Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 29/12/2021-10:09:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và cả năm 2021 của tỉnh Long An

Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp đó, trong quý III/2021, nhiều tỉnh, thành trong nước đã thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ và quyết liệt, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó chuỗi cung ứng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm bị gián đoạn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các công trình xây dựng, dự án,…gặp nhiều khó khăn, phải tạm dừng hoặc duy trì hoạt động với năng lực thấp, dẫn đến nhiều lao động bị thiếu việc làm, giảm thu nhập, cơ hội tìm kiếm việc làm thấp.

Tại Long An đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt trong quý III/2021 khi số ca mắc không ngừng tăng lên, để kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đã được tỉnh áp dụng, phần lớn các đơn vị sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm "3 tại chỗ" nhưng năng lực hoạt động chỉ đạt từ 10-50% so với bình thường, do đó chuỗi cung ứng hàng hóa gần như bị đứt gãy hoàn toàn. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm của UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, các Bộ ngành trung ương trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đến giữa tháng 9/2021 dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội dần được phục hồi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả cụ thể từng lĩnh vực như sau:

I. Tăng trưởng kinh tế

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh

Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2021 ước tính tăng 1,02%[1] so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất của nhiều năm qua[2] nhưng là mức tăng trưởng khá tốt trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn do Virus Sars-Cov-2 không ngừng biến đổi, nhiều biến chủng mới xuất hiện khiến diễn biến dịch bệnh rất khó lường (đặc biệt là biến chủng Delta). Trước diễn biến phức tạp đó, trong quý III/2021, nhiều tỉnh, thành trong nước, trong đó có Long An đã thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sản xuất bị trì trệ, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chi phí hoạt động và quản lý tăng. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,91% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,64%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,16% (cùng kỳ tăng 7,61%); khu vực dịch vụ giảm 0,47% (cùng kỳ tăng 3,92%); thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,22% (cùng kỳ tăng 6,46%).

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2021 theo giá so sánh 2010

Tỷ đồng; %

Thực hiện năm 2020

Ước tính năm 2021

Năm 2021 so năm 2020

TỔNG SỐ

80.626,94

81.447,73

101,02

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

13.365,26

13.753,61

102,91

Công nghiệp và xây dựng

40.375,35

40.842,84

101,16

Trong đó: Công nghiệp

37.129,92

37.472,08

100,92

Dịch vụ

21.438,40

21.336,76

99,53

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

5.447,93

5.514,52

101,22

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước. Chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng và vật nuôi đạt nhiều kết quả tích cực, sản lượng một số cây trồng chủ yếu của tỉnh tăng so cùng kỳ. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát chặt chẽ, kịp thời.Nuôi tôm nước lợ và cá tra thương phẩm tiếp tục phát triển. Ước cả năm 2021 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng đạt mức 2,91%, trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,08%, ngành lâm nghiệp giảm 0,44% và ngành thủy sản tăng 1,54%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng năm nay gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, len lỏi vào một số khâu sản xuất của doanh nghiệp. Để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, khoảng giữa tháng 7/2021 một số doanh nghiệp, dự án phải tạm dừng hoạt động, một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm "3 tại chỗ". Ngành công nghiệp của tỉnh ước cả năm tăng 0,92% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 7,50%), trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị tác động nặng nề nên chỉ tăng 0,79% (cùng kỳ tăng 7,30%); điểm sáng là ở ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,32% (cùng kỳ tăng 14,75%). Ngành xây dựng ước cả năm tăng 3,86% (giảm 5,06 điểm % so cùng kỳ), việc duy trì được mức tăng trưởng dương là một nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khá phức tạp và giá cả nguyên vật liệu leo thang.

Trong năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ khi các ca nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh vào tháng 7 năm 2021 để phòng chống dịch, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, nghiêm ngặt, hầu hết các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng. Những ngành bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19 như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 16,08%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 16,11%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 7,22%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 8,16%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (giảm 3,48%) và ngành vận tải (giảm 3,22%). Với mức giảm của các ngành trên đã góp phần làm cho tăng trưởng chung của cả khu vực dịch vụ giảm 0,47%. Ngoài các ngành có mức tăng trưởng âm thì trong khu vực dịch vụ vẫn có một số ngành có mức tăng trưởng khá tốt như ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 35,20%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 8,13%).

GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2021 ước đạt 80,08 triệu đồng, tăng 4,05% (tăng 3,12 triệu đồng) so cùng kỳ, tương đương 3.468 USD/người/năm (theo tỷ giá ngân hàng), tăng 4,61% (tăng 153 USD) so cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp, cụ thể: Khu vực I chiếm tỷ trọng 16,05% (tăng 0,13 điểm % so cùng kỳ), khu vực II chiếm 51,15% (tăng 0,81 điểm %), khu vực III chiếm 26,27% (giảm 0,95 điểm %), thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,53% (tăng 0,01 điểm %).

Cơ cấu kinh tế năm 2021 (theo giá hiện hành)

ĐVT: %

Cơ cấu



Tăng (+); giảm (-)

Năm 2020

Năm 2021

TỔNG SỐ

100,00

100,00

Nông, lâm nghiệp và thủy sản

15,92

16,05

0,13

Công nghiệp và xây dựng

50,34

51,15

0,81

Trong đó: Công nghiệp

46,73

47,43

0,70

Dịch vụ

27,22

26,27

-0,95

Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

6,52

6,53

0,01

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trong năm 2021, công tác điều hành sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đang được người dân quan tâm, nhất là việc áp dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao trong sản xuất. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và thông tin tuyên truyền được tăng cường, các chương trình dự án, chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai kịp thời, các thông tin về lịch gieo sạ, né rầy đã được người dân quan tâm. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng tập trung chuyển đổi các vùng trồng lúa hoặc cây trồng hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có giá trị gia tăng cao.

Chăn nuôi có chuyển biến tốt, đàn heo bước đầu tái đàn có tăng so với cùng kỳ, nhưng còn chậm; đàn gia cầm phát triển nhanh, một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi với quy mô lớn. Sản xuất lúa và cây lâu năm phát triển tương đối tốt, thời tiết thuận lợi, mưa sớm, đủ nguồn nước tưới, không bị ảnh hưởng do hạn mặn như năm 2020. Tình hình sâu bệnh phát sinh ít và chỉ cục bộ ở một số diện tích. Nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn (cá giống), giá giảm mạnh, riêng nuôi tôm nội địa, cá tra thương phẩm phát triển tốt, đạt năng suất, sản lượng cao, nuôi có hiệu quả.

Giá cả một số sản phẩm trong 7 tháng đầu năm có tăng so với cùng kỳ (lúa, chanh, khoai mỳ, khoai mỡ, thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, …). Tuy nhiên, từ tháng 8 trở đi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên giá sản phẩm nông sản đồng loạt giảm, tiêu thụ gặp khó khăn, giá thấp do thiếu thương lái, thiếu lao động khâu thu hoạch, tiêu thụ bị đứt gãy, hàng tồn kho nhiều, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân cũng như quá trình tái đầu tư cho vụ tiếp theo.

a. Nông nghiệp

Tổng diện tích xuống giống năm 2021 (gồm vụ mùa 2020-2021, vụ đông xuân 2020-2021, vụ hè thu 2021 và vụ thu đông 2021) ước đạt 511.344,9 ha, tăng 1,7% so cùng kỳ năm trước. Diện tích thu hoạch năm 2021 ước đạt 510.954,9 ha, tăng 1,8% so cùng kỳ; năng suất thu hoạch ước đạt 57,2 tạ/ha, tăng 1,5%; sản lượng thu hoạch ước đạt 2.923.804 tấn, tăng 3,3%.

- Lúa mùa 2020-2021: Diện tích gieo cấy đạt 1.736 ha, giảm 0,9% so với cùng kỳ (diện tích giảm do phát triển công nghiệp), tập trung ở 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc. Diện tích thu hoạch đạt 1.710 ha, giảm 2,3% so cùng kỳ. Năng suất đạt 34,4 tạ/ha, giảm 10,6% so cùng kỳ (năng suất giảm do thời tiết không thuận lợi, mưa không đủ nên thiếu nguồn nước tưới và bị xâm nhập mặn, một số diện tích bị sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, chuột, chim gây hại). Sản lượng thu hoạch đạt 5.878 tấn, giảm 12,7% so cùng kỳ.

- Lúa đông xuân 2020-2021: Diện tích gieo cấy đạt 225.865 ha, giảm 0,6% so cùng kỳ (diện tích giảm chủ yếu do chuyển đổi diện tích đất canh tác, xây dựng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, bỏ vụ không sản xuất,…). Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 225.865 ha, giảm 0,2% so cùng kỳ. Năng suất đạt 66,5 tạ/ha, tăng 2,2% so cùng kỳ. Năng suất tăng là do nhiều diện tích lúa gieo sạ đúng lịch thời vụ và gặp thời tiết thuận lợi không bị ảnh hưởng của sâu, bệnh. Sản lượng đạt 1.502.472 tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ.

- Lúa hè thu 2021: Diện tích gieo cấy đạt 221.121,9 ha, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đã thu hoạch xong, diện tích thu hoạch đạt 220.757,9 ha, tăng 0,4% so cùng kỳ. Năng suất đạt 50 tạ/ha, tăng 1,6% so cùng kỳ (năng suất tăng do người dân chú trọng hơn đến chất lượng nguồn giống, sử dụng các giống có chất lượng cao, kháng sâu bệnh). Sản lượng đạt 1.104.699 tấn, tăng 2,0% so cùng kỳ.

- Lúa thu đông 2021: Đã gieo sạ 62.622 ha, bằng 116,8% so với cùng kỳ năm 2020, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng, Tân Thạnh, Kiến Tường, Thạnh Hóa,... Diện tích tăng là do nước lũ năm nay về muộn và chậm hơn so với cùng kỳ, ngoài ra một số huyện có xây dựng hệ thống đê bao khép kín, được lắp đặt hệ thống máy bơm điện cho cả vùng nên người dân đã tăng diện tích sản xuất (Tân Hưng 2.231 ha, Kiến Tường 1.066 ha, Mộc Hóa 560 ha, Tân Thạnh 3.821 ha, Thạnh Hóa 1.344 ha, Tân Trụ 1.361 ha…). Bên cạnh đó, một số huyện phía nam có diện giảm nhiều như: Thủ Thừa 730 ha, Đức Huệ 700 ha…, những huyện này bỏ vụ không sản xuất thu đông, chuyển sang sản xuất vụ đông xuân sớm năm 2022 để tránh hạn, mặn. Diện tích thu hoạch ước đạt 62.622 ha, tăng 16,8% so cùng kỳ. Năng suất ước tính 49,6 tạ/ha, giảm 0,1% so cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 310.755 tấn, tăng 16,7% so cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ lúa: Hiện nay, giá lúa IR50404 từ 5.300-5.400 đồng/kg; OM 5451 từ 5.600-5.700 đồng/kg; OM 18 từ 5.800-6.000 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.000-6.200 đồng/kg, giá lúa ST24 từ 7.800-8.200 đồng/kg; giá nếp từ 5.000-5.200 đồng/kg.

Tình hình sâu bệnh: Hiện tại, trên lúa thu đông 2021 và lúa mùa 2021-2022 có một số sâu bệnh gây hại như: Bệnh đạo ôn cổ bông (255 ha), chuột (141 ha), bệnh cháy bìa lá (90 ha), bệnh vàng lá chín sớm (90 ha), bệnh lem lép hạt (30 ha), rầy nâu (24 ha) xuất hiện trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ và chín ở huyện Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ, Tân Trụ và thành phố Tân An. Trên lúa đông xuân 2021-2022 có bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 2.247 ha, sâu cuốn lá nhỏ (802 ha), chuột (737 ha), bệnh cháy bìa lá (666 ha), ốc bươu vàng (432 ha), sâu đục thân (220 ha), rầy nâu (175 ha), bệnh vàng lá sinh lý (42 ha),… xuất hiện rải rác trên lúa giai đoạn mạ-đẻ nhánh-đòng trổ ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Tân Trụ và TX. Kiến Tường.

Một số cây hàng năm khác

- Cây mía niên vụ 2020-2021: Diện tích mía trồng được là 62,1 ha, giảm 87,1% so cùng kỳ, trồng chủ yếu ở các huyện Bến Lức và Thủ Thừa. Hiện nay, tình hình tiêu thụ mía gặp nhiều khó khăn, giá thấp, nông dân chuyển sang cây trồng khác (lúa, mỳ và cây ăn quả). Đã thu hoạch xong, năng suất đạt 590,8 tạ/ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 3.668,8 tấn, giảm 86,7% so với cùng kỳ.

- Cây bắp: Diện tích gieo trồng 333,4 ha, giảm 76,0% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu trồng ở huyện Đức Hòa, diện tích giảm do giá sản phẩm đầu ra quá thấp và nhiều diện tích trồng đã được quy hoạch để phát triển công nghiệp. Năng suất đạt 47,8 tạ/ha, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng 1.595,3 tấn, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

- Sắn (mỳ): Diện tích gieo trồng 1.408,4 ha, giảm 27,5% so cùng kỳ, diện tích giảm do quy hoạch khu công nghiệp, khu hành chính, giá cả không ổn định. Năng suất đạt 137,6 tạ/ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Sản lượng đạt 19.381,4 tấn, giảm 26,6% so với cùng kỳ.

- Đậu phộng: Diện tích trồng đạt 271,9 ha, giảm 0,4%, diện tích trồng chủ yếu ở huyện Đức Hòa, năm nay diện tích giảm do thiếu nhân công, chi phí cao, sản xuất không có lãi nên nông dân chuyển sang trồng cỏ. Năng suất đạt 30,9 tạ/ha, giảm 2,7%. Sản lượng đạt 841,1 tấn, giảm 3,1% so cùng kỳ năm trước.

- Rau các loại năm 2021: Diện tích trồng 10.959,6 ha, tăng 0,7% so cùng kỳ. Diện tích tăng chủ yếu là trồng dưa hấu ở huyện Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Huệ do người dân luân canh chuyển đổi từ diện tích lúa nhằm mục đích cải tạo đất. Năng suất đạt 190,1 tạ/ha, tăng 2,1%. Sản lượng đạt 208.344,9 tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ năm trước.

Một số cây lâu năm chủ yếu

Tình hình sản xuất cây lâu năm năm 2021 có nhiều thuận lợi, thời tiết thích hợp cho sự phát triển của cây trồng. Người nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngắn ngày, cây kém hiệu quả sang cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế cao. Diện tích và sản lượng tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hướng lớn đến khâu thu mua và tiêu thụ sản phẩm, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, giá bán một số loại nông sản ở địa phương thấp dẫn đến lợi nhuận thu được của người sản xuất giảm so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây lâu năm sơ bộ hiện có của tỉnh là 32.866,7 ha, (tăng 2,9%) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu từ cây mít và một số cây lâu năm khác (chanh, ổi, dừa, …).

- Cây chanh: Diện tích sơ bộ đạt 11.419,9 ha, tăng 5,4% so cùng kỳ. Trong những năm gần đây trồng chanh có hiệu quả nên người dân đã chuyển đổi từ một số cây trồng không hiệu quả (mía, khoai mỡ,…) và cải tạo vườn tạp để phát triển. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên khâu tiêu thụ chanh gặp khó khăn, xuất khẩu chậm dẫn đến giá chanh thấp, không ổn định; giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh người dân không ra vườn chăm sóc được nên năng suất giảm 10,60 tạ/ha so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch đạt 153.567,1 tấn, tăng 12,2% so cùng kỳ.

- Cây thanh long: Diện tích hiện có 11.657,2 ha, giảm 1,4% so với năm trước. Diện tích trồng chủ yếu ở huyện Châu Thành, diện tích cây thanh long không có khả năng tăng do huyện Châu Thành là chủ lực đã trồng hết diện tích, các huyện còn lại ít phát triển thêm do giá thanh long năm nay không ổn định, mặt khác bị ảnh của dịch Covid-19 làm cho khâu tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu tư tăng cao. Sản lượng thu hoạch ước đạt 320.554,3 tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số cây lâu năm và cây ăn quả khác: Cây cao su diện tích hiện có 101,8 ha (giảm 23,2% so cùng kỳ), sản lượng sơ bộ đạt 111,9 tấn (tăng 57,61% so cùng kỳ); cây xoài diện tích hiện có là 526,7 ha (giảm 27,4%), sản lượng đạt 3.177,2 tấn (giảm 27,9%); cây dừa diện tích hiện có là 1.565,6 ha, (tăng 5,5%), sản lượng đạt 21.247,8 tấn (tăng 18,5%); cây chuối diện tích hiện có 649,9 ha (giảm 8,0%), sản lượng đạt 10.687,6 tấn (tăng 13,3%); cây dứa (thơm) diện tích hiện có 890,6 ha (giảm 3,4%), sản lượng đạt 18.898,8 tấn (giảm 6,4%); cây mít diện tích hiện có 2.643 (tăng 50,2%), sản lượng đạt 19.911,8 tấn (tăng 111,6%); cây ổi diện tích hiện có 453,8 ha (tăng 43,5%), sản lượng đạt 6.472,2 tấn (tăng 55,6%); cây mai diện tích hiện có 1.851,6 ha (giảm 2,2%), sản lượng đạt 497.233 cây (giảm 49,0%).

Trong năm 2021, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản thuận lợi. Chăn nuôi gia súc trâu, bò của tỉnh ổn định. Đàn gia cầm (gà) phát triển nhanh do có sự tham gia của một số doanh nghiệp đầu tư nuôi với quy mô lớn. Riêng việc tái đàn heo còn chậm do giá heo giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất nên việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các cơ sở chăn nuôi lớn, các hộ có điều kiện lại thận trọng trong việc tái đàn do tâm lý lo ngại dịch bệnh tái phát.

- Đàn trâu: Ước tại thời điểm 31/12/2021, đàn trâu có 6.030 con, giảm 0,1% so với thời điểm 31/12/2020. Đàn trâu giảm do hiệu quả kinh tế thấp, thời gian nuôi kéo dài và môi trường chăn thả bị thu hẹp, chỉ có một số cơ sở mua trâu bên Campuchia về nuôi vỗ béo bán lại cho cơ sở giết mổ. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước năm 2021 là 537 tấn, giảm 1,5% so cùng kỳ.

- Đàn bò: Ước tại thời điểm 31/12/2021, là 112.980 con, tăng 0,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, ước đàn bò sữa 19.092 con (giảm 50 con), bò cái sữa 12.068 con (giảm 55 con), bò thịt 93.888 con (tăng 346 con). Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước năm 2021 là 4.670 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ. Sản lượng sữa tươi 36.956,7 tấn, tăng 3,2% so cùng kỳ.

- Đàn dê: Ước tại thời điểm 31/12/2021 là 7.850 con, tăng 0,4% so với thời điểm 31/12/2020. Sản lượng thịt dê hơi xuất chuồng là 63,2 tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ.

- Đàn lợn: Tổng đàn lợn của tỉnh ước tại thời điểm 31/12/2021 là 105.183 con, tăng 28,9% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước năm 2021 là 19.172,3 tấn, tăng 16,6% so cùng kỳ.

- Đàn gia cầm: Tổng đàn gia cầm ước thời điểm 31/12/2021 là 8.856,3 ngàn con, giảm 2,0% so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó: Đàn gà là 7.265 ngàn con, giảm 1,5%. Đàn vịt, ngan, ngỗng là 1.591,3 ngàn con, giảm 4,2%. Đàn vịt, ngan, ngỗng nuôi không ổn định, nông dân phát triển đàn theo giá cả thị trường, nếu sản phẩm có giá thì nông dân phát triển đàn nuôi và ngược lại.

Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước năm 2021 là 40.042,3 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt gà hơi xuất chuồng là 31.097,1 tấn, tăng 9,6% so cùng kỳ; sản lượng thịt vịt, ngan, ngỗng hơi xuất chuồng là 8.945,1 tấn, giảm 7,5% so cùng kỳ. Sản lượng trứng gia cầm các loại ước năm 2021 là 627,3 triệu quả, tăng 18,5%. Trong đó, trứng gà là 521,2 triệu quả (tăng 21,2%); trứng vịt, ngan, ngỗng là 106,1 triệu quả (tăng 6,9%).

Tình hình dịch bệnh: Lũy kế từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở 13 huyện/thành phố (Thủ Thừa, TP. Tân An, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước, Tân Trụ, Tân Thạnh, Tân Hưng và TX Kiến Tường), tổng số lợn bệnh tiêu hủy là 1.851 con; 1 ổ dịch Cúm gia cầm tại huyện Thạnh Hóa với tổng số con tiêu hủy 91 con; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò ở 12 huyện (Đức Huệ, Đức Hòa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Bến Lức, Thạnh Hóa, TP. Tân An, Mộc Hóa, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Cần Đước và Tân Trụ), tổng số vật nuôi bệnh 714 con (chết và tiêu hủy 205 con); bệnh dại trên động vật xảy ra 2 ổ dịch tại huyện Bến Lức và Tân Hưng với tổng số con tiêu hủy là 2 con.

Công tác phòng chống dịch bệnh: Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò 107.108.355 liều; bệnh lở mồm long móng 105.945 liều (heo 48.210 liều, trâu bò 57.442 liều, dê 293 liều); bệnh cúm gia cầm 2.368.855 liều; bệnh dại 73.003 liều; bệnh heo tai xanh 1.679 liều.

Tình hình tiêu thụ: Hiện nay, giá gà thả vườn từ 67.000-68.000 đồng/kg; giá vịt từ 41.000-42.000 đồng/kg; giá heo hơi từ từ 4,8-5,2 triệu đồng/tạ.

b. Lâm nghiệp

Diện tích đất có rừng của tỉnh hiện nay là 22.497,09 ha, gồm: Rừng sản xuất là 18.449,02 ha, rừng đặc dụng là 1.961,44 ha và rừng phòng hộ là 2.086,63 ha.

Tình hình trồng rừng: Trong năm 2021, diện tích rừng trồng mới là 729,13 ha (giảm 44,4% so cùng kỳ), diện tích giảm do đất trồng ngày càng thu hẹp, chủ yếu chăm sóc cây phân tán đã thu hoạch sản phẩm cho tái sinh. Cây phân tán trồng được 1.221,9 nghìn cây (tăng 36,5% so cùng kỳ).

Tình hình chăm sóc rừng: Trong năm 2021, có 5.715 ha diện tích rừng được chăm sóc, tăng 4,4% so cùng kỳ. Chủ yếu là chăm sóc trên diện tích mới khai thác và trồng lại trong 3 năm gần đây.

Tình hình khai thác: Trong năm 2021, khai thác đạt 138.945 m3 gỗ (tăng 0,2% so cùng kỳ), chủ yếu là gỗ bạch đàn và tràm bông vàng. Củi khai thác được 255.900 ster, bằng 99,98% cùng kỳ. Tre khai thác được 957 nghìn cây, tăng 0,2%.

c. Thủy sản

Năm 2021, hoạt động thủy sản đầu vụ gặp không ít khó khăn do dịch bệnh còn phát sinh, môi trường nuôi không thuận lợi (hạn, mặn kéo dài ảnh hưởng đến nuôi tôm nước lợ); giá cả một số sản phẩm cá nước ngọt, cá giống giảm mạnh, làm cho người nuôi ngại đầu tư, phát triển. Mặc khác, tình hình khai thác ngày càng khó khăn do phương tiện ngày càng giảm, giãn cách xã hội kéo dài, tình hình lũ đầu nguồn ngày càng nhỏ nguồn thủy sản khan hiếm. Do đó, đã ảnh hưởng lớn đến tổng sản lượng thủy sản trong năm.

Diện tích thủy sản nuôi: diện tích nuôi năm 2021 là 8.583,7 ha, tăng 0,5% so cùng kỳ (tăng chủ yếu là diện tích nuôi cá tra thương phẩm và nuôi tôm thẻ nước ngọt). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 doanh nghiệp tư nhân đầu tư nuôi cá tra với quy mô lớn (tăng 45,7 ha so năm 2020), diện tích nuôi tôm tăng là do nông dân các huyện phía Bắc vùng Đồng Tháp Mười phát triển nuôi tôm nước ngọt (tăng 204,9 ha). Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 587,9 ha (giảm 5,2%), diện tích nuôi tôm thẻ 5.884,7 ha (tăng 1,6%), cá tra nuôi công nghiệp 262,8 ha (tăng 21,1%).

Diện tích thu hoạch: Diện tích thu hoạch thủy sản nuôi trồng năm 2021 ước đạt 7.725,5 ha, tăng 2,2% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích thu hoạch tôm sú 565,7 ha (giảm 1,8%), diện tích thu hoạch tôm thẻ chân trắng 4.918,9 ha (tăng 3,9%), cá tra nuôi công nghiệp 167,2 ha (tăng 20%).

Sản lượng thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 ước đạt 71.041,3 tấn, giảm 1,5% so cùng kỳ, bao gồm:

- Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 64.853,2 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ. Trong đó, tôm sú đạt 1.220,0 tấn (tăng 4,4%), tôm thẻ chân trắng đạt 14.705,0 tấn (tăng 6,1%), cá tra nuôi công nghiệp đạt 30.630,0 tấn (tăng 11,7%).

- Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 6.188,1 tấn, giảm 38,0% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác biển đạt 3.219,1 tấn (giảm 54,6%), khai thác nội địa đạt 2.969,0 tấn (tăng 2,6%).

Sản xuất giống thủy sản: Trong năm 2021, sản xuất cá tra giống giảm mạnh, giá cá tra giống hiện nay từ 18-20 nghìn đồng/kg, giá dưới giá thành (giá thành 20-21 nghìn đồng/kg), tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ đã không nuôi tiếp hoặc nuôi cầm chừng chờ giá tăng. Hiện nay diện tích thả nuôi chỉ bằng 60% so cùng kỳ.

Tình hình tiêu thụ: Hiện nay, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60-70 con/kg, giá từ 145.000-175.000 đồng/kg; cỡ 100-110 con/kg, giá từ 100.000-125.000 đồng/kg; giá tôm sú cỡ 40-50 con/kg, giá từ 145.000-175.000 đồng/kg; cỡ 70-80 con/kg, giá từ 95.000-100.000 đồng/kg.

3. Sản xuất công nghiệp

Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong quý 3/2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh đã chịu tác động nặng nề khi Tỉnh áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đa số doanh nghiệp, dự án phải tạm dừng hoạt động, một số khác vẫn duy trì hoạt động khi đáp ứng được phương châm "3 tại chỗ" tuy nhiên năng lực hoạt động chỉ đạt từ 10-50% so với bình thường, lượng hàng hóa tồn kho nhiều, đơn hàng bị hoãn, xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí thuê kho chứa hàng, chi phí chống dịch, chi phí hỗ trợ nhân công, chi phí hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ",… Sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, ngày 15/10/2021 Tỉnh thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", UBND tỉnh cùng các ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động và công nhân quay trở lại làm việc bình thường, đặc biệt chú trọng biện pháp 5K. Do đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đến cuối năm đã có chiều hướng phát triển khả quan hơn so với những tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 năm 2021 tăng 4,26% so tháng trước và tăng 13,77% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,42% so tháng trước và tăng 14,31% so cùng kỳ, công nghiệp điện bằng với tháng trước và tăng 1,22% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 0,79% so tháng trước và tăng 0,14% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV năm 2021 tăng 40,90% so quý trước và tăng 5,33% so cùng kỳ. Trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 41,59% so quý trước và tăng 5,65% so cùng kỳ, công nghiệp điện tăng 31,70% so quý trước và giảm 2,33% so cùng kỳ, công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 3,83% so quý trước và giảm 0,11% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 giảm 1,15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,29%, công nghiệp điện tăng 1,26% và công nghiệp cung cấp nước, xử lý chất thải tăng 4,83%.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 12/2021 gồm: hạt điều khô 6.929,40 tấn, tăng 3,59% so tháng trước và tăng 22,51% so với cùng kỳ năm trước; gạo xay xát 313,23 nghìn tấn, tăng 2,93% so tháng trước và tăng 23,47% so với cùng kỳ; thức ăn gia súc 107,72 nghìn tấn, tăng 3,82% so tháng trước và tăng 12,47% so với cùng kỳ; nước khoáng không ga 27,13 triệu lít, tăng 11,76% so tháng trước và tăng 1,12% so với cùng kỳ; vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp 26.460,53 nghìn m2, tăng 5,78% so tháng trước và tăng 111,24% so với cùng kỳ; túi xách 1.875,59 nghìn cái, tăng 7,30% so tháng trước và tăng 20,30% so với cùng kỳ; áo sơ mi cho người lớn dệt kim hoặc đan móc 12.399,54 nghìn cái, tăng 5,63% so tháng trước và tăng 11,87% so với cùng kỳ; sợi xe từ các loại sợi tự nhiên (bông, đay, lanh, xơ dừa, cói) 6.476,4 tấn, giảm 1,63% so tháng trước, tăng 19,3% so cùng kỳ; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) 96.949,9 m3 tăng 9,42% so tháng trước và giảm 1,5% so cùng kỳ; điốt phát sáng 95.000 nghìn chiếc, tăng 9,42% so tháng trước và giảm 5,3% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm chủ yếu quý IV năm 2021 gồm: hạt điều khô 19.478,8 tấn, tăng 18,4% so quý trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; gạo xay xát 885,59 nghìn tấn, tăng 22,14% so quý trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; thức ăn gia súc 306,25 nghìn tấn, tăng 17,4% so quý trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; nước khoáng không ga 75,40 triệu lít, tăng 38,0% so quý trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp 70.618,4 nghìn m2, tăng 71,62% so quý trước và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm trước; túi xách 5.017,3 nghìn cái, tăng 25,04% so quý trước và tăng 28,0% so với cùng kỳ năm trước; ba lô 3.880,2 nghìn cái, tăng 332,28% so tháng trước và tăng 29,8% so với cùng kỳ.

Lũy kế đến cuối năm 2021 có 29/73 nhóm sản phẩm có tốc độ tăng so cùng kỳ, trong đó: 03 nhóm sản phẩm tăng trên 20% là nhóm vải dệt thoi từ sợi tơ tổng hợp đạt 194.796,1 nghìn m2 (tăng 56,8%); nhóm dịch vụ phụ thuộc liên quan đến in đạt 243,71 tỷ đồng (tăng 27,7%); nhóm điện mặt trời đạt 257 triệu Kwh (tăng 91,8%); có 07 nhóm sản phẩm tăng từ 10% - 20% như nhóm bia đóng chai đạt 2.747 nghìn lít (tăng 17,9%); nhóm bia đóng lon đạt 16.094 nghìn lít (tăng 11,0%); nhóm sợi xe từ các loại sợi tự nhiên đạt 63,07 nghìn tấn (tăng 13,6%); nhóm sắt, thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm đạt 89,87 nghìn tấn (tăng 13,4%);…Có 19 nhóm sản phẩm tăng trưởng dưới 10% như nhóm dịch vụ vận hành hệ thống thoát nước đạt 13 tỷ đồng (tăng 8,5%); nhóm thức ăn cho thủy sản đạt 988,19 nghìn tấn (tăng 8,4%); nhóm dây cách điện đơn dạng cuộn bằng đồng đạt 14,61 nghìn tấn (tăng 4,2%); nhóm thiết bị dùng cho dàn giáo, ván khuôn, vật chống hoặc cột trụ chống hầm lò bằng sắt, thép, nhôm đạt 465,54 nghìn tấn (tăng 8,5%);… Số nhóm sản phẩm có tốc độ giảm là 43/73, trong đó một số nhóm có mức giảm mạnh so cùng kỳ như: nhóm ba lô (giảm 43,4%); nhóm áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc (giảm 62,9%); nhóm sản phẩm in khác (giảm 51,9%); nhóm sắt, thép không hợp kim cán phẳng (giảm 43,0%); nhóm thiết bị bán dẫn khác (giảm 33,3%);… Riêng nhóm các bộ phận của giày, dép có sản lượng ước bằng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 giảm 2,71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành có lượng tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: ngành in, sao chép bản ghi các loại giảm 92,52%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 75,13%; ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 51,01%; ngành dệt giảm 22,75%; ngành sản xuất thuốc lá giảm 23,96%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 17,88%;…

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 năm 2021 tăng 14,76% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 16,14%; ngành dệt tăng 47,23%; ngành sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 40,41%; ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 40,03%; ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,54%;…

4. Hoạt động doanh nghiệp

Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, công tác thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bước sang quý III dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác thu hút các dự án đầu tư vào tỉnh, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm giảm 17%, điểm sáng là số doanh nghiệp hoạt động trở lại và số vốn đầu tư dự án FDI tăng so với cùng kỳ; trong đó có dự án nhà máy điện LNG Long An I và II với vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, trong thời gian tới việc đầu tư xây dựng và khai thác 2 Nhà máy điện này chính là bước ngoặt quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Long An nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Đầu tư trong nước: Trong năm 2021, có 1.226 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 17% so cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký là 23.495 tỷ đồng (tăng 4,9%); có 154 doanh nghiệp giải thể (giảm 55%); tạm ngừng hoạt động kinh doanh 280 doanh nghiệp (giảm 6%); có 249 doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động và hiện nay đã có thông báo hoạt động trở lại (tăng 47%).

Đầu tư nước ngoài: Trong năm, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 47 dự án FDI (giảm 32,9% so cùng kỳ), tổng số vốn đăng ký 3.332,7 triệu USD (tăng 1.120,8%). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.127 dự án với vốn đăng ký 9.385,2 triệu USD; trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 3.624 triệu USD.

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh tại 114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có 65 doanh nghiệp (chiếm 57,02%) đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý IV/2021 khả quan hơn quý III/2021; 32 doanh nghiệp (chiếm 28,07%) đánh giá là giữ ổn định và 17 doanh nghiệp (chiếm 14,91%) đánh giá là khó khăn hơn. Đánh giá tình hình sản xuất trong quý tiếp theo, theo kết quả điều tra có 47 doanh nghiệp (chiếm 41,23%) đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh quý I/2022 sẽ khả quan hơn quý IV/2021; 49 doanh nghiệp (chiếm 42,98%) đánh giá là giữ ổn định và 18 doanh nghiệp (15,79%) đánh giá là khó khăn hơn.

5. Đầu tư phát triển

Trong năm 2021, tỉnh đã triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện các công trình thuộc Chương trình đột phá, 03 công trình trọng điểm của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI theo kế hoạch đề ra. Triển khai thực hiện các công trình giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh như Đường tỉnh 824 đoạn từ Tua Một đến cầu Kênh Ranh, huyện Đức Hòa; Đường tỉnh 827E; Đường vào cầu Rạch Dơi; Đường tỉnh 823D (trục mở mới Tây Bắc kết nối Long An - TP. Hồ Chí Minh). Nhiều công trình có tổng mức đầu tư lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm như: Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Mộc Hóa (524,17 tỷ đồng), Bệnh viện đa khoa khu vực Cần Giuộc (387,42 tỷ đồng), Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Hóa (227,41 tỷ đồng), Trường Trung học phổ thông Thiên Hộ Dương (140,9 tỷ đồng), Nâng cấp đường ra Biên giới Bình Phong Thạnh - Bình Thạnh (99,99 tỷ đồng),… đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện quý IV năm 2021 ước đạt 10.490,82 tỷ đồng, tăng 38,8% so quý trước và giảm 20,4% so cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.691,19 tỷ đồng, tăng 80,6% so quý trước và giảm 16,1% so cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước đạt 5.770,96 tỷ đồng, tăng 12,9% so quý trước và giảm 22,4% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2.028,67 tỷ đồng, tăng 112,5% so quý trước và giảm 23,7% so cùng kỳ.

Tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện năm 2021 ước đạt 36.763,68 tỷ đồng, giảm 15,4% so cùng kỳ năm trước và chiếm 26,60% GRDP, bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.958,61 tỷ đồng, giảm 13,8%; vốn ngoài nhà nước ước đạt 22.334,70 tỷ đồng, giảm 14,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7.470,38 tỷ đồng, giảm 17,5%.

6. Thương mại, giá cả

a. Nội thương

Tình hình thương mại, dịch vụ của tỉnh trong những tháng đầu năm vẫn duy trì với mức tăng trưởng tương đối ổn định; thị trường hàng hóa dồi dào và phong phú, đa dạng về mẫu mã cũng như chủng loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021 trở đi, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hầu hết các hoạt động dịch vụ, thương mại không thiết yếu phải tạm ngưng hoạt động, kể cả chợ truyền thống dẫn đến doanh thu giảm mạnh, nhất là doanh thu các ngành dịch vụ như lưu trú, ăn uống và du lịch, người dân hạn chế ra đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu mua sắm của người dân, phần lớn người dân chỉ mua tại các cửa hàng mua sắm tiện ích hoặc mua online những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Từ giữa tháng 9/2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, kinh tế tỉnh từng bước được phục hồi, phát triển trong trạng thái bình thường mới; các hoạt động thương mại, dịch vụ được hoạt động trở lại, các chợ truyền thống mở cửa, nhu cầu mua sắm người dân tăng lên; lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống bán tại chỗ cũng nhộn nhịp hơn; tuy nhiên ảnh hưởng dịch bệnh quá nặng nề nên ngành thương mại, dịch vụ vẫn còn giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12 năm 2021 ước đạt 7.777,44 tỷ đồng, tăng 2,95% so tháng trước và giảm 0,97% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ ước đạt 6.767,13 tỷ đồng, tăng 2,62% so tháng trước và tăng 1,42% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 676,02 tỷ đồng, tăng 4,59% so tháng trước và giảm 12,85% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 334,29 tỷ đồng, tăng 6,45% so tháng trước và giảm 17,60% so cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV năm 2021 ước đạt 22.404,61 tỷ đồng, tăng 74,89% so quý trước và giảm 3,05% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 19.641,35 tỷ đồng, tăng 66,46% so quý trước và tăng 0,54% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 1.892,15 tỷ đồng, tăng 138,62% so quý trước và giảm 16,05% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 871,10 tỷ đồng, tăng 298,76% so quý trước và giảm 33,96% so cùng kỳ.

Ước cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 85.528,84 tỷ đồng, giảm 3,57% so cùng kỳ. Trong đó: bán lẻ hàng hóa ước đạt 74.144,94 tỷ đồng, giảm 2,24%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 7.353,73 tỷ đồng, giảm 8,75%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.030,17 tỷ đồng, giảm 15,89%.

b. Giá cả

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2021 giảm 0,19% so với tháng trước và tăng 2,98% so cùng kỳ. Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó: tăng cao nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,50%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,10%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,03%; nhóm giáo dục tăng 0,01%. Có 4/11 nhóm có CPI giảm là nhóm giao thông giảm 2,03%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,20%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,09%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,06%. Nhóm Bưu chính viễn thông có chỉ số giá không đổi.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 4 năm 2021 tăng 3,56% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: nhóm giao thông tăng 22,53%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,75%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,26%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,05%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,97%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,83%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,38%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,37%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,35%; nhóm giáo dục giảm 4,94%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với cùng kỳ, trong đó: Nhóm giao thông tăng cao nhất 13,75%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 4,29%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,22%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,75%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,17%; nhóm giáo dục tăng 2,54%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,66%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,48%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,20%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,31%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,04%.

Chỉ số giá vàng tháng 12/2021 giảm 0,89% so với tháng trước và giảm 2,94% so với cùng kỳ. Bình quân quý IV năm 2021, chỉ số giá vàng giảm 3,0% so cùng kỳ và bình quân năm 2021 tăng 7,35%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,78% so với tháng trước và giảm 1,08% so với cùng kỳ. Bình quân quý IV năm 2021, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,62% so cùng kỳ và bình quân năm 2021 giảm 0,79%.

7. Vận tải, du lịch

a. Vận tải

Trong năm ngành vận tải cũng như các ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh khác cũng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 do thực hiện giãn cách xã hội, người dân hạn chế đi lại khi không cần thiết. Từ giữa tháng 9/2021 đến nay, khi dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, các biện pháp phòng, chống dịch được nới lỏng, các hoạt động vận tải được hoạt động trở lại đã góp phần cho ngành từng bước được phục hồi. Ước tính doanh thu vận tải, kho bãi năm 2021 giảm 1,60% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hành khách giảm 36,63%; khối lượng vận chuyển hàng hóa tăng 0,13% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi tháng 12 năm 2021 ước đạt 214,69 tỷ đồng, tăng 2,90% so tháng trước và tăng 0,10% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 27,63 tỷ đồng, tăng 13,32% so tháng trước và giảm 48,03% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 99,84 tỷ đồng, tăng 1,16% so tháng trước và giảm 4,12% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 1.779,83 nghìn lượt người, tăng 9,02% so tháng trước và giảm 43,75% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 41.105,46 nghìn lượt người.km, tăng 9,84% so tháng trước và giảm 51,47% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 1.247,15 nghìn tấn, tăng 0,53% so tháng trước và giảm 0,21% so cùng kỳ; luân chuyển được 105.904,44 nghìn tấn.km, tăng 0,31% so tháng trước và giảm 2,79% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi quý IV năm 2021 ước đạt 622,12 tỷ đồng, tăng 25,78% so quý trước và giảm 0,59% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 67,91 tỷ đồng, tăng 199,05% so quý trước và giảm 56,01% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 301,85 tỷ đồng, tăng 3,39% so quý trước và giảm 1,89% so cùng kỳ. Khối lượng vận chuyển hành khách ước 4.648,95 nghìn lượt người, tăng 165,46% so quý trước và giảm 51,25% so cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 102.171,36 nghìn lượt người.km, tăng 139,50% so quý trước và giảm 60,70% so cùng kỳ. Khối lượng vận tải hàng hóa ước đạt 3.761,12 nghìn tấn, tăng 6,51% so quý trước và giảm 0,74% so cùng kỳ; luân chuyển được 318.959,09 nghìn tấn.km, tăng 14,79% so quý trước và giảm 1,47% so cùng kỳ.

Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp, dịch vụ bến bãi năm 2021 ước đạt 2.430,28 tỷ đồng, giảm 1,60% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách là 405,38 tỷ đồng, giảm 37,65%; vận tải hàng hóa là 1.213,74 tỷ đồng, tăng 1,25%. Khối lượng vận chuyển hành khách đạt 24.506,46 nghìn lượt người, giảm 36,63% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hành khách là 612.920,65 nghìn người.km, giảm 39,41%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa là 14.907,07 nghìn tấn, tăng 0,13% so cùng kỳ năm trước; khối lượng luân chuyển hàng hóa là 1.187.927,44 nghìn tấn.km, tăng 0,10%.

b. Du lịch

Hoạt động du lịch trong năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được hoạt động khi đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 nhưng hầu như không có khách. Nhiều lao động của ngành phải tạm ngưng công việc, nghỉ không hưởng lương trong thời gian giãn cách xã hội, một số lao động phải chuyển sang ngành nghề khác mưu sinh. Ước năm 2021, lượng khách du lịch chỉ đạt 350.000 lượt người (không có khách quốc tế), đạt 38% so với kế hoạch và giảm 57% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 180 tỷ đồng, bằng 36% so với kế hoạch và giảm 58% so với cùng kỳ.

8. Tài chính, tiền tệ, bảo hiểm

a. Tài chính

Triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2021 trong điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Long An nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thu ngân sách nhà nước đến ngày 28/12/2021 đạt 18.468,63 tỷ đồng, đạt 118,52% dự toán và tăng 2,21% so cùng kỳ. Trong đó: thu nội địa đạt 14.224,80 tỷ đồng, bằng 113,05% dự toán và giảm 5,35% so cùng kỳ (thu xổ số kiến thiết 1.301,73 tỷ đồng, bằng 86,78% dự toán và giảm 20% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 4.243,83 tỷ đồng, bằng 141,46% dự toán và tăng 39,59% so cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương đến ngày 28/12/2021 đạt 14.410,61 tỷ đồng, bằng 104,11% dự toán và giảm 1,61% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 6.140,87 tỷ đồng, bằng 141,38% dự toán và giảm 12,87% so cùng kỳ; chi thường xuyên là 8.266,15 tỷ đồng, bằng 106,66% dự toán và tăng 8,84% so cùng kỳ.

b. Tiền tệ

Hoạt động tiền tệ trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 phát triển ổn định. Cơ cấu tín dụng luôn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như: Nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đảm bảo thanh khoản, hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. Lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn; 4,0%-6,0% đối với tiền gửi từ 6-12 tháng; 5,6%-6,8%/năm đối với tiền gửi trên 12 tháng. Lãi suất cho vay từng bước được điều chỉnh giảm nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ, cá nhân do tác động của dịch bệnh Covid 19. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 5%-9%/năm; trung, dài hạn khoảng 9%-11%/năm.

Ước tính đến 31/12/2021, vốn huy động đạt 84.047 tỷ đồng, tăng 10,16% so với đầu năm; trong đó, vốn huy động ngắn hạn: 60.650 tỷ đồng, tăng 10,20% so với đầu năm; vốn huy động trung, dài hạn: 23.397 tỷ đồng, tăng 10,06% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay đạt 96.063 tỷ đồng, tăng 17,21% so với đầu năm; trong đó, cho vay ngắn hạn: 61.678 tỷ đồng, tăng 22,7% so với đầu năm; cho vay trung, dài hạn: 34.385 tỷ đồng, tăng 8,50% so với đầu năm. Nợ xấu 500 tỷ đồng (tăng 30 tỷ đồng).

c. Bảo hiểm

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại đáng kể đến tình hình kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm dừng hoạt động, người lao động không có việc làm phải ngưng việc, nghỉ việc… đã gây ra không ít khó khăn cho công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), công tác thu và giảm nợ đọng trong năm 2021.

Ước tính đến ngày 31/12/2021, toàn tỉnh có 340.016 người tham gia BHXH, giảm 3,0% so với cùng kỳ; 1.441.931 người tham gia BHYT, giảm 1,51% và 312.706 người tham gia BHTN, giảm 3,28% so cùng kỳ.

Tổng số thu bảo hiểm năm 2021 ước đạt 7.246,54 tỷ đồng, giảm 6,83% so với năm 2020, trong đó: thu BHXH đạt 5.126,88 tỷ đồng, giảm 5,82%; thu BHYT đạt 1.733,74 tỷ đồng, giảm 9,27%; thu BHTN đạt 385,92 tỷ đồng, giảm 8,85% so cùng kỳ năm trước.

Tổng số chi bảo hiểm năm 2021 ước đạt 4.298,31 tỷ đồng, tăng 9,12% so với năm 2020, trong đó: chi BHXH đạt 3.257,71 tỷ đồng, tăng 19,45%; chi BHYT đạt 517,08 tỷ đồng, giảm 23,54%; chi BHTN đạt 523,52 tỷ đồng, giảm 2,21% so cùng kỳ năm trước.

II. Một số vấn đề xã hội

1.Đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội

Trong năm 2021, chính sách người có công và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời đặc biệt trong thời gian toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội không phát sinh hộ đói. Công tác kiểm tra đảm bảo giao thông được thực hiện thường xuyên, không xảy ra sự cố mất an toàn giao thông do yếu tố cầu, đường. Cung cấp điện, nước cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo. Hệ thống thông tin trọng điểm của tỉnh hoạt động ổn định, thông tin liên lạc thông suốt. Tổ chức thăm và tặng quà cho 42.122 đối tượng có công với cách mạng số tiền 7,82 tỷ đồng; thăm, tặng 4.174 quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt với số tiền 2,1 tỷ đồng. Phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện Chương trình "Cặp lá yêu thương", hỗ trợ cho 36 trẻ em nghèo vượt khó có cơ hội đến trường với số tiền 7.200.000 đồng.

Thăm và hỗ trợ cho cho 75 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 150 triệu đồng (trong đó 68 em từ nguồn ngân sách và 7 em từ nguồn vận động); hỗ trợ 66 trẻ em mồ côi do Covid-19, số tiền 330 triệu đồng; 43 trẻ là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19, số tiền 43 triệu đồng từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; vận động Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho 74 em mồ côi do Covid-19 với số tiền 155,4 triệu đồng và Báo Người Lao động hỗ trợ 10 em với số tiền 50 triệu đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tính đến nay, tỉnh Long An đã triển khai hỗ trợ cho 517.174 người thuộc các nhóm đối tượng với tổng kinh phí 649,62 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tỉnh còn trợ cấp đột xuất cho 57 trường hợp với kinh phí 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 5.529 hộ nghèo với số tiền 2,7 tỷ đồng và 499 hộ Việt kiều Campuchia với số tiền 0,25 tỷ đồng. Trong năm 2021, cơ sở cai nghiện ma túy Long An tiếp nhận 252 học viên, tái hòa nhập cộng đồng 241 học viên. Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy Long An đang quản lý 520 học viên (có 12 nữ); trong đó 519 học viên bắt buộc và 01 học viên tự nguyện.

2.Giáo dục

Triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như cho phép học sinh trên địa bàn tỉnh được nghỉ học để phòng, chống dịch; thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", tổ chức các hình thức dạy học phù hợp để giúp học sinh hoàn thành chương trình theo quy định. Chuẩn bị năm học mới 2021-2022 phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa lớp 6; ban hành Quyết định Phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, năm học 2020-2021.

Tổ chức cho học sinh cấp trung học phổ thông (kể cả giáo dục thường xuyên) đi học trở lại kể từ ngày 06/12/2021; cấp THCS (lớp 7, lớp 8, lớp 9) đi học lại kể từ ngày 20/12/2021; khối mầm non đến học sinh tiểu học học trực tuyến và học qua truyền hình đến hết ngày 02/01/2022 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh nâng chuẩn; triển khai các lớp đào tạo nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định số 71 của Chính phủ. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học, trình độ đào tạo; tăng cường bồi dưỡng năng lực giáo viên các cấp học, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiếng Anh đạt trình độ theo quy định của Bộ Giáo giáo và Đào tạo; phối hợp với trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh; khuyến khích các cơ sở giáo dục liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, các đơn vị, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tổ chức giảng dạy tiếng Anh.

3.Y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong những tháng cuối năm cơ bản đã được kiểm soát, công tác phòng chống dịch tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện nhằm mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tính đến ngày 28/12/2021, toàn tỉnh ghi nhận 40.285 trường hợp mắc bệnh Covid-19 (40.244 ca trong cộng đồng và 41 ca nhập cảnh), đang cách ly tập trung 84 ca, cách ly tại nhà 1.082 ca, đã điều trị khỏi cho 38.390 ca, có 803 ca tử vong.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 cụ thể như sau: Bệnh sốt xuất huyết (giảm 1,4% so với cùng kỳ); bệnh tay chân miệng (tăng 285,8%); bệnh quai bị (giảm 72,2%); bệnh thủy đậu (giảm 11,7%); bệnh tiêu chảy (giảm 32,4%); bệnh cúm (giảm 25,2%); bệnh lao phổi (giảm 21,8%); sởi lâm sàng (giảm 83,6%).

Tính từ đầu năm có 4 ca tử vong, số ca chết đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể gồm: 2 ca chết do bệnh dại (tăng 2 ca); 1 ca chết do bệnh tay chân miệng (tăng 1 ca) và 1 ca chết do bệnh sốt xuất huyết (tăng 1 ca). Tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ đầu năm đến nay là 265 ca, giảm 77 ca so với cùng kỳ. Trong năm, trên địa bàn tỉnh Long An không xảy ra ngộ độc thực phẩm.

4.Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình của tỉnh năm 2021 ước đạt 1.725.752 người, tăng 0,71% so cùng kỳ. Trong đó, dân số trung bình nam đạt 861.495 người (tăng 0,71%), dân số trung bình nữ đạt 864.257 người (tăng 0,71%).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh năm 2021 ước đạt 1.025,5 nghìn người, giảm 0,37% so cùng kỳ. Trong đó, lao động là nam đạt 565,2 nghìn người (giảm 0,21%), lao động nữ đạt 460,3 nghìn người (giảm 0,56%).

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong năm 2021 ước đạt 977,6 nghìn người, giảm 1,79% so cùng kỳ. Trong đó, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 291,3 nghìn người (giảm 1,85%); lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 381,2 nghìn người (giảm 0,03%); lao động trong khu vực dịch vụ ước đạt 305,1 nghìn người (giảm 3,84%).

5. Văn hóa - thể thao

a. Văn hóa: Trong năm 2021, toàn tỉnh đã thực hiện treo 3.405 băng rôn, pano, áp phích và 254 cuộc tuyên truyền lưu động, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; tuyên truyền về công tác phòng chống Covid-19; tuyên truyền cài đặt ứng dụng Bluezone, Ncovi, Vietnam Health Declaration,... trong công tác phòng, chống dịch bệnh; côngtáchỗtrợ, thămtặngquà cho người dân tại các khu vực phong tỏa, cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức và tham gia các hoạt động văn nghệ như: Tổ chức biểu diễn vở cải lương "Thầy Ba Đợi" phục vụ nhân dân tại Đình Vạn Phước, huyện Cần Đước; tham gia Cuộc thi các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức; tham gia Liên hoan Xiếc toàn quốc tại Hà Nội; Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện thu âm, ghi hình phát sóng 12 tiểu phẩm và 10 bài ca cổ nội dung tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong dịp Tết Nguyên đán và thời điểm quý II, III, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nên một số hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật như chương trình văn nghệ họp mặt lãnh đạo cấp xã, họp mặt mừng Đảng mừng Xuân, họp mặt lãnh đạo Trung ương chúc tết lãnh đạo tỉnh, họp mặt doanh nghiệp, họp mặt đồng hương Long An tại Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình văn nghệ đêm giao thừa, Hội thi Đờn ca tài tử tỉnh Long An và các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật khác đều phải tạm dừng tổ chức.

b. Thể thao: Trong năm 2021 các hoạt động thể dục thể thao từ cấp tỉnh đến cơ sở đều tạm dừng hoặc lùi thời gian tổ chức.Công tác triển khai tổ chức Đại hội TDTT cấp cơ sở, cấp huyện, thị xã, thành phố bị gián đoạn trong thời gian dài.Công tác tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh và kế hoạch thi đấu các giải thể thao quốc gia bị tạm dừng, do đó ảnh hưởng đến thành tích, chỉ tiêu theo kế hoạch của các địa phương và của tỉnh đề ra.Việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao và Đề án phát triển phong trào TDTT quần chúng tỉnh Long An năm 2021 cũng bị ảnh hưởng. Ước đến cuối năm 2021, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 33,5%; số hộ gia đình thể thao đạt 25,7%; số học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, công trình giáo dục thể chất đạt 100% so với chỉ tiêu.

6. Tình hình cháy nổ và bảo vệ môi trường

a. Cháy, nổ: Trong quý IV năm 2021 (từ 15/9/2021 đến 14/12/2021) trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy, nổ (tăng 2 vụ so quý trước và tăng 1 vụ so cùng kỳ), có 1 người chết (tăng 1 người so với quý trước và giảm 1 người cùng kỳ). Lũy kế đến ngày 14/12/2021 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy (giảm 2 vụ so cùng kỳ năm trước); có 1 người chết (giảm 1 người); tổng giá trị thiệt hại là 8.430 triệu đồng (giảm 18.905 triệu đồng so cùng kỳ).

b. Bảo vệ môi trường: Trong quý IV năm 2021 trên địa bàn tỉnh không có vụ việc vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (bằng so quý trước và giảm 4 vụ so cùng kỳ); tổng số tiền phạt là 0 triệu đồng (bằng so quý trước và giảm 287 triệu đồng so cùng kỳ).

Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử phạt 17 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường (giảm 18 vụ so với cùng kỳ năm trước); tổng số tiền phạt là 3.000 triệu đồng (giảm 1.644 triệu đồng so cùng kỳ).

7. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trong quý IV năm 2021 (từ 16/9/2021 đến 15/12/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông (tăng 40 vụ so quý trước và bằng so cùng kỳ); làm chết 24 người (tăng 11 người so quý trước và giảm 3 người so cùng kỳ); bị thương 32 người (tăng 28 người so quý trước và tăng 2 người so cùng kỳ).

Trong năm 2021 (từ 16/12/2020 đến 15/12/2021) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 128 vụ tai nạn giao thông, giảm 40 vụ so cùng kỳ năm trước; làm chết 71 người, giảm 30 người; bị thương 78 người, giảm 27 người so cùng kỳ./.

[1] Theo công văn 1796/TCTK-TKQG ngày 30/11/2021 của Tổng Cục Thống Kê.

[2] Tốc độ tăng trưởng GRDP qua các năm: Năm 2011 tăng 12,98%, Năm 2012 tăng 7,93%, Năm 2013 tăng 7,67%, Năm 2014 tăng 8,62%, Năm 2015 tăng 8,67%, Năm 2016 tăng 9,72%, Năm 2017 tăng 9,82%, Năm 2018 tăng 10,59%, Năm 2019 tăng 9,66%, Năm 2020 tăng 5,69%, Năm 2021 ước tăng 1,02%.



Cục Thống kê tỉnh Long An

  • Tổng số lượt xem: 3459
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)