Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/09/2005-17:22:00 PM
Tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2005

1. Tình hình chung:
Tháng 9 năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 40.795 tỷ đồng tăng 19,8% so với cùng kỳ và tăng 3% so với tháng 8/2005. Trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,1%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 25%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 26,9% so cùng kỳ.
Cộng dồn 9 tháng đầu năm 2005 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 308.622 tỷ đồng tăng 16,5% so cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 9,6% (chiếm 34,5%), khu vực ngoài quốc doanh tăng 24,8% (chiếm 29,4%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,2% (chiếm 36%) (trong đó Tcty dầu khí giảm 8%, các ngành khác tăng 26,7%).
Chín tháng đầu năm 2005 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN toàn ngành đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành (16%) là than sạch tăng 20,9%; thuỷ sản chế biến tăng 16,6%; các sản phẩm hoá chất là phân hoá học tăng 38%, xút NaOH 28,7%; các sản phẩm vật liệu xây dựng là thép cán 18,6%, sứ vệ sinh 17,7%; các sản phẩm điện tử, cơ khí chế tạo như máy công cụ tăng 39,6%, động cơ điện 16%, ôtô các loại tăng 46,9% so cùng kỳ năm ngoái.
Các sản phẩm có mức tăng trưởng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành gồm: điện sản xuất tăng 14%, xi măng tăng 14,2%, gạch xây 7,3%, gạch lát 13,5%, khí đốt thiên nhiên 6,4%, sữa hộp 15,6%, bột ngọt 13,7%, bia 13,7%, thuốc lá bao 6,2%, xà phòng các loại 4,8%, thuốc trừ sâu 13,7%, thuốc viên các loại 12,2%, ắc quy 0,8%, giấy bìa các loại 11,4%, vải lụa thành phẩm 0,1%, quần áo may sẵn 11,9%, quần áo dệt kim 5,2%, xe máy 14,7%, quạt điện dân dụng tăng 11,3% so cùng kỳ.
Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ có dầu thô đạt 91%, ga hoá lỏng 99,6%, đường mật các loại 85,4%, thuốc ống đạt 95,7%, động cơ diezen 76,5%, máy biến thế 91,9%, xe đạp hoàn chỉnh 91,9%, tivi các loại đạt 90% so cùng kỳ.
Theo vùng lãnh thổ chín tháng đầu năm 2005 một số địa phương có ngành công nghiệp phát triển chiếm tỷ trọng cao so với cả nước đạt mức tăng trưởng về GTSXCN so cùng kỳ cao hơn kế hoạch toàn ngành như Hà Nội tăng 16,1% (chiếm tỷ trọng 7,6%), Hải phòng tăng 17,6%, Vĩnh Phúc tăng 37,1%, Hà Tây tăng 18,6%, Hải Dương tăng 31,2%, Quảng Ninh tăng 17,9%, Đà Nẵng tăng 18,8%, Khánh Hoà tăng 16,9%, Bình Dương tăng 33,8% (chiếm 8,4%), Đồng Nai tăng 21,7% (chiếm 8,3%), Cần Thơ tăng 26,2%. Tuy nhiên một số địa phương chiếm tỷ trọng lớn đạt tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn kế hoạch cả nước gồm: Tp. Hồ Chí Minh tăng 14% (chiếm tỷ trọng 24,3%), Phú Thọ tăng 13,7%, Thanh Hoá tăng 10%, Bà rịa – Vũng Tàu tăng 13% (chiếm 9,4%).


Một số nhận xét chung:
Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2005 đạt 16,5% vượt kế hoạch đề ra cho cả năm (16%), tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại sau:
- Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt mức tăng trưởng thấp so cùng kỳ (9,5% so với mức tăng 9 tháng năm 2004 là 12,2%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã vượt mức kế hoạch toàn ngành nhưng khai thác dầu thô vẫn giảm 9% so cùng kỳ, đồng thời khai thác khí cũng tăng thấp so cùng kỳ và sản xuất gas hoá lỏng giảm so cùng kỳ.
- Về tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp: nhiều sản phẩm công nghiệp chính có mức tăng trưởng thấp hơn mức kế hoạch đề ra (chiếm 19/36 sản phẩm thống kê chính như điện, xi măng, bia, ...) hoặc giảm so cùng kỳ (chiếm 8/36 sản phẩm như dầu thô, lắp ráp tivi, xe đạp...). Đối với thị trường xuất khẩu một số mặt hàng xuất khẩu chính như dầu thô, dệt may, xe đạp và phụ tùng có mức tăng chậm hoặc giảm so cùng kỳ.
- Theo vùng lãnh thổ: phần lớn các tỉnh, thành phố chiếm tỷ trọng GTSXCN khá lớn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra cho toàn ngành (với 11/15 tỉnh thống kê), trong đó có Hà nội, Bình Dương, Đồng Nai thì một số tỉnh và thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Bà rịa-Vũng Tàu,... tiếp tục đạt mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch toàn ngành. Đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 25-26% GTSXCN cả nước đã có mức tăng trưởng khá hơn các tháng đầu năm nhưng vẫn thấp so với cả nước (14%).
- Trong tháng 8 do tình hình giá xăng dầu trên thế giới tăng cao nên Bộ Tài chính đã cho phép tăng mức xăng dầu bán lẻ (trong đó xăng Mogas 92 lên 10.000 đ/l, dầu diesel lên 7500 đ/l), việc tăng giá xăng dầu sẽ làm giảm gánh nặng bù lỗ từ ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực làm tăng chi phí sản xuất của các ngành sản xuất khác, vì vậy các doanh nghiệp phải áp dụng mọi biện pháp để giảm chi phí sản xuất đảm bảo mức tăng trưởng chung của ngành.
- Trong các tháng cuối năm cần tích cực triển khai hoàn thành một số dự án lớn như xi măng Sông Gianh, Hải phòng mới, Nhà máy sản xuất phôi và cán thép Phú Mỹ, kẽm điện phân Thái nguyên, điện Cao ngạn,...Tiếp tục triển khai theo tiến độ các dự án lớn khác như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khí - điện - đạm Cà Mau, thuỷ điện Sơn La, thuỷ điện Tuyên Quang, Tổ hợp đồng Sin Quyền,...
- Về tăng trưởng công nghiệp toàn ngành cả năm 2005 theo đánh giá có thể đạt 16,5-17% (trong đó khu vực nhà nước tăng 10-11%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 25-26%, khu vực ĐTNN tăng 16-17%).


2. Tình hình cụ thể các ngành:
Chín tháng đầu năm 2005 tình hình sản xuất một số ngành công nghiệp chủ yếu như sau:
- Điện sản xuất ước đạt 39 tỷ kwh tăng 14% so cùng kỳ, trong đó Tcty điện lực đạt 31 tỷ Kwh tăng 2,4%, điện mua ngoài chiếm 20,7% sản lượng toàn ngành và đạt 8 tỷ Kwh tăng 102,1% so với cùng kỳ do ngoài các nguồn điện cũ như Hiệp Phước, Vedan có thêm dự án điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2-2 đi vào hoạt động và cung cấp điện ổn định lên lưới quốc gia, ngoài ra một phần điện được mua từ Vân Nam (Trung Quốc) để cung cấp cho tỉnh Lào Cai và Hà Giang.
Hiện nay mực nước hồ Hoà bình và các hồ thuỷ điện khác đã tích đủ nước, cung cấp ổn định cho hệ thống và góp phần xả lũ thượng nguồn.
- Dầu thô khai thác đạt 13,68 triệu tấn giảm 9% so cùng kỳ (nguyên nhân do giới hạn kỹ thuật của các mỏ hiện có không thể tăng được sản lượng, trong khi các mỏ mới phát hiện có trữ lượng thấp). Khí thiên nhiên đạt trên 4,9 tỷ m3 tăng 6,4% so cùng kỳ, khí hoá lỏng đạt 270 nghìn tấn giảm 0,4%.
- Than sạch khai thác duy trì mức tăng trưởng cao đạt 22,8 triệu tấn tăng 20,9% cùng kỳ, trong đó Tổng công ty than đạt 21,7 triệu tấn tăng 21,3% với cùng kỳ do có thị trường xuất khẩu tốt.
- Vào thời điểm cuối năm các công trình xây dựng bắt đầu đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nên các sản phẩm vật liệu xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao như:
+ Thép cán đạt 2,58 triệu tấn tăng 18,6% cùng kỳ, trong đó khu vực nhà nước đạt 842 ngàn tấn tăng 7,8%, khu vực ngoài quốc doanh đạt trên 1 triệu tấn tăng 41,3%, khu vực ĐTNN đạt 661 nghìn tấn tăng 4,4% so cùng kỳ.
+ Xi măng đạt 20,5 triệu tấn tăng 14,2% so cùng kỳ, trong đó khu vực nhà nước sản xuất đạt 13 triệu tấn tăng 11,2%, khu vực ĐTNN đạt 6,1 triệu tấn tăng 16,1%.
- Giấy các loại đạt 641 nghìn tấn tăng 11,4%, trong đó 2 khu vực chiếm tỷ trọng cao là quốc doanh đạt 208 nghìn tấn tăng 15,7%, ngoài quốc doanh đạt 410 nghìn tấn tăng 8,5%.
- Vải lụa thành phẩm đạt 371 triệu m tăng 0,1% so cùng kỳ, quần áo may sẵn đạt 726,4 triệu cái tăng 11,9%, quần áo dệt kim đạt 93,8 triệu cái tăng 1,4%. Hàng dệt may tiếp tục gặp khó khăn trong xuất khẩu nên có tốc độ tăng trưởng chậm.
- Phân hoá học đạt 1,69 triệu tấn (chưa tính phân NPK) tăng 38% do có nhà máy đạm Phú Mỹ đi vào sản xuất cung cấp phân urê cho thị trường trong nước.


3. Về xuất nhập khẩu hàng công nghiệp:
a. Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng ước đạt 23,5 tỷ USD tăng 21,1% so cùng kỳ và đạt 76,5% kế hoạch năm, trong đó hàng công nghiệp đạt khoảng 16,7 tỷ USD.
Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu gồm: dầu thô đạt 13,3 triệu tấn giảm 9,3%, than đá đạt 11,3 triệu tấn tăng 3,1%, hàng dệt may đạt trên 3,5 tỷ USD tăng 4,3%, hàng giày dép 2,2 tỷ USD tăng 12,3%, hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 1 tỷ USD tăng 34,1%, dây và cáp điện đạt 357 triệu USD tăng 29,6%, sản phẩm nhựa đạt 257 triệu USD tăng 46%, xe đạp và phụ tùng đạt 111 triệu USD giảm 35%, hàng thủ công mỹ nghệ đạt 406 triệu USD tăng 9,8%, sản phẩm gỗ đạt 1076 triệu USD tăng 47,4%.
b. Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 9 tháng ước đạt 27,4 tỷ USD tăng 19,2% so cùng kỳ trong đó chủ yếu là máy móc thiết bị, nhiên liệu và nguyên liệu cho ngành công nghiệp.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm ôtô nguyên chiếc đạt 14266 chiếc giảm 11% so cùng kỳ, linh kiện và phụ tùng ôtô đạt 658 triệu USD tăng 80,2%, linh kiện xe máy đạt 368 triệu USD tăng 26,4%, xăng dầu các loại 8,9 triệu tấn tăng 8,2%, phân bón đạt 2 triệu tấn giảm 27% (trong đó phân urê đạt 550 nghìn tấn), thép các loại đạt 4,2 triệu tăng 14,3% (trong đó phôi thép đạt 1,7 triệu tấn tăng 8%), giấy các loại đạt 421 nghìn tấn tăng 23,2%, bông các loại đạt 129 nghìn tấn tăng 20%, sợi các loại đạt 161 nghìn tấn tăng 0,2%, vải đạt 1,7 tỷ USD tăng 18,7%, nguyên liệu dệt may da đạt gần 1,64 tỷ USD tăng 0,8%, máy móc và phụ tùng đạt 3,8 tỷ USD giảm 1,7%, hoá chất các loại đạt 625 triệu USD tăng 30%, chất dẻo nguyên liệu đạt 905 ngàn tấn tăng 10%, linh kiện điện tử và máy vi tính đạt trên 1,2 tỷ USD tăng 35,8%.


Vụ Kinh tế công nghiệp

    Tổng số lượt xem: 1321
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)