cấp giấy phép cho người lao động nước ngoài: cấp mới 282 lao động, cấp lại 05 lao động; thẩm định nội quy 05 doanh nghiệp; thẩm định, xác nhận 7 doanh nghiệp khai báo 65 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Có 1.316 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, lũy kế 19.321 người; trong đó xét duyệt 1.484 người, lũy kế 18.787 người; chi trợ cấp thất nghiệp 32,3 tỷ đồng, lũy kế 379,6 tỷ đồng; 7.211 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, lũy kế 132.649 lượt người.
5. Văn hóa - Thể thao
Văn hóa: Trong tháng 11, tỉnh đã tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 3/5/1968 và Lễ khánh thành Trường THPT Thiên Hộ Dương (thị xã Kiến Tường). Tổ chức tập huấn xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và gia đình tại 6 cụm cho 495 công chức làm công tác văn hóa - xã hội, thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã, trưởng ấp, khu phố thuộc 15 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Thể thao: Công tác tổ chức hoạt động TDTT trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố được triển khai thực hiện sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát với 30 giải thể thao như bóng bàn, cờ tướng, cầu lông, đá cầu, bóng chuyền, điền kinh, quần vợt. Triển khai kế hoạch tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em năm 2021 tại các huyện Đức Huệ, Bến Lức, Tân Thạnh,Thạnh Hóa, Châu Thành.
6. Tình hình cháy nổ, bảo vệ môi trường
Cháy, nổ: Trong tháng 11 năm 2021 (từ 15/10/2021 đến 14/11/2021) trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy, nổ.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/11/2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ cháy (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm trước); có 1 người chết và 1 người bị thương; tổng giá trị thiệt hại là 6.930 triệu đồng (giảm 16.705 triệu đồng).
Bảo vệ môi trường: Trong tháng 11 năm 2021 (từ 05/10/2021 đến 04/11/2021) trên địa bàn tỉnh không phát hiện vi phạm vệ sinh môi trường.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 04/11/2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 17 vụ so với cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 3.000 triệu đồng (giảm 1.636 triệu đồng).
7. Tai nạn giao thông: Trong tháng 11 năm 2021 (từ 15/10/2021 đến 14/11/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (tăng 11 vụ so tháng trước và tăng 4 vụ so cùng kỳ); làm chết 10 người (tăng 6 người so tháng trước và tăng 1 người so cùng kỳ); bị thương 9 người (tăng 4 người so tháng trước và tăng 1 người so cùng kỳ).
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/11/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông (giảm 43 vụ so cùng kỳ năm trước); làm chết 61 người (giảm 32 người); bị thương 60 người (giảm 31 người)./.
Cục Thống kê tỉnh Long An